Tây Sơn bi hùng truyện
Tác giả: Lê Đình Danh
Chương 44: -Nguyễn Hữu Chỉnh mắc mưu đòi đất Nghệ An.-Nguyễn Huệ bất đắc dĩ giết Trần Công Xán.-
Nói về Trần Công Xán vào Phú Xuân gặp Nguyễn Huệ. Huệ hỏi:
- Tiên sinh đến đây có điều chi dạy bảo.
Xán đáp:
- Hạ thần vâng lệnh vua nước thần vào xin Bắc Bình Vương trả đất Nghệ An.
Nguyễn Huệ nói:
- Vua nước ngài kinh thành còn không giữ nổi để hết Trịnh Lệ và Dương Trọng Tế lộng hành rồi đến Trịnh Bồng và Hoàng Phùng Cơ áp chế nên vua phải viết mật chỉ vời Nguyễn Hữu Chỉnh về kinh cứu giá. Nguyễn Hữu Chỉnh xin lệnh của ta, ta bèn sai Chỉnh đem quân ra Bắc cứu vua Lê. Nào ngờ xong việc Chỉnh lại ra mặt cấu kết với Nguyễn Duy và Huỳnh Đức làm phản. Tội ấy ta chưa hỏi, nay hắn lại mượn tiếng vua Lê đòi đất Nghệ An. Tiên sinh hãy về tâu với vua Lê rằng: đợi ta đem binh ra chém đầu Hữu Chỉnh rồi sẽ trả luôn đất Nghệ An cho vua Lê.
Trần Công Xán hỏi:
- Năm Bính Ngọ vua nước ngài ra Bắc gặp vua thần tại điện Kính Thiên có nói rằng: Đất họ Trịnh một tấc cũng không để, đất họ Lê một tấc cũng không lấy. Nay họ Trịnh đã diệt sao còn không trả đất Nghệ An.
Nghe Xán nhắc đến vua Thái Đức, Huệ liền nói hoãn:
- Phiền tiên sinh ra nghỉ ngoài công quán, đợi ta sai người về Quy Nhơn thỉnh ý Hoàng huynh rồi mới trả lời.
Trần Công Xán ra nghỉ ngoài công quán, đêm ấy bảo với Lê Duy Án rằng:
- Nguyễn Huệ nuốt lời không muốn trả đất Nghệ An. Vậy Hoàng thân hãy vào gặp Hoàng cô Ngọc Hân nhờ người nói giúp xem sao.
Lê Duy Án liền đi ngay đến hậu cung xin vào yết kiến Ngọc Hân. Án nói:
- Hoàng thượng có mật chỉ nhờ Hoàng cô trao cho Bắc Bình Vương.
Ngọc Hân đọc mật thư xong bèn nói:
- Quả nhiên Hữu Chỉnh theo vết xe họ Trịnh áp chế nhà Lê ta. Nay Hoàng thượng viết mật chỉ vời Bắc Bình Vương về cứu giá. Vậy Hoàng thân mau ra ngoài công quán kẻo Trần Công Xán nghi ngờ, ta sẽ trao mật chỉ cho Bắc Bình Vương ngay.
Ngọc Hân đến gặp Nguyễn Huệ, khóc nói:
- Nhà Lê của thiếp đã hai trăm năm bị họ Trịnh hiếp đáp, sau nhờ phu quân đem binh ra Bắc diệt Trịnh phò Lê, những tưởng đã nắm lấy quyền hành, nào ngờ nay Nguyễn Hữu Chỉnh lại lộng hành áp chế vua trẻ, xin phu quân hãy vì dân vì nước ra Bắc diệt Chỉnh, ơn ấy ngàn đời thiếp chẳng dám quên.
Nói xong Ngọc Hân trao mật chỉ cho Nguyễn Huệ rồi lấy vạt áo lau nước mắt. Nguyễn Huệ cảm động an ủi Ngọc Hân:
- Nàng chớ nên buồn phiền như thế. Nay có mật chỉ của vua Lê ta mới danh chính ngôn thuận ra Bắc trừ Nguyễn Hữu Chỉnh được.
Ngọc Hân mừng rỡ thưa:
- Cảm ơn phu quân đã có lòng đoái thương đến nhà Lê của thiếp. Ơn này thiếp xin tạc dạ.
Nói xong Ngọc Hân mủi lòng khóc mãi. Nguyễn Huệ vỗ về Ngọc Hân rằng:
- Nàng hãy về cung nghỉ trước, ta còn phải đi gặp người bàn việc nước.
Ngọc Hân hỏi:
- Phu quân định đi gặp ai vào giờ này?
Huệ đáp:
- Ta đi gặp Trần Văn Kỷ.
Nói xong Nguyễn Huệ tiễn Ngọc Hân về cung rồi sang nhà Trần Văn Kỷ, vừa đến cổng đã thấy Trần Văn Kỷ xăm xăm bước ra. Huệ hỏi Kỷ:
- Đêm đã khuya tiên sinh còn đi đâu đó?
Kỷ thi lễ rồi đáp:
- Tôi định sang yết kiến Chúa công. Không ngờ Chúa công lại đến đây, nên không kịp nghênh đón. Xin Chúa công miễn chấp.
Đoạn Kỷ mời Huệ vào nhà. An toạ xong Huệ hỏi:
- Chắc có điều gì hệ trọng nên tiên sinh mới định đến tìm tôi vào đêm khuya chăng.
Văn Kỷ đáp:
- Thần nghe có sứ giả của Chỉnh vào đòi đất Nghệ An, nên định sang hỏi Chúa công liệu tính thế nào?
Nguyễn Huệ đáp:
- Nguyễn Hữu Chỉnh quả nhiên trúng kế, nghe lời Lê Chiêu Thống sai sứ vào đòi đất Nghệ An. Vua Lê mới cho Hoàng thân Lê Duy Án theo sứ bộ đem mật chỉ vời ta ra cứu giá. Nay ta có mật chỉ của vua Lê tất có chính nghĩa cất quân ra diệt Chỉnh.
Trần Văn Kỷ hỏi:
- Vậy sau khi diệt Chỉnh rồi Chúa công liệu thế nào.
Huệ đáp:
- Ta ở lại giúp vua Lê ít lâu sau rồi lại kéo quân về.
Trần Văn Kỷ ung dung nói:
- Vậy mà tôi cứ ngỡ Chúa công nửa đêm đến đây là để nói về việc truất bỏ nhà Lê.
Nguyễn Huệ mừng rỡ bảo:
- Tiên sinh thật là hiểu ta đó.
Trần Văn Kỷ hỏi:
- Chúa công định dùng kế gì để truất nhà Lê.
Nguyễn Huệ cười đáp:
- Kế của tôi là “rung cây nhát khỉ”.
