Giếng thần thờ rắn báo ân ở Thanh Hóa
Giếng nằm giữa khu vực dân cư đông đúc của làng Chiềng, xung quanh có bốn cây si cổ thụ với hình thù uốn lượn, như những con mãng xà dũng mãnh.
Đôi giếng thần nam, nữ ở huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cách thành phố Thanh Hóa chừng 100 km. Con đường gấp khúc, quanh co dẫn tới làng Chiềng (xã Cẩm Quý), dưới chân núi Ái Nàng, toát lên vẻ đẹp nguyên sơ giữa chốn sơn cước.
Theo ông Bùi Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, chuyện chàng rắn báo ân bố nuôi bằng đôi giếng “thần” đã được người làng Chiềng truyền tai nhau qua bao thế hệ. Dù ngày nay, ánh sáng khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nhưng câu chuyện về chàng rắn ở làng Chiềng vẫn được bà con gìn giữ, coi đó như một nét văn hóa của làng.
Đôi giếng “thần” ở làng Chiềng.
Ông Cao Văn Nguyệt (đời thứ 6 của dòng họ Cao Văn) kể rằng, xưa kia ở làng Chiềng có một người tên là Cao Thuật, làm nghề kéo vó kiếm sống qua ngày. Một đêm nọ, ông đưa vó xuống kéo ở một vũng nước sâu. Đêm đã khuya mà chưa được con cá nào, ông định sau mẻ vó cuối sẽ ra về thì bất chợt vớt được một quả trứng to bằng quả trứng ngan.
Nghĩ quả trứng đó không ăn được, ông liền vứt đi, mang vó ra chỗ khác kéo. Lạ thay, lần này ông lại vớt được quả trứng. Ông Cao Thuật bực mình liệng quả trứng ra xa. Ông đặt vó mấy lần nữa, hy vọng có được chút cá, tôm, nhưng lần nào kéo vó lên cũng thấy vẫn là quả trứng đó. Cho là chuyện lạ, ông Cao Thuật mang trứng về nhà, cho gà ấp.
Khoảng một tháng sau, một ngày trời đang yên lặng bỗng tối sầm, sấm chớp đùng đùng nổi lên, đàn gà trong chuồng kêu thảng thốt. Ông Cao Thuật vội chạy lại chỗ chuồng gà thì thấy có một con rắn trắng tinh, đang nằm cuộn tròn trong ổ. Sợ có điều không lành, ông mang con rắn vứt đi, nhưng khi về đến nhà thì đã thấy con rắn nằm quấn tròn trên xà nhà.
Theo bà Cao Thị Hương (65 tuổi, người làng Chiềng), chuyện về rắn thần là có thật.
Ba lần vứt rắn đi không thành, ông chấp nhận nuôi nó. Hằng ngày ông thường gọi rắn bằng con, xưng bằng bố. Ông nuôi con rắn và bắt tôm cá về cho nó ăn. Khi tuổi đã cao, ông nói với rắn rằng không còn đủ sức nuôi rắn nữa, hai bố con đồng ý đi tìm nơi sống mới cho rắn. Đi mãi, cuối cùng hai cha con đã chọn được một con sông, ngày nay có tên là sông Ngang (nằm tiếp giáp với địa phận huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).
Khi ra về, ông dặn dò rắn ở lại, đừng quấy phá dân làng. Chàng rắn đã khóc, đồng thời hỏi bố nuôi mong ước điều gì, để đền ơn công dưỡng dục. Thấy làng mình quanh năm khô hạn, ông lão nói: “Con hãy cho làng một nguồn nước không bao giờ cạn, để bà con đỡ khổ, xem như con đã báo đền ơn bố”. Khi về đến làng, trời bỗng tối sầm, ông lão thấy từ hai miệng giếng nước ùn lên ngập tràn. Nước chảy ngày càng mạnh, cá tôm tuôn ra nhiều vô số kể. Cũng từ đó, quanh năm làng Chiềng không thiếu nước.
Ông Cao Văn Nguyệt cẩn trọng mang cuốn gia phả ra cho tôi xem, đó là một cuốn sách ngả màu vàng, trên có đóng dấu đỏ và các con chữ bằng tiếng Hán. Sau khi dịch ra, đem so sánh với các câu chuyện mà bà con truyền miệng thì hoàn toàn trùng khớp. Trong gia phả có ghi: “Vào 8/11 năm thứ 3 đời vua Duy Tân, vua đã phong cho rắn là Phong Vương Hạ đẳng thần”.
