Nghi lễ cưới hỏi là không thể thiếu, và không hề đơn giản từ ngày xưa. Bởi cưới xin là chuyện trọng đại của đời người, đặc biệt là đối với người con gái vì nếu lỡ mang tiếng “dang dở” sẽ khó kiếm được một tấm chồng khác như ý nguyện.
Theo quan niệm của người xưa, phải tuân theo 6 trình tự gọi là "Lục lễ". Để thực hiện đủ "lục lễ" này, từ "nạp thái" cho đến "thân nghinh" có khi phải kéo dài vài ba tháng trời. Mà cổ nhân vẫn có câu "Cưới vợ phải cưới liền tay", vì thế trên thực tế người Việt thường thu gọn vào làm 3 lễ, theo thứ tự là: lễ nạp thái, lễ vấn danh và lễ thân nghinh, quy trình được thực hiện như sau:
1
Lễ nạp thái (hay chạm ngõ)
Sau khi nhà trai và nhà gái đã thỏa thuận việc cưới gả, bà mối sẽ hẹn ngày với bên nhà gái để đưa người chủ hôn (cha mẹ) bên nhà trai và chú rể đem lễ vật trầu cau đến nhà gái xin đính ước. Lễ này gọi là lễ chạm ngõ (có nhiều nơi còn gọi là dạm ngõ).
Theo lệ xưa, lễ chạm ngõ có đưa một tờ hoa tiên, ghi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con trai để nhà gái xem xét và chấp nhận cho việc đính hôn ấy. Sau lễ chạm ngõ, cả hai bên trai gái đều phải làm lễ trước từ đường để trình với tổ tiên về việc tạm đính ước này.
Lễ chạm ngõ thực chất mới chỉ là một chuyện đính ước lúc ban đầu, để nhà trai có cớ thường xuyên đi lại với bên nhà gái, tỏ tình thân mật cho sự thông gia và bàn tính đến lễ ăn hỏi sau này. Nếu vì một lý do nào đó khiến đôi bên không muốn cưới gả nữa thì cũng không có vấn đề trách nhiệm nếu chưa chính thức làm lễ ăn hỏi.
2
Lễ vấn danh (ăn hỏi)
Lễ này rất quan trọng, được tổ chức trọng thể bởi tính chất hợp thức hóa chuyện nhân duyên của đôi trai gái trước khi làm lễ cưới. Người mối mai đưa chú rể, những người quan trọng của nhà trai và một số họ hàng thân thuộc cùng các lễ vật như: cau, trầu, chè mứt hay bánh đến nhà gái để làm lễ gia tiên. Sau đó, nhà gái đem các lễ vật này chia phần cho bạn bè và họ hàng thân thuộc để thể hiện rõ là mình đã quyết định gả con gái, không thay đổi gì nữa.
3
Lễ thân nghinh (cưới)
Theo nghi lễ cưới hỏi truyền thống, ngày rước dâu về nhà chồng, nhà trai thường hay đi đón dâu vào ban đêm và bắt buộc phải chọn được giờ Hoàng đạo (giờ tốt). Vào ngày đó, nhà trai nhờ một cụ già khỏe mạnh với điều kiện là phải còn đủ vợ chồng, có nhiều con cháu, thay mặt nhà trai đi đón dâu.
Cụ già tay cầm nhang, dẫn theo đoàn người nhà trai cùng với đầy đủ lễ vật đến nhà cô dâu. Đến nơi, chú rể phải làm lễ gia tiên rồi mới được rước vợ về.
Thường lễ cưới đến đây là kết thúc nhưng theo phong tục một số nơi, cô dâu chú rể còn làm lễ tơ hồng. Đây là lễ tạ ơn ông tơ, bà nguyệt đã se duyên phận họ lại với nhau, khiến cho họ nên vợ nên chồng và ăn đời ở kiếp bên nhau.
Sau tiệc cưới là hợp cẩn. Lễ này dành riêng cho đôi tân hôn. Họ sẽ uống chung một ly rượu, sau đó người vợ đi trải chiếu rồi lạy chồng ba lạy, người chồng cũng xá lại vợ mình ba xá.
Thời phong kiến, tục này để khẳng định rằng người chồng luôn là người có quyền quyết định cuộc sống sau này, người vợ hiền thảo sẽ luôn tuân theo sự sắp đặt của chồng. Tuy thế, người chồng cũng phải tôn trọng vợ, hai người luôn kính nhau như khách. Sau hôn lễ hai hoặc bốn ngày vợ chồng dắt nhau về gia đình nhà vợ để làm lễ lại mặt, còn gọi là nhị hỷ hay tứ hỷ.
Trong lễ cưới có nhiều lễ vật, nhưng không thể thiếu bánh "Su sê", nguyên xưa là bánh "Phu thê", một số địa phương nói chệch thành bánh "Su sê". Sở dĩ gọi là bánh phu thê (chồng vợ) vì đó là biểu tượng của đôi vợ chồng phận đẹp duyên ưa: vuông tròn, trong trắng mềm dẻo, ngọt ngào, thơm tho, xanh thắm, đồng thời cũng là biểu tượng của đất trời (trời tròn, đất vuông) có âm dương ngũ hành: Ruột trắng, nhân vàng, hai vỏ xanh úp lại buộc bằng sợi dây hồng.
ST