VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Câu Thơ Yên Ngựa

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 5:21 pm

    First topic message reminder :

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Tiểu sử tác giả


    Nhà thơ, nhà văn, soạn giả Hoàng Yến (ảnh) đã qua đời lúc 19 giờ 30 ngày 23-2, sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 91 tuổi. Hoàng Yến tên khai sinh là Lê Hoàng Yến, sinh năm 1922 tại Đà Nẵng.
    Ông tham gia cách mạng từ năm 1942. Sau toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông nhập ngũ và về làm Thư ký toà soạn Báo Khu 4, sau đó ông có một thời gian chiến đấu trong đội hình đại đoàn 304 tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1957 ông là một trong những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.


    [img]Câu Thơ Yên Ngựa - Page 2 Cau-tho-yen-ngua-tieu-su-tac-g-8171-1_zpse39712d0[/img]


    Dưới các bút danh Hoàng Yến, Thạch Tiên, Hoàng Lan, Hoàng Đức Anh, ông sáng tác khá nhiều, từ thơ, tiểu thuyết đến kịch bản sân khấu. Nhiều tác phẩm của ông đã ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc như tiểu thuyết lịch sử Câu thơ yên ngựa, Chân mây khép mở, tiểu thuyết Kẻ trộm nước trời… cùng nhiều kịch bản sân khấu khác. Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học - nghệ thuật gồm 3 huy chương vàng và 2 huy chương bạc cho các tác phẩm sân khấu.
    Cách đây 2 năm, ông phải phẫu thuật ung thư đại tràng, kể từ đó sức khoẻ ông suy giảm dần cho đến khi mất. Linh cữu của ông quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM. Lễ động quan vào 6 giờ 30 ngày 27-2, sau đó an táng tại Nghĩa trang Công viên Bình Dương.
    T. VY

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 10:47 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 4


    Tuy đang cơn se mình, Hoàng Kim Mãn vẫn phải cố ngồi bật dậy. Ông vừa chống tay gắng gượng nâng tấm thân núc ních lên khỏi chiếu thì tướng quân Miêu Lý bước vào. Miêu Lý cho ông biết quân Tống vừa bắt được một tên gian tế người Việt. Hắn khai hắn là chỗ quen thân với quan đầu mục Môn Châu. Sự tình đang còn nghi hoặc nên Miêu Lý phải đến hỏi Hoàng Kim Mãn để biết rõ hư thực thế nào. Quan châu mục đưa ngón tay béo múp gõ nhiều lần vào đầu óc trì trệ của mình mà vẫn không sao nhớ ra được ai là kẻ quen biết.
    Không! Không! Tôi không có ai là người quen biết ở đây cả. Chắc hẳn tên ấy khai gian để lừa dối quân Thiên triều – Hoàng Kim Mãn vừa mấp máy đôi môi dày mẫm vừa liếc mắt nhìn tên quân đang thập thò trước cửa.
    Nhưng để biết rõ ngay gian, Miêu Lý đã hô quân cho dẫn kẻ bị bắt vào. Vừa trông rõ mặt kẻ gian, Hoàng Kim Mãn reo mừng cuống quít như người bắt được của: - Ôi! Ân nhân. Sao ân nhân lại đến được đây? Cảm tạ thần linh dun dủi cho ân nhân gặp Mãn tôi đang lúc bệnh hoạn này.
    Vũ Anh Thư từ tốn đáp: - Tôi đến xứ Môn tìm gặp quan Châu, người nhà bảo quan đã theo quân Thiên triều xuống đất Lạng.
    - Vừa rồi tướng quân Miêu Lý có hỏi nhưng vì ân nhân đến bất ngờ nên Mãn tôi không kịp nhớ ra – Y quay sang Miêu Lý – Thưa tướng quân, đây là quyến thuộc của hạ chức đến tìm có việc cần.
    Nhìn thấy vẻ vồn vập chân tình của Hoàng Kim Mãn đối với khách, Miêu Lý nhã nhặn bảo Vũ Anh Thư: - Bọn quân lính của bản chức không biết tôn ông là người nhà của quan châu nên có điều khiếm khuyết, mong tôn ông thứ lỗi. Nói xong Miêu Lý cáo từ bước ra ngoài.
    Hoàng Kim Mãn định nói gì thêm thì Vũ Anh Thư đã ra hiệu cho ông ta nằm xuống rồi thò tay bắt mạch.
    - Nguyên khí hao tổn, hư hỏa thịnh mà chân âm lại rỗng – Vũ Anh Thư lẩm nhẩm. Chàng nhìn thẳng vào khuôn mặt tròn quay béo múp của viên châu mục mà nỗi lo lắng về bệnh tật không sao gợn lên được một nét hằn dù là nhỏ ở góc mũi trong hơi thở phì phò, hỏi khẽ: - Chắc hẳn quan châu vừa gặp một cơn nguy biến nào kinh tâm động phách khiến thần khí bị thương tổn.
    Hình như câu nói của chàng đánh thức nỗi kinh hoàng trở về ánh lên trong đáy mắt của viên quan châu. Y lặng lẽ gật đầu đưa tay chỉ về phía bờ Nam: - Mãn tôi có theo tướng quân Miêu Lý sang sông và gặp phải quỷ dữ! Rồi y hổn hển thuật lại cuộc tháo chạy của quân Tống trong đêm tối hãi hùng đầy bóng quỷ hình ma mà có lẽ cho đến lúc xuống mồ y vẫn còn mang theo nỗi khiếp sợ ấy. Qua câu chuyện y kể, Vũ Anh Thư còn biết thêm rằng hơn ba trăm tên sống sót trở về mồm quàng quạc lên ngang nhiên gieo rắc nỗi kinh hoàng trong các đạo quân Tống đến mức cứ đêm xuống không một ai dám thò mũi ra khỏi doanh, đến mức nguyên soái Quách Quì ra lệnh sẽ chém đầu bất kể tướng nào tự tiện đem quân sang đánh bờ Nam.
    - Ô! Sao quan châu lại nỡ đem tấm thân nghìn vàng của mình xông pha vào vòng nguy hiểm. Cứ ở lại đất Môn có yên ấm hơn không? – Giọng trách móc đầy thân tình của chàng làm Hoàng Kim Mãn cảm kích.
    - Đã theo phải theo cho trót – Y chép miệng nói – Mà đâu chỉ có một mình Mãn tôi. Các quan châu khác cũng qui thuận Tống triều cả. Ngay đến Lưu Kỷ, quân hùng tướng mạnh thế kia mà cũng đầu hàng. Cả bộ thuộc và gia quyến của ông ta đều được họ đưa sang ở bên kia. Thế của họ mạnh lắm!
    - Nhưng tôi xem cung cách hai bên đánh nhau nhũng nhẵng bên lũy cao hào sâu này thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
    - Không đâu! Người Tống có nhiều mưu sâu chước lạ. Đời nào họ chịu bó tay!
    Dường như sực nhớ đến bệnh tim của mình, y ngước cặp mắt chan chứa hy vọng nhìn Vũ: - Thế bệnh của Mãn tôi không nặng lắm chứ?
    - Nếu để thêm vài ngày nữa thì bệnh sẽ trầm trọng. Nhưng đã có mặt tôi ở đây thì xin quan châu đừng lo ngại. Chỉ uống dăm thang “bổ tâm cứu dương” là cơn bệnh sẽ lui ngay.
    Hoàng Kim Mãn tươi tỉnh mặt mày, bất giác cầm lấy tay chàng tỏ lòng biết ơn vô hạn. Nhưng y vội rụt tay về vì y vừa nghe một tiếng thở dài ảo não.
    - Quan châu ạ! – giọng Vũ buồn bã làm động lòng người – Thân này cũng đang lao đao vì chiến sự. Nhà chỉ có mấy miếng bạc điền. Việc hành nghề gặp bước khó khăn. Mà về việc quân thì kẻ môn y này lại mù tịt. Chẳng rõ ai mạnh ai yếu, ai được ai thua, đây hay đâu dở…
    - Ấy, Mãn tôi trước kia cũng nghĩ như ân nhân. Sau nhờ nguyên soái Triệu Tiết phái tướng Khúc Chẩn dẫn Mãn tôi đến gặp Người. Triệu nguyên soái khác xa với ông Quách Quì. Ông Triệu thì rộng rãi, tốt bụng còn họ Quách thì ti tiện, hà khắc. Đấy ông ta đang khiển trách Miêu Lý và bọn tôi về việc đem quân sang bờ Nam. Triệu nguyên soái phải bênh mãi mới yên được. Họ chẳng ưa gì nhau đâu.
    - Chim khôn tìm cành thẳng mà đậu. Sao quan châu còn đi theo Quách Quì làm gì?
    - Triệu nguyên soái bảo Mãn tôi đi theo đại quân để mưu sự về sau. Người nói cứ để cho Quách Quì múa may nhưng sự thắng bại không chắc định đoạt ở chiến trận mà đã được Thiên tử Tống triều an bài từ trước.
    - Thế nghĩa là thế nào?
    - Đây là chuyện tối mật – Hoàng Kim Mãn ghé mồm sát tai Vũ thì thào – Triệu nguyên soái cho biết người đã trao mật chỉ của Thiên tử cho Vệ Uông rồi.
    Vệ Uông! Tên họ của viên thám tử lợi hại này làm Vũ Anh Thư hồi hộp rung động cả người. Bao lâu nay chàng đã nhọc công dùng mọi cách để dò la mà tông tích của gã vẫn còn mờ mịt. Không nén được vui mừng, chàng buột miệng : - Vệ Uông à?
    - Ân nhân có quen biết người này ư? – Hoàng Kim Mãn ngạc nhiên hỏi.
    - Tôi nhớ mang máng đâu như tên của một vị khách hàng có lần đã đến nhà chữa bệnh.
    - Biết đâu lại chẳng phải ông ta. Trước kia Vệ Uông là người của quan Kinh lược Quảng Tây Ôn Cảo phái sang buôn bán làm ăn bên này cách đây hơn 20 năm. Ân nhân thấy có ghê không? Họ tính liệu mọi việc trước hàng mấy mươi năm rồi. Gần đây ông ta trở thành người quan trọng được vua Tống và tể tướng Vương An Thạch tin dùng. Nghe đâu chỉ vì một lời nói của ông ta mà Tiêu Chú ở Quế Châu phải cách chức.
    Vũ Anh Thư vờn vỡ cố làm ra vẻ ngờ nghệch: - Đến quân tướng còn chẳng ăn ai. Tin làm sao được vào một tờ mật chỉ?
    - Ấy, ân nhân chớ coi thường – Y đưa bàn tay xua xua như để làm tan bớt mùi cỏ ngựa ẩm mốc thỉnh thoảng theo ngọn gió đông, đưa vào nồng nặc – Nguyên soái Triệu Tiết hy vọng tờ sắc chỉ ấy sẽ khuynh đảo được nhà Lý. Kế hiểm của họ mà lại!
    Dáng chừng thấy chàng nghe đã xuôi tai, Hoàng Kim Mãn mới ân cần thổ lộ ý định y đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa tiện nói: - Ân nhân ạ! Trong quân Tống có bảy vị lương y xem ra đều dưới tài của ân nhân cả. Mãn tôi xin đem hết sức mình để tiến cử ân nhân với Triệu nguyên soái…
    Biết y muốn tìm cách để trả ơn mình, Vũ Anh Thư vội cắt lời: - Việc ấy chưa phải lúc. Mẹ già tôi đang ốm nặng. Có một vài vị thuốc khan hiếm, chạy khắp nơi mà vẫn không tìm ra. Vì vậy tôi phải lặn lội đến nhờ quan Châu. Khi nào thân mẫu bình phục, tôi sẽ xin đến hầu quan ngay.
    Miệng nói tay chàng vừa kê đơn bốc thuốc. Chỉ hai ngày sau, quan Châu đã hớn hở dẫn chàng đến kho quân dược lấy cho chàng mấy vị thuốc cần thiết.
    Bên ngoài trông chàng tư thái vẫn ung dung nhưng bên trong óc chàng căng lên như một sợi dây đàn sắp đứt. Mọi ô kính màu ngóc ngách của trí nhớ đều được chàng mở toang để ngấm ngầm ghi nhận trong từng chi tiết nhỏ cách bài quân bố trận của địch. Tai chàng nhồi nhét mọi mẩu chuyện nghe lỏm được, những mẩu chuyện giàu màu sắc của quân tướng Tống, biểu hiện nỗi lo lắng không nguôi và niềm thất vọng chua chát đang nhích dần tới họ từng giờ từng phút. Quân ốm, lương thiếu đó là hai căn bệnh trầm trọng mà chàng đã chẩn mạch cho đội quân Nam chinh đang bị chồn vó trước dòng Như Nguyệt.
    Qua câu chuyện của lính tráng, tình cờ chàng mới hay Thân Cảnh Phúc đã làm hậu quân địch ngày đêm mất ăn mất ngủ và là niềm khủng khiếp đối với đội binh vận lương của Triệu Tiết. Họ nhắc đến phò mã như nhắc đến một vị hung thần không hiểu từ xó xỉnh vô hình nào bỗng xổ ra chộp họ từng người một để phanh thây xé xác.
    Lúc từ biệt Hoàng Kim Mãn, chàng nói đôi lời cảm tạ nhưng y đã lắc đầu: - Ôi! Mãn tôi được ân nhân hai lần cứu sống, chút việc Mãn tôi giúp ân nhân vừa qua nhỏ xíu như cái móng tay. Chỉ cầu mong ân nhân về nhà bình yên để chóng trở lại cho Mãn tôi được trả ơn dày nghĩa cả.
    Nhà của Vũ Anh Thư lần này là Động Giáp. Nhận được tín lệnh của Thái Úy, Thiết Nỗ, viên tướng chỉ huy đội tượng binh ra tiếp chàng.
    - Thưa tướng quân, động chúa còn bận đi gài bẫy ven bộ, lát nữa sẽ về - Rồi Thiết Nỗ giảng giải – Tất cả các loại bẫy như bẫy hầm, bẫy cần, bẫy treo, trước để săn ác thú đều được Động chúa đem ra dùng để bẫy giặc. Có khối quân địch sa vào bẫy chết kể đến hàng nghìn chứ không ít.
    Nhớ lại lời kháo nhau đầy khiếp sợ về phò mã Thân Cảnh Phúc của quân Tống, Vũ Anh Thư bất giác nhoẻn cười nhưng nụ cười vụt héo trên môi chàng khi Thiết Nỗ thuật lại câu chuyện thương tâm của phò mã.
    Số là sau khi phò mã rút quân bỏ trống ải Chi Lăng, tướng Tống Đào Bật thừa hư đem đội kỵ binh qua ải tiến xuống Nam, bất ngờ tạt qua xộc thẳng vào Động Giáp. Nhóm quân ít ỏi giữ động gần như bị đánh úp, luống cuống chỉ phò được công chúa Thiên Thành chạy vào rừng sâu. Bà nhũ mẫu lóng ngóng cùng hai đứa trẻ của phò mã ở lại bị địch bắt. Ôi! Hai đứa trẻ sinh đôi mới lên ba cùng là con trai cả, trông mới bụ bẫm kháu khỉnh làm sao. Vậy mà bọn chúng mổ phanh bụng ra, một cánh tay của hai trẻ ôm ghì lấy cổ nhau, còn tay kia thì thọc vào bụng nhau. Chúng trói lại rồi đem treo lủng liểng trên cành cây. Xác bà nhũ mẫu chúng đặt nằm ở dưới. Cặp mắt bà vẫn mở to trông lên còn đầy vẻ ngạc nhiên trong cơn hấp hối.
    Lúc phò mã về đến nơi thì giặc đã rút lui. Ông im lặng nhìn xác hai đứa con mình, bình tĩnh tháo chúng xuống. Môi chúng mím chặt vạch một đường thẳng băng. Hạt mưa bay còn đọng lại bên viền mi long lanh như ngấn nước mắt chưa kịp khô. Phò mã xốc hai con mỗi đứa một bên tay, ngẩng mặt nhìn trời, râu tóc dựng đứng, hú lên một tiếng dài khủng khiếp, chạy bay vào rừng. Thiết Nỗ và thuộc hạ phải vất vả lắm mới đuổi theo kịp giằng lại trên tay ông hai xác hài nhi để khâm liệm.
    Từ lúc ấy, phò mã như người câm.
    Bỗng Thiết Nỗ đưa tay chỉ ra ngoài: - Kia động chúa đã về!
    Vũ Anh Thư nhìn ra thấy phò mã Thân Cảnh Phúc đang lừ đừ đi vào. Hình như ông đã mất đi cái vẻ tinh anh lúc trước và già sụm xuống đến mươi tuổi. Đôi mắt đùng đục vân lên màu thau, dáng đi nhón nhén như con hổ giữa rừng đánh thấy hơi mồi. Vũ Anh Thư truyền lại vắn gọn mưu lược của Thái Úy:
    - Quấy rối hậu quân địch.
    - Phá đường vận lương.
    - Sửa soạn phối hợp đánh trận giờ Tí.
    Quân phò mã phải dùng nghi binh, phô trương thanh thế nhằm đạt cho được ba mục tiêu ấy.
    Phò mã chú ý lắng nghe. Bỗng có quân vào báo tin địch bị sa bẫy. Phò mã đứng dậy rút búa phạt ba nhát vào chiếc kỷ rồi đưa tay mời Vũ Anh Thư lên yên cùng đi.
    Cảnh tượng tên kỵ binh Tống sa bẫy trông thật hãi hùng. Cả người ngựa bị treo lơ lửng trên đầu cần cao chót vót. Con ngựa lực lưỡng màu xám tro cổ vươn dài ra phía trước, tiếng hí muốn đứt hơi, mồm sùi bọt mép lòng thòng, bốn vó cuống quít bơi trong không khí. Tên lính kỵ nằm chết gí trên lưng con vật hay tay ôm ghì lấy cổ, đôi chân quặp chặt vào bụng, mặt úp xuống bờm như muốn trốn vào đám lông bù xù rậm rịt. Dưới mặt đất, đám cung thủ của động chúa đang nhăm nhăm chờ bật dây nỏ.
    Trong cảnh ngộ bi đát của tên lính Tống có gì thật hài hước khiến Vũ Anh Thư thích thú bật cười khanh khách. Chàng cảm thấy như được chứng kiến cái thế mạnh của đoàn kỵ binh địch đang bị treo vó. Mà phải chăng đây là hình ảnh thu nhỏ lại của hàng vạn vó ngựa trong đạo kỵ binh nhà Tống, ruổi vào đường hẹp đang bị vành đai Như Nguyệt treo lơ lửng bên sông?
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 10:52 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 5

