Tưởng Giới Thạch, những bí mật về cuộc đời và gia thế
Tác giả: nhiều tác giả
Chương 1: Tin đồn Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử tại sao lại sôi nổi rầm rộ khắp nhân gian
Còn nhớ năm ấy, bộ Kim Lăng xuân mộng đã trở thành mốt thời thượng, một câu chuyện li kỳ lan truyền khắp thiên hạ. Mặc dù Tưởng Giới Thạch không phải là Trịnh Tam Phát Tử, Tưởng Trung Chính cũng chẳng phải là Tưởng Tông Trịnh, nhưng không có lửa làm sao có khói. Nếu muốn vạch rõ những bí mật về gia thế, về thân phận ly kỳ vàng thau lẫn lộn của Tưởng Giới Thạch, thì cần phải thăm dò, tìm hiểu quá trình trước và sau khi sinh ra những tin đồn làm khuấy động lên bao nhiêu mưa tuyết gió hoa trong gần một trăm năm nay của gia tộc họ Tưởng.
Dường như trong dân gian Trung Quốc có một loại truyền thống văn hóa, đó là vô vàn những tin đồn về các danh nhân, đặc biệt là những tin đồn về gia thế của họ. Nào là Tần Thủy Hoàng là con không có giá thú. Thành Cát Tư Hãn biết mẹ mà không biết cha, mẹ Nurkhachi[1] ăn trứng chim mà có thai, còn có ngài X ... đẻ ra ở trong hang cổ núi sâu, ngài Y... sinh ra trên con thuyền lẻ loi trong bãi lau, ngài Z... mồ côi từ trong bụng mẹ, mẹ ngài có nhiễm với đạo sỹ, sư chùa. Hàng ngàn năm nay, những tin đồn này hoặc lưu truyền ở quán trà, hoặc đăng tải trong tiểu thuyết bạch thoại muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng. Thậm chí có rất nhiều tin đồn về các danh nhân hiện còn đang sống khỏe mạnh hoặc vừa mới tạ thế cũng không thể tránh được. Điều này quả thực không phải là bởi vì phần lớn các danh nhân đều có đoạn thân thế long đong lận đận, cũng chẳng phải bởi vì giống lai đều thông minh tài cán hơn không phải là giống lai, có thể đăng đan trì, tôn cửu ngũ, hoặc chủ cung văn hoa, nhập lăng yêu các... mà là vì những nguyên nhân lịch sử và văn hóa. Một số người cùng với việc sàng dựng danh nhân, lại có hứng thú với thân thế gia truyền của họ, thích nghe những chuyện không ghi chép trong chính sử, những lịch sử bí mật trong màn trướng của các sự kiện trọng đại, thậm chí cả việc đi đứng của họ có phải là bước chân phải đi trước không, ngủ có phải là cũng ngáy khó khò không. Ngay lập tức, một số tao nhân mạc khách liền mở quán xào rán lịch sử, đem những thứ vu vơ nghe ở đường, nói ở chợ, rồi diễn dịch xào xáo thành một loại lịch sử khác sinh động, hấp dẫn khác thường, một loại lịch sử mà muôn dân trăm họ thích nghe thích thấy, một loại lịch sử có tác dụng tuyên truyền và bổ sung cho chính sử, một loại dã sử mang hình thức Trung Quốc mà về mặt khách quan cũng có tác dụng giáo dục phổ cập chính sử.
ở Trung Quốc hiện đại, trong số các danh nhân nổi tiếng nhất, không ai có những tin đồn về thân thế nhiều và rộng hơn được Tưởng Giới Thạch, người đã từng bị gọi là tên khát máu, tên gian tặc của nhân dân và cũng đã từng được gọi là tiên sinh nữa. Trong những tin đồn có liên quan tới thân thế Tưởng Giới Thạch, tin đồn nổi tiếng nhất đó là Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử, là người kéo bình dầu theo người mẹ đã tái giá từ Hứa Xương Trung Châu tới. Tin đồn này đã được truyền tụng từ những năm 30 đến những năm 50, từ những năm 60 truyền tới những năm 70, từ Hồng Công truyền tới Đại lục, từ trong nước truyền ra nước ngoài. Thậm chí trong Tư liệu văn sử Hà Nam xuất bản năm 1981 và Nghiên cứu về Tưởng Giới Thạch xuất bản năm 1988, vẫn có người kiên trì thuyết này, có thể nhìn thấy tin đồn đó có nguồn gốc sâu xa biết bao ! Trong số đó, được truyền bá và có ảnh hưởng lớn nhất đối với thuyết này phải kể tới Kim Lăng Xuân Mộng nổi tiếng của Đường Nhân.
Kim Lăng xuân mộng là một bộ tác phẩm đồ sộ dài 8 quyển với mấy trăm vạn chữ. Vừa mở đầu đã nói Tưởng Giới Thạch vốn không phải họ Tưởng, mà là họ Trịnh; không phải là người Triết Giang mà là người Hà Nam. Hồi thứ nhất của nó là Năm đói kém, Trịnh gia bỏ cốt nhục. Tìm vú em, Tưởng phủ đón tân nhân. Đường Nhân viết rằng:
Dưới đây nói về cuốn sách này, bắt đầu kể về một cậu bé bướng bỉnh. Người này họ Trịnh, tên cúng cơm là Tam Phát Tử ở làng Hậu Trinh Trang thuộc thị trấn Phồn Thành, Hứa Châu (nay là thành phố Hứa Xương) tỉnh Hà Nam. Năm Quang Tự thứ 13 đời Thanh (năm 25 trước Dân quốc, năm 1887) sinh ra vào ngày 31 tháng 10, song thân trong nhà khỏe mạnh, còn có hai huynh trưởng, anh cả gọi là Thiệu Phát, lớn hơn Tam Phát Tử 7 tuổi; người anh thứ hai tên mụ là Nhị Phát Tử, lớn hơn Tam Phát Tử 4 tuổi. Người cha của Tam Phát Tử chăm chỉ siêng năng lao động, cần cù tiết kiệm, tích cóp được mười mấy mẫu bạc điền, còn phụ mở thêm một xưởng xay. Mẹ của cậu có khuôn mặt xinh đẹp, một tay nữ công tài ba tháo vát. Cả nhà năm khẩu trồng cấy, xay bột, khâu vá, bện giày hoa, cuộc sống trôi qua cũng dễ chịu...
Khi Tam Phát Tử lên 6 tuổi ( năm Quang Tự thứ 18 đời Thanh, năm 1892), cả vùng Hứa Châu gặp cảnh mất mùa đói kém, đất hoang ngàn dặm, tấc cỏ chẳng sinh, dân tình đói rách cơ cực, những việc động trời cũng ào ào kéo đến. Cả nhà Tam Phát Tử tận mắt nhìn thấy những gia đình giàu có ở Tiền Trịnh Trang đều đã dọn đi hết từ lâu, gia súc, đồ trang sức quí giá đều sạch trơn. Một bộ phận ở Hậu Trịnh Trang cũng đã bỏ chạy, chỉ còn rớt lại một số người hau háu ngóng chờ nha môn phát chẩn lương thực. Cha của Tam Phát Tử chủ trương chạy tới Lạc Dương, bèn khuyên vợ rằng: Đừng có luyến tiếc cái nhà này nữa, ở lại là sẽ đi gặp Diêm Vương hết ! Chờ lương thực phát chẩn thì sẽ chờ đến đời nào? Vỏ cây rễ cỏ đều sắp ăn hết cả rồi, mọi người đang cướp cả đất của quan âm. Sáng sớm đi ra đã nhìn thấy gần mười xác chết, vừa rồi về nhà đếm lại, xác chết lại tăng thêm mấy người. Đứa con dâu lão què khỏe mạnh là thế, hai ngày nay ăn đất quan âm vào bụng, giờ đây đang quằn quại khắp mặt đất, xem ra không sao sống nổi nữa ! Đi thôi ! Nhân lúc ta còn có chút sức lực... Thế nhưng, mẹ của Trịnh Tam Phát Tử thấy Tam Phát Tử quá nhỏ bé, sợ rằng không qua nổi khổ sở trên đường nên đã kiên trì có chết cũng sẽ chết ở nhà. Cha nó không làm sao được đành phải đem anh cả là Thiệu Phát đi lánh nạn, Nhị Phát Tử phát hận, đi làm lính (Nguyên văn như vậy, theo người ta nói lúc này Nhị Phát Tử còn nhỏ bé, chưa thể đi lính được - người biên soạn).
