VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 12:04 am

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang

    Lời tác giả: Những câu chuyện về cuộc đời NAM PHƯƠNG Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn





    Thuở nhỏ, mái trường mà tôi được vinh hạnh nhập học đầu tiên là trường Couvent des Oiseaux do các nữ tu trong dòng Đức Bà quản giáo tọa lạc tại đường Parreua ( gần Bưởi hay là đường Hoàng Hoa Thám ) Hà Nội. Khi tôi học ở lớp mẫu giáo của trường Convent des Oiseaux thì bà Nam Phương Hoàng hậu tới thăm. Chúng tôi là những học sinh nhỏ tuổi được cầm những bó hoa tươi đứng trước sân để nghênh đón Hoàng hậu. Hai em học sinh Việt và Pháp bưng hoa lên dâng tặng Nam Phương Hoàng hâu. Bà Nam Phương cám ơn nhà trường và các em học sinh, rồi ôm hôn hai em đang tặng hoa.
    Lý do bà Nam Phương tới thăm trường Convent des Oiseaux Hà Nội vì những ngày du học tại Pháp, bà Nam Phương đã có thời gian theo học trường Convent des Oiseaux Paris cũng do các nữ tu dòng Đức Bà phụ trách mà hồi đó người ta đều kêu danh xưng là các Mẹ ( Mère )
    Bà Nam Phương có net mặt hiền hậu và đạo hạnh. Hình ảnh Nam Phương hoàng hậu vấn khăn vành vàng in trên con tem đã để lại ấn tượng trong nhiều người lớn tuổi. Đến năm 1945 tôi đọc báo thấy bà hưởng ứng Tuần Lễ Vàng tại Huế bằng hành động tự trao tất cả những quý kim vàng bạc châu báu mà bà đang mang trên người để tặng Nhà nước mua vũ khí chống thực dân Pháp. Rồi bà Nam Phương còn làm việc thiện, như vào dịp Tết năm 1946, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Huế trao bà Nam Phương số tiền 10 ngàn đồng bạc, nói là của Hồ Chủ Tịch chuyển vào để tặng bà và gia đình ăn Tết. Với số tiền này thời đó là lớn lắm. Bà Nam Phương nhận số tiền trên, gởi lời cảm ơn Cụ Hồ và Ủy ban Hành chánh Huế. Sau đó, bà Nam Phương đã chuyển số tiền 10 ngàn đồng bạc cho các bà phước trông coi cô nhi viện ở Huế để các cháu ăn tết mà các cô nhi đang thiếu thốn vì chiến tranh vừa xảy ra.
    Cũng năm 1946, bà Nam Phương còn có một hành động yêu nước khi thực dân Pháp đem quân trở lại xâm lược Việt Nam. Đó là bà đã viết một lá thư ngỏ như một Thông điệp ( Message ) gửi tới những bạn hữu ở châu Âu và thế giới yêu cầu họ lên tiếng tố cáo sự trở lại của quân đội Pháp làm đổ máu đồng bào Nam bộ.
    Những hành động trên không riêng cá nhân tôi trân trọng, mà mọi người đều kính phục nhân cách của một bà cựu hoàng hậu nước Việt. Vì vậy, khi bước chân vào làm báo, với lòng ngưỡng mộ, tôi đã cố công sưu tầm những tư liệu, sách, báo đã viết về bà Nam Phương để dành làm tư liệu.
    Cuộc đời bà Nam Phương từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành, lấy chồng và trở thành hoàng hậu có thể nói rất hạnh phúc. Bảo Đại đã giữ đúng lời hứa chỉ có một vợ một chồng. Nhưng sau năm 1945 vì tình thế và hoành cảnh, Bạo Đại đã thay tính đổi nết, ăn chơi, cờ bạc, và quan hệ với nhiều phụ nữ “ già ngân ngãi non vợ chồng ” mà người ta gọi là những thứ phi của Bảo Đại. Tuy vậy, bà Nam Phương cũng không có một hành động nào làm xáo trộn gia đình, nếu có bà chỉ nhỏ nhẹ than với mấy người thân cận. Những hành động như đánh ghen, chửi bới, hãm hại tình địch bà Nam Phương không bao giờ có. Những chuyện cho rằng bà Nam Phương cho người cầm súng hạ tình địch, nhưng tình địch không hề hấn gì mà Bảo Đại lại bị trọng thương chỉ là những giai thoại và thêu dệt của những người không ưa Bảo Đại.
    Từ lúc về làm dâu nhà Nguyễn, trở thành bà Hoàng hậu, chúng tôi chưa thấy một ai chê trách hay than phiền về cung cách hay lời ăn tiếng nói của Nam Phương. Trái lại, Bảo Đại bị tai tiếng và người đời chê trách khá nhiều.
    Trong cuốn “Giai thoại và sự thật về Bảo Đại - vua cuối cùng triều Nguyễn” của tôi đã được xuất bản có nhiều phần viết về Nam Phương - người vợ đầu tiên và chính danh của Bảo Đại. Song theo yêu cầu của bạn đọc muốn tìm hiểu đầy đủ hơn về bà Nam Phương, tôi đã hệ thống lại tư liệu để viết tiếp cuốn sách nhỏ này, với tên gọi “Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn”.
    Vì những câu chuyện được sưu tầm, góp nhặt từ nhiều nguồn tư liệu nên chắc chắn không tránh khỏi những nhầm lẫn, sai sót. Nếu phát hiện mong bạn đọc góp ý và lượng thứ.
    Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn đến những tác giác có tác phẩm mà chúng tôi sử dụng, trích dẫn trong cuốn sách này. Thành thật cảm tạ.
    Sài gòn - TP. Hồ Chí Minh thánh 9-2006
    Lý Nhân PHAN THỨ LANG




    - 1 -: Gái thuyền quyên đất Nam bộ trở thành vợ các vua triều Nguyễn-





    Đất Nam bộ có nhiều trai anh hùng phò chúa Nguyễn mở mang bờ cõi và cũng có nhiều “gái thuyền quyên” được tiến vào cung làm vợ cách vua triều Nguyễn.
    Như chúng ta đã biết, 25 năm ròng rã bôn ba đất Nam bộ và được gần gũi các cận thần người miền Nam như các ông Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Quang Định, Phạm Đăng Hưng... thế mà Gia Long lại không có một mối tình nào với những người đẹp đất Nam bộ kể cũng lạ. Hay chính sử và ngoại sử kỵ húy, sợ phạm thượng không dám ghi lại chăng? Hay Nguyễn Ánh lúc đó tạm gác lại “tình duyên” để lo “đại sự” mà chưa nghĩ đến một bóng thuyền quyên nào ở đất Nam bộ?
    Nhưng hậu duệ của Gia Long là vua Minh Mạng đã có mấy bà vợ người miền Trung rồi, lại tuyển bốn gái thuyền quyên miền Nam ra Huế để tiến vào cung hầu hạ nhà vua, là những bà dưới đây mà sử sách đều ghi:
    1. Bà Hồ Thị Hoa ( 1791 - 1807 ), sau được phong làm Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Bà Hoa là người Bình An, tỉnh Biên Hòa. Bà là con gái của ông Hồ Văn Bôi, sau ông được phong Phúc Quốc Công. Vì húy tên bà là Hoa nên sau này ở Gia Định có một cây cầu Hoa phải gọi là cầu Bông. Còn ở Huế có Cửa Đông Hoa đã phải đổi là Cửa Đông Ba, và vở tuồng hát bội nổi tiếng là Phàn Lê Hoa cũng phải đổi là Phàn Lê Huê... Đặc biệt bà Hoàng hậu này không có một người con nào.
    2. Bà Nguyễn Thị Khuê, tự Bích Chi, được phong Hòa Tần, người huyện Phúc Lộc, tỉnh Gia Định, là con gái của quan Chưởng Cơ Nguyễn Văn Thanh, trấn phủ tỉnh Quảng Nam. Bác Bích Chi sanh được bốn Hoàng tử và sáu Công chúa.
    3. Bà Nguyễn Thị Nhân, phong Cung Tần, người Gia Định. Là con gái Chính Đội Nguyễn Văn Châu. Bà này sinh được một Hoàng tử là Miên Ký, người giỏi văn chương trong triều Tự Đức, và được phong tước Cẩm Quốc công.
    4. Bà Nguyễn Thị Bảo ( 1801 - 1951 ) được phong là Thục Thần, người Gia Định là con của quan Tư không Nguyễn Khắc Thiệu. Bà này sinh được một Hoàng tử là Miên Thẩm ( 1818 - 1870 ) và ba Công chúa là Vĩnh Trinh ( 1824 - 1892 ), Trinh Thận ( 1824 - 1904 ), và Tĩnh Hòa ( 1830 - 1882 ). Cả bốn người con trên đều trở thành những nhà thơ nổi danh ở đất Thần Kinh nói riêng và cả nước nói chung mà đến bây giờ người ta vẫn còn nhớ đến những bút danh: Tùng Thiện Vương, Quy Đức, Man Am và Huệ Phố với những bài thơ tuyệt tác và bất hủ.
    Đến hậu duệ của vua Minh Tạng là vua Thiệu Trị, thì cũng có ba bà vợ là người miền Nam, là các bà:
    1. Phạm Thị Hằng có tự là Nguyệt ( còn theo Việt Nam tự điển của tác giả Lê Văn Đức thì Phạm Thị Hằng tự Hào ), là người huyện Tân Hòa tỉnh Gò Công. Bà là con quan Lễ Bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng. Bà Phạm Thị Hằng được phong là Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Bà là người hiền thục, đoan trang nên được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung cho làm vợ Hoàng tử Miên Tông, tức vua Thiệu trị. Bà Hằng đã sinh được hai Công chúa và một Hoàng tử là Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức. Bà Từ Dụ đã sống qua 10 đời vua kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho tới lúc hạ thế là năm 1901 đời vua Thành Thái thư 13. Đây là một bà Hoàng hậu đã được sống nhiều triều đại, được mắt thấy tai nghe nhiều sự kiện xảy ra trong triều Nguyễn.
    2. Bà Nguyễn Thị Nhậm, tước Lệnh Phi, người An Giang ( Long Xuyên ), là con của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhân. Bà Nguyễn Thị Nhậm được tuyển vào cung cùng một thời gian với bà Phạm Thị Hằng. Nhưng vì bà Nhậm chỉ sinh được một Hoàng nữ là Công chúa Nhàn Yên An Thạch, nên bà Nhậm chỉ được phong tước là Lệnh Phi.
    3. Bà Nguyễn Thị Huyên, được phong tước là Đức Tần, là người miền Nam, nhưng nguyên quán lại là Thừa Thiên, là con của Cai cơ Nguyễn Đức Xuyên. Bà này sinh được một Hoàng tử là Hồng Diêu ( 1845 - 1875 ), đây là vị Hoàng tử thứ 25 của vua Thiệu Trị. Tới hậu duệ của vua Thiệu Trị là vua Tự Đức có một bà vợ người miền Nam là Nguyễn Thị Hương, được phong tước Học Phi, người đất Vĩnh Long. Bà Hương không có con nên đã nhận công tử Ưng Thị, sanh năm 1870, là con mệ Hường Cai làm con nuôi. Đến khi vua Tự Đức tạ thế là Ưng Thị được tôn làm vua tức vua Kiến Phúc.
    Như trên chúng tôi đã viết, đã có bảy phụ nữ miền Nam đã trở nên Hoàng hậu triều Nguyễn. Đến thời thứ 13 triều Nguyễn Nguyễn Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại cũng lấy vợ người miền Nam, và đặc biệt là ngay khi cưới đã được phong làm Hoàng hậu, không như các vua tiền nhiệm, khi vua băng hà thì các bà mới được chọn để phong Hoàng hậu, hay Hoàng Thái hậu.
    Người phụ nữ người miền Nam thứ tám được phong làm Hoàng hậu là bà Nguyễn Hữu Thị Lan chúng tôi xin dành những trang sau sẽ viết đầy đủ hơn. Vì bà Nguyễn Hữu Lan tức Nam Phương Hoàng hậu cũng là bà Hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn.
    Ở đây chúng tôi cũng xin viết thêm về một bà Hoàng hậu triều Nguyễn đã được nhiều sách báo nhắc nhở đến về công đức và đạo hạnh là bà Từ Dụ. Vì bà Từ Dụ là người đã có nhiều ảnh hưởng đến các vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghe... Và trong số các Phi tần, bà Từ Dụ được Hoàng tử Miên Tông khi lên ngôi vua, đã phong bà làm Chánh phi và được phép ngồi phía sau bức màn nghe những lời vua bàn bạc với các Quan đại thần. Ngoài việc giúp vua về chính trị, bà Từ Dụ còn trôn gnom sắp đặt những việc trong cung với tư các một nữ quan cao cấp. Bà rất nhân từ đối với các Phi tần dưới quyền, không bao giờ ganh tỵ hay đố kỵ, thương yêu con của các Phi tần khác như chính con của bà, nên vua Thiệu trị thường ban lời khen ngợi.
    Như vậy, trong 8 bà Hoàng hậu đất Nam bộ làm dâu Triều Nguyễn thì có 2 bà được người ta nhắc đến nhiều nhất và trong sách, sử... cũng ca ngợi tánh nết đoan trang, nhân từ với mọi người, không phân biệt sang giàu và chính kiến. Đó là bà Từ Dụ tức Bác Huệ Thái Hoàng hậu vợ vua Thiệu Trị. Và bà Nam Phương Hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại. Cả hai bà Hoàng hậu Từ Dụ và Nam Phương đều nguyên quán đất Gò Công-Nam Bộ.
    Nói hay viết đến chữ “Địa Linh Nhân Kiệt” không phải là việc mê tín nhảm nhí, mà từ xưa đến nay các tác giả viết về địa lý như Tả Ao đã nói về phong thủy, chỗ này đất tốt, chỗ kia đất xấu... đều gần như đúng, và nay nhiều tác giả viết và nghiên cứu về tư liệu Phong thổ ( phong thủy ) để nhiều người nghiên cứu và áp dụng. Nhưng đúng hay sai cũng còn tùy ở con người tốt hay xấu. Ở đây chúng tôi chỉ căn cứ trong bộ Hoàng Việt địa dư chí đời vua Minh mạng thứ 14 năm 1883, và cuốn Cours d’Histoire Annamite của họa giả Trương Vĩnh Ký viết và in năm 1877. Hai tác phẩm giá trị trên đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn phải dùng tới.
    Ở đây chúng tôi nói về địa dánh Gò Công, nơi đã sản sinh ra những nhân vật nổi danh cả về đức và tài đã được nhiều sử sách nhắc đến.
    Từ xưa đất Gò Công trong bộ Đại Nam quốc sử của cụ Phan Thanh Giản đã được viết và đánh giá là “Địa Linh Nhân Kiệt”, căn cứ vào địa lý và nhân văn đã có hai giả thuyết định nghĩa chữ Gò Công.
    - Giả thuyết thứ nhất : Gò Công xưa là phần đất của xứ Phù Nam, khi Chúa Hiền tức Nguyễn Phúc Tần, đinh cuộc di dân Nam tiến, người Việt mới dời vào đây để định cư. Khi đó Gò Công còn là đất rừng, chưa có ai tới cư ngụ. Nơi này có một cái gò cao, có nhiều giống chim công trú ở nên người ta gọi ngay là Gò Công. Và trong sử đã ghi chép về danh từ địa phương là : khi vua Minh Mạng ra lệnh cho các quan địa phương đổi tên nôm na các tỉnh thành chữ Nho cho nho nhã, thì “Gò Công” đã biến thành “Khổng Tước Nguyên”, cũng như Đồng Nai thì đổi là “Lộc Dã”, còn Bến Tre thì đổi là “Trúc Giang”, và Sóc Trăng đổi là “Nguyệt Giang” ( tức Sông Trăng )...
    - Giả thuyết thứ hai : Người ta kể lại, ở xứ này trước đây có một người phụ nữ tên là Thị Công, đến lập quán bán thức ăn cho dân khai thác đồn điền. Lâu dần, nhận thấy Gò Công là đất dễ sinh nhau nên dân chúng các nơi hội tụ về đây khẩn hoang từng lập rẫy, lập làng. Số người đến đây mỗi ngày một tăng, từ đó dân địa phương quen miệng nên gọi là quán Bà Công, hay Gò Bà Công. Rồi lâu ngày dân đã bỏ chữ bà đi mà gọi tắt là Gò Công. Và danh từ địa phương Gò Công đã tồn tại từ đó đến nay.
    Đất Gò Công từ ngàn xưa đã sản sinh ra những nhân tài như Phạm Đăng Hưng, như Trương Công Định chống Pháp thời vua Tự Đức, khi tại thế được vua Tự Đức phong Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định. Những dòng chữ này đã được khắc trên bia mộ của Công Định tại Gò Công.
    Khi thực dân Pháp thống trị đất Nam bộ, họ đã bầm nát hàng chữ trên và còn phạt vạ bà Trần Thị Sanh, là người quả phụ của Trương Công Định 10 ngàn đồng vì người Pháp nêu lý do Trương Công Định tạo ra cuộc phiến loạn chống người Pháp.
    Đến đời vua Bảo Đại đã phong tước Trương Công Định là: “Đại Nam, Phấn dõng Đại tướng quân truy tặng Ngũ Quân quận công”, cho phép tu sửa lại phần mộ họ Trương trang trọng hơn trước, và năm 1955, ông Nguyễn Huỳnh Mai phụng đề hai câu đối liễn ở mộ bia như sau:
    Mặt trước: “Trương chí quật cường, võ liệt nêu cao đất Việt - Định tâm kháng chiến, văn mờ chói rạng trời Nam.”
    Mặt sau: “Huyện Tân Hòa, khẳng khái Cần Vương, tờ chiếu ngọc - Làng Gia Thuận, thung dung tựu nghĩa, chiếc gươm vàng”.
    Hàng năm, cứ vào ngày 18 tháng 7 Âm lịch có nhiều người tới thắp nhang viếng mộ họ Trương.
    Tại Gò Công còn có đền thờ Võ Quốc Công tức Võ Tánh. Miếu nay đặt tại Gò Tre, nơi Võ Tánh dựng cờ tụ nghĩa chiêu tập quân lính giúp Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn. Sau đó Võ Tánh ra Bình Định để tiếp tục giúp nhà Nguyễn đánh quân Tây Sơn và Võ Tánh đã tạ thế tại đây.
    Nơi nguyên quán Võ Tánh là Gò Công, ấp Gò Tre có hai câu đối ghi công ơn họ Võ như sau:
    “Khổng Tước kỳ, khẳng khái Cần vương, tam hùng thủ liệt.
    Bàn Sà địa, thung dung tựu nghĩa, nhứt biến Trung hưng”.
    Đi theo Võ Tánh để phò vua Nhà Nguyễn còn có ông Nguyễn Văn Hiểu. Ông là một người có tài, có đức, cương trực, và liêm khiết, đã có công lớn đối với vua Gia Long. Ông được cử ra làm trấn thủ Sơn Nam hạ ( tức tỉnh Nam Định ). Làm quan tới đời vua Minh mạng thứ 13, và được thăng Thự Tả quân Đô thống phủ Chương phủ sự. Khi ông tạ thế, vua Minh Mạng phong Lương năng bá. Con trai của ông Nguyễn Văn Hiểu là Nguyễn Văn Túc, có vợ là công chua Chương Gia. Ông Túc được phong Phò mã Đô úy.
    Thế kỷ 19-20, đất Gò Công đã nảy sinh ra những nhân vật học giỏi, giữ nhiều chức vụ cao và nổi danh. Như ông Lê Quang Liêm tự Bẩy Liêm hay Phủ Liêm. Ông Nguyễn Minh Chiếu, người gốc Gò Công, cũng là người nổi danh. Tiếp sau là Luật sư Vương Quang Nhường, nhà văn Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung làm tới chức Đốc phủ sứ. Ngoài giờ làm công chức, cụ Hồ Biểu Chánh còn viết tiểu thuyết, làm thơ và làm báo. Cụ Hồ Biểu Chánh để lại 44 tác phẩm truyện dài, truyện ngắn rất giá trị. Hiện nay các nhà làm phim đang lấy những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, như Nợ đời, Trọn nghĩa vẹn tình... để làm các phim truyện.
    Về tôn giáo có Giám mục Nguyễn Bá Tòng, là vị giám mục tiên khởi của hàng giáo phẩm Việt Nam. Giám mục Nguyễn Bá Tòng cũng là vị giám mục đạo đức và lỗi lạc của giáo hội Công giáo Việt Nam 1932 - 1949.
    Những vị mà chúng tôi nhắc đến trên đều là giới nam. Còn giới nữ, gốc Gò Công cũng nổi danh, mà lại nổi danh tột đỉnh triều đình nhà Nguyễn là bà Phạm Thị Hằng, con gái ông Phạm Đăng Hưng đã trở thành nàng dâu nhà Nguyễn tức là bà Từ Dụ, được phong Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, vợ của vua Thiệu Trị, là mẹ vua Tự Đức. Và bà thứ hai là Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái ông Nguyễn Hữu Hào, làm vợ vua Bảo Đại, được phong Nam Phương Hoàng hậu.
    Hai bà Hoàng hậu triều Nguyễn gốc Gò Công đều được người đời tôn kính là bậc mẫu nghi vì đạo đức, tài giỏi và thương dân, thương nước.
    Nước ta, kể từ triều Nguyễn Gia Long các vua vì theo phong tục của Trung Hoa nên vua nào cũng có một bà vợ chính thức được gọi là Nhất giai phi, chỉ khi chết mới được tôn là Hoàng hậu, ngoài ra còn chọn nhiều Phi tần, Cung nữ tuyển vào cung để làm vợ thứ. Nhưng kể từ Gia Long lên ngôn Hoàng đế thì chức Hoàng hậu bị bãi bỏ vì nhà vua sợ các bà hoàng lộng quyền chiếm đoạt ngôi vua. Vì vậy, Gia Long đã đặt ra “Tứ bất lập”, theo thứ tự như sau:
    - Bất lập Hoàng hậu ( Không lập Hoàng hậu ).
    - Bất lập Đông cung ( Không lập Thái tử ).
    - Bất lập Tể tướng ( Không đặt chức Tể tướng ).
    - Bất lập Trạng nguyên ( Không lấy ai đậu Trạng nguyên ).
    Sau đó chia ra làm “Cửu giai” và theo thứ tự các bà vợ từ đầu đến cuối như sau:
    - Nhất giai phi.
    - Nhị giai phi.
    - Tam giai tân.
    - Tứ giai tân.
    - Ngũ giai Tiệp dư.
    - Thất giai Thục nhân.
    - Bát giai Mỹ nhân.
    - Cửu giai Tài nhân.
    Việc sắp xếp trên cũng như các cấp bậc quan lại được chia ra thứ tự gồm “Cửu phẩm”. Như vậy bà nào đứng đầu trong “Cửu giai” thì được gọi là Hoàng Quý phi. Lệ này được duy trì tới 12 đời vua triều Nguyễn, và tới Bảo Đại là vị vua thứ 13 mới cho lập lại chức Hoàng hậu.
    Cũng vì sợ Phi tần, Cung nữ trong Hoàng cung quá đông nên nhà vua đã cho lệnh xây cất “Tam cung” và “Lục viện” cho mỗi bà ở một phòng riêng mới đủ chỗ.
    Ở Tam cung lại chia ra làm 3 cung:
    Cung Diên Thọ, là nơi dành cho các bà Hoàng Thái hậu, Thái Thái hậu là các bà vợ của các vua đã băng hà ( tạ thế ), và có các viên Thái giám ở đó nữa.Cung Trường Sanh dành cho các bà vợ vua đang tại ngôi, như các bà Lệ Thiên, vợ của vua Tự Đức, và bà Từ Minh, vợ của vua Dục Đức cũng đã từng ở nơi này.Cung Khôn Thái được thiết lập ở gần điện Cần Thánh chỗ vua ở. Cung này dành riêng cho các bà Hoàng Quý phi. Trong cung này có một điện tên là Cao Minh Trung Chính, điện này lập vào năm Gia Long thứ ba. Ở phía đông của điện Cao Minh Trung Chính có một nhà hát để nội cung hát riêng cho vua xem và gọi là Viện Tịnh quan. Còn Lục viện gồm có 6 viện là:
    Viện Thuận Huy, nằm ở giữa điện Cần Thánh và điện Cao Minh Trung Chính. Ở phía tây viện Thuận Huy lại có:Viện Đoan Thuận.Viện Đoan Hòa.Viện Đoan Huy.Viện Đoan Trường.Viện Đoan Trang. Ngoài Cung Diên Thọ ra, những cung và viện kể trên là chỗ dành cho các cung phi, mỹ nữ vợ của những vua đang trị vì, và đều nằm ở cả trong Tử Cấm thành. Nơi này ngoài vua ra, chỉ có các Thái giám được lui tới thôi, các đàn ông khác không được phép bén mảng tới nơi này.
    Những Phi tần, Cung nữ đều được tuyển chọn trong những gia đình các cô con gái của các quan Đại thần, ngoài ra cũng có khi chọn trong hàng con thường dân nhưng phải có sắc đẹp đặc biệt và nhất là phải có đức hạnh đoan trang.
