VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    Văn hóa ẩm thực Việt Nam trên đất Mỹ

    VANCOUVERBC
    VANCOUVERBC
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 4744
    Join date : 09/06/2012
    Đến từ : VANCOUVER , BC - CANADA

    PhimViet Văn hóa ẩm thực Việt Nam trên đất Mỹ

    Bài gửi by VANCOUVERBC Tue Jan 22, 2013 11:55 pm

    Văn hóa ẩm thực Việt Nam trên đất Mỹ


    Đã qua rồi cái thời mà người Việt Nam chân ướt chân ráo đến Mỹ thường than thở thức ăn ở xứ này khó ăn, vị nhạt nhạt, beo béo, ăn bánh mì, bơ sữa, pho mát cứ thấy lạt miệng, càng thèm cơm.

    Văn hóa ẩm thực Việt Nam trên đất Mỹ 080920231208-348-844

    Giờ đây, nơi nào có người Việt sinh sống, ở đó chợ Việt Nam và ngoài chợ không thiếu thứ gì. Tuy nhiên, theo ý nhiều người, để giữ gìn và duy trì bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam cho các thế hệ kế tiếp không phải là chuyện dễ!

    Chất Việt trong thực phẩm

    Nước Mỹ quy tụ nhiều sắc dân, nhiều phong tục tập quán nên về thực phẩm luôn có sự phân biệt vì các dân tộc vẫn giữ được truyền thống riêng của họ. Do đó, đã hình thành các chợ thực phẩm phục vụ cộng đồng dân cư đến từ các nước khác nhau: chợ Hàn Quốc, chợ Hoa, chợ Mễ, chợ Trung Đông (không bán thịt heo), chợ Việt Nam…

    Tất nhiên, người Việt sống trên đất Mỹ thích đi chợ Việt Nam vì chỉ ở đó mới có những nguyên liệu chế biến món ăn đậm chất quê hương. Chợ Việt Nam có đủ các loại rau nấu canh như rau muống, rau đay, mùng tơi, rồi bầu bí, mướp, có cả các loại rau thơm như húng quế, tía tô, kinh giới, diếp cá... Muốn mua bún, bánh phở, mì sợi, mì gói, nấm mèo, măng khô, các loại gia vị để nấu phở bò, phở gà, cà ri, bún bò Huế, bún riêu, bò kho, cá kho tộ thì đến chợ Việt Nam đều được như ý. Riêng gạo thường đóng gói khoảng 25kg/bao, giá rẻ hơn nhiều so với chợ Mỹ.

    Dạo sau này, nhiều loại trái cây đặc sản của miền nhiệt đới cũng được nhập vào Mỹ như sầu riêng, nhãn, vải, chôm chôm, măng cụt...

    Thịt, cá ở chợ Việt Nam cũng phong phú và rẻ hơn so với các chợ Mỹ. Chợ Mỹ chỉ có vài loại cá thông thường như cá hồi, cá basa, cá hồng, cá rô phi ở dạng fillet và giá khá đắt. Trong khi đó, chợ Việt Nam có đủ loại cá quen thuộc như chim đen, chim vàng, mú, điêu hồng, mè, thu... Đặc biệt, hầu hết các chợ Việt Nam đều có dịch vụ làm cá, chiên cá miễn phí, rất thuận tiện cho các bà nội trợ.

    Có được điều đó là do nhiều trại rau của người Việt đã hình thành. Do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nên người trồng rau có rau cung cấp quanh năm cho các chợ với giá rẻ, khiến cho các gia đình người Việt không cần trồng rau ở vườn sau nhà như trước nữa.

    Bữa cơm gia đình của người Việt

    Ở Mỹ, dù cả hai vợ chồng đều đi làm hay chỉ có một người đi làm thì người kia cũng rất bận rộn với công việc nhà cửa, con cái. Gia đình nào cũng đi chợ vào một trong hai ngày cuối tuần. Mỗi lần như vậy ai cũng mua thật nhiều, chất đầy xe đẩy của chợ. Nhà nào cũng phải có một cái tủ lạnh lớn cỡ 280 lít trở lên mới chứa hết thức ăn cho cả tuần.

    Gia đình chị Minh trước kia ở Philadelphia. Khi người anh đầu của chị ở California bảo lãnh cha mẹ già từ Việt Nam sang Mỹ, vì muốn gần gũi cha mẹ, vợ chồng chị Minh chấp nhận chuyển công việc, bán nhà lớn ở Philadelphia, mua nhà nhỏ ở Garden Grove để sống chung với cha mẹ.

    Do gia đình vừa có người già, vừa có con nhỏ, khi đi chợ, ngoài thịt cá mua về chia ra bỏ vào những túi nhỏ để dễ xả đá mỗi lần nấu ăn, lúc nào chị Minh cũng phải mua vài bó rau đay, mồng tơi, rau dền, mướp, bầu, bí… để nấu những món mà cha mẹ chị thích cho đỡ nhớ quê hương. Các con chị ăn trưa ở trường, dù quen thức ăn Mỹ nhưng chúng cũng rất thích những món ăn Việt như cá bông lau kho tộ, thịt bò xào rau muống, canh chua cá mú, canh cá nấu ngót...

