VIỆT NAM Máu Lửa Quê Hương Tôi
Tác giả: Hoành Linh Đỗ Mậu
Chương 14
Ông Diệm vừa tuyên bố khai sanh nền Cộng Hòa thì vào cuối năm 1956, ông Ngô Đình Thục cho xây cất tại thị xã Vĩnh Long (gần tòa Giám mục của ông ta) một Trung tâm Huấn luyện Nhân Vị. Khi lớp huấn luyện đầu tiên bắt đầu khai giảng, ông Ngô Đình Thục bèn cho xây cất thêm những quán ăn, quán giải khát gần trường để khóa sinh ăn uống, giải lao, hầu thu lợi.
Rồi từ đó, ông Thục bắt Tỉnh trưởng lấy đất, lấy vật liệu, lấy công quỹ của Tỉnh này để xây 50 căn nhà, mỗi căn cho thuê 2.000 đồng một tháng hay là bán đứt với giá 50.000 đồng. Vì đã có chủ mưu từ trước nên ông Ngô Đình Thục sắp xếp cho những nhà cửa của Trung tâm Nhân Vị, các quán ăn và 50 căn nhà mới xây thành một trung tâm thương mại mới tại Vĩnh Long để thu hút thương gia các nơi đổ về mua hết các căn phố mới xây. Nhờ vậy, ông Ngô Đình Thục kiếm hơn hai triệu rưỡi đồng bạc một cách dễ dàng mà hầu như không bỏ ra bao nhiêu trong vốn đầu tư.
Đó là áp phe làm tiền công khai đầu tiên của Tổng giám mục Ngô Đình Thục mà kết quả cho thấy là khả năng buôn bán và đầu óc lý tài e rằng còn xuất sắc hơn cả khả năng và đầu óc lo cho giáo phận. Sự thành công ban đầu đó như những khích lệ kim tiền khác, sau này sẽ được khuếch đại ra ở tầm mức quốc gia và ở nhiều lãnh vực rộng lớn hơn.
Ông Ngô Đình Thục đã ngụy trang con người chính trị của ông ta bằng một con người nặng lòng với nền giáo dục Thiên Chúa giáo để ông dễ dàng nhân danh tôn giáo và văn hóa xông xáo vào việc làm tiền, vào những hành động tham nhũng. Ông Nguyễn Thái, một trí thức Công giáo, cho biết rằng theo nguyên tắc thì tất cả hàng giám mục Việt Nam đều có quyền tham dự vào việc quản trị trường Đại học Đà Lạt, nhưng trên thực tế, ông Thục đã giữ lấy độc quyền điều khiển nhà trường về mặt giáo dục lẫn tài chánh [7]. Không riêng trường đại học Đà Lạt mà ngay cả khách sạn Caravelle, khách sạn lớn nhất giữa Trung tâm Sài Gòn, thời đó cũng do ông Thục một mình nắm giữ lấy việc quản trị tài chánh cho đến sau ngày lật đổ chế độ Diệm mới được giao lại cho Giáo Hội do Đức cha Bình làm chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Tại Sài Gòn, Tổng giám mục Ngô Đình Thục có thương xá Tax đường Nguyễn Huệ, một trung tâm thương mại nổi tiếng nhất thời Ngô Đình Diệm, nhà sách Xuân Thu đồ sộ ở đường Tự Do, một cư xá cho thuê ở đường Trần Hưng Đạo, và một ngôi biệt thự sang trọng ở bên kia bờ sông Thị Nghè đối diện với Sở Thú. Biệt thự này có vườn rộng, hồ tắm sang trọng, bến đậu cho thuyền trượt nước, và cây cảnh trong vườn thì được tổ chức trồng trọt như một công viên. Dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu, ngôi nhà này cho các Tòa Đại sứ ngoại quốc thuê, vì thế, một hôm ông bà Trần Văn Đỗ, ông bà Huỳnh Ngọc Anh (hiện ở Hải ngoại), một số nhân vật ngoại giao đoàn và tôi được Đệ Nhất Tham Vụ Tòa Đại sứ Đức mời ăn cơm tại ngôi biệt thự này của ông Ngô Đình Thục, nên tôi mới biết tính cách xa xỉ và hoang phí của ngôi biệt thự nguyên là của một nhà tu hành.
Trong việc làm tiền của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, có lẽ việc độc quyền khai thác gỗ ở Long Khánh và những khu rừng dọc đường Sài Gòn-Đà Lạt là dịch vụ lớn lao nhất. Người Việt Nam ta có câu nói “rừng vàng bể bạc” để chỉ cái nguồn lợi to lớn về lâm sản và hải sản của đất nước, cho nên Tổng giám mục Thục và vợ chồng Nhu đã nắm lấy quyền khai thác cây gỗ tại địa phương nổi tiếng nhất về gỗ quý đó. Công tác bảo vệ an ninh cho thợ rừng do quân đội và chính quyền địa phương phụ trách mãi cho đến năm 1961, vì Việt Cộng gia tăng hoạt động và tấn chiếm những khu rừng này nên chính quyền địa phương không bảo đảm nổi an ninh, vì thế nên anh em ông Diệm bèn cho phép nhóm khai thác cây gỗ cứ đóng thuế cho Việt Cộng để việc làm ăn được trôi chảy. Việc làm giàu phi pháp này của anh em ông Diệm đã được Đại úy Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên của Tổng thống Diệm trình bày:
... Từ đó, công việc khai thác làm gỗ ở Long Khánh, Định Quán, Đức Cha không nhờ vả quân đội giữ an ninh nữa. Trong giai đoạn này tình hình chiến tranh sôi sục lắm rồi.
Bọn người được Đức Cha giao việc khai thác gỗ trở lên giàu có. Chúng nó nói rằng chúng gặp Việt Cộng hàng ngày, vui vẻ lắm không việc gì đáng lo vì đóng thuế rất sòng phẳng. Tuy nhiên, tôi không hiểu đóng thuế như thế nào, bao nhiêu. Số gỗ chở về nhiều lắm, xe xúc không ngày nào dừng bánh nghỉ ngơi.
Trong thời gian đó, những người chuyên sống về nghề gỗ rất đỗi ngạc nhiên. Họ được Chính phủ cho khai thác những vùng rừng không lấy gì đẹp, gỗ tốt lại ít, bị Việt Cộng quấy nhiễu nên có người phải giải nghệ vì phải đóng thuế nặng.
Thế mà Đức Cha Thục và bộ hạ vẫn đốn gỗ hàng ngày, lập trại ngay trong rừng, cơ sở càng ngày càng lớn, khi vỡ lẽ ra thì bọn đàng dưới của Đức Cha tiếp xúc với Việt Cộng rất thân và đóng thuế với một số tiền vượt mức cho hàng ngàn mét gỗ.
Đến cuối năm 1962, Tổng thống Diệm bắt đầu bực mình về công việc khai thác gỗ của Đức Cha. Tổng thống Diệm đã có lần xin Đức Cha dừng lại cho dân chúng làm. Đức Cha giận Tổng thống, không nói năng gì cả bỏ về Vĩnh Long rồi ra thẳng Huế. Đức Cha giận chuyện này lắm nên nói lại với cậu Cẩn, vì thế cậu Cẩn lo lắng đêm ngày sợ Tổng thống bất thần không cho cậu Cẩn độc quyền khai thác quế ở Quảng Ngãi thì bực mình lắm [8].