Trần Văn Kỷ cười theo, nói:
- Chúa công có chí tự cường nên mới dùng chữ Nôm là “rung cây nhát khỉ”. Kế này trong binh thư chữ Hán gọi là “Phạt thảo kinh xà” đó.
Nguyễn Huệ nắm tay Trần Văn Kỷ cười to nói:
- Tiên sinh thật là người tri kỷ của ta vậy. Nhưng việc này ta phải nói trước với Ngọc Hân mới được.
Văn Kỷ can:
- Ta phạt thảo, rung cây mà không ai biết, thì Chúa công chớ nên nói trước với công chúa làm gì. Ngộ nhỡ công chúa không bằng lòng truất bỏ nhà Lê rồi lộ việc thì làm thế nào?
Huệ trầm ngâm đáp:
- Ta đã có cách nói khiến công chúa phải bằng lòng cho ta truất bỏ nhà Lê.
Đoạn Nguyễn Huệ về hỏi Ngọc Hân:
- Vua Chiêu Thống là người như thế nào?
Ngọc Hân buồn rầu đáp:
- Nhà Lê thật là vô phước nên anh của thiếp là Duy Vỹ bị Trịnh Sâm giết chết, khiến Hoàng tôn Duy Kỳ mới kế vị ngôi vua là Lê Chiêu Thống. Chiêu Thống là người vô tài kém đức, đố kỵ nhỏ nhen. Nếu phu quân không ra tay cứu giúp, e Bắc Hà loạn lạc muôn đời.
Nguyễn Huệ lại hỏi:
- Chuyến này ta ra Bắc diệt Chỉnh xong, nếu kéo quân về thì Bắc Hà vẫn loạn. Nhược bằng đóng binh phò giúp vua tất phải tự quyền điều hành vận mệnh quốc gia thì nước mới yên được. Khi ấy e rằng vua kém tài mà muốn quyền cao lại cho ta là lộng hành thì sao. Khi ấy nàng có hiểu cho ta chăng?
Ngọc Hân lo sợ hỏi lại Huệ rằng:
- Vậy phu quân liệu tính thế nào?
Huệ trầm tư đáp:
- Ta ngày quên ăn đêm bỏ ngủ vì e rằng khi nói ra điều này nàng sẽ giận ta mà thôi.
Ngọc Hân nói:
- Thiếp với chàng nên nghĩa phu thê ấy là duyên kỳ ngộ. Lòng trung với dân hiếu với nước của chàng thiếp lại chẳng biết sao. Nay việc nên làm là thế nào chàng cứ nói ra đừng ngại ngần gì cả.
Nguyễn Huệ chậm rãi nói:
- Bấy lâu hào kiệt ở Bắc Hà chỉ mượn tiếng phò Lê, mỗi người hùng cứ một phương đánh giết lẫn nhau tranh giành danh lợi khiến trăm họ vô cùng thống khổ, lòng người chán ngán không biết đâu là thật giả. Cổ nhân có câu: Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Nay Lê Chiêu Thống bất tài kém đức sao đem được thái bình về cho trăm họ. Vận mệnh của nhà Lê đã hết, muốn thống nhất sơn hà dựng đời thịnh trị chỉ có cách duy nhất là truất phế nhà Lê mà thôi.
Nguyễn Huệ nói xong, Ngọc Hân thảng thốt kêu lên:
- Đành rằng như thế, nhưng lòng dân Bắc Hà vẫn còn thương tiếc công đức của vua Lê Thái Tổ, Thái Tông. Nếu không phò Lê, phu quân lấy danh nghĩa gì kéo quân ra Bắc?
Nguyễn Huệ đáp:
- Ta ra Bắc lần này vẫn lấy danh nghĩa diệt Chỉnh phò Lê.
Ngọc Hân ngạc nhiên hỏi:
- Phu quân muốn truất bỏ nhà Lê sao lại còn lấy danh nghĩa phò Lê?
Nguyễn Huệ đáp:
- Nay ta có chiếu chỉ của vua Lê vời về kinh cứu giá trình trước thiên hạ, ấy là ta có danh nghĩa phò Lê kéo quân ra Bắc đánh Chỉnh. Nhưng khi ta đánh Chỉnh vua Lê Chiêu Thống tất bỏ kinh thành mà chạy không dám ở ngôi vua, ấy là ta truất bỏ nhà Lê vậy.
Ngọc Hân lấy làm lạ hỏi:
- Nghe quân ta đem mật chỉ diệt Chỉnh phò Lê kéo quân ra Bắc, thì vua Lê phải ở kinh thành đón quân ta, cớ gì phải bỏ chạy.
Nguyễn Huệ đáp:
- Ta dùng kế “Phạt thảo kinh xà” thì đuổi vua Chiêu Thống bỏ nước mà chạy, còn đối với thiên hạ ta vẫn được tiếng phò Lê. Chỉ e rằng truất bỏ nhà Lê nàng sẽ oán ta mà thôi.
Ngọc Hân gạt nước mắt nói:
- Việc làm của phu quân là vì dân vì nước, thiếp dù thương tiếc cơ nghiệp tổ tiên cũng không thể oán phu quân được. Nhưng thiếp vẫn chưa hiểu thế nào là kế “Phạt thảo kinh xà”?
Nguyễn Huệ kề tai Ngọc Hân nói:
Ta cứ làm như vầy... như vầy... tất vua Lê Chiêu Thống phải sợ mà trốn khỏi kinh thành.
Ngọc Hân lại hỏi:
- Nhưng Trần Công Xán và Lê Duy Án là người vô tội.
Nguyễn Huệ phân trần rằng:
- Muốn đem giang san quy về một mối, cứu muôn dân Đàng Ngoài khỏi cảnh lầm than thì phải hy sinh Lê Duy Án và Trần Công Xán. Nếu làm thế nàng có cho ta là người sâu hiểm hay chăng.
Ngọc Hân bùi ngùi đáp:
- Phu quân là người đức cả tài cao, quang minh chính đại. Trước tha mưu sĩ Nguyễn Đăng Trường về với Định Vương, sau thả Nguyễn Huỳnh Đức theo cùng Phúc Ánh. Nay phu quân vì dân vì nước, bất đắc dĩ phải làm như thế thiếp sao dám cho chàng là người hiểm độc. Tuy là việc nên làm, nhưng những giọt nước mắt này là vì thương tiếc cơ nghiệp của tổ tiên. Xin phu quân rộng xét.
Nguyễn Huệ cả mừng nói:
- Truất bỏ nhà Lê, ta thật là khó xử nên mới đem ra bàn trước với nàng. Cảm ơn nàng đã thấu được lòng ta.
Đoạn Nguyền Huệ âu yếm lấy khăn lau nước mắt cho Ngọc Hân. Hai người mặt nhìn mặt, tay nắm tay dìu nhau vào phòng trong tâm sự hàn thuyên.