Hai tháng sau, chuyện bán con để ăn đau đớn cũng xảy ra ở Trịnh Trang. Mẹ Tam Phát Tử bắt đầu tuyệt vọng, đành phải cùng một số người cuối cùng rời khỏi Trịnh Trang để chạy nạn tới Khai Phong, vừa đi vừa hỏi thăm tin tức của cha con Thiệu Phát nhưng trên đường đi gian nan vất vả, thẳng tới Cổ đô, vẫn biệt vô âm tín, cuộc sống càng vô vọng. Giữa lúc khốn cùng, mẹ của Tam Phát Tử nghe nói có một nhà buôn họ Tưởng ở phố sau chùa Tướng Quốc gần đây vợ mới chết, đang tìm vú em. Mẹ của Tam Phát Tử ngẫm nghĩ lung lắm, cuối cùng đành đau đớn quyết định tự dâng mình vào cửa .
Đường Nhân viết tiếp: Lại nói Tưởng Triệu Thông đang buồn rầu vì không tìm được người vú em thích hợp. Người vợ mới mất, để lại mấy đứa con vừa lớn vừa nhỏ là Tưởng Tích Hầu, Thụy Xuân v.v.. quả thật làm cho ông bối rối vô cùng. Bản thân ông là nhà buôn muối đã bỏ tiền ra mua chức quan hậu bổ để sáng sủa cửa nhà, lúc nhàn rỗi cũng đi viết thuê đơn tố cáo, kiện tụng, giao tiếp thù tạc bận rộn liên miên, việc nhà không sao quản lý được. Hôm đó, ông đang dự định gặp một người quen mới từ quê Phụng Hóa Triết Giang lên giới thiệu một người đàn bà đến trông quản lũ trẻ, rồi lấy làm vợ kế. Ông nghĩ rằng trong những năm tháng loạn ly, giao thông bất tiện, việc này thật chẳng dễ dàng.
Đang lúc bối rối thì thấy rèm cửa lay động, vú già dẫn một người đàn bà xinh đẹp, khỏe mạnh bước vào. Tưởng Triệu Thông bỗng thấy trong lòng mình bối rối, không kìm vân vê mấy sợi râu chuột, với lấy chiếc điếu cày, vừa ngả mình trải chiếc áo bào da cáo, ngồi lên chiếc ghế bành gỗ táo. Vừa hút được mấy hơi, người mẹ của Tam Phát Tử đã rảo bước cầm máy lửa đặt ở trên bàn trà thay ông quẹt hai tiếng, lửa bật cháy. Cử chỉ đó đã làm cho vú già đứng ở ngoài cửa nhìn ngây người ra. Tưởng Triệu Thông rít một hơi, chiếc điếu thuốc lào kêu ré lên lọc xọc lọc xọc. Cái miệng của ông là cái miệng nổi tiếng nói tài biện luận giỏi, thế mà nhất thời cũng chẳng nói được lời nào.
- Chị họ gì ? - ông học theo giọng Hồ Nam nói.
Mẹ Tam Phát Tử cúi gục đầu đáp:
- Gia đình nhà em họ Vương.
Đường Nhân nói : Lão Tưởng rất vừa ý mẹ của Tam Phát Tử. Tưởng phủ đã có một người vú em mới như vậy đó. Hồi thứ hai của Kim Lăng Xuân Mộng là: Từ sau đó Tam Phát đổi thành họ Tưởng. Về Thụy Hóa, vú em làm phu nhân . Đường Nhân viết tiếp:
Lại nói, Túc Am tuổi vừa ngũ tuần, làm khách tha hương, công danh lợi lộc đều có cả, thế nhưng lại vấp phải chuyện vợ mất giữa chừng, nhất là mấy đứa trẻ thiếu người chăm sóc, trong lòng buồn bực khó chịu chẳng vui. Năm ấy, nghĩ rằng lá rụng về gốc, cáo chết quay đầu về núi, ông cũng muốn trở về quê cũ ở Khê Khẩu; hơn thế lại là áo gấm về làng, vinh tông hạnh tổ, do đó ý muốn trở về đã càng mạnh mẽ. Thế nhưng việc tục huyền thực không đơn giản.
Lấy một người cùng quê chăng? Sau này lúc nhắm mắt xuôi tay, một khối di sản khó tránh khỏi rơi vào tay người vợ mới. Trong suy nghĩ của ông, những đứa con mà bà cả sinh ra bao giờ cũng phải nếm đủ đòn khổ sở của người mẹ kế, Túc Am không yên lòng. ở đây mà lấy một người vợ kế ư ? Sau khi ông chết người phu nhân mới kia sẽ coi gia đình nhà chồng là mớ phiền phức rồi tống tất cả về Hà Nam, thế thì ba đứa con của ông chẳng phải thành tay trắng cả ư ?
Nghĩ lại nghĩ đi, chưa bề nào quyết được cả. Thế là việc buôn bán giao cho kế toán quản lý, lầu vàng cũng khó khiêng đi được, các vụ án kiện tụng tạm thời không động đến nữa. Suốt ngày từ sớm đến tối chỉ ở trong phòng sách hút thuốc, muốn trước hết thuê một người vú em để trông coi lũ trẻ cho thỏa đáng, sau rồi hãy tiến hành việc tục huyền. Điều này quả thật là vô xảo bất thành thư.
Má Vương đã xuất hiện đúng vào lúc này. Má Vương rất xinh đẹp, má Vương mắt trong mi sáng, má Vương thân thể khỏe mạnh, má Vương cô quạnh lủi thủi một thân. Đây là điều kiện tối quan trọng, nhà chồng nàng, nhà cha mẹ nàng đều đã nhà tan người chết, không sợ sau khi mình chết nàng lại rời khỏi Triết Giang. Đồng thời lại là thu dung nàng trong lúc nàng chạy đói, ông có quyền bắt nàng phải cảm ân báo đáp. Còn đối với vấn đề Tam Phát Tử cũng chẳng khó giải quyết, cứ bắt nó mang họ Tưởng là xong.
Lại nói má Vương từ khi bước vào gia đình họ Tưởng tỏ ra cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ hầu hạ Túc Am, thương yêu chăm sóc lũ trẻ. Nàng sợ Tam Phát Tử cãi lộn gây sự nên đã dứt khoát nhốt cậu ở trong nhà dưới. Hôm đó cũng là hôm có việc, Túc Am ở ngoài uống rượu trở về, rượu say loạng choạng bước vào phòng, ngã vật xuống giường, luôn mồm kêu khát. Tháng chạp mùa đông giá rét. Vì vú già kia đã ru các cháu ngủ cả, má Vương đem tách trà Phổ Nhĩ đã pha xong bưng lên. Chẳng ngờ một tiếng choang, Túc Am đánh rơi tách trà lê xuống đất, vươn mình vừa lôi vừa kéo nàng lên trên giường...
Đường Nhân nói, Sau chuyện đó, địa vị của má Vương ở gia đình họ Tưởng đã được cải thiện rất lớn. Thế nhưng đến mùa xuân năm sau, khi Túc Am quyết định trở về Phụng Hóa mới để cho mà Vương chính thức làm vợ kế. Túc Am cũng để cho Tam Phát Tử đổi họ sang họ Tưởng, và đặt tên là Chu Thái, tự là Thụy Nguyên tên đi học là Chí Thanh.
Trong Kim Lăng xuân mộng, việc miêu tả của Đường Nhân đối với thân thế Tưởng Giới Thạch không hạn chế ở một hai chương càng không hạn chế ở số trích dẫn, mà trong toàn bộ sáu chương với hơn mười vạn chữ, trong đó có truyền đạt về bối cảnh, có miêu tả về chi tiết, có trình bày những tình tiết, còn có những điểm nghi ngờ cần làm cho đúng đắn. Đem sự nghiêm cẩn của nhà viết sử kết hợp với sự sáng tạo của nhà viết sách làm cho người đọc thấy rõ tác giả đã dùng sử liệu tường tận, xác sự, luận chứng chặt chẽ, hấp dẫn người đọc rất mạnh mẽ. Cho nên cuốn sách này tuy đã xuất bản mấy chục năm nay nhưng vẫn tiêu thụ mạnh, không hề suy giảm. Có những điều coi là chính sử đáng để xem xét, có những điểm coi là dã sử để dè chừng. Những người tin vào lời trong đó cũng đọc, những người không tin vào lời nói trong đó cũng đọc. Cuốn sách này từ khi ra đời đến nay, tổng cộng đã in bao nhiêu vạn quyển, cũng chưa thấy có ai thống kê tường tận. Thế nhưng trong nhiều loại sách xuất bản ở trong nước và hải ngoại, mỗi lần nhìn vào số lượng phát hành mấy chục vạn quyển, mấy trăm vạn quyền, không ngại mà khẳng định cuốn sách này được liệt vào loại sách dễ tiêu thụ nhất. Do đó, cách nói Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử đã trở thành thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất.