    Lúc mới được tuyển vào cung, các cô gái này được đứa đến ở Đoan Trang viện để học tập cách ăn mặc, đi đứng và các nghi lễ trong cung. Một khi đã được tiến vào cung, những Phi tần, Cung nữ này không được phép gặp mặt bất cư ai bên ngoài nữa kể cả cha mẹ anh chị em. Cũng có trường hợp đặc biệt hiếm lắm nhà vua mới cho phép cha mẹ vào Nội cung để thăm con, nhưng chỉ được nói chuyện với con qua một bức màn sáo che không thấy mặt con. Người nào có con được tiến vào cung là coi như mất con vì ít khi nào được gặp lại mặt con nữa.
    Trong “Tam cung Lục viện” có các thị nữ ( hay nữ tỳ cũng vậy ) để hầu hạ các Phi tần. Còn nhiệm vụ của các Thái giám là trông nom và săn sóc cho các Phi tần. Vì Thái giám có nhiệm vụ kiểm tra các hành động của Phi tần và mỗi lần vưa ngự đến “ngự dâm” với các bà nào thì viên Thái giám phải ghi chép giờ, ngày tháng cho đúng xem bà nào có thai trước, đẻ con trai hay con gái.
    Những viên Thái giám cũng được chia ra làm hai loại. Một loại là “Giám sanh”, tức trời sanh ra ngay khi lọt lòng đã phi nam phi nữ, nghĩa là không có hộ “sinh dục nam” hay “sinh dục nữ”. Và loại thứ hai là “Giám lặt” là bị thiến mất “của quý”.
    Theo cụ Hoàng Trọng Thược cho biết thì xưa tại làng nào có “Giám sinh” ra đời thì cha mẹ phải đi trình làng để các cơ quan hữu trách trình lên Bộ và Bộ sẽ cho nuôi nấng và dạy dỗ đứa trẻ theo nghi lễ trong cung để khi lớn lên thì đưa vào Nội cung làm Thái giám. Những đứa trẻ này người ta thường gọi là ông “Bộ”.
    Thông lệ, thời xưa làng, xã nào sinh sản được ông “Bộ”, lớn lên được tuyển vào cung sẽ được nhà vua ký sắc cho miễn thuế ba năm.
    Còn các Phi tần, Cung nữ thì sao? Ở trong cung có hàng chục, có khi hàng trăm cô để hầu hạ chăn gối cho vua. Nhưng sức người có hạn, làm sao vua ban ân sủng hết được, bởi vậy có nhiều cô từ khi được “tiến” vào cung, cho tới khi vua băng hà vẫn chưa một lần được vua lâm hạnh, và kết quả cô này vẫn còn trinh.
    Cũng theo cụ Hoàng Trọng Thược, thì mỗi khi vua giá lâm đến Tam cung Lục viện để “ngự dâm” thì thường dừng xe do một con dê đực kéo, hễ dê dừng ở của phòng nào thì vua “ngự dâm” ở phòng đó. Bởi vậy, các Phi tần, Cung nữ thường hay nhờ các chị thị nữ mua các thứ cỏ non hay lá dâu, lá sấu đâu... rồi đem rắc ở trước của phòng khi vua ngồi trên xe dê giá lâm, dê thấy cỏ non, lá sâu, lá sầu đâu... thì dừng lại ăn. Cho nên trong tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của tác giả Ôn Như Hầu đã có câu :
    “Phải duyên hương lửa cùng nhau,
    Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.”
    Vậy vua Gia Long có bao nhiêu vợ? Và bao nhiêu con?
    Theo chính sử viết, vua Gia Long có 3 bà vợ được gọi là đệ nhất phi, đệ nhị phi, đệ tam phi. Ngoài 3 bà phi này còn có 6 bà phi nữa nhưng không thấy tư liệu nào nhắc đến.
    Ba bà phi chính thức được xếp thứ tự như sau:
    Bà Quế phi ( Đệ nhất phi ) tên là Tống Thị Lan, tức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, con ông Chưởng dinh Tống Phước Khuông, người huyện Tông Sơn, Thanh Hóa - đã vào Nam theo Chúa Nguyễn Phúc Chu để chống nhà Tây Sơn. Bà họ Tống, sinh được ba người con là Nguyễn Phúc Cảnh ( tức Hoàng tử Cảnh ), người thứ nhì là Nguyễn Phúc Hy, tạ thế 1801, người thứ ba là Nguyễn Phúc Tuấn, đã tạ thế trước Cảnh và Hy. Chỉ có Nguyễn Phúc Cảnh được gọi là Hoàng tử. Năm 4 tuổi Cảnh được Gia Long cho theo Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp để cầu viện nước Pháp giúp khí giới và quân đội đánh nhà Tây Sơn. Theo một số tư liệu thì Hoàng tử Cảnh và hai em trai đã được Giám mục Bá Đa Lộc khuyên rửa tội theo đạo Công giáo, Hoàng tử Cảnh ở Pháp một năm rồi trở về.
    Hoàng tử Cảnh có vợ là Tống Thị Quyên, sanh được hai con trai. Người thứ nhất là Nguyễn Phúc Mỹ Đường, cũng có tên là Đán - Hoàng Tôn Đán được phong tước Ứng hòa công. Người con thứ hai, là Nguyễn Phúc Mỹ Thụy ( còn có tên là Mỹ Hòa ) hay Kính, được phong tước Thái Định công. Năm 1824, không biết phạm tội gì, Mỹ Đường bị lột hết tước, phải nộp ấn thư, rồi bị giáng xuống làm thứ dân. Mỹ Đường có một người con là Nguyễn Phúc Lê Chung, sau được vua Tự Đức phong Cảnh Hòa Quận công.
    Sau này người ta đọc được bài phiên hệ thi : Mỹ-Duệ-Tăng-Cường-Tráng, Liên-Huy-Phát-Bôi-Hương... Những con cháu của Hoàng tử Cảnh sau này, năm đời còn lại là ông Nguyễn Phúc Hồng Dân ( 1882 - 1951 ), là cháu năm đời của Hoàng tử Cảnh. Đã mang tước Kỳ ngoại hầu Cường Để. Ông Cường Để trốn sang Nhật Bản lập Việt Nam Quang Phục Hội do ông làm Hội chủ để chống Pháp cai trị Việt Nam. Con của Cường Để là ông Tráng Liệt, và cháu là Liên Bảo. Như vậy, cháu, chắt dòng Hoàng tử Cảnh hiện nay hãy còn rải rác khắp nơi.
    Bà Minh phi ( Đệ nhị phi ) họ Trần Thị Đang, tức Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, là mẹ của vua Minh Mạng. Bà họ Trần là con gái của ông Tham tri Bộ Lễ Trần Hưng Đạt, quê ở Vạn Xá ( Thừa Thiên ). Nguyên bà họ Trần trước là người hầu của mẹ vua Gia Long, rồi cùng ra Quảng Trị ẩn náu ở làng An Đô, gần cửa Tùng. Đến khi vào Nam đã được tuyển làm vợ Nguyễn Ánh ( Gia Long ), khi mới 13 tuổi.Bà Lê Thị Ngọc Bình ( Đệ tam phi ), gọi là Đức phi hay Thần phi cũng vậy. Bà Ngọc Bình là con út của vua Lê Hiển Tông. Khi nhà Tây Sơn thất bại, vua Quang Trung tại thế để lại bà Ngọc Hân Công chúa ở lại kinh thành với người em gái là Ngọc Bình ( vợ vua Quang Toản - tức Cảnh Thịnh, con của Nguyễn Huệ ). Theo ngoại sử, lúc đó Gia Long có gạ gẫm và ép duyên bắt Ngọc Hân phải lấy ông. Nhưng đã bị Ngọc Hân cự tuyệt. Còn Ngọc Bình thì lúc đầu cũng không bằng lòng, nhưng sau cũng xuôi lòng và chấp nhận lấy Gia Long làm thứ phi. Bà Ngọc Bình đã sinh được hai người con trai với Gia Long tên là Quảng Oai công, và Thường Tín Quận công. Cũng vì sự trớ trêu trên mà dân gian sau này ở Huế đã có câu nói:
    “Số đâu có số lạ làng,
    Con vua mà lấy hai chồng làm vua.”
    Đến đây, chúng ta cũng nên biết trong 9 đời chúa, và 13 đời vua Nguyễn, có vị chào đời ở đất Nam bộ xưa, có vị lâu ngày ở đất Nam bộ và tạ thế tại đây.
    Vị Hoàng tử đầu tiên là Nguyễn Phúc Đảm ( Đởm ) tức vua Minh Mạng sinh năm 1791 tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định, xứ nam bộ.
    Còn ông vua sống lâu ngày nhất ở Nam bộ là Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long, kể từ năm 1775 đến đầu thế kỉ XIX mới trở về Huế, tức là 25 năm sống ở Nam bộ và xê dịch nhiều tỉnh, ông còn lặn lội sang Xiêm để cầu viện. Nguyễn Ánh cũng là ông vua xuất ngoại đầu tiên.
    Chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần ( 1765 - 1777 ), là vị Chúa thứ chín, đã bị quân Tây Sơn bắt được ở tỉnh Long Xuyên và đem về Sài Gòn hạ sát vào năm 1777.
    Đến cuối triều Nguyễn là vua Bảo Đại và bà Nam Phương Hoàng hậu thì cả hai đều tạ thế tại ngoại quốc, sau khi vua Bảo Đại bị truất phế khỏi ngôi Hoàng đế triều Nguyễn phong kiến khi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên đánh đổ chế độ thực dân Pháp đang cai trị nước ta do Bảo Đại làm vua bù nhìn của chế độ thực dân Pháp.
    Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 2, quyển 2. 3 đã viết : Từ Dụ là huy hiệu của vua Tự Đức truyền đi chiếu tấn phong cho Lịnh bà. Từ là lòng nhân từ thường yêu. Dụ là rộng rãi. Từ Dụ là rộng lòng nhân từ thương yêu.
    Lịnh bà là Phạm Thị Hằng hay Nguyệt, sinh ngày 19 tháng 5 mùa hạ năm Gia Long thứ 9 ( 1810 ) tại giồng Sơn Quy huyện Tân Hòa, nay là Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, con quan Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng sau đặng truy tặng tước Đức Quốc công.
    Hằng, tên của Lịnh bà trùng với tên của Hán Văn đế được kiêng húy thay bằng chữ thường. Nguyệt, tên của Lịnh bà được kiêng húy đọc ra ngoạt.
    Tương truyền xứ Gò Công nước thường mặn lắm, các giồng ( dải đất gồ lên cao để ở tiếp liền với ruộng thấp ) đều có giếng nước ngọt song cũng không được ngọt lắm.
    Từ khi Lịnh bà được sanh ra, nước giống giồng Sơn Quy ngày càng thanh, người uống vào ít có bịnh tật, tiếng đồn khắp nơi, người lân cận đều đến gánh về dùng.
    Còn giồng Sơn Quy thì càng ngày càng cao được bồi thêm như hình mai rùa. Cây trái ở đây lại tươi tốt dồi dào hơn các nơi khác.
    Những vị kỳ lão ở xứ Gò Công còn nhớ câu:
    Lệ thủy trình tường thoại,
    Quy khâu trúc phước cơ.
    ( Nước ngọt trổ điềm lành,
    Gò rùa vun nên phước. )
    Lúc còn bé, Lịnh bà ham đọc sách, thông hiểu kinh sử, có tính hiền đức và có nết hạnh. Mẹ của Lịnh bà bổn tính ham văn học, thường khi biểu người người ta đọc Huấn nữ và Nhị thập tứ hiếu, nghe lấy làm vui. Mẹ của Lịnh bà muốn Lịnh bà đọc sách, những phép dạy trong nhà cửa cha rất nghiêm: con cái thì học nữ công và coi sóc công việc trong nhà. Còn chữ nghĩa thì học cho biết mà thôi. Lịnh bà được các anh chị dạy chữ nghĩa chút đỉnh, song chưa hiểu văn lý mạch lạc.
    Năm Lịnh bà lên 12 tuổi, thân mẫu bị bệnh thích nằm một mình, gia nhân không đặng thân cận hầu hạ. Lịnh bà ngày đêm săn sóc cơm thuốc không bao giờ lìa xa.
    Khi thân mẫu mất, Lịnh bà ngày đêm kêu khóc không dứt, giữ việc tang chế ốm gầy người như kẻ thành nhân. Người xa kẻ gần nghe như thế đều khen ngợi và lấy làm lạ.
    Năm Minh Mạng thứ 4 ( 1823 ) thân phụ của Lịnh bà thất lộc tại kinh đô. Thuyền chở quan cửu về Gia Định, đi vừa tới ngoài cửa Cần Giờ bị một trận gió lớn, gẫy lái. Đà công và thủy thủ kinh hãi chỉ đợi chìm mà chịu chết. Gió lớn sóng to, thuyền nghiêng qua lắc lại. Và như có vật gì rất lớn lao nâng đỡ ở đáy lườn, lần dần đưa vào tới cửa. Có lẽ là cá voi đã hỗ trợ linh cữu Phạm Đăng Hưng được yên ổn về đến quê nhà.
    Năm 14 tuổi, Lịnh bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nghe tiếng hiền đức, được tuyển vào cung cho hầu Hoàng trưởng tử Miên Tông ( Thiệu Trị sau này ).
    Lúc ấy bà Lịnh phi, con gái quan Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhân cũng đồng thời được tuyển vào cung. Lịnh phi vì tước của cha lớn hơn được ngôi thứ cao hơn Lịnh bà.
    Một hôm Thánh tổ Nhân hoàng đế ( vua Minh Mạng ) ban cho Lịnh phi và Lịnh bà mỗi người một cái ao bâu dệt bằng kim hoa sa. Đến lúc bái từ, hai bà lại được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu ( vợ Gia Long ) đem hay nút áo bằng vàng một hình phụng, một hình hoa đều gói kín cẩn mật ban cho với lời nguyện chúc: “Ai bắt đặng nút hình phụng phải có con trước.”
    Nữ quan bưng hai nút áo ra, mỗi bà tự chọn lấy một, nhưng phải để nguyên gói dâng lên.
    Lịnh bà nhường cho Lịnh phi chọn trước. Khi được dâng lên và mở ra, nút áo của Lịnh phi là hình hoa, còn của Lịnh bà là hình phụng.
    Năm lên 15 tuổi, Lịnh bà sinh ra Diên Phúc trưởng Công chúa. Năm sau Lịnh bà sinh ra thứ trưởng công chúa. Từ đó Lịnh bà được Thái tử yêu quý hơn và ngôi thứ của bà cũng cao hơn Lịnh phi.
    Đối với Lịnh phi, Lịnh bà vẫn thân mến. Các cơ thiếp khác trong cung, Lịnh bà cũng lấy lòng thành tiến dẫn. Lịnh bà có lòng nhân chở che tiến dắt các cơ thiếp in như thiên Nam hữu cưu mộc trong Kinh Thi đã tả đức hạnh của bà Hậu phi năng thí ân cho các hầu thiếp dưới mình mà không có lòng đố kỵ ghen tuông.
    Một đêm Lịnh bà nằm mộng thấy một vị thần mặc áo rộng, vai to, đầu bạc, mày trắng bưng một tờ sắc giấy vàng chữ đỏ có dấy triện và một xâu minh châu cho Lịnh bà và bảo: “Xem đấy sau sẽ có hiệu nghiệm”.
    Lịnh bà nhận lấy rồi kế thụ thai sinh ra Đức tôn Anh Hoàng đế ( vua Tự Đức ) đúng theo giấc mộng.
    Lịnh bà là người đoan trang cẩn thận nhàn nhã cung kính. Cử chỉ có pháp độ. Trong cung khi có lễ triều khánh, Thái tử Miên Tông thường bảo Lịnh bà đi theo hầu lậy, thì không có điều gì của Lịnh bà mà không hợp lễ nghi. Người ta thấy dung chỉ của Lịnh bà tôn nghiêm thì kinh sợ, còn người xem ở ngoài thì có kẻ cho là kiêu căng.
    Lúc ấy có một bà lão ở phía sau cung đường nằm mộng thấy một vị thần đến bảo rằng: “Bà ở chính giữa cung đường Hoàng hậu đó. Bọn ngươi quá ngu, cho nên khinh dễ”.
    Được bà lão đem giấc mộng thuật lại. Lịnh bà chỉ cười.
    Năm đầu Thiệu Trị ( 1841 ) Hiếu tổ Chương Hoàng đế lên ngôi, phong cho Lịnh bà chức Cung tần.
    Năm Thiệu Trị thứ 2 ( 1842 ), Vua đi tuần đất Bắc đến Hà Nội cho sứ nhà Thanh là Bảo Thanh sang sách phong. Lịnh bà được đi theo hầu hạ, còn các cung nhân khác đi theo rất ít. Lịnh bà sớm tối ở một bên Vua. Các ngọc tỷ ấn tín đều giao cho Lịnh bà cất giữ.
    Đến khi Vua hồi loan về cung, cung nhân thấy Lịnh bà tóc rụng thưa, mặt gầy nám đều lấy làm lạ hỏi thăm, thì được biết chỉ vì lòng kính cẩn ưu lo của Lịnh bà đã khiến ra như thế.
    Lịnh bà thường làm chức Thượng nghị coi sóc Lục thường ( Lục thượng là 6 công việc hầu hạ vua trong cung, đời Tần có thượng quan ( mão ), thường y ( áo ), thường thực ( ăn ), thường mộc ( tắm ), thường tịch ( chiếu ), thường thư ( sách ). Các công việc trong cung nội đều do Lịnh bà nắm giữ.
    Vua Thiệu Trị mỗi khi rảnh rang đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, Lịnh bà hầu hạ không biết mệt, có khi đến canh gà mới bắt đầu ăn tối.
    Lịnh bà lại thường khuyên răn các phi tần cung nữ hãy siêng cần công việc. Lúc được ân huệ gì của Vua ban, Lịnh bà không tranh giành. Người nào làm nên tội, Lịnh bà đều chịu thế cho, vì thế Lịnh bà thường được Vua yêu dấu ban ân.
    Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 ( 1843 ), Vua sách phong cho Lịnh bà chức Thành phi.
    Tháng giêng mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 6 ( 1846 ) Vua tấn phong cho Lịnh bà làm Quý phi, sai quan đại thần Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cử bưng ban sách tuyên phong.
    Năm Thiệu Trị thứ 7 ( 1847 ), Vua se mình không vui. Lịnh bà hầu hạ vua và cầu đảo thần thánh ngày đêm, không ăn uống nghỉ ngơi. Đến lúc Vua gần lâm chung, mọi việc về sau nhất nhất Lịnh bà đều nhận lời phúc cho. Vua tận mặt dạy các quan rằng:
    “Quý phi là nguyên phối ( vợ đầu ) của Trẫm, phúc đức hiển minh giúp Trẫm việc nội chính trong 7 năm. Đến nay ý Trẫm muốn sách lập Quý phi làm Hoàng hậu chính vị trong cung. Tiếc thay đành không kịp.”
    Ngày 23 Canh thân vua Tự Đức vừa nối ngôi ( 1848 ) đem tôn nhân và các quan trong triều bưng kim sách, kim bảo ( bảng sách vàng và ấn vàng ) kính dâng tôn hiệu Hoàng Thái hậu cho Lịnh bà.
    Đến ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi ( vị ) năm Tức Đức thứ 36 ( 1883 ) vua Tự Đức thăng hà, để lại di chiếu tân phong Lịnh bà làm Từ Dụ Hoàng Thái hậu.
    Ngày 20 tháng tư nhuận năm Đinh Hợi năm Đồng Khánh năm thứ 2 ( 1887 ), Vua dẫn Hoàng thân, tôn nhân và các quan văn võ dâng kim sách, kim bảo tấn tôn huy hiệu cho Lịnh bà làm Từ Dụ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu.
    Khi Thành Thái lên ngôi ( 1889 ), tháng giêng mùa xuân đầu Thành Thái nguyên niên, Tháng tư mùa hạ Vua tấn tôn Lịnh bà làm Từ Dụ bác huệ Khang thọ Thái hoàng thái hậu.
    Ngày mùng 5 tháng 4 mùa hạ năm Tân Sửu nhằm Thành Thái thứ 13 ( 1901 ), Lịnh bà se mình không vui rồi băng, thọ được 93 tuổi. Linh cữu đặt ở cung Gia Thọ. Trong ngày tháng 5 dâng tên thụy cho Lịnh bà là Nghi thiên tán thành Từ Dụ bác huệ trai túc tuệ đại thọ đức nhân công Chương hoàng hậu.
    Ngày 22 tháng 5 cử hành đại lễ tống chung Lịnh bà ở nơi đất tốt muôn muôn năm, núi bên phải Xương lăng ( lăng của vua Thiệu Trị ), gọi là Xương Thọ lăng.
    Lễ xong, thần chủ của Lịnh bà được đưa vào Lương Khiêm điện ở Khiêm cung ( lăng vua Tự Đức ) rồi đưa vào thờ ở một bàn bên hữu trong Thế miếu và ở bàn bên hữu trong Phụng Tiên điện cùng ở bàn chính trong Biểu Đức điện. ( Theo Tạ Quang Phát lược dịch trong Đại nam chính biên liệt truyện, tập 2, quyển 2,3 ).
    Còn theo tục truyền và huyền thoại, khi làm nên sự nghiệp Phạm Đăng Hưng là thân phụ của bà Từ Dụ đã có nhờ một ông thầy địa lý giỏi phong thủy đến xem hộ các ngôi mộ tổ tiên của dòng họ Phạm. Khi thầy địa lý xem hình thế gò rất khen ngợi vì gò Sơn Quy chẳng những có cái hình của một con vật trong tứ linh ( long-ly-quy-phượng ) mà tự nhiên có những cây cối mọc lên rất xanh tươi rậm rạp tỏ ra vượng khí dâng lên và tụ lại rất nhiều.
    Thầy địa lý đã cho biết đất Gò Công với hình thể và long mạch là một nơi đất quý nhưng hình rùa thì không vượng về Dương mà chỉ vượng về Âm cho nên nếu phát về nữ thì giàu sang không biết thế nào mà tả cho hết được, còn phát về nam thì to lắm chỉ đến nhất nhị phẩm triều đình thôi, nếu sang hơn nữa sẽ không con cái gì. Phải chẳng lời thầy địa lý này quả đúng nên Gò Công đã phát ra một người đàn ông làm đến chức vụ cao nhất trong các giáo phẩm Công giáo Việt Nam thì ông này lại là một nhà tu, không có vợ con. Đó là Đức Giám mục J.B.Nguyễn Bá Tòng đầu tiên ở nước ta ( 1932 - 1949 ).
    Và thầy địa lý đã bảo cho ông Phạm Đăng Hưng hay rằng ngôi mộ cụ Định ( ông nội tổ ? ) là ngôi mộ đại cát, chỉ hiềm thiếu hậu trẩm và tả hữu phú chi, tức nếu sau gò có một ngọn đồi hay ngọn núi hoặc một cái giồng nào cao hơn và hai bên giồng có hai dãy đồi núi gì chạy kèm hoặc hai con giồng khác ôm lấy thì gia đình sẽ phú quý triền miên. Do đó, chỉ phát được hơn một đời rồi thôi. Ngôi mộ này tốt thật, nhưng lại bị một ngôi mộ khác làm cản hướng uy quyền thành thử cái đời được phát, chỉ phát được ở lúc thanh xuân và trung vận còn hậu vận thì suy.
    Ông Phạm Đăng Hưng còn hỏi: Có kế gì chữa được hay không? Thầy địa lý cho biết bằng cách rời được ngôi mộ làm cản mất hướng uy quyền đi thì sẽ còn phát được thêm vài đời nữa.
    Ồng Phạm Đăng Hưng thưa:
    - Nếu vậy, có khó khăn gì đâu, mai này tôi sẽ cho dời đi chỗ khác. Nhưng con cháu người ta hiện không còn một ai ở đây cũng không biết địa phương nào, vậy làm sao bây giờ?
    Thầy địa lý đáp:
    - Tiên tích đức hậu tầm long tiền định rồi, phần phúc nhà ông chỉ phát được đến đó, tham nữa hay cưỡng lại thiên mạng là một việc chẳng nên.
    Khi thầy địa lý từ giã lại dặn chủ nhân cho con cháu .. hay khi nào ở gò có xuất hiện điềm gì không đẹp thì chỉ nên an phận thủ thường chớ đừng ham gì phú quý công danh nữa.
    Lời thầy phán quả đúng. Bà Từ Dụ Thái hậu đã trở thành một người đàn bà trong lịch sử nước Nam với mức tuyệt đỉnh của phong lưu phú quý, nhưng đáng kể chỉ ở lúc thanh xuân và ở lúc trung niên, tức thời gian làm vợ vua Thiệu Trị, làm mẹ vua Tự Đức, còn ở lúc vãn niên thì thật là suy buồn. Vua Tự Đức là con trai duy nhất của bà đã chết trước mẹ, lại không sinh con nối giòng hỏi nỗi lòng bà làm sao không có những buồn tẻ đắng cay của một con người đang nắng vàng đã sắp lặn non Tây. Lúc ấy bà tuy được phong làm Hoàng Thái hậu, đối với đàn bà con gái trong thiện hạ, kể về ngôi thứ, không có ai hơn nữa, nhưng hữu danh vô thực, bà chỉ ngồi làm vì với đám phi tần và cung nữ trong nội điện mà thôi. Còn ngoài triều đình thì mặc cho quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết muốn thao túng gì cũng được. Họ phế vua này lập vua khác. Có lúc phải rời cả bà đi ra Quảng Trị để tránh loạn thực dân, kể thật phong lưu mà hóa ra vất vả.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Re: Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 12:09 am