    Tại đại doanh Vạn Xuân, Thái tử Hoằng Chân hết đứng rồi ngồi, đi đi lại lại như con hổ bị chồn chân vì nhốt lâu trong chuồng. Nỗi ấm ức không duyên cớ từ đâu thỉnh thoảng kéo đến làm gương mặt ông vốn đã đỏ bỗng hồng rực lên như bông sen đầm hạ. Chừng như biết Thái tử đang cơn bực dọc, trời xuân chốc chốc lại quạt vào mặt ông một làn gió mát lạnh từ bờ sông Lục Đầu. Ngọn gió chỉ đủ sức phẩy nhẹ trên ba chòm râu đen mượt chứ không làm dịu bớt chút nào cơn bồn chồn bứt rứt trong người ông.
    Đã tròn một tháng nay, kể từ lúc quân Tống kéo xuống hạ trại trên bờ Bắc, chưa lần nào ông được vẫy vùng một trận cho thỏa sức. Họa hoằn ông mới rầm rộ kéo đại đội thủy binh vào sông Như Nguyệt không phải để đánh nhau với giặc mà cốt bắt sống số tàn binh của Quách Quì dám mạo hiểm kết bè vượt sang bờ Nam. Dáng chừng quân Tống cũng đã ê răng không gặm nổi ba lần rào tre đực kiên cố của lũy Như Nguyệt nên đã lâu không thấy chúng mò qua sông.
    Chiến lược thế thủ của Thái Úy còn kiên trì đến bao lâu nữa? Thái tử nhìn ra ngoài và cảm thấy ghen tị với cây bàng ở trại Nam mà sức sống ngùn ngụt trào trên vô số búp non, tua tủa chĩa lên bầu trời xuân những ngọn nến xanh. Dưới tàn cây, đội quân Kim bài của Thái tử năm trăm người như một, ngày đêm túc trực sẵn sàng. Đây là đội quân riêng của Thái tử nổi tiếng giỏi vì trận pháp và thiện chiến vào bậc nhất. Vào đội quân này như vào tu ở chùa. Mọi sắc dục bị cấm, mỗi người tay cầm chiếc kim bài làm hiệu ngày đêm khổ luyện công phu. Thái tử thừa hiểu nuôi quân nghìn bữa dùng quân một ngày. Nhưng liệu ngày ấy bao giờ sẽ đến?
    Thái tử buồn bực đưa mắt nhìn hàng nghìn chiến hạm nằm im ngoài bến. Chỉ có những thuyền thoi đuôi én, một loại ngựa lưu tinh trên nước, qua lại lướt sóng như bay, Thái tử cảm thấy mình như con ngựa mây nghìn dặm giờ đây phải gõ vó lững thững quẩn quanh trong mảnh sân hẹp.
    Có lẽ hiểu thấu tâm trạng này của Thái tử Hoằng Chân nên Thái Úy đến Vạn Xuân đúng lúc. Vừa thấy bóng Thái Úy cùng đoàn tùy tùng vào đến cổng doanh, Thái tử đã mừng rỡ chạy ra đón tiếp. Lang tướng Nguyễn Căn còn đang bận việc tuần tiễu. Chỉ có Thái tử Chiêu Văn trên lâu thuyền bước xuống vào hội sảnh ra mắt Thái Úy. Đội quân kim bài tản ra, nghiêm mật canh gác bốn bề.
    Những ngày gần đây, Thái Úy đã âm thầm sắp đặt trận đánh giờ Tí. Trí nhớ kỳ lạ của Vũ Anh Thư cung cấp cho Thái Úy mọi chi tiết cần thiết về trận địa bố phòng của địch, giúp Thái Úy trù hoạch kế sách tấn công một cách chu đáo. Đại quân đã được lênh sẵn sàng chỉnh bị để vượt sông. Thái Úy tin tưởng rằng trận này sẽ là trận đánh lớn cuối cùng, một trận đánh quyết định làm đối phương không còn đủ sức sang quấy phá bờ Nam nữa và vĩnh viễn đánh tan cái mộng vượt sông của nguyên soái Quách Quì. Và sau đấy khí thiêng phương Nam của mùa nóng sắp đến sẽ kết liễu phần còn lại số phận đội quân xâm lược.
    Thái tử Hoằng Chân dậm dựt ngồi không yên chỗ, ba chòm râu không ngớt day động trên ngực áo bào, nhưng Thái Úy đã lên tiếng: - Ngày mai là ngày 23 tháng giêng. Chắc Thái tử còn nhớ ngày này năm ngoái ở Ung Châu chứ?
    - Đúng là ngày quân ta hạ thành Ung! – Cái hào khí của trận đánh năm trước như trở về trên vẻ mặt rạng rỡ của Thái tử Hoằng Chân.
    - Lão phu đã chọn ngày này để quân tướng Quách Quì ghi nhớ suốt đời. Quách Quì sẽ bị hãm vào cái thế không đường tiến thoái - Thái Úy thong thả trình bày – Từ lâu họ biết rằng sức họ không chọc thủng nổi đoạn lũy Như Nguyệt. Vì vậy họ đóng mảng kết bè định sang thám thính khúc sông từ Nham Biền đến Vạn Xuân. Lão phu nhờ hai Thái tử phô trương oai thần của đội thủy binh đánh cho chúng một phen vỡ mật.
    Thái tử Hoằng Chân hoa tay vui sướng: - Hoằng Chân tôi chờ mãi nay mới được Thái Úy cho đánh một trận sướng tay.
    Thái Úy bỗng nghiêm hẳn nét mặt: - Nhưng cấm hai Thái tử không được đuổi theo địch đổ quân lên bờ Bắc. Hai vị nhớ kỹ đây là một trận nghi binh.
    Hoằng Chân bị cụt hứng: - Nghi binh thì đánh chỉ tổ thêm ngứa tay, Thái Úy ạ! Chín đạo quân địch bị cạn lương. Người ngựa chết non một nửa. Bây giờ bọn chúng như ngọn nước chảy vào khe hẹp. Phận chúng như cá nằm trên thớt. Theo Chân tôi nghĩ thừa thế đó, ta kéo quân sang, Đông tung Tây hứng, hai mặt giáp công chỉ cần đánh một trận long trời là quân Quách Quì sẽ tan như mây khói.
    - Đánh tan quân Quách Quì là ta tự mua lấy thất bại đấy.
    - Diệt Quách Quì sao Thái Úy lại gọi là bại? hoằng Chân sửng sốt trợn tròn mắt nhìn trân trân vào Thái Úy tưởng chừng như muốn rách khóe.
    -Diệt Quách Quì này sẽ có Quách Quì khác kéo quân sang. Thế thì đến bao giờ ta mới chấm dứt được nạn binh đao, khỏi tốn máu xương của binh sĩ?
    Thái tử Chiêu Văn đứng lên nhìn hai người, cười xòa dàn hòa: - Ý của Thái Úy, Hoàng huynh thật chưa rõ hết nhẽ. Ta cứ để cho bọn giặc bị đói khát cào xé, bệnh tật giày vò, quân sĩ hao hụt dần. Lúc ấy không cần đánh, giặc cũng tan, cần gì phải nhọc lòng ba quân tướng sĩ, phải không Thái Úy?
    -Thái tử nói có phần đúng nhưng ý lão phu chưa hẳn như vậy – giọng Thái Úy bình tĩnh mà nghiêm trang – Quách Quì là viên tướng có thần thế ở triều Tống. Nếu biết khéo tay thì Quách Quì sẽ làm cái cầu nối để ta mưu chuyện thái bình lâu dài cho dân hai nước. Song bọn ta không phải ngồi yên mà chờ sung rụng. Thái tử Hoằng Chân nói đúng. Chúng ta phải đánh một trận ra trò để làm tiêu tan hẳn mọi ý đồ xâm lấn của giặc. Nhưng đánh thế nào và đánh vào đâu, điều đó phải ngẫm nghĩ kỹ. Hiện nay chỗ sơ hở của địch nằm ở hữu dực. Ở đây có lố nhố hàng năm vạn binh phu tải lương. Đó chính là cái dạ dày của địch. Diệt được đám quân này thì chín đạo quân Tống sẽ bị đói to. Vì vậy lão phu nhờ hai Thái tử giương Đông để lão phu cho kỳ binh kích Tây. Hai thái tử giương oai dàn quân ngày đêm trên sông nước làm sao nhử cho bọn giặc nhầm tưởng là ta sắp sửa tấn công vào trung doanh của chúng. Có vậy thì trận giờ Tí đêm mai mới nắm chắc phần thắng.
    Chừng như thấy Thái tử Hoằng Chân tuy nghe ông nói đã bùi tai, nhưng nét miễn cưỡng và vẻ hậm hực còn nằm trên khóe mắt, Thái Úy dịu giọng cầm tay Thái tử nói thêm: - Thái tử đừng tiếc mình không vung gươm giết sạch được quân giặc. Hôm nay đã cuối tháng giêng rồi. Mùa viêm nhiệt lại đến sớm. Cái nóng sẽ đuổi quân Quách Quì nhanh hơn ngọn giáo mũi tên của Thái tử. Cho dù Quách Quì có rút lui sớm thì từ đây về đến dãy Nam Lĩnh, người ngựa cũng phải hao hụt thêm một nửa. Đến Biện kinh thì số quân Nam chinh cũng chẳng còn lại được bao lăm. Thôi thì Thái tử hãy nhường tay cho mệnh trời trừng phạt
    Trước khi về Thiên Đức, Thái Úy còn dặn riêng Thái tử Chiêu Văn: - Lão phu chỉ ngại Thái tử Hoằng Châu tính khí cường mãnh nồng nhiệt, một khi thắng rồi say sưa khó tỉnh táo rút quân về. Vậy lão phu nhờ ông đi kèm bên nhắc nhở Thái tử phải giữ nghiêm quân lệnh.
    Thái tử Chiêu Văn gật đầu lia lịa: - Lúc ấy Chiêu tôi sẽ nhắc, Chiêu tôi sẽ nhắc! Thái Úy đừng lo! Đừng lo!
    Thái độ vồn vã nhiệt tâm hơi quá mức của Thái tử Chiêu Văn không xua tan được niềm lo âu nghi hoặc còn lởn vởn trong đầu óc Thái Úy. Ông linh cảm có điều gì không lành sắp xảy ra. Và một lần nữa linh cảm không đánh lừa ông.
    Ngày hôm sau, tin dữ đến Trung doanh vào lúc mặt trời xế bóng. Theo lời một viên tướng ở Vạn Xuân thuật lại, trời vừa dợm sáng, làn sương mù còn ngái ngủ ở ven sông, quân Tống đã xua mảng sang bờ Nam. Thái Tử Hoằng Chân kéo bốn trăm chiến hạm ra chặn đánh. Quân địch bị thua liểng xiển tháo lui chạy về bờ Bắc. Quân ta thừa thắng đuổi theo đến tận chân núi Nham Biền. Tiền quân của giặc ra cản đường. Thái Tử Hoằng Chân hô quân xốc tới. Quân ta đánh rát, quân địch tan ngay. Chủ soái Quách Quì phải cho đội thân quân ra cứu ứng. Lão tướng Yên Đạt cũng dẫn đoàn kỵ binh tiếp theo sau. Cùng lúc ấy quân mai phục trên núi đổ xuống. Thế mạnh của kỵ binh địch trên đất bằng cắt đạo quân của hai Thái Tử ra làm nhiều đoạn. Lúc này quân ta đã tiến sâu vào mé tây núi Nham Biền. Đội quân tiên phong của ta chết quá nửa, lang tướng Nguyễn Căn bị bắt sống.
    Theo viên tướng ấy thì nhẽ ra hai Thái tử có thể trở về bình yên vô sự. song vì muốn che chở cho đại quân rút lui sang sông, hai Thái tử đi hậu tập cùng đội kim bài bày thành thế trận cản giặc đằng sau. Đến khi hai Thái tử xuống thuyền thì Triệu Tiết đã kịp điều máy bắn đá đến. Hàng nghìn tảng đá hộc bay ra rơi xuống như mưa rào. Thuyền Thái tử Chiêu Văn đắm trước. Thái Tử Hoằng Chân đứng trước mũi thuyền soái, trợn tròn mắt nhìn phía quân giặc, rút kim bài ra thét to một tiếng dõng dạc. Theo hiệu lệnh, đội quân của ông trên thuyền nhất tề rướn thẳng người chĩa kim bài lên không. Họ đứng nguyên, im phắc, sừng sững như pho tượng, chìm dần xuống làn sông sâu. Mặt trời đứng ngọ trang nghiêm chiếu sáng lóe trên đầu các tấm kim bài tưởng chừng như tất cả đã hóa thành những vị thần uy nghi cầm ngọn đuốc vàng trên sóng nước soi đường cho quân đi.
    Chưa bao giờ Lý Ngân thấy Thái Úy xúc động mạnh như vậy. mắt ông mở to đục dần, nỗi đau cày những đường hằn sâu trên vầng trán ưu tư. Nhưng phút ấy thoáng qua nhanh, Thái Úy gọi cho lão tướng Trần Nậm hạ lệnh làm lễ phát tang trong toàn quân. Các đội kỳ binh sắp ra trận đều chít khăn trắng thắt múi bỏ giọt đằng sau gáy. Đó cũng là dấu hiệu họ nhận ra nhau trong bóng tối dày đặc của trận đánh nửa đêm.
    Bên bờ Bắc, những dãy trại dài hàng mấy chục dặm của quân Tống lim dim nằm im phăng phắc. Sau tiệc rượu khánh công ăn mừng trận thắng lớn bên sông, binh lính Quách Quì đều ngủ say vùi cho đến lúc giờ Tí điểm canh. Một vệt ráng đỏ hừng lên ở góc trời Đông. Quân của phò mã Thân Cảnh Phúc đã đốt lửa nổi hiệu. Trận phục thù cho hai Thái tử bắt đầu. Bốn đạo kỳ binh đông hàng mấy vạn người, mặc áo chẽn nâu, tay thủ dao nhọn, lặng lẽ lướt nhẹ như chiếc bóng, xông vào các trại ở cánh quân hữu dực của địch.
    Dường như cùng một lúc, các loại côn trùng bỗng thôi rền rĩ để lắng nghe những tiếng động lạ tai, những âm thanh đùng đục, khô, gọn, rào rào như tiếng tằm ăn lên: Tiếng người kêu hoảng như trong cơn mê, tiếng khò khè èng ẹc từ trong cuống họng, tiếng ồng ộc của máu chảy xối xả, tiếng vật vã quằn quại của thân hình giãy chết. Những bóng người sống sót loạng choạng sờ sẫm tìm đường lủi về phía trung doanh đều bị vấp phải làn mâm sắc ngọt của đội quân Bảo Vân tiện đứt đôi chân. Giọng quát tháo trầm trầm trong bài thơ “Nam Quốc” bỗng trồi lên, ngân vang ở đằng trước, dội lại từ đằng sau, vọng dài trên sông nước – Âm hưởng lời thần đuổi theo, rung lên trong từng đường dây cân não hoảng loạn của chín đạo quân Tống vừa bàng hoàng tỉnh giấc.
    Những cột lửa khổng lồ bốc lên từ các kho chứa lương, kho chứa cỏ ngựa soi rõ những dòng suối máu tím sẫm rỉ rả chảy trên ba cụm đồi phía tây của giặc.
    Sáng ra, Thái Úy có Lý Ngân cắp gươm theo hầu, đứng trên vọng lâu lũy Như Nguyệt nhìn sang bờ Bắc. Trận đánh giờ Tí xắn mất một mảng to vuông vức trên đám doanh trại của cánh quân hữu dực. Bóng quân Tống lúi húi im lặng thu dọn tử thi. Trận đánh im lặng, việc thu dọn chiến trường cũng im lặng. Đến ba vị chánh phó nguyên soái của Tống cũng im luôn và ỉm nốt. Tiệp báo về Biện Kinh không đả động gì đến trận đánh nửa đêm này mà chỉ thấy khoe chiến thắng lẫy lừng của họ trên sông Phú Lương bắt sống tướng giặc, giết được hai vương tử của giặc.
    Bước xuống vọng lâu, Thái Úy gặp ngay lão Vũ cùng đi với một vị thiền sư.
    - Ôi! Sư Thiện Chiếu! Thái Úy sửng sốt kêu lên.
    Nhìn bộ mặt hốc hác, đôi mắt mờ đục, dáng đi thất thểu của thiền sư, ông biết con đường dài đầy gian nan từ Hán Dương về đây đã lấy gần hết sức lực của vị sư già yêu nước. Ông cảm động cầm tay đại sư dắt vào trướng.
    - Bạch Thái Úy – Thiền sư nói luôn – bần tăng xin báo một tin mừng – Tể tướng Vương An Thạch đã xin từ chức hẳn từ cuối năm trước cách đây đúng ba tháng.
    Khác với mọi lần trước, tin Vương An Thạch từ chức lần này không làm ông ngạc nhiên. Hình như ông cho việc từ chức ấy là tất phải thế, trước sau gì cũng phải đến. Vậy là người chủ mưu bày ra chuyến Nam chinh này đã dở chừng bỏ chạy không kịp đợi xem kết quả cuộc phát quân của mình.
    - Xin thiền sư cho biết đã có ai thế chân Vương An Thạch chưa?
    - Dạ, bạch Thái Úy, Ngô Sung đã lên thay thế.
    Thái Úy hơn hở quay sang lão Vũ mỉm cười: - Lời thầy tướng đoán về nốt ruồi ấy quả không sai!
    Tin Ngô Sung lên tể tướng làm ông phấn chấn thực sự. Ông tin rằng mưu đồ chiến lược của ông sẽ gặp nhiều thuận lợi và nạn đao binh sẽ có cơ qua nhanh trên đất Việt.
    - Còn Từ Bá Tường ra làm quan cho Tống, việc ấy Kiệt tôi chưa rõ hư thực thế nào.
    - Dạ, đúng thế ạ. Tiến sĩ Từ Bá Tường vì có công cứu dân trong trận đánh Ung Châu vừa qua nên được vua Tống cho làm tuần kiểm ba châu Khâm, Liêm, Bạch.
    Thái Úy chép miệng: - Thế là người phụ trước ta, chứ ta không có bụng phụ người!
    - Bạch Thái Úy, còn một tin hệ trọng nữa. Nhờ có Vũ tướng quân đây hé cho bần tăng biết qua gốc gác của Vệ Uông nên người của bần tăng đã truy ra hình dạng tên thám tử nguy hiểm này. Theo lời một người đã từng gặp Vệ Uông ở nhà Ôn Cảo cách đây khá lâu thì y là một người to lớn đẫy đà. Nhưng y có một đặc điểm mà không thể lẫn được với người khác là y mang một vết sẹo lớn to bằng trôn chén ở thái dương bên trái, sát chân tóc. Y thường giả dạng thương nhân qua lại buôn bán giữa hai nước Tống, Việt.
    - “Trời ơi! Đại sư nói gì vậy?… một thương nhân… một vết sẹo…” Lý Ngân bỗng giật thót mình. Hồi ức những ngày Vân Đồn trong đầu chàng lật nhanh để đến trang cuối. Cái buổi trưa nôn nóng từ biệt ra đi… một sự tình cờ liếc mắt qua cánh cửa khép hờ… giấc ngủ mê mệt của chủ nhân… chiếc khăn bịt đầu sổ tung và vệt sẹo tròn đỏ hỏn…
    - Thưa đại sư, có phải một vết sẹo tròn láng lì như bôi mỡ không ạ? – Lý Ngân hồi hộp hỏi nhanh như sợ có ai cản mất lời mình.
    - Cũng có thể như vậy – Thiền sư ngạc nhiên đáp.
    - Dạ đúng là ở thái dương bên trái chứ? – Lý Ngân cố mở to cặp mắt bên trong để nhìn lại tư thế của người nằm ngủ.
    - Đúng ở thái dương bên trái! Tướng quân có biết người này à?
    Đúng hay không nhưng đã có một sự trùng hợp như thế thì phải truy ra cho rõ ngay gian, Lý Ngân vòng tay thưa với Thái Úy: - Hình dạng tên Vệ Uông này, cháu có gặp rồi nhưng tên họ lại khác. Xin Thái Úy cho cháu đi bắt về để tra xét.
    Hình như sự phát giác của Lý Ngân không làm Thái Úy ngạc nhiên mấy, ông chỉ đưa mắt nhìn lão Vũ: - Nếu cháu đi thì nên để lão Vũ cùng đi với cháu.
    Gần đây, Lý Ngân cảm thấy rõ rệt lão Vũ không phải là một vị quản gia bình thường. Nhưng điều ấy không làm suy suyển chút nào tình thân của chàng đối với con người bí ẩn này. Thấy chàng lặng im, Thái Úy đứng lên vỗ vai chàng, giọng đầy tin yêu: - Có lão Vũ bên cạnh, cháu sẽ không phải lo lắng gì cả. Nhân đây ta cho cháu hay một điều cơ mật. Lão Vũ tuy là quản gia của ta thật đó, nhưng trong việc nội vụ, lão lại là thám mã trưởng quan của viện khu mật!
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 10:57 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 6