Con trai của Đường Nhân tiên sinh là Đường Tiểu Tam trong kỳ thứ sáu Tân văn chiến tuyến năm 1980 có đăng tải bài viết Kim Lăng xuân mộng: Cha tôi đã nghiên cứu các chủng loại sách xuất bản có liên quan đến Tưởng Giới Thạch, chất đống cao như ngọn núi nhỏ, chỉ riêng những sách tham khảo đã tới năm sáu trăm quyển. Chỉ để tìm ra một cái tên hoặc một năm tháng ông có thể phải đọc liên tục mấy đêm liền. Cách miêu thuật thực sự nghiêm túc, truy tìm tại nguồn cội gốc rễ trong quá trình viết sách của tác giả đã làm vững chắc thêm tính chân thực độ tin cậy của các nhân vật sự kiện trong tác phẩm, sự cẩn trọng này khiến cho tác phẩm giành được càng nhiều độc giả, khiến cho con người và sự việc miêu tả ở trong tác phẩm đã được truyền bá càng rộng rãi hơn.
Thế thì với tư cách là một tác giả, Đường Nhân tiên sinh đã đối xử với con người và sự việc trong tác phẩm của mình như thế nào? Đường Nhân tiên sinh nói: Bộ sách này không những không phải là tiểu thuyết mà cũng không phải là lịch sử, chỉ là đem con người và sự việc của Tưởng Giới Thạch giống như một tiên sinh kể chuyện miêu thuật ra mà thôi [2].Chú ý, tuy nhiên về hình thức, đây cũng không phải, kia cũng chẳng phải, thế nhưng về nội dung, điều nói ra lại là con người và sự việc của Tưởng Giới Thạch. Có thể nói, Đường Nhân tiên sinh đã tin tưởng như vậy, cho nên đã viết ra sinh động vô cùng, bàn luận cũng rất quả quyết. Vì để khẳng định tính chính xác của những kiến giải mà mình đưa ra trong sách, Đường Nhân tiên sinh còn phê phán các tin đồn khác về ông Tưởng. Trong hồi thứ ba của Kim Lăng xuân mộng ông đã viết:
Có người nói, Tường Giới Thạch là đứa con ngoài giá thú của phương trượng chùa Tuyết Đậu với bà mẹ ông ta. Căn cứ là Tưởng Giới Thạch mỗi khi có đại kế quân quốc không thể giải quyết được, thường thường không đem theo Tống Mỹ Linh mà một mình cùng lính thị vệ vào ở trong chùa Tuyết Đậu, để suy nghĩ biện pháp giải quyết. Theo lời đồn, khi ở trong chùa, trong đêm khuya u linh ông đã quỳ trước tháp đựng tro xương của lão hòa thượng kính cẩn cầu nguyện. Ông là một tín đồ của đạo Cơ đốc, hành động này quả thực đáng nghi ngờ. Hơn nữa, nếu đồng hành với Tống Mỹ Linh thì quyết không bao giờ tới chùa Tuyết Đậu v.v.. Kỳ thực, loại hành vi này, chính là sau khi Túc Am qua đời, hai mẹ con ông đã đi lại với hòa thượng rất thân thiết. Nếu vì lý do ông Tưởng chịu ảnh hưởng rất sâu của mẹ mình và phương trượng mà nói ông là do hòa thượng sinh ra, thì quả thật là điều oan uổng, a di đà Phật !
Cách viết vừa kể vừa bình luận kèm theo sự phê phán này của Đường Nhân tiên sinh, theo kiểu tất nhiên là chỉ có điều này mới chính xác, ngoài ra mọi điều khác đều là sai cả, không thể có cách chọn nào khác đã đem lại cho người đọc cảm giác chân thực rất mạnh mẽ. Như trên đã nói, điều này có thể mang đến cho độc giả những ấn tượng mạnh mẽ, đối với sự truyền bá rộng rãi cũng sinh ra ảnh hưởng quan trọng.
Đương nhiên, tin đồn Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử đã lưu truyền rộng rãi, không thể nói toàn là bởi Kim Làng Xuân Mộng của Đường Nhân tiên sinh cả. Rất nhiều văn chương hồi ức viết với danh nghĩa là người chứng kiến hoặc người chuẩn chứng kiến, không những đã trở thành chứng cứ quan trọng của Đường Thuyết mà càng thúc đẩy sự truyền bá của Đường Thuyết.Tháng 5 năm 1962, Trương Trọng Lỗ có bài viết nói rằng:
Tưởng Giới Thạch quê thuộc Phụng Hóa Triết Giang, là điều mọi người đều đã biết. Kỳ thực ông không phải là sinh ra ở Phụng Hóa Triết Giang, mà là sinh ở Hứa Xương Hà Nam - Tưởng Giới Thạch đối với gia thế Hứa Xương của ông giữ kín như bưng, hầu như không một người nào biết rõ uẩn khúc của sự việc. Cho dù có người nào hơi biết loáng thoáng, cũng chẳng dám nói cho ai biết, e sẽ gặp những điều bất trắc. Mặc dù sau thời kỳ kháng chiến, trong những người Hà Nam mới có người truyền nhau nói, thế nhưng cũng chỉ là xì xào vụng trộm, chẳng dám công khai. Ai chẳng biết đặc vụ của họ Tưởng ở khắp mọi nơi, hễ truyền đến tai bọn đặc vụ thì lập tức sẽ không tránh khỏi rước lấy tai họa.
Từ năm 1941 đến năm 1942, Hà Nam gặp phải nạn hạn hán, khu vực Hứa Xương bị tai họa nặng nề, chỉ riêng huyện Hứa Xương đã chết đói tới hơn năm vạn người. Lúc này, người anh ruột Trịnh Phát của Tướng Giới Thạch khi chạy nạn tới Trùng Khánh mới bắt đầu bộc lộ gia thế. Đại để là vào khoảng năm Quang Tự thứ 10 đời Thanh (1885), khi ấy Tưởng Giới Thạch mới lên 4 lên 5 tuổi, trong nha môn huyện Hứa Xương có một vị sư gia họ Tưởng (cuối đới Thanh đầu Dân quốc, sư gia coi việc phạt tiền trong nha môn các huyện phần lớn là người Triết Giang, đặc biệt người Thiệu Hưng là nhiều nhất, vị sư gia họ Tưởng này cũng tự xưng là người Thiệu Hưng), người này đã thuê một người hầu gái, đem theo một đứa trẻ con. Người hầu gái này chính là mẹ đẻ của Tưởng Giới Thạch, đứa trẻ con này cũng chính là Tưởng Giới Thạch. Không lâu sau, quan huyện từ chức, vị sự gia này cũng đi theo về Khai Phong. Nghe nói, người vợ của vị sư gia này lúc đó đã qua đời, cuộc sống thiếu người đỡ đần, bèn đưa cả người hầu gái ấy về Khai Phong. Về sau người hầu gái ấy trở thành quyến thuộc của ông ta và cùng theo về Triết Giang. Sự thật do chính miệng người anh ruột của Tưởng Giới Thạch là Trinh Phát nói với những người cùng quê Hà Nam là Cáo Tử Cử (quân đoàn trưởng, sở trưởng huấn luyện hậu bị) Lý Tiêu Đình (Thượng nghị ủy ban quân ủy) Thái Chỉ Sinh (Tham chính viên ủy ban Tham chính quốc dân) .. tại Đại Dương (Trùng Khánh) năm 1942.
