Kỳ lạ làng 'người rừng' bôi phân trâu lên người ở Tây Nguyên
Trước khi nhảy xuống suối tắm, mình phải múc bùn dưới ruộng lúa, phân trâu đổ vào ổ con trâu thường nằm để tắm, bôi lên người.
Tắm bùn đuổi ma rừng
Tôi lên Tây Nguyên vào những ngày đầu mùa mưa, rừng cây sũng nước, không biết do mưa hay sương đêm còn đọng. Những con đường ướt át, bầu trời sà thấp, cảm giác như chỉ cần đưa tay lên là đụng vào những đám mây xám.
Sau gần 3 giờ bị “tra tấn” trên chiếc xe đò vừa chật chội bởi đủ thứ mùi, chúng tôi thở phào khi xe dừng ở thị trấn Kanak, “thủ phủ” huyện K’bang.
Anh bạn đi cùng cảnh báo: Từ đây đến Kon Pne còn cả trăm cây số nữa, phải đi bộ nhiều cây số đường rừng, lội suối. Và nếu muốn ngồi xe ô tô phải bỏ ra mỗi người 1,5 triệu đồng để thuê xe chứ không có xe đò. Chúng tôi chọn giải pháp thuê 2 “con ngựa sắt” đã được người dân bản địa “độ” lại.
Đi đã khá lâu, vượt qua những dốc cao chóng mặt, hàng chục cánh rừng âm u mà phía trước vẫn chỉ là con đường rừng hun hút. Đến một con thác mà bạn tôi bảo đó là thác Kon H’Phăm, chúng tôi dừng chân nghỉ và gặm bánh mỳ.
Đúng lúc đó, có mấy người Ba Na đeo gùi đi tới, chúng tôi mừng rỡ định làm quen, hỏi thăm. Nhưng chưa kịp hỏi gì, họ đã rẽ ngang, biến mất sau những lùm cây. Anh bạn tôi cười: “Người Ba Na ở trong này sống biệt lập, họ rất ít tiếp xúc với người ngoài, nên ngại”.
Từ trẻ em, phụ nữ đến người già, ai ai cũng có thể uống rượu được
Đến Kon Pne, chúng tôi được anh Đinh Ka, Trưởng thôn 2 (tên mới của làng Kon K’riêng) đợi sẵn rồi đưa chúng tôi đi thêm 4 cây số đường rừng nữa, mới lên đến Kon K’riêng nằm cheo leo trên sườn núi.
Lúc này, đang có hàng chục người đủ mọi lứa tuổi, từ đầu đến chân họ nhuộm bùn đen trũi, đua nhau từ trên một mỏm đá cao nhảy ùm ùm xuống con suối nước chảy trong vắt. Dòng nước nhanh chóng cuốn sạch bùn trên cơ thể, quần áo họ.
Gần đó, 4 người đàn ông đang đầm mình trong một vũng nhỏ, chứa chất lỏng sền sệt, đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc.
Đinh Ka bảo: “Hôm nay làng có lễ X'trăng (đâm trâu) cúng Yàng Sơri (thần Lúa), Yàng Đắk (thần Nước), Yàng Kông (thần Núi), cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhiều sức khỏe.
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của làng Kon K’riêng. Trong dịp lễ này, người dân trong làng phải ra suối tắm để Yàng Đắk làm phép, thần sẽ đem lại may mắn cho từng người.
Tắm bùn đuổi ma rừng
Trước khi nhảy xuống suối tắm, mình phải múc bùn dưới ruộng lúa, phân trâu đổ vào ổ con trâu thường nằm để tắm, bôi lên người. Mình phải làm con ma rừng, ma rừng bẩn lắm, nên xuống suối tắm để thần suối tẩy cái bẩn đi, con ma rừng sẽ ra khỏi người, cả năm mình sẽ khỏe mạnh”.
Ở khu vực nhà rông, không khí còn náo nhiệt hơn nữa. Chỉ người đàn ông đang ngồi, mắt lim dim, miệng lầm rầm khấn vái, bạn tôi bảo: “Già làng Đinh A Khi đấy”. Đinh Ka nói thêm: “Già làng đang khấn cảm ơn thần linh vì mùa vụ và cầu phù hộ cho dân làng mùa tới”.
Theo lời Đinh Ka, để chuẩn bị cho lễ hội, từ 10 ngày trước, dân làng đã “nhắm” sẵn một con trâu tơ, khỏe mạnh, sừng dài không quá 2 gang tay. Con trâu này được chăm sóc đặc biệt, ăn uống, tắm rửa mỗi ngày.