*
* *
Nói về Trần Công Xán hôm ấy đi dạo quanh phố rồi vê công quán lo lắng hỏi Lê Duy Án rằng:
- Hoàng cô Ngọc Hân hứa với ông thế nào mà ta nghe khắp kinh thành bàn tán xôn xao rằng Bắc Bình Vương đã sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đem năm ngàn binh mã ra Nghệ An hợp cùng Vũ Văn Nhậm đánh Thăng Long phò Lê diệt Chỉnh. Vậy ông mau vào Hậu cung hỏi Hoàng cô xem sự thể thế nào?
Lê Duy Án đi một hồi rồi về báo:
- Quân canh bảo Hoàng cô đang ở Vương phủ với Bắc Bình Vương, không có nơi hậu cung.
Trần Công Xán lòng nóng như lửa đốt, bèn nói:
- Vậy ta phải vào Vương phủ diện kiến Bắc Bình Vương hỏi cho ra lẽ mới được.
Nói xong khăn áo vào chầu. Gặp Huệ, Xán hỏi:
- Việc vua của thần xin lại đất Nghệ An, Đại Vương liệu tính thế nào?
Huệ cười hỏi lại Xán:
- Tiên sinh vào đây đòi đất là theo mệnh vua hay Hữu Chỉnh?
Xán đáp:
- Xưa nay thần chỉ theo mệnh vua.
Huệ ôn tồn hỏi:
- Tiên sinh theo mệnh vua, vậy tại sao vua viết mật chỉ vời ta ra cứu giá trừ Nguyễn Hữu Chỉnh tiên sinh lại không biết.
Xán thản nhiên đáp:
- Xin Đại Vương đừng cậy thế hiếp người. Phàm làm việc gì cũng phải có chứng cứ hẳn hoi, chớ nghe lời xàm tấu.
Nguyễn Huệ đưa tờ mật chỉ của vua Chiêu Thống cho Xán rồi hỏi:
- Tiên sinh hãy nhìn cho rõ, đây chăng phải là thủ bút của vua sao? Dấu ấn này chẳng phải của triều đình nhà Lê sao. Vậy đây là chứng cứ hay lời xàm tấu?
Trần Công Xán sững sờ nhìn đăm đăm vào tờ mật chỉ, rồi bình tĩnh nói:
- Vua thần không có ý đòi đất Nghệ An. Vậy thần xin được về nước.
Huệ cười bảo:
- Nay ta đang sắp đặt binh mã ra đánh Chỉnh nếu tiên sinh về thì lộ việc quân cơ. Thôi, ta tạm giữ tiên sinh ở lại Phú Xuân, chờ lấy đầu Hữu Chỉnh xong sẽ cho tiên sinh về nước.
Trần Công Xán quả quyết nói:
- Nếu không được về nước Trần Công Xán này chỉ có chết mà thôi.
Nguyễn Huệ lại cười rằng:
- Ta nói đùa để thử lòng tiên sinh, quả nhiên ông là người trung nghĩa. Đêm nay ta sắp sẵn ghe thuyền, ngày mai sẽ sai người đưa tiên sinh cùng sứ đoàn về nước.
Khi đoàn thuyền đi đến vùng biển thuộc phủ Nghệ An, viên đô đốc Tây Sơn chỉ huy quân hộ tống gọi vài tên thuộc hạ đến bảo:
- Các ngươi mau lặn xuống biển đến đục thuyền Lê Duy Án và Trần Công Xán.
Quân xây Sơn vâng lệnh lập tức thi hành. Trần Công Xán và Lê Duy Án đang ở trong khoang, bỗng nước từ dưới đáy thuyền phun lên ào ào. Thuyền từ từ chìm xuống. Trần Công Xán tức tối vỗ đùi nói lớn:
- Nguyễn Huệ vì sợ lộ việc quân đã giết bọn ta trên đường về rồi vậy.
Lê Duy Án kinh hãi bảo:
- Không lý nào có việc ấy được, chắc do thuyền bị thủng mà thôi. Ta mau ra ngoài gọi thuyền hộ tống đến cứu.
Nói xong liền vội vã ra khỏi khoang thuyền gọi lớn:
- Các ngươi mau mau đến cứu ta.
Quân Tây Sơn chỉ nhìn mà không cứu. Nước tràn vào mỗi lúc một nhiều. Nước đã ngập hết lòng thuyền, Lê Duy Án vừa khóc vừa gào lên rằng:
- Nếu ta mất mạng, Bắc Bình Vương sẽ lấy đầu các ngươi ngay.
Viên đô đốc Tây Sơn cười to nói:
- Ngài có uất thì xuống Diêm vương mà kiện.
Lúc ấy nước đã đến thắt lưng, Trần Công Xán hướng mặt về phía Bắc lạy ba lạy rồi quay lại bảo Lê Duy Án:
- Được vì nước mà chết ông còn uất nỗi gì mà gào lên như thế?
Lê Duy Án hoảng loạn nói:
-Ta đem mật chỉ của Hoàng thượng vời Nguyễn Huệ về kinh diệt Chỉnh. Vậy cớ gì Nguyễn Huệ lại giết ta?
Nước đã ngập hết con thuyền, Trần Công Xán ngước mặt tránh sóng tràn vào mui rồi hét lên:
- Vậy Nguyễn Huệ giết ta đã đành, cớ gì lại giết cả ngươi.
Lê Duy Án dùng hết sức bình sinh ôm cột buồm leo lên khỏi làn nước gào khóc rằng:
- Nếu không đem quân diệt Chỉnh phò vua cũng chẳng can cớ gì phải giết chết ta.
Dứt lời Lê Duy Án và Trần Công Xán theo con thuyền chìm xuống biển sâu. Viên đô đốc Tây Sơn gọi mấy tên quân đến bảo:
- Các ngươi mau lội vào bờ lựa chỗ đông người phao tin này lên cho khắp nơi được biết.
Đoạn viên đô đốc Tây Sơn quay về tâu cùng Nguyễn Huệ. Huệ gọi Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đến bảo:
- Văn Sở đem thủy binh, Văn Lân đem bộ binh đến Nghệ An hợp cùng Vũ Văn Nhậm cứ y như trong thư ta dặn mà làm.
Sở và Lân lãnh mệnh đi ngay.
*
* *
Nhắc lại vua Lê Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh ở Thăng Long ngày ấy đang đàm đạo trong trướng nghe quân vào báo:
- Tâu Bệ hạ, quân Tây Sơn lội vào bờ đến ranh giới đất Nghệ An và Thanh Hóa hô lên rằng: Sứ đoàn trở về nước bị bão đánh chìm thuyền đều chết hết cả. Quan trấn thủ Thanh Hóa sai thần về cấp báo.