Nếu nói bài viết của Trương Trọng Lỗ đã thuật lại sự chia ly của anh em trong gia đình họ Trịnh cũng như khoảng thời gian mà Trịnh Tam Phát Tử theo Tưởng sư gia đi Triết, thì ba đoạn hồi ức sau lại kể về cuộc đoàn tụ anh em họ, cùng với những sự việc sau này của họ :
Quách Hải Trưởng trong Hội nghị chính trị hiệp thương tỉnh Hà Nam nói: Khi chạy nạn đói tới Trùng Khánh, Trịnh Phát trú ở hội đồng hương Hà Nam, có quen biết với một người tên là Diêu Đình Phương. Sau khi Diêu được biết quan hệ của Trịnh Phát với Tưởng Giới Thạch, liền bảo anh ta tới nơi ở của Tưởng ở trong rừng sâu để cầu kiến. Trịnh nghe theo mà đi. Sau nhiều lần không có kết quả, cuối cùng nguyện vọng của ông ta đã được báo lên Tưởng Giới Thạch. Tưởng liền ký một tờ chi phiếu 5000 đồng để trao cho Trịnh Phát. Trịnh kiên quyết chối từ không nhận, nói rằng ông ta tới đây cốt để nhận anh nhận em chứ không phải vì tiền. Nghe báo cáo lại, Tưởng liền cử người đưa Trịnh Phát tới nhà Đới Truyền Hiền, để cho Đới giải thích khuyên nhủ, an ủi, nói rõ Tưởng không thể để anh trai mình chịu khổ cực được. Ngoài ra còn nói, sau đó Tưởng đã tới nhà họ Đới, anh em gặp nhau, khóc lóc một hồi. Sau đó, Tưởng ra lệnh cho Đới Lập cử người chuyên chăm sóc và theo dõi Trịnh, đưa ông ta về ở trong Sở hợp tác Trung - Mỹ. Về sau có người thường gặp Trịnh Phát ở Từ Khí Khẩu, Sa Binh Bá, có thể tự do hoạt động trong một phạm vi nhất định, việc ăn uống trong quán đều có người trả tiền, chỉ có điều Trịnh Phát không được tiếp xúc với ai. Đồng thời, mỗi tháng Ngân hàng Trung ương đều gửi tiền đến cho gia đình Trịnh Phát. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Trịnh Phát trở về Khai Phong. Một buổi tối trong năm 1946, Quách đã thấy Trịnh Phát ở trong nhà Diêu Đình Phương ở thị trấn Nam Dương, Khai Phong, hình dáng ông ta rất giống Tưởng Giới Thạch. Năm 1953, khi tới Hứa Xương thăm hỏi úy lạo tai họa sương muối, Quách đã hỏi thăm tin tức Trịnh Phát qua những người lãnh đạo địa phương, được biết Trịnh Phát vẫn khỏe mạnh, thành phần trung nông, ông ta sợ bị liên lụy nên đã phủ nhận thẳng thừng mối quan hệ với Tưởng Giới Thạch.
Ông Tạ Mại Thôn ở ủy ban Chính trị hiệp thương thành phố Trịnh Châu nói rằng năm 1946, vì một lý do nào đó, ông đã tới thăm ông Ngô Hiệp Đường, chuyên viên Hứa Xương trong chính quyền Quốc dân đảng, Ngô được lệnh mỗi tháng cấp cho gia đình Trịnh Phát 300 cân lương thực. Ngô còn nói lúc đó Trịnh Phát trú ở nhà số 4 Nguyễn Từ Bi Khai Phong. Chủ tịch tỉnh là Lưu Mậu Ân cũng cung cấp sinh hoạt phí theo định kỳ cho Trịnh. Cuối cùng Ngô nói với Tạ nếu Trịnh Phát không có quan hệ với lão Tưởng, không có mệnh lệnh của cấp trên thì Lưu Chủ tịch và một chuyên viên như ông ta không thể nào lại cung cấp tiền bạc lương thực cho con người không hề quen biết này.
Còn ông Lý Tĩnh ở ủy ban chính trị hiệp thương tỉnh Hà Nam lại nói: Tháng 6 năm 1948, một ngày trước khi Khai Phong được giải phóng lần thứ nhất, một số nhân vật đứng đầu Hà Nam ở Nam Kinh tụ tập dự tiệc ở quán rượu Đại Tam Nguyên, Diêu Đình Phương đã giới thiệu Lý Tĩnh làm quen với Trịnh Phát. Theo Lý thì hình dáng, mặt mũi, cử chỉ của Trịnh với Tưởng có những chỗ rất giống nhau. Nghe nói khi Trịnh Phát ở Nam Kinh cũng có người chuyên chăm sóc cuộc sống của ông ta. Trong Hà Nam văn sử tư liệu số 5 xuất bản tháng 4 năm 1981 của ủy ban nghiên cứu tư liệu văn sử chính trị hiệp thương tỉnh Hà Nam còn có một số bài viết tương tự.
Một số bài viết vào những năm 60 sau khi được phổ biến tuyên truyền đã tạo nên ảnh hưởng rộng rãi. Về vấn đề thân thế của Tưởng Giới Thạch, ở hải ngoại cũng có một số người kiên trì Đường thuyết, khiến cho tin đồn Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử được truyền bá khắp thế giới. Mạnh Tuyệt Tử người Hồng Công từng viết Người cha của Tưởng Giới Thạch, trong đó nói : Tình cảnh bần tiện của Tưởng Giới Thạch khi còn nhỏ chạy đói phải đi xin cơm ăn, giống Chu Nguyên Chương; tình cảnh kéo bình dầu giống như Tần Thủy Hoàng. Bần tiện nghèo hèn mà lại thêm việc kéo bình dầu đã kết thành tâm tư tình cảm ở trong lòng Tưởng Giới Thạch, có dấu ấn sâu sắc hơn nhiều so với Chu Nguyên Chương, Tần Thủy Hoàng, do đó tạo thành sức bật càng lớn. Năm 1987, học giả Đài Loan là Lý Ngạo đã viết một thiên văn chương dài hơn bốn vạn chữ nhan đề là Tưởng Giới Thạch có phải là Trịnh Tam Phát Tử không? với dẫn chứng rộng, luận cứ chặt chẽ. Kết luận cuối cùng là: Tôi hoài nghi Vương Thái phu nhân với Tưởng Túc Am, căn bản chính là con người đổi vợ; còn bản thân Tưởng Giới Thạch chính là người kéo bình dầu trong khi người chồng có vợ chết còn lại đàn con khó có thể tồn tại được !
Đối với thân thế li kỳ rắc rối của Tưởng Giới Thạch, mỗi người nói mỗi khác, lan truyền đi mấy chục năm, có người nói dựng đứng lên, có người có khảo chứng, có người cung cấp những tài liệu để chứng minh bằng những người đã chứng kiến hoặc chuẩn chứng kém, hơn thế đã không ngừng có người đề suất luận điểm mới và luận cứ mới, cũng có người không ngớt nêu đề cũ sao chép từ mấy chục năm trước, trong nước đã có, ở ngoài nước cũng có, các thuyết nói về thân thế của Tưởng Giới Thạch sao lại không trở thành mốt thời thượng được ? Bất kể nó là giả hay là thật !
-----------------------------
[1] Thanh Thái Tổ 1560-1625
[2] Hà Quốc Thao: Giải câu đố về thân thế Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc
Chương 2: Tại sao Tưởng Giới Thạch lại biến thành Trịnh Tam Phát và người con của sư trụ trì chì chùa Tuyết Đậu ?
Như phần trên đã nói, mấy chục năm nay Đường Thuyết rùm beng một thời rằng Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử. Các sách báo tạp chí như Dân quốc Xuân Thu, Hứa Xương sư chuyên học báo v.v... mấy năm nay vẫn không ngừng đăng tải các bài văn tương tự như kiểu Đường Thuyết. Các báo chí trong nước cũng chuyển tải không ít các bài tương tự. Ngoài ra, còn có một thuyết cũng lưu truyền rộng rãi mà Đường Nhân Tiên sinh đã từng phê phán qua cách nói: Tưởng Giới Thạch là con của người chủ trì chùa Tuyết Đậu. Thuyết này cũng truyền đi tương đối sớm, tuy đã từng bị Đường Nhân tiên sinh phê phán thế nhưng vẫn có người tuyệt đối tin tưởng không chút nghi ngờ. Vào đầu những năm 80, bí thư trưởng viện lập pháp (lúc đó Tôn Khoa giữ chức Viện Trưởng) nguyên ủy viên Trung ương Quốc dân đảng lưu cư ở nước Mỹ là Ngô Thượng Ưng, đã phát biểu bài Bàn về con người Tưởng Giới Thạch trên một tờ báo Trung văn ở nước Mỹ. Ông nói: Tôi quen biết Tưởng Giới Thạch đã hơn năm mươi năm. Ông Tưởng là người nông thôn làng Khê Khẩu Ninh Ba Triết Giang, có lai lịch rất không rõ ràng. Tôi đã từng tới Khê Khẩu, theo nhân dân ở nơi đó nói, người mẹ của Tưởng Giới Thạch xuất thân nghèo hèn, từng ở trước cửa chùa Tuyết Đậu cách Khê Khẩu vài dặm, may vá cho hòa thượng, kiếm từng đấu thưng. Do có nhiễm với người chủ trì chùa này, bà đã phải nuôi một đưa bé tức là Tưởng Giới Thạch, nhưng không thể công khai, vẫn nhận một lão bán thịt làm chồng. Ông Tưởng không đủ vĩ đại, vẫn giấu kín không dám nói. Cho nên người đời đối với lai lịch của ông còn có rất nhiều điều đồn đại. Sau khi Tưởng phát đạt, ông đã xây một ngôi nhà ở chùa Tuyết Đậu, mỗi lần tới đây đều mật đàm với hòa thượng Thái Hư có quen biết với cha đẻ của ông...