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang

    Chương 2




    Ở đời những chuyện thật thì ít ai tìm hiểu và tin, nhưng mấy chuyện bịa đặt, cố ý xuyên tạc sự thật thì nhiều người lại tin là có thật. Như dư đảng của Hồng Bảo, Đoàn Trưng ( “Giặc chày vôi” âm mưa đảo chính vua Tự Đức ) đối với lớp quần chúng bên ngoài còn dựng chuyện bảo vua Tự Đức không phải con bà Từ Dụ mà chính là con Trương Đăng Quế tráo. Trương Đăng Quế là một đại thần dưới trào vua Thiệu Trị, ông này có ngôi mộ tổ để vào miệng con cóc, một thầy địa lý đến xem thấy hình dáng miếng đất như con cóc đang lội dưới nước, tấm tắc khen và phán: “Thiềm thử quá hải nhật đại vị vương”, tức ngôi mộ ấy sẽ phát vua một đời. Đắc địa sinh nhân, do đó bà vợ ông với bà Từ Dụ đã cùng có thai và sinh con trong một đêm. Bà Từ Dụ sinh con gái, bà Trương Đăng Quế sinh con trai, nên ông Quế đã ma le đút tiền cho các cung nhân để tráo vào cho con mình sau này làm vua. Cũng bởi thế mà vua Tự Đức mới thành một ông vua không có con cái.
    Ngoài ra, họ còn tuyên truyền bảo Trương Đăng Quế dám làm cái việc động trời không sợ tru di tam tộc, ấy là bởi ông ta trong lúc ra vào yết kiến vua Thiệu Trị đã cùng bà thầm lén tư thông. Câu chuyện bịa đặt này, thiên hạ cả tin, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn còn người kể lại. Chớ có biết đâu chỉ là câu chuyện dựng đứng. Chứng cớ bà Từ Dụ sinh vua Tự Đức khi bà mới 17 tuổi đầu, lúc ấy vua Thiệu Trị mới được phong Đông cung Thái tử, giữa nhà vua và đại thần Trương Đăng Quế chưa có liên hệ gì. Tiện đây đứng về mặt sử học, kẻ viết bài này cũng xin đính chính và thanh minh cho bà.
    Trở lại vấn đề ngôi mộ đã phát sinh ra Từ Dụ Thái hậu. Lời thầy địa lý chẳng những nói đúng về con người được phát mà còn đúng cả về những lời dặn bảo: “Khi nào ở gò có xuất hiện điềm gì không hay thì chỉ nên an phận thủ thường, chớ đừng ham gì phú quý công danh nữa”.
    Sau là khi bà Từ Dụ sinh ra thì đất giồng ở Sơn Quy ngày thấy có phần cao thêm và cây cối gò này cũng ngày một tốt tươi hơn. Rồi khi bà trở thành một mẫu nghi thiên hạ, bộ mặt gò này lại được trang điểm bằng những nét nguy nga lộng lẫy, trước hết là các ngôi mộ nhà họ Phạm được xây lại bằng đá ô dước, kế là một ngôi đền thờ lớn 5 gian cất bằng danh mộc trạm trổ và son sơn thiếp vàng để thờ tổ tiên thuộc bên ngoại nhà vua. Gia đình họ Phạm ở Gò Công lúc ấy là gia đình thế lực bậc nhất ở trong Nam. Người dân Gò Công cũng là người dân thế lực với những ơn huệ mưa móc của đức bà Thái hậu và Hoàng đế ban cho. Đất Gò Công đang hồi thịnh vượng, cây cối gò Sơn Quy đang tươi tốt xum xuê thì bỗng héo đi vào khoảng đầu năm Kỷ Mùi, dương lịch 1859. Cũng vào dịp này nước giếng ở giồng này lại mặn như nước biển đến luôn 3 ngày trời.
    Dân địa phương lấy làm quái lạ không biết vì lý do gì thì ra điềm này là điềm báo trước Gò Công không còn an khang thịnh vượng nữa, sẽ trở thành một bãi chiến trường rùng rợn với những cảnh xương rơi máu đổ, cửa nát nhà tan do bọn thực dân Pháp và bè lũ gây ra.
    Trong bản Hòa ước giữa triều đình Huế và Pháp ký tại Sài Gòn ngày 15-3-1874, có điều khoản bảo vệ cho các ngôi mộ nhà họ Phạm ở Sơn Quy là không ai được động phạm đào xới, cải táng hay phá hủy, đồng thời được cấp 100 mẫu ruộng để làm phần cúng tế, và con cháu giòng dõi hết thảy được miễn thuế làm xâu, đi lính cùng các tạp dịch khác. Nhưng con cháu nhà họ Phạm cũng như dân hạt Gò Công không phải vì thế mà quên được cái nhục mất nước, không chủ quyền, nên người ta đứng dậy để kháng chiến đến cùng.
    Theo mấy nhà phong thủy danh tiếng thì Gò Công là đất quý mà các long mạch đều tụ lại gò Sơn Quy.
    Nhưng không phải phát rồi thì hết, long mạch còn chuyển hướng đều đều có thể phát nữa, và cón phát nhiều thêm, nhưng có điều là phát không được bằng lúc tiên khởi mà thôi. ( Theo tài liệu của Thanh Liên cư sĩ ).
    Như chúng ta đã biết, triều đình nhà Nguyễn từ triều Gia Long lên ngồi Hoàng đế, những bà vợ của vua đều được chọn từ khi vua còn nhỏ, tức là từ thời còn là Hoàng tử nên đa số các vua Triều Nguyễn đều có vợ trước khi lên ngôi vua. Vì vậy khi đã lên ngôi vua rồi, ông nào cũng có thêm hàng chục cung nữ được tiến vào cung để hầu hạ và làm thiếp cho vua. Trong cung vì có nhiều thiếp, mặc dầu vua đã có một bà chính thất do gia đình lấy cho rồi, nhưng các bà sau hợp nhãn vua nên được chiều chuộng và yêu mến hơn các bà khác. Vì vậy nhà vua sợ các bà tranh nhau quyền nên không bà nào được phong làm Hoàng hậu mà chỉ sau khi vua tạ thế, hoặc bà nào đó được vua thương mến mới được phong làm Hoàng hậu sau khi bà đó tạ thế.
    Triều đình Nhà Nguyễn cũng sợ việc tranh quyền, như bà vợ chính thất của vua mà không có con trai, bà thứ có con trai khi vua tạ thế người con trai của bà thứ sẽ được phong làm Thái tử để được nối ngôi và khi đó bà thứ có con trai mới được phong làm Hoàng hậu.
    Bảo Đại là niên hiệu của Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy ( cũng có tên là Nguyễn Phước Thiện ) lên ngôi kế nghiệp vua cha Khải Định ta thế năm 1925. Bảo Đại sinh ngày 22-10-1913 tại Huế.
    Năm 1920, vua Khải Định đã ban sắc xuống đổi Tiềm Đế thành An Định cung cho Hoàng trưởng tử Vĩnh Thụy ở. Sắc ban ngày 20-2-1920, Khải Định năm thứ 5. Ngày 28-3-1922, Khải Định sách lập Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng Thái tử, nghĩa là người sẽ kế ngôi vua cha.
    Nước Pháp trong thời kỳ đang cai trị Việt Nam, nghĩa là chế độ thực dân Pháp đang toàn trị xứ Đông Dương, triều đình nước Việt chỉ “hữu danh vô thực”, tất cả quyền hành, từ chính trị đến quân sự, xã hội, giáo dục... đều do chính quyền Pháp đặt ra cho triều đình Việt thi hành. Vì vậy, người Pháp muốn tương lai nước Việt sẽ có một ông vua da vàng mũi tẹt, nhưng có đầu óc Tây phương, nếp sống và tình cảm Tây phương do Pháp đào tạo. Cho nên chính quyền Pháp đã ngỏ ý với Khải Định là cho Vĩnh Thụy được đi du học bên Pháp để đào tạo văn hóa, nhưng sự thực là đi học “nghề làm vua” do chính quyền Pháp đào tạo.
    Năm 1922, Vĩnh Thụy xuất ngoại cùng thân phụ Khải Định sang Pháp và ở lại để nhập trường Lycee Condorcet rồi sau đó là trường Sciences Po. ( École libre des Siences Politique ) tại Paris, thủ đô nước Pháp. Tháng 2 năm 1920, cựu Khâm sứ Huế của Pháp là Charles được Khải Định phong tước Tế Nam công vì Charles đã có công với triều đình Huế và cũng là người nhận làm cha nuôi đỡ đầu cho Vĩnh Thụy sang Pháp du học. Trong thời gian theo học ở Paris, Vĩnh Thụy được ở nhà vợ chồng Charles và được dạy cách sống theo Tây phương.
    Tháng 12-1925, Vĩnh Thụy trở về nước thọ tang cha. Ngày 8-1-1926 triều đình tôn Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi Hoàng đế kế nghiệp vua cha vừa tạ thế. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lấy niên hiệu là Bảo Đại và là ông vua thứ 13 triều Nguyễn. Năm này Bảo Đại cũng vừa đúng 13 tuổi.
    Sau khi đã học xong trường Hattemer, Vĩnh Thụy được đổi sang học trường Khoa học Chính trị ( Sciences Po ), một trường chuyên đào tạo những người tương lai sẽ ra nắm những chức vụ quan trọng trong các quốc gia thuộc địa của Pháp cai trị. Vĩnh Thụy bước vào trường Sciences Po từ niên khóa 1930. Tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã học xong và trở về nước để chính thức cầm quyền ngôi vua mà trước đó Bảo Đại vắng mặt đã ủy quyền cho cụ Tôn Thất Hân là Chủ tịch Tôn Nhân Phủ và cũng là Phụ chánh Đại thần để lo những việc triều chính trong khi nhà vua vắng mặt.
    Năm 1932 cũng là năm Bảo Đại đã 19 tuổi nên trong triều ai cũng đã nghĩ tới việc chọn vợ cho vua Bảo Đại hồi loan.
    Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết thì: Trước khi về nước, tại Huế đã có nhiều cô gái trong những gia đình quyền quý đã để mắt tới một nhà vua trẻ, đẹp trai và có học nước ngoài. Và bà Từ Cung, thân mẫu của Bảo Đại cũng đã chọn cô Bạch Yến là con ông Thượng Nguyễn Đình Tiên, người làng Chí Long, quận Phong Điền ( Thừa Thiên ) để chọn vào tiến cung chuẩn bị làm vợ Bảo Đại. Trước đó, cô Bạch Yến cũng đã được chỉ dạy đàn ca, thơ phú, và cách xã giao ăn nói, đi đứng theo cung cách của một vương phi. Rồi hàng ngày cô Bạch Yến còn được chăm sóc tắm rửa bằng sữa cho thân người được trắng và làn da thơm mát...
    Nhưng việc không ngờ, có biết đâu ngay từ những ngày du học ở Pháp, vợ chồng cựu Khâm sứ Charles là cha nuôi của Bảo Đại đã có ý định sẽ chọn một thiếu nữ Việt, có Tây học, con nhà giàu lại có đạo Công giáo để kết hợp làm vợ cho Bảo Đại. Mục đích của người Pháp là phải đào tạo Bảo Đại thành một ông vua sống theo nếp sống Tây phương, vợ phải có học và có đạo Công giáo để tương lai các con của Bảo Đại sinh ra sẽ theo đạo Công giáo, rồi nghiễm nhiên khi kế vị ngôi vua sẽ là một ông vua có đạo Công giáo đúng ý đồ của người Pháp.
    Vợ chồng cự Khâm sức Charles vốn đã quen biết với gia đình họ Lê Phát An từ khi còn ở Nam bộ nên đã ngỏ ý để người cháu gái bên ngoại của Lê Phát An là cô nữ sinh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào ( tức Nguyễn Hữu Thị Lan ) là con của gia đình cự phú Nguyễn Hữu Hào sẽ làm vợ của Bảo Đại.
    Pierre Nguyễn Hữu Hào thuở nhỏ đi tu, học trường dòng, nhưng không làm tu sĩ mà sau ra đời làm doanh thương, gia đình cũng không phải giàu nếu so sánh với đình Huyện Sỹ. Nhưng vì gia đình Nguyễn Hữu hào đạo dong, và lại ngoan đạo nên gia đình Huyện Sỹ đã gả con gái là Marie Lê Thị Bình cho Nguyễn Hữu Hào. Như chúng ta đã từng nghe nói: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”, Ngược lại gia đình Huyện Sỹ tuy giàu nứt đố đổ vách tại Nam bộ, nhưng cũng không có chức trọng quyền cao gì, mà chỉ có chức Huyện, hàm được chính quyền Pháp ban cho vì có công với người Pháp trong việc trị nhậm thời Pháp mới sang cai trị xứ Nam Kỳ.
    Pierre Nguyễn Hữu Hào nhờ bên vợ giúp đỡ vốn buôn bán nên sau trở thành giàu có và vào làng Tây. Vợ chồng Nguyễn Hữu Hào đã sinh được hai người con gái. Người con gái đầu là Agnès Nguyễn Hữu Hào; người con gái thứ nhì là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, nhưng sau này ghi trong giấy khai sinh quốc tịch Việt đề là Nguyễn Hữu Thị Lan, và tên Pháo tịch lại ghi thêm là Marie Thérèse ( là tên bổn mạng - còn tên Pháp tịch phải ghi thêm là Jeanne Mariette Thérèse, nhưng viết tắt là Mariette Jeanne ).
    Để cho đôi trai tài gái sắc được biết nhau trước khi về nước, vợ chồng Charles đã khôn khéo tới trường nữ trung học Couvent des Oiseaux tại Paris gặp bà giám đốc trường này và ngỏ ý ngày làm lễ mãn khóa niên học năm 1932 sẽ mời Hoàng đế Bảo Đại của nước Việt tới dự và chọn nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan đến tặng hoa dâng kính Hoàng đế Việt Nam. Dĩ nhiên giữa hai bên, nữ tu Giám đốc của trường và cựu Khâm sứ Charles cũng đã bàn nhau về việc ý định chọn cô gái đất Nam bộ, có đạo để có thể làm vợ vua Bảo Đại khi nhà vua về nước cầm quyền.
    Khi Bảo Đại tới chủ tọa lễ mãn khóa đúng như sự sắp xếp từ trước, một thiếu nữ xinh xắn đã ôm bó hoa tươi thật đẹp tới dâng kính vua Bảo Đại, và được nhà vua chú ý.
    Và khi cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan tới trường Convent des Oiseaux để từ giã Mẹ Giám tỉnh ( nữ tu Giám đốc dòng ), thì nữ tu Ambroise đã khuyên Nguyễn Hữu Thị Lan: “Con ơi! Nếu Chúa khiến cho ông vua thấy con, rồi lấy con làm vợ và con trở thành Hoàng hậu thì con nghĩ sao?” Lúc đó, Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ nghĩ câu đó là lời vui miệng của Mẹ Bề trên mà thôi. Nhưng không ngờ, câu nói trên lại đúng là “định mệnh” đã báo trước.
    Theo một số tài liệu cho rằng thì chính chuyến tàu mà Bảo Đại về nước và Nguyễn Hữu Thị Lan về nghỉ hè là chuyến tàu “định mệnh” cho cặp tình duyên này.
    Ở đây chúng tôi không cho là “định mệnh” được, mà là có sự đạo diễn của con người, hay đúng hơn của vợ chồng cha nuôi Bảo Đại là Charles. Chính Charles đã chọn ngày giờ và con tàu mang tên d’Artagnan của hãng Messagegies Maritimes để mua vé cùng ngày giờ với vợ chồng ông Lê Phát An cùng cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan cùng đi về Việt Nam. Đây là có sự bàn bạc giữa hai bên, nhà trai mà vợ chồng Charles là đại diện; còn đằng gái là do vợ chồng Denis Lê Phát An đại diện.
    Có thể, với Nguyễn Hữu Thị Lan thì không biết có bàn tay sắp đặt của người lớn, nhưng với Bảo Đại thì chắc chắn đã có sự rỉ tai của vợ chồng ông bà mối Charles trước đó rồi. Nghĩa là vợ chồng Charles đã báo cho Bảo Đại biết là chuyến tàu hồi hương này sẽ có gia đình cô nữ sinh xinh đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan cùng về trên chuyến tàu.
    Ở trên tàu d’Artagnan hẳn đã có bữa cơm thân mật của gia đình Denis Lê Phát An mời vợ chồng cựu Khâm sứ Pháp Charles và không thể thiếu đôi trẻ nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan và chàng trai trẻ Vĩnh Thụy, tức Hoàng đế Bảo Đại của Việt Nam. Và trong dịp bữa cơm ở trên tàu đã làm cho đôi trẻ quen nhau gần hơn, trò chuyện thoải mái, tự do mà nếp sống phương Tây đã có ?!
    Đầu tháng 9 năm 1932 tàu d’Artagnan cập bến cảng Cap Saint Jacques ( Vũng Tàu ). Tại đây gia đình Nguyễn Hữu Hào và gia đình họ Lê Phát đã đón ông bà Lê Phát An cùng cô Nguyễn Hữu Thị Lan về biệt thự Montjoye ( Lạc Sơn ) ở số 37 đường Tabert ( số 109 Nguyễn Du - Quận 1 ngày nay ). Còn Hoàng đế Bảo Đại thì được chuyển sang một chiếm hạm nhỏ có tên là Dumont d’Urville, nhưng trên chiến hạm này đã được trang hoàng đầy đủ một “phòng khách sang trọng” để dành cho nhà vua nghỉ trong một tuần lễ từ Vũng Tàu ra Tourane ( Đà Nẵng ).
    Khi chiến hạm Dumont d’Urville cập bến Tourane thì người Pháp đã bắn 21 phát súng đại bác để nghênh chào Hoàng đế nước Việt hồi loan. Còn trên bờ, bến cảng Touranne thì đầy đủ các quan ta, quan Pháp, ông Tây bà đầm. Sau đó, Hoàng đế Bảo Đại lên xe hơi cùng đoàn tùy tùng các quan trong triều đi đón cũng từ Đà Nẵng trở ra Kinh đô Huế, nơi có bà Từ Cung, thân mẫu của Hoàng đế đang ở đó.
    Còn theo Hồi ký của Bảo Đại thì cuộc hội ngộ đầu tiên giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan diễn ra ở Đà Lạt.
    Sau thời gian ở Huế thăm thân mẫu và các quan trong triều từ cụ Đại thần Tôn Thất Hân đến cụ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Hoàng đế Bảo Đại được Khâm sứ Pháp ngỏ ý mời Bảo Đại vào Đà Lạt để nghỉ mát ít tuần.
    Ngày mà Bảo Đại vào Đà Lạt nghỉ là mùa hè năm 1933 và theo sự chỉ thị của toàn quyền Pháp là Pasquier ra lệnh cho viên Đốc lý ( thị trưởng ) Đà Lạt là Darles tổ chức một buổi dạ tiệc tại Tòa Đốc lý ( nhưng có tư liệu lại ghi là Hotal Palace - khách sạn Lang Bian ). Sau này, những ngày cuối đời cựu hoàng Bảo Đại có nhắc đến chuyện tham dự buổi dạ tiệc tại Tòa Đốc lý như sau: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Convent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về những người đàn bà miền Nam.”
    “Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế tổ Cao Hoàng ( tức Gia Long ) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”. ( Theo Con rồng Việt Nam - Nxb Plon - Paris, 1980 ).
    Còn bà Nam Phương thì sau này kể lại với ông Nguyễn Tiến Lăng, Bí thư riêng của bà, về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” khi bà gặp ông Bảo Đại ở Đà Lạt: “Hôm đó ông Darle, Đốc lý thành phố Đà Lạt có gởi giấy mời cậu Denis Lê Phát An tôi ( Lê Phát An, là anh ruột của bà Lê Thị Bình, tức bà Nguyễn Hữu Hào) và tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu tự lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi năm tay cậu tôi kéo chúng tôi vào nhà. Vừa đi ông vừa nói “Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được.”
    “Khi cánh cửa phòng khách mở ra, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:
    - Votre Magesté, Monsieur Le Phat An et sa niêc, Mademoiselle Marie Thérèse. ( Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse).
    Rồi sau này M.Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan nhắc lại: “Nhờ các nữ tu ở trường Convent des Oiseux khi trước đã từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng đế quỳ gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.
    “Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngày rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài.”
    Đọc lại những lời tâm sự trên của Bảo Đại lẫn Nam Phương, chúng ta biết là buổi dạ tiệc trên có sự sắp đặt của Toàn quyền Pháp, và do viên Đốc lý Darle đạo diễn với Denis Lê Phát An mà chắc khi đó cô thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan vẫn chưa biết đây là dịp coi mắt của nhà vua muốn gặp mặt để trực tiếp tiếp cận tìm hiểu xem cô thiếu nữ đất Nam bộ có chịu làm vợ Hoàng đế không. Và chắc chắn giữa lúc hai người nói chuyện, Bảo Đại có hứa hẹn là sẽ phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới và cũng sẽ cho các con cái nhập đạo Công giáo. Vì vậy sau ngày trên, Bảo Đại trở về Huế bàn việc cưới hỏi đã gặp sự ngăn cản của Hoàng tộc và Triều đình Huế.
    Tóm lại, dù “cái thuở ban đầu” của Bảo Đại và Nam Phương diễn ra trên chuyến tàu d’Artagnan hay tại buổi dạ tiệc ở Đà Lạt thì đều có một sự thật là do bàn tay đạo diễn của người Pháp.
    Trong đêm dạ tiệc và khiêu vũ chắc Bảo Đại đã dùng tiếng Pháp để nói chuyện và chắc đã làm xiêu lòng cô thiếu nữ miền Nam dễ mến nên Bảo Đại không còn để ý đến một bông hoa nào khác mà gia đình trước đó đã sắp đặt sẽ cưới làm vợ. Hơn nữa, chắc chắn trước ngày tới dự buổi dạ tiệc, vợ chồng cựu Khâm sứ Charles với vai trò “ông tơ bà nguyệt” cũng đã hỏi ý kiến và dặn dò Bảo Đại nhiều điều gì nữa mà không ai biết được. Vì vậy, khi hai người Bảo Đại và Thị Lan vừa sánh đôi qua bản khiêu vũ họ đã không rời nhau nữa bước mà chỉ ngồi tâm sự to nhỏ với nhau.
    Sau ngày dự tiệc, những ngày sau họ còn gặp nhau trên sân quần vợt tại tòa Đốc lý Đà Lạt vào những buổi chiều nên đã tìm hiểu nhau nhiều hơn. Mấy ngày sau Bảo Đại phải trở ra Huế, còn cô Thị Lan thì theo gia đình trở về Sài Gòn.
    Khi Bảo Đại về Huế, bà Từ Cung đã ngỏ ý về việc cưới vợ cho Bảo Đại, và nói là đã chọn được một thiếu nữ gốc Huế, con một vị quan Thượng trong Triều là cô Bạch Yến. Nhưng Bảo Đại từ chối và xin được để Bảo Đại tự chọn người làm vợ. Đó là cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, cháu của gia đình Lê Phát Sỹ ( tức Lê Phát Đạt ).
    Denis Lê Phát Sỹ, một gia đình nổi tiếng giàu bậc nhật Việt Nam thời đó. Bà Từ Cung và cụ Tôn Thất Hân đều không chấp nhận việc để tự ý Bảo Đại chọn vợ và bắt Bảo Đại phải chấp nhận lấy cô Bạch Yến mà Hoàng tộc cùng Triều đình đã định sẵn. Nhưng Bảo Đại nhất quyết không chấp nhận sự xếp đặt này và nói: “Tôi lấy vợ cho tôi hay cho Triều đình?”. Vì Bảo Đại nói như vậy nên sau đó cả triều đình, từ bà Từ Cung đến các quan đại thần, phụ chánh cũng im lặng để tự Bảo Đại quyết định chọn ai làm vợ tùy ý nhà vua.
    Người dân Nam bộ và Bắc bộ thời những năm 30 thường nói: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”, nghĩa là người đứng đầu tỷ phú là Lê Phát Sỹ, người thứ nhì là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, người thứ ba là Bá hộ Xường, người gốc Minh Hương, tên thật của Hộ Xường là Lý Tường Quan, xuất thân thông ngôn. Người thứ tư là Hộ Định, mang họ Trần (?). Về sau, những năm 20-30 tại đất Bắc kỳ có một người cũng từ bàn tay trắng lập nên sản nghiệp có mấy chục cái tàu thuỷ chạy đường sông, vì vậy họ gọi ông là: Bạch Thái Bưởi – vua đường sông mà hiện nay sử sách đánh giá Bạch Thái Bưởi là nhà tư sản dân tộc, và câu nói “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi” đã được từ Nam chí Bắc công nhận.
    Theo chúng được biết, Lê Phát Sỹ nguyên là cháu chắt của Mathiéu Lê Văn Gẫm. Tư liệu của L.m Phan Phát Huồn C.S.S.P, trong VNGS 1 (1533-1933), Cứu Thế Tùng Thư xuất bản năm 1965 tại Sài Gòn đã viết: “Mathiéu Lê Văn Gẫm sinh ở Gò Công, tên thật là Lê Văn Bôi, lúc Giám mục Lefebre phải về Huế, Mathiéu Gẫm phải giam ở Sài Gòn và phải án tử. Lê Văn Bôi đã lỗi luật nước vì theo tà đạo, vì buôn bán với người ngoại quốc, và đã đem Tây Dương đạo trưởng vào nước. Nó không chịu quá khoá, nó không chịu hối cải. Vì vậy qua sang năm nó sẽ bị trảm quyết, chiếu theo đạo dụ của Hoàng đế”.
    Câu chuyện còn kể lại trong gia đình là: Ngày 11-5-1847, ông Mathiéu Lê Văn Gẫm được dẫn đến pháp trường “Da Còm” (Chợ Quán), cái tin đó làm lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của Lê Văn Gẫm, cũng cùng đức tin, bị hành hình cùng lúc là Toma Trọng, Phaolo Bạng và Ine Nguyễn cũng có mặt trong cuộc xử anh mình. Ông đội Bạng và ông trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa cha Thăm đến gần giải tội lần cuối cho vị tử đạo. Ông đội cũng tặng viên đao phủ ba quan tiền để anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn.
    Dân gian kể, khi nghe tiếng chuông trống đổ hồi và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên đao phủ không còn giữ được bình tĩnh, hắn phải chém đến ba phát, đầu chứng nhân mới lìa khỏi cổ. Các người em vị tử đạo Mathiéu Gẫm và tín hữu ùa vào, ráp đầu vị chứng nhân với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn cổ, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Đũi.
    Và theo cụ Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn năm xưa”, thì: “Gần Ngã sáu đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi) quận 1, còn thấy ngày nay ngôi mộ Lê Văn Gẫm tử đạo đời Thiệu Trị, bị hành hình hồi năm 1847. Mộ này nay nhà phố xung quanh che gần bịt mất và mộ lún sụt xuống thấp hơn mặt đường lộ có một thước sáu, suy ra đường phố mãi đắp lên cho khỏi ngập lụt nay mới cao làm vậy, còn đất xóm này khi xưa lấy mực mộ Lái Gẫm là đủ biết thấp và nước thế nào”.
    Đến đời con cháu của Lái Gẫm là Lê Phát Sỹ ở họ đạo Cầu Kho – Sài Gòn nhưng vì gia đình không khá giả nên phải bỏ đất Sài Gòn về cư ngụ tại họ đạo ở dốc Cầu Dây thuộc thị xã Tân An để sinh sống. Ở xã Tân An có một ngôi nhà thờ nhỏ bằng tre lá, những người có đạo tại xã này thuộc xứ đạo Ba Giồng ở xã Tân Lý Tây huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho do một linh mục thừa sai người Pháp là cha Ramon đến họ đạo dốc Cầu Dây làm lễ hàng tuần. Tới năm 1893 thì họ đạo này có một cố đạo Tây tên là Moulin về làm cha sở ở họ đạo.
    Gia đình họ Lê vốn có lòng mộ đạo, vì đã có một ông cố tử vì đạo là Mathiéu Lê Văn Gẫm. Gia đình Lê Phát Sỹ lúc này vẫn chưa khá giả gì nên Lê Phát Sỹ cũng làm nghề lái đò chở lương thực thuê cho dân làng. Cố đạo Moulin biết gia đình họ Lê có người đã tử vì đạo, và Philippe Lê Phát Sỹ lại hiền lành đạo đức nên đã nhận Lê Phát Sỹ làm con đỡ đầu để nuôi cho ăn học vì thấy Sỹ lanh lợi và thông minh, có chí học hành.
    Gia đình họ Lê lúc đó cũng vì hoàn cảnh còn khó khăn nên đã đồng ý cho Sỹ theo cố Moulin để nhập trường dòng và hy vọng sau này sẽ trở thành một tu sĩ hay linh mục. Lê Phát Sỹ học hết bậc tiểu học ở Sài Gòn rồi được cố Moulin gửi sang Pesnang, nơi đào tạo những tu sĩ cho xứ Đông Dương và các nước vùng Đông Nam Á.
    Trong thời gian theo học tại chủng viện Pesnang, tại đây có một vị giáo sĩ cũng có tên là Sỹ, hàng ngày giảng dạy cho Lê Phát Sỹ nên nhà dòng đã cho cải tên Lê Phát Sỹ là Lê Phát Đạt. Hàng ngày Đạt được học tiếng Latinh, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha và chữ quốc ngữ. Lê Phát Đạt (Sỹ) tỏ ra một học sinh rất thông minh và hiếu học, lại học giỏi nhất lớp trong số các chủng sinh đang theo học.
    Đến khi tốt nghiệp, Lê Phát Đạt không được ơn kêu gọi của Chúa để làm tu sĩ hay linh mục nên đã phải trở về nước làm thông ngôn cho chính quyền Pháp. Lúc đó người Pháp đang cần những người thông thạo tiếng Pháp nên Lê Phát Đạt được làm việc ngay tại tỉnh lỵ Tân An, và được người Pháp ban cho nhiều bổng lộc và quyền lợi. Lại gặp ngay thời Tây mới qua, dân còn tản mác nên người Pháp đã cho phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người mua. Pháp ép nài Đạt mua, vì lúc đó Đạt đã có ít tiền lương và vay thêm tiền làm vốn mua liền mấy chục ngàn mẫu ruộng hoang. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng liên tiếp mấy năm liền, không mấy chốc, Lê Phát Đạt trở nên giáu có.
    Đến lúc này Lê Phát Đạt đã trở thành một nhà triệu phú nên được người Pháp ban cho chức Huyện hàm để gọi là có chút danh với đời. Lê Phát Đạt đã được dân trong vùng gọi là Huyện Sỹ, và Sỹ (Đạt) thôi không làm cho chính quyền Pháp “sáng vác ô đi, chiều vác ô về” mà ở nhà để trông ruộng đất và hoạt động xã hội như xây trường học, viện tế bần, nhà thương, nhà thờ, … để làm việc công ích cho xã hội.
    Vốn là họ đạo dòng, từ đời cha ông tổ tiên, nên khi Huyện Sỹ đã giàu có và dư thừa tiền bạc, Huyện Sỹ bỏ tiền mua đất ở khu Chợ Đũi. Đó là miếng đất diện tích mấy mẫu ở nơi đã xử Lê Văn Gẫm tử đạo năm 1857, chỗ cây Đa để xây một nhà thờ. Ngôi nhà thờ này dài 25 thước, và cất theo kiến trúc Roman rất đẹp, chỉ kém nhà thờ Đức Bà Sài Gòn mà thôi. Khi nhà thờ này được hoàn tất đã được gọi tên là Giáo xứ họ Chợ Đũi, nhưng dân gian gọi là nhà thờ Huyện Sỹ, vì ông Sỹ là người bỏ tiền ra xây cất ngôi giáo đường này và cho tới nay cũng ít ai gọi là nhà thờ họ Chợ Đũi.
    Hiện nay trước sân nhà thờ Chợ Đũi có để một tượng của Mathiéu Lê Văn Gẫm.
    Rồi nhân việc rắc rối năm 1907, Giám mục Mossard (có tên Việt là Mão) gặp chuyện không hay với chính quyền Pháp (nhóm Tam Điểm – Thệ phản – France Monnerie) vì chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ đòi lấy lại nhà thờ Đức Bà để họ làm Viện Bảo tàng Sài Gòn, khi đó nhà thờ Đức Bà chưa xây dựng lớn như hiện nay.
    Lo ngại nhà thờ Đức Bà sẽ bị lấy làm Viện Bảo tàng nên Giám mục Mossard đã dự định sẽ chọn nhà thờ Chợ Đũi (Huyện Sỹ) làm nhà thờ chính toà của địa phận Sài Gòn. Nhưng sau việc rắc rối cũng qua đi, vì nhờ có ba người là thẩm pháp người Pháp là ong Napard, ông bác sĩ Angier và thương gia Lacaze đã đi thuyết phục được một số Pháp kiều ở Sài Gòn đừng phản bội Hội Thánh Công giáo mà bỏ phiếu chống lại nhóm Tam Điểm. Kết quả cuộc bỏ phiếu, nhóm Tam Điểm thiểu số nên số phận Nhà thờ Đức Bà đã thắng và không bị lấy đi.
    Ngoài việc cúng đất và xây nhà thờ Chợ Đũi, Huyện Sỹ còn dâng cúng 600 hecta đất ở vùng Chí Hoà để xây cất dưỡng đường cho các cha bổn quốc người Việt già, ốm về hưu.
    Huyện Sỹ khi đã trở nên giàu có, vào hàng triệu phú (thời đó chưa gọi là tỷ phú) đã cùng gia đình con cháu xin nhập quốc tịch Tây. Huyện Sỹ sanh được bốn người con. Thứ nhất là Denis Lê Phát An, có vợ là Anna Trần Thị Thơ. Denis An sinh năm 1868 tại Tân Lập (Tân An – vì vậy mới có tên là An). Người con thứ hai sinh tại Sài Gòn năm 1879 là con gái tên Lê Thị Bình, cũng là để nhớ đến chữ Bình Lập. Và người thứ ba là Lê Phát Vĩnh, người thứ tư là Lê Phát Thanh. Tất cả những người con của Lê Phát Sỹ đều được cho đi du học bên Pháp để tạo thành những thương nhân về nước mở thương nghiệp. Như Denis Lê Phát An được sang Marseille học về ngành kinh tế và kỹ nghẹ. Đến khi trở về nước đã hoạt động ngành thương mại dưới sự điều khiển chỉ dẫn của thân phụ nên chẳng bao lâu D.Lê Phát An cũng trở nên giàu có vào hàng triệu phú của đất Sài Gòn. Lê Phát An đã tậu nhiều đồn điền cao su và café rồi còn mở nhà máy dệt bông vải.
    Lê Phát An cũng noi gương thân phụ làm việc xã hội, cúng tiền bạc cho nhà thờ, miếu đình và nhà thương, viện tế bần tại Tân An và Sài Gòn, Gia Định. Việc đầu tiên là vợ chồng D.Lê Phát An bỏ tiền ra mua đất xây cất nhà thờ tại xã Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp (Gia Định)…
    Còn người con thứ hai là Maria Lê Thị Bình thì Lê Phát Sỹ đã gả cho Pierre Nguyễn Hữu Hào, nguyên quán đất Gò Công. Nguyễn Hữu Hào vốn thủa nhỏ học trường dòng, lớn lên được sang Pháp du học về ngành công nghệ và canh nông. Khi trở về nước ông mở mang việc trồng trọt lớn và sau khi làm rể Lê Phát Sỹ, chẳng mấy chốc gia đình ông trở nên giàu có nhất tỉnh Gò Công. Đồng thời gia đình Nguyễn Hữu Hào còn mua nhiều đồn điền ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Ngoài việc kinh doanh, Nguyễn Hữu Hào còn thích văn nghệ nên nhà ông thường có nhiều văn nghệ sỹ tới chơi và ông cũng sẵn sàng giúp đỡ nhiều văn nhân, thi sỹ … tiền bạc để làm văn nghệ với mục đích khuyến khích họ sáng tác. Bà Maria Lê Thị Bình vì là mẹ vợ của vua Bảo Đại nên sau này được phong là Long Mỹ quận công.
    Sau này, cũng vì gia đình họ Lê Phát Sỹ, Lê Phát An, Lê Thị Bình, rồi đến con cháu là bà Nam Phương Hoàng hậu đã có nhiều công đức làm việc phúc giúp đời, giúp đạo nên khi mất hai vợ chồng ông bà Pierre Lê Phát Sỹ (tức Lê Phát Đạt) và bà Agnès Huỳnh Thị Tài đều được an táng ngay trong nhà thờ họ Chợ Đũi. Khi đi tìm hiểu để nghiên cứu về gia đình họ Lê Phát Sỹ, tới nhà thờ Huyện Sỹ chúng tôi đã được linh mục chánh xứ nơi đây dẫn đi và cho biết, sau cung thánh trong giáo đường, mộ hai ông bà và các con họ Lê đều được an táng tại đây. Trước tiên là một tượng bán thân, có tấm bia cẩm thạch với hàng chữ ghi: Pierre Lê Phát Đạt 1841-1900 (tức là năm sinh và năm tạ thế). Rồi ngay cạnh là một tượng nằm dài hơn thước cũng là ông P.L.Đạt để tay trên ngực với tượng Chúa cùng nhánh hoa huệ là phần mộ ông Đạt. Cách khoảng 3 thước, phía tay trái có tượng bà Agnès Huỳnh Thị Tài, tượng bán thân đề chữ: Agnès Huỳnh Thị Tài 1845-1920, và cũng có một tượng như thế nằm dài, trên tay để ở trên ngực với xâu chuỗi cùng nhánh hoa huệ. Chúng tôi đi lần tới, cách đó một thước, thấy trên cao có để hình bán thân ghi trên bia đá cẩm thạch là: Jean Baptiste Lê Phát Thanh 6/9/1864-29/11/1948. Và bên cạnh, phía trên gần tượng bà A. Huỳnh Thị Tài, cũng có một tượng bán thân hình ghi: Đỗ Thị Thao 1865-1922, là vợ ông Lê Phát Thanh, tức con dâu của ông bà Lê Phát Đạt. Có lẽ hai người này cũng có công đức với giáo đường Huyện Sỹ (Chợ Đũi) nên mới có tượng đặt ở nhà thờ này.
    Khi còn sinh thời, ông P.Lê Phát Đạt cũng được người Pháp cho chức Hội đồng thuộc địa Nam kỳ nên đã được trao tặng huân chương Dragon d’Annam.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Re: Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 12:12 am

