Hai họ tặng nhau quan tài trong ngày cưới
Thôn Gọi Re (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi)
Nếu các dân tộc khác xem cỗ quan tài là biểu tượng của sự chết chóc, báo hiệu điềm chẳng lành, thì với người H’re ở huyện Ba Tơ, cỗ quan tài lại là một món quà giá trị mà cuộc sống ban tặng. Sui gia với nhau cũng tặng quan tài làm quà như lời nói đầu. Nhà gái và nhà trai khi cưới nhau cùng lấy quan tài làm sính lễ...
Món quà giá trị của cuộc sống
Từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi vượt hơn 100km để đến trung tâm thôn Gọi Re (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Gọi Re là một thôn còn nhiều khó khăn của xã Ba Xa, cuộc sống của người H’re ở đây quanh năm chỉ biết bám vào nương rẫy với ngô khoai sắn qua ngày.
Giao thông đi lại khó khăn nên họ sống tách biệt với bên ngoài, đời sống bà con vẫn còn nhiều lạc hậu so với các bản làng khác của huyện Ba Tơ. Chính vì lẽ đó mà họ vẫn còn lưu giữ được những phong tục tập quán, văn hóa độc đáo của người H’re cổ.
Theo một số già làng ở thôn Gọi Re, người H’re quan niệm người chết sẽ về với Giàng (trời - PV), bắt đầu một cuộc sống tốt hơn ở nơi mới nên chết không phải là sự đau buồn, đau khô. Cỗ quan tài được xem là phương tiện đưa họ đi và là ngôi nhà cho họ sinh sống khi đến nơi ở mới. Vì vậy, người H're xem quan tài là một vật có giá trị của mỗi gia đình.
Để tìm hiểu về món quà đặc biệt của người H’re, chúng tôi tìm đến già làng Phạm Văn Xi (50 tuổi, ngụ thôn Gọi Re, xã Ba Xa), mặc dù còn trẻ nhưng ông đã được bà con trong thôn phong là già làng vì ông am hiểu nhiều về văn hóa tập quán của người H’re.
Già Xi cho biết, quan tài của nguời H’re được làm từ thân gỗ tròn, có đường kính từ 0,5m trở lên, cắt làm từng đoạn vừa đủ cho một người nằm sau khi nhắm mắt xuôi tay.
Mỗi quan tài đều có nắp đậy riêng, phần nắp đậy gọi là quan tài bố và phần dưới gọi là quan tài mẹ. Quan tài hoàn thành sẽ có hình trụ tròn và không được chạm khắc hoa văn.
Đường vào thôn Gọi Re rất khó khăn và hiểm trở.
"Quan tài của chúng tôi sẽ không được khắc hoa văn. Nếu khắc hoa văn thì người chết sang thế giới bên kia sẽ không hòa nhập được với cuộc sống mới, sẽ sống khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc", già làng Xi giải thích.
Theo phong tục của người H’re, khi người con trai lớn trong gia đình đủ 18 tuổi thì ngưòi cha sẽ dẫn con lên rừng chọn cây gỗ cao to để làm quan tài. Khi cây gỗ được đem về nhà, gia đình sẽ làm gà cúng lễ để xin thần rừng cho phép họ đẽo gỗ để làm quan tài. Sau đó một ngày, người con sẽ bắt tay vào làm.
Trong suốt thời gian đó, người này sẽ không được ra khỏi nhà, không được làm nương làm rẫy mà chỉ tập trung làm cỗ quan tài. Quan tài sau khi hoàn thành sẽ đặt dưới sàn nhà. Khi cỗ quan tài chuẩn bị sẵn đuợc sử dụng thì một năm sau người con trai thứ phải lên rừng đốn gỗ về làm cái mới. Nếu gia đình nào không có con trai, thì nhân lúc còn khỏe mạnh nguời cha phải chuẩn bị trước quan tài cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Món quà độc nhất vô nhị
Theo một số già làng ở xã Ba Xa, quan tài là một vật có giá trị nên trong lễ cưới, mỗi chàng trai H’re bắt buộc phải có một cỗ quan tài tặng cho gia đình gái. Người H’re coi đó như một món quà ý nghĩa, có thể xem như một vật cưới (sính lễ -PV) không thể thiếu khi cưới hỏi.