Đến ngày làm lễ, trâu được cột bằng dây mây, một đầu nối với cây gơng (cây nêu), trên đỉnh nêu có những vòng tròn, trong mỗi vòng trong lại có sợi dây thả lòng thòng xuống đất. Những sợi dây này để thần theo xuống nhận lễ cúng.
Trước khi hành quyết, một nhóm thanh niên mạnh khỏe bắt đầu bài biểu diễn võ thuật theo nhịp cồng chiêng rộn rã và tiếng hò reo, cổ vũ của dân làng.
Bài biểu diễn kết thúc, họ bất ngờ phóng những cây lao dài, hạ gục con trâu trong chốc lát. Sau đó, họ mổ trâu, lấy tim, gan, cắt đầu trâu để già làng dâng mời các vị thần theo cây gơng xuống hưởng lễ.
Vui buồn bên "kàng" rượu
Đêm xuống, Kon Pne chìm trong bóng tối vì điện chưa có. Nhưng, nhiều người dân làng Ba Na khiến tôi bất ngờ khi thấy trên trán họ có một chiếc đèn pin. Ánh sáng loang loáng, lúc rọi lên trời, lúc lại chiếu thẳng vào mặt người đối diện.
Anh A Pun, người trong làng bảo: “Hồi xưa ở đây chỉ có lửa và trăng thôi. Mấy năm trước có người dưới xã lên, thấy họ có cái này nên bà con mới học theo”.
Trong nhà rông, hàng chục người đàn ông, phụ nữ tuổi trung niên đang ngồi quây quần quanh bếp lửa bập bùng, trước mặt là những bình rượu cần mới tinh, dưới sàn, trên những tấm lá chuối rừng tươi, bày la liệt thịt trâu, thịt gà nướng, xôi.
Múa hát xung quanh cây nêu khi đang tế thần
Ly uống rượu là một đoạn ống cây hóp (thuộc họ tre) tươi, đủ mọi kích cỡ, người Ba Na gọi là kàng. Trước khi mời khách, già làng Đinh A Khi uống một kàng.
Anh bạn tôi bảo, người Ba Na rất mến khách, nhưng trước khi mời khách dùng gì, chủ nhà sẽ dùng trước để cho khách biết không có độc. Ở đây, từ đứa trẻ 2 tuổi đến thiếu nữ, người lớn tuổi, tất cả đều có thể ngậm cần hút rượu ừng ực!
Chúng tôi vừa uống xong kàng rượu thơm lựng mùi nếp nương, thì bất ngờ, họ nắm một nắm xôi nhét đầy miệng, tôi chưa kịp phản ứng gì thì anh bạn nói liền “Đó là tình cảm của họ, nếu nhả ra họ sẽ ghét đấy”.
Sau đó, họ bắt đầu dúi vào tay chúng tôi những miếng thịt trâu nướng thơm phức mùi gia vị từ các loại lá rừng. Sau vài kàng rượu, những chàng trai cô gái Ba Na bắt đầu đứng lên, nắm tay nhau vừa nhảy múa vừa ca hát trong tiếng cồng chiêng ngân vang, tiếng reo hò, cổ vũ.
Trong hơi men chếnh choáng, già làng Đinh A Khi tâm sự, điều khiến ông trăn trở nhất là từ bao đời nay, ở Kon K’riêng vẫn tồn tại hủ tục hôn nhân cận huyết.
Chỉ vào cặp vợ chồng trẻ Đinh Ka, Đinh H’Lét, ông cho biết, mẹ Đinh H’Lét là chị gái của bố Đinh Ka (chị em con cô con cậu), hai người lấy nhau nay đã có đứa con 5 tuổi.
“Ở đây, con của 2 anh em trai và con của chị em gái thì không được lấy nhau. Nhưng con của anh em trai với chị em gái và ngược lại, thì có thể lấy nhau”, già làng nói.
Còn chàng trai tên Đinh Huyi (20 tuổi) thì cầm tay chúng tôi nói: “Trai làng cũng biết lấy vợ trong làng, có họ hàng là không tốt, cán bộ xã nói nhiều rồi. Nhưng phải đến buôn khác, xa lắm mới lấy được vợ. Trai làng khác cũng không thích mình đưa con gái đẹp trong làng họ đi xa đâu”.
Khi tiếng gà rừng bắt đầu te te gáy, chúng tôi rời Kon K’riêng trong cái lạnh se sắt của núi rừng. Trên đường về, tâm trạng tôi vui buồn lẫn lộn.
Không biết đến bao giờ họ bỏ được hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ hàng trăm năm qua?
Theo VTC.