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang

    Chương 3





    Không thuyết phục được Bảo Đại, Triều đình và bà Từ Cung đành chấp thuận, đồng ý để Bảo Đại lấy con gái của Nguyễn Hữu Hào. Lễ cưới đã diễn ra ngày 20 tháng 3 năm 1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan vừa 19 tuổi. Trong triều đình lúc đó duy chỉ có một mình cụ Nguyễn Hữu Bài quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Viện trưởng Viện Cơ Mật là người đồng tình với nhà vua trong việc Bảo Đại lấy Thi Lan vì ông vốn cũng là người Công giáo.
    Và cũng vì có sự bất đồng trong triều đình, hoàng tộc nên đám cưới đã có vài trục trặc diễn ra khi rước dâu. Đến đây chúng ta đọc lại một bài phóng sự của nhà báo lão thành Hoàng Phố đã viết trong Hồi ký làm báo (bản thảo chưa in mà tôi đang lưu giữ.PTL).
    “Hồi năm 1933, tôi làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn của ông huyện Nguyễn Văn Của (là nhạc phụ của dược sĩ La Thanh Nghệ) ở xéo Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn. Lục Tỉnh Tân Văn số 1 ra đời tôi còn ở phương trời nào chưa vào bụng mẹ. Nay tôi làm được chủ bút một tờ báo già hơn tôi, hãnh diện làm sao.
    Không mặc đồ Tây, tôi lại luộm thuộm với chiếc áo dài đen và đôi giày hàm ếch, như quan chủ bút trước là cụ huyện Nguyễn Chánh Sắt đã về “hưu”. Tôi bận như thế để cho ra vẻ nho phong và ra vẻ quan chủ bút luôn thể, nhứt là để cho ít tốn tiền giặt ủi, vì hồi ấy gặp nạn khủng hoảng kinh tế, lúa có 3 cắc một giạ.
    Thuở đó, ai cũng mặc đồ Tây, riêng các quan lớn chủ quản đi hầu quan Thống đốc mới mặc áo dài, khăn đóng. Thật ra, hàng ngày tôi ra vào ở dinh Thống đốc, dinh Gia Long ở mặc áo dài kể cũng không phải là việc lạ đối với cặp mắt mọi người, nhất là tôi lại là quan chủ bút số dzách.
    Một ngày nọ, vào năm 1934, chủ nhân, ông huyện Nguyễn Văn Của gọi tôi vào phòng bảo:
    - Chiều nay, thầy đi với tôi ! Nhớ khăn đóng và giày ếch-cat-ba đen nghe.
    - Dạ thưa, đi ăn tiệc Toàn quyền hay Thống đốc ?
    - Không! Đi dự bữa tiệc thân mật ở đường Taberd (bây giờ là đường Nguyễn Du) chỉ năm, mười người thôi! Đằng gái đưa dâu, thầy kín miệng nghe. Đây là việc cơ mật, Hoàng đế Bảo Đại cho quan Triều đình vào rước Hoàng hậu về Huế. Hoàng hậu là con gái ông Nguyễn Hữu Hào. Cháu ông Huyện Sỹ v.v…, và v.v…
    À, té ra mình đi “họ” đây mà.
    Chiều đến, biệt thự ông Nguyễn Hữu Hào ở đường Taberd (nay là toà lãnh sự Đại Hàn), quan khách vỏn vẹn mười người. Tiệc thân mật. Ngoài quan chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn ra có quan chủ bút Lê Trung Nghĩa là hai quan báo. Còn lại toàn quyền là "quan lớn" (lớn thật) trong đó có ông Đốc phủ Lê Quang Liêm tức Bảy Liêm phải ngồi chung với tôi cho đủ cặp, vì tôi cũng khăn đóng áo dài.
    Rồi quan triều (hai vị) đến bắt tay tôi, phải “rua” cả hai tay và nghiêng mình quá xá. Mấy thuở trong Nam có kẻ mặc áo dài bông bạc. Ý hẳn quan triều tưởng tôi là quan lớn thiệt.
    Sâm-banh nổ! Bánh đầy bàn. Cô Nguyễn Hữu Thị Lan đi mời rượu từng người, tới tôi:
    - Xin quan lớn dùng chút rượu và bánh.
    Nhà gái cũng đến mời:
    - Xin quan lớn dùng.
    Nhìn quanh khắp phòng, chỉ có ông Đốc phủ Bảy, hai quan triều và tôi mới thật là quan lớn mà thôi.
    Không phải người ta kêu tâng bốc đâu các bạn!
    Người ta thành thật gọi quan lớn đấy mà!
    Nhưng thưa các bạn, các bạn muốn hiểu sao thì hiểu, vì lúc đó tôi đang giương oai có một bộ mặt “quan lớn” thật tình.
    Mấy hôm sau, đưa ra đến đèo Hải Vân, các quan từ Huế vào đến tiếp. Quan khách đưa không mấy người, đều mặc đồ Tây cả. Riêng ông Đốc phủ Bảy và tôi mặc quốc phục.
    Lúc đó, không có giới thiệu, nên không làm sao lòi cái mặt “quan báo” được. Mọi người đều tưởng (chắc chắn là như vậy) tôi làm gì lớn … lớn lắm ở trong Nam, nên họ tiếp ông Đốc phủ Bảy và tôi “long trọng” hơn các người đi họ khác.
    Có lẽ ông Đốc phủ Bảy cũng muốn tôi có dịp giương oai chơi, nên ông không bao giờ giới thiệu tôi là anh viết báo. Ông cứ vẫn đi cặp tôi (đi riêng sao được, vì chỉ có hai mống bệ vệ trong bộ quốc phục) và rồi có lúc cũng gọi tôi là quan lớn.
    Ông gọi đùa tôi, nhưng tôi thấy sung sướng lạ!
    Bây giờ nước đã trôi qua dưới cầu! Cuộc đời nhiều xáo trộn. Làng báo ngày mọt đông thêm. Rất nhiều vị chủ bút ra đời. Song có bạn nào đã được làm quan chủ bút để giương oai với quan thiệt của Triều đình chăng?
    Còn một vài tờ báo nữa ở trong Nam thời đó cũng có đăng tin về việc nước dâu trên, nhưng họ nói sở dĩ họ đàng trai (phía Hoàng tộc) chỉ có lèo tèo vài người vào đèo Hải Vân đón nhà gái vì bên Hoàng tộc (họ nhà trai) không ai chịu đi đón dâu nên cuộc đi đón bị trễ mất một ngày, làm họ nhà gái phải chờ ở giữa đèo Hải Vân. Rồi hai họ cũng đã gặp nhau giữa đèo và đoàn xe nhập làm một để trực chỉ về Huế. Tới Huế họ nhà gái được mời vào trong cung Trú Tất nghỉ để chờ ngày 20 tháng 3 mới cử hành hôn lễ.
    Buổi sáng mùa thật đẹp, hôn lễ được cử hành. Tại cung Trú Tất, Nguyễn Hữu Thị Lan mặc áo thụng gấm đỏ thêu vàng, đội khăn màu thiên thanh quấn nhiều vành, đi bên cạnh Thị Lan là bà chị ruột đã lấy chồng là một võ quan Pháp (đại tá Didelot-PTL). Hai người cùng bước lên xe hơi để vào Đại nội, ở đó Bảo Đại đang chờ cô dâu tới để làm lễ hợp cẩn trình diện Hoàng tộc, các quan trong Triều và Khâm sứ Pháp”
    Còn theo cuốn hồi ký “Con rồng An Nam” của Bảo Đại, thì:
    “Lễ cưới được tổ chức trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia, chưa từng có trong cung đình. Tôi cũng quyết định sau khi cưới, sẽ tấn phong cho vợ tôi làm Hoàng hậu – danh hiệu mà trước đó chỉ phong cho Thái hậu sau khi vị Hoàng đế qua đời”
    Bốn ngày sau lễ đại hôn mới kết thúc và sau đó Nguyễn Hữu Thị Lan được Bảo Đại tuyên bố sách lập là Nam Phương Hoàng hậu.
    Ngày mùng 10 tháng 2 (tức 24-3-1934) lễ tấn phong Hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Và một đạo Dụ của nhà vua phong Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Bảo Đại giải thích thêm trong “Con rồng An Nam” như sau:
    “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng hậu mới, từ đó gọi là Nam Phương – Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền nam” (berfume). Và tôi, ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế”
    Tất nhiên, điều chúng ta cần biết nhất là lễ cưới đã diễn ra như thế nào? Về điều này, Bảo Đại không quên và ông đã kể lại:
    “Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình. Nam Phương mặc chiếc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái ngai bên phải của tôi. Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã ở bên tôi, chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung – nơi ở và làm việc của chúng tôi”. (Hồi ký Bảo Đại Sđđ).
    Đến đây chúng ta có thể kết luận là cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại với Thị Lan là có sự sắp đặt khéo léo và tinh vi của Toàn quyền Pasquier, của vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ là ông bà Charles ngay từ khi Bảo Đại còn đang theo học ở bên Pháp, lúc đang học “nghề làm vua”. Vì vậy, sau đám cưới, Bảo Đại hay Thị Lan có bào chữa thế nào, thì rõ ràng là họ không phải chỉ mới biết nhau tại Đà Lạt mà trong cuộc hôn nhân này có sự sắp đặt từ trước với những âm mưu chính trị, thâm sâu của chính quyền thực dân Pháp. Như cụ Phạm Khắc Hoè, cựu Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, năm 1983 đã viết trong hồi ký “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc”, trong đó cũng có đoạn nói về cuộc hôn nhân của Bảo Đại:
    “… Trong cuộc kết hôn giữa Bảo Đại với Nguyễn Hữu Thị Lan lý trí nặng hơn tình cảm nhiều. Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài: hai người đều khoẻ mạnh, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình, tâm tư thì hầu như trái ngược nhau. Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. Trái lại, Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cá tính, có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nguyên cứu hơn là ăn chơi … thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị”.
    Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu là Nam Phương “thi thố tài năng”, nhát là làm vừa lòng mẫu quốc Pháp, vừa lòng Toà thánh La Mã hằng mong đợi nước Việt Nam tương lai sẽ có một ông vua có đạo Công giáo.
    Và mặc dầu, khi vợ chồng Charles viết thư xin phép Toà thánh cho Nam Phương được kết hôn với Bảo Đại, và mỗi người giữ đạo riêng. Nhưng Giáo hoàng thứ XI đã không chấp nhận. Việc đã lỡ rồi, nên đám cưới của Bảo Đại với Thị Lan vẫn cứ tiến hành. Vì vậy Giáo hoàng đã rút phép thông công (phạt vạ) không cho Nam Phương xưng tội và rước lễ như trước khi lấy Bảo Đại. Sau khi lễ cưới xong, Bảo Đại nghe theo lời của vợ chồng Charles là nên tặng huy chương cho mấy Giám mục người Pháp, người Ý và Khâm sứ Toà thánh ở Huế để lấy lòng Toà thánh thì tương lai sẽ được Toà thành tha phạt vạ bà Nam Phương.
    Và quả đúng như vậy. Năm 1939, Giáo hoàng Pio (Pius) XI qua đời ngày 10-2-1939, và ngày 12-3-1939 Giáo hoàng Pio (Pius) XII lên kế vị nên đã xét lại và chấp nhận cho Bảo Đại cứ giữ đạo Phật, còn Nam Phương cứ giữ đạo Công giáo, nhưng các con khi sanh ra phải được rửa tội để nhập đạo Công giáo theo người mẹ là bà Nam Phương. Vì thế, sau đó hai vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương đã sang ngay La Mã xin yết kiến để cảm ơn Giáo hoàng Pio XII (như hình đã chụp).
    Sau này, có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không có đạo, lại ăn chơi trác táng, rồi sau đó còn năm thê bảy thiếp, không kém gì những oong vua tiên đế. Bà Nam Phương trả lời là: Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được.
    Còn cô Bạch Yến, khi biết Bảo Đại lấy vợi rồi nên đã được gia đình gả cho ông Phạm Đình Ái, người gốc Quảng Nam, là một kỹ sư hoá học mới tốt nghiệp ở bên Pháp về nước. Gia đình kỹ sư Phạm Đình Ái rất hạnh phúc, sau này có người con là bác sĩ Phạm Đình Vy, có thời gian làm chủ nhiệm tờ báo Tình thương là bạn đồng nghiệp với chúng tôi, hồi đó bác sĩ Vy in báo Tình thương – tờ báo của sinh viên Y khoa Sài Gòn năm 1964, tại nhà in của chúng tôi ở đường Nguyễn An Ninh, Sài Gòn.
    Theo tư liệu của tác giả Trịnh Bách kể lại: “Vào cuối Xuân 1931, nhà báo Mỹ W.Robert Moore đã mục kích tại kinh đô Huế lễ đón tiếp Vua và Hoàng hậu Thái Lan sang thăm Việt Nam. Bà Hoàng Thái Hậu phải đảm nhiệm việc tiếp khách, vì vua Bảo Đại còn đang du học tại Pháp. Những nghi lễ và sự hoành tráng của các buổi tiếp tân, yến tiệc đã khiến ông Moore hồi tưởng lại những dịp lễ tương tự ở đế đô Bắc Kinh trước cách mạng Tân Hợi 1911.
    Nhưng kỷ niệm thú vị nhất của nhà báo Mỹ này khi ở Huế là việc ông được một vị Trưởng Công chúa triều Nguyễn tiếp kiến tại phủ riêng của bà. Ông Moore kể lại rằng: “Vị ái nữ xinh đẹp của bà Chúa đã rộng lượng cho chúng tôi được thưởng thức tài nghệ đàn tranh của cô. Sau đó cô cùng vị giáo sư già khiếm thị và nhạc sĩ đàn dây khác trong phủ hợp tấu, trong khi các ca công trẻ hát những bài ca Huế …”. Nàng công nữ xinh đẹp ấy có cái tên rất “Huế” là Mệ Bông. Theo tục lệ cổ của triều Nguyễn, tất cả các thành viên của Hoàng tộc đều được gọi là Mệ, và kèm theo một cái tên nghe thật bình dân. Tiếng Mệ dần dà đã trở thành một cái âm thanh biểu tượng rất dễ thương của Huế.
    Thân mẫu Mệ Bông là công chúa Công Tằng Tôn Nữ Tôn Tụy, trưởng nữ của Cung Tôn Huệ Hoàng đế Dục Đức (1883). Bà trở thành Trưởng công chúa khi em trai bà là Hoàng đế Thành Thái lên ngôi năm 1889. Bà được sắc phong tước hiệu Mỹ Lương Công chúa năm 1897, thường được gọi là Bà Chúa Nhất. Công chúa Mỹ Lương có công rất lớn đối với nghệ thuật tuồng cung đình của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Đội ca vũ tuồng cung đình do bà lập ra và huấn luyện trong phủ của bà đã trình diễn trong hoàng cung từ cuối triều Thành Thái, qua các triều Duy Tân, Khải Định và nhất là Bảo Đại. Bà Chúa cũng là một trong những sáng lập viên và Mạnh Thường quân chính của Hội Lạc Thiện, lập ra để cứu tế, giúp đỡ đồng bào khốn khổ, và các nạn nhân bị thiên tai quanh đế đô. Thân phụ của mệ Bông là Thượng Thứ Nguyễn Kế, con trai của Diên Lộc Quận công, một vị trưởng phụ chính nổi tiếng cuối triều nhà Nguyễn.
    Mệ Bông bây giờ đã là một bà lão ở tuổi cửu tuần, nhưng Mệ vẫn chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến tuổi tác bằng những nụ cười thật hiền. Khi tôi (Trịnh Bách) ngỏ lời muốn được gặp và phỏng vấn Mệ Bông vào đầu tháng 9 – 2001, thân quyến của Mệ tỏ ra lo ngại cho tôi. Sau khi bị tai biến mạch máu não, Mệ đã nằm liệt giường gần 2 năm, nói năng rất khó và Mệ không còn nhớ gì … Thực ra, Mệ Bông còn nhớ mọi chuyện rất rõ. “Lúc nào trong phủ Đức Bà cũng nuôi năm chục người. Họ vừa là người giúp việc, vừa là tài tử, đào hát của đoàn tuồng. Người ca giỏi nhất trong đoàn là Mụ Liễu. Ngoài ra con Quý này, Ninh này, Thanh này, Yến này … đông lắm! Đức Bà cho họ huấn luyện cả ngày cả đêm …” Mệ cũng kể đến một điệu múa mà các vũ công trên đầu vấn khăn, trong mặc áo bào xiêm, ngoài khoác áo lá tua. Đây là điệu múa Nữ Tướng mà cậu của Mệ là vua Thanh Thái rất ưa thích. Qua điệu múa có tính chất tuồng này, nhà vua đã biểu lộ một cách thụ động hoài bão của mình trong việc cứu đất nước ra khỏi ách thống trị của người Pháp.
    Tuy Mệ Bông rất thành thạo về đàn tranh và ca Huế, Mệ chỉ học và tự tiêu khiển thôi. Phần lớn thì giờ của Mệ được dành cho các công việc trong cung. Trong khi bà Tiên cung Thái hoàng Thái hậu, bà nội ruột của Hoàng đế Bảo Đại phải chăm sóc việc nghi lễ, tiếp khách thì bà Chính cung Thái hoàng Thái hậu, tức bà Thánh Cung thường phải nằm nghỉ trong cung Trường Sanh do bị bệnh khớp nặng. Từ thuở nhỏ, Mệ Bông đã phải vào đọc sách, truyện giải sầu cho Bà Thánh Cung. Vì Mệ rất thân với Hoàng Thái tử Thiền (Tức Hoàng đế bảo Đại sau này) nên bà Thánh Cung coi Mệ như cháu bà.
    Các bà trong nội cung cũng đều thích được Mệ Bông vấn khăn vành dây cho họ. mệ Bông đã một thời nổi tiếng về tài vấn khăn này. Khăn làm bằng nhiễu mỏng, dài từ 10 đến 20 thước tây. Khăn rộng khoảng 45 phân tây, được xếp lại còn chiều rộng chừng 5 phân tây. Người có tước phẩm càng cao thì khăn càng dài. Trước hết một đoạn khăn vấn được bao vào tóc để làm nền, rồi khăn vành dây được cuộn tiếp theo, phủ ra ngoài. Khăn vành dây có vị trí rất quan trọng trong nghi lễ của triều đình Huế. Bà Đệ Tam Điểm Tần của vua Khải Định đã phải ngủ ngồi nhiều ngày trong các dịp đại kỵ để khỏi phải vấn khăn lại. Mệ Bông rất hãnh diện về tài vấn khăn nhanh của Mệ, chỉ mất khoảng hơn nửa giờ. “Hoàng hậu Nam Phương thường mặc âu phục, nhưng mỗi lần cần đến triều phục thì bà lại cho vời tôi vào cung để vấn khăn cho bà”.
    Các Hoàng đế cũng cần đến Mệ Bông vì tài bếp núc của Mệ. Khi cựu hoàng Thành Thái về thăm Huế năm 1953 sau suốt 3 thập kỷ bị nhà cầm quyền Pháp an trí ở đảo Reunion ở bên Châu Phi, ông đã quyết định “Ở tại phủ chị Chúa để con Bông nó nấu cho ăn”. Trái với sự tưởng tượng của mọi người, các Hoàng đế ở Huế không chuộng những món yến tiệc cầu kỳ cho lắm. Các đại yến 60 món, trung yến 49 món, tiểu yến 30 món với ảnh hưởng của Trung Quốc, thường được dùng để đãi quốc khách hay các quan. Còn mỗi món ăn hàng ngày để Hoàng đế ngự thiện có thể nói là đạm bạc. Trong cung có 2 ông bếp chính là ông Lợi người Bắc, và ông Nghĩa người Quảng Nam để nấu các cỗ Âu. Nhưng mỗi khi trong cung cần đến tiệc Việt Nam thì Mệ Bông lại phải vào phụ Mã Thông, Mã Trọn, hai người bếp của các món Huế trong cung.
    Đối với Mệ Bông thì thời gian đã dừng lại khi nhà Nguyễn cáo chung với việc Bảo Định thoái vị năm 1945. Sự mất mát lớn nhất trong đời Mệ Bông xảy ra vào năm 1948, khi chiến tranh cướp đi người chồng trẻ yếu quý của Mệ Bông, Mệ không bao giờ tái giá nữa. Niềm an ủi của mệ bây giờ là Cung An Định ở An Cựu, nơi Hoàng Thái Hậu Từ Cung và một số mệnh phụ còn giữ lại được phần nào nếp sống xưa. Mệ vẫn hay vào cung sống với Bà, và giúp Bà với hai công việc ưa thích của Mệ là vấn khăn vành dây và bếp núc.
    Năm 1954 lại biến đổi đời Mệ Bông thêm lần nữa. Người con gái độc nhất của Mệ Bông đã tuổi 18 một hôm biết tích. Tìm con đến tận Sài Gòn cũng không ra. Mệ gần như điên loạn. Mãi hai năm sau Mệ mới nhận được thơ của cô gửi từ Hà Nội cho biết cô đã tập kết ra Bắc để tham gia cách mạng. Rồi sự bình yên của Cung An Định cũng không còn khi ông Ngô Đình Diệm ra lênh quốc hữu hóa cung này. Sau đó ông Diệm lại triệu Mệ Bông về Sài Gòn để nhờ Mệ cố vấn cho các bữa yến tiệc trong Dinh Độc Lập. từ đó Mệ không bào giờ trở về sống ở Huế nữa.
    Khi đất nước thống nhất 1975, người con gái tập kết năm xưa lặn lội vào Sài Gòn tìm mẹ. Mệ Bông như được hồi sinh. Mệ xuống tóc để tạ ơn Trời Phật và từ đó Mệ chỉ vui với con cháu, ít khi ra ngoài. Lần cuối cùng Mệ Bông trổ tài vấn khăn vành dây là vào dịp đám cưới người cháu gái năm 1985. Các hình bóng một thời thân thương cũng dẫn dần ra đi. Hoàng hậu Nam Phương mất bên Pháp năm 1963. Bà Chúa Nhất mất năm 1964. Bà An Phi, vợ chính của vua Khải Định mất năm 1978, bà Hoàng Quý Phi Mai Thị Vàng, vợ vua Duy Tân mất năm 1980. Rồi Hoàng Thái Hậu Từ Cung cũng mất năm 1980. Hoàng đế Bảo Đại, người anh em họ của Mệ cũng mất tại Pháp năm 1997.
    Khi tôi đến thăm và phỏng vấn Mệ Bông vào đầu tháng 9, như có một phép lạ, Mệ đã ngồi dậy được để mặc cái áo mệnh phụ tứ thân, giống như áo Bà Chúa Nhất mặc năm xưa, và chụp ảnh lưu lại cho con cháu. Mệ cười thật tươi và đùa rằng nay Mệ được sắc phong.
    Và khi bài này được đăng lên khuôn in, tôi nhận được tin Mệ Bông, tức Tôn Nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà, nhân chứng cuối cùng của cung vàng điện ngọc Nguyễn Triều đã qua đời ngày 19 tháng 9 năm 2001 (Theo tư liệu của Trịnh Bách).
    Sau khi cưới, vợ chồng Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu sống rất hạnh phúc, đi đâu cũng có nhau. Hàng tuần, Bảo Đại đích thân lái chiếc xe hơi thể thao đưa Nam Phương Hoàng hậu lên núi nghỉ mát, hay tắm biển và câu cá. Cũng có lúc đi săn trong rừng có cả Nam Phương đi cùng.
    Theo hồi ký của ông Phạm Văn Bính, cựu Bí Thư của Bảo Đại trước đây (Sau đó ông Bính ra làm báo) xuất bản trước năm 1975, ông Bính đã viết về những ngày ở bên cạnh Bảo Đại và bà Nam Phương như sau:
    “Những năm đầu Bảo Đại rất quý trọng bà Nam Phương. Hàng tuần đích thân Hoàng đế lái chiếc xe Mercury bỏ mui màu nâu nhạt đưa Nam Phương đi lên khu bạch Mã ở Huế hay vô Nha Trang hoặc lên Đà Lạt thăm phong cảnh hoặc đi săn thú ở Buôn Mê Thuột, Bảo Lộc … Nhưng từ khi Nam Phương Hoàng hậu sanh hạ Hoàng tử Bảo Long thì Hoàng đế hay vắng nhà để đi du hý một mình”.
    Ba năm sau ngày lấy nhau, Nam Phương mới sinh con đầu lòng, lại là con trai nên vua và hoàng hậu cũng như triều đình rất vui mừng vì sẽ có người kế vị sau này.
    1. Hoàng tử Bảo Long:
    Đêm ngày 4 tháng 1 năm 1936, người dân kinh đo Huế nghe thấy tiếng súng đại bác bắn mừng báo tin Nam Phương Hoàng hậu đã hạ sanh hoàng tử. Tiếng súng chào mừng bắn vào ban đêm nên người dân không đếm được bao nhiêu phát. Nhưng đến tờ mờ sáng người dân kinh thành Huế lại nghe thấy tiếng súng thần công bắn lần thứ hai. Họ lắng tai nghe và đếm từng phát một. Bảy phát súng thần công bắn đi đã lay động cả kinh thành Huế, người dân biết ngay là Hoàng Hậu đã hạ sinh Hoàng Nam chứ không phải Hoàng nữ. Vì nếu sanh Hoàng nữ Công chúa thì sẽ có 9 tiếng đại bác. Theo như lệ cổ người ta tin rằng đàn bà có 9 vía còn đàn ông thì có 7 vía.
    Rồi ngày hôm sau những tờ báo trong nước đã loan tin nước nam đã có một hoàng tử để sau này kế nghiệp vua cha. Tiếp theo là những bức điện của Thượng thơ thuộc địa, của Toàn quyền Robin, Khâm sứ Trung, Nam và bắc kỳ gửi vào Huế với lời chào mừng Hoàng hậu hạ sanh mẹ tròn con vuông, và nhất là sanh Hoàng Tử.