Nguyễn Hữu Chỉnh giật mình nói:
- Nguyễn Huệ làm thế là có ý gì?
Vừa dứt lời quân thám mã thứ hai hớt hải chạy vào báo:
- Tâu Bệ hạ, tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân thống lĩnh một vạn binh tiến đánh Thanh Hóa. Tướng quân trấn thủ Lê Duật tử trận.
Chỉnh nghe qua như sét đánh ngang mày, nhưng cố giữ bình tĩnh nói:
- Như vậy Nguyễn Huệ đã lợi dụng tình chồng vợ bảo Hoàng cô nói gạt Bệ hạ là hắn thực bụng phò Lê rồi bất ngờ tiến đánh. Thần phải lập tức vào Thanh Hóa chống giặc mới được. Những tưởng đòi được đất Nghệ An nào ngờ lại mất luôn Thanh Hóa.
Đoạn Chỉnh hỏi tên quân rằng:
- Trước khi ra trận Lê Duật có nói gì chăng.
Tên quân đáp:
- Khi nghe quân Tây Sơn tiến đánh, Lê tướng quân có nói rằng: “Biết lòng người thì dễ, biết tài người mới là việc khó. Ta không biết tài bằng Trung Công vậy!”
Hữu Chỉnh than:
- Ta lại không biết tài Nguyễn Huệ vậy. Rồi Lê Duật ra trận thế nào?
Tên quân đáp:
- Lúc ấy có người khuyên Lê tướng quân bỏ thành Thanh Hóa lui về giữ ải Tam Điệp. Lê tướng quân bảo: Ta đã hứa với Bằng Trung Công là thà bỏ mạng không bỏ đất, nay bỏ thành mà chạy còn mặt mũi nào nhìn ai được nữa. Khi bị quân Tây Sơn vây, Lê tướng quân đâm cổ mà chết.
Nghe xong Chỉnh vừa đi vừa ứa nước mắt than:
- Thương thay lê Duật. Và ta không biết tài Nguyễn Huệ mà đã hại chết ngươi rồi!
Chỉnh đi rồi vua Chiêu Thống gọi Phan Lê Phiên đến bảo:
- Nguyễn Huệ bảo Hoàng cô lừa ta viết mật chỉ vời Huệ về kinh cứu giá. Có mật chỉ rồi hắn lại giết sứ của ta là cớ làm sao?
Phan Lê Phiên đáp:
- Việc này bởi do Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền nên Nguyễn Huệ mới thừa cơ dùng ly gián kế. Hắn muốn cướp nước ta mà không có cớ gì, nên mới lừa Hoàng cô Ngọc Hân đem tình nhà gạt Bệ hạ để hắn có mật chỉ của Bệ hạ. Được danh chánh ngôn thuận để xuất quân rồi hắn lại giết chết Trần Công Xán và Lê Duy Án, thật rõ là lòng gian dối. Việc đến nước này chỉ trông chờ vào tài dùng binh của Hữu Chỉnh mà thôi.
Vua Chiêu Thống hỏi:
- Ngộ nhỡ Chỉnh bại trận thì sao.
Phiên đáp:
- Thì ta phải bỏ Hoàng cung mà chạy. Nếu ở lại trước sau gì Nguyễn Huệ cũng hại đến Bệ hạ.
Vua tức tối đấm ngực kêu lên:
- Nguyễn Huệ lừa ta. Nguyễn Huệ lừa ta!
o O o
Chương 45: -TRUẤT BỎ TRIỀU LÊ.-Nguyễn Hữu Chỉnh háo danh mà thiệt mạng.-Vũ Văn Nhậm hám lợi phải mất đầu.-
Nhắc lại Nguyễn Hữu Chỉnh về dinh phủ gọi con là Nguyễn Hữu Du và tướng là Nguyễn Như Thái đến bảo:
- Hai người lãnh một vạn quân mau mau vào chiếm giữ đèo Tam Điệp. Nếu để quân Tây Sơn lấy mất thì binh ta thất thế. Ta sẽ gọi Nguyễn Cảnh Thước ở Kinh Bắc và Nguyễn Viết Tuyển ở Tây Sơn về hợp quân rồi đem đại binh theo tiếp ứng.
Nguyễn Hữu Du cười bảo Chỉnh:
- Cha cứ an tâm ăn ngon ngủ yên. Con đi phen này sẽ lấy đầu Vũ Văn Nhậm về nộp dưới trướng.
Nói xong liền xuất quân. Nguyễn Hữu Du và Nguyễn Như Thái kéo quân vừa vượt Sông Vị Hoàng, xảy quân thám mã về báo:
- Thưa Thế tử, quân Tây Sơn đã chiếm đèo Tam Điệp hiện đang tiến cách quân ta chừng trăm dặm.
Nguyễn Hữu Du thất kinh nói:
- Quân Tây Sơn thế mạnh lại chiếm đèo Tam Điệp, chi bằng ta lui về bờ Bắc sông Vị Hoàng, dùng sông này làm hào chống nhau với giặc là hơn.
Nguyễn Như Thái bàn:
- Quân ta vừa mới vượt sông mà tiến, nghe giặc đến lại vượt sông mà lùi sao khỏi mất đi nhuệ khí. Theo tôi nhân lúc này ta bày trận Bối thủy quay lưng xuống sông mà chống nhau với giặc.
Nguyễn Hữu Du hỏi:
- Bày trận Bối thủy ngộ nhỡ thua binh chẳng phải là mình tự chặn đường về của mình sao?
Như Thái đáp:
- Quân ta một vạn, quân Tây Sơn do Phan Văn Lân làm tiên phong thống lãnh chỉ có năm ngàn, ta lại bày trận Bối thủy buộc quân ta phải liều chết mà đánh. Thế nhất định phải thắng.
Hữu Du còn e ngại nên bàn:
- Vậy ta sai quân đem chiến thuyền vận chuyển đến chỗ kín đáo giấu đi. Nếu lỡ thua binh thì dùng thuyền ấy thoát về bờ Bắc.
Nói xong hai người theo kế đã bàn mà làm.
Quân Hữu Du vừa bố trận xong, quân Tây Sơn rầm rộ kéo đến, đi đầu là tiên phong Phan Văn Lân. Nguyễn Như Thái trông thấy liền lướt ngựa đến hét lớn:
- Nguyễn Huệ hết tướng hay sao mà sai thằng thư sinh trói gà không chặt như ngươi ra trận. Mau xuống ngựa quy hàng ta sẽ tha chết.
Phan Văn Lân cả cười nói:
- Mày là đồ vô đanh tiểu tốt sao biết được oai ta. Hãy về hỏi Hữu Chỉnh xem thư sinh Đại tướng Phan Văn Lân lợi hại thế nào?