Việc ông Ngô Đình Thục và vợ chồng Ngô Đình Nhu độc quyền khai thác gỗ trong Nam đã làm cho Bộ trưởng Canh Nông Lê Văn Đồng (hiện ở Pháp) bị ông Ngô Đình Cẩn thù ghét ra mặt mặc dù ông Đồng là ủy viên Trung ương Đảng Cần Lao. Ông Cẩn cho rằng ông Đồng chỉ lo phục vụ quyền lợi “nông lâm súc” cho ông Thục và ông Nhu mà không đếm xỉa đến ông Cẩn nên ông phải biểu lộ thái độ bất mãn của mình cho Đồng biết. Một hôm, ông Đồng được Tổng thống Diệm phái ra Quảng Trị để quan sát và nghiên cứu tình hình “nông lâm súc” của tỉnh này. Được tin, ông Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đông (Công giáo Phú Cam) phải hạ nhục Bộ trưởng Đồng bằng cách không thèm tiếp đón ông ta. Không có Tỉnh trưởng tiếp đón để trình bày và thảo luận công việc, Trưởng sở Nông Lâm Súc lại không dám chuyên quyền, nên Bộ Trưởng Đồng lủi thủi lên máy bay trở về Sài Gòn mang theo mối hận nhục. Tôi vốn không quen biết ông Đồng nhưng vì lý do công vụ nên có gặp ông vài lần tại văn phòng Bộ trưởng để từ đó dần dần trở nên quen biết. Nhiều lần Bộ trưởng Đồng đã tâm sự với tôi về nỗi bất mãn chán chường của ông trước sự thối nát của anh em ông Diệm, và trước sự lộng hành của nhóm “Công giáo Cần Lao”.
Vụ anh em ông Diệm dùng xương máu binh sĩ và đóng thuế cho Việt Cộng để làm giàu vừa kể trên đây đã không được ông Cao Thế Dung, nhà trí thức Công giáo đề cập đến trong tác phẩm Làm thế nào để giết một Tổng thống. Trái lại, toàn bộ cuốn sách chỉ có mục đích đề cao đạo đức của toàn thể anh em nhà Ngô và chỉ trích Phật giáo, đảng phái và mạt sát các tướng lãnh đã lật đổ chế độ Diệm. Phải mãi đến năm 1984, tại hải ngoại, dưới đề mục Những bài học xương máu và họa chia rẽ phân hóa, Cao Thế Dung mới chịu nêu lên tội ác của anh em nhà họ Ngô:
Theo đúng sách lược của Lê nin từ 1955, Cộng Sản đã chuẩn bị gây chiến tại miền Nam. Việc đầu tiên là chúng xâm nhập vào hàng ngũ quốc gia. Thứ nhất là qua ngả quyền lực và tham nhũng của chính quyền. Tháng 11 năm 1959, Lữ đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi là tư lệnh hành quân vào chiến khu D nơi mà Trung đoàn 10 của Sư đoàn 7 trước đó bị Cộng quân gây tổn thất nặng. Trên đường hành quân vào nơi cấm địa như chiến khu D, Lữ đoàn Dù ngạc nhiên thấy xe chở gỗ và thợ đốn củi vẫn làm ăn tự nhiên như ở nơi thanh bình. An ninh Lữ đoàn lấy làm lạ, bắt bọn xe be và thợ rừng để điều tra, sau đó được biết đây là hệ thống đốn cây làm ăn bất chánh do Sáu Tợ đứng đầu nhưng lại hùn hạp với người anh em của Tổng thống, hệ thống làm ăn có 2 Trung đội Biệt kích giữ an ninh. Đây là thời Bộ Canh Nông Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền Lê Văn Đồng nổi tiếng về các vụ đốn rừng làm cây. Ít lâu sau An ninh Tình báo bắt Tô Kim Điền, Trưởng ty Công chánh Bình Tuy (1959). Điền nằm trong hệ thống kinh tài tình báo của Cộng Sản tại tỉnh Thái Bình từ năm 1945, di cư về Thành được anh vợ là Tỉnh trưởng Nam Định cất nhắc từ một anh “đặc đồ” được thăng cán sự công chánh. Năm 1954 di cư vào Nam, Điền gia nhập đảng Cần Lao qua ngả ông Cẩn, Điền được bổ nhiệm Trưởng ty Công chánh Bình Tuy là tỉnh Tân Lập, một tỉnh chiến lược lại được thăng lên hàng Kỹ sư đồng hóa. Việc đầu tiên của Điền là loại ngay những nhân viên có tư tưởng chống Cộng và đặc biệt dân Bắc di cư. Anh vợ của Điền đang làm Giám đốc Xổ số Kiến thiết, tức ông N.V.Ph (cựu Tỉnh trưởng Nam Định).
Đây chỉ là một thí dụ rất nhỏ trong hàng ngàn thí dụ về việc Việt Cộng cài người vào chính quyền. Chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa không ưa đảng phái cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng cũng một phần lớn do Cộng Sản giật dây, thời Đệ Nhị Cộng Hòa còn thê thảm hơn...[9].
Đúng như ông Cao Thế Dung đã nói, đó chỉ là một thí dụ rất nhỏ trong hàng ngàn thí dụ về việc Cộng Sản cài người vào tham nhũng và chính quyền mà tướng lãnh biết rất rõ, và cũng nhờ họ biết chế độ quá nhiều, họ ưu tư cho quốc gia quá nhiều họ mới phải đứng lên lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chỉ tiếc cho ông Cao Thế Dung biết vụ anh em ông Diệm lợi dụng xương máu binh sĩ để làm giàu, đóng thuế và bắt tay với Việt Cộng để làm giàu quá muộn, nếu không thì có lẽ ông Cao Thế Dung đã không bao giờ viết cuốn “Làm thế nào để giết một Tổng thống” hầu bênh vực Ngô triều và không ngoan cố một cách tội nghiệp cho tái bản tập sách này nhiều lần tại hải ngoại.
Dù sao thì chậm còn hơn không vì sự thật đau thương của dân tộc dưới chế độ ông Diệm cũng đã được ông Cao Thế Dung nói ra. Chỉ tiếc rằng ông nói ra chưa hết lời và chưa hết sự thật. Tôi muốn nói rằng không phải Sáu Tợ là người cầm đầu việc đốn cây làm rừng, y chỉ là người đại diện cho ông Ngô Đình Thục và vợ chồng Ngô Đình Nhu. Bởi vì chỉ có Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục cầm đầu hệ thống đốn cây làm rừng thì Bộ trưởng Canh Nông mới phải hết lòng phục vụ, thì quân đội mới biệt phái binh sĩ giữ gìn an ninh cho thợ rừng, còn Sáu Tợ cầm đầu thì sức mấy mà chính quyền và quân đội phải yểm trợ. Lại còn phải nói thêm là cách hành văn của ông Cao Thế Dung làm cho người đọc có cảm tưởng chính Sáu Tợ và Bộ trưởng Lê Văn Đồng là những kẻ có tội nhưng sự thật thì hai nhân vật này chỉ là nạn nhân của chế độ; cũng như các đảng phái cách mạng được ông Dung nêu ra là nạn nhân trong chủ trương phân hóa và chia rã của chế độ chứ không phải do “Cộng Sản giật dây” như ông Cao Thế Dung đang tìm cách biện hộ.
Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục không từ bỏ một hành động bần tiện nào trong việc làm tiền. Ông ta đã nhờ Tổng thống Diệm ra lệnh cho Đại tá Phùng Ngọc Trưng (hiện ở Pháp), đang chỉ huy ngành Quân Nhu ở Quân khu I, phải mua nước mắm thối của các bà “sơ” ở Phan Thiết, thứ nước mắm lâu ngày không bán được, bị hư thối để bán lại cho gia đình binh sĩ. Tất nhiên Đại tá Trưng phải thi hành lệnh trên để rồi chịu lấy sự nguyền rủa của vợ con binh sĩ. Ngô Đình Thục còn bắt thân phụ Tướng Trần Văn Đôn, là Đại sứ Việt Nam tại Ý Đại Lợi, phải đứng tên cho các chương mục tại các ngân hàng ngoại quốc dùm Thục, nhưng ông Đại sứ nhất định từ chối, không chịu làm tay sai cho một nhà tu hành bất lương. Ông Diệm không những biết được sự từ chối này mà còn biết cả thái độ khinh bỉ của ông Đại sứ nên năm ngày sau, ra lệnh cất chức Đại sứ mặc dù hai gia đình đã từng quen nhau lâu ngày [10]. Nhưng nếu ông Đại sứ họ Trần không chịu làm tay sai cho ông Ngô Đình Thục trong việc chuyển tiền vào Ngân hàng ngoại quốc thì đã có nhiều người khác sẵn sàng lo, trong đó có cả các linh mục người Ý Đại Lợi. Năm 1965, báo chí ở Ý và ở Pháp đã làm ồn ào lên về vụ một linh mục người Ý cướp của ông Ngô Đình Thục 98 ngàn đô la trong chương mục do linh mục Ý này đứng tên đã là một bằng chứng rõ rệt về chuyện ông Thục chuyển tiền ra nước ngoài. Tất nhiên ông Ngô Đình Thục phải có nhiều chương mục khác nhau tại nhiều quốc gia khác nhau, và do nhiều người khác nhau đứng tên như trường hợp vợ chồng Ngô Đình Nhu mà tôi sẽ đề cập đến sau này.
Vụ tu bổ nhà thờ La Vang tuy là một công tác cho tôn giáo cũng đã trở thành một cơ hội cho Tổng giám mục Ngô Đình Thục làm tiền. Tập san Đức Mẹ La Vang số phát hành năm 1962 trình bày một danh sách dài tên tuổi những “ân nhân” đã cúng tiền cho việc kiến thiết nhà thờ. Từ Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ trở xuống, dù Công giáo hay không (nghĩa là có hay không có liên hệ đến nhà thờ La Vang) đều có tên trong bảng danh sách đó. Ông Ngô Đình Thục lại còn tổ chức xổ số Tombola rồi giao cho cảnh sát để lợi dụng các vụ xe cộ phạm luật đi đường, ép tài xế phải mua vé Tombola của ông Thục tổ chức thay vì nạp tiền phạt cho Chính phủ. Trong việc nhà thờ La Vang này, chẳng những ngân sách quốc gia đã mất đi số tiền phạt xe lại còn mất cả số tiền vé xe hỏa vì nhân ngày lễ khánh thành “Trung tâm Đức Mẹ La Vang”, Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã can thiệp để nha Hỏa Xa hạ giá một nửa vé xe để khuyến khích dân chúng đi dự lễ tại La Vang cho đông [11]. Rõ ràng chẳng những ông Thục luôn luôn dựa vào uy quyền của người em làm Tổng thống để hối mại quyền thế, mà còn lợi dụng danh nghĩa tôn giáo của ông ta, lợi dụng cả Đức Mẹ để làm tiền, không khác gì ông Huỳnh Văn Cao lợi dụng Đức Mẹ để được ông Diệm cho thăng quan tiến chức. Đối với những tên giáo gian đó thì Đức Mẹ chỉ là một chiêu bài cho chúng buôn bán.
Năm 1963, khi trú nhiệm tại giáo phận Huế, Tổng giám mục Ngô Đình Thục dự định lấy khu Cồn Hến và khu Ngự Viên tại Gia Hội để xây cất cơ sở tôn giáo và nhà riêng, nhưng việc đang tiến hành thì biến cố 1-11 xảy ra làm vỡ tan cái tham vọng muốn biến Cố Đô Huế thành căn cứ địa của ông Thục. Thật vậy, dân Huế đã biểu lộ sự tức giận mỗi lần Thục vi hành đến hai vùng này để quan sát, đo đạc và cho vẽ họa đồ. Nhất là mỗi lần ông Thục di chuyển thì không khác gì cung cách của một vị nguyên thủ Quốc gia, cũng tiền hô hậu ủng, cũng có đoàn xe mô tô hộ tống, xe cảnh sát trước sau hụ còi dẹp đường, trong khi đó thì dân chúng phải dạt ra hai bên đứng yên để khỏi làm mất cái uy nghi của nhà tu hành nổi tiếng bóc lột, tham nhũng và kỳ thị tôn giáo này.
Bất chấp nỗi cơ cực và phẫn uất của nhân dân, bất chấp sinh mệnh của đất nước đang bị Cộng Sản đe dọa, lòng tham vô đáy của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục cứ dựa vào chế độ mà trở thành to lớn hơn và vô liêm sỉ hơn. Ông Thục chỉ biết tiền, tiền và tiền. Tuy nhiên, những vụ kể trên vẫn chưa đáng kể khi so sánh với vụ Ngân Khánh xảy ra vào những ngày dao động cuối cùng của chế độ.
Ngày 29 tháng 6 năm 1963, ông Ngô Đình Thục tổ chức lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của ông ta. Thay vì tổ chức trong phạm vi tôn giáo và gia đình, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, trong mục đích làm tiền một vố thật lớn, đã biến lễ Ngân Khánh của mình thành một quốc lễ. Tại Thủ đô Sài Gòn, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục giao cho ông Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc hội, thành lập “Ủy Ban Trung Ương Mừng lễ Ngân Khánh” mà Lễ là chủ tịch và tất cả mọi ủy ban, mọi cơ cấu của định chế gọi là Quốc Hội đều tham dự vào việc đóng góp tiền bạc như tại Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình (hiện ở Mỹ) làm trưởng tiểu ban cho Bộ và cho các trường Đại học. Tại các Tỉnh hay thị xã thì Tỉnh trưởng hay thị trưởng làm trưởng ủy ban. Các Tiểu ban, Ủy ban... phải nhận một số phiếu dự tiệc mừng trị giá 5.000 đồng cho những người khá giả, cao cấp, và 2.500 đồng cho công chức như Chủ sự, Trưởng phòng hay sĩ quan cấp úy. Tất nhiên hạng người công chức, sĩ quan vốn không dư dả, và có ai muốn mất tiền cho một hành động tham nhũng đâu, nhưng rồi áp lực trực tiếp hay gián tiếp từ trên đè xuống quá nặng nề, nên cũng đành phải bóp bụng bỏ ra 2.500 đồng như cúng cô hồn để được yên thân.