Vậy thì, điều đầu tiên, Tưởng Giới Thạch có thực sự là Trịnh Tam Phát Tử hay không? Muốn biện giải nhận rõ nghi án này, cần phải tìm hiểu ba điểm dưới đây:
1- Bà Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc cuối cùng là người quê quán ở đâu ? Có thật bà đã có đoạn từng trải từ Trung Châu tới Triết Giang hay không?
2- Ông Tưởng phụ Tưởng Túc Am có đúng như Kim Lăng Xuân mộng nói đã từng buôn bán muối hoặc làm sư gia ở phủ Khai Phong hay không ?
3- Tưởng Giới Thạch cuối cùng là sinh ra ở đâu ? Lớn lên ở đâu ?
Đối với vấn đề thứ nhất, Cát Trúc Vương Thị Tông phả trùng tu năm 1933 đã nói cho chúng ta biết, vào năm Hồng Vũ triều Minh, Phụng Hóa Liên Sơn có một người thanh niên tên gọi Vương Sảng tới thôn Cát Trúc Phụng Hóa làm nhà ở. Người đó lấy vợ đẻ con. Con cháu đời thứ 22 của người đó là Vương Dục sinh được ba trai hai gái. Con cả là Vương Hữu Tắc, lấy con gái Diêu Chấn Xương ở Hoan Đàm làm vợ, sinh được ba con trai, sau lại lấy tiếp một người họ Diêu khác, lại sinh được hai trai một gái, theo thứ tự sắp xếp, con trai thứ tư là Hiền Cự, con trai thứ năm là Hiền Dụ, con gái tức là Thái Ngọc. Vương Thái Ngọc lúc đầu gả làm vợ Điền Du Mộ họ Tào, chồng chết sớm, lại lấy làm lẽ Tưởng Triệu Thông ở Khê Khẩu. Bà chính là mẹ đẻ ra Tưởng Giới Thạch. Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc là người Cát Khê, Phụng Hóa. Điều này được coi là chứng cứ trong bài viết Tiên tỉ Vương Thái phu nhân sự lược do Tưởng Giới Thạch soạn viết về mẹ của mình vào năm 1921 khi chưa phát tích: Tiên tỉ Vương Thái phu nhân húy là Thái Ngọc, con gái của Vương Hữu Tắc tiên sinh ở ấp Cát Khê.Năm 23, về với phủ quân tiên khảo Túc Am... Điều này cũng có thể được chứng thực bởi những hoạt động của Tưởng Giới Thạch ở Cát Khê. Ngôi mộ của Vương hữu Tắc ở Đổng Gia Khanh Cát Khê là do Tưởng Giới Thạch bỏ tiền ra xây dựng, mộ xây chỉnh tề hùng vĩ, văn bia do Tưởng đề viết, tới nay nguyên mạo vàn như xưa. Năm đó, vợ chồng, cha con, dâu cháu nhà họ Tương đã nhiều lần tới tế lễ. Năm 1949 đêm hôm trước khi đi Đài Loan, ba đời tổ tôn đều tới tế tảo, rất nhớ thương quyến luyến. Trong nhật ký viết ngày 1 tháng 11 năm 1921 tại Phụng Hóa, Tưởng Giới Thạch ghi rằng: Chập tối trưng bày lễ mộ bà ngoại. Nếu mẹ Tưởng là người Hứa Xương, thì ở Phụng Hóa lấy đâu ra một bà ngoại nữa? Tưởng Giới Thạch cũng làm gì phải vét tiền trong túi ra vì một tấm thân đã chết của Vương Lão tiên sinh chẳng có liên quan. Căn cứ vào hồi ức của các nhân sĩ hiểu biết tình tiết sự việc của Phụng Hóa và Khê Khẩu thì cha con nhà họ Tưởng đối với hai anh em Hiền Cự, Hiền Dụ của Vương Thái Ngọc càng thêm cung kính gấp bội. Trước kháng chiến, cứ mỗi cuối năm Tưởng Giới Thạch đều biếu họ hàng hàng trăm đồng bạc. Khi Tưởng Kinh Quốc từ Liên Xô về nước thường trú ở Khê Khẩu từng nói với người quản lý nhà cửa chi thu của họ Tưởng là Đường Thụy Phúc rằng: Tôi đi vắng, người khác tới nhà làm khách có thể không cần phải chiêu đãi. Chỉ khi nào có hai ông cậu ở Cát Trúc tới Khê Khẩu, thì phải mời các vị nghỉ lại. Làm các món ăn thịnh soạn chiêu đãi các vị. Theo thời theo tiết phải biếu tiền cho các vị chi tiêu thường ngày. Bình thường cần gạo, cần hàng hóa thường dùng hàng ngày thì đều lên phố Khê Khẩu lĩnh theo sổ gửi tiền.Căn cứ theo điều tra của ủy ban văn sử chính trị hiệp thương huyện Phụng Hóa, ngày 26 tháng 12 nông lịch (1936), ngôi nhà mới của nhà họ Vương ở Cát Trúc dựng đài môn, Tưởng Giới Thạch vì bị thương ở bụng trong sự biến Tây An vừa hay đang chữa trị ở Phụng Hóa, cùng đích thân tới chúc mừng. Tháng 3 năm 1937, Vương Hiền Cự làm lễ đại thọ 70, Tưởng Giới Thạch đặc biệt cử Tống Mỹ Linh làm đại biểu, tới Cát Trúc chúc thọ anh trai của mẹ. Con cháu nhà họ Vương ở Cát Trúc công nhận được sự dìu dắt của Tưởng Giới Thạch. Cháu cả của Hiền Cự là Trung Trạch đã từng làm huyện trưởng Phố Thành Phúc Kiến, huyện trưởng Tân Xương Triết Giang. Con thứ của Hiền Cự là Lương Mục đã theo Tưởng Giới Thạch làm phó quan thị tòng và chủ nhiệm phân hiệu Vũ Lĩnh. Những người khác trong dòng họ Vương ở Cát Trúc, phàm những người có quan hệ mật thiết với Tưởng lại có tài năng nhất định, sau khi Tưởng phát tích, không ai là không có quyền thế, lên cao như diều gặp gió, không ai là không quan cao lộc hậu. Con trai của Vương hiền Gia người anh em họ của Vương Thái Ngọc là Vương Chấn Nam từng làm Vụ trưởng Vụ Quân pháp Bộ Quân chính của Chính phủ quốc dân. Cháu họ của Vương Hiền Đông, một người anh họ khác, tên là Vương Thế Hoa từng giữ chức Trung tướng Thị vệ trưởng, ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch. Vương Hiền Đông là người làm mối dắt Tưởng mẫu về nhà họ Tưởng, do đó năm ấy Vương Thế Hoa khi muốn ra ngoài làm việc theo Tưởng Giới Thạch, bèn nhờ ông chú là Vương Hiền Đông xin hộ cho, Vương nói với Thái Ngọc. Thế nhưng Tưởng Giới Thạch lại muốn thử thách người bạn thông gia nhỏ này. Tưởng sai Vương Thế Hòa đưa một làn hàng mặn tới, rồi sai Vương treo chiếc làn lên trên một chiếc đinh ở cột nhà. Bởi Vương người thấp, phải lấy chiếc ghế đứng lên để treo, sau khi treo làn xong, lập tức dùng giẻ mềm lau sạch dấu chân trên ở ghế, rồi đem ghế đặt về đúng chỗ cũ. Tưởng cho rằng Vương làm việc cẩn thận, liền dẫn Vương đi Quảng Đông với mình. Nói tóm lại, gia đình họ Vương ở Cát Trúc đích thực là nhà mẹ của Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc. Vương Thái Ngọc không phải là người Hứa Xương Hà Nam, cũng chưa hề tới Hứa Xương bao giờ, càng không bao giờ nói tới việc chạy đói đi xin ăn từ Dự đến Triết cả.