    Tin hai Thái tử bị chết trên trận sông Như Nguyệt bay về làm bàng hoàng cả kinh thành. Riêng đối với quan Thái Bảo Nguyễn Châu, tin đứa con trai bị giặc bắt, sống chết chưa tường mới là nỗi đau lớn nhất.
    Cơn rét muộn của mùa đông năm ngoái còn rớt lại làm gương mặt bầu trời xuân tái nhợt. Cảnh trời thật hợp với vẻ xanh xao rầu rĩ đang chảy dài trên đôi má hóp của quan Thái Bảo. Ông ngồi lì im lìm hàng giờ trên sập. Không màng đến bóng hoàng hôn tím ngắt từ các góc tối bò ra lan dần đến tận chân ông. Cả việc người gia nhân già mang đèn vào, đến những giọt lệ bạch lạp ứa dài theo chân nến, ông cũng không hay biết. Mãi đến lúc Đỗ đại nhân dẫn theo một người lạ mặt bước vào, ông mới sực tỉnh ngẩng lên, vội vã mời khách vào tư thất. Người khách lạ tuy mặc bộ đồ lái buôn nhưng không giấu được vẻ quan cách hiện rõ trên nét mặt.
    Đỗ đại nhân xoa hai tay, sửa lại chiếc mũ tùm hụp có chóp nhọn đính viên ngọc đỏ, trịnh trọng: - Thái Bảo có nhận ra ai đấy không? Một vị bằng hữu phương xa của Thái Bảo, một người đã từng quen tiếng thuộc lời nhưng lâu nay lại chưa hề biết mặt.
    - Ồ, có phải… - Thái Bảo mười phần dường như đã đoán ra được chín nhưng vẫn còn đôi chút hồ nghi – có phải quan giám ấp đấy không?
    Người khách lạ vòng tay cung kính: - Chính Thành Trạc trước đây làm giám ấp Trại Hoành Sơn, đích thân đến ra mắt quan Thái Bảo.
    Một nỗi mừng vướng lẫn chút lo ngại làm tươi gương mặt thểu não của Thái Bảo: - Ôi! Bằng hữu đến mà lão phu không hay biết, thật bất nhã!
    Đỗ đại nhân đưa tay như muốn cắt phăng mọi lời khách sáo của đôi bên: - Quan Thành Trạc có chuyện kín muốn thưa cùng đại huynh. Ông ta không có thì giờ lâu để lưu lại nơi này.
    Thành Trạc cũng đi ngay vào đầu câu chuyện: - Thưa Thái Bảo, chắc Thái Bảo đang lo lắng nhiều về số phận của đại công tử. Biết vậy, Trạc tôi không quản hiểm nguy lặn lội đem tin đến cho Thái Bảo yên lòng.
    Ông ta vắn tắt kể cho Thái Bảo biết rằng con trai ông được Đặng Trung, viên tướng Tống bắt sống, đối xử rất tử tế, nhã nhặn. Hiện nay lang tướng Nguyễn Căn đã được đưa đến trung doanh gặp nguyên soái Quách Quì. Thật không để đâu cho hết lời cảm tạ của Thái Bảo.
    - Như vậy là tính mệnh và đường công danh của lệnh công tử không có gì đáng lo nữa. Song cái đáng lo trước mắt là vận mệnh của triều Lý mà Trạc tôi biết Thái Bảo là người vẫn giữ một tấm lòng trung – tới đây Thành Trạc mới đi vào đoạn chính yếu của câu chuyện mà cũng là nguyên cớ đã dẫn y đến cuộc viếng thăm trong đêm đầy mạo hiểm này - Thái Bảo chắc thừa hiểu ai là kẻ dắt quân Việt phạm vào nội địa can tội với nước Thiên tử khiến quân Trời phải đem binh chinh phạt. Kể ra chỉ trong vòng dăm hôm là đại quân của nguyên soái Quách Quì có thể tràn qua, đạp bằng lăng tẩm và cung điện hoàn thành. Nhưng vì đoái thương đến phương xa, nghĩ lại lòng hiếu thuận của mấy đời vua Lý trước kia, Thiên tử chúng tôi mới ra tờ mật chiếu này.
    Vừa dứt lời, Thành Trạc kính cẩn thò tay vào ngực rút ra một phong thư thiếp vàng, trịnh trọng đặt lên án thư ba vái, trước lúc trao lại cho Thái Bảo, Nguyễn Châu cầm phong thư nhẹ bỗng mà cảm thấy nặng chịch trong tay. Thư gửi cho Giao Chỉ quân vương Lý Càn Đức. Những dòng chữ mà Thái Bảo còn kịp nhận thấy nét tươi và sắc sảo cứ run lên trong ánh lửa nến chập chờn:
    “Khanh đã được triều đình cho coi cõi Nam giao, đời đời được ban vương tước. Vậy mà khanh đã phụ mệnh để cường thần lấn lướt đem quân cướp phá các biên thành, làm phiền binh triều phải đi chinh phạt.
    “Nhưng xét khanh con trẻ, việc phạm thuận không phải tự khanh gây ra.
    “Nay chiếu cho khanh bắt tên thủ lĩnh gây loạn đem xử giữa ba quân thì trẫm sẽ cho rút quân về, tha thứ cho khanh mọi chuyện cũ. Kẻ môn hạ nào của khanh lập được công trạng trong việc này sẽ được trẫm hậu thưởng và ban tước lộc…”
    Ông cảm thấy dấu son đỏ lòe trên tờ thư đốt những vệt cháy bỏng trên tay mình. Cái tầm hệ trọng chết người của công việc mật này làm ông phát hoảng. Nhưng biết làm sao khi số phận đứa con trai độc nhất của mình đang nằm gọn trong tay họ. Mà xem ra quân tướng của Lý Thường Kiệt cũng núng thế lắm rồi. Ai biết được đây là may hay rủi? Liệu vị phúc tinh trong lá số tử vi lần này có chịu cất công đến viếng ông không? Nhưng mọi tính toán phiền toái ấy đều cảm tiếng để nhường lời cho con cáo già từ hang sâu bản chất của ông thò mõm ra nói thay ông: - Ôi! Thiên tử còn đoái thương, thật đại hồng phúc cho dòng họ Lý! – Giọng ông ứ nghẹn như đầy nước mắt – Lão phu xin đem hết tâm sức còn lại làm cho tờ sắc chỉ này có sức nặng nghìn cân giáng lên đầu kẻ quyền thần kia dám hỗn láo với Thiên triều. Ôi! Giá mà lão phu có được cái thế bao trùm của Hoàng Hậu Thượng Dương thì chỉ cần cất tay lên là mọi việc đều xong xuôi như bỡn.
    - Ấy, Trạc tôi cũng chỉ mong Thái Bảo đánh động tới tai Hoàng Hậu. Rồi từ Hoàng Hậu đánh lan ra các vị đại thần đến các bậc công hầu vương tử. Nếu họ đều nhất khẩu đồng từ thì ý họ là ý Trời, vua Càn Đức khó lòng cưỡng nổi.
    - Việc ấy Thái Bảo đừng lo. Tiểu đệ xin giúp đại huynh một tay để đưa chiếu chỉ của Thiên tử đến tận tay bà Dương Hậu – Đỗ đại nhân vội góp lời.
    Câu nói ông gài vào mồm. Đỗ đại nhân đã đáp đúng được ý ông muốn. Ông mừng rơn trong bụng, không phải vì Đỗ đại nhân nhận giúp ông mà chính vì y đã gánh thay cho ông phần việc hiểm nghèo liên lụy nhất. Lòng ông nhảy múa hình con công trên sập gỗ trắc.
    - Được thế thì còn gì bằng! – Ông đáp bằng một giọng xởi lởi, đầu quay về phía kỷ trên sắp ngay ngắn một hàng vò rượu quý, ý chừng để giấu không cho khách thấy ánh mắt hí hửng của mình.
    Những vò rượu bỗng nhắc nhở ông nhớ đến việc nãy giờ chưa đem gì ra để thết khách. Ông đứng dậy định gọi gia nhân nhưng Đỗ đại nhân chừng đoán được ý ông, vội ngăn lại: - Quan giám ấp đang có việc vội. Xin Thái Bảo hãy cho ông ta khất vào một dịp khác.
    Thành Trạc cũng đã hứng lên: - Thưa Thái Bảo, Thái Bảo cùng Đỗ đại nhân vì dòng họ Lý mà lo toan việc lớn. Trạc tôi rất lấy làm cảm kích. Mong rằng mối giao tình giữa chúng ta còn dài lâu.
    Ông ta đưa mắt ra hiệu Đỗ đại nhân. Gã thương gia vội bước ra ngoài. Lát sau y trở vào, đi cạnh y là một tên hầu khệ nệ bưng một mâm vàng, bạc, gấm vóc vun có ngọn. Nguyễn Châu chưa kịp đẩy đưa một câu đãi bôi chiếu lệ như: - Xin quan giám ấp hãy cho phép Nguyễn Châu tôi được làm phận sự của một chủ nhân hiếu khách… - thì tên hầu đã đặt chiếc mâm phúc phận kia lên sập rồi lủi nhanh ra ngoài.
    Thành Trạc chắp tay nhũn nhặn: - Thưa Thái Bảo, hôm nay Trạc tôi có sắm chút quà mọn gọi là làm lễ ra mắt trong buổi sơ kiến
    - Ôi! Công ơn quan giám ấp cứu sống con tôi cao như núi, chưa có gì đền đáp – Nguyễn Châu giãy nảy kêu lên – Châu tôi còn lòng dạ nào mà dám nhận lễ của quan giám ấp.
    Mặc cho chủ bai bải chối từ, khách cứ bả lả làm ngơ. Rốt cuộc cho đến lúc chủ tiễn chân khách ra tận cổng ngoài và không quên cúi rạp mình bái biệt khách, chiếc mâm lễ vật sù sụ vẫn nằm chình ình giữa mặt sập chân quì trên khảm ngọc trai hình con công đang xòe cánh múa.
    Hôm sau, Thanh Nga ra nhà Nguyễn Châu, kín đáo đưa Đỗ đại nhân vào cung Thượng Dương gặp Dương Hậu.
    Hoàng Hậu Thượng Dương những tưởng mình lòng trần đã đứt từ lâu. Nỗi niềm u uất đối với Ỷ Lan và Thường Kiệt trước đây như gốc cây đắng sum suê đâm cành chĩa ngọn trong người bà. Song từ ngày được tha, không hiểu sao những mầm rễ độc ấy sụm xuống như một đống củi khô mặc cho lớp rêu phong quên lãng phủ dần lên.
    Nhưng rồi những tiếng binh đao từ trận mạc dội về đánh thức trong bà nỗi lo âu cho số phận của dòng họ Lý. Tiếp đến cái chết của hai Thái tử thực sự làm bà hoảng hốt. Thêm vào đấy những lời châm chích bóng gió của quan Thái Bảo Nguyễn Châu như những tàn lửa vô tình bay trên đám củi khô thù hận mà từ lâu bà đã ghim lại nén xuống tận đáy lòng. À, ra họ đã có ý định mượn tay người Tống giết dần giết mòn những bậc trụ cột của hoàng tộc. Họ đem giọt máu vương giả pha loãng trong nước sông Như Nguyệt. Đã thế họ còn ngang nhiên rước bọn con hát ra để mua vui trên xác chết hoàng gia.
    Trong tâm trạng ấy, bà tiếp tờ mật thư của vua Tống như đón một ân huệ. Bà thừa hiểu kẻ tội phạm gây loạn mà vua Tống ám chỉ trong tờ thư, không ai khác ngoài Thái Úy Lý Thường Kiệt. Mà điều ấy lại rất hợp với ý nguyện của bà. Ngoài ra bà không cần biết vì đâu bức mật chỉ này lọt đến tay bà và có nhằm mưu đồ gì không? Bà chỉ biết một gã phú thương như Đỗ đại nhân còn có lòng lo lắng cho vận mệnh nhà Lý huống hồ bà là giọt máu nằm ngay giữa chốn cành vàng lá ngọc? Muốn cứu dòng họ Lý phải nghĩ cách bắt Thường Kiệt nộp cho nhà Tống! Ý định sôi sục này làm mắt bà long lanh, đôi gò má ửng hồng. Bà cảm thấy như mình trẻ lại. Một cao kiến chợt nảy sinh trong đầu bà nhanh tựa tia chớp. Hóa ra khối óc trì trệ nông cạn của bà chẳng cung cấp được gì mới mẻ hơn ngoài cái mưu mẹo vặt vãnh bà thường dùng.
    - Đỗ đại nhân này, tên thư lại viết chữ ấy vẫn còn sống chứ?
    - Dạ tên thư lại nào ạ? – Trong một lúc bất ngờ, Đỗ đại nhân không kịp nghĩ ra.
    - Tên có hoa tay bắt chước y hệt chữ người khác ấy.
    - À! Dạ, còn ạ.
    - Thế thì lần này Đỗ đại nhân bảo hắn viết cho ta một bức thư từ Vạn Xuân gửi về. Phu nhân của Thái tử Chiêu Văn vốn là kẻ tâm phúc của ta – Một tiếng cười khẽ, tàn ác, bật ra từ cặp môi cắn chỉ của bà – một bức thư tố giác kẻ kia đã mưu hại Thái tử!
    - Ôi! Sao Hoàng Hậu lại có thể nghĩ ra một mưu kế thần tình như vậy! – Y cứ tấm tắc khen lấy khen để tuy y thừa biết cái mẹo cũ này bà đã dùng lần trước với Lý Ngân rồi – một bức thư trối trăng của Thái tử. Như vậy thì có trời xuống cũng không gỡ nổi tội cho Thái Úy Lý Thường Kiệt!
    Đỗ đại nhân ra về, Dương Hậu cho gọi ngay các cung nga thân tín lên gặp bà. Lần này bà sẽ lấy cớ lập đàn cầu chay, siêu sinh tịnh độ cho hai Thái tử để tụ họp bàn kín với các phu nhân trong hoàng tộc. Rồi một khi về đến nhà, các phu nhân sẽ biết cách lái các đức ông chồng đi đúng theo mưu sách mà bà đã vạch từ trước. Còn thuyết phục thêm họ thì đã có quan Thái Bảo Nguyễn Châu.
    Mọi việc bà sắp xếp có vẻ song suốt cả, duy có một điều bất ngờ mà bà chưa lường tới là Nguyễn Châu đã lẻn đến cung Kiền Hoa gặp Linh nhân Thái hậu Ỷ Lan.
    Trông thấy vẻ mặt rầu rầu của quan Thái Bảo, Thái Hậu Ỷ Lan lựa lời an ủi: - Xin Thái Bảo đừng quá buồn phiền. Việc trận tiền khó ai biết trước. Lang tướng rủi ro bị lọt vào tay giặc, đâu phải là nỗi buồn riêng của khanh. Cả Thánh quân cũng đang lo nghĩ đấy.
    Nguyễn Châu nhướng cặp mắt ngạc nhiên tưởng như lần đầu ông mới nhìn thấy Ỷ Lan: - Trời ơi! Sao Thái Hậu lại nói như vậy? Hạ thần cứ nghĩ chí làm trai gặp thời tao loạn là phải đem thân ra sa trường mong lấy da ngựa bọc thây để đền nợ nước, có sống cũng không hổ thẹn với cỏ cây, có chết cũng để xương thơm thiên cổ. Lão phu chẳng có điều gì phải ân hận buồn phiền. Cái dáng lo phiền hiện nay là… - Ông dừng lại như chợt nhận thấy điều mình sắp nói ra sẽ làm phiền lòng Thái Hậu.
    - Thái Bảo lo phiền việc gì vậy? - Ỷ Lan nôn nóng thúc giục. Hình như bà cảm thấy một nhu cầu nội tâm chính trực nào đẩy Thái Bảo phải phát giác ra cho bà biết điều ông đang ấp úng: - Thưa Linh Hậu, mới đây lão phu thấy bên cung Thượng Dương có nhiều dấu hiệu đáng lo. Có lẽ Dương Hậu đang mưu toan một việc gì đấy.
    Ỷ Lan quắc mắt: - À, con ngựa cái ấy được thả ra lại quen đường cũ!
    - Điều này lão phu mới hồ nghi bên lòng thôi. Chưa có gì rõ rệt lắm. Thái Hậu nên cho người theo dõi. Nếu có gì cấp thiết lão phu sẽ đến báo ngay với Thái Hậu.
    Ra khỏi cung Kiền Hoa, quan Thái Bảo Nguyễn Châu bỗng chợt thấy việc ông vừa làm dường như không phải hoàn toàn do ý mình muốn mà do một sức mạnh âm u nào ở đâu bên trong lôi cuốn ông đi.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 11:01 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 7