    Bạn bè con chị rất thích ăn món phở do chị chế biến, nhất là đám bạn người Mỹ. Chúng thích thú thưởng thức vị ngon ngọt của nước lèo hay ngắt từng lá rau húng quế, ngò gai bỏ vào tô phở và đặc biệt là cách sử dụng đũa của người Việt.

    Vào dịp đi chợ cuối tuần, các bà nội trợ thường trổ tài, chế biến những món ăn đặc biệt hơn như phở, bún bò, bún riêu, gỏi... để cả gia đình cùng… nức nở khen ngon.

    Đặc sản Việt Nam

    Người Việt ở Mỹ vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng tổ chức gặp gỡ, ăn uống nhân dịp lễ lạt, giỗ chạp… Trong những bữa tiệc luôn có món chả giò và gỏi cuốn - hai món không chỉ người Việt thích mà người bản xứ cũng rất mê. Chị Minh vì có cha mẹ ở cùng nên nhà chị là nơi các anh chị thường tập trung đến để chuyện trò, ăn uống.

    Các món chả giò, gỏi cuốn tôm thịt, mì xào luôn hiện diện trong những dịp này. Đây cũng là món mà người Việt thường giới thiệu cho bạn bè thuộc dân tộc khác. Đôi khi chị làm thêm món bánh xèo vì nguyên liệu làm bánh xèo cũng có sẵn ở chợ (từ bột bánh xèo, đến các loại rau sống, chanh, ớt, tỏi làm nước mắm).

    Theo chị Minh, bí quyết giúp chả giò có độ giòn lâu là chiên hai lần. Chị mua chả giò đông lạnh trong các tiệm food to go gần nhà. Ở đó, sau khi cuốn chả giò, người ta chiên sơ một lần cho hơi vàng, sau đó bỏ vào tủ cấp đông. Chị Minh mua chả giò về cho vào tủ lạnh, khi sắp chiên thì lấy ra, không cần xả đá, bỏ thẳng chả giò vào chảo dầu, chiên nhỏ lửa. Ở các cửa tiệm food to go, những món ăn Việt Nam như cơm chiên, gỏi, mì xào thập cẩm, nem nướng… cũng có đủ. Nhiều người bận việc vẫn mua thức ăn chế biến sẵn ở đó.

    Nỗi lo đặc biệt

    Giờ đây, tuy thức ăn Việt Nam không thiếu, nhưng nhiều người phải công nhận một sự thật là giới trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ đã dần bị Mỹ hóa, kể cả phương tiện ẩm thực.

    Vợ chồng anh T. sống ở Mỹ đã ba mươi năm. Khi còn nhỏ, các con anh rất thích món ăn Việt Nam, nhưng lớn lên, chúng lại bị “dị ứng” với các món mà vợ chồng anh quen ăn như canh rau đay, mùng tơi, cà pháo, mắm tôm… Anh T. cho rằng có lẽ thế hệ anh là thế hệ cuối cùng ở Mỹ biết ăn loại canh này. Các con anh bảo cơm có quá nhiều carbonhydrate, ăn một chén cơm chan canh rau mùng tơi không được bao nhiêu chất bổ mà chỉ làm cho cơ thể mập ra! Thế rồi chúng dứt khoát không ăn nữa!

    Chúng đâu biết rằng một bó rau đay nhỏ giá 2 USD chỉ đủ nấu nồi canh, trong khi đó một ký thịt heo chỉ có 3 USD! Dù vào mùa hè, các nông trại trồng rau nhiều nên giá rẻ nhưng so với các loại rau của người bản xứ như bắp cải, xà lách, đậu hòa lan, broccoli, spinach… thì rau Việt Nam vẫn đắt hơn nhiều.

    Xem ra, người Việt trẻ giờ đây bắt đầu chê một số món ăn đậm chất quê hương và khoái ăn hamburger, hot dog với rau lạnh như coleslaw, mash potato, khoai tây chiên, pizza và spaghetti của Ý, taco của Mễ, sushi của Nhật… Không biết đó có phải do thói quen ăn uống được hình thành từ nhỏ ở các trường học Mỹ hay là sự “giao thoa văn hóa ẩm thực” giữa các dân tộc, kiểu như người bản xứ thích món chả giò, mì xào, phở của Việt Nam?

    Người Việt ở Mỹ không còn cái thời ăn một bó rau muống cũng tiếc đứt ruột vì quá đắt. Các gia đình chẳng còn phải cặm cụi trồng rau sau vườn. Giờ đây, muốn gì ra chợ là có, vậy mà các bà nội trợ cũng bắt đầu kêu ca rằng quanh đi quẩn lại chỉ nhiêu đó món, riết rồi không biết nấu món gì!

    Trong gia đình, có người thích món ăn Việt, có người lại thích món Mỹ. Do đó, để dung hòa, hầu như gia đình nào cũng duy trì bữa cơm “hợp chủng quốc”, vừa có món Việt, vừa có món Mỹ. Tuy nhiên, điều mà nhiều người Việt lớn tuổi e ngại nhất là đến lúc nào đó, bọn trẻ chẳng những không biết chế biến, mà cũng chẳng biết ăn và quan tâm đến văn hóa ẩm thực Việt Nam nữa!

    Nguồn từ trang: tuoitre


      Hôm nay: Fri Nov 15, 2024 1:26 pm