Một đêm, đoàn người tẩu quốc dừng ngựa bên bờ Hắc Giang. Tôn chọn một nơi hiểm trở giữa vùng sông núi đóng trại, cho quân gia nấu cơm nghỉ ngơi lấy sức, mai qua sông và đồng thời cho thám mã tuần sát khắp vùng. Canh hai thám mã về báo thấy nhiều bóng người ngựa khả nghi khắp nẻo. Tôn liền đốc xuất tùy tùng bố trận đề phòng, và xách gươm đi khắp trại quân, kiểm soát “Ngựa vàng”.
Nửa đêm họ Tôn ngồi xõa tóc trong lều, thanh kiếm Long Tuyền để ngang trước mặt. Chợt một trận gió đêm lùa vào thổi rạp thoi nến đỏ. Tôn ngẩng phắt đầu lên, giật mình đánh thót, quơ tay nắm lấy đốc kiếm Long Tuyền. Một ông già quắc thước, râu bạc, áo rộng, mắt sáng, đứng sững trước cửa lều, tay cầm một chiếc bàn tay sét đánh đen xì. Nhanh như cắt họ Tôn nhảy vọt sang bên, tay lăm lăm thanh kiếm báu, quát lớn:
- Ngươi là ai? Bay đâu!
Ông già lạ điềm nhiên tiến vào, khoa nhẹ bàn tay sét đánh trước mặt đại thần triều Nguyễn giọng âm u:
- Tôn tướng công! Lão có lời muốn nói. Xin hãy bình tâm. Chúng quân đã ngủ kỹ rồi!
Lạ thay! Bàn tay đen vừa khoa Tô Thất Thuyết đứng ngây như pho tượng giương mắt ngó ông già kỳ dị, tâm thần nửa tỉnh nửa mê.
- Kho tàng là vận mạng của Nam bang, nay Nguyễn triều suy yếu tướng công bại binh còn định chở kho vàng đi đâu? Nay thiên hạ bao kẻ manh tâm chiếm đoạt sớm mai gươm súng địch sẽ chĩa tới bờ Hắc Giang này, thế như hổ báo tranh mồi, sức quân tàn của tướng công sao chống nổi? Sao không chôn giấu kho tàng, chờ cơ hội, chiêu binh mãi mã?
Tôn đăm đăm nhìn ông già lạ, chống mũi gươm xuống đất.
- Bại quan này định sang Tàu, vốn đã có ý đó từ khi đem kho làng lên đường tẩu quốc. Nhưng chỉ e báu vạt sa tay đạo tặc, còn lấy gì chiêu binh phục hận?
Ông già nghiêm mặt:
- Vật báu Nam bang phải vào tay kẻ có lòng vị quốc. Lão có lời nguyền, có thể giúp tướng công. Mau theo lão.
Như mê, Tôn Thất Thuyết xách gươm theo ông già cầm bàn tay sét đánh, lòng rối loạn không rõ ma quái thần nhân hay đạo tặc nữa. Khỏi lều ông già đưa họ Tôn ra thẳng rừng rậm, dọc theo bờ sông Hắc và mất hút giữa vùng đồi núi điệp trùng.
Cuối canh ba, tự nhiên gió rừng nổi lên đùng đùng, lá cây, cát bụi bay mù, nước sông Hắc đang phẳng lặng, chợt nổi ba đào cuồn cuộn. Trong giông gió ầm ầm, đám quân tướng họ Tôn vùng thức giấc, nghe tiếng ngựa hí vang lừng, kẻ xách gươm, ngườì mang súng chạy tới chỗ buộc “Ngựa vàng”, chỉ thấy đàn ngựa kinh hoảng chồm vó giật dây, trên lưng ngựa… cả kho tàng hàng bao nhiêu xe vàng thoi đã biến mất rồi. Quân tướngkinh sợ nhìn nhau bên tai còn nghe từ xa xôi vọng về một tiếng hú rờn rợn bay lượn vật vờ trong gió lốc, kéo dài lê thê rồi vụt tắt trong đêm. Chớp mắt, gió tạnh, nước yên, trời đất khai quang, Tôn Thất Thuyết xõa tóc, xách gươm trở lại vòng quân, truyền nhổ trại lên đường lập tức. Quân tướng thấy mất kho tàng đều kinh, nhưng sợ phép Tôn, không ai dám hỏi. Vượt Hắc Giang tay không cả bọn lại xuyên sơn ngược mãi lên phía biên thuỳ. Rồi một đêm ông già lạ tới dẫn họ Tôn vào rừng,
gần sáng mới thấy Tôn trở về, hô quân tướng vượt cỏ phân mao, sang đất Tàu, nương ở Long Châu, chờ ngày phục hận.