    Đêm càng vào sâu, ánh nến và ánh đèn lồng trên trà lâu càng sáng tỏa. Tiếng đàn, khổ trống, nhịp phách càng quyện vào rủ rê nhau đi hết độ trầm. Giọng hát của người kỹ nữ áo xanh đang ngân vút lên bỗng nghẹn đẫm xuống như những giọt nước mắt đọng lại đâu đó lơ lửng trong không trung:
    “Hoa đào sóng mấy độ sâu
    Cho người rũ sạch mối sầu giai nhân
    Gã chủ trà lâu béo múp míp, da thịt đỏ lự, chốc chốc lại chụm đầu thì thầm to nhỏ với tên hầu bàn. Cứ mỗi lần gã quay đi quay lại, cái cằm xếp nhiều ngấn lại căng phồng lên như nếp sóng lượn trên váy hồng đám con gái hầu rượu.
    Lòng gã đang có điều nghi hoặc. Thời buổi chinh chiến, họa hoằn lắm mới có dăm ba công tử mà gã thuộc mặt thâm thụt qua lại chơi vụng vui thầm chốc lát. Vậy mà tối nay bỗng nhiên ở đâu kéo đến quán gã nhiều vương tôn công tử lạ mặt. Kẻ nào cũng buồn chảy ra như vừa ở đám tang về, trên môi cố nhếch một nụ cười gượng gạo. Gã ốp cái mũi to tướng vào chiếc mành trúc, vẫn cái mũi ngày xưa đỏ bầm như quả mận chín, đưa cặp mắt ti hí kéo dài như sợi chỉ quan sát bên ngoài.
    Đám khách khứa tuy đông nhưng họ đang cùng ở trong một trạng thái giống nhau. Họ để hồn chìm đắm theo cặp mắt phủ sương khuya của người kỹ nữ thanh mảnh và dịu dàng như màu áo nàng đang mặc, trong nỗi buồn mây khói qua đêm dài hồng lâu.
    Duy chỉ có một vị công tử mặc áo gấm dài khoác chiếc áo chiên màu lam huyền ngồi cách biệt, cái bàn đặt sát ngay cửa ra vào của phòng gã. Cạnh y là tên đầy tớ già khúm núm đứng hầu, mặt cúi gầm hình như lão đã qua cái tuổi thích nhòm ngó những trò uốn éo làm duyên của các cô hầu rượu. Dáng chừng vị công tử này là giống ngựa nòi của hoàng tộc nên y không thèm bắt chuyện với ai để khỏi làm thương tổn đến phẩm giá con vua cháu chúa của mình. Y ngồi lặng lẽ nhấp từng ngụm trà thơm, đưa cặp mắt phượng khinh bỉ nhìn lũ người phàm phu thô tục đang hau háu nuốt ừng ực từng lời ca của người kỹ nữ.
    Mỗi lần dứt khúc ca, tiếng đũa rào rào chạm nhau, tiếng nốc rượu, tiếng chuyện trò lại nổi lên râm ran. Gã chủ quán lại vểnh tai nghe lén những mẩu chuyện trao đổi ở góc các bàn rượu. Người ta đang kháo nhau về những tin tức nóng hổi nhất trong buồi đầu xuân năm ấy: trận đánh Nham Biền, cái chết rùng rợn của hai Thái Tử trên sông Như Nguyệt, việc bắt lính ráo riết ở kinh thành, số phận của họ rồi cũng đến lượt phải ra chốn trận mạc để hứng chịu đạn đá của chiếc máy bắn đá mà họ chưa từng thấy… Hai người ngồi sát vị công tử khe khẽ nói với nhau về việc tìm mua giống ngựa nòi rất khan hiếm trong thời buổi này. Hóa ra bọn họ sắp phải tòng chinh, sống chết chưa biết thế nào nên mượn chốn ca lâu tửu điểm để khuây sầu. Gã chủ quán cảm thấy có phần nào yên lòng hơn, quay vào bán tính toán sổ sách.
    Ngoài kia thời khắc như không trôi mà đọng lại trên chiếu tiệc hoan lạc. Gã thoáng nghe như có tiếng khách chê mấy món thức nhắm rồi có nhiều bước chân đi xuống bếp sục vào tận phía nhà sau. Gã không buồn để ý vì tiếp đấy không có một tiếng động nào khả nghi cả. Chốc sau gã đứng dậy vươn vai đi lại ghé mắt nhòm qua mành trúc. Mồm gã há hốc, mắt mở to, sắc hồng trên khuôn mặt béo nhẫy của gã cũng biến mất. Cuộc chơi vẫn không ngừng nhưng đám trai gái hầu bàn tiếp rượu của gã đã bị trói giật cánh khuỷu, mồm nhét đầy giẻ, nằm sắp lớp ở một góc quán. Các công tử vẫn như mải mê nghe hát, chỉ có khác là mỗi người kèm một người, lưỡi dao nhọn cứ lăm lăm trong tay. Lính cấm vệ đứng đầy nhà. Họ vào từ lúc nào không biết. Gã định đưa tay giật chuông báo hiệu có biến nhưng một bàn tay khác nhanh hơn bẻ quặt tay gã ra đằng sau. Gương mặt của bị công tử kề sát vào mặt gã: - Lý Ngân tôi cam thất lễ. Việc của cung Thượng Dương quá gấp, người hãy dẫn ta đi gặp Đỗ đại nhân!
    Gã chưa kịp phản kháng thì những ngón tay rắn như sắt của lão Vũ đóng vai tên đầy tớ già ấn vào mạng mỡ gà khiến gã bủn rủn cả người.
    - Ta hứa sẽ tha mạng sống cho ngươi nếu ngươi biết điều chịu nghe theo lời ta – Lý Ngân khẽ dằn giọng từng tiếng một. Một cấm vệ khoác áo hầu bàn kín đáo chĩa mũi dao ngắn vào lưng gã. Gã chủ quán đành ngoan ngoãn bước ra, lần theo dãy nhà cầu xinh xắn dài hun hút mà Lý Ngân đã từng biết lúc chàng tới đây gặp lão Triệu. Đến trước một tấm cửa lớn, gã gọi khẽ: - Chú Ba ơi! Mở cửa cho anh Hai với! Bên trong có tiếng càu nhàu, tiếng động then cửa. Gã mắt lác bước ra kêu một tiếng sửng sốt: - Ủa, Công tử! Công tử đến đây à!
    Gã chủ quán vội đáp thay lời cho Lý Ngân: - Công tử có việc gấp của cung Thượng Dương. Chú Hai đưa công tử vào gặp anh cả. Anh Hai còn bận khách.
    Gã mắt lác lặng lẽ tuân lời đưa Lý Ngân và lão Vũ theo lối cầu thang hẹp bước xuống nhà dưới. Tiếng hát của người kỹ nữ áo xanh run rẩy nghẹn đầm nước mắt, vẫn văng vẳng dẫn người vào mộng mị liêu trai xanh xao màu son phấn:
    “Hoa đào sóng mấy độ sâu…
    Trong nhà sảnh, dưới ngọn đèn treo tỏa sáng, vẫn tên đầu quả dưa ngồi giữa sập, cặp môi mọng đỏ chót đang nhai trầu bỏm bẻm như ngày nào. Cũng vẫn gã mắt lác khom mình báo:
    - Thưa anh cả, có công tử Lý Ngân mang tin khẩn của cung Thượng Dương…
    Lý Ngân cảm thấy ở đây thời gian như mất cả uy lực. Con người và cảnh vật vẫn ở nguyên dạng cũ tưởng đâu như ba năm rưỡi vừa rồi chưa hề trôi qua… Tên quả đầu dưa thong thả đứng lên, trên môi vẫn phảng phất một nụ cười đỏ thắm cốt trầu, chắp tay cung kính: - Ôi! Xin chào công tử Lý Ngân!
    Cùng với lời chào, một làn kim khí sáng trắng từ ông tay áo gã vụt ra bay thẳng vào ngực Lý Ngân. Chàng chỉ kịp né mình tránh đòn bất ngờ, miệng thét ro: - Lão Vũ, coi chừng!
    Nhưng lão Vũ đứng sau lưng chàng điềm tĩnh khoa tay. Ngọn côn ngắn của lão đã dễ dàng gạt băng lưỡi dao lá trúc của địch và cũng vụt bay ra găm đúng vào giữa cổ họng tên đầu quả dưa xuyên suốt ra đằng sau gáy. Gã mắt lác vội quay lưng chạy. Cái nỏ bé đeo bên mình Lý Ngân đã nắm trong tay chàng, giương lên. Mũi tên sắt cắm phập vào lưng gã.
    - Thôi, công tử lo dẫn tên chủ quán vào ra mắt Đỗ đại nhân đi. Nói xong lão Vũ bước thẳng ra sau, biến mất trong bóng tối.
    Lát sau, tên chủ quán cùng Lý Ngân và lính cấm vệ nhẹ chân tiến đến ngôi nhà biệt lập có rặng trúc buông rèm.
    Lý Ngân đi trước nhón gót áp tai vào vách. Bên trong có tiếng Đỗ đại nhân hỏi một người nào đấy: - Thế nào, liệu lần này có khéo tay hơn trước không?
    - Dạ thưa chủ nhân, có mắt thánh cũng không tìm ra được nét nào sai sót. Mà chữ viết của Thái Tử thì chân phương lắm, nét nào ra nét ấy chứ không bay bướm như chữ của tướng quân Lý Quán.
    Lý Ngân chợt đứng sững. Cái gì… những nét chữ giống nhau… nét chân phương… nét bay bướm… Thái tử rồi đến tướng quân Lý Quán… Tại sao có sự trùng hợp của những người đã chết? … nét chữ!
    Gã chủ quán đưa tay gõ vào cửa bốn tiếng, hai tiếng nhanh, hai tiếng chậm. Im lặng giây lâu.
    - Có việc gì đấy? – Tiếng Đỗ đại nhân hỏi vọng ra.
    - Dạ thưa chủ nhân có người trong cung Thượng Dương muốn gặp chủ nhân hiện còn đợi ngoài lầu trà ạ.
    Cửa xịch mở. Lý Ngân lách người vào. Đỗ đại nhân đứng giữa nhà, một tay tì trên án thư nhìn ra.
    - Lý Ngân này không biết nên chào Đỗ đại nhân hay ngài Vệ Uông nhỉ? – Lý Ngân nhìn y, nụ cười mỉa trên môi.
    - Sao công tử lại đi bỡn kẻ thương nhân hèn mọn này – Y điềm tĩnh vừa trả lời vừa đi giật lùi lại sau.
    Lý Ngân tiến thêm lên vài bước. Một thanh gỗ không biết từ chỗ nào bất ngờ giáng xuống đầu chàng. Lý Ngân ngã xuống như một thân cây bị phạt gốc.
    Đỗ đại nhân cười nhẹ, quay ngoắt, mình đi vào phía trong đẩy cánh cửa kín, ẩn sau tấm rèm hoa, lần theo lối riêng ra ngoài bờ sông. Y vỗ tay ba tiếng làm hiệu. một chiếc thuyền con hình như bao giờ cũng chờ sẵn từ trước có người túc trực, nấp dưới lùm cây lòa xòa ven bờ, vội vã động chèo lướt tới.
    Một mùi hoa theo gió xuân chở đến nồng nàn, ngây ngất, say lử vây quanh người y. Đến bây giờ y mới mang máng nhớ ra, đang lúc trốn chạy, có một mùi hương trong đêm đuổi sát chân mình. Khi đặt một bàn chân lên sạp thuyền, y nhận ra đó là mùi hoa bưởi, thứ hoa các cô gái ven sông thường lấy gội cho thơm tóc hoặc cài trên vành khăn nhung những buổi đầu giêng. Y chợt thấy tiếc nuối, suốt cả một đời y chưa hề được phút giây thanh thao để hưởng chút ân huệ trong lành của thiên nhiên. Y buồn rầu nhìn những mảnh sao nhảy múa, tan vỡ tung tóe trên mặt nước và ra lệnh: - Sang sông!
    Nhưng chiếc thuyền cứ ỳ ra không nhúc nhích. Y giận dữ chậm chân quát khẽ: - Sang sông ngay! Trong đêm tối lờ mờ, từ cái bóng sù sụ tên phu sào thân tín của y, bỗng cất lên một tiếng cười lạ: - Mời Đỗ đại nhân hãy ở lại đã!
    Một ngọn côn ngắn, một miếng đòn hiểm hóc quen thuộc của dòng họ Vũ, quét ngang qua gối, khiến cả thân hình đồ sộ của Đỗ đại nhân sụm ngay xuống khoang thuyền.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 11:04 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 8