    Hoàng tử mới sanh được đặt tên là Nguyễn Phúc Bảo Long (ở ngoài đời người ta vẫn viết và nói là Hoàng Tử Bảo Long). Theo tư liệu của một giáo sư sử học Công giáo cho biết “Bảo Long đã được chịu phép rửa tội (âm thầm) và được đặt tên theo bổn mạng (tên Thánh) là Phillipe. Có lẽ vì lý do chính trị nên người ta đã không công khai việc Bảo Long đã được phép rửa tội nhập Công Giáo, nhất là phải giữ kín không có những người trong hoàng tộc biết việc này, mà chỉ có bà Nam Phương được biết thôi. Vì vậy nên có nhiều người thân cận trong Hoàng tộc không dám khẳng định việc Bảo Long nhập đạo Công Giáo có hay không? Nhưng chúng tôi đã đến hỏi một trong ba sư huynh Lasan là thầy dạy (Thái phó precepteur du prince) Bảo Long, từ 4 tuổi cho tới khi khôn lớn, tại trường D’Adran Đà Lạt, sư huynh dạy Thái tử đã khẳng định sự việc nói trên là đúng” (G.H.C.G.V.N – 19977 – của linh mục Bùi Đức Sinh).
    Về việc Bảo Long được rửa tội giữ kín, nên bà Nam Phương theo hình thức vẫn để bảo Long được giáo dục theo tinh thần Phật giáo, nhưng đã khéo léo không để cho Bảo Long xuất hiện tham dự nhiều trong các lể nghi cổ truyền trong triều theo Phật giáo và Khổng giáo.
    Và bà Nam Phương còn phản đối kịch liệt không chấp nhận để Bảo Long đeo bùa ở cổ tay mà bà Thái hậu từ Cung bắt đeo, vì dù sao bảo Long cũng là đứa cháu nội cưng của bà và Hoàng tộc.
    Chính vì vấn đề trên nên đã gây ra mối bất hòa giữa mẹ chồng và một nàng dâu theo tây học và lại có đạo thiên chúa nhiều đời. Cuộc chiến tuy bề ngoài không ồn ào nhưng bên trong vẫn âm ỉ, vì giữa hai bà: một là bà Thái Hậu, một là bà Hoàng hậu. Vì cả hai bà đều có quyền nhất trong hoàng gia, nên không ai chịu ai. Cũng vì vậy sau này bà Từ Cung mới chấp nhận bà Mộng Điệp làm thứ phi của Bảo Đại, vì bà Mộng Điệp ăn nói khéo lại mộ đạo Phật. Những nghi lễ trong hoàng cung sau này đều do bàn tay bà Mộng Điệp lo cả.
    Theo một vị cận thần của Bảo Đại người Công Giáo là cụ Nguyễn Đệ, nguyên Đổng lý văn phòng của Bảo Đại, và con gái của cụ là nữ tu Nguyễn Thị Nghĩa, dòng kinh sĩ Thánh Augustino (Ở Việt Nam người ta quen gọi là dòng các mẹ trường Couvent des Oiseaux, và các nữ tu được gọi là Mẹ - tu phục là màu trắng toàn thân từ khăn trùm đến áo choàng, trông như con chim câu). Bà Nam Phương, vốn là cựu học sinh Couvent des Oiseaux nên rất mộ đạo. Hàng ngày bà bắt Hoàng tử Bảo Long tối đến phải vào phòng bà để đọc kinh cầu nguyện, và hàng tuần có linh mục tới làm lể riêng cho Nam Phương Hoàng hậu dự lể cùng Hoàng Tử Bảo Long. Vì vậy ngay từ nhỏ Bảo Long đã thuộc kinh bổn đạo Chúa rất thành thạo, và siêng năng đọc kinh cầu nguyện với mẹ.
    Những lúc ở trong nhà, hai mẹ con Nam Phương và Bảo Long nói chuyện với nhau đều dùng tiếng Pháp, vì vậy bà từ Cung cũng chẳng hiểu hai mẹ con nói chuyện gì. Những lúc nói chuyện bằng tiếng Pháp là những lời bà Nam Phương dạy con về luật giữ đạo, về tín điều của Đạo công giáo. Nếu các quan trong triều muốn nói chuyện với bà Nam Phương và Bảo Long cũng phải dùng tiếng Pháp vì bà Nam Phương rất ít dùng tiếng Việt. Bảo Long cũng ít thích dự những nghi lễ Phật Giáo trong triều mà chỉ thích đi dự những nghi lể theo lối Tây phương để Bảo Long còn được nói tiếng Pháp với các quan Tây. Bảo Long là người trầm tĩnh nên cũng ít thích nói chuyện với mọi người, chỉ khi có ai hỏi thì mới trả lời mà thôi.
    Sau năm 1945 vì xảy ra cuộc cách mạng tháng 8, Bảo Đại thoái vị và được Hồ Chủ Tịch của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa mời ra Hà Nội làm cố vấn nên bà Nam Phương cùng các con ở lại Huế. Rồi cuộc chiến tranh Việt – Pháp xảy ra, tới năm 1947 bà Nam Phương đưa các con sang Pháp tránh chiến tranh.
    Khi đến Pháp, bà Nam Phương đã cho Bảo Long học ở College des Roches tại Maslacq, thành phố Paul. Đây là một trong hai trường nổi tiếng ở Pháp, nơi đã đào tạo những nhân tài sau này.
    Tại đất Pháp, bảo Long cũng đã tới tuổi trưởng thành nên cũng ham ăn chơi, lại sẵn gia đình bà Nam Phương giàu có do ông bà Lê Phát An tài trợ những số tiền rất lớn nên Bảo Long đã đòi thân mẫu phải sắm cho một chiếc xe hơi thể thao đời mới hiêuJaguar XK 120.
    Năm 1950 Bảo Long đúng 14 tuổi đang ở với gia đình ở thành phố Cannes thì tờ báo L’Aurore đã đăng tin ngày 2 – 3 – 1950 có một tổ chức bí mật đã âm thầm bắt cóc thái tử Bảo Long, con trai trưởng của quốc trưởng Bảo Đại. Vụ bắt cóc xảy ra tại Thành phố Paul (Pháp. Nhưng nhà chức trách địa phương này đã kịp thời can thiệp nên Bảo Long đã thoát nạn. Sau đó mỗi khi Bảo Long ra khỏi nhà là có một toán an ninh Pháp bảo vệ với đoàn xe hộ tống chặt chẽ. Những giờ đi học, Bảo Long không sử dụng chiếc xe hơi thường ngày mà phải thay đổi xe luôn luôn để tránh bọn bắt cóc mai phục.
    Sau khi tốt nghiệp trung học tại Paul thì Bảo Long được nhập học Lycee Condoreet, khoa Science – Politique (Khoa học chính trị và Luật). Trường này cũng là trường mà thân phụ khi sang Pháp học “nghề làm vua”. Người Pháp cũng có ý đồ đào tạo để Bảo Long sau này trở nên một ông vua Tây học như thân phụ, và cũng theo đường lối của nước Pháp. Nghĩa là mẫu quốc Pháp muốn duy trì cái chế độ thực dân tại Việt Nam lâu dài để đè đầu cởi cổ dân Việt.
    Đang khi theo học thì Bảo Long được lệnh nhập ngũ quân đội Pháp, vì Bảo Long mang quốc tịch Pháp như thân mẫu (Có nhiều người đã nói, chính Bảo Đại cũng có quốc tịch Pháp – nhưng vì vấn đề chính trị nên không được công khai nói ra – cũng vì vậy nên sau này Bảo Đại lấy bà đầm Baudot thì Bảo Đại chính thức tuyên bố gia nhập Công Giáo và mang tên quốc tịch Pháp là Jean Robert).
    Năm 1953, Bảo Long được phong là Hoàng Thái Tử Bảo Long để sửa soạn kế vị khi vua cha tạ thế. Sau đó, nhân dịp Elisabeth được phong nữ hoàng Anh quốc, Bảo Đại đã cử Hoàng thái tử Bảo Long sang Luân đôn dự lễ đăng quang nữ hoàng Anh Elisabeth II ngày 2 – 6 – 1953. năm nay Bảo Long đã 17 tuổi.
    Năm Bảo Long 18 tuổi đã có lần ngỏ lời với thân phụ và thân mẫu là muốn gia nhập trường Võ bị Đà Lạt của người Việt Nam tại Việt Nam. Nhưng Bảo Đại không cho và bắt phải nhập ngũ trường võ bị của người Pháp. Tuy vậy bảo Đại cũng cho Bảo Long vận quân phục ngự lâm của Việt Nam và mang hàm đại tá để chụp ảnh in lên con tem phát hành tại Việt Nam vào năm 1953. Sự thật Bảo Long chưa là sĩ quan Ngự Lâm Quân bao giờ, mà chỉ bận quân phục có một giờ chụp ảnh để cho oai thôi.
    Đến tháng 10 – 1954, Bảo Long mới chính thức nhập ngũ trường võ bị Saint Cyr ở Coetquidan (Pháp). Bảo Long theo học tại trường võ bị của Pháp, nhưng với tư cách là sinh viên của quân đội Việt Nam nên sau khóa học mãn khóa có thể tự chọn đơn vị mà không phải gửi ra mặt trận chiến đấu. Bảo Long những ngày học ở quân trường vì thích môn cưỡi ngựa nên khi mãn khóa Bảo Long học tiếp khóa tu nghiệp về ngành thiết kỵ của trường Saumur.
    Theo những tư liệu và người thân kể lại: Những ngày còn học ở quân trường, Bảo Long tỏ ra rất buồn và chán đời. Bảo Long rất ít trò chuyện với những sinh viên đồng khóa. Rồi khi mãn khóa, đã lặng lẽ xin tình nguyện gia nhập binh đoàn Lê dương ngành thiết kỵ để sang chiến đấu ở Algerie, nơi đang diễn ra cuộc chiến sôi động năm đó. Tại chiến trường Algerie khi đó, bảo Long đã chỉ huy một chiến xa trinh sát trong đoàn EBR (Engins Blindes raconnaissance) và có hai tấm huân chương lục lạc được Pháp trao tặng. ở quân ngũ gần 10 năm tới khi bị thương thì bảo Long được giải ngũ, nhưng Bảo Long vẫn ngõ ý muốn ở lại quân ngũ để được ra mặt trận, có chết cũng chẳng ân hận gì, vì Bảo Long có một ẩn ức gì trong lòng mà những người trong gia đình cũng không hiểu nổi.
    Sau năm 1954, bảo Đại trao quyền cho Ngô Đình Diệm về làm Thủ Tướng và có ý định để sau đó sẽ cho Bảo Long về nắm ghế Quốc trưởng do Bảo Đại tuyên bố nhường ngôi. Nhưng ý định chưa thành thì Ngô Đình Diệm đã cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý phế bảo Đại khỏi ngôi Quốc trưởng để anh em nhà họ Ngô năm toàn quyền và suy tôn Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống miền Nam từ năm 1956 đến 1963, sau đó bị nhóm tướng tá người Việt làm tay sai cho ngoại bang được Mỹ cho đô la và hứa hẹn chức vụ để đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm rồi hạ sát ba anh em nhà họ Ngô (1 – 11 – 1963).
    Còn Bảo Long khi biết thân phụ đã bị truất phế thì xin vào làm ở một ngân hàng. Bảo Long cũng giống thân phụ chỉ mê gái, nhưng cái số Bảo Long lại không được hưởng thụ gái đẹp như thân phụ mà lại lấy phải một gái góa người Pháp, không có gì là đẹp đẽ cho lắm. Bà này có một đời chồng rồi nên khi lấy bảo Long cũng chẳng có thêm đứa con nào cho Bảo Long. Theo một người thân trong hoàng tộc ở Pháp về thăm gia đình đã cho chúng tôi biết: Bảo Long đã lấy một bà Đầm tên Isabel Ebey, bà này đã có 2 con, là gái nạ dòng, làm nghề trang trí nội thất ở Paris
    Những năm sau này vì Hoàng tử bảo Long ăn chơi quá đà nên nên ông phải nghĩ đến việc phân chia gia tài giữa thân phụ (Bảo Đại) và ông lấy tư cách là con trưởng nên được quyền thừa kế những báu vật của cha để lại. Hơn nữa, sau này vì Bảo Đại chính thức kết hôn với một cô đầm nên bảo Long sợ những báu vật của triều Nguyễn lọt vào tay người ngoại quốc.
    Những ngày Bảo Long còn ở chung với thân mẫu thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng từ khi ông bảo Đại chính thức ở với bà M.Baudot thì trong gia đình đã xảy việc rối rắm. Nào các con ông phản đối cha lấy vợ kế, rồi những báu vật như thanh kiếm, quốc ấn … mạnh ai người đó giữ. Khi Bảo Đại in cuốn “Con rồng An Nam” gọi điện thoại đến Bảo Long cho ông mượn chiếc ấn để ông in lên trang bìa và trong sách, nhưng Bảo Long nhất quyết không đưa cho mượn. Vì vậy, quan hệ giữa Bảo Long với thân phụ cũng tet nhạt từ đó, không ai liên lạc với ai nữa. Mạnh ai người đó sống và Bảo Long cũng chẳng mấy khi gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe thân phụ.
    Sau đó ít lâu, các báo tại Paris đưa tin: Tại địa chỉ nhà Binche ở đường Boetie thuộc quận 8 Paris, Bảo Long có bán đấu giá 306 món cổ vật do thân mẫu để lại (sau khi bà Nam Phương tạ thế). Những cổ vật này gồm có nào là thẻ bài, vương miện, kim khánh, ngân tiền rồi các vòng ngọc, bạc rồi các bình men sứ. Các bức ảnh, tranh của các nhíp ảnh gia, họa sĩ tên tuổi trong và ngoài nước chụp, vẽ hoàng gia từ những ngày Bảo Đại mới sinh, lên ngôi … Những bức tranh đáng giá và quý hiếm như tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ … là những bức tranh không thể có bức thứ hai. Trong những cổ vật, có cuốn cổ thư đáng quý nhất là cuốn “Cathechismus” của linh mục Alexandre de Rhedes in cách đây mấy thế kỷ, được một người ngoại quốc tặng cho vua Khải Định làm kỷ niệm. Rồi đến bức tượng gỗ hình một người Việt Nam có tựa là “Người đàn ông đeo sắc và chóng dù”. Nhưng không rõ bức tượng này do ai tạc?
    Một bức ảnh đáng quý nữa là bức chụp Hoàng hậu Nam Phương với hoàng tử Bảo Long do nhà Ora chụp. Bức này chỉ bán với giá bèo là 600 quan Pháp (Nếu tính tiền Việt Nam chỉ có gần 1tr đồng). Bức tranh sơn dầu của các họa sĩ tên tuổi như Mai Trung Thứ vẽ một người phụ nữ ngồi. Rồi một bức tượng Chàm có từ thế kỷ 12 là tượng Bodhisattva. Mấy thứ này ucngx bán quá rẻ có hơn trăm ngàn quan Pháp. Cả những món quà mừng đám cưới, mừng sinh nhật của Nam Phương, của bảo Long cũng được đem ra bán tuốt luốt để gom tiền sinh sống cuối đời, vì lúc này Bảo Long cũng đã “Thất thập cổ lai hy” rồi.
    Về cặp kiếm của bảo Đại thì theo bà Mộng Điệp tiết lộ với nhà nghiên cứu Huế ông Nguyễn Đắc Xuân như sau: “Hiện nay hai báu vật (Cặp kiếm và chiếc ấn Nguyễn triều Chi bảo đang nằm trong tay Bảo Long. Nhiều lần cựu hoàng Bảo Đại muốn lấy lại một cái dấu ấn để in vào cuốn “con rồng An Nam (Hồi ký của Bảo Đại, nhưng ông bảo Long vẫn không cho. Có tin đồn Bảo Long đã bán cái kiếm rồi, người ta kể có một người Pháp mua cái kiếm ấy. Người mua cầm cái kiếm đứng giữa, bắt hai vợ chồng Bảo Long đứng hai bên chụp ảnh. Còn cái ấn nghe nói Bảo Long sẽ bán trong cuộc đấu giá sắp tới”
    Tất cả những bảo vật của Bảo Đại mà Bảo Long có được là do bà Nam Phương gìn giữ. Nay bà Nam Phương tạ thế và bảo Long có quyền thừa kế nên muốn làm gì thì làm. Và theo liệt kê trong cuốn “Art du VietNam”, Colletion de S.A.I.Le prince Bao Long, Binoche 22, Novembre 1955, có rất nhiều bảo vật quý giá của Hoàng gia mà gia đình Bảo Đại mang ra nước ngoài. Nếu bây giờ nhà nước ta mua lại những báu vật trên để mang về trưng bày trong Viện bảo tàng Việt Nam thì quý giá biết mấy. Dù những bảo vật trên là của thời quân chủ phong kiến, nhưng đó là những cổ vật của triều Nguyễn một thời trị vì nước Việt.
    2. Công chúa Phương Mai:
    Sanh hoàng tử Bảo Long được 1 năm thì năm sau ngày 1 – 8 – 1937 Bảo Đại – Nam Phương sanh người con thứ nhì là Phương Mai. Công chúa Phương Mai đã lấy một người chồng Pháp gốc Do Thái, và đã sanh được một đứa con có tên là Benjamin Phương. Nhưng người chồng Do Thái này đã chia tay với Phương Mai vì không moi được của “hồi môn” của gia đình vợ. Chắc tại cái anh chàng Do Thái này nghĩ rằng lấy con của cựu hoàng lắm của nhiều tiền nên mới lao đầu vào lấy. Nhưng không ngờ Cựu hoàng cũng rách “bao tử” phải sống nhờ bạn bè.
    Theo tư liệu của ông Nguyễn Đắc Xuân, thì Phương Mai đã lấy anh tài xế lái máy bay của Bảo Đại, sau đó anh phi công này đã để lại một giọt máu rơi cho Phương Mai nuôi. Phương Mai lại đi bước nữa lấy một người trong hoàng tộc Ý. Nhưng cái số Phương Mai lận đận trong việc chồng con, nhưng chỉ ít lâu sau người chồng thứ nhì này lại tạ thế và cũng để lại cho PHương Mai mấy người con. Hiện nay Phương Mai là một quả phụ nuôi mấy người con không cha. Kể cũng tội một cô công chúa hết thời và hết tình!
    3. Công chúa Phương Liên:
    Cũng một năm sau, ngày 3 – 11 – 1938, nam Phương lại hạ sinh một cô công chúa và đặt tên là Phương Liên. Công chúa Phương Liên kết hôn với một người Pháp tên Bernard Soulain làm ở ngân hàng và đồng lương khá giả nên hai vợ chồng Phương Liên cũng gửi tiền về biếu thân phụ (Bảo Đại). Hai vợ chồng Phương Liên làm việc ở tận Hồng Kông nên cũng ít có dịp về thăm thân phụ và thân mẫu ở Pháp.
    4. Công chúa Phương Dung:
    Đến 5 năm sau, 5 – 12 – 1942 Nam Phương mới sanh thêm một công chúa và đặt tên là Phương Dung. Công chúa Phương Dung làm nghề giữ trẻ ở Paris với đồng lương chẳng có thể dư dã được nên đã không thể trợ giúp thân phụ. Không rõ chồng con của Công chúa ra sao?
    5. Hoàng tử Bảo Thắng:
    Một năm sau, 9 – 12 – 1943, nam Phương sanh thêm một Hoảng tử đặt tên bảo Thắng. Bảo Thắng ngay từ nhỏ đã có thân hình to béo, lớn lên càng ngày càng béo phì nên ông không lấy vợ mà chỉ thích chơi nhạc và vẽ tranh. Hiện Bảo Thắng sống ở Paris.
    Nỗi lo của Nam Phương hoàng hậu sau Cách mạng Tháng 8 – 1945
    Nam Phương là một phụ nữ, từ khi lọt lòng mẹ đến khi đi học rồi lấy chồng làm vua, lên ngôi Hoàng hậu đều được sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ. nên khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, toàn dân đứng lên lật đổ ngai vàng, lật đổ chế độ phong kiến và kháng chiến chống Pháp để dành độc lập tự do thì bà Nam Phương rất lo sợ. Khi nghe tin phái đoàn Chính phủ Lâm thời Việt Nam vào Huế để yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và phải nộp ấn kiếm cho Cách Mạng thì bà Nam Phương lại càng lo sợ hơn nữa.
    Đến 2 giờ chiều ngày 26 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại đã loan báo việc đồng ý thoái vị và trao ấn kiếm cho phái đoàn Chính phủ tới tiếp nhận. Bảo Đại triệu tập các quan trong triều đúng giờ trên phải có mặt ở Thế Miếu, nơi thờ tiên đế nhà Nguyễn để vua báo cáo trước tổ tiên. Nhưng tới giờ phút chót các quan văn võ đều lẫn tránh, chỉ có 4 người tới dự.
    Khi lễ báo cáo yết Liệt Thánh tất, thì quan văn võ mới lục đục kéo nhau vào điện Kiến Trung để làm lễ bái biệt vua và hoàng hậu. Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đều đứng, còn các quan văn võ đều xếp hàng ngang và chấp tay cúi đầu vái ba vái. Lúc đó, Bảo Đại mặt lạnh như tiền, còn bà Nam Phương thì tỏ vẻ buồn, hai hàng nước mắt nhỏ từng giọt xuống gò má. Lễ xong mọi người ra về, không ai nói với nhau đều gì, chỉ cúi đầu im lặng lủi thủi đi.
    Đến sáng ngày 27 – 8, ông Phạm Khắc Hòe vẫn đến văn phòng làm việc như thương lệ. Nhưng độ mươi phút sau thì có người thị vệ của bà Nam Phương khệ nệ bê cái khay có phủ tấm vải vàng và để chiếc mũ Cửu Phượng của bà trên đó, chiếc mũ này có đính 9 con Phượng bằng vàng ròng. Chiếc khay đặt trước mặt ông Phạm Khắc Hòe và người thị vệ thưa:
    -Dạ bẩm, Ngài Hoàng ban đưa mũ Cửu Phượng “trả” lại cho cụ.
    Ông Hòe ngơ ngác hỏi:
    -Sao lại “Trả” cho tôi, ông đưa về tâu với Ngài rằng tôi không dám nhận và xin phép Ngài cho tôi qua chầu để nói rõ lý do.
    Độ hai mươi phút sau, bà Nam Phương tiếp ông Hòe ở điện Kiến Trung. Và bà hỏi:
    -Tại sao tôi cho người đưa cái mũ Cửu Phượng qua trả mà ông lại không nhận?
    Ông Hòe thưa lại:
    -Tâu, chúng tôi không dám nhận, vì đó không phải là của ngự tiền văn phòng, và hơn nữa cũng không phải là của riêng chúng tôi. Theo thiển ý chúng tôi, thì từ nay, trừ những cái thật sự là của riêng Ngài, của Hoàng đế, của Đức Từ và các quan chức nhân viên thường trú trong đại nội, tất cả mọi thứ trong hoàng thành này từ cung điện, nhà cửa, ngọc ngà, châu báu, kiệu, xe, tán, lọng, áo xiêm, hài cho đến bàn ghế, giường tủ, hồ sơ, sách báo, dụng cụ văn phòng, dụng cụ nhà bếp … đều là của chính quyền nhân dân, phải được kiểm kê đối chiếu sổ sách và bàn giao lại đầy đủ cho các nhà chức trách mới … Vậy, cho nên đối với tất cả những tài sản, những vật dụng ở điện Kiến Trung mà không phải của riêng Hoàng gia, xin đề nghị Ngài ra lệnh cho người chầu hầu phải xếp đặt lại mọi thứ đúng theo chỗ của nó, chớ không nên mang đi nới khác, lỡ ra mất phải truy cứu trách nhiệm thì phiền lắm.
    Cuộc nói chuyện giữa bà Nam Phương với ông Phạm Khắc Hòe đang diễn ra thì Bảo Đại ở trong đi ra. Nhìn thấy Bảo Đại xuất hiện ông Hòe vội đứng dậy, nhưng Bảo Đại vẫy tay bảo ông Hòe cứ ngồi, rồi Bảo Đại cùng ngồi bên cạnh bà Nam Phương, bảo bà cứ tiếp tục câu chuyện. Bà Nam Phương nhìn ông Hòa và nói:
    -Qua những lời ông nói, tôi càng thêm trách ông.
    Ông Hòe thưa:
    -Tâu, chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách, thì xin Ngài cho biết rõ để chúng tôi nhận lỗi.
    Bà Nam Phương thong thả và chậm rãi nói:
    -Tôi muốn nói rằng, ông là người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu. Điều này, tối hậu thư ngày 23 – 8 của Việt Minh đã thể hiện khá rõ. Hôm nay, qua cách ông sắp xếp và bàn giao tài sản cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ấy thế mà ông không hề nói cho tôi biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy …
    Nhưng ông Hòe nói:
    -Tâu, nếu chúng tôi quả thật là “người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu” thì đó là một vinh dự cho chúng tôi. Chúng tôi không can chi mà phải chối. Nhưng sự thật chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh, chúng tôi chỉ làm việc theo mong muốn của Tổ Quốc, theo sự thúc dục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mà chúng tôi đã tích cực vận động Hoàng đế thoái vị và chúng tôi vô cùng sung sướng khi ngài chấp nhận lời khuyên của chúng tôi. Theo lương tâm của chúng tôi thì cuộc vẫn động kéo dài gần hai tuần lễ là cả một quá trình báo cho hoàng gia biết trước những gì sẽ xảy ra để hoàng gia khỏi bị bất ngờ, tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy. Nếu chúng tôi cứ để cho hoàng đế ngã theo những người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Duy Quang … thì chắc chắn chúng tôi đã chẳng có hạnh phúc được ngồi hầu chuyện với hai Ngài một cách thân mật và thẳng thắn như ngày hôm nay.
    Vợ chồng Bảo Đại, Nam Phương nghe ong Hòe nói như trên thì ngồi im và tỏ vẻ cảm động cùng nhìn nhau. Sau đó, bà Nam Phương quay sang nhìn ông Hòe và nói “Câu chuyện hôm nay đã làm cho tôi hiểu và quý ông hơn. Để tỏ mối thiện cảm ấy, tôi có một vật kỷ niệm nhỏ tặng ông”. Sau đó, bà Nam Phương trao cho ông Hòe một chiếc cặp da bóng loáng, và còn liếc nhìn Bảo Đại. Thấy bà vợ có hành động như vậy, Bảo Đại vội đứng dậy đi vào trong nhà và mấy mấy phút sau trở ra nói: “Tôi cũng tặng ông một chút kỷ niệm nhỏ” rồi trao cho ông Hòe một bộ nút áo chẽn bằng đá xanh có núm bịt vàng
    Ông Hòe cảm động, cảm ơn Bảo Đại và Nam Phương rồi cáo từ ra về.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Re: Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 12:14 am