Nói xong hai bên liền giáp chiến. Quân Tây Sơn khí thế đang hăng, quân Bắc cùng đường liều chết mà đánh, tiếng hò reo vang dội. Đánh được mấy hiệp Nguyễn Như Thái cả kinh nghĩ thầm, thằng học trò này trông gầy gò ốm yếu mà sức mạnh vô cùng. Nó dùng thương lợi thế đánh xa, ta dùng đoản đao phải lừa thế đánh gần mới mong giết được nó. Nghĩ rồi chờ thương Văn Lân đâm tới, Thái dùng hết sức bình sinh hất mũi thương lên rồi hoành đao mà chém ngang hông Văn Lân. Chẳng ngờ Lân lanh lẹ bình thương đỡ lưỡi đao rồi trở đốc thương đâm Như Thái. Đốc thương đâm ngay vào miếng kính tâm trên áo giáp Như Thái mạnh đến nỗi Thái văng khỏi lưng ngựa hộc máu chết tươi. Nguyễn Hữu Du trông thấy Thái chết thì thất kinh quất ngựa mà chạy, đến bờ sông vội vã cướp thuyền sang sông về bờ Bắc. Quân sĩ thấy vậy vứt giáo quăng gươm, kẻ nào lên thuyền được thì lên, còn không bèn cởi giáp lội bộ qua sông chạy theo chủ tướng. Quân Tây Sơn đại thắng giết quân Bắc và thu lượm vũ khí rất nhiều. Phan Văn Lân thắng trận rồi bèn gò ngựa đứng nhìn dòng sông Vị Hoàng mênh mông, lại thấy trời đã tối Lân bèn bảo quân hạ trại chờ Vũ Văn Nhậm và Ngô Văn Sở đến rồi sẽ vượt sông.
Vừa lúc ấy Vũ Văn Nhậm dẫn bộ binh và Ngô Văn Sở đem thủy binh cùng đến Vị Hoàng. Vũ Văn Nhậm bàn:
- Quân do thám ta về báo rằng Chỉnh đã đem quân đến làng Bình Vọng. Từ đây đến Thăng Long đường bộ thời xa mà đường thủy thì gần. Vậy ông Sở hãy đem thủy quân theo sông Vị Hoàng tiến lên rồi bất ngờ đánh vào phía Tây thành Thăng Long. Chiếm được Thăng Long thì quân Chỉnh ở làng Bình Vọng sẽ không còn đường rút, ta và ông Lân đem đại bộ binh đánh ra ắt là bắt được Hữu Chỉnh.
Ngô Văn Sở y lệnh thống lãnh thủy quân tiến lên thượng lưu sông Vị.
*
* *
Nhắc lại Nguyễn Hữu Chỉnh ở Thăng Long triệu Nguyễn Cảnh Thước về rồi bèn thống lĩnh đại binh trợ chiến cho Nguyễn Hữu Du và Nguyễn Như Thái. Đại binh đi đến làng Bình Vọng, Chỉnh quay lại hỏi Nguyễn Viết Tuyển:
- Có phải làng Bình Vọng này tục gọi là làng Bằng đó chăng?
Tuyển đáp:
- Thưa ấy chính là làng Bằng.
Chỉnh ngậm ngùi nói:
- Ngày trước ta kéo quân ra diệt Trịnh Bồng ngang ra làng Bằng có chim Phượng ra đón. Nay chim Phượng ấy ở đâu?
Chỉnh vừa dứt lời bỗng một chim Phượng hoàng bay đến đậu trên biển danh của làng. Chẳng ngờ tấm biển đề hai chữ Bình Vọng ấy lâu ngày đã mục, chim vừa đậu lên, biển liền gãy đổ tan tành. Chim hốt hoảng kêu lên ba tiếng thất thanh rồi vỗ cánh bay đi.
Nguyễn Viết Tuyển nói:
- Chim Phượng hoàng năm cũ đã ra nhưng lại đạp vỡ cổng làng Bằng e là điềm gở. Xin Bằng Trung Công liệu tính.
Nguyễn Hữu Chỉnh trong lòng hồi hộp bèn nói:
- Giờ trời đã tối truyền lệnh ta đóng quân nghỉ tạm, ngày mai lại tiếp tục hành quân.
Vừa hạ trại xong quân canh vào báo cùng Hữu Chỉnh:
- Thưa Thượng công, Thế tử thua trận chạy về xin vào ra mắt.
Chỉnh đang ăn cơm quăng đũa đứng dậy bảo:
- Mau cho con ta vào đây.
Hữu Du vào đến quỳ thưa:
- Con kéo quân vượt sông Vị Hoàng thì quân Tây Sơn tiến đánh. Con liền bày trận Bối thủy chống nhau với giặc, không ngờ quân Tây Sơn dũng mãnh quân ta đương không nổi. Nguyễn Như Thái bị Phan Văn Lân đánh chết. Con may cướp được thuyền còn mấy trăm quân chạy về xin chịu tội.
Hữu Chỉnh hỏi:
- Ai bày ngươi lập trận Bối thủy.
Hữu Du đáp:
- Thưa cha, Nguyễn Như Thái.
Chỉnh vỗ đùi than:
- Quân Tây Sơn thiện chiến, còn quân ta mới mộ, phần thua nhiều hơn phần thắng lại bày trận Bối thủy triệt đường về của mình, khiến một vạn quân ta đều chết cả. Thật là đồ bất dũng vô mưu.
Nguyễn Viết Tuyển bàn:
- Từ đây đến kinh thành không núi sông hiểm trở e rằng ta không đương nổi với giặc Tây Sơn. Chi bằng ta rút quân về Thăng Long rồi đem vua chạy lên Sơn Tây tránh thế mạnh của giặc rồi sẽ liệu sau.
Nguyễn Hữu Chỉnh nghe lời liền lệnh quân nhổ trại lui binh.
Vua Chiêu Thống ở thành Thăng Long ngày ấy nghe lòng nóng như lửa đốt, hết ra lại vào trông tin Nguyễn Hữu Chỉnh. Bỗng quân thám mã về báo:
- Tâu Bệ hạ, Bằng Trung Công thua binh chạy về thành. Hiện đã ra cửa Tây thành chạy lên Sơn Tây.
Vua thất kinh nói:
- Nguyễn Hữu Chỉnh chạy đi sao không bảo ta một tiếng.
Tên quân đáp:
- Giặc Tây Sơn đang đuổi sau lưng nên Bằng Trung Công không kịp vào yết kiến, người sai hạ thần đến báo cùng Bệ hạ.
Vua buồn rầu than:
- Đã đến nước này ta phải đem Hoàng tộc chạy lên Sơn Tây theo Nguyễn Hữu Chỉnh.
Phan Lê Phiên hầu cạnh vua can rằng:
- Việc ấy không nên.