    Cái nóng đến sớm giữa tiết xuân năm Đinh Tị này không làm nhạt đi phần nào màu xanh ngùn ngụt trên rặng thạch trúc trước hiên Tây nhà quan Tể Chấp Lý Đạo Thành.
    Tể Chấp về triều sống lại sảnh cũ đã ngót ba năm rồi. Vẫn hàng trúc trước sân, vẫn căn nhà sạch tinh không vướng một hạt bụi trên vách phấn, vẫn những chồng sách phất cậy gáy son tăm tắp nghiêm hàng.
    Mọi thứ vẫn nguyên như cũ, chỉ có riêng Tể Chấp là đổi khác. Sự thay đổi này tuy ông không tự thú nhận song ông cảm thấy nó đang chảy rần rật trong máu huyết mình. Phải chăng cuộc trao đổi thẳng thắn năm Giáp Dần và sau đó sự gắn bó thực sự trong công việc với Thái Úy là khúc đường rẽ trong đời ông hay lòng tin yêu và cảm phục lẫn nhau giữa hai người đã đưa lại cho ông một sinh lực mới? Ông cảm thấy được hồi sức và tuổi thanh xuân trở về với ông trong buổi xế chiều.
    Những điều ấy, như làn gió xuân thổi ấm gốc tùng cỗi đứng trong giá rét, đã giúp ông tháo gỡ được những lối nghĩ cũ gấp nếp, đập vỡ những định kiến đóng thành khối trong đầu óc, tuy có chật vật đấy song không đau xót lắm. Ông đã can đảm sửa đổi những lầm lạc lâu ngày đã trở thành một phần của tâm hồn ông. Sự thay đổi này, xét cho cùng, đâu có thua kém gì chiến tích hiển hách ngoài trận mạc, bởi lẽ đó là những chiến thắng trừu tượng mà người đời thường bao giờ cũng không xét đoán hết: cuộc chiến thắng được bản thân mình!
    Chiến thắng này đốt bừng lên những hoa lửa rực rỡ trên chuỗi ngày còn lại của Tể Chấp, người thợ cả đang ngồi trên giàn dáo xây lầu văn hiến cho dân tộc Việt. Ông đã mở khoa thi nho học năm Ất Mão, chọn người có thực tài vào dạy trường Quốc Tử Giám, sửa sang lại bộ mặt phủ Đô Hộ làm cho phép vua luật nước soi sang đến tận mặt người dân thường. Ông giật mạnh dây cương cho cỗ xe chính sự theo kịp nhịp độ của thời chinh chiến.
    Song muốn cho cuộc chiến thắng bên trong này được hoàn toàn, số phận còn bắt ông phải bước qua một thử thách cuối cùng. Đó là luồng gió dữ mang tin cái chết của hai Thái Tử về triều. Đình thần xôn xao. Lời bàn ra tán vào ra rả bên tai như tiếng ong ve mùa hạ. Nhiều câu chuyện hoang đường được thêu dệt, nhiều nghi vấn cố tình được đặt ra chung quanh cái chết của hai Thái Tử. Phải chăng chính ông ta đã dụng tâm kéo giặc Tống sang quấy nhiễu làm suy vì ngôi vua Lý, chính ông ta mượn tay giặc mưu sát người của hoàng tộc để dễ bề thoán nghịch? Chữ “ông ta” họ dùng để bóng gió ám chỉ ai thì quá rõ ràng.
    Thoạt đầu, Tể Chấp coi đó là chuyện tầm phào không đáng để tai nhưng rồi nó cứ đồn thổi đi mãi hóa ra không lửa mà thành có khói. Một đôi vị đại thần cũng bắt đầu sinh ra phân vân nghi hoặc. Nhiều người có vai vế trong hoàng tộc lần lượt nối gót đến dinh ông để bày tỏ nỗi lo ngại của họ. Thậm chí có kẻ còn cả quyết rằng mắt mình đã trông thấy bức thư tuyệt mệnh của hai Thái Tử.
    Mà sự việc đâu có dừng lại ở đó. Sáng qua các bà phu nhân của hai Thái Tử, khăn tang trắng tóc, nước mắt ngắn dài, kéo đến dinh, phủ phục dưới chân của Tể Chấp, níu áo đòi đền mạng cho chồng:
    - Tể phụ ơi! Xin Tể phụ rủ lòng thương kẻ góa bụa này mà trị tội “ông ta”, trả thù cho chồng thiếp.
    - Tể phụ ơi! Chồng thiếp chết oan vì kẻ manh tâm, xin Tể phụ bắt “ông ta” trả chồng cho thiếp.
    - Tể phụ ơi! Xưa nay có ai dám bắt hoàng thân xông vào đất chết để đàn hát mua vui?
    “Tể phụ ơi! Tể phụ ơi!...” Cái điệp khúc của điệu kèn đưa ma này có lúc đã làm ông nẫu ruột…
    Và giờ đây giữa một buổi sáng mai trong lành, ông ngồi một mình đối diện với cái tịch mịch của mái hiên Tây. Bóng trúc tỏa dịu một màu xanh bình an hồn hậu trên dòng suy tư trầm mặc của ông. Chậu cúc vàng xòe rộng từng cánh hoa, mở cái vui thanh lặng trong lòng ông. Tể Chấp bình tâm soi xét lại mọi việc trước sau.
    Ba năm qua, mà cũng chỉ cần ngần ấy thời gian thôi cũng đủ để ông hiểu thấu suốt được con người Thái Úy. Tầm nhìn xa xuyên suốt qua tương lai của Thái Úy có một sức hấp dẫn lạ kỳ đánh thức bao khát vọng ủ kín trong ông bừng dậy đi tìm những chân trời mới. Hai người nghiêng lòng vào nhau và cùng thấy một hoài bão chung. Cũng như ông, con người ấy suốt đời uy đức không biết mỏi, mừng việc nước quên tuổi, lo việc nước quên nằm. Vậy mà còn có kẻ dám đặt điều… Tể Chấp cảm thấy trong mọi việc vừa tuần tự xảy ra dường như có một bàn tay vô hình nào sắp lớp…
    Tiếng chân bước lạo xạo trên đường sỏi làm ông ngẩng đầu lên. Lý Ngân xăm xăm bước vào, mắt chàng sáng dị thường như đang trong cơn sốt. Nhìn thấy làn da tái nhợt trên gương mặt cháu, Tể Chấp động lòng lo lắng: - Có phải cháu vừa bị thương ở trận địa đấy không?
    Câu hỏi của Tể Chấp nhắc chàng nhớ lại trận đánh ở sào huyệt tên thám tử đầu sỏ… Cơn ngất của chàng không biết kéo dài bao lâu. Lúc chàng tỉnh lại đã thấy mình nằm trên chiếc giường có đệm ấm. Một mùi lá thuốc hăng hắc ở đâu từ đầu giường thỉnh thoảng bay đến mũi chàng nhưng vẫn không làm át được làn hương thơm ngọt dịu của một loài hoa nào phảng phất ở trong phòng. Lửa nến rung rinh tạo cho chàng cảm giác triền miên của đêm dài vô tận. Rồi chàng thiếp đi trong một cơn mưa rào buồn tẻ, rả rích ở ngoài trời. Khi chàng mở choàng mắt ra đã thấy lão Vũ ngồi sát đầu giường. Lão bắt chàng uống một ngụm thuốc đắng ngắt và cho chàng hay đã bắt được Đỗ đại nhân. Không hiểu vì công hiệu của vị thuốc, hay vì tin vui ấy mà chàng bỗng thấy trong người khỏe khoắn hẳn lên. Cũng mãi đến lúc đó chàng mới biết mình đang ở tại dinh Thái Úy và nằm trong căn phòng riêng của Hạnh Hoa…
    - Thưa bá phụ - Lý Ngân mỉm cười đáp – đúng là cháu có bị thương nhưng không phải ở ngoài lũy Như Nguyệt mà ở ngay tại Kinh đô…
    Kiệu son của Dương Hậu đã đỗ ngay giữa sân trước. Cũng như mọi lần khác, viên quan hầu người bé choắt vào báo tin cắt đứt câu chuyện giữa hai người. Tể Chấp đứng lên: - Cháu hãy đi cùng ta ra mắt Dương Hậu.
    Lý Ngân thoái thác: - Bá phụ cứ gặp trước. Lúc nào tiện, cháu sẽ ra chào dì mẫu.
    Dương Hậu bước vào, giọng đượm lo lắng: - Tể phụ ơi! – “lại tể phụ ơi”, Đạo Thành cau nét mặt, khó chịu – Xin Tể phụ hãy ra tay cứu vớt dòng họ Lý.
    Đạo Thành làm ra vẻ ngỡ ngàng: - Ô! Sao lại thế nhỉ? Lão phu tưởng nhà Tống đánh nhà Lý ta thì đã có quân tướng ngoài trận mạc…
    - Lâu nay nhà Lý ta với Tống không thù không oán, cớ sao lại gây chuyện binh đao? Chủ tâm họ đâu có muốn đánh nhà Lý.
    - Lệnh bà nói thế nào mà lão phu vẫn chưa hiểu. Họ kéo quân sang ta không phải đánh nha Lý thì đánh ai?
    - Họ cốt hỏi tội kẻ chủ mưu gây loạn ở Ung Châu, can tội với Thiên triều.
    Đạo Thành cố dằn lòng, kiên nhẫn: - Vậy theo ý lệnh bà thì họ hưng binh chỉ nhằm đánh riêng một mình Thái Úy sao?
    - Chứ còn gì nữa? Sự việc đã quá rõ mà sao Tể phụ vẫn còn mơ hồ. Nếu nhà Lý ta chịu bắt lão hoạn quan ấy xử tội thì lập tức nhà Tống sẽ bãi binh, non nước yên hàn, hai nhà Tống – Lý lại giao hòa như cũ.
    Trong vẻ hăm hở của bà có cái gì khờ khạo khiến Đạo Thành thấy thương hại đến đau lòng: - Ôi! Sao lệnh bà lại nhẹ dạ tin theo những lời huyền hoặc ấy?
    - Ta biết, Tể Chấp không tin ta đâu – Bà khẽ nhếch một nụ cười lạnh rồi rút trong tay áo ra bức mật thư của vua Tống – vật này thì chắc hẳn ta không thể bịa đặt ra được. Đạo Thành lật đi lật lại trong tay tờ mật chỉ của vua Tống, tròn mắt kinh ngạc: - Trời ơi! Làm sao lệnh bà có được bức thư này?
    Bà thì thào, tiếng khao khao trong cuống họng: - Vì nhờ có người còn biết nghĩ đến dòng họ Lý ta đó! Tể phụ ơi! Nhân lúc này, Thường Kiệt đang quân bại tướng thua, bọn ta dâng sớ xin thánh quân bắt tội y. Trong việc này cả hoàng tộc đều trông vào quyền uy của Tể phụ. Làm được như vậy thì cái chết của hai Thái Tử cũng mát mẻ mà bọn ta cũng thỏa được hận cũ.
    Không hiểu sao Đạo Thành chợt nhớ lại câu nói của Thái Úy hôm tha Thượng Dương, kèm theo một nụ cười đầy ý nghĩa: - Tha Thượng Dương đối với lão huynh là một gánh nặng đấy! ông nén lòng theo hết đà câu chuyện: - Hai Thái Tử chết trận, việc ấy có can dự gì đến Thái Úy đâu?
    - Sao lại không? Bức thư của Thái Tử Chiêu Văn gửi về còn đó.
    - Bức thư nào? – Đạo Thành vờ như không hay biết gì về chuyện ấy – Tính lão phu hễ mắt có thấy thì bụng mới tin.
    - Tiếc rằng lúc này ta chưa có bức thư ở đây.
    Vừa lúc đó một tiếng đáp đột ngột vọng vào: - Bức thư ấy lúc này có ở đây rồi!
    Thì ra nãy giờ Lý Ngân đứng bên ngoài theo dõi câu chuyện từ đầu, có lẽ không ghìm nén được lòng mình, bước ra trao bức thư cho Tể Chấp.
    Trong đôi mắt xao xuyến của Thượng Dương, ánh lên niềm sợ hãi.
    - Lý Ngân! Bức thư này ở đâu ra? – Bà trấn tĩnh lại dần.
    - Cũng như tình cờ dì mẫu có được bức thư của vua Tống.
    - Vậy ra cháu đã gặp Đỗ đại nhân đấy ư? – Bà hỏi tiếp trong hơi thở dồn dập.
    - Thưa, cháu chỉ gặp Vệ Uông thôi.
    - Vệ Uông là ai? Cái tên nghe quá lạ.
    - Người quen đó. Vệ Uông chính là Đỗ đại nhân mà dì mẫu vừa nhắc đến.
    Chàng quay sang Đạo Thành: - Thưa bá phụ, tờ sắc chỉ kia là thật, bức thư này là giả. Nhưng thật giả cùng nhằm một âm mưu: hãm hại Thái Úy. Và cùng do một bàn tay của tên Vệ Uông đưa đến. Hắn là người của nhà Tống phái sang, nằm phục ở bên ta đã hơn hai mươi năm nay rồi.
    - Trời ơi! Cháu nói sao? Đỗ đại nhân là… - môi bà nhợt đi như cánh hồng úa.
    - Là một tên thám tử lợi hại nhất của ngoại bang đã dùng bàn tay dì mẫu để ly gián cung đình!
    Gương mặt Thượng Dương tối sầm lại, đôi mắt đờ đẫn, bà như tự hỏi mình: - Ta lầm lẫn đến thế kia ư?
    Ngoài kia thêm một cỗ kiệu son nữa đặt song song trước sân nhà Tể Chấp. Thái Hậu Ỷ Lan bước vào. Luồng mắt nghiêm lạnh của bà lướt qua mọi người rồi dừng lại chăm chú nhìn vào khuôn mặt có phần bối rối của Đạo Thành: - Đạo Thành lão khanh! Ta thấy câu chuyện trong cung lạ quá! Nhiều vị trong hoàng tộc chít khăn trắng mặc áo xô, ầm ầm kéo đến cung đòi trị tội Thái Úy để cho yên nước Việt là nghĩa làm sao?
    Đạo Thành vụt quì xuống bình tĩnh, quả quyết: - Tâu Linh Hậu; thần là Đạo Thành đương quyền Tể Chấp, khẩn khoản xin Hoàng Thượng xuống chỉ bắt ngay Dương Hậu cùng thị nữ ở cung Thượng Dương, y theo án cũ thi hành thì triều chính sẽ yên, ba quân sẽ thuận.
    Ỷ Lan đưa mắt nhìn Thượng Dương gặp cặp mắt Thượng Dương nhìn lại. Hai bà hoàng nhìn nhau. Nhưng trong mắt Thượng Dương, bà đâu còn nhìn thấy Ỷ Lan nữa. Hình như bà đang nhìn vào một cõi sâu kín nào trong tâm linh bà mà chỉ riêng bà mới trông thấy được.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 11:07 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 9


