Mùa Xuân Nghĩ Về Truyền Thống Thượng Võ Của Dân Tộc
Dân tộc Việt Nam có truyền thống thượng võ từ ngàn xưa. Đó là một mặt quan trọng trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam: võ công cùng với văn trị kết hợp với nhau, tạo nên sức mạnh văn hóa Việt Nam.
Các anh hùng dân tộc, những vị vua khai sáng ra các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, v.v. đều xuất thân từ võ tướng kiệt hiệt với những võ công hiển hách. Các triều đại phong kiến ở nước ta đều lập ra ở kinh thành Thăng Long giản võ đường, giảng võ điện hoặc trường võ học...nhầm làm chỗ luyện tập võ nghệ, trao dồi binh pháp và tổ chức thi võ, "đặng đào tạo và cung cấp nhân tài ngành võ"(1), để "lương tướng(tướng giỏi) thay nhau ra đời, võ công phấn chấn, thế nước được vững mạnh"(2). Các trường dạy võ thường được xây dựng ở nơi có địa thế tốt và rộng rãi, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, học tập và rèn luyện võ nghệ. Ví như "Sở võ học" dưới thời chúa Trịnh nằm ở vị trí giáp với đàn Nam Giao, hình thể liền với sông Nhị hà: nghìn hàng cây cỏ hệt như muôn đội đồn binh, bốn mặt hồ ao trông tựa bức đồ bát trận, sân hè rộng rãi, nhà miếu nguy nga, lúc thì kính dâng đồ cúng bằng ngọc lụa, người và thần đều hả hê; lúc thì xe thúy hoa đến ngự, cây cỏ thêm tươi. Những kẻ võ dũng được lên thềm, ùn ùn như mây hợp lại, những bậc anh hùng là hạng người được vào nhà, đọng lại như sương móc long lanh. Những người cầm cung và đao mà thao diễn toàn là hạng võ sĩ mạnh mẽ. Những người cầm binh thư mà giảng luận đều là bậc mưu trí tài tình. Dưới thềm nhảy múa là những tướng tôn(a), Ngô(b); trong trường gậy toàn là những tay Anh(c), Vệ(d). Thực là chốn địa thắng"(3).
Kỳ thi võ đầu tiên ở nước ta được sử sách ghi lại là kỳ thi năm 1429 do vua Lê Thái Tổ tổ chức. Thi gồm có lý thuyết(võ kinh) và thi thực hành(bắn cung, phóng lao, lăn khiên, v.v). Nhà Lê cũng lập ra trường Giảng võ, học sinh của trường học tập trong ba năm; mỗi năm đến tháng chạp thì có kỳ sát hạch, hết ba năm thì có kỳ thi tốt nghiệp do bộ Binh chấm; ai đỗ được tuyển làm quan võ.
Đến đầu thế kỷ XVIII(thời Lê - Trịnh), thi võ được tổ chức 3 năm một lần. Các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi ở địa phương gọi là Sở cử. Các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì có kỳ thì ở kinh đô gọi là Bác cử. Người đỗ được gọi là Cống sĩ(cử nhân võ), cao hơn là Tạo sĩ(Tiến sĩ võ); và khi đó, được cử làm võ quan. Nhưng, đã là võ quan rồi, hàng năm, đến mùa xuân và mùa hạ, vẫn phải thi sát hạch. Ai đạt yêu cầu thì được thưởng, ai không đạt thì bị phạt tiền hoặc bị giáng chức. Thi võ thời Lê - Trịnh gồm có các kỳ sau đây:
- Kỳ một: thí sinh phải trả lời các câu hỏi về binh pháp trong bộ Tôn Tử.
- Kỳ hai: thí sinh thi võ nghệ, gồm các môn cưỡi ngựa, múa thanh mâu dài, đánh kiếm, lăn khiên, múa đao.
- Kỳ ba: thí sinh thi một bài văn sách, trả lời về phương lược huấn luyện, chiến thuật công thủ và trận pháp.