Phong Tục Tập Quán : Người Châu Á Ăn Gì Ngày Tết ?
Cũng giống như bánh chưng ngày Tết ở Việt Nam, Trung Quốc có món sủi cảo, Hàn Quốc có món kim chi.Các nhà nghiên cứu phong tục tập quán chia khu vực Đông Nam Á thành 4 nhóm quốc gia ăn Tết. Dù phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng tất cả các nghi lễ, phong tục đón năm mới ở các nước đều cầu mong năm mới đem lại may mắn, hạnh phúc và an lành.
Việt Nam
Tết của người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, loại bánh truyền thống nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và trời đất xứ sở.
Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt và nguồn gốc của nó có thể truy nguyên về truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 16.
Ở vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam, cứ dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại quây quần bên nhau gói bánh chưng ăn Tết. Hầu như nhà nào cũng có một vài chiếc bánh chưng đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên ngày Tết.
Trung Quốc
Bánh có vị trị đặc biệt trong dịp Tết của người Trung Quốc. Vị ngọt của bánh tượng trưng cho cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Một trong những loại bánh phổ biến nhất trong ngày Tết là sủi cảo.
Sủi cảo được xem là món ăn may mắn vì chúng có hình giống như những đồng tiền cổ của Trung Quốc. Món bánh này tượng trưng cho sự giàu có, hy vọng cho một tương lai tươi sáng.
Đặc biệt ở miền Bắc Trung Quốc, theo phong tục các thành viên trong gia đình chuẩn bị sủi cảo trước giao thừa và ăn sau nửa đêm. Tết là dịp sum họp gia đình vì vậy các thành viên trong gia đình dù đi làm xa cũng thu xếp công việc để về nhà. Cả gia đình quây quần gói sủi cảo, ăn sủi cảo trong không khí gia đình đầm ấm.
Hàn Quốc
Kim chi là món ăn phổ biến của người Hàn Quốc hàng ngày, đây cũng là món không thể thiếu được trong ngày Tết. Dùng nhiều món này trong năm mới, mọi người sẽ cảm thấy có nhiều điềm lành hơn, đặc biệt đối với doanh nhân.
Ngoài ra, ẩm thực ngày đầu năm ở Hàn Quốc không thể thiếu món tok và garettok. Cả hai món này làm từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên.
Lào
Tết của Lào diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch. Trong ngày này, người Lào chú trọng tới việc ăn món Lạp, đặc biệt là những người làm ăn buôn bán. Món này làm bằng thịt gà hoặc thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Chữ Lạp trong tiếng Lào có nghĩa là lộc. Người dân Lào ăn món này với hy vọng năm mới phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn.
Singapore
Món ăn truyền thống nổi tiếng của Singapore trong ngày Tết là Yee Sang. Đó là một loại gỏi với các hồi sống và nhiều loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng chua… và cá hồi sống thái lát thật mỏng mỏng hay cá thu. Nước xốt được làm từ nước mắm ngon pha chua ngọt vừa phải cùng mè, đậu phộng rang. Khi dọn ra, mỗi thứ sẽ được xếp một ít quanh đĩa to cùng bao lì xì. Khi ăn, người ta sẽ xới tung tất cả lên càng cao càng tốt nhưng không được làm rơi ra ngoài.
Nhật Bản
Những ngày đầu năm ở Nhật Bản, các món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn đó là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và các loại hải sản khác nhau. Theo quan niệm của người Nhật Bản, cá gần gũi với cuộc sống của con người và loại này cũng rất thông minh. Vì vậy, khi ăn các loại động vật trên sẽ giúp cho con người năng động hơn, tâm trí sẽ sáng suốt trong công ăn việc làm.
Ngoài các món trên, trong ngày Tết còn có nhiều loại nước sốt được làm từ các loại đậu để chấm các loại bánh, chả và cá nướng. Thực phẩm để ăn cùng với nước sốt và gỏi cá là các loại bánh, mì sợi được chế biến từ các loại gạo.
Người dân Nhật Bản thường tâm niệm rằng, các sản phẩm được làm từ gạo là món ăn gốc để làm nên cội nguồn thành đạt ở mỗi con người. Các loại bánh được làm từ gạo thường có tên là mochi. Tất cả những món ăn trong năm mới thường được bảo quản trong những chiếc hộp quét sơn đỏ. Hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.
Theo Infonet .