Vua ngạc nhiên hỏi:
- Nếu không theo Hữu Chỉnh chẳng lẽ ở lại kinh thành cho Nguyễn Huệ hại ta ư.
Phiên đáp:
- Nay Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm truyền khắp thiên hạ mật chỉ phò Lê diệt Chỉnh do chính tay Bệ hạ viết ra. Vậy Bệ hạ chạy theo Chỉnh khác nào chạy vào chỗ chết.
Vua Chiêu Thống giật mình hỏi:
- Ở lại với Huệ cũng không được, theo Chỉnh cũng không xong. Vậy phải làm sao?
Phiên đáp:
- Bệ hạ nên chạy ra Kinh Bắc xuống hịch cần vương chiêu dụ quân các trấn Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang rồi đùng sông Như Nguyệt làm hào chống nhau với giặc Tây Sơn. Nếu quân ta yếu thế thì theo đường Lạng Sơn chạy sang đất Đại Thanh cầu viện vua Càn Long đem binh sang giúp tất có thể khôi phục được cơ nghiệp. Thần nay đã răng long đầu bạc không còn sức theo hầu Bệ hạ. Xin Bệ hạ bảo trọng.
Nói xong Phan Lê Phiên lạy từ biệt vua về nhà. Vua Chiêu Thống liền đem gia quyến chạy ra Kinh Bắc.
*
* *
Phần Hữu Chỉnh dẫn quân ra cửa Tây thành năm dặm bỗng gặp một đạo quân Tây Sơn xông ra cản đường, đi đầu là một viên dũng tướng. Viên tướng ấy vung đại đao lướt ngựa đến hét lên:
- Phản tặc Nguyễn Hữu Chỉnh chạy đâu cho thoát. Có ta là Khổn Nghịch đại tướng quân Ngô Văn Sở đến đây.
Nguyễn Hữu Chỉnh quay lại bảo các tướng:
- Ngô Văn Sở đao pháp tinh thông. Năm Bính Ngọ ta dẫn Nguyễn Huệ ra phò Lê diệt Trịnh, chính Ngô Văn Sở một mình bắt sống hai tướng Ngô Cảnh Hoàn và Mai Thế Pháp trên sông Thúy Ái nên mới có tên là Khổn Nghịch đại tướng quân. Nay nó chặn đường rút của ta, vậy phải liều chết mà đánh mới dược.
Nói xong Chỉnh cùng Nguyễn Hữu Du, Nguyễn Viết Tuyển, Nguyễn Cảnh Thước đồng loạt xông lên. Ngô Văn Sở vẫy tay làm hiệu, đội xạ thủ lập tức bắn tên, Nguyễn Viết Tuyển và Nguyễn Cảnh Thước trúng tên độc ngã ngựa chết tươi. Bấy giờ Ngô Văn Sở mới hô quân giáp chiến. Quân Hữu Chỉnh không còn tinh thần chiến đấu, chưa đánh đã tan. Cha con Chỉnh liệu thế không xong bèn quất ngựa mà chạy. Văn Sở một mình thúc ngựa đuổi theo. Chạy một hồi cha con Hữu Chỉnh thấy Ngô Văn Sở không quân hộ vệ liền quay lại vây Văn Sở mà đánh. Ngô Văn Sở không hề nao núng vung đại đao cự chiến, khi quay bên tả chặn thương Hữu Du, lúc tràn bên hữu bạt kiếm Hữu Chỉnh. Đánh dược ba mươi hiệp Văn Sở hoành đao chém Hữu Du rơi đầu. Chỉnh chẳng còn hồn vía nào quay lưng toan chạy, Văn Sở hạ đao chém chân ngựa Hữu Chỉnh. Ngựa ngã qụy hất Chỉnh té nhào xuống đất. Văn Sở bèn trói Hữu Chỉnh đặt lên lưng ngựa rồi cắt đầu Hữu Du treo nơi cổ ngựa quay lại phía quân mình. Quân Tây Sơn trông thấy đồng thanh nói:
- Phản nghịch Nguyễn Hữu Chỉnh gặp Khổn Nghịch đại tướng quân thì chạy đâu cho thoát.
Vào thành Thăng Long, Văn Sở nộp Chỉnh dưới thềm. Vũ Văn Nhậm quát hỏi Chỉnh:
- Ngươi mượn tay Tây Sơn ta ra làm vương đất Bắc lại đem lòng bội phản Bắc Bình Vương. Tội đã đáng chết hay chưa?
Chỉnh điềm nhiên đáp:
- Ta chết đã đành, nhưng trước lúc chết ta muốn hỏi ngươi một điều.
Nhậm đáp:
- Ngươi cứ hỏi.
Chỉnh nói:
- Ta quản thúc vua Lê rất kỹ, sao vua Lê viết mật chỉ vời Nguyễn Huệ về kinh cứu giá lại lọt khỏi sự kiềm soát của ta?
Nhậm cười to đáp:
- Đến giờ này ngươi còn chưa biết mà dám kiêu ngạo tự cho mình ngang tài với Bắc Bình Vương. Tấm mật chỉ phò Lê diệt Chỉnh do Lê Duy Án trao cho Bắc Bình Vương khi theo Trần Công Xán vào đòi đất Nghệ An đó!
Nghe Nhậm nói xong, Chỉnh than dài một tiếng:
- Ta thật không sánh bằng Nguyễn Huệ vậy.
Vũ Văn Nhậm lại hỏi:
- Trước khi chết ngươi còn ân hận gì chăng?
Chỉnh đáp:
- Ta chỉ ân hận rằng lúc trước không đem quân giúp Nguyễn Duy và Nguyễn Huỳnh Đức giữ Nghệ An dùng sông Linh Giang làm ranh giới chia đôi thiên hạ với Nguyễn Huệ mà thôi.
Nhậm cười bảo:
- Ngươi trước lúc chết còn ngông cuồng nói lời càn rỡ. Về trí thì không biết lòng người nên mới xui ta làm phản Bắc Bình Vương. Về dũng thì hai cha con ngươi không cự nổi một đường đao của Ngô Văn Sở, thế mà dám nuôi chí chia đôi thiên hạ với Chúa ta. Người chết thật là đáng lắm. Quân đâu lôi ra ngoài chém.
Giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi, Vũ Văn Nhậm sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đi khắp các nơi dán yết thị chiêu an bá tánh, còn Nhậm đích thân đi xem xét các kho tàng ở trong kinh thành. Thấy các kho đều trống rỗng không có vật gì đáng quý, Nhậm gọi tên quản kho đến bảo:
- Năm Bính Ngọ ta theo Bắc Bình Vương ra Thăng Long phò Lê diệt Trịnh thấy trong kho báu vật rất nhiều. Sao nay các kho đều trống rỗng là cớ gì?
