Neelakurinji, loài hoa hiếm chỉ nở 12 năm một lần ở Ấn Độ
Là một trong những loài hoa hiếm nhất thế giới, Neelakurinji cứ 12 năm mới nở một lần ở bang Kerala ở tây nam Ấn Độ, nơi hoa phủ khắp các triền đồi bằng sắc tím.
Nở hoa theo chu kỳ Năm Sao Mộc
Tại Kerala, nơi nổi tiếng về các loại cây cỏ nhiệt đới, về những bãi biển yên bình và những dòng sông, có thị trấn Munnar lặng lẽ nằm trong dãy núi Tây Ghats.
Nằm ở độ cao 1.600m trên mực nước biển, Munnar được biết đến với món trà, cà phê và các loại rau thơm, gia vị của riêng mình. Những thứ này, cùng với cảnh đẹp quyến rũ và những rặng núi mù sương khiến thị trấn trở thành một địa điểm du lịch rất được yêu mến.
Đây là nơi có một trong những bí mật của Ấn Độ: Neelakurinji, một trong những loài hoa hiếm nhất thế giới, 12 năm mới một lần.
Năm nay là năm hoa nở./Loài hoa xanh
Cây Neelakurinji (thường được gọi tắt là 'Kurinji') thuộc chi Thuỳ hoa (Strobilanthes), là chi họ cây có chừng 350 giống cây có hoa, trong đó 59 loài có ở khắp bán đảo Ấn Độ.
Nhiều loài khác nhau trong họ chi Thuỳ hoa có những thời điểm nở hoa khác nhau. Một số loài nở sau bốn, tám, 10, 12 hay thậm chí là 16 năm. Nhưng sự phát triển của chúng thì không đồng đều và nhìn chung là khó lòng nhận biết.
Việc mở đồn điền trồng chè và các loại cây gia vị bên cạnh việc xây dựng nhà cửa và mở đường đã ăn lấn vào những diện tích đất lẽ ra là nơi để các cây đó phát triển, nở hoa.
Tuy nhiên, hoa Strobilanthes kunthiana, Neelakurinji (có nghĩa là 'hoa xanh') thì khó bị bỏ qua, bởi chúng nở rộ rất nhiều, và mọc ở những khu vực được bảo hộ.
Nó trải thảm những triền đồi, đầu tiên là màu xanh rồi dần chuyển sang màu tím khi vào cuối mùa, thường là từ tháng Tám cho tới tháng Mười.
Việc nở hoa diễn ra 12 năm một lần, trên một diện tích rộng lớn, gồm cả ở khu vực được bảo vệ, Khu bảo tồn Kurinjamala, nằm cách Munnar chừng 45 km.
"Được ngắm hoa Neelakurinji nở là điều vô cùng đặc biệt, bởi, bạn nghĩ mà xem, rất có thể lần tới tôi sẽ không còn ở đây nữa. 12 năm nữa, có khi tôi sẽ sống ở nơi nào đó khác rồi, do công việc, hoặc do hôn nhân... có khi lúc đó tôi đã qua đời," R Mohan, một nhà hoạt động vì môi trường, nói.
Khoa học về sự nở hoa
Neelakurinji là loài cây ra quả chỉ một lần. Nghĩa là mỗi bụi cây chỉ sinh ra quả một lần sau khi nở hoa, sau đó cây sẽ chết. Cần mất một khoảng thời gian để các hạt mới nảy nở, phát triển.
Việc nở rộ hoa cứ 12 năm một lần giúp loài cây này tăng khả năng sinh tồn, bởi sẽ có rất nhiều hạt cây được sinh ra, không thể bị kẻ thù ăn hết sạch. Điều này cũng giúp cho các bông hoa được nhìn thấy và được nghiên cứu.
Là một loài hoa hiếm không mọc ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, Neelakurinji gắn bó nhiều với văn hoá Ấn Độ.
Roy Mathew, cựu biên tập viên báo The Hindu, viết trong cuốn sách của ông, Kurinji: Bông hoa của những rặng núi xanh, rằng bộ tộc Muthuvan, một cộng đồng sống trong rừng tại Kerala, tin rằng bông hoa này là biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn.