Ông Cao Viết Cẩm (60 tuổi), một người dân địa phương kể rằng, trước đây đôi giếng hoàn toàn bằng đất. Năm 2001, bà con làng Chiềng đã đóng góp xây dựng lại giếng và khuôn viên xung quanh. Trong quá trình làm, tốp thợ vô ý làm vãi một ít hồ xuống giếng, chỉ một lát sau, nước tại hai giếng đục ngầu, sóng rất mạnh, bọt tung lên trắng xóa, khiến cho nhiều người hốt hoảng. Các cụ cao niên trong làng vội vã sắm lễ vật mong “thần rắn” xá tội.
Kiệu rước “thần rắn”.
Ông Cao Văn Nguyệt cho hay, hàng năm cứ vào ngày 15/1 âm lịch là dân làng rước kiệu về giếng tế “thần rắn”. Muốn làm vệ sinh trong lòng giếng nhất thiết phải là người đức cao, vọng trọng trong dòng họ Cao Văn, khi làm lễ phải có nắm cỏ, miếng trầu xuống thưa lễ, lúc đó giếng mới ngừng trào nước.
Nhưng giếng cũng chỉ “tắc” trong một tiếng đồng hồ mà thôi. Đặc biệt, người ngoài dòng họ thì không làm sao cho giếng cạn được. “Theo thông lệ hàng năm cứ vào 25 tháng giêng, từ đáy giếng lại lộn lên bùn cát, làm cho nước đục ngầu. Dọn giếng phải chọn hôm nào trăng sáng nhất, làm vào 12h đêm…”, ông Nguyệt nói.
Cứ mỗi dịp giao thừa, người dân làng Chiềng lại tụ tập tại giếng đốt lửa, nhảy múa, hát hò. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất trong làng sẽ dâng một mâm cỗ gồm một con gà tơ, xôi, hoa quả để làm lễ cúng “thần rắn”. Sau đó mọi người tuần tự lấy một ít nước mang về nhà để cầu may đầu năm. Những năm gần đây, không chỉ người dân làng Chiềng mà dân một số nơi khác cũng về đây lấy nước từ đôi giếng mang về nhà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Theo Gia Đình & Xã Hội
Giếng nằm giữa khu vực dân cư đông đúc của làng Chiềng, xung quanh có bốn cây si cổ thụ với hình thù uốn lượn, như những con mãng xà dũng mãnh.
Đôi giếng thần nam, nữ ở huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cách thành phố Thanh Hóa chừng 100 km. Con đường gấp khúc, quanh co dẫn tới làng Chiềng (xã Cẩm Quý), dưới chân núi Ái Nàng, toát lên vẻ đẹp nguyên sơ giữa chốn sơn cước.
Theo ông Bùi Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, chuyện chàng rắn báo ân bố nuôi bằng đôi giếng “thần” đã được người làng Chiềng truyền tai nhau qua bao thế hệ. Dù ngày nay, ánh sáng khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nhưng câu chuyện về chàng rắn ở làng Chiềng vẫn được bà con gìn giữ, coi đó như một nét văn hóa của làng.
Đôi giếng “thần” ở làng Chiềng.
Ông Cao Văn Nguyệt (đời thứ 6 của dòng họ Cao Văn) kể rằng, xưa kia ở làng Chiềng có một người tên là Cao Thuật, làm nghề kéo vó kiếm sống qua ngày. Một đêm nọ, ông đưa vó xuống kéo ở một vũng nước sâu. Đêm đã khuya mà chưa được con cá nào, ông định sau mẻ vó cuối sẽ ra về thì bất chợt vớt được một quả trứng to bằng quả trứng ngan.
Nghĩ quả trứng đó không ăn được, ông liền vứt đi, mang vó ra chỗ khác kéo. Lạ thay, lần này ông lại vớt được quả trứng. Ông Cao Thuật bực mình liệng quả trứng ra xa. Ông đặt vó mấy lần nữa, hy vọng có được chút cá, tôm, nhưng lần nào kéo vó lên cũng thấy vẫn là quả trứng đó. Cho là chuyện lạ, ông Cao Thuật mang trứng về nhà, cho gà ấp.