    Điều tiếng eo sèo chung quanh cái chết của hai Thái tử bay đến tai Hạnh Hoa làm nàng lo ngại.
    Được lệnh của Thái Hậu Ỷ Lan, nàng tức tốc lên đường ra Như Nguyệt. Lâu ngày chưa gặp Thái Úy, nàng cũng muốn đi thăm cha và báo cho ông biết những tin đồn thổi không lành mới đây ở trong triều. Bên cạnh nỗi nhớ cha, nàng còn ấp ủ một khát khao thầm kín mà nàng không dám thú nhận với mình. Lâu nay nếu tình cờ gặp nàng, Lý Ngân bẽn lẽn gật đầu chào, mặt cúi xuống, đôi mắt lảng tránh. Nàng chỉ kịp thoáng nhìn thấy một vết hằn sâu do mối hoài nghi ám ảnh nào chưa tan, để lại phía trên gốc mũi chàng. Trong mối duyên oan trái này, thoạt đầu nàng tưởng đó là sự tan vỡ một ước mơ, nhưng tự thâm tâm nàng hằng cầu mong đó chỉ là sự kết thúc của một trang dĩ vãng buồn thảm rồi liền sau đấy mở đầu một trang mới. Nhưng liệu trang mới này mở đầu như thế nào đây, nàng cũng chưa biết.
    Cái nắng hoa vàng đầu xuân vẫn dễ làm say người như rượu làng Dâu. Khu phố chợ ven sông của Kinh thành vẫn náo nhiệt ầm ào. Bến đò xuân tấp nập những tốp sương quân đi về. Trai tráng Thăng Long vẫn nườm nượp ra trận. Chỉ có khác là mặt người nào cũng mang theo một nét gì nghiêm nghị của thời chiến.
    Hạnh Hoa dắt ngựa đứng nhìn màu cỏ xanh rờn đâm qua lớp phù sa trên bãi bồi. Bỗng nàng nghe một giọng hát thanh thanh cất lên có lẽ từ đám con gái đang giặt ở bến sông. Ý chừng họ mượn câu hát để tiễn đưa – biết đâu để ghẹo cợt hay nhăn nhe – những chàng trai Thăng Long trên đường ra trận. Tiếng hát trong lành giống như tiếng hót chim sơn ca rót xuống tự trời cao:
    “Giã biệt Thăng Long đất rồng lên
    “Hương xuân đào muộn vướng chân thềm
    “Hậu đình hoa”, khúc ấy
    “Ta sang sông rồi
    Người có quên?
    Có tiếng cô gái khác hát đáp lại:
    “cuộc vui vừa đượm chưa tàn
    “Bên sông em đứng tiễn chàng xuất chinh
    “Nhắc chi khúc “Hậu đình”
    “Mối hờn vong quốc đâu mình dám quên.
    Không hiểu sao, câu hát cứ văng vẳng đuổi theo nàng suốt dặm đường Thiên Đức.
    Đến đại doanh, Hạnh Hoa tường trình hết mọi việc với Thái Úy và nhắc lại sự lo ngại của Thái Hậu Ỷ Lan về thái độ còn mập mờ của Tể Chấp Đạo Thành.
    - Thái Hậu quá lo xa – Ông bình thản đáp – Đạo Thành ngày nay đã đổi khác. Ta tin Đạo Thành như tin ở ta. Không dễ gì Thượng Dương lay đổ nổi gốc tùng già ấy.
    - Cha ơi! – Thấy Thái Úy quá xem thường chuyện đó, nàng nhắn thêm – Người ta mưu dâng sớ xin bắt cha nộp cho vua Tống đấy!
    Lần này Thái Úy cất lên một tràng cười sảng khoái: - Nhà Tống có vét hết vàng trong kho ra cũng không đúc nổi cái xiềng để xích tay ta lại! Con cứ ở đây rồi xem.
    Quả nhiên hai hôm sau, Thái Úy cho nàng hay Thượng Dương cùng 76 cung nữ, chiếu theo án cũ, bị bắt chết theo Tiên Đế. Tin thứ hai làm nàng phập phồng mừng lo lẫn lộn, Lý Ngân cùng lão Vũ đã lập công to, bắt được Vệ Uông. Nhưng Lý Ngân bị thương nặng nhẹ thế nào chưa rõ. Còn một tin nữa, Thái Úy không muốn nhắc đến vì đối với ông nó chẳng cò gì thích thú: Nguyễn Châu được Thái Hậu cất nhắc lên một bậc, ngang hàng Thái Phó.
    Thái Úy nhìn con gái với một nụ cười rất dịu: - Bé Hạnh ạ! Mọi việc bây giờ đã rõ cả rồi. Con hãy về thăm Lý Ngân xem bệnh trạng thế nào…
    Thấy Hạnh Hoa có vẻ ngúng nguẩy, ông vội nghiêm giọng: - Ở đời, ít người tránh khỏi đôi khi lầm lẫn. Ai đi đến cái khôn mà không phải bước qua cái dại. Con không nên cố chấp. Hãy xem như chuyện cũ đã qua. Tan mây trời lại sáng.
    Hạnh Hoa ra về cố giữ vẻ miễn cưỡng cần thiết bên ngoài nhưng bên trong lòng nàng xao động lạ thường như gợn sóng lúa đồng chiêm đương thì con gái… Đã tàn mùa hồng ngự đến mùa cốm mới ủ lá sen. Rồi cau hương bổ ba rẽ bảy xếp lên sàng phơi. Liệu ai đó có còn nhớ đến lứa duyên của nàng với chuyện sêu Tết trong năm xưa cũ? Trong nàng, bóng cây hoài nghi chợt gợn lên qua xôn xao tia sáng hứa hẹn hạnh phúc bừng lên ở phía chân trời. Con sông trao duyên thuở ấy, đã cạn những mùa mưa, biết có còn trở lại dòng cũ, đầy ắp nước như xưa?
    Không ai bảo, khi rẽ vào dặm hòe, vó ngựa bỗng dưng đi gióng một như bước vào khớp chân xưa. Hình như linh tính con vật cũng biết chủ nó vẫn lưu luyến nặng tình với dặm đường chứa chất đầy kỷ niệm ấy. Hay vì nó thấy những thân hòe đứng thẳng hàng nghiêm trang bỗng rắc xuống một cơn mưa lá lất phất, chào mừng cô chủ?
    Ngồi trên ngựa, Hạnh Hoa miên man hình dung cuộc gặp mặt sắp tới với Lý Ngân. Nhưng kia trên dặm hòe một tốp lính cấm vệ từ xa đi ngược lại phía nàng. Cảnh tượng trùng lặp này khiến nàng tưởng như đã nhìn thấy trong một giấc mơ nào. Chỉ có khác là khi đến gần, nàng mới biết tốp lính đang áp giải một chiếc tù xa bịt kín. Đằng sau thay cho cỗ kiệu son là một chiếc cáng xanh phủ rèm. Và đằng sau nữa thấp thoáng bóng lão Vũ.
    Nàng lướt ngựa như bay qua tốp lính cấm vệ, tiến thẳng đến trước lão Vũ gọi: - Lão Vũ! – Tiếng nàng nghẹn trong cổ họng.
    Hình như cuộc gặp gõ này không làm lão ngạc nhiên song lão vẫn hỏi: - Ôi! Sao lão lại gặp bé Hạnh ở đây nhỉ?
    - Cha ta bảo ta trở về Thăng Long gặp lão – lão Vũ vẫn ngẩng đầu nhóng tai để nghe tiếp - … Cha ta muốn biết thương thể của công tử…
    - Công tử Lý Ngân đang ở đằng kia kìa! – Lão chỉ tay vào chiếc cáng xanh.
    Lúc này phu trạo võng cáng đang chống nạng đứng nghỉ ở lề đường. Linh cảm đã cho nàng biết điều ấy khi vừa thoạt trông thấy chiếc cáng xanh. Nàng xuống ngựa, cố lấy vẻ thản nhiên hỏi tiếp: - Lão thấy liệu công tử có sao không?
    - Lão e… - Lão Vũ rụt rè đáp – nhưng cô nương cứ lại thăm, nhớ tránh cho công tử khỏi phải cử động mạnh.
    Mặt tái nhợt, không hỏi thêm một lời, nàng lôi ngựa theo sau, lao về phía chiếc cáng, ngập ngừng nâng nhẹ lá rèm. Trong cáng, Lý Ngân nằm bất động, giương to mắt sững sờ nhìn nàng. Trong cặp mắt không ngớt chuyển màu của chàng, nàng đọc thấy vẻ mừng rỡ lóe lên lẫn cả sự ngượng ngùng và niềm hoảng sợ.
    - Công tử thấy trong người thế nào? – Giọng nàng vẫn ôn tồn.
    Bệnh trạng nguy ngập của Lý Ngân như ngọn lửa bỏng xua tan lớp băng giá cuối cùng do lòng tự ái dâng lên ở trong nàng.
    - Ta thấy… trong người cũng bình thường thôi. Không hiểu sao Vũ tướng quân lại bắt ta phải nằm im trong cáng. Song nếu… - chàng lơ đãng nhìn ra rặng hòe tránh cái nhìn của nàng – ta có mệnh hệ nào cũng chưa đủ để trả món nợ lầm lỗi của mình trước đây.
    Tiếng “Vũ tướng quân” nghe hơi lạ tai nhưng Hạnh Hoa còn mải chú ý theo câu chuyện: - Thế sao công tử không ở lại Kinh thành dưỡng bệnh có hơn không?
    Giọng nói ngọt ngào, cái nhìn ấm dịu như trời trưa không nắng của nàng khơi dậy trong chàng niềm hy vọng tưởng chừng đã tắt ngấm.
    - Ta ra Thiên Đức là vì có ý … muốn gặp lại nàng… - Chàng dừng lại. Phút giây im lặng dò hỏi tuy khoảnh khắc mà dằng dặc sâu lắng đầy âm thanh vang vang. Nhưng bước qua được giây phút này không sức mạnh nào còn có thể cản được lời chàng: - Hạnh Hoa! Năm năm trời, ta khờ khạo cả tin để người ta lừa mình như một đứa trẻ thơ. Ôi! Ta phải qua bao cái dại mới đến được cái khôn – Hạnh Hoa bất giác nhoẻn cười khi nghe chàng nói giống như lời cha mình – Liệu cái khôn ấy đến có muộn chăng? Liệu nàng có giúp và cho phép ta chuộc lại những lỗi lầm cũ đối với nàng? Liệu nàng có tha thứ cho ta không?
    Đôi mắt Hạnh Hoa chợt lóe lên một ánh tinh nghịch bất ngờ: - Trong việc này, chàng còn dại lắm chưa khôn đâu. Cứ nhìn là biết, lựa gì phải hỏi.
    Lý Ngân vẫn lắc đầu khăng khăng: - Không! Bao lần ta cứ ngỡ là thực lại hóa ra mộng ảo – Chàng xòe bàn tay để xuống mép cáng – Hạnh Hoa! Nếu nàng thực lòng xóa lỗi thì nàng hãy làm cho ta tin rằng ta đã nắm chắc được trong tay.
    Hạnh Hoa không do dự áp tay mình vào tay chàng, cái điều nàng làm một cách bình thản đến nàng cũng phải tự ngạc nhiên. Lý Ngân nắm chặt tay nàng, vụt ngồi dậy bước ra khỏi cáng. Hạnh Hoa hốt hoảng: - Đừng! Lão Vũ cấm…
    - Không ai cấm ta được lúc này. Có phải chết ngay, ta cũng thỏa dạ!
    Tiếng lão Vũ đâu đấy như kề bên tai: - Sống chứ không chết đâu! Công tử đã khỏi bệnh rồi. Chữa bệnh này ta phải chữa bằng mẹo đấy!
    Lão cất lên một tràng cười dài – lần đầu Hạnh Hoa nghe thấy lão cười như vậy – rồi vẫy tay ra lệnh cho bọn phu trạo võng cáng không, trở lại kinh thành.
    Hai người thẹn bỏng mặt nhưng không quên thầm biết ơn sự đánh lừa nhân hậu có tính chất “ lương y từ mẫu” của lão. Họ dắt tay nhau thung thăng đi dọc theo dặm hòe về nẻo Thiên Đức.
    Sen trong hồ rụt rè mới dám đâm đôi ba lá non, hòe bên đường còn chưa tin cậy ở nắng ấm đầu xuân chỉ hé dăm chồi xanh nhợt. Song họ cảm thấy hương sen nồng vây quanh ngào ngạt, sắc hoa hòe vàng tươi theo nắng trải thảm trên đường họ đi.
    Lão Vũ đi ngựa nói ghé sang: - Phận sự của lão đối với công tử như vậy là xong nhé! Bây giờ lão xin giao công tử lại cho bé Hạnh chăm sóc. Nói xong lão quất ngựa đi trước. Lúc lão ngoái đầu nhìn lại, lão thấy Lý Ngân đang kể chuyện say sưa thỉnh thoảng đưa tay trỏ vào chiếc xe tù. Áng chừng chàng đang thuật lại vụ đột nhập vào sào huyệt tên Vệ Uông. Hạnh Hoa vừa lắng nghe vừa xoay xoay cái roi ngựa trong tay chốc chốc lại phá lên cười nắc nẻ.
    Lão Vũ tưởng như họ thừa sức đi bộ bên nhau đến tận chân trời.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 11:10 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 10


    Chánh nguyên soái An-nam đạo-hành-doanh mã bộ quân đô tổng quản Quách Quì im lặng nhìn phó nguyên soái Triệu Tiết. Tiết quay nhìn phó đô tổng quản Yên Đạt. Đạt nhìn lại hai vị chánh phó soái. Viên tùy tướng ngại ngùng nhắc lại câu nói không biết là lần thứ mấy: - Dạ, bẩm bên Giao Chỉ muốn phái sứ giả sang xin nghị hòa!
    Những đuôi mắt soái lặp lại vòng nhìn cũ…
    Kể từ lúc đại binh thoát qua đường hẻm Vạn Linh, chín đạo quân Tống ồ ạt dồn về bờ sông Như Nguyệt – Thành Thăng Long chỉ còn 40 dặm tưởng như đã nằm gọn trong tầm tay. Quân tướng Tống tưởng tượng trước cái thú được nghỉ ngơi và tha hồ chiếm đoạt. Thứ gạo hương ở đồng bằng bên kia mới nghĩ đến đã thấy thơm nhức hai cánh mũi. Cửa hoàng thành mở tung đón họ vào cùng với mùa xuân trong tiếng pháo giao thừa giòn giã. Hai hàng voi đeo chuông vàng quì mọp chào mừng dưới chân họ.
    Những chiếc khay lớn dát vàng cẩn ngọc trai, sóng sánh ly rượu nồng nàn và bao trùm lên là tiếng lanh canh không dứt của trân châu trên vai, trên tóc, trên xiêm áo các cô nàng cung nữ mỹ miều…
    Song hơn một tháng nay họ bị đóng đinh trên bờ Bắc. Sáng bảnh mắt dậy mới qua một đêm, những hạt trân châu long lanh trong giấc mơ khoái lạc của họ đã biến thành hằng hà sa số nấm độc sặc sỡ đủ màu mọc quanh chỗ họ nằm. Những gò mối ở đâu trong lòng đất đùn lên như nấm mồ hoang và hoa rêu xanh lẹt đóng từng chùm trên đồ binh khí. Cái nóng bắt đầu lột trần họ ra như nhộng. Nước nôi ăn uống hóa thành kim chích đau quặn ruột gan. Một tay họ cố xua từng đám mây ruồi vàng dày đặc lăn xả vào thân hình lở loét, tay kia bịt mũi để khỏi phải ngửi mùi nồng nặc bốc lên từ lớp bùn đóng váng trong ruộng lầy. Ngựa chiến trong chuồng bị toác móng chốc chốc lại hí lên thảm thiết.
    Nhưng bi đát hơn hết là cái đói. Chín đạo quân cạn lương. Quá nửa số binh tải lương bị rải xác dọc đường từ biên giới đến Lạng Giang. Dân phu Giang Nam, Hồ Nam bị bốc đi như những chùm bông cao lương rụng dần trên đất lạ. Nhiều lính Tống xua ngựa chiến vào rừng, lén lút xả thịt rồi bảo đó là thịt hươu.
    Nguyên soái Quách Quì nóng lòng đóng mảng kết bè đánh ba trận thăm dò song đều thất bại. Ông ta đành gửi chút hy vọng cuối cùng vào đạo thủy binh của Dương Tùng Tiên. Theo lệnh ông ta, một nóc vọng lâu cao vót được dựng lên. Từ đấy hướng mắt về biển Đông, quân tuần phòng có thể nhìn thấy bóng thủy binh của Dương Tùng Tiên từ đường sông Bạch Đằng kéo vào Như Nguyệt.
    Nhưng tin tức đạo thủy binh càng trông càng bặt tăm cá. Quách Quì đâm lẩn thẩn nhớ lại lời truyền từ xưa về tài thủy chiến của người Giao. Họ thường lặn xuống nước đội thuyền địch lên để lật úp. Có ông Đỗ Mục nào đó còn nói người Việt đi chìm dưới đáy biển năm mươi dặm mà không cần thở. Tuy không tin lắm vào lời ngoa truyền ấy, Quách Quì cũng bắt đầu thấy lo ngại cho số phận đạo thủy binh Tống. Nhưng tên lính tuần phòng mặt nở như hoa chạy vào báo tin vui. Nguyên soái Quách Quì lật đật leo lên nóc vọng lâu, mừng quá suýt rơi giày. Đằng xa, phía chân trời quả có bóng thuyền chiến thuyền Tống đang đi tới. Bất giác Quách Quì nắm chặt tay lại tưởng như đã nắm gọn được cả thành Thăng Long. Song ông ta lại phải xòa tay ra giụi mắt đôi ba lần. Chiến thuyền đi đầu đúng là của quân nhà. Nhưng sao… đi sau là cả đoàn thuyền chiến của địch? Dưới lá cờ Tống sao có nhiều bóng người lơ lửng trên cột buồm? Thuyền đến càng gần, Quách Quì càng nhức mắt. Hỡi ôi! Đúng là thủy binh nhà bị bại rồi. Kẻ địch bắt được thuyền, giong qua mũi ông ta lại còn đem tù binh Tống treo lên cột buồm. Bọn chúng lướt qua vừa chỉ trỏ, vừa quát tháo, chửi mắng om sòm. Nguyên soái vội bịt tai lại, tiu nghỉu bước xuống vọng lâu. Ông ta đâu biết đội thủy binh còm cõi của Dương Tùng Tiên đã nhiều lần bị tướng Lý Kế Nguyên chặn đánh tan tác trên dòng Đông kênh. Điều đáng nực cười là Dương Tùng Tiên quá lo xa, sợ quân Việt một khi bị Quách Quì đuổi rát sẽ trốn xuống phương Nam nên vội cử hai tướng Phàn Thật và Hoàng Tông Khánh cưỡi thuyền vượt biển vào nước Chiêm khuyên vua Chiêm nên đưa quân án ngữ trước các đường quan yếu – Nếu biết được điều này chẳng hiểu Quách nguyên soái ta có cười nổi không?
    Thế là giấc mộng Nam chinh của nguyên soái Quách Quì đã hoàn toàn tan vỡ. Thành Thăng Long ở ngay trước mắt mà không có lương ăn, không có thuyền qua. Làm sao chắp cánh để bay sang được? Quách Quì cảm thấy mình đang cơn khát xé họng mà thành Thăng Long chập chờn như một rừng mơ mọng nước trong ảo ảnh hoang đường…
    Tâm trạng Quách Quì như đang ngồi trên đống than hồng. Còn nán lại ngày nào trên đất lửa này là còn nướng thêm quân ngày ấy. May thay sứ giả Giao Chỉ xin sang đúng lúc. Vậy mà hai vị phó soái của ông lại điềm nhiên ngồi nhìn. Ông đứng lên trước lúc viên tùy tướng sắp nhắc lại không biết lượt thứ mấy câu nói ban nãy, giọng dõng dạc: - Tình thế ba quân đang quẫn bách – Thân ta làm tướng ra ngoài ải phải biết tùy nghi định liệu. Ngươi hãy cho mở rộng cổng doanh để ta tiếp sứ của Càn Đức.
    Lần đầu nguyên soái Quách Quì thấy phó soái Triệu Tiết không cãi cù cưa như mọi lần. Ông ta đâu biết chút hy vọng dùng kế nội gián của Triệu Tiết đã cứng lạnh theo xác Vệ Uông phơi ngoài đầu làng Như Nguyệt.
    Trong lúc ấy, quan chiêu thảo Kiều Văn Ung, người được cử làm chánh sứ qua doanh Tống đang lắng nghe từng tiếng những lời dặn dò cuối cùng của Thái Úy Lý Thường Kiệt.
    - Quan chiêu thảo đi sứ lúc này là đúng thời cơ đấy. Song muốn cho Quách Quì thuận đình chiến lui quân về nước thì ta phải mở đường cho y.
    - Thưa Thái Úy, như vậy là ta chịu qui hàng nhận phần bại trận ư? – Kiều Văn Ung rụt rè hỏi.
    - Quách Quì rút đại binh về là họ chịu bại rồi. Trong cuộc chiến này, nhà Tống tốn bao nhiêu của, chết bao nhiêu quân để gặt hái được gì nào? Họ chỉ mong được một chữ thắng thôi. Song ta cần quái gì thứ phù tự phù danh ấy? Họ được tiếng thắng mà bên trong rõ ràng họ bại. Ta chịu tiếng thua nhưng thực sự ta thắng. Vì vậy ta phải giữ thể diện cho họ. Họ nước lớn, ta nước nhỏ. Họ cầu hư danh, ta cầu sự sinh tồn của dân tộc.
    Thái Úy trầm ngâm đặt cốc rượu xuống bàn rồi đột nhiên nhìn vào mắt Kiều Văn Ung: - Quan chiêu thảo có biết lòng lão phu mơ ước gì không? – Kiều Văn Ung đang ngập ngừng định nói thì ông đã tiếp lời – Lão phu hằng mong làm sao bên cạnh ta có một người bạn chứ không phải một kẻ thù…
    - Trời ơi! – Kiều Văn Ung không giấu được sửng sốt - Họ cứ muốn xâm lấn ta thì làm sao họ thành bạn ta được?
    - Nếu ta biết làm cho họ thấy chán ngán vì xâm chiếm và mệt mỏi vì cừu thù, thì lúc ấy họ sẽ chịu sống yên lành với ta. Đó là kế lo cho trăm đời về sau đấy. Vì vậy trước mắt ta phải biết chịu nhún nhường đẻ Quách Quì rút quân về nước. Rồi mọi việc khác sẽ dần dà rút theo chân quân Tống.
    Thái Úy đứng lên rút trong tập văn án mật ra một phong thư trao cho Kiều Văn Ung: - Đây là bức cẩm nang ta giúp Quách Quì rút lui không đỏ mặt và để y có đường ăn nói với vua Tống – Ông liếc mắt nhìn về phía bên kia sông – Hình như cờ Tống đã vẫy mừng đón sứ. Ta tin ở tài biện thuyết của quan Chiêu thảo!
    Kiều Văn Ung và lão tướng Trần Nậm, hai người thợ cả xây lũy Như Nguyệt, ngồi thuyền sứ sang sông. Nguyên soái Quách Quì đón họ vào hổ trướn, gươm giáo chói lòa. Cuộc thương nghị tuy không khí bên ngoài đượm vẻ sát phạt nhưng lúc vào đề lại xuôi chiều mát mái.
    Nguyên soái Quách Quì ngồi chồm tới hếch miệng lên như uống từng lời nói của quan chiêu thảo Kiều Văn Ung: - Nếu nguyên soái rút đại binh về, lập tức chúa nước tôi sẽ sai sứ sang tạ tội, chịu nhường phần đất bị Tống chiếm và trở lại tu cống như xưa.
    Phó nguyên soái Triệu Tiết bỗng cười gằn: - Đâu có dễ dàng như vậy! Các người vô cớ dám phạm tới đất Trời, giết hại bao dân lành của nước Thiên tử. Nay quan quân triều đình vào trong cõi, thế bức, chúa các người mới chịu qui hàng. Đâu chỉ nhờ một vài lời trong biểu mà xóa tội được.
    Lão tướng Trần Nậm vụt đứng dậy, tròn mắt xừng râu: - Về! Ta về thôi? Họ đã giết tướng ta, thu đất ta, thế còn chưa đủ sao? Được cứ để họ ở đây. Dăm ba ngày nữa, ta sẽ kéo quân sang nhổ sạch rễ cái đám cỏ hôi này!
    Quách Quì vội đưa tay cản: - Khoan! Đó là lời của phó soái. Bản chức là chánh soái mới có quyền định đoạt trong việc này – Ông ta nhìn Kiều Văn Ung với cặp mắt khẩn khoản kêu xin sự thông cảm – Quanh Chánh sứ chắc cũng thấy trong lời nói của phó soái ta có phần nào đúng chứ? Chính vì tại chúa các ông đánh Tống trước nên mới gây ra vụ can qua này…
    - Không đúng! Chúa tôi không hề có ý đánh Tống! – Kiều Văn Ung quả quyết nói.
    - Thế ai có ý muốn đánh Tống? – Quách Quì hỏi dồn.
    - Chính người Tống muốn chúng tôi đánh Tống.
    Kiều Văn Ung lặng lẽ rút lá thư của Từ Bá Tường ra trao cho Quách Quì. Nguyên soái cứng họng nhưng trong bụng thì vui như mở cờ. Còn phó nguyên soái Triệu Tiết đỏ bừng mặt lên rồi tái nhợt đi như người lên cơn sốt.
    Trong cuộc hội tướng, Quách Quì khẳng khái công bố: - Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình, đó là tại trời! Thôi, ta đánh liều một thân ta chịu tội với Thiên tử để mong cứu sống hơn 10 vạn nhân mạng.
    Nhưng khi đại binh lếch thếch kéo về đến Biện Kinh, Quách Quì điểm lại quân số chỉ thấy còn sống sót trên 2 vạn người. Dân phu chết hơn 10 vạn. Tiền phí tổn cả thảy mất trên 5 triệu lạng vàng.
    Và ngày 25 tháng 2 năm Đinh Tị ấy, Tể tướng Ngô Sung hí hởn thay mặt quần thần dâng biểu mừng vua Tống “đã dẹp yên An-nam, lấy được đất Quảng Nguyên”. Bách quan thừa biết Tống thua đậm vẫn phải bấm bụng lên tiếng tung hô. Vua Tống miệng ngậm bồ hòn nhận lời chúc tụng.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 11:13 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 11