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang

    Chương 4





    Nam Phương là một phụ nữ, từ khi lọt lòng mẹ đến khi đi học rồi lấy chồng làm vua, lên ngôi Hoàng hậu đều được sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ. nên khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, toàn dân đứng lên lật đổ ngai vàng, lật đổ chế độ phong kiến và kháng chiến chống Pháp để dành độc lập tự do thì bà Nam Phương rất lo sợ. Khi nghe tin phái đoàn Chính phủ Lâm thời Việt Nam vào Huế để yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và phải nộp ấn kiếm cho Cách Mạng thì bà Nam Phương lại càng lo sợ hơn nữa.
    Đến 2 giờ chiều ngày 26 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại đã loan báo việc đồng ý thoái vị và trao ấn kiếm cho phái đoàn Chính phủ tới tiếp nhận. Bảo Đại triệu tập các quan trong triều đúng giờ trên phải có mặt ở Thế Miếu, nơi thờ tiên đế nhà Nguyễn để vua báo cáo trước tổ tiên. Nhưng tới giờ phút chót các quan văn võ đều lẫn tránh, chỉ có 4 người tới dự.
    Khi lễ báo cáo yết Liệt Thánh tất, thì quan văn võ mới lục đục kéo nhau vào điện Kiến Trung để làm lễ bái biệt vua và hoàng hậu. Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đều đứng, còn các quan văn võ đều xếp hàng ngang và chấp tay cúi đầu vái ba vái. Lúc đó, Bảo Đại mặt lạnh như tiền, còn bà Nam Phương thì tỏ vẻ buồn, hai hàng nước mắt nhỏ từng giọt xuống gò má. Lễ xong mọi người ra về, không ai nói với nhau đều gì, chỉ cúi đầu im lặng lủi thủi đi.
    Đến sáng ngày 27 – 8, ông Phạm Khắc Hòe vẫn đến văn phòng làm việc như thương lệ. Nhưng độ mươi phút sau thì có người thị vệ của bà Nam Phương khệ nệ bê cái khay có phủ tấm vải vàng và để chiếc mũ Cửu Phượng của bà trên đó, chiếc mũ này có đính 9 con Phượng bằng vàng ròng. Chiếc khay đặt trước mặt ông Phạm Khắc Hòe và người thị vệ thưa:
    -Dạ bẩm, Ngài Hoàng ban đưa mũ Cửu Phượng “trả” lại cho cụ.
    Ông Hòe ngơ ngác hỏi:
    -Sao lại “Trả” cho tôi, ông đưa về tâu với Ngài rằng tôi không dám nhận và xin phép Ngài cho tôi qua chầu để nói rõ lý do.
    Độ hai mươi phút sau, bà Nam Phương tiếp ông Hòe ở điện Kiến Trung. Và bà hỏi:
    -Tại sao tôi cho người đưa cái mũ Cửu Phượng qua trả mà ông lại không nhận?
    Ông Hòe thưa lại:
    -Tâu, chúng tôi không dám nhận, vì đó không phải là của ngự tiền văn phòng, và hơn nữa cũng không phải là của riêng chúng tôi. Theo thiển ý chúng tôi, thì từ nay, trừ những cái thật sự là của riêng Ngài, của Hoàng đế, của Đức Từ và các quan chức nhân viên thường trú trong đại nội, tất cả mọi thứ trong hoàng thành này từ cung điện, nhà cửa, ngọc ngà, châu báu, kiệu, xe, tán, lọng, áo xiêm, hài cho đến bàn ghế, giường tủ, hồ sơ, sách báo, dụng cụ văn phòng, dụng cụ nhà bếp … đều là của chính quyền nhân dân, phải được kiểm kê đối chiếu sổ sách và bàn giao lại đầy đủ cho các nhà chức trách mới … Vậy, cho nên đối với tất cả những tài sản, những vật dụng ở điện Kiến Trung mà không phải của riêng Hoàng gia, xin đề nghị Ngài ra lệnh cho người chầu hầu phải xếp đặt lại mọi thứ đúng theo chỗ của nó, chớ không nên mang đi nới khác, lỡ ra mất phải truy cứu trách nhiệm thì phiền lắm.
    Cuộc nói chuyện giữa bà Nam Phương với ông Phạm Khắc Hòe đang diễn ra thì Bảo Đại ở trong đi ra. Nhìn thấy Bảo Đại xuất hiện ông Hòe vội đứng dậy, nhưng Bảo Đại vẫy tay bảo ông Hòe cứ ngồi, rồi Bảo Đại cùng ngồi bên cạnh bà Nam Phương, bảo bà cứ tiếp tục câu chuyện. Bà Nam Phương nhìn ông Hòa và nói:
    -Qua những lời ông nói, tôi càng thêm trách ông.
    Ông Hòe thưa:
    -Tâu, chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách, thì xin Ngài cho biết rõ để chúng tôi nhận lỗi.
    Bà Nam Phương thong thả và chậm rãi nói:
    -Tôi muốn nói rằng, ông là người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu. Điều này, tối hậu thư ngày 23 – 8 của Việt Minh đã thể hiện khá rõ. Hôm nay, qua cách ông sắp xếp và bàn giao tài sản cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ấy thế mà ông không hề nói cho tôi biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy …
    Nhưng ông Hòe nói:
    -Tâu, nếu chúng tôi quả thật là “người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu” thì đó là một vinh dự cho chúng tôi. Chúng tôi không can chi mà phải chối. Nhưng sự thật chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh, chúng tôi chỉ làm việc theo mong muốn của Tổ Quốc, theo sự thúc dục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mà chúng tôi đã tích cực vận động Hoàng đế thoái vị và chúng tôi vô cùng sung sướng khi ngài chấp nhận lời khuyên của chúng tôi. Theo lương tâm của chúng tôi thì cuộc vẫn động kéo dài gần hai tuần lễ là cả một quá trình báo cho hoàng gia biết trước những gì sẽ xảy ra để hoàng gia khỏi bị bất ngờ, tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy. Nếu chúng tôi cứ để cho hoàng đế ngã theo những người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Duy Quang … thì chắc chắn chúng tôi đã chẳng có hạnh phúc được ngồi hầu chuyện với hai Ngài một cách thân mật và thẳng thắn như ngày hôm nay.
    Vợ chồng Bảo Đại, Nam Phương nghe ong Hòe nói như trên thì ngồi im và tỏ vẻ cảm động cùng nhìn nhau. Sau đó, bà Nam Phương quay sang nhìn ông Hòe và nói “Câu chuyện hôm nay đã làm cho tôi hiểu và quý ông hơn. Để tỏ mối thiện cảm ấy, tôi có một vật kỷ niệm nhỏ tặng ông”. Sau đó, bà Nam Phương trao cho ông Hòe một chiếc cặp da bóng loáng, và còn liếc nhìn Bảo Đại. Thấy bà vợ có hành động như vậy, Bảo Đại vội đứng dậy đi vào trong nhà và mấy mấy phút sau trở ra nói: “Tôi cũng tặng ông một chút kỷ niệm nhỏ” rồi trao cho ông Hòe một bộ nút áo chẽn bằng đá xanh có núm bịt vàn.g
    Ông Hòe cảm động, cảm ơn Bảo Đại và Nam Phương rồi cáo từ ra về.
    Theo tư liệu của nhà báo, nhà văn Trần Thanh Địch, phóng viên của báo Quyết Tiến – một tờ báo của Cách mạng xuất bản trong những đầu Cách mạng tháng Tám 1945 tại Huế, mà trong Kiến Thức Ngày Nay số 142 đã thuật lại, cùng tài liệu của Daniel Grandclement trong cuốn “Bảo Đại ou les derniers jours de L’Empire D’ Annam” đã viết như sau:
    Khi Vĩnh Thụy đã được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội để làm Cố vấn Tối cao cho Chánh phủ Lâm thời Việt Nam, thì bà Nam Phương, người vợ của Bảo Đại ở lại Huế với các con. Để dân chúng khỏi dị nghị về việc Bảo Đại ra Hà Nội, còn bà Nam Phương và các con ở lại Huế ra sao, nên ông Lê Chưởng, là chủ nhiệm báo Quyết Tiến đã ký giấy giới thiệu cho hai nhà thơ, nhà báo Chế Lan Viên và Trần Thanh Địch đến cung An Định để gặp bà Nam Phương xin phỏng vấn.
    Nhà thơ Chế Lan Viên và ông Trần Thanh Địch vì không báo cho bà Nam Phương biết trước, nên khi hai ông đến cung An Định thì thấy một cậu bé con là Hoàng tử Bảo Long đang ngồi câu cá bên hồ. Cái cần câu mà Bảo Long dùng là chiếc ba-toong của Bảo Đại. Khi hai ông Chế Lan Viên và Trần Thanh Địch hỏi thăm xin gặp bà Nam Phương thì Bảo Long chỉ vào nhà.
    Vào trong nhà, có ông Nguyễn Duy Quang ra tiếp tại phòng khách của cung An Định. Khi hai nhà báo đưa giấy giới thiệu ra để xin được gặp bà Nam Phương xin phỏng vấn, sau ít phút ông Quang trả lời là bà Nam Phương đang bận trong phòng tắm, và xin nhà báo để lại những câu phỏng vấn để bà Nam Phương sẽ trả lời và hẹn ngày hôm sau vì bữa nay bà Nam Phương đang bận.
    Hai ông Chế Lan Viên và Trần Thanh Địch ngồi bàn với nhau về những câu hỏi để viết ra giấy gửi lại. Đại ý mấy câu sau đây:
    - Bà có hay nhận được thư ông Cố vấn ở Hà Nội gửi về không?
    - Sức khỏe của ông Cố vấn có được bình thường không?
    - Còn riêng bà Cố vấn đối với việc “Ông được mời ra cộng tác tại Hà Nội cùng với nhiều vị khác trong Chính phủ”, bà thấy thế nào?
    - Đất nước nay đã đã được độc lập rồi, vai trò người phụ nữ rất quan trọng, bà Cố vấn có ý kiến gì về vấn đề này?
    - Những dự định của bà với công việc tham gia công tác xã hội?
    Y hẹn, hôm sau hai ông Chế Lan Viên và Trần Thanh Địch trở lại cung An Định, và hai ông đã được ông Nguyễn Duy Quang ra tiếp đón mời vào phòng khách.
    Phòng khách được trang hoàng rất nguy nga, ghế bàn được trang trí cổ điển theo kiểu Pháp.
    Ông Nguyễn Duy Quang mời hai nhà báo uống nước và cho biết bà Nam Phương sẽ ra tiếp hai ông ngay. Nói xong, ông Quang rút lui khỏi phòng khách vì đã nhìn thấy bà Nam Phương từ trong nhà nhẹ nhàng đi ra.
    Hai nhà báo thấy bà Nam Phương đi ra thì vội đứng lên chào và sửa soạn đưa tay ra để bắt tay bà Nam Phương. Nhưng không ngờ, bà Nam Phương lại đứng thẳng người, bàn tay phải bà Nam Phương nắm lại như một quả đấm và đưa lên mang tai: “Chào nghiêm”. Đây là kiểu chào của cán bộ và đồng chí trong những ngày đầu Cách mạng chào nhau. Hai nhà báo đã không ngờ lời chào đó đã thâm nhập vào tận cung điện hoàng gia. Do bị bất ngờ nên hai nhà báo cũng phải đáp lễ bằng cách giơ nắm tay lên chào lại. Rồi bà Nam Phương mời hai nhà báo ngồi xuống ghế và dùng nước.
    Bà Nam Phương khẽ hé một nụ cười, trên tay bà Nam Phương cầm tờ giấy có ghi mấy câu hỏi mà hôm trước bà nhận được do hai nhà báo viết và ông Quang trình lại. Bà Nam Phương không để mất thì giờ lâu, và bà đã trả lời ngay.
    Từ hôm Người (tức ông Vĩnh Thụy) được Cụ Hồ kêu ra miền Bắc làm việc, thỉnh thoảng Người cũng có biên thư vô thăm đầy đủ. Sức khỏe của Người vẫn được an khang. Người luôn luôn ca ngợi Cụ Hồ: Tuy Cụ già nhưng còn mạnh giỏi lắm. Có bữa công việc nhiều phải về trễ giờ, Cụ biểu anh em dọn cơm ra, cơm canh không còn nóng nữa, nhưng Cụ vẫn ăn uống tự nhiên, thiệt là bình dân… Còn về nhiệm vụ phuy ni (phụ nữ), trong khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập, tui cũng thấy rằng giới phuy ni (tiếng Nam lai Huế nên bà Nam Phương đọc phụ nữ thành phuy ni) cũng phải đảm đang công tác xã hội. Không công việc này thì công việc khác, tùy sức tùy tài mà tham gia…
    Nghe đến đây nhà báo họ Chế vội đưa tay ra có ý ngắt lời và nói:
    - Thưa bà Cố vấn…!
    Nhưng bà Nam Phương giơ tay như có ý bảo: “Để cho tui nói dứt đã”, và bà nói tiếp:
    - Ngày nay nước nhà độc lập rồi, tất cả chị em phuy ni khắp ba Kỳ đều có bổn phận chung vai gánh vác tùy sự phân công của Nhà nước mình. Tui cũng đang sẵn sàng chờ đợi. Mỗi khi biên thư ra ông Cố vấn, tui đều có kể đến chuyện này. Do vậy mà Người rất vui vẻ phấn khởi…
    Ông Trần Thanh Địch định hỏi thêm về Hoàng tử Bảo Long và Công chúa Phương Mai hiện nay ra sao nhưng bà Nam Phương vẫn tiếp tục câu trả lời dang dở:
    - Vừa rồi tui cũng đang viết dở dang cái thư cho Ngài Cố vấn, báo cáo tình hình gia đình hiện nay trong này vẫn được an khang. Tiện đây cũng xin cám ơn hai ông nhà báo Quyết Tiến đã có nhã ý đến phỏng vấn tui hôm nay.
    Nói xong, bà Nam Phương đứng dậy rời khỏi ghế như cử chi chấm dứt cuộc hỏi chuyện. Hai nhà báo Chế Lan Viên và Trần Thanh Địch cũng chưa kịp hỏi câu gì thêm thì bà Nam Phương đã đứng dậy tiễn đưa hai nhà báo ra về. Lần này bà Nam Phương không đưa tay lên chào như lúc đầu mới gặp, mà bà đưa tay ra bắt với một nụ cười thân thiện…
    Hưởng ứng “Tuần lễ vàng”
    Ông Vĩnh Thụy đã ra Hà Nội gần một tháng, được Cụ Hồ giao cho chức Cố vấn Chánh phủ. Ở Huế, bà Nam Phương cũng được tin tức hàng ngày về ông Vĩnh Thụy ở Hà Nội rất thoải mái, chánh phủ đã lo đầy đủ chổ ở và việc ăn uống cho Cố vấn. Cụ Hồ cũng gặp ông Vĩnh Thụy nhiều lần để bàn bạc việc nước. Ở Huế tình hình chính trinh cũng sôi sục, hàng ngày có những cuộc biểu tình của nhân dân Huế hoan hô Cách mạng và hô hào toàn dân đứng lên giành độc lập. Cuộc Cách mạng phôi thai cần nhiều thứ, tiền bạc để mua súng đạn và trả lương cho nhân viên Chính phủ. Một “Tuần lễ vàng” được tổ chức tại Huế.
    Ông Trần Hữu Dực được chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam cử vào Huế để lo tổ chức đoàn thể ủng hộ Cách mạng và lo tổ chức bộ máy chính quyền Cách mạng tại Trung bộ. “Tuần lễ vàng” được tổ chức và kêu gọi mọi người dân đóng góp của cải như vàng bạc và quý kim. Nghe lời hô hào của Chánh phủ, nhân dân Huế tự động kẻ ít người nhiều, mọi người tự động đóng góp để chánh quyền mua súng đạn chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ. Tờ Quyết Tiến thời đó đã viết là: “Một phân vàng là một cây súng tối tân, một ly vàng là một viên đạn lớn”. Và ngay khi “Tuần lễ vàng” khai mạc thì bà Nam Phương là người tới trước nhất để ủng hộ.
    Từ khi Bảo Đại thoái vị và trở về làm “Công dân Vĩnh Thụy”, thì bà Nam Phương ăn mặc rất giản dị. tuy bà ăn mặc giản dị nhưng trông bà vẫn có nét đẹp và sang trọng như trước. Nhưng hôm tới khai mạc “Tuần lễ vàng” thì người ta rất ngạc nhiên tại sao hôm nay bà Nam Phương lại ăn mặc rất trịnh trọng. Quần áo dài với khăn vàng trên đầu, lại đeo chiếc kiềng vàng trên cổ, hai tai cũng đeo bông vàng, và hai cổ tay cũng đeo hai đôi xuyến vàng. Mười đầu ngón tay có mười chiếc nhẫn. Mấy bà mệnh phụ đi theo thấy sự lạ về cách trang sức của bà Nam Phương nên họ khẽ hỏi bà:
    - Bây giờ Cách mạng rồi, Ngài còn ăn diện làm chi rứa?
    Bà Nam Phương im lặng không nói gì.
    “Tuần lễ vàng” khai mạc vào ngày 17 tháng 9 năm 1945 bên bờ phía nam sông Hương. Khi bà Nam Phương vừa tới thì lễ khai mạc bắt đầu. Dược sĩ Phạm Doãn Điềm là Trưởng ban tổ chức “Tuần lễ vàng”, đã mời bà Nam Phương hưởng ứng đầu tiên ủng hộ.
    Bà Nam Phương được hướng dẫn tới một chiếc bàn có trải tấm vải đỏ. Bà dừng lại bên chiếc bàn và từ từ cởi bỏ chiếc kiềng, đôi bông tai, đôi xuyến vàng và mười chiếc nhẫn vàng mà bà đã tháo từ mười ngón tay ra rồi tất cả những thứ quý kim trên bà Nam Phương đặt vào mặt bàn. Người thư ký ngồi ở bản kiểm kê xong và ghi một tờ biên nhận có chữ kỹ của ông dược sĩ Phạm Doãn Điềm trưởng ban tổ chức.
    Lúc này mấy bà mệnh phụ đi theo mới hiểu rõ nguyên nhân tại sao hôm nay bà Nam Phương ăn vận khác thường với những đồ trang sức đầy trên người. Khi bà Nam Phương đã làm xong nhiệm vụ mọi người chứng kiến đều vỗ tay hoan hô bà nhiệt liệt. Bà Nam Phương được gắn một huy hiệu có in hình cờ đỏ sao vàng. Sau đó ông Trần Hữu Dực mời bà Nam Phương làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” tại Huế, từ hôm đó đến ngày 24-9-1945 mới bế mạc. Vì bà Nam Phương đứng chủ tọa nên sau đó nhiều bà mệnh phụ tại Huế đã theo gương bà Nam Phương tới hưởng ứng. Kết quả “Tuần lễ vàng” tại Huế đã nhận được 925 lượng vàng. Người thứ nhì đóng góp nhiều là ông Nguyễn Duy Quang (cựu Ngự tiền văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại trước đó) đã ủng hộ 42 lượng, người thứ ba là ông Ưng Quang 40 lượng.
    Ngoài việc đứng chủ tọa “Tuần lễ vàng”, bà Nam Phương còn kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ quần áo, chăn màn để cho những người nghèo lao động đang thiếu mặc bởi mùa đông gió rét tại miền Trung đang diễn ra. Bà Nam Phương cũng tuyên bố với mấy nhà báo khi phỏng vấn bà như sau: “Tôi rất vui mừng và cảm ơn Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đối đãi rất tử tế với gia đình chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất mau trên con đường cứu nước. Từ trong nội mới dọn sang, nhà cửa xếp đặt chưa xong, hiện nay tôi chưa làm gì được nhiều, song nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc.” (Theo báo Quyết Tiến ngày 18-9-1945).
    Tại Huế không những bà Nam Phương tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” mà bà còn viết một bức thư ngỏ gửi các bạn bè năm châu để báo về độc lập tự do của nước Việt Nam mới giành được độc lập. Và thư ngỏ này, bà Nam Phương gửi cho các bạn bè ở Châu Âu, nó như một thông điệp (Message) để tố cáo sự trở lại của quân đội Pháp tại Nam bộ, làm đổ máu nhân dân Việt Nam. Tờ Thông điệp này được đăng trong cuốn sách mang tựa “Ho-Chi-Minh Abd El-Krim” của Jean Raenaud, và do Guy Boussac xuất bản năm 1949 tại Paris, và mới đây cuốn “BAO DAI ou les denriers jours de l’Empire d’Annam” của tác giả D.Grandclement cũng có in lại. Bản Thông điệp này được viết và gửi đi ngày 18-11-1945, và nguyên văn như sau:
    “Nước Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ… Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa dã thành lập. Chồng tôi, ông Vĩnh Thụy tức cựu Hoàng đế Bảo Đại đã từng tuyên bố: “Vui lòng làm dân một nước tự do hơn làm một vua một nước nô lệ” nên đã đồng ý thoái vị. Tôi cũng đã đồng ý với chồng tôi, nên chồng tôi đã làm Cố vấn trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Riêng tôi. Tôi cũng đã cùng với các chị em phụ nữ giúp nhiều việc trong công việc xã hội ở nước chúng tôi. Chúng tôi chỉ đinh ninh sự phục vụ cho Tổ quốc của chúng tôi. Nhưng từ lâu nay bọn thực dân Pháp được sự che chở của phái bộ Anh đã xâm chiếm đất nước chúng tôi và miền Nam nước Việt Nam hiện giờ, nơi chôn rau cắt rốn của tôi đang bị chìm đắm trong vòng khói lửa.
    Đồng bào chúng tôi trong ấy có cả thân quyến của tôi bị giết, bị hành hạ bởi sự tham tàn của bọn người xâm lược. Những bạn bè của tôi ở nhiều nước châu Âu, các ông các bà đã quen biết tôi, tất cả những người yêu chuộng tự do công lý, các người kêu gọi chính phủ của các người cương quyết can thiệp để ngăn cản bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp ở miền Nam nước Việt Nam là các người đã làm ơn cho dân tộc chúng tôi, làm ơn cho tất cả phụ nữ chúng tôi và cho cả tôi nữa. Các người hãy tin chắc chắn rằng mỗi cảm tình nồng nàn của dân tộc chúng tôi, của riêng tôi đối với các người sẽ nhờ đó mà tồn tại mãi mãi.
    Thay mặt cho mười ba triệu bạn gái của nước Việt Nam, một lần nữa tôi kêu gọi lòng bác ái nhân đạo của các người. Tôi mong mỏi các người không để cho chúng tôi phải thất vọng. ”
    Bà Vĩnh Thụy
    Cựu Hoàng hậu Nam Phương
    Những hành động đáng trọng của Nam Phương hoàng hậu
    Bà Nam Phương Hoàng hậu vốn xuất thân là con cháu một gia đình đạo hạnh gốc miền Nam nên khi về nhà chồng làm dâu nhà Nguyễn, sống trong triều đình lại nhiều lễ nghi, tập tục theo tinh thần Khổng giáo, Phật giáo nhưng bà Nam Phương đã biết hòa nhập với nếp sống mới và những lễ nghi kính trên nhường dưới trong Hoàng Tộc. Với bà Từ Cung, thân mẫu của Bảo Đại, mẹ chồng của Nam Phương, thì luôn luôn bà Nam Phương kính trọng mẹ chồng, với các vị quan triều lớn tuổi thì bà lễ phép, không tỏ dấu kiêu căng là kẻ bề trên. Với con cái thì bà dạy dỗ chúng rất khuôn phép, và giáo dục theo lề giáo Việt Nam. Theo tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân viết thì: “Hoàng hậu Nam Phương được giao phụ trách việc dạy dỗ con cái. Các con bà đều có nơi ăn, nơi ngủ riêng. Hoàng tử Bảo Long, sau khi được phong Hoàng thái tử (1938) được ra học tại lầu Tứ Phương Vô Sự ngay trên thành nhìn ra cửa Hòa Bình phía sau điện Kiến Trung. Hoàng hậu Nam Phương được một cô sẩm (Trung Hoa) giúp chăm sóc các con nhỏ, một phụ nữ người Thụy Sỹ làm khán hộ, một bà giáo người Pháp dạy tiếng Pháp cho các con bà. Từ năm 1942, triều đình đã mời thầy Ưng Quả làm “Đông cung giáo đạo” (thầy giáo của Hoàng Thái tử). Thầy Ưng Quả là cháu nội của Miên Trinh Tuy Lý vương, thầy giáo nổi tiếng giỏi nhất thời bấy giờ. Thầy Ưng Quả dạy chữ Hán và văn minh văn hóa Đông Tây cho các con bà. Mặc dù đã có thầy dạy ngay trong điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương vẫn cho các con gái bà học trường nữ Đồng Khánh để cho các con bà được hòa nhập với cuộc sống đời thường. Nhiều hôm theo xe đi đón con bà bắt gặp các Công chúa bị các bà giáo trường Đồng Khánh phạt quỳ úp mặt vào tường. Bà rất đau lòng nhưng phải ngoảnh mặt đi để tỏ lòng cung kính đối với sự dạy dỗ của các bà giáo.
    Ngoài việc dạy dỗ con cái, lo việc gia đình trong điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương còn phải cùng với bộ Lễ lo lễ tiết, cúng kỵ trong Nội, thăm hỏi sức khỏe của các bà Tiên Cung, Thánh Cung (bà nội của vua Bảo Đại) và bà Từ Cung (mẹ vua). Bà là hình ảnh mẫu mực của một “nàng dâu” hiếu thảo thời bấy giờ”. (Theo Nguyễn Đắc Xuân – viết theo tư liệu của Nguyễn Tiến lãng và Ưng Thuyên).
    Những vua chúa thời xưa, trước thời Bảo Đại, mỗi khi các vua chúa tiếp đón những khách ngoại quốc tới thăm thường ít khi có bà vợ đi theo nên việc tiếp đón cũng dễ dàng, không phải nhờ đến một người phụ nữ. Nhưng từ thời Bảo Đại, tuy là chế độ phong kiến quân chủ, nhưng Bảo Đại đã theo lễ nghi của nước Tây phương là phải có phu nhân đón tiếp các vị lãnh đạo nước bạn tới thăm viếng, vì đa số họ đi đâu đều có vợ chồng cùng đi.
    Những bà vợ của các nước Tây phương người ta thường gọi là Đệ nhất phu nhân, vì là vợ của một Quốc trưởng, một Tổng thống, còn Thủ tướng, vợ không được gọi là Đệ nhất phu nhân mà chỉ gọi là Phu nhân Thủ tướng. Nhưng cũng có trường hợp một ông Quốc trưởng, hay một Tổng thống mà không có vợ để đón tiếp thì cũng hơi khó và phiên toái. Vì vậy, thời chế độ Sài Gòn, Ngô Đình Diệm làm Tổng thống mà lại không có vợ gì nên những khi tiếp đón một quốc khách (Tổng thống, Quốc vương) có Đệ nhất phu nhân đi theo, Ngô Đình Diệm đã phải nhờ cô em dâu là Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu – Cố vấn chính trị của Diệm) để nhờ Lệ Xuân đón tiếp và nói chuyện với các vị quốc khách. Cũng vì lý do trên nên người ta đã gọi Trần Lệ Xuân là Đệ nhất phu nhân. Nhưng xưng danh như vậy là không đúng, vì Trần Lệ Xuân có là vợ của Ngô Đình Diệm đâu mà gọi là phu nhân được. Như vậy cuộc tiếp đón vua Thái Lan và Hoàng hậu Thái Lan sang thăm Sài Gòn, Ngô Đình Diệm đã phải nhờ Lệ Xuân đón tiếp và nói chuyện với Hoàng hậu Thái Lan. Kể ra nếu có một phụ nữ nước chủ nhà tiếp đón một nữ quốc khách tới thăm và trong lúc dự dạ tiệc thì cũng vui và ngoại giao dễ thông cảm nhau hơn, nhất là người phụ nữ đón tiếp giỏi ngoại ngữ thì giải quyết được nhiều vấn đề để hai quốc gia xích lại gần nhau hơn.
    Quay về triều Bảo Đại, năm 1942 vợ chồng Quốc vương xứ Campuchia sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bảo Đại, thì khi tiếp đón Hoàng đế và Hoàng hậu xứ Chùa Tháp, bà Nam Phương Hoàng hậu đã tiếp đón và gây được nhiều cảm tình, vì bà Nam Phương rất thông thạo Pháp ngữ và ăn nói dịu dàng nên vợ chồng ông hoàng Sihanouk rất tâm đắc khi viếng cố đô Huế. Và sau đó một năm, cũng theo lời mời của vợ chồng ông Hoàng xứ Chùa Tháp, Bảo Đại đã sang thăm Campuchia, đi bằng xe hơi, để bà Nam Phương Hoàng hậu ngồi bên cạnh.
    Cuộc ngự du của Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu vào Sài Gòn, đi Gò Công và đi Nam Vang. Cuộc hành trình diễn tiến cũng gặp mấy vấn đề khó xử khi nhà vua An Nam vào Sài Gòn.
    Theo “Một nửa đời hư” hồi ký của cụ Vương Hồng Sển, Nxb thành phố Hồ Chí Minh 1992, có đoạn cụ Sển đã viết: “… Về sau, khi ông về lên ngôi kế vị cho cha, lúc tuyển chánh cung, bà Nam Phương đem tiền hồi môn về là một triệu đồng bạc mặt, do cậu ruột là ông Lê Phát An dâng tặng cho cháu gái. Số tiền này thuở đó là khổng lồ, nếu so sánh với bạc hiện nay, thì số tỷ vẫn chưa vừa vì tỷ giá ngày nay có hiếm, chớ như hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi ngoài, đầu thể kỷ hai mươi, tờ giấy xăng (100$00) có người trọn đời chưa từng thấy, và giàu bạc muôn, tức trong nhà có được mười ngàn, đã là giàu bạc nứt đố đổ vách.
    “… Ấy đúng ngày 19-11-1942, vua Bảo Đại và bà Nam Phương ngự du Sài Gòn, và chính bữa trưa ngày thứ sáu 20-11-1942, tôi đứng dưới gốc ga trước dinh Gia Long (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố - đường Lý Tự Trọng hiện nay - PTL) và đã diện kiến long nhan đức Bảo Đại như thế này:
    a/ Độ chừng một tháng trước ngày ngự du, thống đốc Nam Kỳ gởi ra Huế một công văn, mời hoàng thượng ngự du Sài GÒn và nhắc lại rằng ông thái tử nước bạn (Cao Miên) vừa rồi, đã có ngự hành như vậy, và thần dân trong Nam, Tây như Việt, ngưỡng mộ ngài lắm.
    b/ Bức chiếu văn từ Huế trả lời rất gẫy gọn: “Bằng lòng Nam du, nhưng sẽ dùng làm hành cung, đại dinh Toàn quyền đường Norodom (nay là dinh Thống Nhất – tức Phủ Tổng thống của chế độ cũ Sài Gòn.
    Được bức thư này, nội các thống đốc đều kinh sợ, hội nghị mật bàn kế, một mặt đánh mật mã khẩn mời Đơ Ku (Decoux) bay vô chiếm trước dinh Toàn quyền, một mặt trả lời Hoàng thượng viện cớ dinh đã có quan đầu xứ Đông dương đến ở, và ân cần xin Hoàng thượng đoái tình, tạm nhận lưu trú nơi dinh đường Lê Quý Đôn (Bảo tàng chứng tích chiến tranh ngày nay – PTL), là dinh đầy đủ tiện nghi và trước đây đã làm chỗ ngự cho Tân vương Thái tử.
    “Hoàn thượng trả lời vắn tắt: “Không có dinh toàn quyền thì ta ngự dinh Mont-Joye ở Hạnh Thông Tây là dinh của quốc cựu Lê Phát An.
    “Phải nói câu trả lời vừa đúng lễ ngoại giao và thật khéo, vì vừa giúp biệt thự này trang bị điện lực để Hoàng thượng khỏi cảnh thắp đèn dầu, thêm giữ được thể thống nhà vua, chớ không chịu lép vế đại như hàng tiểu chư hầu như ông Thái tử kia thì hèn quá.
    “Thế là phải làm đêm làm ngày, dựng cột đá và gắn dây cáp đem điện lên nhà ông tỷ phủ Lê Phát An, không tốn một xu trả cho hãng đèn. Một đắc thắng theo kiểu trong Tam quốc, Khổng Minh mượn tên giúp Ngô chống Ngụy.
    “Và cái ngày kiết nhựt” tiếp kiến Hoàng thượng” đã đến: 20-11-1942. Ăn quen theo thói trước, các quan viên và mạng phụ Pháp tề tựu đông đủ tại mặt tiền dinh Thống đốc (dinh Gia Long), để ý như tiên lễ sẽ bắt tay (ngang hàng) vừa tạ cũng như đã bắt tay mấy tháng trước đây, vị thái tử nọ. Trong chương trình ghi là đúng ngọ đãi tiệc ra mắt vua Nam.
    “Tôi làm việc trong tòa dinh này, và trông mau tới ngọ, hết giờ làm việc, còi điện nhà dây thép chánh vừa hú, là tôi thu xếp giấy má và ra chực nơi dưới gốc đa quen thuộc, để phen này coi lén “long nhan đức Hoàng thượng”.
    “Tôi thấy đủ mặt, các bà đầm vợ công chức cao cấp Pháp đứng theo một bên, bà tay cầm quạt quạt phạch phạch, bà che dù như sợ nắng ăn da, bà hỉnh mũi” tay đây là mạng phụ triều đình”, bà bên Pháp vừa qua chưa quen thói thuộc địa, vẫn dễ thường như người dân thành phố văn minh, dĩ hà nhứt thể, ở đâu cũng là tự do (liberte) bình đẳng (egalite), bác ái (fraternite).
    “Đúng ngọ, chiếc xe Delage C.20 có hai tài xế mặc sắc phục ngồi trước, đưa Hoàng thượng từ Hành Thông Tây đến. Xe ngừng, nhạc trổi quốc thiều y như lần trước rước Tân vương Thái tử. Trước tấu quốc thiều Pháp La Marseillaise, tiếp theo đổi lại thay vì quốc thiều Miên là bản quốc thiều của triều đình Huế. Chiếc xe Delage bóng loáng, một người cao lớn dình giàng (ông cao 1m80) đứng giữa xe tay đỡ lên ngang trán chào theo điều nhà binh Tây phương, mình vận một bộ y phục trắng hết sức đúng thời trang, trán rộng mũi cao, cặp mắt có điện, và toàn thân chiếu ra một nghi biểu khác phàm. Tiếng nhạc chót vừa dứt, người tài xế phụ y như cái máy, chạy xuống khép nép mở cửa xe. Ông bước xuống. Các bà đầm chạy lại, miệng người nào người nấy như hoa nở, hí hửng toan bắt tay vua. Vua làm như không thấy, ngực ông đã cao, ông ểnh càng cao thêm, mặt chăm chỉ ngó ngây, chơn ông cứ bước vội bước. Khiếp quá, các bà mạng phụ lật đật cúi đầu, và quên hết lời dặn dò của các đấng phu quân, đã khép nép tay nắm vạt áo dài trào (phần nhiều mặc bun-rền) đầu cúi mọp trước đức vua Việt y như các tổ tiên họ đã đến phen trước, phen này đứng trước một ông vua oai nghi quá, mấy bà đã mất hết bình tĩnh, nên đã có cứ chỉ như đã kể trên, làm cho các đấng phu quân cũng khớp luôn và mạnh ai nấy chào theo nghi lễ đối với một quân vương: ông thống đốc đứng đầu hàng, nghiêng mình kính cẩn, ông chưởng lý tòa thượng thẩm cũng bắt chước theo, trung tướng bộ binh và hải quân đại tá chào theo nhà binh, kỳ dư chủ tịch viện có mặt, viên quản hạt, phòng thương mại và các quan viên Tây có mặt tại đó đều răm rắp cúi chào theo nghi lễ và khi ông qua khỏi rồi, đều ngó nhau trơ trẽn, quả ông đi đứng “long hành hổ bộ” rõ ràng. Khi ông bước đến bệ trên cửa điện, ông cũng không ngó lại chào và vẫn tiếp tục bước ngay vô trong. Thống đốc Rivoal mất hết bình tĩnh, không đợi tùy giá quan làm việc này, đã chạy theo vua, kéo ghế danh dự ra cho vua ngự. Bữa tiệc dùng trong một sự lặng lẽ kính cẩn chưa từng có và mãn tiệc rồi, tại phòng khách vừa mới đây thống đốc trình diện quan khách và khi ấy vua mới có câu cởi mở đối với mọi người.”
    Sau ngày ra mắt tại dinh Gia Long, Bảo Đại trở về dinh ở Hành Thông Tây để nghỉ một ngày rồi sáng hôm sau cùng bà Nam Phương xuống Gò Công để thăm viếng quê ngoại và viếng mồ mả tổ tiên họ ngoại.
    Khi đã thăm viếng quê ngoại xong xuôi, Bảo Đại bảo tài xế lái xe trực đường sang nước láng giềng Cao Miên thăm Quốc vương Sihanouk để đáp lễ mà mới đây Quốc vương và Hoàng hậu xứ Chùa Tháp đã sang thăm nước ta.
    Bảo Đại và bà Nam Phương khi tới xứ Chùa Tháp đã được Hoàng gia nước bạn mời đi thăm kỳ quan Đế Thiên Đế Thích và những thắng cảnh khác của xứ Chùa Tháp. Bà Nam Phương Hoàng hậu đã được bà Hoàng xứ Chùa Tháp tiếp đón rất nồng hậu và tương đắc vì cả hai cùng nói chuyện trực tiếp với nhau bằng ngôn ngữ Pháp mà hai bà rất thông thạo, còn Bảo Đại và Sihanouk thì cùng đàm đạo với nhau bằng ngôn ngữ Pháp rất thân thiện và cảm tình.
    Bà Nam Phương Hoàng hậu là một người đàn bà nhân hậu, lại biết suy nghĩ chín chắn nên cứ mỗi lần người Pháp muốn Bảo Đại phải thi hành những vấn đề có lợi cho mẫu quốc và có hại đến nền kinh tế và chính trị hay xã hội Việt Nam thì Bảo Đại đều bàn bạc với bà Nam Phương. Những lúc đó, bà Nam Phương cư xử rất khôn khéo, vì biết nếu Bảo Đại mà gặp người Pháp thì khó trả lời nhận hay không nhận những điều kiện mà Pháp đưa ra. Vì vậy, bà Nam Phương đã đề ng hị mỗi khi gặp trường hợp khó xử với người Pháp thì ông nên tránh đi xa ít ngày, như vào rừng săn thú hay đi tắm biển đâu đó. Có thể đi kinh lý thăm các tỉnh phía bắc miền Trung, như tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…
    Rồi đến việc Tòa thánh La Mã thời Giáo hoàng Pio XI đã phạt vạ bà Nam Phương vì đã lấy chồng theo đạo Phật. Nay Giáo hoàng Pio XI vừa tạ thế tháng 2-1939, thì Nam Phương Hoàng hậu đề nghị Bảo Đại gửi điện chia buồn đến Tòa thánh La Mã, và đồng thời gửi điện chức mừng vị Giáo hoàng mới lên ngôi là Đức Pio XII vừa đăng quang vào ngày 12-3-1939. Sau đó, Bảo Đại còn trao tặng huy chương Kim Khánh của Triều đình Huế cho vị Khâm sứ Toà thánh Việt Nam đang làm việc tại Huế. Đồng thời Bảo Đại còn ngỏ ý đưa vợ và gia đình ngoại sang tận La Ma để xin yết kiến Giáo hoàng Pio XII mới lên ngôi ban phép lành.
    Hành động trên của bà Nam Phương Hoàng hậu đã giải toả được sự xa lánh giữa Giáo hội Công giáo với Bảo Đại và Triều đình Huế. Giáo hoàng Pio XII đã nhận lời xin yết kiến của vợ chồng Bảo Đại và còn đứng chụp hình chung với Bảo Đại. Bà Nam Phương Hoàng hậu cùng phái đoàn Việt Nam.
    Và sau cuộc yết kiến trên, Giáo hoàng Pio XII đã ra sắc tha phạt vạ bà Nam Phương, và cho phép đạo ai người đó giữ, nhưng các con của Bảo Đại với bà Nam Phương đều phải được rửa tội theo đạo Công giáo. Việc rửa tội công khai hay bí mật là tuỳ nghi ở sự sắp đặt của bà Nam Phương với các linh mục địa phận Huế.
    Về vấn đề xã hội, bà Nam Phương cũng tham dự để thăm viếng nhiều cơ quan xã hội tại Huế, Đà Lạt, Hà Nội… Tại Huế, bà Nam Phương đã tới thăm trường Đồng Khánh, nơi các con bà đang theo học. Theo hồi ký của nữ sĩ Đạm Phương thì chính bà Nam Phương là người đã đề nghị đưa môn học nữ công gia chánh vào trường học. Bà Nam Phương cũng noi gương ông ngoại và chú, bác, cậu… bà thường đến thăm những nhà thờ nghèo ở Huế giúp đỡ tài chính để tu bổ nhà thờ, nhà dòng. Một hành động nữa đáng khen là bà nhớ lại Couvent des Oiseaux là trường mà bà đã theo học bên Pháp khi xưa, nên nay bà muốn có một ngôi trường của nhà dòng Kinh sĩ Augustino do các nữ tu phụ trách để đào tạo giáo dục cho các trẻ em người Việt Nam lẫn người Pháp tại Việt Nam.
    Bà Nam Phương đã giới thiệu cho mẹ (Mere) Alix Le Clerc là nếu muốn mua một miếng đất tại Đà Lạt để mở trường thì bà (Nam Phương) sẽ mua giá rẻ giúp nhà dòng mở trường. Vì vậy, sau đó dòng Couvent Oiseaux đã đồng ý và mua được một miếng đất khá rộng ở Lang Biang để mở trường Couvent des Oiseaux đầu tiên tại Việt Nam năm 1935, rồi sau đó bà Nam Phương còn thúc giục các Mẹ dòng Couvent des Oiseaux mở thêm tại Hà Nội một nhà dòng nữa cũng để làm trường học giáo dục các con em Việt – Pháp.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Re: Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 12:18 am