Khoảng một tháng sau, một ngày trời đang yên lặng bỗng tối sầm, sấm chớp đùng đùng nổi lên, đàn gà trong chuồng kêu thảng thốt. Ông Cao Thuật vội chạy lại chỗ chuồng gà thì thấy có một con rắn trắng tinh, đang nằm cuộn tròn trong ổ. Sợ có điều không lành, ông mang con rắn vứt đi, nhưng khi về đến nhà thì đã thấy con rắn nằm quấn tròn trên xà nhà.
Theo bà Cao Thị Hương (65 tuổi, người làng Chiềng), chuyện về rắn thần là có thật.
Ba lần vứt rắn đi không thành, ông chấp nhận nuôi nó. Hằng ngày ông thường gọi rắn bằng con, xưng bằng bố. Ông nuôi con rắn và bắt tôm cá về cho nó ăn. Khi tuổi đã cao, ông nói với rắn rằng không còn đủ sức nuôi rắn nữa, hai bố con đồng ý đi tìm nơi sống mới cho rắn. Đi mãi, cuối cùng hai cha con đã chọn được một con sông, ngày nay có tên là sông Ngang (nằm tiếp giáp với địa phận huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).
Khi ra về, ông dặn dò rắn ở lại, đừng quấy phá dân làng. Chàng rắn đã khóc, đồng thời hỏi bố nuôi mong ước điều gì, để đền ơn công dưỡng dục. Thấy làng mình quanh năm khô hạn, ông lão nói: “Con hãy cho làng một nguồn nước không bao giờ cạn, để bà con đỡ khổ, xem như con đã báo đền ơn bố”. Khi về đến làng, trời bỗng tối sầm, ông lão thấy từ hai miệng giếng nước ùn lên ngập tràn. Nước chảy ngày càng mạnh, cá tôm tuôn ra nhiều vô số kể. Cũng từ đó, quanh năm làng Chiềng không thiếu nước.
Ông Cao Văn Nguyệt cẩn trọng mang cuốn gia phả ra cho tôi xem, đó là một cuốn sách ngả màu vàng, trên có đóng dấu đỏ và các con chữ bằng tiếng Hán. Sau khi dịch ra, đem so sánh với các câu chuyện mà bà con truyền miệng thì hoàn toàn trùng khớp. Trong gia phả có ghi: “Vào 8/11 năm thứ 3 đời vua Duy Tân, vua đã phong cho rắn là Phong Vương Hạ đẳng thần”.
Ông Cao Viết Cẩm (60 tuổi), một người dân địa phương kể rằng, trước đây đôi giếng hoàn toàn bằng đất. Năm 2001, bà con làng Chiềng đã đóng góp xây dựng lại giếng và khuôn viên xung quanh. Trong quá trình làm, tốp thợ vô ý làm vãi một ít hồ xuống giếng, chỉ một lát sau, nước tại hai giếng đục ngầu, sóng rất mạnh, bọt tung lên trắng xóa, khiến cho nhiều người hốt hoảng. Các cụ cao niên trong làng vội vã sắm lễ vật mong “thần rắn” xá tội.
Kiệu rước “thần rắn”.
Ông Cao Văn Nguyệt cho hay, hàng năm cứ vào ngày 15/1 âm lịch là dân làng rước kiệu về giếng tế “thần rắn”. Muốn làm vệ sinh trong lòng giếng nhất thiết phải là người đức cao, vọng trọng trong dòng họ Cao Văn, khi làm lễ phải có nắm cỏ, miếng trầu xuống thưa lễ, lúc đó giếng mới ngừng trào nước.
Nhưng giếng cũng chỉ “tắc” trong một tiếng đồng hồ mà thôi. Đặc biệt, người ngoài dòng họ thì không làm sao cho giếng cạn được. “Theo thông lệ hàng năm cứ vào 25 tháng giêng, từ đáy giếng lại lộn lên bùn cát, làm cho nước đục ngầu. Dọn giếng phải chọn hôm nào trăng sáng nhất, làm vào 12h đêm…”, ông Nguyệt nói.
Cứ mỗi dịp giao thừa, người dân làng Chiềng lại tụ tập tại giếng đốt lửa, nhảy múa, hát hò. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất trong làng sẽ dâng một mâm cỗ gồm một con gà tơ, xôi, hoa quả để làm lễ cúng “thần rắn”. Sau đó mọi người tuần tự lấy một ít nước mang về nhà để cầu may đầu năm. Những năm gần đây, không chỉ người dân làng Chiềng mà dân một số nơi khác cũng về đây lấy nước từ đôi giếng mang về nhà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Theo Gia Đình & Xã Hội