    Chánh nguyên soái An-nam đạo-hành-doanh mã bộ quân đô tổng quản Quách Quì im lặng nhìn phó nguyên soái Triệu Tiết. Tiết quay nhìn phó đô tổng quản Yên Đạt. Đạt nhìn lại hai vị chánh phó soái. Viên tùy tướng ngại ngùng nhắc lại câu nói không biết là lần thứ mấy: - Dạ, bẩm bên Giao Chỉ muốn phái sứ giả sang xin nghị hòa!
    Những đuôi mắt soái lặp lại vòng nhìn cũ…
    Kể từ lúc đại binh thoát qua đường hẻm Vạn Linh, chín đạo quân Tống ồ ạt dồn về bờ sông Như Nguyệt – Thành Thăng Long chỉ còn 40 dặm tưởng như đã nằm gọn trong tầm tay. Quân tướng Tống tưởng tượng trước cái thú được nghỉ ngơi và tha hồ chiếm đoạt. Thứ gạo hương ở đồng bằng bên kia mới nghĩ đến đã thấy thơm nhức hai cánh mũi. Cửa hoàng thành mở tung đón họ vào cùng với mùa xuân trong tiếng pháo giao thừa giòn giã. Hai hàng voi đeo chuông vàng quì mọp chào mừng dưới chân họ.
    Những chiếc khay lớn dát vàng cẩn ngọc trai, sóng sánh ly rượu nồng nàn và bao trùm lên là tiếng lanh canh không dứt của trân châu trên vai, trên tóc, trên xiêm áo các cô nàng cung nữ mỹ miều…
    Song hơn một tháng nay họ bị đóng đinh trên bờ Bắc. Sáng bảnh mắt dậy mới qua một đêm, những hạt trân châu long lanh trong giấc mơ khoái lạc của họ đã biến thành hằng hà sa số nấm độc sặc sỡ đủ màu mọc quanh chỗ họ nằm. Những gò mối ở đâu trong lòng đất đùn lên như nấm mồ hoang và hoa rêu xanh lẹt đóng từng chùm trên đồ binh khí. Cái nóng bắt đầu lột trần họ ra như nhộng. Nước nôi ăn uống hóa thành kim chích đau quặn ruột gan. Một tay họ cố xua từng đám mây ruồi vàng dày đặc lăn xả vào thân hình lở loét, tay kia bịt mũi để khỏi phải ngửi mùi nồng nặc bốc lên từ lớp bùn đóng váng trong ruộng lầy. Ngựa chiến trong chuồng bị toác móng chốc chốc lại hí lên thảm thiết.
    Nhưng bi đát hơn hết là cái đói. Chín đạo quân cạn lương. Quá nửa số binh tải lương bị rải xác dọc đường từ biên giới đến Lạng Giang. Dân phu Giang Nam, Hồ Nam bị bốc đi như những chùm bông cao lương rụng dần trên đất lạ. Nhiều lính Tống xua ngựa chiến vào rừng, lén lút xả thịt rồi bảo đó là thịt hươu.
    Nguyên soái Quách Quì nóng lòng đóng mảng kết bè đánh ba trận thăm dò song đều thất bại. Ông ta đành gửi chút hy vọng cuối cùng vào đạo thủy binh của Dương Tùng Tiên. Theo lệnh ông ta, một nóc vọng lâu cao vót được dựng lên. Từ đấy hướng mắt về biển Đông, quân tuần phòng có thể nhìn thấy bóng thủy binh của Dương Tùng Tiên từ đường sông Bạch Đằng kéo vào Như Nguyệt.
    Nhưng tin tức đạo thủy binh càng trông càng bặt tăm cá. Quách Quì đâm lẩn thẩn nhớ lại lời truyền từ xưa về tài thủy chiến của người Giao. Họ thường lặn xuống nước đội thuyền địch lên để lật úp. Có ông Đỗ Mục nào đó còn nói người Việt đi chìm dưới đáy biển năm mươi dặm mà không cần thở. Tuy không tin lắm vào lời ngoa truyền ấy, Quách Quì cũng bắt đầu thấy lo ngại cho số phận đạo thủy binh Tống. Nhưng tên lính tuần phòng mặt nở như hoa chạy vào báo tin vui. Nguyên soái Quách Quì lật đật leo lên nóc vọng lâu, mừng quá suýt rơi giày. Đằng xa, phía chân trời quả có bóng thuyền chiến thuyền Tống đang đi tới. Bất giác Quách Quì nắm chặt tay lại tưởng như đã nắm gọn được cả thành Thăng Long. Song ông ta lại phải xòa tay ra giụi mắt đôi ba lần. Chiến thuyền đi đầu đúng là của quân nhà. Nhưng sao… đi sau là cả đoàn thuyền chiến của địch? Dưới lá cờ Tống sao có nhiều bóng người lơ lửng trên cột buồm? Thuyền đến càng gần, Quách Quì càng nhức mắt. Hỡi ôi! Đúng là thủy binh nhà bị bại rồi. Kẻ địch bắt được thuyền, giong qua mũi ông ta lại còn đem tù binh Tống treo lên cột buồm. Bọn chúng lướt qua vừa chỉ trỏ, vừa quát tháo, chửi mắng om sòm. Nguyên soái vội bịt tai lại, tiu nghỉu bước xuống vọng lâu. Ông ta đâu biết đội thủy binh còm cõi của Dương Tùng Tiên đã nhiều lần bị tướng Lý Kế Nguyên chặn đánh tan tác trên dòng Đông kênh. Điều đáng nực cười là Dương Tùng Tiên quá lo xa, sợ quân Việt một khi bị Quách Quì đuổi rát sẽ trốn xuống phương Nam nên vội cử hai tướng Phàn Thật và Hoàng Tông Khánh cưỡi thuyền vượt biển vào nước Chiêm khuyên vua Chiêm nên đưa quân án ngữ trước các đường quan yếu – Nếu biết được điều này chẳng hiểu Quách nguyên soái ta có cười nổi không?
    Thế là giấc mộng Nam chinh của nguyên soái Quách Quì đã hoàn toàn tan vỡ. Thành Thăng Long ở ngay trước mắt mà không có lương ăn, không có thuyền qua. Làm sao chắp cánh để bay sang được? Quách Quì cảm thấy mình đang cơn khát xé họng mà thành Thăng Long chập chờn như một rừng mơ mọng nước trong ảo ảnh hoang đường…
    Tâm trạng Quách Quì như đang ngồi trên đống than hồng. Còn nán lại ngày nào trên đất lửa này là còn nướng thêm quân ngày ấy. May thay sứ giả Giao Chỉ xin sang đúng lúc. Vậy mà hai vị phó soái của ông lại điềm nhiên ngồi nhìn. Ông đứng lên trước lúc viên tùy tướng sắp nhắc lại không biết lượt thứ mấy câu nói ban nãy, giọng dõng dạc: - Tình thế ba quân đang quẫn bách – Thân ta làm tướng ra ngoài ải phải biết tùy nghi định liệu. Ngươi hãy cho mở rộng cổng doanh để ta tiếp sứ của Càn Đức.
    Lần đầu nguyên soái Quách Quì thấy phó soái Triệu Tiết không cãi cù cưa như mọi lần. Ông ta đâu biết chút hy vọng dùng kế nội gián của Triệu Tiết đã cứng lạnh theo xác Vệ Uông phơi ngoài đầu làng Như Nguyệt.
    Trong lúc ấy, quan chiêu thảo Kiều Văn Ung, người được cử làm chánh sứ qua doanh Tống đang lắng nghe từng tiếng những lời dặn dò cuối cùng của Thái Úy Lý Thường Kiệt.
    - Quan chiêu thảo đi sứ lúc này là đúng thời cơ đấy. Song muốn cho Quách Quì thuận đình chiến lui quân về nước thì ta phải mở đường cho y.
    - Thưa Thái Úy, như vậy là ta chịu qui hàng nhận phần bại trận ư? – Kiều Văn Ung rụt rè hỏi.
    - Quách Quì rút đại binh về là họ chịu bại rồi. Trong cuộc chiến này, nhà Tống tốn bao nhiêu của, chết bao nhiêu quân để gặt hái được gì nào? Họ chỉ mong được một chữ thắng thôi. Song ta cần quái gì thứ phù tự phù danh ấy? Họ được tiếng thắng mà bên trong rõ ràng họ bại. Ta chịu tiếng thua nhưng thực sự ta thắng. Vì vậy ta phải giữ thể diện cho họ. Họ nước lớn, ta nước nhỏ. Họ cầu hư danh, ta cầu sự sinh tồn của dân tộc.
    Thái Úy trầm ngâm đặt cốc rượu xuống bàn rồi đột nhiên nhìn vào mắt Kiều Văn Ung: - Quan chiêu thảo có biết lòng lão phu mơ ước gì không? – Kiều Văn Ung đang ngập ngừng định nói thì ông đã tiếp lời – Lão phu hằng mong làm sao bên cạnh ta có một người bạn chứ không phải một kẻ thù…
    - Trời ơi! – Kiều Văn Ung không giấu được sửng sốt - Họ cứ muốn xâm lấn ta thì làm sao họ thành bạn ta được?
    - Nếu ta biết làm cho họ thấy chán ngán vì xâm chiếm và mệt mỏi vì cừu thù, thì lúc ấy họ sẽ chịu sống yên lành với ta. Đó là kế lo cho trăm đời về sau đấy. Vì vậy trước mắt ta phải biết chịu nhún nhường đẻ Quách Quì rút quân về nước. Rồi mọi việc khác sẽ dần dà rút theo chân quân Tống.
    Thái Úy đứng lên rút trong tập văn án mật ra một phong thư trao cho Kiều Văn Ung: - Đây là bức cẩm nang ta giúp Quách Quì rút lui không đỏ mặt và để y có đường ăn nói với vua Tống – Ông liếc mắt nhìn về phía bên kia sông – Hình như cờ Tống đã vẫy mừng đón sứ. Ta tin ở tài biện thuyết của quan Chiêu thảo!
    Kiều Văn Ung và lão tướng Trần Nậm, hai người thợ cả xây lũy Như Nguyệt, ngồi thuyền sứ sang sông. Nguyên soái Quách Quì đón họ vào hổ trướn, gươm giáo chói lòa. Cuộc thương nghị tuy không khí bên ngoài đượm vẻ sát phạt nhưng lúc vào đề lại xuôi chiều mát mái.
    Nguyên soái Quách Quì ngồi chồm tới hếch miệng lên như uống từng lời nói của quan chiêu thảo Kiều Văn Ung: - Nếu nguyên soái rút đại binh về, lập tức chúa nước tôi sẽ sai sứ sang tạ tội, chịu nhường phần đất bị Tống chiếm và trở lại tu cống như xưa.
    Phó nguyên soái Triệu Tiết bỗng cười gằn: - Đâu có dễ dàng như vậy! Các người vô cớ dám phạm tới đất Trời, giết hại bao dân lành của nước Thiên tử. Nay quan quân triều đình vào trong cõi, thế bức, chúa các người mới chịu qui hàng. Đâu chỉ nhờ một vài lời trong biểu mà xóa tội được.
    Lão tướng Trần Nậm vụt đứng dậy, tròn mắt xừng râu: - Về! Ta về thôi? Họ đã giết tướng ta, thu đất ta, thế còn chưa đủ sao? Được cứ để họ ở đây. Dăm ba ngày nữa, ta sẽ kéo quân sang nhổ sạch rễ cái đám cỏ hôi này!
    Quách Quì vội đưa tay cản: - Khoan! Đó là lời của phó soái. Bản chức là chánh soái mới có quyền định đoạt trong việc này – Ông ta nhìn Kiều Văn Ung với cặp mắt khẩn khoản kêu xin sự thông cảm – Quanh Chánh sứ chắc cũng thấy trong lời nói của phó soái ta có phần nào đúng chứ? Chính vì tại chúa các ông đánh Tống trước nên mới gây ra vụ can qua này…
    - Không đúng! Chúa tôi không hề có ý đánh Tống! – Kiều Văn Ung quả quyết nói.
    - Thế ai có ý muốn đánh Tống? – Quách Quì hỏi dồn.
    - Chính người Tống muốn chúng tôi đánh Tống.
    Kiều Văn Ung lặng lẽ rút lá thư của Từ Bá Tường ra trao cho Quách Quì. Nguyên soái cứng họng nhưng trong bụng thì vui như mở cờ. Còn phó nguyên soái Triệu Tiết đỏ bừng mặt lên rồi tái nhợt đi như người lên cơn sốt.
    Trong cuộc hội tướng, Quách Quì khẳng khái công bố: - Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình, đó là tại trời! Thôi, ta đánh liều một thân ta chịu tội với Thiên tử để mong cứu sống hơn 10 vạn nhân mạng.
    Nhưng khi đại binh lếch thếch kéo về đến Biện Kinh, Quách Quì điểm lại quân số chỉ thấy còn sống sót trên 2 vạn người. Dân phu chết hơn 10 vạn. Tiền phí tổn cả thảy mất trên 5 triệu lạng vàng.
    Và ngày 25 tháng 2 năm Đinh Tị ấy, Tể tướng Ngô Sung hí hởn thay mặt quần thần dâng biểu mừng vua Tống “đã dẹp yên An-nam, lấy được đất Quảng Nguyên”. Bách quan thừa biết Tống thua đậm vẫn phải bấm bụng lên tiếng tung hô. Vua Tống miệng ngậm bồ hòn nhận lời chúc tụng.
    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by ThaoMy Tue Jun 18, 2013 11:18 pm

    Câu Thơ Yên Ngựa

    Tác giả: Lê Hoàng Yến

    Chương 12


    Đầu tháng hai mà sương mai còn dày đặc. Nương theo làn sương mù che mắt địch, Nguyên soái Quách Quì bất ngờ cho ba quân âm thầm nhổ trại. Người ngựa xéo lên nhau hốt hoảng rút lui. Thái Úy vẫn giữ lời hội ước không đem quân đánh đuổi.
    Mặt trời lên ba sào, Thái Úy nhìn sang thấy bờ Bắc trống hoang. Cái nhung nhúc hôm qua bỏ chạy và sự vắng lặng chợt đến, thuần khiết mênh mông. Không có cái gì nhắc nhở đến chuyện giặc giã đao binh ngoài những cột khói đen lặng lẽ bốc thẳng trôi đìu hiu ở đường ngấn chân trời.
    Trong đầu óc Thái Úy đang bài bố cuộc chiến mới ở một dạng khác, một cuộc chiến thầm lặng không máu chảy xương phơi nhưng không kém phần quyết liệt.
    Lão Vũ đứng bên cạnh, gục gặc đầu, ngập ngừng nói: - Dạ, con vẫn chưa hiểu tại sao ta lại chịu nhượng cho Tống một phần đất lớn như vậy?
    - Để họ rút quân mà không bẽ mặt. Nhưng ta chỉ nhượng trên giấy tờ mà họ cũng chỉ nhận trên danh nghĩa thôi, Vũ nhi ạ! Rồi ta sẽ đòi lại không sót một tấc đất. Con xem chỉ trong ngày mai là quân ta theo sát chân quân địch sẽ chiếm lại Động Giáp rồi. Còn Quang Lang, châu Môn, Tô Mậu, ta sẽ biến ba dải đất này thành một quả mướp nóng bỏng mà nhà Tống vừa ngoạm vào đã phải nhả ra ngay nếu không muốn rụng răng. Dĩ nhiên ngoài nắm đấm giơ ra, ta còn phải biết mềm dẻo nữa. Ta đem chữ “Nhẫn” ra để chống tính kiêu căng vốn có của họ - Ông dừng lại giây lâu, chăm chú nhìn vào mắt lão Vũ như kéo sự chú ý của lão vào những điều ông sắp nói – Song còn châu Quảng Nguyên là nơi có mỏ vàng mỏ bạc, ta e máu tham của họ sẽ bắt họ cố chịu đấm ăn xôi. Ta phải làm sao để cho châu Quảng Nguyên trở thành một mảnh đất linh thiêng độc địa, đi dễ khó về; bất luận người Tống nào đã mang thân đến đấy đều phải vùi xương lại đấy. Ta phải làm cho họ ngáo ngán vì kinh hoàng. Việc này ta trông cậy ở con và cũng là phần việc chính ta giao cho đấy.
    Sau này sự việc diễn biến không ra ngoài tiên liệu của Thái Úy. Chuyện đao binh vừa chấm dứt, vua Tống vội vã đổi Quảng Nguyên ra đất Thuận Châu, bổ ngay Đào Bật, viên tướg văn võ kiêm toàn đã cầm quân chặn hậu cho đại binh Quách Quì rút lui, làm đầu mục châu mới. Nhiều loại viên chức được phái đến: thông phán, thiểm thư, phán quan, kiểm hạt, đô giám, đô áp. Ba nghìn lính thú cùng 17 vị chỉ huy ở các xứ Hồng Châu tới phòng thủ miếng đất mới này. Các lò luyện quặng vàng bạc được dựng lên dưới sự giám sát của viên quan cao cấp Tất Trọng Hùng. Tất cả tội nhân bị án từ Hoài Nam đổ xuống đều được dùng làm công nhân khai thác mỏ.
    Nhưng nhà Tống hoàn toàn thất vọng. Tật dịch, hỏa tai kéo dài một vệt từ Quảng Nguyên đến Ung Châu. Nhiều điềm gở xảy ra làm dân tình xao xuyến. Tượng phật các chùa chiền tự nhiên động đậy. Những cơn sốt rung giường lật chiếu cuốn theo hàng đống xác chết của quan quân Quảng Nguyên. Những gia đình có người đi lính thú kêu khóc như ri. Quân thú đào ngũ hàng đoàn. Lính tráng chết rồi lần lượt quan chức cũng chết. Cuối cùng Đào Bật, viên tướng đứng đầu việc cai trị Quảng Nguyên vừa cáo ốm thì đã lăn ra chết liền không kịp hưởng ơn vua cho thăng chức và nghỉ ngơi ở Quế Châu.
    Quảng Nguyên quả là đất của thần chết. Phải chăng đó là sự tình cờ? Điều này có thể ít người biết rõ. Chỉ biết rằng vua Tống không nuốt nổi phải nhè ra. Ba năm sau vào ngày 13 tháng 10 năm Kỷ Mùi, Tống Thần Tông lấy đất vàng đất bạc mà cũng là đất chết này “ban” cho vua Lý.
    Chuyện của những năm sau ấy được bắt đầu từ cuộc trao đổi hôm nay giữa Thái Úy và lão Vũ. Thái Úy bâng khuâng nhìn làn sương mai gặp nắng lên bị đuổi tít ra tận vệt tre xanh mờ nhạt ở cuối chân trời, giọng đầy cảm khái: - Vũ nhi ạ! Mai đây khi việc đòi đất xong xuôi, nếu lòng con muốn, con có thể về sống cùng ta trong châu Ái.
    - Thái Úy có ý định không lưu lại triều đình nữa hay sao?
    - Ta nghĩ lúc ấy vua ta cũng đã lớn khôn rồi mà sự có mặt của ta ở triều sẽ là cái cớ để nhà Tống vin vào gây khó dễ trong việc trả hết đất cho nước ta. Hơn nữa đất Hoan, Ái là đất ngày mai của dân tộc. Nếu ta biết làm cho Hoan, Ái giàu mạnh thì mảnh đất ấy có thể gánh hai đầu đất nước. Ở đấy, ta có thể để mắt đến phía Nam và phòng chừng về phương Bắc. Nhưng thôi đó là chuyện xa vời trong mai hậu. Trước mắt, con hãy trở về với hình dáng cũ để các em con làm lễ nhận mặt.
    Lão Vũ lui vào phòng bên, Thái Úy đứng lên bảo quân hầu thiết lập hương án rồi cho gọi Hạnh Hoa và Lý Ngân đến.
    Vừa bước vào, Hạnh Hoa bắt gặp không khí trang nghiêm trong phòng, nàng sững sờ không biết chuyện gì đang xảy ra. Thái Úy điềm nhiên bảo Hạnh Hoa và Lý Ngân ngồi xuống. Hai người đưa mắt nhìn nhau thầm hỏi. Thái Úy vẫn ngồi trầm ngâm, tâm hồn như chìm đắm theo làn khói trầm nghi ngút cuộn vòng trên hương án. Phút chờ đợi thật hồi hộp…
    - Hôm nay ta kể cho hai con nghe một câu chuyện cũ – Giọng ông nói khẽ, mắt không rời lư trầm bốc khói – Hồi đó Tiên Đế mới lên ngôi, ta còn ở chức Đô Tri coi sóc nội đình. Một hôm tình cờ ta thấy quân cấm vệ Ngự Long rùng rùng kéo đi, kháo nhau đến chùa Thắng Nghiêm bắt một tướng cướp khét tiếng vừa đặt chân đến kinh thành. Ta hỏi lệnh của ai. Chúng bảo lệnh của cung Thượng Dương. Ta lấy làm lạ, thầm nghĩ sao Hoàng Hậu Thượng Dương lại đi bắt tướng cướp? Ngạc nhiên và tò mò, ta thầm dõi theo bọn chúng.
    Đến chùa, ta thấy sư sãi đều nháo nhác. Đằng góc chùa, bên thành giếng, dưới một cây đào tiên, loại đào trái đỏ láng bóng tựa tô son, lá dày xanh ngắt thon dài như lá muỗm, ta để ý thấy một người dong dỏng cao tay đang cầm cái siêu sắc thuốc. Ta nhớ rõ loại đào tiên này vì thuở bé ta thường bị bố mắng về tội hay ngắt ăn những cánh đào khi mới ra hoa. Người ấy đội khăn nhiễu tím, sau lưng gài một chiếc quạt thước, gương mặt hao hao giống như lão Vũ nhà ta. Bọn cấm vệ vây quanh giếng, binh khí tuốt trần. Ông ta vẫn điềm nhiên chăm chú quan sát xác thuốc trong siêu. Viên nội giám Lý Thông dáng chừng là người cầm đầu tốp cấm binh bước ra nạt nộ: - Tên cướp kia! Quan quân đã đến sao ngươi chưa bó tay chịu tội? – Ông ta lẳng lặng đặt siêu xuống, thoắt cái đã đến gần một tên quân cấm vệ, khua tay. Thanh mã tấu đã nằm gọn trong tay mình. Ông khẽ ấn, lưỡi dao lớn gãy lìa thành hai đoạn. Lý Thông hùng hổ hô quân. Bọn cấm vệ nhớn nhác nhìn nhau chưa tên nào dám xông vào cả. Trong lúc ấy một vị tăng trong chùa đã cho ta biết rõ đầu đuôi câu chuyện. Hóa ra người ấy là một thần y lừng danh về nghề thuốc cũng như nghề võ ở các lộ ven biên giới. Ông ta họ Vũ và vợ ông ta cũng nổi tiếng về các phương thuốc gia truyền. Nếu đem gộp hai dòng họ thuốc ấy lại thì vợ chồng ông ta có dư mười bốn đời làm làng. Ông về kinh sư để chữa bệnh cho người bằng hữu thân thiết, sư ông, Quách Thiên Phương trụ trì ở chùa này. Không hiểu sao nội giám Lý Thông lại dò biết được trong lúc người cung nhân thân tín của cung Thượng Dương bị ốm sắp chết. Có lẽ y khua môi múa mép hứa hươu hứa vượn thế nào trước mặt Hoàng Hậu nên y tìm mọi cách dọa non dọa già để cưỡng bách thần y phải vào cung. Nhưng thần y vẫn khăng khăng từ chối. Cuối cùng y ton hót Hoàng Hậu rồi mượn oai hùm vểnh râu cáo ra lệnh cho cấm binh đi bắt thần y và nếu ông không khứng chữa bệnh cho cung Thượng Dương thì đầu ông sẽ bêu trước hoàng thành.
    Ta nghe mà sôi máu giận. Ta bước lại đứng dưới gốc đào. Tên nội giám Lý Thông thấy ta, mặt xanh như chàm đổ. Ta khoát tay đuổi bọn cấm vệ về. Ta cười gằn chỉ vào mặt Lý Thông: - Ngươi biến ông bạn danh y của ta thành một tên tướng cướp. Giỏi thật! Ngươi mới làm nội giám trong cung mà đã ra ngoài ức hiếp dân lành như thế này, nếu ngươi được làm nhất phẩm triều đình có lẽ ngươi ăn thịt cả thiên hạ! – Ta hết nhìn bộ mặt xanh xám chảy dài quắt queo như quả mướp khô của tên thái giám rồi đến trái đào tiên mũm mĩm như búp sen đỏ lủng lẳng trên cây, ta bỗng thấy kinh tởm.
    Khi tên Lý Thông cúp tai ra về, ta quay lại. Bốn mắt nhìn nhau và cùng thấy trách cao xanh kia sao cho hai chúng ta gặp nhau quá muộn. Chúng ta thắp hương đèn ngay dưới gốc đào tiên làm lễ kết nghĩa anh em. Hôm sau Vũ huynh đưa ta về quê nhà ra mắt chị dâu. Lúc lên đường, biết ta kém tửu lượng, bà chị cho ta một vốc thuốc, viên nhỏ hạt tiêu sắc đen óng ánh như huyền ngọc. chỉ cần một viên nhỏ ấy theo tợp rượu đầu là bao vò rượu sau vào bụng ta hóa thành nước lã. À, ta còn quên nói một điều là Vũ huynh ta đi đâu cũng thường mang theo bên mình một chiếc quạt thước to lớn dị thường. Quạt phất bằng lụa mây đằng ti, rẽ quạt làm bằng thứ trúc đá màu mun, lúc xòe ra che mưa sáng, lúc gấp lại thành một loại đoản côn. Nên nhớ rằng đường côn gia truyền của họ Vũ nức tiếng là vô địch trong thiên hạ. Thời trẻ ta từng nghe đồn về chiếc quạt thiết phiến này và chủ nó là một danh y thường hay làm việc nghĩa. Ta tâm niệm tìm gặp người này để kết bạn. Hóa ra lòng trời dun dủi cho ta được kết giao đúng người mà ta hằng vọng tưởng. Vì vậy, không chỉ quí mà ta yêu thương Vũ huynh hơn cả bản thân ta.
    Câu chuyện của Thái Úy rọi sáng dần vào những điều trước đây đối với Hạnh Hoa còn mơ hồ bí ẩn. Nàng suýt bật tiếng kêu khi chợt nhớ lại ngôi nhà bí hiểm dưới bóng trăng, người mẹ ngồi, lão Vũ quì trước sập với các hộp dài sơn son thiếp vàng trong đặt chiếc quạt kỳ dị ấy. Khói hương trầm cuộn tỏa mơ màng. Ngoài kia dường như có tiếng bò kêu. Hạnh Hoa lắng tai nghe Thái Úy kể tiếp:
    - Cách đây hơn 15 năm, lúc ta vâng lệnh Tiên Đế vào Hoan, Ái dẹp giặc Lữ Long. Vũ huynh cùng đi với ta. Hai anh em cùng vào sào huyệt chúa Lữ Long để phủ dụ. Họ đặt trước mặt ta hai vò rượu cần. Khách trước, chủ sau. May là thuật uống rượu này ta được Vũ huynh dạy trước. Ta đút hai chiếc cần rượu vào mũi vận hơi hít một hơi dài. Thấy ta uống rượu bằng mũi, chúa Lữ Long ôm chầm lấy ta, nhận bà con, kết nghĩa anh em.
    Song cuộc kết thân giữa vị phó động chúa với Vũ huynh mới thật ly kỳ gay cấn. Hai cô gái đầu đội một chồng âu bạc đầy ắp rượu đủng đỉnh bước ra quì xuống trước mặt hai người. Rượu trong âu không hề sóng sánh một giọt ra ngoài. Lần này chủ trước khách sau. Vị phó chúa đặt hai chiếc âu trước mặt, để miệng cách xa đầu cần, vận hơi hút rượu. Hai tia rượu rót vào miệng y như hai vòi nước. Ta lo lắng đưa mắt nhìn Vũ huynh. Ông anh ta vẫn ung dung làm theo cách viên phó động đặt trước mặt không phải hai mà tám âu rượu thành hình vòng cung, tỏ ý uống mừng cho cả bốn người. Đoạn Vũ huynh thi triển kỹ năng vận khí. Theo các ống trúc, tám dòng rượu chụm lại đổ vào miệng Vũ huynh như tám con suối rượu chảy giữa thinh không, mang ánh trời, phản chiếu lấp lánh bảy sắc cầu vồng.
    Được phủ dụ bằng ân uy và cả những bữa tiệc rượu cần, năm châu, sáu huyện, ba nguồn, 24 động của Hoan, Ái dần dần qui phục.
    Ba năm sau động Ma Sa ở Đà Bắc làm phản. Sau ba lần bắt lại tha, chúa động Ma Sa mời ta đến thạch động. Để tỏ lòng thật, ta và Vũ huynh cùng đi, trong mình không giắt binh khí, Vũ huynh chỉ mang theo cây quạt xòe ra che nắng cho ta. Thình lình từ trong cửa động, tên độc bắn ra như mưa. Vũ huynh loan quạt xòe rộng ra phẩy các loạt tên độc rụng xuống. Chiếc quạt gấp lại và ngọn côn thiết phiến đánh tan quân mai phục. Lần ấy chúa động Ma Sa đầu hàng, ta thoát chết nhưng Vũ huynh đeo một mũi tên vào mình. Vêt thương lúc đầu nhẹ như vết muỗi đốt, sáu tháng sau chất độc mới phát và Vũ huynh từ trần.
    Lúc này, Vũ Anh Thư, con trai đầu của anh ta, đã nối nghiệp cha, đã lừng danh về nghề y và hiện làm ngoại thám trưởng quan cho ta ở vùng biên giới. Ta cho Vũ nhi cải trang làm quản gia về ở với ta để đỡ nhớ người bạn quá cố… Bây giờ Vũ nhi sắp đi vào đất dữ. Ta cho phép các con gặp Vũ Anh Thư, làm lễ nhận mặt anh em.
    Vũ Anh Thư bước vào, khăn nhiễu tím, áo đoạn kép, giày hải ly, ngang lưng gài quạt thiết phiến. Một vẻ trang nhã siêu thoát khác thường toát ra từ dáng dấp đến đường sống mũi thẳng nằm giữa đôi mắt ngời sáng cân phân, trên nét viền môi thanh tú. Có phải vì lâu ngày quen nhìn lão Vũ mà Hạnh Hoa cảm thấy dưới vành khăn tím, gương mặt Vũ Anh Thư bỗng rờ rỡ như ánh trăng rằm. Nàng bỡ ngỡ nhìn người anh mới xa vợi như chàng trai trẻ nào lạ mặt. Người nàng bối rối bàng hoàng suốt trong buổi lễ bái huynh. Nàng nghe tiếng Thái Úy bảo: - Lý Ngân, con theo ta đi hội tướng, còn Hạnh Hoa, con thay cha tiễn anh con sang sông.
    Hai người đi bên nhau không nói một lời. Để phá tan sự lúng túng này, Vũ Anh Thư quay sang hỏi: - Sao bé Hạnh hôm nay buồn thế?
    Hạnh Hoa đáp còn ngượng ngập trong cách xưng hô: - Em … em lo anh đi vào đất hiểm.
    - Không sao đâu – chàng cười to – Ta vào đất ấy như cá vào nước. Trước lúc xuống thuyền, chàng còn bảo: Thế nào trong ngày vui của bé Hạnh, tiểu huynh sẽ có mặt. Đừng buồn, bé Hạnh nhé.
    Thuyền rời bến sang sông. Hạnh Hoa bỗng cảm thấy tuổi con gái vô tư của mình chấm dứt bắt đầu từ giờ phút này.
    Trong đầu nàng, một giọng hát trong trẻo chợt cất lên:
    “Giã biệt Thăng Long đất rồng lên
    “… “Hậu đình hoa”, khúc ấy
    “Ta sang sông rồi, người có quên?
    Nàng không quên được. Bao hình ảnh lộn xộn của một thời lão Vũ vụt hiện lên trong trí nhớ nàng: những món quà con gái… bạc dịch trường… đêm trăng trên sông… tiếng hát cô Chiêm nữ… mùa đông cơn bệnh liên miên… những chén thuốc bưng trong giọt mưa tranh hiên ngoài… - và nổi rõ nét lên trên hết - … chiếc lông nhím trắng cắm ngập vào quả đào mơn mởn… cặp mắt trai trẻ ngời ngợi yêu thương…
    Một niềm nuối tiếc bâng khuâng lởn vởn thoáng qua trong mắt nàng. Bên kia, thuyền đã cập bờ. Bóng chàng lên ngựa, ra roi. Ai biết lòng chàng đang nghĩ gì.
    Lần theo từng đợt sóng dồn của ký ức, nàng nghe tiếng bà mẹ từ trong ngôi nhà bí ẩn dưới đêm trăng đột nhiên vọng về: - Mẹ mong con biết ăn ở nhịn nhục, gánh mọi phần thiệt về mình, sinh bồi cho kẻ khác để cháu con dòng họ ta mai sau được phúc ấm…
    Thế đấy. Chàng là người tạo phúc nhưng không hề được hưởng phúc. Chàng sống trơ trọi một thân, ra đi trong im lặng, hành động trong thầm lặng, trở về trong thầm lặng. Số kiếp chàng là vậy.
    Bên kia, đằng xa tít, bóng chàng mờ dần rồi lặn giữa vệt ngấn chân trời.
    Dưới chân nàng, dòng sông Nguyệt nước chảy lơ thơ… Không hiểu sao, trong mắt nàng như có giọt nước nóng hổi.
    Hồi ức nhạt nhòa lật từng trang theo gió thổi trên sông…
    Cuối 1979 – đầu 1983

    Sponsored content


    New Re: Câu Thơ Yên Ngựa

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Sat Nov 16, 2024 9:43 pm