Vị thần của họ, Thần Muruga, kết hôn với Valli, một nữ thợ săn của bộ lạc này, bằng cách kết một vòng hoa Neelakurinji đeo quanh cổ nàng.
Bộ tộc Paliyan, một cộng đồng du mục ở Tây Ghats, thì tính tuổi con người bằng số lần hoa Neelakurinji nở mà người đó từng nhìn thấy.
Mong đợi hoa nở
Mùa hoa Neelakurinji nở không chỉ có tầm quan trọng với người dân địa phương mà còn quan trọng cho cả khu vực, bởi nó giúp đem lại sự bùng nổ du lịch.
Một mùa hoa tưng bừng sẽ khiến các triền núi dày đặc hoa, nở thành từng hàng trên các bụi cây cao từ 30 đến 60cm, rất dễ nhận thấy khi ở trong hoặc quanh khu thị trấn.
Vào năm 2018, toàn bộ vùng Kerala, nhất là ở Munnar, đều rất bận rộn chuẩn bị cho các cuộc đặt chỗ nhiều tới mức quá tải.
"Chúng tôi đã cải tạo khu nghỉ dưỡng trong năm nay," Harish Chawda, chủ một khu chăm sóc sức khoẻ nổi tiếng, nằm cách thị trấn 4km, nói. "Không chỉ chúng tôi mà ai ai cũng đều chuẩn bị.
Chính quyền đã bắt đầu mở rộng đường sá chạy theo các ngọn đồi, các quán ăn địa phương bắt đầu tăng tốc, ai cũng rất hào hứng."
Có tới gần 1 triệu du khách được trông đợi là sẽ tới đây - thế nhưng thảm hoạ ập xuống.
Bị mưa tàn phá
Trong tháng Tám, các trận lụt ở Kerala đã khiến 483 người chết, hàng chục ngàn người phải đi sơ tán; hơn 10 ngàn km bị phá huỷ. Nhà cửa trị giá lên tới hàng chục triệu ruppee bị phá huỷ, và thiệt hại về thu nhập do du khách huỷ chuyến là vô cùng to lớn.
Trong cảnh miền đất này bị tàn phá cho tan hoang như vậy, liệu hoa Neelakurinji có bị ảnh hưởng gì không?
Loài cây này cần có ít nhất là 10 ngày nắng liên tục để nở hoa, và chúng vẫn chưa đậu hoa trong thời gian mưa liên miên trút xuống bang này.
"Không ai ngờ đến chuyện này cả," Chawda nói. "Sân bay chính của bang phải đóng cửa trong vài ngày. Trong suốt cả tháng, chúng tôi không có khách du lịch nào đến cả.
Điều đó chưa từng xảy ra trong suốt thời gian tôi sống ở đây. Vào đầu tháng Chín, mặt trời lại ló dạng, hoa Neelakurinji cuối cùng đã nở bung... nhưng không có ai tới ngắm hoa cả."
Công viên Quốc gia Eravikulam, một khu vực bảo tồn rộng 97 km vuông dành cho các hệ động thực vật của khu vực, được cho là sẽ thu hút rất đông du khách tới ngắm hoa Neelakurinji.
Tuy nhiên, có rất nhiều bụi cây ở đây đã bị mưa cuốn trôi đi, lại thêm thời tiết không đủ nắng cho những cây còn lại nở hoa.
Những người muốn tới ngắm hoa Neelakurinji phải tìm đến những địa chỉ khác, ở độ cao cao hơn, như Top Station và Vattavada ở Kerala, hay Kolukkumalai ở bang biên giới, giáp với Tamil Nadu.
Hoa Kurinji năm nay có ít hơn so với những gì người ta trông đợi. Các triền đồi đến tháng Chín thường phải được Neelakurinji phủ kín, nhưng lần này chúng tôi phải đi trekking tới các địa điểm khác để ngắm hoa," Antonyn Thomas, hướng dẫn viên chuyên làm các tour du lịch mạo hiểm, nói.
