Những chuyện kỳ lạ về giếng làng 'độc nhất vô nhị'
Ngoài ba ông cá thần, không một loài nào có thể sống trong giếng. Nhiều người từng thả cá chép và rùa, nhưng chỉ được vài tiếng là ngửa bụng chết.
Nhắc đến giếng, không thể không nhắc đến giếng làng Diềm (thuộc thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) hay còn gọi là giếng Ngọc - chiếc giếng độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Không như giếng làng thông thường có hình tròn, giếng Ngọc làng Diềm có hình vuông, ba cạnh là thành giếng, một cạnh còn lại xây bậc thang. Xuống giếng phải đi 10 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim sát mép nước giếng. Giếng đã tồn tại cả nghìn năm và nước vẫn luôn đầy, chưa bao giờ cạn, rất xanh và trong, nhìn thấy rõ cả đáy. Nước giếng bắt nguồn từ núi Kim Lĩnh
Ông Dai, người trông nom giếng cho hay người làng Diềm có một thói quen cha truyền con nối là múc nước giếng Ngọc về để uống pha trà và nấu rượu dù hệ thống nước máy trong làng đã có. Dòng nước nguồn chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên thứ nước có vị ngọt, mát hiếm có. Người dân cho biết, sở dĩ họ hát quan họ hay cũng là nhờ uống nước ở giếng Ngọc này.
Có một điều rất lạ là ngoài ba ông cá thần ra không một loài vật nào có thể sống trong giếng Ngọc. Vào những dịp rằm tháng Giêng, rất nhiều người dân từ nơi khác đem thả trộm cá chép và rùa xuống giếng Ngọc, nhưng chỉ được vài tiếng là lũ cá mới thả xuống cứ ngớp lên mặt nước rồi ngửa bụng chết. Riêng lũ rùa chỉ mắt trước, mắt sau là bò lổm ngổm chạy thẳng ra cái ao làng gần đó.
Trước giếng có một cối đá to để trước ban thờ. Ông Dai kể rằng cối đá là để các trai làng khi lấy vợ thì mang gạo nếp ra đây vo bằng nước giếng và rồi lấy nước giếng đồ xôi làm lễ hỏi vợ. Đây là một tục lệ của làng Diềm xưa. Không chỉ thế hàng năm vào ngày 3/3 âm lịch, dân làng thau giếng, 3 cụ cá thần dưới giếng sẽ được đưa lên cối để “cư trú” tạm thời trong thời gian thau.
Người dân làng Diềm thường lấy nước về pha trà. Họ nói: "Nước giếng pha trà uống rất ngon, nấu canh ăn rất ngọt".
Để xuống giếng múc nước, mọi người trong làng luôn có thói quen bỏ dép đi chân trần xuống bậc, có thể múc nước và uống ngon lành ngay tại chỗ.
Nhiều người từ nơi khác tới đây, nghe kể về giếng cũng uống nước giếng lấy may.
Trên thành giếng luôn có bát hương, hòm công đức và cốc để mọi người thắp hương khấn lễ, góp công đức xong thì xuống múc nước giếng uống lấy may.
Ngồi bình yên bên giếng nhìn làn nước trong veo, nhớ tới lời của ai đó nói về giếng "Giếng như người quân tử chỉ cho mà không bao giờ nhận, cho mà không cạn hết bao giờ, càng cho đi nước càng trong…”, càng thấy đúng với giếng làng Diềm.
Lê Bích