Con người đang giết chết dần một trong những sinh vật có cơ thể lớn nhất tinh cầu này
Một trong những sinh vật lớn nhất hành tinh đang bị triệt hạ nhanh hơn mức chúng có thể phục hồi.
Nếu là một người chăm cập nhật tin tức khoa học, hẳn bạn đã biết sinh vật lớn nhất thế giới từ lâu đã không phải là cá voi xanh, mà là một loài nấm có tên Armillaria trong rừng Amazon.
Nấm Armillaria
Bản thân từng cây nấm cũng không khác gì nấm thường. Nhưng bản chất vấn đề nằm ở chỗ rễ của nấm Armillaria có thể liên kết với nhau. Đó cũng chính là lý do vì sao Armillaria được xem là sinh vật có cơ thể lớn nhất thế giới, vì dù có bao nhiêu cây nấm xuất hiện, chúng vẫn là một thực thể thống nhất - còn gọi là đại cơ thể.
Nhưng biết gì không, hóa không chỉ nấm Armillaria có cơ chế này, mà khu rừng Pando tại bang Utah của Mỹ cũng như vậy!
Khu rừng này được tạo bởi hơn 47.000 cây Pando, và tất cả đều có chung một bộ rễ từ cách đây 80.000 năm.
Bởi vậy, Pando có thể được xem là một trong những sinh vật có cơ thể lớn nhất trên Trái đất.
Và khu rừng này đang chết dần - nghiên cứu mới đây đã chỉ ra điều đó.
"Con người chính là nguyên nhân," - Paul Rogers, nhà sinh thái học từ ĐH Bang Utah cho biết.
Rừng Pando tại Utah
Được biết, cây Pando là một họ cây dương có danh pháp khoa học là Populus tremuloides. Loài cây này hết sức đặc biệt, vì chúng sinh sản theo cơ chế vô tính từ một bộ rễ duy nhất. Mỗi cây mọc lên đều có bộ gene giống nhau, và từ đó hình thành một đại cơ thể khổng lồ.
Ước tính, đại cơ thể Pando nặng ít nhất 5,9 triệu kg, bao phủ khu vực rộng 43 hecta tại rừng quốc gia Fishlake của Utah. Nhưng cũng bởi nó quá lớn, Rogers và nhóm cộng sự đã phải tiến hành theo dõi và đánh giá tình hình sức khỏe của khu rừng này.
Kết quả cho thấy, các khu vực Pando phát triển đang dần bị thu hẹp lại trong vòng nhiều thập kỷ trở lại đây. Chính xác hơn là trong 30 - 40 năm gần nhất, khả năng sinh sản của Pando đã không còn đủ nhanh để thay thế những cây to đã chết, và cũng không đủ để chống lại tốc độ tàn phá của các loài ăn cỏ.
Vậy thì liên quan gì đến con người?
Câu trả lời liên quan đến trách nhiệm. Nhà chức trách địa phương vốn đã biết rằng chỉ cần rào kín khu rừng lại là đủ để bảo vệ chúng khỏi sự tấn công của các loài động vật. Mà thực tế, đã có một chiến dịch xây rào được mở ra tại một phần của khu rừng, nhưng không có ai tiếp tục.
Rốt cục, gần như toàn bộ khu rừng không còn được bảo vệ nữa. Và ngay cả những khu vực đã được bảo vệ cũng đã dần bị thời gian phá hủy.
"Sau khi đầu tư vào dự án bảo vệ Pando, chúng tôi thực sự thất vọng với kết quả thu được. Các loài hươu nai đã tìm ra cách để xâm nhập vào hàng rào, và hủy hoại dần các cây đang được bảo vệ," - Rogers chia sẻ.
"Pando đã tồn tại cả ngàn năm, còn chúng ta chẳng có biện pháp nào để bảo vệ chúng. Giờ đây, khu rừng đang sụp đổ ngay trước mắt chúng ta. Bài học là: việc bảo vệ rừng và các loài vật hoang dã không thể tách bạch ra được."
Hơn nữa, sự gia tăng số lượng hươu trong khu vực cũng là do con người. Vốn dĩ, hươu nai ở đây có thiên địch là sói và gấu, nhưng số lượng cả hai loài đang dần giảm xuống vì bị con người xua đuổi. Việc săn bắn lại không được khuyến khích ở khu vực này, dẫn đến chuyện hươu nai ngày càng phát triển mạnh hơn.
"Các loài săn mồi giảm đi, săn bắn lại bị nghiêm cấm nên vô tình tạo ra một điều kiện quá thuận lợi để các loài ăn cỏ bùng nổ."
Trách nhiệm của con người cũng không chỉ có như vậy. Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên khoa học xác nhận được tác động của con người đến Pando trong 72 năm qua. Có thể thấy một số khu vực được phục hồi, nhưng tại những nơi con người đã cất nhà hoặc cắm trại thì rừng vẫn... nát.
Sự thay đổi của rừng Pando trong 72 năm
Hiện tại, thứ khu rừng cần là thời gian. Các cây Pando cần thêm thời gian để cây non phát triển ở mức đủ để chống lại sự tấn công của hươu nai. Những giải pháp được đưa ra gồm có: đầu tư làm hàng rào bảo vệ cây, hoặc cho phép thợ săn có giấy phép hoạt động; hoặc cả hai.
"Pando là một biểu tượng của khu vực, và cũng mang đến đa dạng sinh học rất lớn," - Rogers chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.
Tham khảo: Science Alert/J.D, Theo Helino