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang

    Chương 5





    Cựu hoàng Bảo Đại sau khi thoái vị, ông đã ra Hà Nội theo lời mời của Hồ Chủ tịch để Công dân Vĩnh Thuỵ làm Cố vấn. Ra tới Hà Nội, Cụ Hồ đã ra lệnh cho nhân viên Chính phủ lo đầy đủ nhà ở, người giúp việc cho ông Vĩnh Thuỵ, và cũng cung cấp một số tiền cho cựu hoàng tiêu xài. Nhưng với thói quen của Vĩnh Thuỵ thì tiền bạc triệu cũng không đủ vì Vĩnh Thuỵ ham ăn chơi, hơn nữa lúc đó Vĩnh Thuỵ đã ra Hà Nội “ngồi chơi xơi nước”, lại Không có vợ bên cạnh nữa. Phải nói trước năm 1945, khi còn ngồi ngai vua, Bảo Đại tỏ ra rất trung thành với bà Nam Phương. Đi đâu nghỉ mát, hoặc đi câu cá ở Lăng Cô, hay lên Bạch Mã nghỉ hè cũng có bà Nam Phương đi cùng. Thời gian này, Bảo Đại còn giữ lời thề không bao giờ có thứ phi và giữ trọn đạo một vợ một chồng như bà Nam Phương đã yêu cầu trước khi cưới.
    Thời gian đầu cách mạng còn thiếu đủ thứ, nhất là tiền bạc trả nhân viên chính phủ, cán bộ, vì cần nhất là cần tiền mua súng đạn để sửa soạn chống Pháp gây hấn trở lại. Vì vậy, để có thể chiếm tiền tiêu xài Bảo Đại đã phải nhờ vào tiền trợ cấp của mấy nhà triệu phú loại “buôn vua”, như ông Mai Văn Hàm, Lưu Đức Trung.
    Theo hồi ký của cụ Phạm Khắc Hoè đã kể: Có một buổi tối bất ngờ thấy Vĩnh Thuỵ lái xe tới nơi ông Hoè ở và ngồi ở trong xe bóp còi có ý muốn gọi gia chủ. Ông Hoè thấy khách “quý” tới nhà bất ngờ nên vội vàng ra mở cổng để mời Cố vấn vào nhà. Nhưng Cố vấn Vĩnh Thuỵ bảo ông Hoè lên xe ngồi để nói chuyện cho tiện. Ông Hoè lên xe ngồi bên cạnh, nghe Vĩnh Thuỵ khẽ nói:
    - Hôm ra đi tôi chỉ mang theo có một nghìn bạc, nay tiêu hết cả rồi. Tôi muốn nhờ ông về Huế đưa cái thư này cho “Ngài Hoàng” (tức Nam Phương - PTL) để lấy một ít tiền đưa ra cho tui.
    - Nay tôi đã là nhân viên Bộ Nội vụ, phải được Bộ Nội vụ cho phép tôi mới đi được.
    Nhưng Vĩnh Thuỵ nói:
    - Ông làm việc không lương thì cần gì phải xin phép.
    Ông Hoè trả lời:
    - Theo ý tôi thì đây không phải là vấn đề “lương tiền” mà là vấn đề “lương tâm”. Nên nhất định phải được Bộ Nội vụ cho phép tôi mới đi được.
    Vĩnh Thuỵ sốt ruột, sợ ông Hoè không chịu đi ngay nên thúc giục:
    - Thì mai sớm ông đi xin phép đi là được. Tui chắc thế nào Bộ Nội vụ cũng để cho ông đi. Vậy ông cầm luôn cái thư này tui mới viết để mai được phép là ông đi ngay cho.
    Ông Phạm Khắc Hoè chậm rãi nói:
    - Hơn bảy giờ tối mai mới có tàu suốt. Sớm mai tôi xin được phép thì trưa mai lại lấy thư cũng còn thì giờ.
    Đến đây Vĩnh Thuỵ như tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng không dám nói ra mà chỉ nói:
    - Nhớ trưa mai ghé lại nhà tôi để lấy thư.
    Ồng Phạm Khắc Hoè chia tay Vĩnh Thuỵ rồi đi đến Bộ Nội vụ gặp ông Hoàng Minh Giám để trình bày câu chuyện Cố vấn Vĩnh Thuỵ nhờ ông về Húe để mang lá thư và lấy tiền. Ông Hoàng Minh Giám bảo ông Hoè:
    - Anh có biết mọi chi phí về cơm nước, xăng dầu và tiền tiêu vặt… ở đằng nhà ông Vĩnh Thuỵ là do ai trả không?
    Ông Hoè đáp:
    - Tôi biết chứ. Chính Mai Văn Hàm đã khoe với tôi rằng hắn bao tuốt. Hắn hỏi tại sao không ở luôn đằng ấy mà ăn cho sướng… rồi hắn còn rỉ tai tôi có cần tiền không… Nhưng tôi lắc đầu.
    Ông Hoàng Minh Giám hỏi:
    - Thế sao anh không bảo hắn đưa thêm tiền cho Vĩnh Thuỵ xài?
    Ông Hoè đưa ra ý kiến:
    - Vì tôi nghĩ không nên để cho Vĩnh Thuỵ bị Mai Văn Hàm thao túng hoàn toàn. Vả lại theo tôi thì Vĩnh Thuỵ cũng còn biết tự trọng đến chừng mực nào đó.
    Sau đó ông Hoè còn kể cho ông Giám nghe câu chuyện Vĩnh Thuỵ viết thư về cho Đức Từ nói là Hồ Chủ tịch thương Vĩnh Thuỵ như con.
    Ông Hoàng Minh Giám nghe vậy cho đó là câu chuyện đáng quý và bảo ông Hoè nên tới báo cáo với Cụ Hồ rồi xin ý kiến Hồ Chủ tịch xem có nên đi hay không. Ông Hoè thì muốn đi một tuần lễ vào Huế nhân thể thăm gia đình luồn và đưa thư cho bà Nam Phương. Nhưng ông Giám thì muốn ông Hoè đi về sớm càng tốt vì ở Hà Nội còn nhiều việc bề bộn chưa giải quyết xong.
    Ông Phạm Khắc Hoè sang dinh Chủ tịch và xin Hồ Chủ tịch cho tiếp ít phút. Hồ Chủ tịch khi đó đang bận tiếp khách, người ra người vào là Trung Quốc có, Anh có, Mỹ có… họ tới lui không ngừng, hết người này ra người khác tiếp vào. Khi Hồ Chủ tịch tiễn họ ra cửa thì gặp ông Hoè đang ngồi đợi ở cửa phòng khách. Hồ Chủ tịch hỏi:
    - Ông cần gì nào?
    Sau đó Hồ Chủ tịch cầm tay ông Hoè dẫn vào phòng để hỏi chuyện. Ông Hoè cũng trình bày lại câu chuyện Cố vấn Vĩnh Thuỵ viết thư về Huế nói với Đức Từ là Hồ Chủ tịch thương Vĩnh Thuỵ như con, nhưng muốn có ít tiền đánh bài và tiêu vặt nên nhờ ông Hoè về lấy tiền ở bà Nam Phương. Hồ Chủ tịch biết gia đình ông Hoè còn ở lại Huế nên hỏi:
    - Ông có muốn tiện về Huế để thăm vợ con không?
    Ông Hoè sợ Hồ Chủ tịch không đồng ý cho đi vì lúc này ở Bộ Nội vụ còn bao nhiêu việc bề bộn, nên ông Hoè ngập ngừng thưa:
    - Dạ, hiện chúng tôi còn làm dở một số công việc ở Bộ Nội vụ, không muốn đi Huế, nhưng nếu Cụ thấy nên đi thì chúng tôi cũng xin đi.
    Hồ Chủ tịch không chấp nhận hẳn mà nói:
    - Đi hay không là hoàn toàn tuỳ ông, miễn sao giữ được mối quan hệ tốt theo hướng tiến bộ giữa ông và ông Cố vấn. Ông còn vấn đề gì nữa không?
    Nghe Hồ Chủ tịch nói vậy, ông Hoè xin cáo lui ra về.
    Ông Hoè ra về và cả buổi trưa đó cứ phân vân trong đầu không biết xử trí làm sao cho Vĩnh Thuỵ khỏi giận ông. Còn nếu làm Vĩnh Thuỵ hài lòng thì ông Hoè phải đi vào Huế để đưa thư và lấy tiền hộ Vĩnh Thuỵ. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho Vĩnh Thuỵ vào vòng truỵ lạc trai gái, cờ bạc. Ông Hoè cũng suy nghĩ là hay ông cứ gặp Mai Văn Hàm rồi nói hết mọi chuyện là Vĩnh Thuỵ cần tiền. Nhưng biết đâu nói thật như vậy thì bọn đầu cơ sẽ chụp lấy đển lén lút đưa tiền, đưa gái cho Vĩnh Thuỵ thì sao. Ông Hoè cũng suy nghĩ hay là cứ về Huế rồi nói hết mọi chuyện cho bà Nam Phương nghe và may ra bà viết thư khuyên Vĩnh Thuỵ bớt truỵ lạc. Hoặc nếu có thể xin Cụ Hồ cho bà Nam Phương và các con ra Hà Nội ở cùng sẽ ngăn cản được Vĩnh Thuỵ chăng? Và ông còn nhớ có lần Hồ Chủ tịch đã ngỏ lời khéo khuyên Vĩnh Thuỵ là: Cố vấn nên bớt bớt chuyện trai gái đi, kẻo bên ngoài họ dị nghị. Tuy Hồ Chủ tịch đã có lần khuyên Vĩnh Thuỵ như vậy, nhưng ông Vĩnh Cẩn và một số tay chơi cứ dắt Vĩnh Thuỵ đi tối ngày. Mà Bảo Đại không đi thì họ dắt gái tới cho Vĩnh Thuỵ.
    Về nhà ông Hoè suy nghĩ nát óc để tìm cách đối phó với Vĩnh Thuỵ thì ông nghe thấy tiếng xe hơi chạy vào sân nhà và thấy Vĩnh Thuỵ vào, chưa kịp chào hỏi và nói câu gì thì Vĩnh Thuỵ dã hỏi:
    - Chiều này có đi được không?
    Ông Hoè đành phải trả lời:
    - Dạ được.
    Vĩnh Thuỵ nét mặt đang tỏ ra buồn rầu bỗng tươi tỉnh hẳn lại, vội đưa tay vào túi lấy phong thư ra và nói:
    - Ông cứ cầm thư này đưa cho “Ngài Hoàng”, và không cần nói gì thêm. Khi “Ngài Hoàng” đưa tiền thì ông cầm ngay mang ra cho tui, nếu sớm càng tốt.
    Ông Hoè cầm phong thư đã dán kín. Vĩnh Thuỵ bắt tay ông Hoè và nói một câu tiếng Pháp có ý: Thế là tốt, chúc ông đi đường mạnh khoẻ và mau trở về.
    Ngày 20 tháng 10 năm 1945, chuyến xe lửa từ ga Hàng Cỏ ở Hà Nội đã vào đến Huế. Đi đúng 24 giờ. Chuyến xe lửa này chở khách đi chơi hay buôn bán thì ít, nhưng chở bộ đội thì nhiều vì lúc này cần chở người vào chi viện cho mặt trận Nam Bộ. đây là cuộc Nam tiến, nên chuyến xe lửa này phải đi tốc hành cho mau và số chuyến cũng tăng gấp đôi.
    Ông Phạm Khắc Hoè tới ga Huế thì trời đã tối nên ông phải nghỉ ở nhà mình, sáng hôm sau mới tới cung An Định gặp bà Nam Phương để trao thư. Sáng ngày 21 tháng 10, ông Hoè tới cung An Định để gặp bà Nam Phương. Khi tới đây thấy cổng đóng then cài không thấy bóng người. Ông Hoè gõ cửa rồi kêu nhưng chẳng thấy ai lên tiếng. Bỗng từ xa có tiếng chân người đi lại, thì ra bà Nam Phương vừa đi chợ hay đi nhà thờ về vì lại thấy bà về cùng với hai người một nam một nữ đi theo bà tay xách giỏ đồ ăn. Khi nhìn thấy ông Hoè, bà Nam Phương lên tiếng hỏi:
    - Ông mới về à? “Hoàng đế” có khỏe không?
    Ông Hoè trả lời:
    - Chúng tôi mới về tối hôm qua. Ông Cố vấn khoẻ lắm và có thư cho Ngài.
    Ông Hoè trả lời xong, thò tay vào cặp da lấy bao thư ra đưa cho bà Nam Phương. Bà Nam Phương nhận thư và gửi lời cảm ơn rồi mời ông Hoè vào phòng khách uống nước để nói chuyện.
    Vào phòng khách bà Nam Phương lịch sự xin lỗi ông Hoè mấy phút để bà bóc lá thư ra đọc xem ông Vĩnh Thuỵ nói gì và dặn điều gì. Ông Hoè thấy lá thư của Vĩnh Thuỵ viết bằng tiếng Pháp trên ba trang giấy màu xanh. Ông Hoè cho biết khi bà Nam Phương đọc xong là thư thì nét mặt bà ta buồn buồn, nước mắt như muốn trào ra. Trầm ngâm một giây lát, bà Nam Phương hỏi ông Hoè:
    - Ông có biết Vĩnh Thuỵ cần tiền để làm chi và cần bao nhiêu không?
    Ông Hoè không dám nói thật ông Vĩnh Thuỵ cần tiền để làm gì và cần bao nhiêu mà chỉ nói:
    - Ông Cố vấn nói đưa thư này cho bà, không cần nói chi thêm. Ngài nói đưa bao nhiêu cũng nhận và đưa ngay ra. Càng sớm càng tốt.
    - Thế ông định bao giờ trở ra Hà Nội?
    - Chúng tôi định ngày mai ra. Xin Ngài viết thư và chuẩn bị tiền, bốn giờ chiều nay tôi sẽ trở lại nhận.
    Nghe ông Hoè trả lời vậy, bà Nam Phương đứng ngay dậy bắt tay chào ông Hoè. Ông Hoè khẽ liếc nhìn thấy khoé mắt bà Nam Phương có giọt lệ chảy ra, và bà ta nói:
    - Thôi! Hẹn bốn giờ chiều nay.
    Ông Hoè cho biết đây là lần đầu tiên thấy bà Nam Phương đưa tay cho một người đàn ông bắt, còn trước đây chỉ thấy bà đưa tay ra cho người ta cúi xuống đỡ và hôn tay, dù đối với viên Toàn quyền, Khâm sứ và mấy ông Thượng thư…
    Đúng bốn giờ chiều y hẹn, ông Hoè trở lại cung An Định để gặp bà Nam Phương lấy thư xem bà ta có dặn dò thêm gì không. Tới nới trông thấy bà Nam Phương đang buồn thiu. Nhưng khi trông thấy ông Hoè đến thì bà ta đứng dậy và làm ra vẻ vui mừng, đưa tay ra bắt tay ông Hoè, rồi mời ông Hoè ngồi nói chuyện. Bà Nam Phương kéo ghế ngồi sát ông Hoè vì bà vốn lãng tai từ nhỏ phải ngồi gần mới nghe rõ. Bà Nam Phương nói với giọng nhỏ nhẹ đầy cảm động:
    - Ông Hoè! Chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông, trước cũng như nay. Cho nên tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ mê con Lý (Lý Lệ Hà).
    Ông Hoè bị hỏi một câu bất ngờ nên cũng ngập ngừng không dám trả lời thẳng, sau đành nói:
    - Chúng tôi rất tiếc không biết rõ vấn đề ấy mà chỉ nghe người ta nói qua loa thôi.
    - Người ta nói thế nào?
    - Người ta bảo ông Vĩnh Thuỵ có nhân tình là cô Lý.
    Bà Nam Phương như muốn hỏi rõ vấn đề Lý Lệ Hà nên hỏi:
    - Ông có biết con Lý nhiều không? Và con ấy người như thế nào?
    Cũng khó trả lời nên ông Hoè đành trả lời chung chung:
    - Chúng tôi chưa bao giờ thấy mặt cô Lý, chỉ nghe nói là cô ấy đẹp. Còn về đạo đức thì tất nhiên là xấu rồi.
    Nghe ông Hoè nói là Lý Lệ Hà đẹp, mắt bà Nam Phương hơi đỏ lên và bà còn hỏi nhiều chuyện lặt vặt nữa. Nhưng ông Hoè không bao giờ dám trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói chung chung thôi. Bà Nam Phương tỏ ra hơi bực, và bảo:
    - Rõ ràng ông không muốn nói thật.
    - Quả thật chúng tôi không biết chi hơn, vì ra Hà Nội tôi chỉ ở chung một nhà với ông Cố vấn có hai ngày, sau tôi đi ở chỗ khác. Hằng ngày đi làm việc ở Bộ Nội vụ tối về phải lo đọc sách, đọc báo. Tôi không có thì giờ và cũng không muốn mất thì giờ tìm hiểu những việc riêng tư của người khác.
    Câu chuyện đang nói đến đây thì bị ngưng vì trong nhà bà Từ Cung đi ra và lên tiếng hói:
    - Ủa! Ông Đổng lý về khi mô rứa? Hoàng đế có khoẻ không? Có thư từ chi cho tui không?
    Ông Hoè vội đứng dậy chào bà Từ Cung, và thưa:
    - Dạ chúng tôi mới về hôm qua. Ông Cố vấn rất khoẻ và đã có thư cho Ngài qua bưu điện rồi.
    Bà Từ Cung tỏ vẻ như quên cái thư qua bưu điện rồi nên gật đầu nói:
    - Chắc là cái thơ ca ngợi Cụ Hồ phải không? Thư ấy nhận được gần một tháng rồi. Và từ hôm ấy đến nay lúc nào tôi cũng tụng kinh cầu Phật phù hộ cho Cụ Hồ và cho chính phủ Cách mạng. Khi mô ông ra Hà Nội thì nhớ “tâu” với Cụ Hồ chuyện ấy và nói tôi xin kính chúc Cụ “vạn tuế”.
    Nói xong bà Từ Cung quay vào nhà trong và để bà Nam Phương cùng ông Hoè tiếp tục câu chuyện. Bà Nam Phương ngồi lại xuống ghế, ông Hoè lên tiếng:
    - Trời gần tối rồi, xin Ngài cho nhận thư và tiền để mai chúng tôi có thể đi Hà Nội.
    Mặc dù ông Hoè xin cáo lui vì trời đã ngả bóng đêm, nhưng bà Nam Phương còn muốn cầm chân ông Hoè ngồi lại ít phút để bà ta hỏi thêm về Vĩnh Thuỵ sống ra sao và sống với ai khi ra Hà Nội. Tuy nhiên cũng sợ bất tiện nên bà nói:
    - Thư tôi viết chưa xong và tôi muốn hỏi ông nhiều chuyện lắm nhất là muốn ông cho biết ý kiến về cách giải quyết vấn đề con Lý. Bây giờ ông về kẻo tối, nhưng chín giờ sáng mai thế nào cũng mời ông chịu khó trở lại.
    Như được giải thoát, ông Hoè thưa:
    - Dạ, sáng mai chúng tôi xin trở lại. Còn vần đề cô Lý tôi thấy cách giải quyết tốt nhất là Ngài đă các Mệ ra Hà Nội cùng ở với ông Cố vấn. Đề nghị Ngài suy nghĩ về việc này và mai sáng xin cho biết ý kiến để khi ra Hà Nội chúng tôi có thể báo cáo với Hồ Chủ tịch.
    Nghe vậy bà Nam Phương gật đầu tỏ ra có lý rồi nét mặt bà tươi tắn hẳn lên. Bà đứng dậy bắt tay ông Hoè tỏ ý để ông Hoè ra về. Bà còn dặn thêm:
    - Nhớ chín giờ sáng mai nghe!
    Về tới nhà ông Hoè nằm suy nghĩ cả đêm để tìm ra giải pháp làm sao cho Vĩnh Thuỵ không buồn, và bà Nam Phương cũng vui lòng. Nhưng tất cả mọi việc của Vĩnh Thuỵ và bà Nam Phương ông Hoè nghĩ đều phải báo cáo cho Cụ Hồ biết để tránh xa ra trường hợp không hay. Vì Vĩnh Thuỵ là một ông “Tây con”, bản tính thích ăn chơi, cờ bạc, trai gái, còn việc chính trị thì không có gì sâu sắc. Bà Nam Phương tuy là một phụ nữ Tây học nhưng bà là người hấp thụ đạo Công giáo một cách sâu xa, bề ngoài ngó thấy hiền thục, nhưng lại suy nghĩ tường tận về gia đình, thời thế. Vì vậy bà không thể không biết chuyện quan hệ lăng nhăng của Vĩnh Thuỵ với Lý Lệ hà. Bà có những người tâm phúc tâu với mình chuyện của chồng trong khi ông Hoè chưa chắc đã biết rõ được. Nói chung ai là người dẫn lỗi đưa đường, ai là người chi tiền cho Vĩnh Thuỵ tiêu xài nhất nhất bà đều biết rõ dù ở xa mấy trăm cây số.
    Ông Phạm Khắc Hoè suy nghĩ mãi để tìm cách gỡ rối cho cả hai người, nhưng đồng thời cũng đừng để Cụ Hồ buồn vì việc Cố vấn Vĩnh Thuỵ sa đoạ, việc nước đang cấp bách, đang cần giải quyết, thì việc nhà lại tan nát vì cảnh ghen tuông. Nếu để bà Nam Phương ra Hà Nội thì có yên không? Hay lại xảy ra vụ đánh ghen như báo chí một thời đăng bà Nam Phương rút súng bắn què giò Hoàng đế ở khu rừng Ban Mê Thuột dạo nào.
    Sáng hôm sau, đúng chín giờ mười lăm phút ông Phạm Khắc Hoè đã tới cung An Định để gặp bà Nam Phương.
    Vừa tới sân, ông đã nghe bà Nam Phương từ cổng đi vào, lên tiếng hỏi:
    - Ông bạn đến sớm quá vậy?
    - Lần đầu tiên ông Hoè nghe hai tiếng “ông bạn” nên tỏ ra ngượng ngùng, song ông lấy lại bình tĩnh và trả lời:
    - Hôm nay thứ hai mà Ngài cũng đi nhà thờ à?
    Bà Nam Phương trả lời:
    - Ngày nào… mà… tôi… chả… đi… lễ.
    Cả hai cùng thủng thẳng bước vào phòng khách. Bà Nam Phương kéo ghế mời ông Hoè ngồi để nói chuyện cho rõ và bà cũng nêu lý do tai bà bị lãng như thế nào, rồi hỏi:
    - Có phải Cụ Hồ bảo ông bàn với tôi đem cả gia đình ra Hà Nội không?
    Ông Hoè vội nói:
    - Dạ không. Ý kiến đó là tự tôi đề ra với Ngài. Câu trả lời đó làm bà Nam Phương hơi buồn, hỏi:
    - Thế Cụ hồ có biết chuyện ông Cố vấn mê con Lý không?
    Ông Hoè cũng không dám trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ nói:
    - Chúng tôi không rõ. Hồ Chủ tịch chưa có lúc nào hỏi hoặc nói về việc ấy với tôi cả.
    Bà Nam Phương im lặng như suy nghĩ điều gì, rồi bảo:
    - Ông Hoè này! Tôi cũng muốn ra Hà Nội để vợ chồng con cái cùng ở với nhau cho hạnh phúc. Nhưng tôi ngại hai điều: một là sẽ làm tốn kém thêm cho Nhà nước trong lúc đầu chính phủ đang còn nghèo, lo trăm chuyện; hai là làm c ho Hoàng đế đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó. Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng.
    Nói vừa dứt câu, bà Nam Phương đứng dậy quay gót vào nhà và nói xin lỗi ông Hoè mấy phút để có chút việc. Sau đó bà trở ra, cầm chiếc phong bì chưa dán kín và nói:
    - Đây! Ông xem thư và kiểm lại tiền đi.
    Ông Hoè lịch sự trả lời:
    - Xin ngài cứ dán kín lại, chúng tôi không muốn biết việc riêng của Ngài.
    Nhưng bà Nam Phương rút trong phong thư ra hai tờ giấy bạc năm trăm đồng của Ngân hàng Đông Dương giờ ra cho ông Hoè nhìn thấy, sau đó bỏ vào giữa lá thư màu hồng, rồi dặn lại và hỏi thêm:
    - Ông có nhất định chiều nay đi không?
    - Nếu không kịp tối nay thì tối mai nhất định phải đi, vì không thể trễ hơn được nữa.
    Bà Nam Phương sợ ông Hoè chưa đi nên nói:
    - Nếu tối nay ông đi thì chúc ông lên đường mạnh khoẻ, bình an, và mong được gặp lai nhau trong hoàn cảnh vui vẻ hơn. Nếu tối mai ông mới đi, thì sáng mai chín giờ mời ông trở lại, tôi muốn nói chuyện với ông nhiều lắm.
    - Dạ, nếu tối nay chưa đi thì sáng mai chúng tôi xin trở lại thăm Ngài.
    Tối ngày 22 tháng 10 ông Hoè đã về tới Hà Nội và 8 giờ sáng hôm sau đã đến gặp Vĩnh Thuỵ để trao phong thư.
    Khi gặp ông Hoè, Vĩnh Thuỵ mừng rỡ, nét mặt tươi cười và hỏi:
    - Ông đi mau quá hè!
    Ông Hoè trao phong thư, Vĩnh Thuỵ vội bóc ngay ra thấy trong đó chỉ có hai tờ giấy bạc. Nét mặt đang vui bỗng trở nên buồn. Vĩnh Thuỵ hỏi:
    - Chỉ có thế thôi à?
    - Dạ, bao nhiêu chắc “Ngài Hoàng” đã có viết rõ trong thư.
    Vĩnh Thuỵ đọc lá thư Nam Phương viết và sắc mặt ông cứ tái dần đi. Nhưng ông cố trấn tĩnh và hỏi:
    - Ông có gặp “Đức Từ” không? Ngài có khoẻ không?
    - Dạ, có gặp chừng mươi phút. Ngài mạnh khoẻ vui vẻ và chăm tụng kinh niệm Phật lắm.
    Vĩnh Thuỵ không quên nhắc:
    - Ông có thấy các con tôi không?
    - Dạ không.
    Vĩnh Thuỵ lại hỏi:
    - Ông gặp “Ngài Hoàng” có lâu không? Ông thấy Ngài thế nào?
    - Dạ, chúng tôi gặp “Ngài Hoàng” ba lần. Ngài buồn lắm và gầy đi rất nhiều!
    Vĩnh Thuỵ có vẻ thắc mắc và hỏi:
    - Làm chi mà phải gặp đến ba lần?
    Ông Hoè vội thưa:
    - Tóm lại “Ngài Hoàng” thắc mắc rất nhiều về vấn đề cô Lý và trách tôi không nói tất cả sự thật. Nhưng sự thật thì chính nhờ gặp “Ngài Hoàng” mà tôi mới biết được nhiều chuyện cụ thể về vấn đề cô Lý, chớ khi ở Hà Nội này tôi chỉ nghe những lời đồn đãi bàn tán của thiên hạ và tôi cũng không tin (1)
    Chú thích:
    (1) Theo hồi ký của Phạm Khắc Hoè, Sđd
    Kể từ ngày ông Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội để nhận chức Cố vấn do Chủ tịch Hồ Chí minh mời, ở Huế bà Nam Phương rất lo lắng vì có nhiều tin đồn thất thiệt, hơn nữa lại được những người thân cận là tín đồ Công giáo báo tin vào Huế cho bà Nam Phương biết là từ khi ra Hà Nội ông Cố vấn được bạn bè dẫn đường chỉ lối đi ăn chơi, nhảy đầm lại cờ bạc rồi trai gái tùm lum. Hết cặp cô này đến cô gái khác. Cô nào cũng đẹp nên Vĩnh Thuỵ đều chết mê chết mệt.
    Vì vậy, để trấn an bà Nam Phương khỏi bị dao động do bọn chống đối Việt Minh tung ra có ý đồ lôi kéo bà Nam Phương vào chính trị nên Hồ Chủ tịch đã cử mấy cán bộ tin cẩn vào Huế để vấn an bà Nam Phương. Phái đoàn này gồm có ông Lê Văn Hiến, ông Nguyễn Khoa Văn (tức nhà văn Hải Triều), và một người nữa.
    Và th eo một hồi ký của ông Lê Văn Hiến đã kể lại sau này trong tập Hồi ký “Bình Trị Thiên Tháng Tám Bốn Lăm” do nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành năm 1985, đại ý như sau:
    Khoảng 9 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 1945, bà Nam Phương hẹn sẽ tiếp phái đoàn. Y hẹn, 9 giờ các ông Hiến, Văn và một người nữa (?) đã đến cung An Định, nơi bà Từ Cung, bà Nam Phương và gia đình mới dọn về đây để ở sau khi Bảo Đại thoái vị.
    Khi phái đoàn vừa tới, bấm chuông cổng thì thấy bà Nam Phương đã ra sân đón phái đoàn vào phòng khách. Nơi phòng khách được trang hoàng theo kiểu trang trí châu Âu thời cổ điển.
    Bà Nam Phương vốn con cháu nhà giàu, lại được đi học bên Pháp khi mới 12 tuổi nên đã được hấp thụ cách xã giao rất lịch thiệp. Khi đó bà Nam Phương đã 33 tuổi, nhưng với sắc đẹp, và vẫn giữ được phong cách một bà Hoàng nên trông bà rất lịch sự, xứng đáng một mẫu nghi.
    Khi các ông Hiến, Văn… đã an toạ, bà Nam Phương tự tay rót nước trà và mới khách rồi bà hỏi thăm sức khoẻ của phái đoàn trên đường đi từ Hà Nội vào Huế có mạnh không, vì đi đường hoả xa chắc vất vả lắm?
    Ông Lê Văn Hiến trả lời:
    - Cám ơn bà, sức khoẻ chúng tôi vẫn bình thường. Và trước khi vào Huế, chúng tôi đã đến gặp Cố vấn và thấy ngài vẫn khoẻ mạnh.
    Khi ông Lê Văn Hiến nói chuyện thì bà Nam Phương kéo ghế ngồi tới sát cạnh ông Hiến để nghe cho rõ, vì bà Nam Phương vốn nặng tai từ nhỏ. Khi đó, ông Hải Triều đã nhanh ý ghé sát tai ông Hiến và nói: Bà nặng tai nên ông phải nói lớn một chút thì bà Nam Phương mới nghe rõ.
    Bà Nam Phương cầm tách nước trà đưa lên miệng khẽ nhấp và tỏ vẻ nghe rõ từng câu mà ông Hiến đang nói. Bà tỏ lòng cảm ơn.
    Đoạn, ông Lê Văn Hiến nói chuyện tiếp:
    - Thưa bà Cố vấn, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh uỷ thác vào gặp bà nói lên lời hỏi thăm của Người về sức khoẻ của bà và các con bà. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng có ý định mời bà và các cháu ra Hà Nội ở cùng với ông Cố vấn để cho gia đình được đoàn tụ vui vẻ hơn cảnh như lâu nay mỗi người mỗi ngả. Chánh phủ sẽ lo chu tất mọi việc cho ông bà.
    Khi bà Nam Phương nghe ông Lê Văn Hiến chuyển lời mời của Hồ Chủ tịch với ý nghĩa trên, bà Nam Phương tỏ vẻ rất phấn khởi và vui mừng. Và bà cũng ngỏ lời cảm ơn đến Hồ Chủ tịch và Chánh phủ đã lo lắng đầy đủ cho ông Cố vấn. Còn về vấn đề Hồ Chủ tịch có ý định để đưa tôi và các cháu ra Hà Nội thì tôi xin có ý kiến để các ông về trình lại với Hồ Chủ tịch. Và bà Nam Phương nói:
    - Hiện nay ông Cố vấn một mình ở Hà Nội, với phong cách và lối sống của ông. Nhà nước đã chu toàn cho đầy đủ cũng phải tốn kém lắm rồi. Hơn nữa chánh phủ mới thành lập, trăm nghìn việc phải tốn kém bao nhiêu! Cần tránh những gánh nặng khác. Tôi và 4 con tôi trong này, sống tạm đủ. Với cuộc sống bình thường, chúng tôi vẫn có khả năng tự lo liệu cũng được. Nếu mẹ con chúng tôi ra sống chung với ông Cố vấn, Nhà nước phải tốn kém gấp đôi, tôi nghĩ như vậy là không đúng. Xin Hồ Chủ tịch cứ để mẹ con chúng tôi tạm nương náu trong này, khi nào tình hình nước nhà ổn định và tốt dần lên, bấy giờ sẽ đặt vấn đề đoàn tụ của gia đình chúng tôi cũng không muộn. Vậy nhờ ông Bộ trưởng (Chánh phủ Lâm thời Việt Nam thành lập tại Hà Nội ngày 23-8-1945, ông Lê Văn Hiến giữ chức BBộ trưởng Lao động) thưa lại với Hồ Chủ tịch hộ cho. Chúng tôi rất cảm ơn.
    Và theo ông Lê Văn Hiến thuật lại thì bà Nam Phương đã thoái thác một cách rất khéo léo và lịch sự. Tuy thâm tâm của bà ra sao, chưa biết chắc chắn, nhưng cách lập luận của bà tỏ ra có lý vừa có nhân hậu. Khi ông Lê Văn Hiến thấy không còn có cách gì thuyết phục được để bà Nam Phương đồng ý ra Hà Nội, nên ông Hiến đành phải chấp nhận để sẽ về báo cáo lại với Hồ Chủ tịch.
    Ông Lê Văn Hiến cũng đoán tưởng đến đây là chấm dứt câu chuyện nên có ý định đứng dậy xin cáo từ ra về. Nhưng bà Nam Phương đã vội vàng đưa tay mời các vị ngồi lại một chút, và bà Nam Phương nói: “Mời ông Bộ trưởng nán lại một chốc, tôi sẽ báo cáo với bà Từ Cung, người sẽ vui mừng tiếp ông Bộ trưởng. Vừa nói xong, bà Nam Phương vội vào nhà trong .”
    Ông Lê Hải Triều nói với ông Lê Văn Hiến: Bà Từ Cung là vợ của Khải Định, và là mẹ của Bảo Đại. Và ông Hiến đang suy nghĩ trong đầu là khi gặp bà Từ Cung sẽ nói thế nào đây? Thì trong nhà bà Nam Phương đi ra và mời các ông Lê Văn Hiến, Hải Triều… vào nhà trong.
    Phòng khách của bà Từ Cung thì lại được trang trí theo kiểu cách Đông phương là một cái bàn dài được chạm trổ bằng gỗ quý, mặt bàn bóng loáng, chung quanh bàn có sáu chiếc ghế cũng được trạm trổ công phu. Và bà Nam Phương đã mời phái đoàn ngồi ở ghế bên phải, còn bà Nam Phương ngồi ghế bên trái.
    Bà Từ Cung từ trong phòng bên cạnh bước ra phòng khách, nghe thấy tiếng cửa của bức tường kéo ra. Bà Từ Cung năm đó cũng gần sáu chục tuổi rồi. Bà Từ Cung mặc áo thêu nhiều màu sắc, đầu chít khăn vàng và bà bước ra ngồi trên một chiếc ghế cũng chạm trổ, trông như một chiếc ngai vàng. Bà Nam Phương thấy bà Từ Cung đi ra, thì bà vội đứng dậy, các ông Hiến, Văn,… cũng đứng dậy theo.
    Bà Từ Cung khi đã ngồi xuống ghế rồi, bà Nam Phương đưa tay mời khách ngồi. Ông Lê Văn Hiến còn đang lúng túng chưa biết phải chào bà Từ Cung thế nào? Không lẽ nói: Thay mặt Hồ Chủ tịch đến thăm sức khoẻ bà Khải Định? Nếu nói vậy không ổn?
    Có lẽ biết ý ông Hiến còn đang lúng túng chưa biết chào thế nào nên bà Nam Phương đã đưa tay giới thiệu: Xin phép Đức Từ được giới thiệu đây là ông Bộ trưởng Lao động của Chánh phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đi công cán ở miền Nam, nay xin đến chào Đức Từ Cung và gia đình ông Cố vấn.
    Ông Lê Văn Hiếu thấy bà Nam Phương giới thiệu rất khôn khéo, nên đã lên tiếng xin phép nói:
    - Được uỷ nhiệm vào công cán trong này, trước khi ra đi tôi có đến thăm ông Cố vấn, ngài luôn luôn mạnh khoẻ và ngài có nhắn lời thăm gia đình. Tôi đã gặp bà Cố vấn và được bà giới thiệu vào thăm Từ Cung. Chúng tôi xin ngỏ lời chúc Đức Từ Cung luôn luôn khoẻ mạnh và trường thọ.
    Bà Từ Cung khẽ nhếch miệng cười và tỏ lời cảm ơn, rồi bà đưa tay mời mọi người dùng trà. Và bà Từ Cung hỏi:
    - Ông Cố vấn làm việc có được Chủ tịch Hồ Chí Minh thương mến không?
    - Quan hệ giữa Hồ Chủ tịch và Cố vấn luôn luôn tốt đẹp.
    Nghe ông Hiến nói vậy, cả hai bà Từ Cung và Nam Phương đều tỏ lòng vui mừng và xin gửi lời cám ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    Bà Từ Cung thấy không cần hỏi thăm gì nhiều nên đứng dậy để lui về phòng, nhưng bà không quên ra lệnh cho bà Nam Phương ngồi tiếp chuyện.
    Thấy câu chuyện thăm hỏi tới đây cũng tạm đủ nên ông Hiến cũng cáo từ xin ra về. Bà Nam Phương tỏ ra lịch thiệp chân thành tiễn khách ra tận cổng cung An Định.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Re: Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by ThaoMy Sat Nov 30, 2013 12:20 am

