Kỳ lạ chú trâu có trái tim người
Người ta cứ nghĩ con trâu chỉ biết “cặm cụi” làm việc, không biết thể hiện cảm xúc. Nhưng có một con trâu hiểu ý người, biết cười khi chủ trêu đùa, khóc khi có khách hỏi mua.
Con trâu là hình tượng phổ biến trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt Nam. Nó là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt không thể nào quên.
Người ta cứ nghĩ con trâu chỉ biết “cặm cụi” làm, không biết thể hiện cảm xúc. Nhưng có một con trâu biết làm theo những gì chủ bảo, biết cười khi chủ nó trêu đùa và biết khóc khi có khách hỏi mua. Đó là con trâu của gia đình ông Trương Văn Ngơi, ở Nho Quan, Ninh Bình.
Con trâu này giống đực nên được gia đình ông đặt tên là Đực. Đực được các thành viên trong gia đình ông Ngơi xem là bạn, là con cháu trong nhà bởi nó hiểu được mọi người nói gì, biết nghe lời chủ dạy. Đặc biệt, Đực được xem là bạn tâm giao, tri kỷ, là đôi chân của anh Trương Văn Thành, con trai thứ của vợ chồng ông Trương Văn Ngơi.
Ông Trương Văn Ngơi và vợ đều tham gia cách mạng, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Vết thương chiến tranh không chỉ găm trên thân thể ông, nó còn hằn sâu trong cơ thể người con trai thứ. Vì chất độc da cam, từ khi còn trong bụng mẹ, anh Trương Văn Thành đã bị liệt hai chân.
Từ nhỏ Thành đã phải đi bằng tay. Lê lết trong nỗi buồn và mặc cảm tàn tật. Cho đến một ngày ông trời đã bù đắp lại cho anh không chỉ có một đôi chân mà có tới hai đôi chân. Hai đôi chân đen láy của con trâu Đực.
Con Đực có gốc là trâu Mura Ấn độ. Nó sở hữu tới 9 khoáy cửu long gồm 4 khoáy ở mỗi bên nửa thân và 1 khoáy trên đỉnh đầu.
10 năm kể từ ngày con trâu ra đời, cũng từng ấy năm, Thành có thêm một người bạn tâm sự hàng ngày. Đi đâu anh cũng mang trâu theo. Nó rất ngoan, bảo gì cũng làm nên anh bắt đầu dạy nó.
Nhà Thành vốn có nghề đi xe trâu. Cái xe trâu khi chở đầy hàng thường nặng đến trên một tấn. Để có thể nhấc được eo càng xe lên vai cho trâu kéo cần phải tới hai người lớn đỡ. Vậy mà Thành chỉ cần ngồi, hô và con trâu đã tự nhấc càng bỏ lên vai mình gọn gàng như một diễn viên xiếc.
Chiếc xe trâu còn lùi được như một cái ô tô. Bình thường muốn lùi xe, người điều khiển phải nhảy xuống đất mà kéo thừng, lôi trâu đi giật ngược về phía sau. Thế mà Thành cứ điềm nhiên ngồi trên càng xe, giật nhẹ dây thừng là nó lùi thẳng tắp, chuẩn xác đến từng gang tay.
Ngoài ra, con Đực còn biết lấy sừng cài vào gốc sắn để bẩy củ lên, khéo léo chẳng kém gì bàn tay người. Vậy là từ đó Thành hành nghề xe trâu. Nhìn từ xa chẳng thấy bóng chủ đâu mà chỉ thấy bóng trâu cứ lầm lũi làm hệt như có một người tí hon ngồi trong tai trâu mà ra lệnh như trong truyện cổ tích.
Đã có hàng chục lần, người ta đến hỏi mua trâu. Thậm chí có người từng trả hơn 100 triệu đồng nhưng gia đình anh Thành không bán. Đó là một số tiền quá lớn đối với một hộ nghèo như gia đình anh, vì trong nhà anh thứ nhiều tiền nhất là cái xe lăn, được hỗ trợ từ một tổ chức từ thiện. Nhưng thứ quý giá nhất đối với cả nhà, lại chính là con Đực.
Thật dễ hiểu khi anh không muốn bán con trâu. Nó đã ở nhà anh 10 năm, đã cùng anh làm biết bao nhiêu việc. Nó hiểu anh muốn gì và chiều theo ý muốn ấy. Một người bạn tâm giao xóa tan cái u tối trong tâm trí mặc cảm tàn tật của anh. Nó giúp anh hiểu được giá trị của cuộc sống, giá trị của lao động, của sự tàn mà không phế.
4 năm trước, vợ anh Thành mang bầu. Sau cả chục lần kiểm tra dị tật, thai nhi bình thường, gần 1 năm sau, đứa con trai chào đời lành lặn trong niềm vui của cả nhà. Từ đây, anh Thành có thêm nhiều niềm vui mới nhưng con Đực vẫn luôn nằm trọn trong trái tim của anh cũng như của cả nhà, từ ông bà, bố mẹ...
Theo ông Khơi, hơn 40 năm qua, đã có 3 thế hệ của con trâu Đực ở với gia đình ông. Chúng đã lớn lên cùng các con và cháu ông. Và chúng cũng chứng kiến biết bao buồn vui của chủ.
Nhiều năm về trước, khi gia đình đang nuôi con trâu bà của con Đực bây giờ thì ông Khơi lâm bệnh nặng. Khi đó, gia đình đã chuẩn bị tâm lý lo hậu sự. Có người đến bảo với gia đình về việc đang nuôi một con trâu lạ, nếu nó còn thì ông mất và ngược lại.
Cả gia đình lo chữa bệnh cho ông mà quên mất điều ấy. Rồi đột nhiên, con trâu năm ấy bị bệnh, đang trong lúc khỏe mạnh nhất thì khụy cả 4 chân xuống mà không dạy nổi. Nó chết. Và ông Ngơi khỏi bệnh về nhà cho đến giờ.
Đó là câu chuyện cả nhà ông chưa bao giờ nói với ai. Và cũng từ đấy ông tâm niệm, cho đến khi ông chết, không cho bán trâu, với bất kỳ giá nào.
Minh Hiếu