150 thượng nghị sĩ Zimbabwe sẽ đi phẫu thuật cắt bao quy đầu và xét nghiệm HIV để “làm gương” trong một chiến dịch phòng chống HIV/AIDS của chính phủ nước này.
Một phụ nữ Zimbabwe đi qua bảng quảng cáo có ghi: “Nam giới cắt bao quy đầu là biện pháp hàng đầu đề phòng chống HIV”. Ảnh: Reuters |
Theo Telegraph, 150 trong số 175 thượng nghị sĩ ở Zimbabwe đã ký giấy cam kết vào tuần rồi, và trong những tuần tới họ sẽ lần lượt đến bệnh viện để phẫu thuật cắt bao quy đầu và xét nghiệm HIV.
Vợ con của các ông nghị này, theo cam kết, phải có trách nhiệm động viên các ông sớm đi cắt bao quy đầu.
Kết quả xét nghiệm HIV của các ông nghị này sẽ được công bố rộng rãi trên cổng thông tin chính phủ.
Một số thượng nghị sĩ phản đối, không ký cam kết, cho rằng đây là một ý tưởng "điên rồ và quái đản”.
Ý tưởng cắt bao quy đầu của các ông nghị Zimbabwe bắt nguồn từ báo cáo trước đây của Phó thủ tướng Thokozani Khupe cho rằng đàn ông cắt bao quy đầu sẽ làm giảm 60% nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tại quốc gia láng giềng Zulu, tổng thống Jacob Zuma cũng đã cắt bao quy đầu vào năm 2010 và kêu gọi đàn ông Zulu làm theo.
Trước đó, chính phủ Zimbabwe đã tiến hành chiến dịch năm 2011 cắt bao quy đầu cho 80% thanh niên nước này (khoảng 3 triệu người).
Mới đây, chính phủ Zimbabwe còn kêu gọi phụ nữ nước này nên ít đi tắm để “tạo mùi” khiến đàn ông không thể đến gần (!), nhằm ngăn chặn dịch bệnh HIV/AIDS lây lan.
Hồi tháng 7.2011, các nhà lập pháp Zimbabwe cũng đã đệ trình một dự thảo luật, theo đó chỉ cho phép đàn ông nước này quan hệ tình dục một lần/tháng, và kêu gọi các nhà khoa học “nghiêm túc” phát triển loại thuốc giúp đàn ông Zimbabwe giảm ham muốn tình dục.
Zimbabwe là một trong số những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng đại dịch HIV/AIDS nặng nề nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 60% trong số khoảng 1,1 triệu người đang sống chung với HIV là phụ nữ.
Tuổi thọ trung bình của người dân Zimbabwe là 44 ở nam và 43 ở nữ, mức thấp nhất thế giới.
Quan hệ tình dục bừa bãi và nạn “đa thê thiếp” là nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch HIV/AIDS ở Zimbabwe.