Tuy không ai biết cái “áp phe Ngân Khánh” Tổng Giám mục Ngô Đình Thục thu hoạch được bao nhiêu nhưng cứ lấy con số các Bộ trưởng, Tổng giám đốc, Giám đốc, sĩ quan cấp Tướng, Tá, Dân biểu, Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng, giáo sư các trường đại học Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, các Chánh sự vụ, Chủ sự, Trưởng ty... của Đô thành Sài Gòn và 43 tỉnh, thị của miền Nam thì ta cũng đã có thể hình dung được số tiền to lớn như thế nào. Đó là chưa nói đến Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục còn bán vé bữa tiệc này cho thương gia, kỹ nghệ gia, chủ ngân hàng, chủ xí nghiệp Sài Gòn, Chợ Lớn và 43 tỉnh, thị tại miền Nam nữa, mà lớp người này không những chỉ mua vé bữa tiệc mà thôi, họ còn cúng thêm rất nhiều để được lòng Đức Cha. Tôi không nhớ ai đó đã cho tôi biết trong một bữa tiệc tại Chợ Lớn gồm toàn những Bang trưởng và đại phú gia Hoa Kiều, ông Thục không ngại ngùng tuyên bố: “Hôm nay tôi muốn “bóc lột” quý vị... để tôi có đủ số tiền lo việc văn hóa, xã hội...”. Câu tuyên bố nửa đùa nửa thật của vị Tổng giám mục Niên trưởng giáo hội Công giáo Việt Nam, lại là anh ruột của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, phải được các phú gia Hoa Kiều nghĩ là ngài muốn mình dốc hầu bao đóng góp từ bạc triệu trở lên. Biết biến lễ Ngân Khánh của mình thành một lễ chung cho cả nước để tiến hành kế hoạch làm tiền đại quy mô như thế, hẳn Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã thu được bạc tỷ và chắc chắn ông Thục xứng đáng được gọi là thứ người kinh doanh có đầu óc lý tài số một không những trong Giáo Hội mà còn cả trong toàn miền Nam nữa.
Tuy vậy điều quan trọng nhất của Lễ Ngân Khánh chưa phải là số bạc tỷ mà ông Thục đã thu lượm được, điều quan trọng trong liên hệ đến sinh mạng của chế độ là Tổng Giám mục Thục đã tổ chức lễ Ngân Khánh của ông ta như một quốc lễ ngay trong lúc cuộc đấu tranh của Phật giáo đến hồi sôi động, tạo cho cuộc đấu tranh của Phật giáo thêm chính nghĩa, thêm hào hùng, thêm được đa số nhân dân ủng hộ.
Vậy Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, người đã đóng góp một tay đẩy chế độ xuống vực sâu của lịch sử, là ai?
Sau cái chết của người anh trưởng là ông Ngô Đình Khôi vào năm 1945, ông Ngô Đình Thục trở thành người anh lớn nhất của dòng họ Ngô Đình, vì thế ảnh hưởng “quyền huynh thế phụ” của ông ta trên các người em thật to lớn. Vào thời ông Diệm làm Tổng thống, ông Thục giữ chức Tổng Giám mục, nghĩa là đứng đầu hàng giáo phẩm Việt Nam. Năm 1933, sau khi ông Diệm từ chức Thượng thư Bộ Lại, chính nhờ ông Thục bảo đảm và che chở mà ông Diệm được yên thân với người Pháp cho đến khi có đủ bằng chứng ông Diệm hoạt động cho quân đội Nhật, người Pháp và Phạm Quỳnh mới bắt ông ta. Năm 1949-1950, khi làm Giám mục ở Vĩnh Long, ông Thục đã vận động để ông Diệm được xuất ngoại đi dự lễ Năm Thánh tại Vatican nhưng thật sự là để đi Hoa Kỳ gặp Hồng Y Spellman, người bạn đồng khóa với Thục thời còn học tại Vatican. Nhờ sự tiến cử và gởi gấm đó mà Spellman mới giới thiệu ông Diệm với chính giới Hoa Kỳ. Như một số sách sử Mỹ, Pháp đã nêu ra, ông Ngô Đình Thục nắm vững được kỹ thuật vận động và khuynh loát chính trị mà không cần phải nắm chính quyền, như người bạn Spellman của ông ta vốn rất có ảnh hưởng với chính trường Hoa Kỳ nhưng bề ngoài thì vẫn tỏ ra chỉ quan tâm đến tôn giáo mà thôi. Trên thực tế thì dưới chế độ Ngô triều, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục là người có ảnh hưởng nhất tại miền Nam. Quyết định của ông ta là tiếng nói cuối cùng của gia đình vì không những cá nhân ông Diệm phải nghe lời ông Thục mà ông Thục lại biết lôi kéo vợ chồng Ngô Đình Nhu để ông Thục thêm vây thêm cánh. Và tuy không tham dự trực tiếp vào chính quyền, tại giáo phận Vĩnh Long trước kia cũng như tại Huế năm 1963, tư dinh của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục vẫn là trung tâm quyền lực to lớn để hàng ngày ông Thục tiếp những nhân vật quan trọng không khác gì ông Diệm tiếp quốc khách tại dinh Độc Lập hay dinh Gia Long.
Ông Ngô Đình Thục được Tổng thống Diệm kính nể và vâng lời nhưng khốn nỗi chính lòng tham lam tiền bạc của ông ta, tham vọng làm Hồng Y của ông ta và tinh thần kỳ thị Tôn giáo quá nặng nề của ông ta đã là những yếu tố đưa đẩy chế độ Ngô triều đến sụp đổ, và đưa đến tình trạng vong mạng của những người em đúng như nhận xét của người sĩ quan tùy viên thân tín nhất của ông Diệm:
Đức Cha Thục, một trong những người trong dòng họ quyền quý Ngô Đình, đã làm cho cán cân thiên lệch tôn giáo, làm cho những người ủng hộ xa lần chế độ. Nếu nói một cách phũ phàng thì Tổng thống Diệm là người nể Đức Cha Thục quá mức, Đức Cha Thục đã góp phần vào việc đưa Tổng thống Diệm đến nơi an nghỉ cuối cùng...[12].
Xét về trường hợp của ông Ngô Đình Thục, ta thấy rõ ràng ông tiêu biểu một cách trọn vẹn nhất cho sự tổng hợp của những tệ đoan mà Thực dân và Phong kiến đã để lại trên phong hóa nước ta: Tệ đoan hối mại quyền thế qua hệ thống đẳng cấp phong kiến của triều đình nhà Nguyễn lúc mạt vận, và tệ đoan dĩ công vi tư qua chính sách bòn rút tài nguyên của thực dân Bảo hộ lúc xua quân xâm chiếm nước ta. Vì thừa hưởng gia tài đó vào tận trong tim óc cho nên khi em lên làm Tổng thống là anh phải tận dụng quyền thế để biến của chung đất nước thành của riêng mình. Điều đáng buồn là chiếc áo tu sĩ và những năm dài học giáo lý Thiên Chúa giáo đã không đủ sức mạnh để đánh bật được những gốc rễ của các tệ đoan đã bám sâu vào tâm thức của Ngô Đình Thục, con chiên của Giáo Hội Việt Nam và Giáo hội La Mã.
Ông Ngô Đình Thục không phải chỉ tham tiền mà còn tham quyền hành và địa vị. Đầu năm 1956, sau khi ông Diệm truất phế Bảo Đại bước lên ngôi vị Tổng thống rồi, Giáo Hoàng Pie XII bèn thăng Đức Cha Nguyễn Văn Hiền lên chức Tổng Giám mục Sài Gòn. Quyết nghị của Đức Thánh cha làm cho anh em ông Diệm hết sức phẫn uất vì Giáo Hoàng đã không chấp thuận ứng viên mà ông Diệm đòi hỏi là người anh Ngô Đình Thục đang là Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.