    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang

    Chương 6





    Vào khoảng giữa tháng 12 năm 1946 tình hình chính trị và quân sự giữa Việt và Pháp đã tới giai đoạn căng thẳng. Những cuộc điều đình giữa Pháp và Việt không có kết quả nào như ý muốn của người Việt là Việt Nam phải được độc lập tự do hoàn toàn và thống nhất Nam – Trung - Bắc một nhà. Quân đội Pháp vừa trở lại chiếm đóng nhiều đô thị do quân đội Nhật đầu hàng Đồng minh đã bị quân Tưởng Giới Thạch tới giải và trao cho Pháp chiếm đóng. Tại Huế bà Nam Phương biết được nhiều tin tức từ nhiều người mang lại cho thế nào cuộc chiến tranh Việt – Pháp cũng nổ ra, chiến sự sẽ vô cùng khốc liệt.
    Tháng 3 năm 1946, Cố vấn Vĩnh Thuỵ đã đi sang Trung Quốc và được tin là ông ở lại bên đó cùng với Lý Lệ Hà. Ở Huế bà Nam Phương thấy tuyệt vọng, vì nếu ra Hà Nội thì ông Cố Vấn Vĩnh Thuỵ chưa chắc sẽ trở về đoàn tụ với gia đình, vì biết tánh ông Vĩnh Thuỵ nhẹ dạ và đa tình. Có thể ở Trung Hoa ông đã bị một số người ngoại quốc mua chuộc ông để dùng làm bình phong chính trị cho lá bài Việt Nam sau này, hoặc bị những người đẹp dụ dỗ ông ở lại ăn chơi cờ bạc để giải buồn vì ông đã mất ngai vàng rồi.
    Bà Từ Cung đã tản cư về vùng quê, còn bà Nam Phương và các con vẫn đang ở trong cung An Định. Bảo Long đang học ở Đà Lạt ở với bà bác (bà Didelot) thì cũng được đưa về Huế để sống chung với gia đình vì ở Đà Lạt sợ bị bắt cóc làm con tin của nhiều phía.
    Bà Nam Phương cũng nghĩ xa, nghĩ gần bây giờ ông Vĩnh Thuỵ đã bỏ đi rồi, tức là không còn giữ chức Cố vấn nữa. Như vậy chính phủ Việt Nam chưa chắc đã có hành động gì để giúp đỡ gia đình bà. Vì vậy bà phải tự tìm cách để sống giữa làn đạn bắt đầu nổ ở ngoài đường phố. Bà Nam Phương đã ngỏ ý thưa với bà Từ Cung là để quản lý thì hy vọng mũi tên hòn đạn không xen vào nhà thờ. Nhưng bà Từ Cung phản đối kịch liệt, và lúc đó giữa hai mẹ con, mẹ chồng và nàng dâu trở nên đối chọi nhau. Còn với chính quyền Cách mạng khi đó thì cũng không có thái độ gì khắt khe với hoàng gia và còn cho bộ đội canh giữ cung An Định nơi gia đình hoàng gia đang cư ngụ.
    Bây giờ biết đi đâu để lánh nạn? Giữa ngã ba đường: Ở lại cung An Định thì nguy vì chiến tranh hòn đạn, quả bom… không từ nơi nào. Còn đi tản cư về vùng quê thì cũng vất vả, nhất là quen nếp sống vương giả từ nhỏ, các con cái của bà Nam Phương cũng khó hoà nhập được với những đứa trẻ đồng quê. Còn đưa các con vào một trại lính của Pháp chiếm đóng để tạm trú thì cũng không được. Như vậy là con bà Hoàng tử Bảo Long sẽ hết hy vọng lên ngôi kế vị thân sinh, vì lại sa vào vết chân cũ mà thân sinh đã theo Pháp, may mà thân sinh được sự khoan hồng của Hồ Chủ tịch, của nhân dân, chứ không thì cũng theo chân Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngôi Đình Huân… đã bị nhân dân Huế xử tử rồi. Bây giờ chỉ còn có cách là cho Bảo Long vào trú ẩn trong nhà dòng Chúa Cứu Thế, nơi các linh mục người nước ngoài là Canada quản trị, một nước trung lập không theo Pháp hay Mỹ, Nga…
    Bà Nam Phương đã suy nghĩ kỹ, và bà cho Bảo Long đi trước rồi gia đình sẽ đi sau. Những ngày ở cung An Định những người lính bảo vệ, nhất là cán bộ chính trị viên của đơn vị canh gác tại cung An Định cũng biết ý định của bà Nam Phương sẽ không sớm thì muộn sẽ rời cung An Định đi một nơi nào đó để tránh nạn. Đã có lần người chính trị viên ngỏ ý phản đối kịch liệt về ý định bà Nam Phương đưa gia đình đi khỏi cung An Định, nhưng bà Nam Phương đã khéo léo giải thích với người cán bộ nên sau đó họ cũng làm ngơ để tuỳ bà quyết định lấy.
    Cung An Định chỉ cách nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế có một quãng ngắn, và cũng cách nhà thờ Thiên Hựu không xa, nơi quân đội Pháp đang chiếm đóng. Khi mới chạy vào nhà dòng Chúa Cứu Thế, mới đầu vị linh mục người Canada là cha Larouste bề trên nhà dòng thấy cả gia đình bà Nam Phương và các con vào đó, linh mục bề trên cũng lo ngại, vì sợ quân đội Việt Minh sẽ lấy cớ gia đình cựu hoàng ẩn trốn trong này thì họ sẽ đem quân đội tới giải thoát và làm khó dễ nhà dòng. Và cũng có thể họ sẽ bắt Bảo Long đi để khỏi lọt vào tay người Pháp dùng sau này.
    Ngay từ hôm được tạm trú ở nhà dòng, gia đình bà Nam Phương và các con đã biết hoà nhập vào đời sống tản cư, đầy người tứ xứ tới tạm trú. Tại tu viện có nhiều chúng sinh bằng tuổi Bảo Long, và cả những đứa trẻ ngoài đời cũng cùng gia đình chạy vào tạm trú trong nhà dòng nên Bảo Long tỏ ra rất thích được sống hoà đồng với những bạn trai cùng lứa tuổi nơi đây.
    Vốn nhà dòng đã quen biết thân thiết với hoàng gia từ nhiều năm trước, nhất là sáng nào bà Nam Phương cũng đi lễ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế, nên nay tới tạm trú nhà dòng đã dành riêng cho gia đình bà Nam Phương và 4 người con cùng một cô hầu phòng duy nhất đi theo gia đình bà. Đời sống tạm trong tu viện cũng thật gian khổ, sáng sáng các con bà phải tự đi tìm nước để rót vào ca đem rửa mặt.
    Cuộc chiến giữa Việt và Pháp thực sự nổ ra, quân đội hai bên đang dàn trận để chiến đấu rất khốc liệt. Tiếng súng nổ nhiều ngả đường, máy bay Pháp luôn luôn quần trên bầu trời Huế ngày đêm để thả dù tiếp tế và quân đội.
    Sau nhiều tuần lễ, tiếng súng chỉ nổ lẻ tẻ, quân đội Việt Minh bao vây những nơi quân đội Pháp trú đóng, còn Pháp thì chưa được tiếp tế quân đội tới để giải vây và tiếp tế súng đạn nhiều. Một bữa, Phòng Nhì Pháp đã cho người tới liên lạc với bà Nam Phương và cho biết nếu cuộc tấn công lớn xảy ra nay mai thì quân đội Việt Minh sẽ bắt cóc Bảo Long đi để họ đề phòng người Pháp trở lại Việt Nam thì họ sẽ dùng Bảo Long để tái lập nền quân chủ và đưa Bảo Long ra nhiếp chính trong khi Bảo Đại còn đang lưu vong ở xứ người. Và quân đội Pháp cũng chỉ biết nếu quân đội Việt Minh mà tấn công chiếm đóng nhà dòng thì quân đội Pháp sẽ tới đánh gỉải vây ngay.
    Nhà dòng thấy rất nguy kịch đến nơi nên đã bàn nhau là phải che dấu Bảo Long ngay từ bây giờ, và phải cắt tóc ngắn cho Bảo Long cùng đặt một cái tên mới cho Bảo Long là Nguyễn Ngọc Bảo để dễ trà trộn với những chúng sinh và những đứa trẻ đang trốn trong nhà dòng. Linh mục ở nhà dòng còn nghĩ đến cách cải trang cho mấy hoàng nữ ăn mặc theo lối con nông dân và người giúp việc cho nhà dòng, nhưng bà Nam Phương cũng còn lo nghĩ là không biết có bị lộ tông tích không?
    Những tiếng súng bắn sẻ vào nhà dòng làm những linh mục và những người đang trú ẩn trong đó lo sợ, còn bà Nam Phương thì cũng thấy tình thế nguy kịch đến nơi nên bà đã nghĩ: Nếu cứ ở trong nhà dòng thì cũng nguy đến nơi, còn chạy vào trại lính Pháp trú ẩn thì không thể được vì bà cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Minh và đã có lần hô hào nhân dân thế giới hãy ủng hộ Việt Nam để chống thực dân Pháp trở lại Đông Dương, nhất là chống quân đội Pháp đang chiếm đóng đất Nam bộ nơi quê hương bà đang bị bom đạn của giặc Pháp. Vì vậy bà Nam Phương đã nghĩ phải tìm đến một nơi nào trung lập, không phải trại lính Pháp. Và sau này Bảo Long còn kể lại: “Người Pháp cũng khéo chơi, thông qua các tu sĩ Cứu Thế, họ ra sức lung lạc tinh thần mẹ tôi. Cứ xem cách Việt Minh đối xử và che chở cho bà nội tôi, Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung lúc này đang đi tản cư, tôi thiết nghĩ rằng họ sẽ đến tìm và sẽ đón mẹ tôi và các em đi tản cư trong vùng họ kiểm soát. Bởi lẽ chúng tôi đứng về phía họ, họ sẽ càng được nhân dân ủng hộ” (Theo sđd của D. Grandclément).
    Thấy tính thế ở trong nhà dòng không ổn, tới tháng 4 năm 1947, bà Nam Phương quyết định rời nhà dòng nơi bà và gia đình đang tạm trú dưới sự che chở của các linh mục người Canada. Bấy giờ mà bà chấp nhận sự giúp đỡ của người Pháp, thì có nghĩa là dưới con mắt Việt minh, và của tất cả mọi người dân Việt Nam kể cả thế giới nữa, bà Nam Phương Hoàng hậu đã chạy theo gót chân người Pháp rồi.
    Còn Bảo Long, cũng tiết lộ sau này: “Nhưng nếu mẹ tôi ngả theo Việt Minh thì sao? Tôi cho rằng nếu được như vậy thì vị thế của Việt Minh trước người Pháp sẽ được củng cố khá mạnh và có thể máu sẽ đổ ít hơn. Việc mẹ tôi rời khỏi sự che chở của người Canada chắc chắn đã không giúp được gì cha tôi mà chỉ khiến ông càng dứt khoát rời khỏi Cụ Hồ. Về mẹ tôi, tôi thấy bà là một người phụ nữ hiền thục, có phẩm hạnh đáng quý, vào thời điểm thúc bách đó chỉ một mực lo làm sao cho các con được yên ổn, chứ không có tham vọng gì về chính trị. Và cũng có thể lúc này cha tôi đang ở quá xa, bà không có cách nào liên lạc được. Còn trường hợp cha tôi sau này thì khác, ông đã đắn đo rất nhiều trước khi quay về hợp tác với người Pháp.
    Không phải chỉ có bà Nam Phương lo sợ, mà chính các linh mục nhà dòng Chúa Cứu Thế lúc đó cũng lo ngại, nhưng họ không dám nói ra thôi. Và sau này, có người hỏi lại diễn tiến trong thời gian đó, thì linh mục Bề trên nhà dòng thời đó đã kể lại: “Chính các cha xứ Canada gốc Pháp hồi đó đã giảng giải cho bà Nam Phương thông cảm ý muốn của họ là gia đình bà nên rời nhà dòng để tránh phiền phức cho họ sau này.”
    Do người Pháp đã liên lạc với bà Nam Phương trước đó, nên đến nửa đêm quân đội Pháp đang cố thủ ở trường Thiên Hựu đã dàn quân ra ngoài đường để mở lối bảo vệ cho bà Nam Phương và gia đình chạy sang phía bên kia đường nơi có quân đội Pháp đang canh giữ. Và theo sự sắp đặt, đúng nửa đêm bà Nam Phương và các con cùng người hầu đã chờ sẵn ở trong cổng nhà dòng để chờ tín hiệu báo ra là đào tẩu. Cả gia đình mỗi người đeo một cái túi vải sau lưng để chứa những vật dụng cần thiết. Theo lời kể của gia đình bà Nam Phương thì: “Như thường lệ, Bảo Long là người đi đầu tiên. Phải chạy vài chục thước mới đến chỗ lính Pháp đang bố trí che chắn. Tại sao lại chọn Bảo Long đi đầu tiên? Rõ ràng ai cũng biết phải tận dụng yếu tố bất ngờ, người đi đầu sẽ không có nguy cơ bị dính đạn, như người thứ hai hoặc thứ ba, đối phương đã kịp đề phòng. Người Pháp cũng đã tính toán. Phải đảm bảo an toàn cho Bảo Long trước tiên để sau này còn có người giữ ngôi báu”. Và mọi người đã dự kiến nhiều biện pháp để đề phòng để tạo thuận lợi cho việc vượt qua được con phố, nhưng họ quên mất việc để cho Bảo Long cải trang, mà lúc đó lại vẫn để Bảo Long mặc chiếc quần soọc lửng màu trắng như mọi hôm, và như vậy sẽ tạo ra một vệt sáng trong đêm tối. Như vậy mục tiêu dễ bị lộ. Nhưng mặc kệ Bảo Long cứ nhắm một lối đi qua hàng rào thép gai bao quanh trường Thiên Hựu để chạy thục mạng, và suýt vấp té, nhưng cuối cùng th ì cũng qua được sang phía lính Pháp một cách an toàn. Sau đó bà Nam Phương cũng dắt mấy đứa con nhỏ chạy theo. Lúc đó bộ đội Việt Minh quá bất ngờ nên họ không phát hiện kịp để ngăn chặn được, hoặc họ còn nhân đạo nên không nỡ xả súng vào những người vô tội, nhất là có mấy đứa trẻ thơ. Khi đã chạy vào trường Thiên Hựu, nơi quân đội Pháp đang trú đóng thì có mấy xe bọc thép của quân đội Pháp đã tới nơi để bảo vệ và chờ lệnh sẽ đưa gia đình bà Nam Phương đi đâu đó.
    Người Pháp báo tin cho bà Nam Phương biết là chiến cuộc nay mai sẽ xảy ra ác liệt, khu nhà dòng Cứu Thế sẽ ở giữa hai làn đạn, rất nguy hiểm nên họ đã tìm được một nơi an toàn và kiên cố để đưa mẹ con bà Nam Phương tới lánh nạn trong Ngân hàng Đông Dương. Nơi này cũng là chỗ quen biết của bà Nam Phương vì bà đã gửi tiền bạc trong Nhà băng này, và vị Giám đốc Nhà băng cũng đã gặp bà Nam Phương một đôi lần rồi. Nhà băng tuy không phải là trại lính, nhưng nơi này có một hầm kiên cố dưới lòng đất đã xây để chứa bạc, vàng, châu báu… của khách hàng gửi trước đây. Nơi này bây giờ để mẹ con bà Nam Phương tạm ở được và an tâm.
    Theo như tài liệu của D. Grandclément đã tả thì: “Chiếc scout-car bọc thép qua ngã tư đại lộ Jules Ferry, quẹo trái, chạy tiếp một quãng trên đại lộ Clemenceau dọc theo bờ sông Hương, rồi vượt qua cổng vào sân. Xe gắn súng máy đỗ ngoài đường đợi. Bọn lính đi bảo vệ nhìn chăm chăm về phía thành nội bên kia sông, nơi đang tập trung lực lượng Việt Minh, cũng là nơi xuất phát các cuộc tiến công vào các vị trí Pháp ở bên này sông.
    “Trong sân, chiếc scout-car lăn bánh chầm chậm trên sỏi đến một nền cao, xây kín ba mặt nằm giữa nhà băng và dãy nhà phụ đằng sau, xa đường, bên ngoài không thể nhìn thấy được. Nhưng xe vừa dừng thì người lái thay đổi ý kiến, lui xe và dừng lại trước lối vào chính, chân cầu thang lớn, nơi ông Fafard, giám đốc nhà băng đang đứng đợi sẵn.
    “Bà Nam Phương đã biết ông này từ lâu. Hai năm trước đây, khi ông mới đến nhậm chức bà đã gặp hôm ông vào bệ kiến Nhà Vua. Bữa nay bà thấy ông có vẻ khô khan, nghiêm nghị hơn như thường lệ, trong ánh sáng lờ mờ lọt qua cửa bên trên gác lửng rồi xuống bậc tam cấp. Bà Nam Phương chú ý đưa mắt tìm bà Fafard nhưng chỉ thấy một mình ông đứng đó. Còn cả gia đình đang ở trên gác nấp sau cánh cửa chớp đóng kín. Các con ông bà Fafard vận quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng theo đúng tác phong của một gia đình công chức Pháp phải đối phó với tình huống bất hạnh. Cử chỉ gần như anh hùng mà không biết. Sẵn sàng được giới thiệu khi bà Hoàng hậu tới trú ẩn trong nhà băng.
    “Suốt chiều nay, khi được biết gia đình cựu Hoàng đế đến ẩn náu trong nhà mình các cô gái đã tập các cử chỉ đón chào sao cho cung kính, lễ phép. Chúng tập nhún chân khi nghiêng mình chào khách, ôn lại cách đi đứng, chào hỏi cho đúng phép tắc. Dù đang lúc chiến sự diễn ra ác liệt, các quả đạn trái phá 75 ly từ hoàng thành bên kia sông bắn qua đầu sang phía trường Thiên Hựu, các cô gái vẫn hớn hở rối rít chờ đón sự có mặt của gia đình Nhà Vua trong nhà mình. Những người trong gia đình ông chủ nhà băng Đông Dương ở Huế vẫn coi việc mẹ con bà Hoàng đến lánh nạn ở nhà mình là một vinh dự đặc biệt. Đối với họ, coi như không có chuyện Nhà Vua thoái vị. Ông Fafard thuộc phái ủng hộ chính phủ Vichy thân Đức, ông còn là bạn thân của Toàn quyền Decoux, không thể một sớm một chiều quên ngay hình ảnh về chế độ quân chủ cũ.” (Theo tư liệu của D. Grandclément, Nguyễn Văn Sự dịch, nxb Phụ Nữ).
    Sống tạm trú ở nhà băng Đông Dương được ít lâu, bà Nam Phương thấy thiếu thốn và cũng lo sợ nếu chiến tranh lan rộng không biết phe nào chiếm đóng được nhà băng, hay bắn phá vào nhà băng thì cũng nguy đến tính mạng của những người đang trú ẩn trong đó. Vì vậy bà Nam Phương lại nghĩ cách cho người liên lạc với người chị của bà đang ở Đà Lạt để có thể bà (Nam Phương) sẽ tìm đường đưa cả gia đình về Đà Lạt tạm sống qua ngày để tránh bom đạn.
    Vì vậy, bà Nam Phương lại tạm rời khỏi nhà băng Đông Dương để trở lại nhà dòng Chúa Cứu Thế tá túc vài ngày rồi tìm đường về Đà Nẵng và để từ đó nhờ máy bay vào Đà Lạt.
    Theo tài liệu SDECE- Service de Documentation Exterieure er Contre-Espionnage, của Cơ quan tình báo và phản gián Pháp, đã cho biết là họ đã đến thăm dò bà Nam Phương xem ý định của bà ra sao. Nhưng khi gặp bà Nam Phương, bà đã không có một lời ca tụng sự chiến thắng của người Pháp, nhưng bà Nam Phương lại nói: “Những hy sinh của tôi chẳng là gì cả so với những khổ cực hiện nay của nhân dân”. Đây là một câu nói chính trị và giáo điều.
    Ở nhà dòng mấy ngày thì có một đoàn xe quân đội Pháp tới để hộ tống cho một chiếc xe hàng chở gia đình bà Nam Phương, gồm mấy người con và người hầu đi kèm. Với những chiếc xe bọc thép, súng ống đầy đủ để bảo vệ xe dân sự đi từ Huế vào Đà Nẵng không bị quân đội Việt Minh phục kích ngăn chặn được. Nhưng trong khi đi bằng xe đò vì say xe nên Bảo Long và mấy công chúa bị nôn, chóng mặt và cảm sốt. Tới đỉnh đèo Hải Vân xe phải ngưng lại để chờ mấy tiểu thư và hoảng tử lấy lại sức khoẻ và uống thuốc cảm cho qua khỏi cơn sốt và ói mửa. Khi xe dừng lại, những chiếc xe bọc thép quay súng ra bìa rừng để bảo vệ nếu có du kích trong rừng rậm ra tấn công thì họ sẵn sàng trả đũa để ngăn chặn.
    Tới Đà Nẵng cả gia đình được vô sự tốt lành. Rồi từ Đà Nẵng bà Nam Phương xin đi nhờ máy bay của quân đội Pháp vào Đà Lạt. Vào tới Đà Lạt đáng lẽ gia đình bà tới ở biệt điện của Bảo Đại có sẵn, nhưng bà Nam Phương đã không ở đấy mà về về ở voíư bà chị ruột là bà Didelot cũng có một biệt thự lớn và đầy đủ tiện nghi. Ở Đà Lạt được ít tháng thì năm 1947 bà Nam Phương đưa các con sang Pháp sống.
    Tháng 7-1949, Pháp bê Bảo Đại về Việt Nam làm Quốc Trưởng. Sauk hi thành lập rồi giải tán Chính phủ Nguyễn Phan Long rồi Trần Văn Hữu đến Nguyễn Văn Tâm và tiếp theo là Bửu Lộc vẫn chưa ổn, năm 1954, trước áp lực của người Mỹ, Bảo Đại phải cử Ngô Đình Diệm về Sài Gòn thành lập Chính phủ mới.
    Trước khi về Sài Gòn, Ngô Đình Diệm còn hứa với bà Nam Phương và Bảo Đại là sau khi nhậm chức Thủ tướng, sẽ mời bà Nam Phương về làm phụ chính, sau đó sẽ cho Hoàng Thái tử Bảo Long lên nối ngôi và thiết lập nền quân chủ lập hiến giống như Anh quốc.
    Vì quyền lợi của Thái tử Bảo Long và cả tin, bà Nam Phương đã định khăn gói về nước. Nhưng Chính phủ Pháp vì không muốn bà Nam Phương tiếp tay cho Mỹ đã kịp thời ngăn chặn. Theo bà Mộng Điệp thứ phi của Bảo Đại kể với ông Nguyễn Đắc xuân thì có lẽ đây là âm mưu của Hồng y Spelman với Mỹ bày ra mà bà Nam Phương không hiểu hết ý nghĩa chính trị của nó. Cũng may bà Nam Phương đã không về, nếu không bà sẽ phải chuốc nỗi nhục bởi Ngô Đình Diệm về nước sau khi đã làm chủ được tình thế đã có kế hoạch lật lọng, dự định tổ chức một cuộc biểu tình phản đối và hạ nhục bà Nam Phương để qua đó hạ nhục Bảo Đại.
    Từ đó bà Nam Phương và các con không bao giờ có ý định trở lại Việt Nam nữa.
    Ấn tượng về Nam Phương hoàng hậu
    Bây giờ mà nhắc lại chuyện bà Hoàng hậu Nam Phương chắc chắn nhiều người, giới trẻ coi là huyền thoại. Nhưng với những người lớn tuổi, đã một thời sống ở Hà Nội, Huế hay Sài Gòn thi coi bà Nam Phương như thần tượng một thời, vì bà là một người phụ nữ có nụ cười bí hiểm như Mona Lisa, với khuôn mặt đài các mà chúng ta đã thấy in trên con tem năm 50-52 được phát hành tại Việt Nam (vùng chiếm đóng của quân đội Pháp). Chân dung bà Nam Phương Hoàng hậu bận quốc phục, đầu quấn khăn vàng, quả xứng đáng là “đệ nhất phu nhân”. Nhìn gương mặt bà mà không kiêu, hiền mà không tầm thường, dễ dãi. Nụ cười mỉm kín đáo nhưng không quá e lệ. Đôi mắt nhỏ mà tinh anh. Chiếc cổ tròn thon và cao hợp với khuôn mặt.
    Nếu chúng ta so sánh bà Nam Phương với những vị đệ nhất phu nhân trên thế giới, như Hoàng hậu xứ Monaca, Jackie Kennedy, phu nhân Tổng thống Juelde Marcos (Phi Luật Tân)… thì chắc chắn bà Nam Phương phải được chấm giải nhất. Nhất không phải vì sắc đẹp, mà nhất về tư cách, đạo đức và cách sống của bà từ ngày trở thành Hoàng hậu cho tới ngày tạ thế. Nếu có người chê trách Bảo Đại là “Ông vua giang hồ”… thì trai lại không thấy ai chê trách hay than phiền về bà Nam Phương.
    Ngoài đời theo lệ người ta thích được đánh giá tên tuổi, nên nếu ai có số lấy được người quyền cao chức trọng là nhất rồi, hơn nữa lại được làm vợ vua thì không cứ danh vị tột đỉnh mà ai cũng nghĩ là có nhiều tiền bạc châu báu. Nhưng với bà Nam Phương thì có nhiều người lại nói: Bảo Đại có diễm phúc mới lấy được bà M.Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương), vì bà xứng đáng là một “mẫu nghi” cuối cùng của Triều Nguyễn.
    Những năm đầu, người ta thấy Bảo Đại và Nam Phương sống thật hạnh phúc. Những ngày nghỉ lễ nhà vua thường đích thân lái xe hơi đưa bà Nam Phương đi đây đi đó, lúc thì đi tắm biển, lúc đi nghỉ mát.
    Ngoài việc phá lệ tấn phong danh hiệu Hoàng hậu cho Nam Phương và ra chỉ dụ đặc biệt cho phép bà bận sắc phục màu vàng, màu mà trước đây chỉ có vua mới được phép dùng, sau ngày cưới Bảo Đại còn cho thợ đúc đồng đúc tượng Nam Phương để giữ lại vẻ đẹp tuyệt thế giai nhân của bà. Bức tượng bà Nam Phương bán thân nặng 4,8kg, cao 30cm, ngang 22cm, đầu vấn khăn nhìn nghiêng về bên phải. Bức tượng nghe đâu hiện nay đang lưu lạc ở Kiên Giang.
    Và theo hồi ký của cụ Phạm Văn Bính, một thời đã làm bí thư cho Bảo Đại, cụ Bính đã kể lại: Trong đời bà Nam phương có hai kỷ niệm khó quên là ngày bà xuất hiện trước công chúng ở ngoài Bắc Việt khi ra khánh thành hội chợ tại Hà Nội và những ngày bà kẹt ở Huế năm 1945.
    Trong lần ra Hà Nội cùng với Bảo Đại, có một hôm khi lên xe bà đã đánh rơi chiếc hài và ông “Quan thị” Nguyễn Tiến Lãng lúc đó là bí thư riêng của bà Nam Phương, ông Lãng đã quỳ xuống nhặt chiếc hài, kính cẩn dâng lên để bà xỏ vào chân.
    Theo nhận định của chúng tôi thì bà Nam Phương Hoàng hậu có một số cái nhất (đầu tiên) như sau:
    - Là bà hoàng Tây học đầu tiên của triều Nguyễn, ảnh hưởng nếp sống nếp nghĩ phương Tây, song bà vẫn là dâu hiền của triều Nguyễn. Ngoài việc dạy dỗ con cái, lo việc gia đình, Hoàng hậu Nam Phương còn phải cùng với bộ Lễ lo lễ tiết, cúng kỵ trong Nội, thăm hỏi các bà Tiên Cung, Thánh Cung (bà nội của Bảo Đại), bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại)…
    - Là bà hoàng đầu tiên xuất cung tham gia các hoạt động xã hội, như thăm cô nhi viện, trường nữ trung học Đồng Khánh, Nữ công học hội. Hằng năm, vào dịp cuối niên học bà thường đến nhà tiếp tân L’Accueil phát phần thưởng danh dự cho các học sinh giỏi Trung Kỳ. Nhờ những hoạt từ thiện mà bà Nam Phương không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được các tổ chức quốc tế biết đến như Hội chữ thập đỏ quốc tế, Viện Hàn lâm Pháp…
    - Là đệ nhất phu nhân đầu tiên ở nước ta cùng nhà vua đón tiếp khách quốc tế.
    - Là phụ nữ Công giáo đầu tiên ở nước ta có ngôi vị Hoàng hậu.
    Năm 1949, Bảo Đại trở về Việt Nam ngồi ghế “Quốc trưởng”, nhưng bà Nam Phương vẫn ở bên Pháp… Những ngày nghỉ lễ, bà Nam Phương thường đi phố cùng các con để mua đồ chơi cho chúng hoặc đi coi chớp bong với Hoàng tử Bảo Thắng, Công chúa Phương dung là hai người con nhỏ nhất. Tại Pháp ban đầu bà Nam Phương ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Ở đây, bà Nam Phương cho con cái nhập học trường Couvent des Oiseaux, trường này mà trước đó bà Nam Phương đã theo học tới khi về lấy chồng.
    Cũng có những lúc Bảo Đại về Pháp, bà Nam Phương cùng đi với Bảo Đại tới Casino để xem ông chơi baccarat, hoặc roulette cho vui. Những lần có bà cùng đi, nếu được bạc thì Bảo Đại tặng hết cho bà để sắm sửa quần áo. Nam Phương Hoàng hậu ưa thời trang của hang Christian Dior và Balmin. Bà cũng là một người rất sành điệu ăn mặc và màu tím nhạt là màu bà ưa thích nhất. Có lẽ vì cuộc đời của bà buồn nhiều hơn vui nên bà đã chọn màu tím chăng.
    Hàng ngày sinh hoạt của bà là chăm lo cho các con hay đọc sách báo hoặc ra vườn trồng hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích đánh dương cầm cho các con nghe. Bà cũng là người ưa mỹ thuật. Trong phòng bà người ta thấy treo những bức họa của Renoir, Buffet. Bà không thích tranh lập thể của Picasso vì tâm hồn bà không hợp với trường phái hội họa này cũng như siêu thực. Bà rất thích nuôi chó. Trong nhà bà có cả một đàn chó, và trong đó có một con thuộc giống Saint Berard, loại chó to như con cọp, loại chó này để sử dụng tìm người mất tích trong rừng, trong khi đi trượt tuyết. Về thể thao bà có thể chơi bong bàn, quần vợt, và golf nhưng không giỏi lắm.
    Sau năm 1955, Bảo Đại trở thành phế đế nên ông buồn bỏ nhà đi giang hồ và để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy người con. Khi đó các con bà đã lớn, mỗi người đi làm một nơi. Những năm sau này bà Nam Phương rời lâu đài Thorenc ở Cannes để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac thuộc vùng Trung Tây nước Pháp, cách Paris chừng bốn năm trăm cây số. Nơi này có một trang trại lớn của riêng bà Nam Phương mà trước đây gia đình bà (ông bà Nguyễn Hữu Hào) đã tậu cho. Nhà của bà ở cách biệt với những nhà dân ở vùng này, vì là làng quê nên mọi người ít có dịp giao thiệp với nhau.
    Những ngày gần đất xa trời mà thấy Bảo Đại còn đi giang hồ nên bà Nam Phương đã chọn một nơi yên tĩnh để sống những ngày cuối đời được thanh thản. Và đã có lần bà Nam Phương ngỏ ý được trở về Việt Nam để được chết và an tang bên cạnh hai mộ thân sinh và thân mẫu ở Đà Lạt. Nhưng Bảo Đại và các con của bà phản đối không cho bà về.
    Về đời sống vật chất thì bà Nam Phương không lúc nào thiếu thốn khi sống ở xứ người. Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào tậu cho bà gồm một chung cu lớn tại Neuilly và một chung cư ở đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo… Nhưng những bất động sản này bà không quan tâm mà đã chia cho các con mỗi đứa một phần riêng, bà chỉ giữ lại trang trại ở Charbrignac, gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần trăm con và một vườn hồng lúc nào cũng nở hoa rất đẹp.
    Những người dân ở gần nhà bà Nam Phương cho biết rất ít khi thấy ông Bảo Đại trở về đây thăm vợ con. Họa hoằn lắm một năm mới có một, hai lần ông ghé về rồi lại đi ngay. Duy nhất trong dịp đám cưới Công chúa Phương Liên thì cựu Hoàng có vé để cùng bà Nam Phương đứng chủ hôn cho cô Phương Liên rồi mấy ngày sau ông lại biến mất.
    Chết nơi xứ người
    Những năm sau này bà Nam Phương ít đi ra ngoài và gặp gỡ ai. Cũng có đôi khi bà Nam Phương đi Paris để thăm các con đang học và làm ăn ở đó. Và ngược lại những dịp hè thì các con có về đây thăm mẹ ở ít ngày chơi với bà cho bà khỏi buồn. Thời gian này bà bị bệnh tim nặng làm khó thở. Ngày 14 tháng 9 năm 1963, sau khi ra nắng bị cảm lại đi tắm bà bị sốt cao, vì bệnh viện ở xa, bác sĩ không tới kịp nên bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều. Lúc bà lâm chung ngoài hai người giúp việc không có ai là ruột thịt bên cạnh. Các con bà lúc đó đang đi học hoặc làm việc tại Paris, còn Bảo Đại thì đang sống tại miền Nam nước Pháp.
    Khi được tin bà Nam Phương tạ thế ông Bảo Đại có trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại ván quý giá nhất của người Pháp để an tang người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức… tới cuối đời không để lại một sự chê trách hay than phiền của mọi người. Ngay cả ông Bảo Đại cũng chưa bao giờ dám trách vợ về việc trai gái, vì kể từ ngày ly thân với Bảo Đại, bà Nam Phương không có một người nhân tình nào, dù là đi khiêu vũ hay đi tắm biển với một người đàn ông nào khác. Có lẽ bà Nam Phương được sinh ra trong một gia đình đạo đức nên bà giữ đạo rất nghiêm khắc ngay cả với các con của bà nữa.
    Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo, và tổ chức rất đơn giản. Đám tang vỏn vẹn chỉ có mặt Bảo Đại, các Hoàng tử, Công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị Tỉnh trưởng và dân biểu địa phương bà Nam Phương cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ. Đặc biệt có sự tham dự của Công chúa Như Lý, là con gái của vua Hàm Nghi. Công chúa Như Lý cũng ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ, nhưng chưa bao giờ khi bà Nam Phương còn sống bà Như Lý tới thăm, mà duy nhất lần này bà Nam Phương tạ thế Công chúa tới dự đám tang.
    Linh cữu của bà Nam Phương được an táng ngay nghĩa trang Công giáo tại Chabrignac. Trên mộ của bà có tấm bia ghi những dòng chữ:
    Ici Repose l’Imperatrice d’Anamnée
    Jeanne-Mariette Nguyen Huu Hao
    (4-12-1914 – 15-9-1963)
    Và mặt sau bia mộ có viết dòng chữ Hán:
    “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ”
    (Dịch là: Mộ phần của bà Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).
    Chúng tôi đã so sánh nhiều tư liệu thấy dòng chữ ghi trên bia mộ của bà Nam Phương có mấy điểm khác nhau như:
    Ngày tạ thế của bà Nam Phương là khoảng 5 giờ chiều ngày 14 tháng 9 năm 1963 mới đúng. Nhưng trên mộ bia lại viết là ngày 15-9-1963. Và theo ông Nguyễn Đắc Xuân viết, năm 1988(?) ông Xuân đã tới thăm mộ bia viết dòng chữ Pháp với tên bà Nam Phương như sau:
    Ici repose l’Imperatric d’Annamnée
    Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao.
    Nhưng tới năm 1999, ông Tôn Thất An Cựu có đến thăm mộ bà Nam Phương thì lại thấy mộ bia ghi là:
    “Ici repose l’Imperatric d’Annamnée
    Marie Thérèse Nguyen Huu Thi Lan”
    (Có nghĩa “ Đây là nơi an nghỉ của bà Hoàng Hậu Việt Nam tên Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan).
    Còn ngày ghi trên mộ bia, lẽ ra phải ghi ngày 14-9-1963 mới đúng. Còn ngày 15-9-1963 là ngày an táng bà Nam Phương.
    Nghe nói, trước đây mấy năm mộ của bà Nam Phương đã bị kẻ lạ mặt đêm tôi vào đào nhiều lỗ để tìm của cải vàng bạc châu báu xem bà có mang theo không. Và chúng có lấy được gì thì không ai biết rõ, chỉ có gia đình con, cháu bà mới biết mà thôi.
    Mộ phần của thân sinh và thân mẫu của bà Nam Phương là ông bà Nguyễn Hữu Hào được chôn cất ở Đà Lạt rất nguy nga, như một cái lăng, vì được xây cất trên cao, có bậc đá đi lên mộ, nhưng trước đây có kẻ lạ mặt đã đào lên để tìm báu vật.
    Thật buồn cho số phận bà Nam Phương, lúc trẻ thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng. Vậy mà cuối đời bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở cái tuổi còn khá trẻ. Bà Nam Phương Hoàng hậu sinh năm 1914 và mất năm 1963, khi vừa được 49 tuổi, cái tuổi theo người Việt gọi là tuổi xui, như dân gian thường nói : “Bốn chín chưa qua năm ba đã tới”.
    Tuy nhiên, với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình, dù bà Nam Phương Hoàng hậu mất đã lâu nhưng những câu chuyện về cuộc đời của bà sẽ vẫn còn được người đời nhắc tới.
    Lý Nhân PHAN THỨ LANG
    TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
    - Trong khuê phòng, Tuần báo từ 1930 – 1939, Sài Gòn.
    - Con rồng An nam, Hồi ký của Bảo Đại, bản Việt ngữ của Nguyễn Phước tộc dịch và xuất bản tại Mỹ năm 1990
    - Hồi ký của Phạm Văn Bính, Bản thảo chưa in, Sài Gòn 1970
    - Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe, NXB Thuận Hóa, Huế 1986
    - Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Hồi ký của Phạm Khắc Hòe, NXB Hà Nội, 1983
    - Chuyên nội cung Cựu hoàng Bảo Đại, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế 1999
    - Chuyện các bà trong cung Nguyễn, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế 1996
    - Bảo Đại ou les dernieres jours de l’Empirer d’Annam par D.Grandclément, J.C.Lattès 1997. Bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Văn Sự - Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, NXB Phụ Nữ, Hà Nội 2006
    - Những nẻo đường cách mạng của Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng, Y Việt xuất bản, Paris 1989
    - Indochinne Hebdomadaire lllustré, từ số 1 đến số 200 (1938 – 1993)
    - Việt Nam khảo cổ, Tập san, số 5-1968, Sài Gòn
    - Tử Vi nghiệm lý (Lý mệnh học) của Thiên Lương, Sài Gòn 1974
    - Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh, Sài Gòn 1969
    - Bí mật hậu trường chính trị miền Nam (1954-1975) tập 2, của Đặng Văn Nhâm, xuất bản tại Mỹ 1999
    - Và một số báo tạp chí xuất bản tại Việt Nam từ 1930 đến 2005
    Tác giả Lý nhân PHAN THỨ LANG
    Tên thật Phan Kim Thịnh
    Sinh năm Mậu Dần
    Quê quán : Thọ mai – Lý Nhân – Hà Nam
    Bút hiệu : Lý Nhân, Phan Thứ Lang
    Từng là Thư ký tòa soạn Nguyệt san Quê Hương (Sài Gòn 1960-1962)
    Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Văn Học (Sài Gòn 1962-1975)
    TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
    - Một phù thủy làm quân sư cho Ngô Đình Diệm, NXB Văn Học, Sài Gòn 1970
    - Trần Lệ Xuân – giấc mộng chính trường, NXB Công an nhân dân, 1998
    - Bảo Đại – vị vua triều Nguyễn cuối cùng, NXB Công An nhân dân, Hà Nội 1999
    - Thiệu – Kỳ, một thời hãnh tiến, một thời suy vong, NXB Công An nhân dân, 2002
    - Sài gòn vang bóng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2002
    - Giai thoại và sự thật về Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn, NXB Đà Nẵng – 2002; NXB Văn Nghệ (tái bản có sửa chữa và bổ sung), Tp.HCM, 2006
    - Nguyễn Cao Kỳ - đứa con trở về đất mẹ, NXB CAND, Hà Nội 2006

    Sponsored content


    Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn Empty Re: Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Fri Nov 15, 2024 10:51 am