Đối với vấn đề thứ hai. Những tài liệu của Chính phủ hiệp thương tỉnh Triết Giang nói, nhà họ Tưởng ở Khê Khẩu, từ Tưởng Ngọc Biểu đã bắt đầu bỏ nghề nông kinh doanh thương nghiệp. Ngọc Biểu đã mở một cửa hiệu kinh doanh buôn bán muối, rượu, vôi là chính ở trên phố Khê Khẩu lấy tên là Hiệu muối Ngọc Thái. Đến nay, tại góc tường của cửa lớn chiêu đãi sở thứ ba ở Phụng Hóa vẫn còn giữ được tấm bia đá Ngọc Thái Diên phố Nguyên chỉ do đích tay Trung Chính đề. Đây chính là nền của cửa hiệu lúc dó. Hiệu muối của Ngọc Biểu là cửa hiệu kinh doanh Muối nhà nước duy nhất ở trên phố Khê Khẩu. Muối từ Ninh Ba bán buôn vận chuyển đến, vôi từ Phú Dương chuyển về, về sau còn kinh doanh tiêu thụ gạo, tới tận Vu Hồ An Huy bán gạo, phạm vi kinh doanh rất rộng lớn. Tưởng Ngọc Biểu sinh được hai con trai. Người con cả cho nhận làm con thừa kế của người anh thứ hai. Con thứ là Triệu Thông (tự là Túc Am). Khi Túc Am hai mươi hai tuổi bắt đầu kinh doanh hiệu muối. Do vì ông tanh nhanh tài cán, chẳng mấy năm buôn bán đã phát đạt, được mọi người gọi là Lươn ở đầu bến sông. Bởi vì lươn ở trong hang thì đã dễ bắt, nếu chờ nó bơi ra bến sông rồi muốn bắt thì khó lắm, có ý muốn nói rằng, người khác không thể chiếm được lợi thế bằng ông. Đầu tiên Túc Am lấy Từ Thị, lúc ông 41 tuổi thì Từ Thị bị ốm chết, Túc Am lấy vợ kế là Tôn Thị, không lâu Tôn Thị cũng qua đời. Năm thứ 12 Quang Tự đời Thanh, do người làm thuê cho Hiệu Muối Ngọc Thái tên là Vương Hiền Đông người làng Cát Trúc làm muối, ông lại lấy người em họ của Vương Hiền Đông ta Vương Thái Ngọc làm vợ kế. Ông Tưởng Túc Am này chính là cha đẻ ra Tưởng Giới Thạch. Từ những năm còn trẻ, ông đã kế thừa nghiệp cha, kinh doanh cửa hiệu muối Ngọc Thái ở Thế Khẩu, chưa hề đi tới Hà Nam, cũng chưa hề làm qua sư gia, càng không thể đưa bà quả phụ chạy nạn ở Hứa Xương đem về Triết Giang bao giờ. Nếu nói ở Hứa Xương Hà Nam đích thực có một nàng quả phụ chạy nạn lấy một ông Tưởng Túc Am buôn muối hoặc một sư gia Tưởng Túc Am quê ở Triết Giang, thì điều đó chỉ có thể cắt nghĩa đó là một hoặc hai Tưởng Túc Am khác, chứ không phải là Tưởng Túc Am, Tưởng Triệu Thông cha đẻ của Tưởng Giới Thạch.
Đối với vấn đề Tưởng Giới Thạch sinh trưởng ở đâu, sau khi đã hiểu rõ được Vương Thái Ngọc là người ở vùng nào, Tưởng Túc Am có phải là đã đem hiệu muối mở ra tới phủ Khai Phong không, Tưởng Túc Am là cha đẻ hay là cha dượng của Tưởng Giới Thạch, vốn đã rõ hết chân tướng. Thế nhưng do vì trong Đường Thuyết nói, Trịnh Tam Phát Tử chín tuổi mới tới Triết Giang, thế thì, nếu như Tưởng Giới Thạch không phải là Trịnh Tam Phát tử, thì những hoạt động ở Phụng Hóa trước chín tuổi không phải là điểm trống. Điều tra của ẹy ban Văn Sử chính trị hiệp thương huyện Phụng Hóa nói, Tưởng Giới Thạch sinh ở lầu hai phía đông hiệu muối Ngọc Thái. Bà Chiêu Nhan, mẹ của Tưởng Triệu Phú chở bè tre ở Khê Khẩu đã đỡ đẻ cho Tưởng Giới Thạch. Cho nên về sau này phàm nhà họ Tưởng có việc cưới xin ma chay tất phải mời bà Chiêu Nhân. Sau khi Tưởng Giới Thạch đẻ ra, mẹ Tưởng không có sữa, bà nội của Đường Thụy Phúc đã cho Tưởng uống ngụm sữa đầu tiên, do đó về sau này đêm giao thừa mỗi năm, người vợ của Tưởng Giới Thạch là Mao Phúc Mai đều bắt người ở năm là Tưởng Chiếu Minh đem hai mươi đồng bạc tới cho nhà họ Đường. Một đoạn thời gian sau, Tưởng Giới Thạch lại bú sữa của người vợ Tưởng Triệu Tích là Đan Thị. Sau khi Tưởng Giới Thạch phất lên, hai người cháu của Đan Thị là Hằng Đức và Hằng Tường đều đã làm người hầu cận của Tưởng Giới Thạch. Sau khi Đan thị mất, Tưởng Giới Thạch đã tự tay đề trên mộ bia của bà hàng chữ Tưởng Công Triệu Tính Đức phối Đan Thị chi Mộ - Trung Chính đề - (Phần mộ của bà Đan Thị - người vợ hiền đức của ngài Tưởng Triệu Tính - Trung Chính đề) để báo đáp ơn cho bú mớm. Năm Tưởng Giới Thạch lên bẩy tuổi, ông nội của Tưởng là Tưởng Ngọc Biểu đã đem Tưởng tới chùa Pháp Hoa lễ Phật, trên đường trở về chú bé họ Tưởng: nhẩy xuống dốc, quên hết ngọn ngành, trượt chân xuống hố sâu, bị thương ở trán bên phải, máu chảy ròng ròng, ông đau đớn xót xa không biết làm thế nào, liền hái thuốc tươi chữa cho Tưởng, trong phút chốc vết thương đã bình phục[1]. Tưởng Giới Thạch có một người chị cùng cha khác mẹ là Tưởng Thụy Xuân lớn hơn Tưởng trên mười tuổi. Khi Tưởng còn nhỏ chị thường bế đi rong chơi. Tình cảm giữa hai chị em luôn luôn tốt đẹp. Mỗi lần Tưởng Giới Thạch về quê đều phải tới thăm người chị ruột này. Nghe nói có một lần hai chị em gặp nhau ở trên đường, Tưởng Giới Thạch bắt phu dừng kiệu, tự mình nhường kiệu để chị ngồi, còn Tưởng đi bộ theo sau, mọi người qua đường về cùng kinh ngạc. Khi tin Tưởng Giới Thạch là Trịnh Tam Phát Tử ở Hà Nam được truyền tới Phụng Hóa, người cháu gái của Tưởng thụy Xuân (qua đời năm 1946) nói: Khi bà nội tôi còn sống thường nói ông cậu được bà bế lớn lên, tại sao bỗng chốc đã biến thành người Hà Nam được ? Nếu Tưởng Giới Thạch lên chín tuổi mới tới Phụng Hóa Triết Giang, thì người chị là bà nội này làm sao có thể bế nổi được.Tóm tắt lại những điều vừa kể, Tưởng Giới Thạch chính là Tưởng Giới Thạch, không phải là Trịnh Tam Phát Tử. Như vậy thì có phải là con của hòa thượng chùa Tuyết Đậu không ? Chúng ta tạm thời đem cách nói của Ngô Thượng Ưng tiên sinh gọi là Ngô Thuyết. Từ trong những ghi chép biện luận nhận định Tưởng Giới Thạch không phải là Trịnh Tam Phát Tử trên đây, chúng ta có thể nhìn thấy, Ngô chưa hề nói Tưởng mẫu là người tỉnh ngoài, tự hồ như có thể cho rằng, trong Ngô Thuyết bà là người Phụng Hóa, điều này so với Đường Thuyết càng gần với sự thực hơn. Thế nhưng trong Ngô Thuyết, Tưởng phụ là một đồ tể giết lợn, so với việc buôn nước trong Đường Thuyết thì cự ly càng cách xa hơn. Đối với vấn đề Tưởng mầu xuất thân nghèo túng nói trong Đường Thuyết thì đại thể là thực. Những tài liệu của ủy ban chính trị hiệp thường tỉnh Triết Giang nói ông nội của Vương Thái Ngọc buôn bán hàng lâm thổ sản, thu lợi chẳng phải ít, cảnh nhà dồi dào phong phú. Tới tay cha của Vương Thái Ngọc, bởi ông có ý thích với công danh, nhiều lần đi thi không đỗ, cảnh nhà dần dần sa sút. Khi Vương Thái Ngọc 19 tuổi, cha bị ốm nặng, lúc ấy em trai lớn Hiền Cự mới 15 tuổi lại đam mê cờ bạc thành nết, em nhỏ 11 tuổi, lại mắc phải chút bệnh thần kinh. Ngày tháng sống vô cùng khó khăn. Vương Thái Ngọc dựa vào một đôi bàn tay khéo