Mối căm giận đối với Giáo Hoàng đã đưa ông Diệm lấy những biện pháp quyết liệt:
- Thông báo cho Tòa Thánh La Mã là từ nay tất cả các giáo sĩ ngoại quốc đến hành đạo tại Việt Nam phải tuyên thệ trung thành với ông Diệm bằng không sẽ được coi như là thành phần thân Cộng.
- Bắt giữ Giám mục Sieltz của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp, định bỏ tù ông ta nhưng Vatican can thiệp kịp thời.
- Ra lệnh cho sở kiểm duyệt phải kiểm soát những thư từ đến Vatican, mở những văn kiện của Tòa Thánh thông báo việc Đức Cha Hiền được thăng chức, làm phó bản những văn kiện ấy, giữ lại một thời gian trong khi Giám mục Ngô Đình Thục bay sang Rome để xin Giáo Hoàng phải thay đổi quyết định.
Dù vậy nhiều Giám mục, nhiều linh mục Việt Nam cũng đã biết được việc Giáo Hoàng thăng chức cho Đức Cha Hiền nên đã rao giảng cho các họ đạo, còn Đức Cha Hiền thì lên tiếng buộc tội ông Diệm đáng phải bị dứt phép thông công [13].
Tuy nhiên, như nhiều người vào thời đó đều biết rằng Đức Cha Hiền chỉ giữ chức vụ Tổng Giám mục Sài Gòn được vài tháng rồi bị thuyên chuyển lên Đà Lạt sống âm thầm để gậm nhấm mối tình đời bạc đen cho đến khi Ngài tạ thế. Còn Linh mục thân cận với Đức Cha như Cha Oánh, Cha Thiêng, Cha Của đều bị anh em ông Diệm vu khống đủ thứ tội, có vị bị đưa ra Tòa án (cha Của hiện nay là một Giám mục sống tại Hoa Kỳ).
Trình bày về gia đình họ Ngô, Hilaire du Berrier viết theo George Menant (trong tuần báo Paris Match ngày 23-11-1963) như sau:
Nền Gia đình trị của nhà Ngô như hậu quả đã cho thấy là chính quyền thì Ngô Đình Diệm, cảnh sát công an thì Ngô Đình Nhu còn vợ ông ta thì tham nhũng áp phe, ngoại giao thì Ngô Đình Luyện, buôn lậu lúa gạo thì Ngô Đình Cẩn. Lãnh vực tôn giáo thuộc về Ngô Đình Thục, một nhà tu hành mà làm chủ vô số đất đai, và tư dinh ông ta thì có trí súng phòng không. Nhưng cái mũ Hồng Y chưa phải là tham vọng cuối cùng của ông ta mà phải là ngôi vị Giáo Hoàng - phải là một Giáo Hoàng không thể kém hơn.
Theo truyền thống của Vatican, muốn chọn một Giáo Hoàng cầm đầu Giáo Hội La Mã thì vị Hồng Y được bầu lên phải xuất thân từ các quốc gia mà người Công Giáo phải là đại đa số. Cũng vì vậy mà chính quyền ông Diệm đã cho phát hành những bảng thống kê nói rằng tại Việt Nam có 70% dân số theo Thiên Chúa giáo, 20% theo đạo Phật và 10% thuộc các đạo linh tinh khác. Đáng lẽ những bảng thống kê thư thế vẫn được tiếp tục công bố nều không có một phái đoàn đại diện Tòa Thánh đến Việt Nam nhận thấy rằng cờ Phật giáo tung bay khắp nơi, con số 70% là Phật tử chứ không phải là giáo dân. Ông Diệm giận lắm nên mới có lệnh cấm treo cờ Phật giáo với bộ máy đàn áp không lay chuyển nổi, đưa đến việc tự thiêu công khai và đầy xúc động của các nhà sư...[14].
Những sự kiện trên đây không chỉ làm nổi bật lòng dạ Tham - Sân - Si vô độ của anh em nhà Ngô mà còn cho thấy họ luôn luôn là hàng người phản phúc. Mỗi lần quyền lợi cá nhân của họ không được thỏa mãn là họ phản bội ngay dù kẻ bị phản bội là một vị Giáo Hoàng. Họ đã phản bội nhà Nguyễn, Cựu Hoàng Bảo Đại, người Pháp, sau này họ phản bội người Mỹ, phản bội quân dân miền Nam, và cả ân nhân, bằng hữu, đồng chí, thuộc cấp đã từng ủng hộ hoặc phục vụ cho họ. Thời kỳ hành đạo ở Y Pha Nho, ông Ngô Đình Thục đã hai lần “phản loạn” để tranh chức Giáo Hoàng, bị Tòa Thánh trừng phạt nặng nề càng cho thấy bản chất phản bội vốn đã nằm sâu thẳm trong tâm can của anh em nhà Ngô [15]. Một con người, một Tổng Giám mục như thế mà trong cuốn sách “Làm thế nào để giết một Tổng Thống” ông Cao Thế Dung đã ca ngợi là đạo đức, là không dính vào chính trị!
-o0o-
Tuy Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục là một thứ sâu mọt đục khoét quốc gia như thế nhưng chủ trương tham nhũng của ông Ngô Đình Nhu lại còn ghê gớm hơn, và làm hại cho đất nước khủng khiếp hơn.
Ông Ngô Đình Nhu là một nhà khoa bảng, một nhà chính trị trông bề ngoài có vẻ khắc khổ. Trong những năm dưới thời chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954), vợ chồng ông ta đã phải sống một cuộc sống cần kiệm, không vương giả lắm. Dưới chế độ Diệm, lương Dân biểu của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 5, 6 chục ngàn, ông Diệm lại xuất tiền mật phí cho mỗi tháng một triệu đồng. Các viên chức trong phủ Tổng thống, cũng như tác phẩm “Những Ngày Chưa Quên” của Đoàn Thêm, cho biết vào những năm đầu của chế độ, ông Nhu sống thanh bạch, không có cả một văn phòng riêng để làm việc. Với những sự kiện ban đầu đó, lúc bấy giờ ai có ngờ được ông Ngô Đình Nhu sau này lại trở thành tay đại tham nhũng và sau 8, 9 năm cầm quyền, đã trở thành tỷ phú, của chìm của nổi đầy dẫy từ trong nước ra đến ngoài nước. Thì ra nhà khoa bảng Ngô Đình Nhu chỉ là kẻ đạo đức giả.
Tại Sài Gòn, vợ chồng Ngô Đình Nhu có hai biệt thự lớn, một ở góc đường Pasteur và Hiền Vương và một ở đường Phùng Khắc Khoan. Ngôi biệt thự lầu ở góc Hiền Vương Pasteur lúc đầu được ông Ngô Đình Nhu dùng để làm trụ sở trung ương đảng Cần Lao, nhưng mấy năm sau, vì đảng không họp hành gì nữa nên ông cho sửa sang lại rất đẹp và giao cho người nhà trông coi mà thôi. Ngôi biệt thự lầu tại đường Phùng Khắc Khoan có cái mái hiên lớn lợp bằng ngói ống rất mỹ thuật, trông bề ngoài thì thấy không lớn lắm nhưng lại là ngôi biệt thự vô cùng đồ sộ và rất sang trọng vì nó gồm hai dãy nhà lầu cách nhau ở giữa bằng một sân rất rộng, trồng nhiều hoa quý. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, những nhà của ông Nhu đều trở thành công sản, do đó dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, ngôi biệt thự tại đường Phùng Khắc Khoan được cấp cho tướng Đỗ Trí Cao, Tư lệnh quân đoàn III, làm tư dinh.