Chính sử chép: Suốt ngày đêm Tôn Thất Thuyết đem gươm Long Tuyền ra mài ngày càng dữ tợn như điên rồi thác nơi đất khách để lại miền Tây Bắc một kho tàng vô gía, cơ nghiệp cả Nguyễn Triều. Sử chỉ chép sơ lúc Tôn tới bờ sông Hắc nghỉ binh và cất giấu kho tàng. Sớm mai qua sông, không thấy đem vàng theo nên thiên hạ đều cho là Tôn đã chôn cất quanh vùng. Chờ ngày về sẽ lấy.
Từ ngày đó tới nay, các tướng tá, tù trưởng mọi sắc dân, cùng bọn giang hồ thảo khấu luôn luôn sục khắp miền Hắc Giang tìm kho tàng vô giá, không biết bao nhiêu khối vàng nén. Nhưng dấu vết kho tàng vẫn chìm trong hư ảo, đất Tây Bắc đã đầy dấu chân người đua nhau tìm kho tàng vô giá. Cả thiên hạ đều tin chắc họ Tôn đã chôn giấu cạnh bờ sông Hắc. Nhưng đến nay màn bí mật vẫn bao trùm Tây Bắc. Chỉ có mấy dòng họ biết con đường tìm đến kho tàng : Bức họa đồ chỉ lối. Vì sau đêm chôn giấu, ông già kỳ dị kia đã cùng họ Tôn vẽ một bản đồ hình bát quái cắt làm tám mảnh mỗi người giữ bốn chọn mặt trao cho tám dòng họ, phòng khi nào thế sự đổi thay, ông già kỳ lạ cùng họ Tôn hi vọng còn có người sử dụng kho tàng bảo quốc. Quả nhiên cả hai người đều không trở lại và họa đồ tám mảnh phân tán tám phương, ngót trăm năm, đã mấy lần đổi chủ. Thiên hạ đổ máu tìm họa đồ ráp lại, ai cũng chỉ đoán đó là mảnh họa đồ ghi nơi chôn bảo vật vô song. Và suốt trăm năm, chưa kẻ nào cầm nổi lấy nửa phần, chìa khóa bí mật trong tay. Cho mãi tới ngày Thần Xạ Đại Sơn Vương từ miền Thập Vạn Đại Sơn vượt cỏ phân mao về đất Việt...
...Đang nhắm nghiền mắt, nằm bất động, kể trầm trầm trong ảo mộng chợt Chúa H’mông Voòng Chí Sinh tung phắt chăn gấm, ngồi nhổm dậy, cặp mắt sáng quắc nhìn viên tướng non cao:
- Không đầy mấy tháng một mình một ngựa dọc ngang, đã đoạt được nửa hình bát quái, Voòng này có lời khen phục. Và... từ lâu, Voòng muốn nhìn tận mắt cho rõ hình bát quái ra sao?
Giọng Chúa H’mông cất lên cao, sang sảng chợt đổ chìm, một tay chống thẳng xuống tấm nệm da báo gấm, mắt vẫn nhìn như xói vào tận tâm can người tướng khách. Nãy giờ, Đại Sơn Vương vẫn nằm, bình thản nghe câu chuyện cổ, thình lình bị dụ đến tình thế thậm khó xử, viên tướng trẻ tuổi, chậm chạp chống tay ngồi lên, đỡ lấy chén sâm trên tay mỹ nữ, uống khoan khoái lạ lùng theo thót quen cố hữu mỗi khi... nổi sóng trong lòng. Uống xong. chàng nhẹ nhàng đặt chén, nhìn Chúa H’mông nhếch miệng cười tươi và ung dung lấy trong mình ra một chiếc hộp nhỏ, hơi nhào mình đặt nhẹ trước mặt Chúa H’mông.
Voòng Chí Sinh liếc nhìn chiếc hộp và quay lên ngay, nhìn chàng tướng núi, tay vuốt chòm ria mép mặt thoáng vẻ khó hiểu. Đoạn cúi xuống mở hộp, cầm mấy mảnh giấy bản soi lên, ánh đèn dầu lạc, lật nghiêng ngửa coi, khuôn mặt quắc thước rạng rỡ dưới ánh vàng chập chờn. Đại Sơn Vương vẫn ngồi im, đăm đăm ngó Chúa H’mông theo dõi từng cử chỉ. Voòng đặt mấy mảnh giấy theo hình dải quạt, chợt ngẩng nhìn lên, hỏi chàng:
- Tướng quân cũng tin là họa đồ bát quái chỉ nơi chôn giấu kho vàng?
