Chất lượng smartphone Samsung bị đặt dấu hỏi
Liên tiếp dính lỗi bảo mật, bị đánh giá có độ tin cậy chỉ bằng 1/3 so với iPhone, dòng sản phẩm Galaxy của Samsung đang tạo ra những hoài nghi nhất định cho người dùng về chất lượng thực của sản phẩm.Dòng smartphone Samsung đang bị đặt đấu hỏi về chất lượng.
Chỉ ít ngày sau khi FixYa - website uy tín chuyên hỗ trợ kỹ thuật các sản phẩm công nghệ - đưa ra báo cáo cho biết, smartphone của Samsung có độ tin cậy chỉ bằng 1/3 so với iPhone, người ta lại tiếp tục phát hiện ra một lỗi bảo mật khá sơ đẳng trên dòng sản phẩm cao cấp của hãng này là Galaxy Note II. Theo đó, ngay cả khi đã khóa màn hình bằng nhiều hình thức khác nhau như mã pin, mã pattern hay nhận diện khuôn mặt, hacker vẫn có thể truy cập vào màn hình chủ của máy trong giây lát chỉ bằng một số thao tác đơn giản.
Lỗi khóa màn hình trên Galaxy Note II khiến màn hình chủ của máy vẫn hiện ra trong giây lát ngay cả khi người dùng đã áp dụng các phương thức bảo mật. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nếu thao tác nhanh, người dùng hoàn toàn có thể truy cập vào một số tính năng của máy mà không cần mở khóa.
Trước đó, hồi tháng 12/2012, thành viên diễn dàn XDA-Developers có nickname “Alephzain” đã từng phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên một số dòng điện thoại Galaxy của Samsung (trong đó có Galaxy S III, Note II và một số máy tính bảng Galaxy). Lỗ hổng này cho phép các ứng dụng cài từ ngoài vào có thể đọc dữ liệu, vô hiệu hóa thiết bị hoặc gài lại mã độc phục vụ cho các hoạt động về sau.
Cho đến cuối tháng 12, cộng đồng mạng lại tiếp tục xôn xao về thông tin cho rằng, hàng loạt điện thoại Galaxy S III bỗng trở thành “cục gạch” chỉ sau 5-7 tháng sử dụng. Liền sau đó (tháng 1/2013), Samsung đã phải chữa cháy bằng cách tung ra một bản firmware mới để khắc phục hiện tượng trên và khẳng định, đó chỉ là lỗi phần mềm. Tuy nhiên, lý do này vẫn chưa thuyết phục được một số thành viên trên diễn đàn XDA, bởi họ cho rằng, việc “đột tử” của Galaxy S III xuất phát từ lỗi phần cứng.
Tuy nhiên, đó chưa phải là vụ bê bối lớn nhất của hãng này. Người dùng smartphone Việt hẳn vẫn chưa quên scandal “Galaxy S II made in Vietnam” hồi cuối tháng 7/2011. Ở thời điểm đó, hàng loạt những mẫu Galaxy S II được bán ra thị trường Việt đều bị lỗi “hồng tâm” (pink spot). Điểm đáng chú ý là độ sáng màn hình của những chiếc S II sản xuất tại Việt Nam (cũng là model dành cho thị trường trong nước) thấp hơn so với bản xách tay từ nước ngoài về. Điều này đã làm dấy lên nghi vấn về việc, sản phẩm sản xuất cho thị trường Việt có chất lượng kém hơn so với các thị trường khác.
Galaxy S II bản dành cho thị trường Việt bị lỗi hồng tâm (ảnh trên) và bị ngả sang tím
ở chế độ hiển thị bình thường (chiếc bên phải, ảnh dưới).
Quay trở lại báo cáo của FixYa, hai vấn đề mà người dùng phàn nàn nhiều nhất về những siêu di động của Samsung chính là về microphone (40%) và loa (20%), liên quan đến hai tính năng nghe và gọi, cũng là những tính năng cơ bản nhất của một chiếc điện thoại. Trong khi đó, iPhone - sản phẩm được FixYa đánh giá là đáng tin cậy gấp 3 lần điện thoại Galaxy - bị phàn nàn nhiều nhất về thời lượng pin, còn các dòng smartphone của Nokia và Motorola chủ yếu là về ứng dụng. Nếu lấy thước đo tiêu chuẩn đầu tiên của một chiếc điện thoại nằm ở tính năng đàm thoại, thì rõ ràng báo cáo trên đã chỉ ra, Samsung đang làm không tốt công việc của mình.
Từ đây, người dùng có quyền đặt ra câu hỏi “tại sao dù gặp nhiều vấn đề về chất lượng mà các sản phẩm của Samsung lại vẫn thành công đến vậy?”. Samsung hiện đang là nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới với 63,7 triệu chiếc được bán ra trong quý IV/2012, chiếm 29% thị phần, trong khi đối thủ xếp ngay sau họ là Apple chỉ bán được 47,8 triệu chiếc iPhone, chiếm 21,8% thị phần smartphone toàn cầu. Rõ ràng, họ phải có điểm mạnh, nếu không muốn nói là nhiều, để chinh phục khách hàng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào số tiền chi cho quảng cáo của Samsung trong khoảng 3 năm qua, không ít người sẽ phải giật mình. Theo đó, hãng này đã bỏ ra 4 tỷ USD cho quảng cáo trong năm 2012. Trước đó, vào các năm 2011 và 2010, Samsung đều bỏ ra xấp xỉ 3 tỷ USD cho các chiến dịch khuếch trương thương hiệu. Con số này chỉ thua sút đôi chút so với “ông trùm quảng cáo” Coca-cola và vượt xa những đối thủ như Microsoft, Apple, HP hay Dell trong lĩnh vực công nghệ. Các đối thủ khác như HTC, LG hay Nokia tất nhiên không có cửa so sánh với Samsung về chi phí quảng cáo.
Chi phí quảng cáo của Samsung so với một số hãng khác.
Một số người có thể đưa ra lập luận cho rằng, chi phí quảng cáo của Samsung được tính cho cả một số lĩnh vực sản xuất khác, nhưng chính tạp chí Fortune - đơn vị đã đưa ra báo cáo về chi phí quảng cáo của các hãng nói trên khẳng định, những lĩnh vực như thiết bị bán dẫn, màn hình LCD, TV hay đồ dùng gia đình chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ chi phí quảng cáo của Samsung Electronics.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng 10/2012 của công ty phân tích thị trường nổi tiếng Nielsen (khảo sát hơn 28.000 người tại 56 nước), 47% người dùng tin vào các quảng cáo trên TV, báo hoặc tạp chí. Từ đó, câu hỏi được đặt ra là, người dùng bị thuyết phục bởi chất lượng thực sự của smartphone từ Samsung hay họ đang bị "dắt mũi" bởi các chiến dịch truyền thông rầm rộ?
Theo Infonet .