léo, làm các công việc nữ công thêu thua may vá, làm các đồ gia dụng, rất khó duy trì nổi đời sống. Sau khi người chồng trước của Vương Thái Ngọc mất đi bà khổ sở thủ tiết vài năm rồi mới lấy cha của Tưởng Giới Thạch. Trong thời gian này, tuy cuộc sống của Vương Thái Ngọc rất quẫn bách, nhưng vẫn chưa tới mức độ tương tự giống một dạng ăn mày như trong Ngô Thuyết nói. Ngoài ra, chùa Tuyết Đậu cách Khê Trung 11 cây số, từ Khê Trung tới nhà Vương Thái Ngọc ở Cát Trúc 25 cây số. Vương Thái Ngọc lại có đầu óc thông minh, bàn tay khéo léo, cũng khó có thể bỏ công việc mà chạy tới chỗ của hòa thượng xa mấy chục cây số được. Những tài liệu về các mặt đều đã được chứng thực. Năm thứ hai sau khi Vương Thái Ngọc tới nhà họ Tưởng thì sinh ra Tưởng Giới Thạch. Cho nên nói Vương Thái Ngọc có con trước với hòa thượng sau đó nói gả về nhà họ Tưởng, cũng là một loại đồn đại sai lầm. Thế thì, những tin đồn đại li kỳ về thân thế của Tưởng Giới Thạch từ đâu đến ? Đường Nhân tiên sinh dựa vào đâu để phán định Tưởng Giới Thạch chính là Trịnh Tam Phát Tử ?Trong một bài văn Đốc ước Kim Lăng Xuân Mông và những điều khác, Đương Nhân nói: Mùa đông năm 1949, có một sĩ quan hộ vệ thực sự ở trong phòng hầu cận Tưởng Giới Thạch sau khi về hưu tới Hương Cảng tìm bạn viếng thăm, mong muốn được lá rụng về cội, hơn thế, đã được phê chuẩn rất nhanh chóng. Trước khi trở về quê hương, ông đã dùng bát hàng tiên viết một số tình hình có liên quan tới Tưởng, nội dung bên trong có năm trang ghi chép quá trình trong thời kỳ kháng chiến, ông nhận lệnh của Tưởng giám thị sự từng trải của người anh cả Tưởng là Trịnh Thiệu Phát. Do vì sự việc cách đây đã 30 năm (nguyên văn như vậy, đã không nhớ được năm trang bát hàng tiên này là do một người bạn đem tới cho tôi như thế nào). May mà lúc đó trong khi vô cùng phiền muộn tôi đã nghĩ tới nó. Thế là cả nhà hợp lực tìm kiếm, tốn mất mấy ngày trời mới tìm được năm trang giấy mỏng manh này. Đường Nhân còn nói, sau khi ông ta tìm được năm trang bát hàng tiên này rồi, đã bắt đầu không tin tưởng vào sự từng trải mà người sĩ quan hộ vệ này viết. Sau này căn cứ vào gia phả họ Tương, Triết Giang địa phương chí, phong tục tập quán và những truyện ký của Tưởng Giới Thạch v.v.., lại đối chiếu với lịch sử phát tích của Tưởng cùng những biểu hiện của các giai đoạn ông mới tin tưởng và cách nói của vệ sĩ quan hộ vệ này. Tức thì đã viết thành Bộ thứ nhất Trịnh Tam Phát Tử trong Kim Lăng Xuân Mộng.Trịnh Tam Phát Tử của Đường Nhân được viết thành là căn cứ vào năm tờ giấy bát hành tiên của một vệ sĩ quan hệ vệ chưa để lộ ra họ tên. Những người chứng kiến hoặc những người chuẩn chứng kiến khác đã thu nhận được các tài liêu tương tự như tài liệu của Đường Thuyết như thế nào ? Trương Trọng Lỗ nói tài liệu mà ông viết ra là dựa vào những điều bản thân ông nghe được lúc đó, Quách Hải Trường và Lý Tịnh thì nói là nghe theo lời kể của Diêu Đình Phương chạy sang nước Mỹ trước đêm giải phóng. Tạ Mai Thôn nói từ chỗ Ngô Hiệp Đường chuyên viên Quốc dân đảng ở Hứa Xương mà biết được mối quan hệ giữa Trịnh Phát với Tưởng Giới Thạch. Nói tóm lại, đó đều là những tài liệu đã qua tay thứ hai hoặc thứ ba, khó tránh khỏi thêm dấm thêm ớt, làm cho sai lệch. Lại nói, Kim Lăng Xuân Mộng là lời nói của nhà viết tiểu thuyết, là dựa vào các tiên sinh viết văn nói ra người như thế, việc như thế, thực thực hư hư, làm sao tránh được. Nói như vậy thì, tạo dựng ra một nghi án lịch sử như vậy hoàn toàn là sai lầm của những nhà lập thuyết và những nhà truyền thuyết, hoặc giả nói là bởi vì Tưởng Giới Thạch là kẻ thù chung của nhân dân. Nếu như sự kiện này được nhận thức như là sự đồn đại nhảm hoặc như là một huyền thoại, như thế thì lại quá ư giản đơn hóa. Mặc dù Đường Thuyết điều tra không có chứng cứ thực, thế nhưng bất kể là lập thuyết hay là truyền thuyết thì sự việc xảy ra tất có nguyên nhân.Đầu tiên, Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc 23 tuổi mới vào nhà họ Tưởng, mọi người không biết là quả phụ tái giá, liền dẫn tới một số nghi vấn. Bởi vì ở Phụng Hóa Triết Giang, phụ nữ trong xã hội cũ chỉ 15, 16 tuổi là đã lấy chồng, rất ít người để vượt quá tuổi 17,18. Người chị Tưởng Thụy Xuân của Tưởng Giới Thạch năm 15 tuổi đã đi lấy chồng. Tưởng mẫu 23 tuổi mới về với Túc An là trái với tập tục của địa phương đó đã đem lại nhiều nghi ngờ cho mọi người.Thứ nữa, khi Tưởng mẫu gả về nhà họ Tưởng, người vợ trước của Tưởng phụ đã sinh ra một trai, một gái, gái là Thụy Xuân, trai là Tưởng Giới Khanh. Nghe nói người con cả này tính tình thô bạo, đối với mẹ kế rất không tôn kính. Khi Tưởng phụ mất, Tưởng Giới Thạch mới 9 tuổi, còn là đứa bé thơ ngây, sau hai năm em trai của Tưởng Giới Thạch lại chết yểu. Cuộc sống của Tưởng mẫu thê lương khổ sở, dùng việc chay lâu dài lễ Phật để cầu lấy sự ký thác về tinh thần, bà thường qua lại với chùa miếu. Thế nhưng Tưởng Giới Khanh không tin Phật. Có một lần nó thua bạc mất nhiều, trở về nhà vừa hay gặp phải vị hòa thượng tới nhà họ Tưởng hóa duyên cho rằng nguyên nhân của việc thua bạc là do hòa thượng tới (không môn), bực tức quát mắng, cãi nhau với mẹ kế. Không lâu họ liền ở riêng. Trong bài viết Khóc mẹ, Tưởng Giới Thạch nói: Trong nhà tràn đầy tai họa tranh chấp bất hòa, tức là chỉ anh em chia nhà, mẹ con bất hòa. Rất nhiều người không biết những sự việc tế nhị bên trong, thấy trong bài văn tự viết của Tưởng Giới Thạch có ẩn tình chưa vạch rõ, sự suy đoán mò mẫm cũng theo đó mà phát sinh.Thứ ba, sau khi Tưởng mẫu chết, không hợp táng với Tưởng phụ, lại xây dựng riêng mộ trang khác. Sau năm 1927, mỗi lần Tưởng Giới Thạch về quê, phần lớn đều dùng mộ trang Tưởng mẫu làm nơi nghỉ, giới báo chí thường đưa tin Tưởng Giới Thạch tiếp kiến những nhân vật quan trọng trong chính phủ quân sự Quốc dân đảng ở mộ trang Tưởng mẫu. Giới bình luận liền lầm tưởng cho rằng ông chỉ biết có mẹ mà không biết tới bố. Kỳ thực, cha mẹ Tưởng Giới Thạch an táng phân tán ở hai nơi, có những nguyên nhân khác nhau, đã từng thuật ở những sách khác. Mỗi lần Tưởng Giới Thạch về quê, tuy sống nhiều ở mộ trang mẹ, nhưng không phải như có người đã nói: chỉ biết tảo mộ cho mẹ, mà không thấy ông biểu thị tâm hiếu với cha. Mà thực ra là ông đã tảo mộ mẹ lại tảo mộ cha, lại tế tảo những phần mộ tổ tiên ở Thạch Thiện Diệu nữa.Thứ tư, mỗi lần Tưởng Giới Thạch nhớ tới