Việc biếu món quà này đuợc xem là một điều tốt đẹp, thể hiện tấm lòng thành kính giữa người cho và người nhận, sẽ tránh được những rủi ro trong cuộc sống, đem lại những điều tốt đẹp, may mắn. Ngoài ra, trong lễ cưới, hai bên sui gia có thể tặng quan tài qua lại cho nhau để thể hiện sự thân thiết và bắt đầu cho một mối quan hệ dài lâu.
Theo già làng Phạm Văn Xi, tục biếu quan tài cho nhau trong ngày cưới của người H’re có từ rất lâu đời và còn tồn tại đến ngày nay. Việc biếu quan tài làm quà trong ngày cưới của người H’re như là một tài sản quý, chuyển giao từ nhà này sang nhà khác, từ người khoẻ mạnh cho người đang đau ốm, dưỡng bệnh.
Không phải có hàm ý mong cho người nhận quan tài sớm trở về với Giàng, mà là thể hiện tình cảm cao quý nhường cho người khác hưởng những gì cần nhất khi cuối đời. "Đó là nét văn hoá, thể hiện tình cảm lối sống của người H’re. Bất kể người H’re nào cũng đều biết đây là văn hoá truyền thống có từ ngàn đời. Ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm truyền dạy cho con cái hiểu về phong tục này", già làng Xi nói.
Để tỏ lòng hiếu thảo với ba mẹ, anh em trong gia đình sẽ cùng nhau làm hai cỗ quan tài để biếu cho ba mẹ, khi họ bước sang tuổi 40. Đây không hề là hàm ý xấu, mong ba mẹ chết sớm, mà là thể hiện lòng biết ơn với ba mẹ đã nuôi mình khôn lớn, cầu mong cho ba mẹ sống lâu hơn.
Người H’re cho rằng, nếu con cái tự tay làm quan tài biếu ba mẹ thì một phần sức khỏe, sức lực của con cái được truyền sang cho bậc sinh thành, giúp họ khỏe mạnh lạ thường. Và gia đình nào có con cái làm được việc ấy, chứng tỏ gia đình đó hạnh phúc, con cái đoàn kết yêu thương nhau.
"Người dân H’re có truyền thống lâu đời là người làm quan tài biếu, tặng người đã có công giúp và nuôi dưỡng mình. Con cái không chỉ biếu bố mẹ mà còn biếu cho bác, chú, cô, cậu...", già Xi cho biết thêm.
Tặng quan tài để bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ
Quan tài còn là vật để người H’re thể hiện tinh thần đoàn kết. Nếu trong làng có một người ốm đau, bệnh tật thì già làng sẽ chọn ra bảy người đàn ông khỏe mạnh nhất lên rừng đốn gỗ để làm quan tài tặng cho người bị ốm. Họ cho rằng, nếu người khỏe mạnh tặng quà cho người đau ốm thì người đó sẽ được truyền sức khỏe để thoát khỏi bệnh tật.
Người có của ăn, của để trong làng sẽ có trách nhiệm biếu quan tài cho người nghèo khó đế truyền may mắn giúp họ thoát nghèo. Trường hợp, trong làng có người nghèo khó bị chết thì một người tốt bụng trong làng sẽ mang quan tài của họ tới cho không.
Nếu là bạn bè thân thiết, họ sẽ tặng cho nhau một chiếc quan tài để thể hiện tình cảm. Trong lễ đầy tháng ba mẹ cũng có thể tặng quan tài cho con. Năm mới, nguời H’re cũng tặng quà này cho nhau để cầu chúc cho gia đình năm mới làm ăn phát đạt và sức khỏe. Vói người H’re, lúc nào có chuyện vui thì họ lại tặng nhau quan tài...
Dương Kha.