Tướng núi lắc đầu:
- Hồng Lĩnh này chỉ biết họa đồ dẫn tới một báu vật giấu nơi Tây Bắc cũng chưa nghĩ hẳn là một kho tàng.
Chúa H’mông gật đầu, đoạn bâng khuâng trông ngọn đèn dầu lạc:
- Bản đồ không dẫn tới kho tàng. Màn bí mật vẫn bao trùm đã ngót trăm năm. Chỉ có ông già kỳ lạ, cùng họ Tôn là biết rõ. Và hiện nay, chỉ có Voòng này! Bản đô chỉ dẫn tới thần thơ phù thủy, và thần thơ sẽ đưa tới kho tàng. Cho nên, cả thế kỷ, chân thiên hạ đã giẫm đầy Tây Bắc, có khi đã bước tới kho tàng, nhưng lời nguyền ghê gớm của thầy phù thủy đã bảo vệ kho tàng, che mờ báu vật, để chờ kẻ nào có Phù Thủy Thần Thơ. Vì ông già kỳ dị chính là một thầy phù thuỷ cao tay đêm xưa đã dùng âm binh che giấu kho tàng và chìa khóa mở cửa kho vàng, đã dặn cả trong cuốn thần thơ. Và còn điều quan hệ vô cùng, là cuốn thần thơ đó trong có dạy nhiều thuật gớm ghê, thuật bí truyền của riêng dòng Việt tộc mà chài, ngãi, gồng, bắt ârn binh của ít thầy miền núi còn sót lại, chỉ là thuật thường nhất trong Phù Thủy Thần Thơ. Điều bí ẩn chỉ riêng Voòng biết và cũng do tình cờ run rủi, định mệnh xui nên.
Nói đến đó Chúa H’mông Hoàng Su Phì quài tay sau vách lấy ra một chiếc hộp nhỏ, đặt trước mặt Đại Sơn Vương. Chiếc hộp giống hệt hộp của chàng, không sai mảy may. Chàng còn đang thầm lấy làm lạ, thì chúa H’mông đã nhẹ tay mở ra. Bên trong đặt một mảnh giấy, cầm coi, hệt mấy mảnh kia không sai ly tấc. Chỉ khác là ngoài mặt vẽ hình thể núi sông, còn một mặt vẽ chi chít những hình quái gở giữa những dòng chữ Hán li ti.
- Đây chính là một bản trong tám bản, nhưng là bản số một. Và chỉ riêng bản này mới ghi rõ nơi dẫn tới Phù Thuỷ Thần Thơ, cùng lời nguyền khi cho âm binh đi chôn giấu kho tàng. Tướng quân hãy coi qua!
Đại Sơn Vương cúi đọc khẽ những hàng chữ Hán nhỏ như chân kiến, và chợt ngẩng lên, nhìn Chúa H’mông.
- Lão phù thủy quả là tay trọng nghĩa! Cứ như lời nguyền ghi trông này cả họ Tôn lẫn lão, không ai độc dụng kho tàng. Phải cả hai cùng tới và phải dùng vào đại nghĩa mới xong.
- Còn hậu thế, kẻ nào nắm cuốn thần thơ sẽ làm chủ kho tàng vô giá. Nhưng theo Voòng, làm chủ cuốn thần thơ mới là điều tối hệ và kẻ làm chủ nếu là kẻ bất nhân, thiếu đức thì cả xứ H’mông của Voòng nguyền lấy máu đối đầu mới nghe !
Chí Sinh ngừng lại. Giọng lão Chúa H’mông đanh thép, vang âm khắp một phòng, chập chờn trên ngọn đèn dầu vàng sệt và như xoáy vào tận trí óc viên tướng biên thùy. Chợt có tiếng gõ cửa gấp gáp. Đại Sơn Vương nhìn Chúa H’mông, Voòng Chí Sinh hơi cau mày, trong ra phía cửa hất hàm một cái. Cô gái hầu thuốc tiến ra. Và như cơn gió, Voòng Chí Plan bước vào, cặp mắt phương sáng quắc còn đượm đầy sắc giận:
- Bẩm thúc phụ, ra tới biên khu, vô tình con bị lọt vào quân phục của anh Voòng Xám, bị cầm chân, mãi mới thoát về đây. Hiện khắp ngả, đều có quân anh chực sẵn, xem ý anh quyết lòng không chịu lệnh thúc phụ !
Chúa tể non cao nheo mắt, hơi nhếch miệng cười khan:
- Những đứa nào đã theo thằng Xám? Và... phải nó dám làm loạn đất Hoàng Su Phì chăng?
Chí Plan hơi nhìn Đại Sơn Vương, đoạn khẽ nói: