Công nghệ ôtô tự lái gây tranh cãi về độ an toàn
Không chỉ còn là chuyện viễn tưởng và chỉ tồn tại trong quảng cáo, hãng Mercedes-Benz sẽ bắt đầu giao cho khách hàng những chiếc xe hơi cao cấp dòng E-Class mới, được trang bị công nghệ tự lái tối tân từ tháng sau.
Lần tới, khi bạn nhìn thấy một chiếc xe Mercedes vượt qua mình trên đường cao tốc, bạn có thể muốn kiểm tra xem ai thực sự đang lái nó. Điều này là vì, các xe hơi dòng E-Class sắp lưu hành của "ông lớn" Đức được quảng cáo là có khả năng vượt các phương tiện khác cũng như rẽ ngoặt qua các khúc cua một cách hoàn toàn tự động.
Theo hãng sản xuất, những chiếc xe đời mới này thậm chí còn có thể làm được những việc phi thường trên ở vận tốc vượt trên cả ngưỡng tối đa cho phép 112,7km/h của Anh, mặc dù chúng có khả năng được lập trình để sử dụng phanh nếu có nguy cơ vượt giới hạn tốc độ cho phép. Trong trường hợp tài xế bỏ tay khỏi bánh lái trong một khoảng thời gian dài và không hồi đáp các tín hiệu cảnh báo lặp đi lặp lại trong xe, chúng cũng có thể tự động di chuyển tới chỗ dừng đỗ an toàn, đồng thời bật các đèn cảnh báo những phương tiện đang lưu thông phía sau.
Mercedes-Benz ca ngợi mẫu xe hơi mới của họ là "thông minh nhất" và là "bước tiếp theo trên đường hướng tới việc lái xe tự động". Ngoài hãng này, các công ty như Google, Delphi Automotive, Bosche, Tesla, Uber và Audi cũng đã bắt đầu thử nghiệm các chiếc xe hơi tự lái trên đường.
Theo một báo cáo vào tháng 6/2014 của Google, hãng này đã bắt đầu thử 25 mẫu xe hơi trên các đường phố công cộng ở Mountain View, California, Mỹ để gia nhập cùng đội ngũ 23 chiếc xe tự động Lexus RX450h. Mẫu xe tự động Roadrunner của hãng Delphi cũng từng hoàn thành gần 5.472km trong một chuyến đi từ San Francisco tới thành phố New York, Mỹ.
Về cơ bản, các xe hơi robot giống như của Google hay Mercedes sử dụng công nghệ định vị GPS để biết vị trí của chúng, được trang bị các bộ phận cảm biến, công nghệ quét laser LIDAR, radar, các camera cực mạnh cũng như các phần mềm tính toán để biết chúng cách một phương tiện khác bao xa và phát hiện các đối tượng như người đi bộ, đi xe đạp hay chướng ngại vật trong môi trường xung quanh.
Những chiếc xe này còn dùng các tính năng cảm biến và phần mềm để chọn tốc độ an toàn, tăng tốc, phanh hãm và rẽ ngoặt trong khi phỏng đoán hành động của các phương tiện khác để lên kế hoạch di chuyển. Điều này đồng nghĩa, những người có mặt trên xe, kể cả tài xế, có thể ngồi ở ghế sau, ăn, ngủ hay thậm chí chơi điện tử, lướt Facebook trong khi xe tự lái thay họ.
Vì công nghệ này còn khá mới mẻ, nên liệu có quá sớm để chúng ta cho phép các xe hơi robot lưu thông trên đường cùng những chiếc xe hơi có người lái như thông thường? Chúng an toàn tới mức nào và liệu chúng ta có nên tin tưởng giao tính mạng của mình cho một robot hay hệ thống máy tính lái xe?
Với những người ủng hộ cho xe hơi tự lái sớm lưu hành, lập luận của họ là, công nghệ này sẽ giảm thiểu các tai nạn xe hơi do lỗi của con người. Thống kê cho thấy, lỗi của tài xế là nguyên nhân chính, gây ra tới hơn 90% tổng số các vụ va chạm giao thông của xe hơi và đó thường là các lỗi lái xe trong khi say rượu, mất tập trung, không đi đúng làn đường hay không tuân thủ các quy định, giới hạn về tốc độ, ...
Ngoài việc giảm thiểu tỉ lệ tai nạn do lỗi của con người, các xe tự lái được kỳ vọng có thể giảm được sự tắc đường, do các xe robot sẽ có thể di chuyển với vận tốc cao hơn và gần các phương tiện khác hơn mà không ngáng trở hay đâm vào chúng. Việc này rốt cuộc sẽ giúp giảm thời gian mọi người phải di chuyển trên đường, đồng thời giúp họ tiết kiệm sức lực vì không phải thực sự điều khiển xe.
Tuy nhiên, phe hoài nghi, thậm chí phản đối xe hơi tự lái phản biện rằng, công nghệ này chỉ có thể giảm thiểu được tai nạn giao thông ... trên lý thuyết, vì điều đó đòi hỏi 100% các phương tiện lưu thông trên đường đều là xe tự động. "Đây quả thực là vấn đề mang tính quản lý và chính sách, đòi hỏi phải có giải pháp để cho chúng lăn bánh trên đường trong khi chúng ta vẫn còn các xe cơ giới khác chịu sự điều khiển hoàn toàn của con người", Ryan Hagemann, một chuyên gia phân tích chính sách thuộc Trung tâm Niskanen, nói.
Trong thực tế, hiện trên thế giới chẳng có mấy nước cho phép xe hơi tự lái lưu thông trên đường công cộng. Đức đã cho phép một chiếc xe hơi vượt tự động trên các xa lộ với vận tốc từ 80 - 177km/h, nhưng ở Anh, nơi các khách hàng đầu tiên của dòng Mercedes mới nhận xe vào tháng tới, họ vẫn cần chờ đợi sự thay đổi luật trước khi có thể thử làm điều này.
Ngoài ra, các xe hơi tự lái có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển khi trời mưa to hay có tuyết và gặp khó khăn lúc rẽ trái khi có các phương tiện giao thông khác đang tới. Chúng cũng không thể đọc các dấu hiệu bằng tay, chẳng hạn như trong trường hợp có một cảnh sát giao thông trực tiếp điều phối trên đường.
Mặc dù nhiều người tin rằng, các vấn đề trên rồi sẽ được giải quyết theo thời gian, nhưng theo phe phản đối, công nghệ ở giai đoạn này vẫn còn quá sơ khai và còn xa mới đạt tới khả năng đó.
Một trong những quan ngại khác liên quan đến công nghệ xe hơi tự lái là cách nó sẽ ứng phó ra sao trong các tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn như khi có một đứa trẻ đột nhiên chạy vụt qua đường để đuổi theo một quả bóng, liệu xe có đủ thông minh để chọn giải pháp vẹn toàn, không mạo hiểm bằng cách đe dọa tính mạng của đứa trẻ cũng như những người có mặt trên các phương tiên khác đang lưu thông trên đường.
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng cảnh báo đến nguy cơ tin tặc tấn công các hệ thống lái xe tự động. Năm 2015, hãng Fiat Chrysler Automotive từng phải thu hồi 1,4 triệu chiếc xe hơi của hãng để nâng cấp phần mềm chống các cuộc tấn công không dây, sau khi có tin các hacker đã có thể vô hiệu hóa từ xa một chiếc Jeep Grand Cherokee.
Tóm lại, vẫn còn nhiều trở ngại chúng ta phải vượt qua, từ việc cải tiến, nâng cấp công nghệ cho tới việc ban hành các chính sách và điều chỉnh luật quản lý, trước khi được chứng kiến những chiếc xe hơi tự lái chính thức được lăn bánh trên các con đường công cộng trên toàn thế giới.
Theo VNN