Tuy hai biệt thự lầu tại Sài Gòn đã là những ngôi nhà đẹp nhất nhì Thủ đô, nhưng so sánh với ngôi biệt thự mùa hè của vợ chồng Nhu tại Đà Lạt thì chẳng thấm vào đâu về cả mặt đồ sộ lẫn lộng lẫy. Biệt thự mùa Hè tại Đà Lạt phải được so sánh với những lâu đài của các bậc công hầu, bá tước của các xứ Âu Châu vì nó được bao bọc bằng hai lớp tường thành: nội thành bọc lấy biệt thự chính và sân cỏ, còn ngoại thành thì bọc lấy một vườn hoa rộng lớn kiến thiết công phu. Hồi ký Our Endless War của Trần Văn Đôn cho biết rằng:
“Bà Nhu xây một biệt thự lộng lẫy gồm tòa ngang lầu dọc tại Đà Lạt làm biệt thự mùa Hè. Biệt thự là một lâu đài tổng hợp với sân tennis, hồ bơi và nhiều kiến trúc lộng lẫy xây cất mấy năm trường mà khi chế độ Diệm bị lật đổ vào cuối năm 1963 vẫn chưa hoàn thành, dù đã có cả một đội kiến trúc sư, họa sư, nhà thầu xây cất làm việc mấy tháng trước sự dòm ngó của cả thế giới. Sự biểu lộ khoe khoang đó đã không giúp ích cho vợ chồng Ngô Đình Nhu mà chỉ mua lấy lời chê bai của dân cả nước” [16].
Tướng Đôn và bà Nhu là đôi bạn chí thân từ năm 1948, tướng Đôn biết rõ sự nghiệp và cuộc đời bà Nhu nhưng ngôi lâu đài của bà ta tại Đà Lạt, tướng Đôn quên kể cái vườn hoa rộng lớn có thể được gọi là vườn hoa bát ngát trong sân trước lâu đài, quên cả rừng thông trên ngọn đồi trong sân sau của lâu đài, được sắp đặt và vun xới một cách công phu, quên kể cái hồ sen hình địa đồ Việt Nam mà bà Nhu đã mời kỹ sư Nhật Bản đến Việt Nam hai lần để thiết kế và xây cất cái hồ đặc biệt đó. Ngôi lâu đài của vợ chồng Nhu nổi tiếng đến độ sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, du khách đổ xô về Đà Lạt để tìm xem (Xin đọc bài viết của ký giả Howard Sochurek trong tạp chí National Geographic số tháng 9/1964 được đăng lại trong phần Phụ Lục).
Tài sản trong nước của vợ chồng Ngô Đình Nhu còn có rừng cây hai trăm mẫu tại Định Quán, trồng toàn thứ gỗ tốt dùng chế tạo báng súng để xuất cảng; và như đã nói ở trên, hai vợ chồng Nhu cũng đã cùng với ông Ngô Đình Thục khai thác cây gỗ tại Long Khánh và dọc theo đường Sài Gòn-Đà Lạt như hồi ký Đỗ Thọ đã ghi chép rõ ràng. Ngoài ra vợ chồng Nhu còn có phần hùn trong các cơ sở khai thác nước suối Vĩnh Hảo, lông vịt Chợ Lớn, phân chim đảo Hoàng Sa, than Quả Bàng và than Cà Mâu, cơ sở nhập cảng và chế tạo thuốc Tây O.P.V. do Dân biểu Nguyễn Cao Thăng chỉ huy, muối Cà Ná, than Nông Sơn, cát trắng Cam Ranh, v.v ...
Mặc dù vợ chồng Nhu cố tạo dựng tài sản trong nước, nhưng ý định lâu dài và thầm kín thì vẫn là chuyển tiền ra nước ngoài, tạo dựng vốn liếng tại Pháp, Ý, và Thụy Sĩ (có lẽ để đề phòng khi đồng bạc Việt Nam bị mất giá, và chuẩn bị khi hữu sự phải trốn ra ngoại quốc).
Một vài thí dụ cụ thể về tài sản do vợ chồng Nhu tạo dựng tại Âu Châu từ năm 1957: ngôi nhà ở quận 16, vùng có nhiều nhà cửa đẹp đẽ và đắt giá nhất thủ đô Paris, rạp chiếu bóng Eden ở Đại lộ Champs Elysées, ngôi biệt thự tại ngoại ô La Mã, thủ đô của Ý v.v... Việc vợ chồng Ngô Đình Nhu chuyển ngân và mua tài sản tại ngoại quốc đã được Frances Fitzgerald tiết lộ rằng:
“Bà Nhu đã biết lo xa khi tích lũy tài sản và mau chóng làm cho chúng có giá trên thị trường Âu Châu. Trong số nhiều bất động sản đó, bà Nhu đã làm chủ một nhà hát lớn tại Đại Lộ Champs Elysées ở Paris” [17].
Trong lúc đó, William J.Lederer cho biết “theo các mật báo viên người Thụy Sĩ và Trung Hoa của tôi báo cáo, khoảng 18 tỷ Mỹ kim được một số tư nhân người Việt gửi vào các ngân hàng ngoại quốc kể từ năm 1956. Mới gần đây, qua một hợp tác viên “kín” (silent partner), bà Nhu đã mua đứt ngân hàng tư lớn thứ nhì tại Paris. Mua trả hết bằng tiền mặt” [18]. Tuy Lederer không nói trắng ra nhưng về số 18 tỷ Mỹ kim nói trên, ta có thể suy diễn mà không sợ nhầm lẫn rằng anh em ông Diệm đã là chủ nhân của đa phần số tiền kếch sù đó, vì họ đã cai trị miền Nam đến gần 10 năm trời và đã ngụy tạo được vô số “cơ hội” thuận tiện để thu góp của cải công, tư, hiện kim, hiện vật, khuếch trương và khai thác kỹ nghệ, thương mãi (trực tiếp và ngụy ẩn qua trung gian) để gom góp được một gia tài khổng lồ.
Ngoài số tiền bất hợp pháp kếch sù mà vợ chồng Ngô Đình Nhu gởi ra ngoại quốc đó, và ngoài những nguồn kinh tài khác nhau, ta còn phải kể đến số tiền lời bán vé số kiến thiết do những cuộc xổ số mỗi tuần một kỳ. Nhiều người Việt ở Pháp cho biết rằng sau ngày chế độ Diệm bị lật đổ, giữa bà Nhu và nguyên Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần, một cộng sự viên thân tín của vợ chồng Nhu, đã có những cuộc tranh cãi dữ dội vì số tiền lời xổ số kiến thiết để ở ngoại quốc. Bà Nhu đã ngậm đắng nuốt cay để cho Thuần lấy hết số tiền to lớn kia vì chương mục chuyển ngân lại không đứng tên của bà ta, mà lại đứng tên người ủy nhiệm của ông Nguyễn Đình Thuần.