Đường đi gập ghềnh
Hành trình tới Kolukkumalai - một khu vực có nhiều hoa Neelakurinji bao phủ, cũng là nơi được cho là có nhiều đồn điền chè ở độ cao cao nhất thế giới - là một nơi khó đến. Tính từ Munnar thì nó nằm cách khu định cư Suryanelli 30km, rồi sau đó đi lên núi 18km nữa trên con đường lầy lội.
Đây là hành trình rất vất vả, xóc tung người và chỉ có thể đi bằng xe hai cầu. Thế nhưng những gì nhìn được thì rất bõ công làm một chuyến.
Những trảng hoa Neelakurinji phủ kín đỉnh Kolukkumalai, trải rộng lẫn vào màn sương khói.
Mật ong hiếm
Thậm chí còn quý hơn hoa hiếm Neelakurinji là thứ mật ong được làm từ loài hoa này, mật ong Kurrinjithen.
Những thảm hoa trải rộng mênh mông hấp dẫn ong tới thụ phấn, và từ đó tạo ra thứ mật ong hiếm.
Việc lấy được mật ong thì rất phức tạp, nếu không nói là bất khả thi. Chỉ có những người đàn ông của bộ lạc địa phương được phép lấy mật ong, và hiếm khi thứ sản phẩm này ra đến chợ, ngoài một vài cửa hàng nằm tít sâu trong vùng thảo nguyên Shola, lọt giữa những thung lũng.
Dân địa phương tin rằng mật ong này có tính năng chữa bệnh tim mạch, tuy chưa có nghiên cứu nào được tiến hành bởi số lượng mật ong có được là quá ít ỏi. Mà người ta cũng không thể biết đích xác mật ong được làm ra từ những loại hoa nào, cho nên việc nghiên cứu càng trở nên phức tạp hơn.
"Bởi Munnar và khu vực được bảo vệ xung quanh đó là nơi có rất nhiều loại cây khác nhau, cho nên không cách gì biết được là liệu ong chỉ ghé tới hoa Kurinji hút mật hay là không," Mohan nói.
"Hầu hết mật ong ở đây đều là dạng 'mật ong hỗn hợp', được làm từ nhiều loại hoa khác nhau. Thế nhưng trong mua hoa Kurinji nở rộ thì có thể ước đoán một cách thận trọng rằng ít nhất có từ 35 đến 70% thành phần mật ong, tuỳ vào khu vực lấy mật khác nhau, là từ hoa Neelakurinji."
"Thứ hoa này hiếm tới mức chúng đang mất dần đi trong trí nhớ của chúng ta. Lần tới hoa nở tưng bừng sẽ là vào năm 2030, nhưng sau đó thì sự tồn tại của chúng sẽ là một câu hỏi lớn," Mohan nói.
Kế hoạch bảo vệ
Trong bối cảnh tình trạng thời tiết thì thay đổi, con người thì cần phát triển đất đai và gia tăng nông nghiệp, việc bảo tồn địa bàn sinh trưởng tự nhiên của những loài cây như Neelakurinji đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chỉ riêng ở Công viên Quốc gia Eravikulam đã có nhiều loài thực vật hiếm, và tổ chức NGO Save Kurinji Campaign Council (Hội đồng vận động bảo vệ hoa Kurinji), là tổ chức vận động nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn tự nhiên thông qua các chiến dịch, các chuyến đi trekking khám phá từ năm 1989 tới nay, đã quan tâm tới vấn đề này.
Theo điều phối viên Ansar Mangalathop, thì việc bảo tồn được thực hiện "thông qua các công việc của hội đồng, khi mà vào năm 2006, chính quyền đã tuyên bố diện tích 3.200 hecta sinh sống phát triển của Kurinji gần với Munnar là khu bảo tồn Kurinji."
"Nếu như chúng tôi có thể tạo được chút gì, dù là thay đổi nhỏ nhất để thế hệ sau có thể được ngắm Neelakurinji, thì cũng đáng."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.