Tên quản kho của vua Lê đáp:
- Thưa tướng quân, lúc tướng quân kéo đại binh đến, vua Lê và Bằng Trung Công nghe tin đã bỏ thành mà chạy. Dân chúng trong thành thừa dịp ấy bèn kéo nhau đến phá cửa kho lấy châu báu về làm của riêng hết cả rồi.
Vũ Văn Nhậm liền quay về dinh phủ gọi tên tùy tướng tên là Trần Đường đến bảo:
- Ngươi hãy dẫn quân đi soát khắp nhà dân trong thành. Nhà nào có châu báu trong kho tịch thu hết về đây cho ta.
Trần Đường vâng lệnh dẫn quân đi.
Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đang đem quân đi dán cáo thị diệt Chỉnh phò Lên chiêu an bá tánh, bỗng một lão già từ đâu chạy đến gào khóc kêu lên:
- Quân các ngươi đi cướp bóc của dân thì dán cáo thị chiêu an bá tánh làm gì!
Sở và Lân nhìn theo hướng chỉ tay của lão già, quả nhiên thấy một toán quân Tây Sơn đang khiêng hòm châu báu thật. Phan Văn Lân liền chặn viên tiểu tướng lại hỏi:
- Các ngươi là quân nào, khiêng hòm châu báu đi đâu?
Tên tiểu tướng đáp:
- Hạ thần tên Trần Đường vâng lệnh phò mã Tiết Chế Vũ Văn Nhậm đi lục soát nhà dân lấy lại châu báu dân cướp trong kho khi kinh thành bỏ trống.
Ngô Văn Sở thất kinh nói:
- Tiết chế phò mã sao lại làm như thế. Tây Sơn ta quân pháp nghiêm minh, nếu Bắc Bình Vương nghe được ắt phải chết.
Đoạn Sở và Lân tức tốc tìm gặp Vũ Văn Nhậm. Sở nói:
- Bọn tay chân của phò mã thừa lệnh làm càn, cho quân cướp bóc của dân. Vả lại bọn ta vâng lệnh Bắc Bình Vương ra đây là vì dân không vì lợi. Tiết Chế làm thế e rằng mất chính nghĩa Tây Sơn ta.
Nhậm phật ý đáp:
- Châu báu trong kho là của vua Lê, bọn gian tà lấy đi ta sai quân lấy lại có gì là không đúng. Nếu Hoàng thúc bắt tội ta xin chịu, các ông không phải lo.
Phan Văn Lân nói:
- Nhưng dân khắp kinh thành đều bảo phò mã cậy thế là rể vua làm điều trái đạo. Xin phò mã nghĩ lại.
Nhậm không đáp lời Lân, lại bảo Trần Đường:
- Ngươi hãy dẫn quân đi khắp kinh thành, ai đặt điều nói bậy chém chết cho ta.
Nói xong Nhậm quay gót vào hậu dinh bỏ mặc Sở và Lân nơi tiền sảnh. Về bản doanh Phan Văn Lân ức uất nói với Ngô Văn Sở rằng:
- Vũ Văn Nhậm thấy bạc vàng lóa mắt, tham quá hóa sân si. Hắn cậy là phò mã khinh anh em ta quá đáng. Ta ở dưới quyền, vậy làm sao ngăn hắn đừng sách nhiễu lương dân.
Ngô Văn Sở đáp:
- Ta phải mật báo với Chúa công mới được.
Nguyễn Huệ ở Phú Xuân nhận được mật báo của Ngô Văn Sở, liền bảo tả hữu:
- Mau sai quân sắp sẵn ngàn quân cấm vệ và năm mươi thớt voi. Ta phải lập tức lên đường ra Bắc.
Trần Văn Kỷ hỏi:
- Vũ Văn Nhậm phạm vào quân lệnh, sao Chúa công không viết chiếu lệnh triệu Nhậm về trị tội, cần gì phải thân hành ra Bắc?
Nguyễn Huệ lắc đầu đáp:
- Kể từ khi ta vào vây thành Quy Nhơn buộc Hoàng huynh phải thả con tin thì Vũ Văn Nhậm đã có ý ngờ ta. Nay Vũ Văn Nhậm nắm quyền ở Thăng Long, nếu ta viết chiếu chỉ gọi Nhậm về trị tội, ta sợ rằng Nhậm sợ tội mà làm phản. Việc này nếu ta không thân hành ra Bắc ắt không xong.
Nói rồi Nguyễn Huệ liền lên đường ra Bắc.
*
* *
Nguyễn Huệ đến Thăng Long đã quá nửa đêm. Đến dưới thành Huệ sai quân gọi lớn:
- Mau mở cổng thành, có Bắc Bình Vương đến!
Quân canh nhìn xuống thấy đèn đuốc sáng ngời, rõ ràng Nguyền Huệ ngồi trên bành voi oai phong lẫm liệt, bệ vệ uy nghi. Quân trong thành thất kinh vội vàng mở cổng. Vào thành rồi Huệ bảo quân:
- Các ngươi ai ở yên nơi ấy không được làm kinh động bá tánh.
Nguyễn Huệ vào dinh Vũ Văn Nhậm bảo bọn canh cửa:
- Các ngươi ai ở yên nơi ấy không được làm kinh động đến phò mã.
Quân sĩ vốn sợ uy Nguyễn Huệ, răm rắp vâng lời không đám động đậy. Nhậm lúc ấy vẫn đang ngủ say không hề hay biết. Huệ đến gần lay Vũ Văn Nhậm. Nhậm cựa mình gắt:
- Kẻ nào dám quấy rầy giấc ngủ của ta.
Nguyễn Huệ bình thản đáp:
- Thưa Tiết Chế phò mã, có Bắc Bình Vương đến.
Nhậm giật mình ngồi phắt dậy quát:
- Đứa nào dám đùa với ta thế?
Vừa dứt lời ngước lên thấy Nguyễn Huệ đứng sừng sững trước mặt, Vũ Văn Nhậm thất kinh sụp lạy:
- Cháu không biết là Hoàng thúc đến đây nên không kịp nghênh đón. Xin Hoàng thúc tha tội.
Nguyễn Huệ nghiêm giọng hỏi:
- Vũ Văn Nhậm! Ngươi có biết ta đang lo trăm công ngàn việc ở Phú Xuân lại phải cấp tốc ra Thăng Long là vì sao không?
Nhậm cúi đầu đáp:
- Thưa, cháu không được biết.
Huệ lại hỏi:
- Vậy ngươi có biết ai đã sai quân đi cướp bóc của nhân dân trong thành Thăng Long chăng?
Vũ Văn Nhậm sợ hãi đáp:
-Ấy là châu báu trong kho của vua Lê, dân chúng trộm đi nên cháu mới sai quân lấy lại sung vào công quỹ.