Ngoài ra, trong năm 1965, sau khi báo chí Âu Châu phát giác vụ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục bị một linh mục người Ý lừa lất mất 98 ngàn đô la, báo chí Pháp lại còn đăng tải thêm vụ bà Nhu bị mất trộm gần 300 ngàn đô la, số tiền mặt không gởi tại ngân hàng. Những sự việc đó càng chứng minh thêm chuyện anh em ông Diệm đã chuyển tiền ra nước ngoài. Nhưng nếu
KỲ THỊ TÔN GIÁO
Một trong những thể hiện độc đáo nhất của văn hoá nước ta là đời sống tín ngưỡng rất nồng nàn và rất lâu đời của dân tộc. Cứ nhìn số đền chùa đình miếu trong mỗi làng mỗi tỉnh, và sau này, số nhà thờ trong mỗi đơn vị hành chính địa phương thì đã có thể đo lường được sinh hoạt tín ngưỡng của dân ta mạnh mẽ biết chừng nào. Cứ đem số lượng những ngày cúng kỵ riêng tư của từng gia đình và những lần tế lễ chung của toàn dân tộc thì biết cái bản chất hướng nội của người nước ta sâu sắc biết là bao nhiêu.
Kỵ bên nội, kỵ bên ngoại, lễ Chạp mả, tiết Thanh minh, cúng Đức Trần, lễ Chùa Hương, Phật Đản, Giáng Sinh, Đức Thầy, Tết Nguyên Đán, cúng Cô Hồn, lên cây nêu, thờ Thần Táo, chay đàn, cầu siêu, bà Mụ, Hà Bá, Thành Hoàng, Thánh Gióng,... thật không có một dân tộc nào liên hệ chặt chẽ với quá khứ và hướng về đời sống tâm linh huyền bí sâu đậm như vậy.
Do đó mà hầu như người Việt Nam nào cũng có đạo, cũng là tín đồ của một tôn giáo. Nếu đạo đó không có một vị giáo chủ, những giáo lý thành văn, hoặc một giáo hội thì ít nhất người Việt Nam đó cũng chung chung theo đạo thờ tổ tiên ông bà trong cái tổng hợp đẹp đẽ không mâu thuẫn của nền Tam giáo Đồng Nguyên.
Sau khi cuộc di cư năm 1954 hoàn tất, dân số toàn quốc là 38 triệu mà trong đó 15 triệu người sinh sống tại miền Nam tự do. Trên phương diện tôn giáo, 15 triệu người đó được phân chia như sau: Tin Lành ra đời tại Việt Nam từ năm 1921 có độ 200.000 tín đồ, Hoà Hảo (từ năm 1939) có độ 1.500.000 tín đồ, Cao Đài (từ năm 1925) có độ 1.500.000 tín đồ, và ngoài hai tôn giáo còn lại là đạo Phật và Công giáo thì hầu như mọi người đều theo đạo gia tiên.
Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai sau Tây lịch với hai đặc tính HOÀ và HOÁ của nó nên không những đã hoà được vào dân tộc một cách dễ dàng mà còn hoá thành một thứ đạo Phật đặc thù Việt Nam, phân biệt hẳn với Phật giáo Ấn Độ hoặc Trung Hoa, để đóng góp vào việc dựng nước và giữ nước trên mọi mặt văn hoá, quốc phòng, học thuật, kỹ thuật,... Sau năm 1954, số Phật tử tại miền Nam Việt Nam được ước lượng vào khoảng 4.500.000.
Năm 1553 giữa thế kỷ 16, Thiên Chúa giáo được du nhập vào Việt Nam dưới thời vua Lê Trang Tôn. Sau 400 năm truyền giáo, từ vĩ tuyến 17 trở vào, số giáo dân tập trung đông đảo ở các tỉnh Quảng Trị, Quy Nhơn, KonTum,... còn tại các địa phương khác thì sống thưa thớt thành từng họ đạo chẳng bao nhiêu. Cuộc di cư năm 1954 đã nâng tổng số đó tại miền Nam lên hơn 1 triệu tư, gần bằng số tín đồ của Cao Đài, nhưng ảnh hưởng chính trị cũng như kinh tế, xã hội cũng như giáo dục thì lại vượt hẳn các tôn giáo bạn và lan tràn không những trong quần chúng mà còn trong bộ máy công quyền cũng như trên chính sách quốc gia. Trong số 860.026 người Bắc di cư vào Nam, có 676.384 (tức 78,64%) người Công giáo (tức là hơn một nửa số Giáo dân miền Bắc) với 5 giám mục, hơn 700 linh mục (2/3 tổng số linh mục ở miền Bắc).[1]
Theo nghiên cứu của Jean Lacouture trong "Les Deux Vietnam" mà tôi sẽ đề cập đến một cách chi tiết hơn sau này, thì trong tổng số hơn một triệu tư đó, vào năm 1963, những người Công giáo Nam kỳ đã tỏ ra lạnh nhạt và thụ động bất mãn với chế độ Diệm vì yếu tố kỳ thị địa phương Công giáo Bắc, Công giáo Nam của gia đình họ Ngô.
Phải nói rõ ra như thế để thấy rằng chỉ có hơn một triệu người Công giáo gồm Công giáo di cư từ miền Bắc vào, và đa số giáo dân miền Trung là ủng hộ ông Diệm, tạo thành một chủ lực hậu thuẫn sắt thép cho ông suốt 9, 10 năm ông trị vì tại miền Nam Việt Nam.
Với một triệu người Công giáo vừa nhiệt thành vì tôn giáo, vừa nhiệt tình ủng hộ ông Diệm, với chủ nghĩa Nhân Vị Duy Linh, với quyền hành tuyệt đối trong tay, với phương tiện dồi dào của Hoa kỳ, anh em ông Diệm đã có đủ điều kiện để thực hiện tham vọng của họ là "làm sáng danh Chúa", cũng vốn là nhiệm vụ cao trọng và tối thiết mà nhà Ngô nghĩ rằng họ đã được Thượng Đế giao phó. Nói rõ hơn, đối với anh em ông Diệm thì việc làm sáng danh Chúa là "cứu cánh", còn tổ quốc, dân tộc, kiến thiết quốc gia, chống Cộng chỉ là "phương tiện" Chúa an bài để họ đạt được cứu cánh đó mà thôi.
Cứ nhìn lại tiến trình du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt nam, nhìn lại lịch sử dòng họ Ngô Đình vì bị người Lương khủng bố phải bỏ làng Xuân Dực đến ngụ cư ở làng Đại Phong, nhìn lại việc ông Ngô Đình Khả được cố đạo ngoại quốc nuôi cho ăn học rồi về nước làm quan theo Pháp dẹp quân Kháng chiến Cần Vương, cứ nhìn việc ông Nguyễn Hữu Bài rồi ông Ngô Đình Diệm đều làm Thượng Thư đầu triều và đều có ý đồ riêng trong việc ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, ta sẽ thấy rõ anh em ông Diệm đã được hun đúc như thế nào để chỉ một mặt thì mang nặng hận thù với người bên Lương và mặt khác thì hết lòng làm nhiệm vụ mở mang nước Chúa theo tham vọng của Hội Thánh La Mã.