gia giáo và thân giáo của mình đều hết sức tôn sùng đối với mẹ mình. Trong Tiên từ Vương Thái phu nhân sự lược ông đã truy thuật lại rất nhiều sự việc ngày trước của mẹ, như cảnh nhà khó khăn, chịu khổ đau thương tiết hạnh, quanh năm vất vả, trù liệu lo toan, cùng việc gặp điều vui mừng không lộ ra sắc mặt sung sướng trong cuộc gió mây biến ảo trước va sau cách mạn Tân hợi, gặp loạn vẫn giữ lòng trong trắng... Dưới ngọn bút của Tưởng, người mẹ của ông qủa thực là vị thánh mẫu Maria, là con người hoàn mỹ đệ nhất từ trước tới nay. Điều này thực ra cũng không đáng trách lắm, chỉ có điều là Tưởng Giới Thạch rất ít khi đề cập tới cha mình, ngay cả đến chữ khắc trên bia mộ của cha ông cũng là do một người bạn viết thay. Điều này vốn là bởi vì cha ông mất sớm, chủ yếu ông được người mẹ nuôi dưỡng giáo dục thành người. Hai mẹ con cùng phải trải qua biết bao nhiêu biến cố và tai nạn khổ sở không phải là những đứa con hư hỏng có thể chịu đựng truy thuật lại với những hoạn nạn chất chống sau khi cha mất, có những cảm thụ sâu sắc ghi xương khắc cốt, còn đối với người cha mất sớm thì ấn tượng mờ nhạt. Thế nhưng người ngoài đâu có thể biết được nội tình cặn kẽ đã vội vã suy đoán bừa, tạo ra một sự trừu tượng, suy lí, cộng thêm vào đó là lập trường giai cấp cùng với Đường Thuyết, mà đâu có phải là lới nói của một nhà. Tức thì sự việc đã hoàn toàn biến hình đổi dạng.Vậy thì, tại sao lại lan truyền ầm ỹ các tin Tưởng Giới Thạch là con trai của Sư Chủ trì chùa Tuyết Đậu?Đây tuy là một tin đồn nhảm, thế nhưng sự việc cũng có nguyên nhân.Chùa Tuyết Đậu ở Khê Khẩu được gọi là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Triết Đông, ở đời Đường đây là một trong mười chùa nổi tiếng của Thiền Tông, có thuyết nói là Thiên tặng quá đường. Hàng trăm hàng ngàn năm nay, khói hương vẫn nghi ngút. Họ Tưởng ở Khê Khẩu với chùa miếu của Đạo Phật (bao gồm cả chùa Tuyết Đậu) đã có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Về điểm này sẽ dành riêng một tiết trong chương này để giới thiệu tai đây, điểm cần nói là hòa thượng thì phải đi hóa duyên. Chùa miếu cần phải có thí chủ. Cha của Tưởng Giới Thạch kinh doanh hiệu bán muối, dần dân đã trở thành một trong mười hộ giầu có nhất ở Khê Khẩu, là dĩ nhiên cũng đã trở thành đối tượng khuyến giáo của chùa miếu. Do đó gia đình Tưởng Giới Thạch chẳng những đã sớm có sự qua lại với chùa Tuyết Đậu. Ngay cả Trung tháp viện, Chùa Pháp hoa cũng có liên hệ tương đối nhiều với nhà họ Tưởng. Tưởng mẫu Vương Thái Ngọc mọt đời gian truân, hai lần guá bụa, hơn nữa lại còn rất trẻ. Đặc biệt là sau hai lần guá bụa, đứa con nhỏ mà bà yêu quý nhất là Tưởng Thụy Thanh đã chết yểu, làm cho bà đớn đau chẳng còn thiết sống nữa. Trong Ai Trạng Tưởng Giới Thạch nói: Từ khi em trai tôi chết yểu, gia đình tôi li tán rệu rã, buồn phiền đau đớn hơn mười năm trời. Còn tôi lại càng cô đơn đau khổ, thê lương hưu quạnh, vui cười gượng gạo, nặng trĩu u buồn cũng suốt hơn mười năm trời. Trong đoạn này Tưởng Giới Thạch cũng đã phản ánh cảnh ngộ lúc đó của mẹ nữa. Bà đã từng nói với Tưởng Giới Thạch, bà là một người vị vong, chẳng còn điều gì thiết sống, chỉ có điều là Tưởng Giới Thạch còn chưa trưởng thành, bà đành phải liều sống chờ đợi mà thôi. Với tâm trạng như thế này, bà chỉ có thể hoặc là ở nhà tụng niệm kinh phật, hoặc là đến chùa bái lạy Bồ Tát, đó cũng là lẽ thường tình của con người. Hòa thượng ở trong chùa cũng vui vẻ khi có người tới bố thí tiền tài. Còn việc nói bà có mang với sư chủ trì Chùa Tuyết Đậu, đại khái là xuất phát từ suy đoán bởi nguyên nhân Tưởng Giới Thạch có quan hệ mật thiết với hòa thượng Thái Hư táng thân ở chùa Tuyết Đậu. Thế nhưng mối quan hệ mật thiết giữa họ với nhau thì lại có một nguyên do khác, chẳng có quan hệ gì tới Tưởng mẫu.Căn cứ vào hồi ức của Mật Hy: Cuối năm 1927, do tranh chấp quyền lực địa vị trong nội bộ Quốc dân đảng, Tưởng bị bức phải bắt buộc từ chức, tháng 8 trở về Khê Khẩu. Lúc đó, giới Phật giáo Triết đông, có một vị hòa thượng rất có uy tín danh tiếng lẫy lừng tên gọi là pháp sư Thái Hư, ngài tới các nơi giảng kinh, mở rộng Phật pháp. Tưởng Giới Thạch mến phục đại danh của ngài đã đặc biệt mời hòa thương tới chùa Tuyết Đậu giảng kinh. Ngày hôm đó, Tưởng tới chùa Tuyết Đậu, pháp sư Thái Hư đích thân ra ngoài cửa núi nghênh đón. Ngoài việc giảng kinh, pháp sư còn đoán mệnh cho Tưởng Giới Thạch. Nói rằng lần bắt buộc phải từ chức này là rồng bay về vực thẳm, rắn cuộn trong tầm nhìn, nói rằng trước mắt Tưởng tuy phải buộc từ chức, thế nhưng đang hành vận, chỉ trong một hai năm nữa thì Đông Sơn lại đứng dậy, quyền lực địa vị càng cao hơn, quyết chẳng phải là lời nói đùa. Tưởng nghe xong vô cùng sung sướng. ở Khê Khẩu làng cũ của Tưởng Giới Thạch, có một nơi danh thắng tên gọi là Bính Đàm Quan Ngũ, văn nhân tao khách các triều đại đã đề thơ lưu lại rất nhiều, trong đó có câu thơ mà Tưởng yêu thích nhất là:
Mặt nước xanh gợn sóng
Đàn cá ngẩng nhìn trời
Rồng bay trên đầm rộng
Chỉ nhìn phía trước thôi!
Bấy giờ nghe hòa thượng nói Tưởng là một con rồng, tự nhiên Tưởng Giới Thạch rộn ràng vui sướng. Tưởng lập tức để cho người anh sai người đem hành lý, đồ nấu bếp quẩy tới, ở ngay trong nhà phương trượng mà hòa thượng dành cho, ban đêm nghe Thái Hư giảng tâm kinh. Tưởng còn đem một gói hồng mà người anh đem đến, tặng cho Thái Hư. Tưởng Giới Thạch ở liền trong chùa Tuyết Đậu suốt mười một ngày. Những lời chào đón của hòa thượng Thái Hư, sau này ngẫu nhiên hợp với sự phát đạt của Tưởng, đối với vị hòa thượng này Tưởng càng vô cùng kính trọng. Căn cứ vào Thái Hư tại Triết Giang Đại Bi nói, về sau Thái Hư muốn đi du lịch Âu Mỹ, Tưởng đã cử người đem biếu hòa thượng ba ngàn đồng bạc. Năm 1932, Tưởng Giới Thạch lại mời Thái Hư tới chủ trì ở chùa Tuyết Đậu. Về sau Thái Hư bị bệnh mất tại Thượng Hải, Tưởng còn cho đem tro xương của ngài rước về Tuyết Đậu, xây tháp làm mộ. Nói tóm lại, do vì mối quan hệ giữa Tưởng Giới Thạch với hòa thượng Thái Hư đã vượt quá xa với mối quan hệ giữa hương khách với chùa Phật nói chung, thì cũng đã khó trách khỏi dẫn đến sự đánh giá và suy đoán. Cho nên nói chung lại là: Tưởng Giới Thạch đã không phải là Trịnh Tam Phát Tử mà cũng chẳng phải là con của hòa thượng, Tưởng Giới Thạch vẫn cứ là Tưởng Giới Thạch.
-------------------------------
[1] Tưởng Trung Chính: Hành Trạng