Lúc ấy Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân vừa đến, thi lễ với Huệ xong, Sở thưa:
- Chúa công nửa đêm đến đây chúng thần không được biết. Xin Chúa công thứ tội!
Nguyễn Huệ liền bảo:
- Hai ngươi mau đi bắt hết tòng phạm của Vũ Văn Nhậm về đây cho ta.
Rồi quay sang Nhậm, Huệ hỏi:
- Vậy số châu báu đang cất tại kho nào?
Nhậm run rẩy chỉ vào mấy chiếc hòm ở góc phòng, đáp:
- Cháu còn cất nơi đây chưa kịp đưa vào kho.
Nguyễn Huệ nạt:
- Quân bay mau trói Vũ Văn Nhậm lại cho ta.
Võ sĩ xông vào trói Nhậm. Nhậm cố van nài:
- Xin Hoàng thúc nghĩ tình Phụ vương mà tha cho cháu một lần.
Lúc ấy Phan Văn Lân vừa giải Trần Đường đến. Huệ bảo Vũ Văn Nhậm và Trần Đường rằng:
- Ngày mai ra trước dân, dân bảo tha thì ta tha, dân bảo chém thì ta chém.
Đoạn Huệ sai quân lập công đường ngoài dinh phủ chờ trời sáng sẽ đem Vũ Văn Nhậm ra trước dân mà xử. Sáng hôm sau nhân dân ở thành Thăng Long nghe tin rủ nhau đến xem, người đông nghìn nghịt. Vũ Văn Nhậm và Trần Đường bị trói quỳ trước án. Nguyễn Huệ hướng về phía dân cất tiếng sang sảng hỏi:
- Bá tánh hãy nhìn cho rõ, kẻ nào đã dẫn quân đi cướp của nhân dân trong thành?
Một cụ già bước ra nói:
- Thưa Bắc Bình Vương, tôi thay mặt bá tánh trong thành xin thưa rõ mọi chuyện.
Nguyễn Huệ kính cẩn khích lệ:
- Sự thật thế nào xin cụ cứ nói ra.
Cụ già chỉ mặt Trần Đường nói:
- Chính vị tướng quân này dẫn quân đi lấy cướp vàng bạc châu báu của dân.
Quay sang Trần Đường, Huệ hỏi:
- Trần Đường! Có đúng là ngươi đã dẫn quân đi cướp của dân chăng?
Trần Đường hoảng sợ lạy như tế sao:
- Xin Bắc Bình Vương tha mạng, kẻ hạ thần chỉ làm theo lệnh của phò mã mà thôi.
Nguyễn Huệ lại quay sang hỏi Vũ Văn Nhậm:
- Vũ Văn Nhậm! Ngươi theo Tây Sơn ta từ lúc mới dấy binh. Vậy quân lệnh của ta, cướp của dân phải xử thế nào ngươi có biết chăng?
Vũ Văn Nhậm kinh hồn bạt vía dập đầu thưa:
- Phải xử tội chết. Xin Hoàng thúc hãy nghĩ tình Phụ hoàng mà tha cho cháu một phen.
Nguyễn Huệ nghiêm giọng nói:
- Quân pháp bất vị thân. Nếu tha cho ngươi sao an được lòng dân, sao nghiêm minh quân kỷ!
Nhậm cố van nài:
- Ngày xưa khởi binh cháu chém đầu tham quan giữa chợ cho Phụ hoàng nhậm chức Biện lại Vân Đồn. Lại có công thả Hoàng tôn Dương, xạ tiễn cứu công chúa Thọ Hương. Cháu từng theo Hoàng thúc vào Nam ra Bắc, sinh tử có nhau. Nay vì một tội nhỏ mà Hoàng thúc nỡ quên tình xưa nghĩa cũ xử cháu vào tội chết hay sao? Xin Hoàng thúc thương tình nghĩ lại!
Nguyễn Huệ trầm ngâm nói:
- Ngày trước ngươi chém đầu tham quan giữa chợ, sao nay làm quan lại còn cướp của hại dân. Xạ tiễn cứu Thọ Hương được phong làm phò mã ấy là công đã được trả. Nếu người có công ai cũng cậy công làm càn như ngươi thì trăm họ sẽ ra sao? Võ sĩ đâu đem Vũ Văn Nhậm và Trần Đường ra pháp trường xử trảm.
Nhậm thấy van nài không được bèn nói cứng:
- Hạ thần có tội đã đành, nhưng thần là Phò mã rể vua. Xin Hoàng thúc giải thần về Quy Nhơn cho Phụ hoàng xử tội.
Nguyễn Huệ bảo:
- Ngươi gây tội ở Thăng Long phải xử ở Thăng Long, có tội với dân phải trước dân mà xử, không thể đem ngươi về Quy Nhơn được.
Vũ Văn Nhậm thấy Nguyễn Huệ đã quyết ý hoảng sợ khóc rống lên rằng:
- Dù sao cháu cũng là người trong nhà. Hoàng thúc hãy nể Phụ hoàng, nghĩ tình Thọ Hương mà tha cho cháu một phen.
Thấy Nhậm cuống cuồng kêu khóc, Nguyễn Huệ ứa nước mắt rồi nghiêm giọng nói gằn từng tiếng:
- Pháp luật nghiêm minh! Chém!
Nhìn võ sĩ lôi Vũ Văn Nhậm và Trần Đường đi, hai hàng nước mắt Nguyễn Huệ chảy ròng ròng. Thấy vậy Trần Văn Kỷ khuyên:
- Ấy là vì thi hành pháp luật, xin Chúa công chớ quá thương tâm.
Nguyễn Huệ lau nước mắt đáp:
- Vũ Văn Nhậm đã từng cùng ta vào sinh ra tử, lại là cháu rể của ta. Nay phạm tội chết ta không đau lòng sao được!
Rồi Nguyễn Huệ bảo dân chúng rằng:
- Trong bá tánh ai bị Vũ Văn Nhậm lấy vật gì hãy đến khai rõ cùng quan Trung thư Trần Văn Kỷ sẽ được trả lại. Nếu phát hiện người nào khai gian tội khó dung tha.
Dân chúng bảo nhau rằng:
- Bắc Bình Vương xử trị nghiêm minh, hành pháp vô tư, đến phò mã còn bị đưa ra trước dân xử tội chết. Hãy lấy đó làm gương, mất vật gì phải khai cho thật.
Nội nhật hôm ấy Trần Văn Kỷ trả lại của cải bị mất cho dân không sót một tờ hào nào cả.
Xong việc ấy Nguyễn Huệ chia quân đi đồn trú khắp các trấn thủ ở Bắc Hà, lại truyền hịch rằng ai biết được chỗ trú ẩn của vua Lê Chiêu Thống để quân Tây Sơn đến rước vua về kinh trị vì trăm họ, thì kẻ đó sẽ được phong quan.
oOo