Mà ý Chúa, ý Hội Thánh là gì? Ta hãy nghe Tổng giám mục Drapier, Khâm mạng Toà Thánh tại Huế nói rõ:
"Hội Thánh là một cơ quan hằng đi tới. Hội Thánh thiết lập ở đâu là sống ở đó, mà sống tức là cứ bành trướng mãi do một sức mạnh kích phát từ bên trong. Mầm sống của đạo Công giáo chính là một thứ men nồng không thể chịu nằm yên, không di dịch. Bản tính nó là làm cho sôi nổi, cho nứt vỡ giới hạn bên ngoài. Mọi sự ngăn trở, ngược đãi đã không thể khiến nó nhụt đi lại làm cho nó thêm phấn khởi" [2].
Một lối nói tuy văn vẻ mà hàm ý hiếu chiến và kiêu căng.
Cái tham vọng làm vị Thánh Tông đồ thứ 13 của gia đình nhà họ Ngô không đợi đến sau này mới phát hiện mà đã được vun xới từ hồi anh em ông Diệm còn niên thiếu. Họ đã lập chí ngay từ thời vừa lớn khôn để cho gia đình phải có một Ngô Đình Thục đi vào Giáo hội để đứng đầu hàng giáo phẩm, phải có một Ngô Đình Diệm đi vào hoạn lộ để làm quan đến Thượng Thư Bộ Lại và sau này làm nguyên thủ quốc gia mà ở địa vị nào cũng đòi hỏi cho được quyền hành tuyệt đối, và có một Ngô Đình Nhu đi vào đường học vấn để làm cha đẻ một chủ nghĩa Nhân Vị Duy Linh Thiên Chúa giáo. Gia đình họ Ngô làm đủ mọi cách để có một nhà lãmh đạo tôn giáo, một vị nguyên thủ quốc gia, và một lý thuyết gia chính trị với tham vọng biến nước Việt Nam thành "người con gái đầu lòng" của Hội Thánh La Mã tại Đông Nam Á (La Fille Ainée de L' Eglise Romaine de l' Extrême-Orient).
Nhìn lại lịch sử nước nhà, từ ngày Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam, những cố đạo ngoại quốc, đặc biệt là các giáo sĩ người Pháp trong "Hội Truyền Giáo Hải Ngoại" như Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Puginier, Pellerin,... đã vì tôn giáo mình mà tìm mọi cách tiêu diệt nền văn hoá và truyền thống dân tộc Việt, hầu thực hiện việc Công giáo hoá toàn dân Việt Nam. Nhưng họ đã không làm nổi vì đại đa số người Việt Nam lòng tràn tình tự dân tộc đâu để cho họ làm.
Cuộc đảo chánh 9-3-45 của Nhật Bản lật đổ và chấm dứt nền đô hộ Pháp rồi sau đó nền độc lập của nước nhà được ông Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2-9-45 tưởng đã chấm dứt được trang sử đen tối gần một trăm năm qua để quê hương được thật sự thuộc vể dân tộc. Nhưng thảm trạng lại xảy ra vì lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh chỉ là biểu tượng cho một nền độc lập giả mạo được tô vẽ bởi Đệ Tam Quốc Tế và được sự công nhận giai đoạn của thực dân Pháp trong ý đồ muốn trở lại Đông dương để tái lập nền thuộc địa cũ. Do đó mà cuộc chiến tranh Pháp-Việt từ 1945 đến 1954 đã phải xảy ra với kết quả là đất nước bị chia đôi, lấy giòng sông Bến Hải làm ranh giới cho hai miền Nam Bắc. Cái thảm trạng cho dân tộc không phải chỉ là vì cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa Cộng Sản Việt và Thực Dân Pháp mà là đau thương hơn nữa, nó còn vì Pháp muốn tái diễn lại việc dùng người Công giáo làm hậu thuẫn như thời trước để chống lại người Lương mà việc dùng viên Cao ủy đầu tiên, Đô đốc Thierry d’Argenlieu, vốn là một Cố đạo, đã rõ ràng nói lên cái âm mưu thâm hiểm của người Pháp.
Đô đốc d 'Argenlieu, Cao uỷ Pháp đầu tiên tại Đông Dương (1946) đã từng là Bề trên xứ đạo Louis de la Trinité thuộc dòng Carmen, bị động viên trong thời Đệ Nhị thế chiến và theo De Gaulle kháng chiến chống Đức. Được cử giữ chức Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, đô đốc d 'Argenlieu vẫn ở trong tình trạng của một tu sĩ Thiên Chúa giáo. Mỗi buổi sáng, trong một căn phòng riêng tại dinh Norodom tại Sài gòn, ông ta tự mình làm lễ. Ông ta chống lại chính sách hoà dịu đối với Việt Nam của tướng Leclerc và đã chủ trương thành lập nước Nam Kỳ tự trị [3]. D'Argenlieu muốn tái diễn trò "Nam Kỳ thuộc địa" trăm năm trước để từ đó dần dần đánh chiếm Bắc và Trung phần. Tuy nhiên, lịch sử chiến tranh 1945-1954 cho thấy chỉ có đa số người Công giáo nhiệt tình ủng hộ người Pháp còn đại đa số lực lượng dân tộc Việt, bằng phương thức này hay phương thức khác, chống lại âm mưu của thực dân như đã nói trong những chương trước của tập hồi ký này.
Theo ông Văn Thanh trong "L'Autodéfense des Villages" thì vào năm 1952 tại BắcViệt, người ta đã công khai than phiền việc dân vệ Công giáo được Pháp võ trang đầy đủ và dùng vũ khí đáng lẽ để chống Cộng Sản thì lại làm công việc "cướp bóc chùa chiền, tàn phá miếu mạo và ép buộc người Lương theo đạo” [4].
Cho nên khi đã có đủ quyền lực trong tay, chính sách cai trị miền Nam của họ Ngô đã chia thành hai vế rõ rệt: vế thứ nhất là chống Cộng, và vế thứ hai là Công giáo hoá toàn bộ miền Nam. Nói là chia hai vế nhưng thật ra chúng liên hệ hỗ tương khăng khít với nhau vì tiêu diệt Cộng Sản vô thần và "Tà thần ngoại đạo" (ám chỉ các tôn giáo khác tại miền Nam), theo anh em ông Diệm, là làm trọn được nhiệm vụ Công giáo hoá, mà cụ thể nhất là ý đồ nâng Công giáo lên hàng quốc giáo độc tôn của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục. Cũng vậy, khi đẩy mạnh chính sách ưu đãi và chỉ tin cẩn sử dụng nguồn nhân sự Công giáo trong chính quyền và quân đội, trong lãnh vực kinh tế và xã hội, thì anh em ông Diệm cũng đã cho rằng như thế là đủ sức mạnh để đánh Cộng Sản. Hai vế đó như thiên la địa võng chụp xuống đầu nhân dân miền Nam, đánh tráo thứ này thành thứ nọ, muốn kết tội ai thì cứ gọi người đó là Cộng Sản, ai muốn được đặc quyền đặc lợi thì cứ theo Công giáo... đã làm thành một thế trận hôn mê quật ngã được cả những sức mạnh có truyền thống lâu đời như các đảng phái, các tôn giáo và các tình tự văn hoá sâu sắc đã từng miên man quấn quít dân tộc cả ngàn năm nay.
Tuy nhiên, có hai thế lực lớn đã không ngã quỵ: Cộng Sản đã lợi dụng chính sách thất nhân tâm đó để khôn khéo vươn lên, và Phật tử đã đứng vững trên tâm thức "Bồ Tát" mà dẻo dai chịu đựng.