Người Việt: Rượu bia là đầu câu chuyện?
Trước đây người Việt thường có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Giờ, vị trí miếng trầu được thay bằng bia rượu.
Rượu bia là … đầu câu chuyện
Từ khi đổi mới, cuộc sống ngày một khấm khá hơn, và văn hóa rượu bia của người Việt cũng chuyển biến, nhưng theo hướng… tiêu cực.
Người Việt uống rượu bia bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Từ nhà hàng sang trọng đến quán cơm bình dân. Trước đây người Việt thường có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Giờ, vị trí miếng trầu được thay bằng bia rượu. Quan niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong” như được chắp thêm cánh, góp phần vào thú vui uống rượu bia của đàn ông VN.
Không biết từ đâu, văn hóa “dzô…dzô” khi uống rượu bia lại được sử dụng nhiều đến như thế. Đi ngang các quán nhậu, chúng ta lúc nào cũng được nghe miễn phí những tràng đồng thanh: Một…hai…ba…dzô”. Những câu quen thuộc trên mâm rượu, bàn bia như “cao bằng”, “bắc cạn”, “trăm phần trăm” cùng với những tiếng lóng, tiếng đệm,… tạo nên một bản sắc rất huyên náo và hài hước.
Cũng không biết từ đâu, xu hướng ký hợp đồng kinh tế trên bàn rượu bia lại thịnh hành đến như vậy. Người ta giới thiệu làm quen nhau là phải trên bàn rượu, người ta đàm phán các điều khoản hợp đồng cũng phải trên bàn rượu. Và thậm chí, người ta bàn thảo những việc chia chác phần trăm, bổ nhiệm quy hoạch lãnh đạo… cũng trên bàn rượu.
Đua chém gió
Rượu bia là đồ uống gây kích thích hệ thần kinh. Những nghiên cứu khoa học đã minh chứng điều này rất rõ ràng và chúng ta không phải tranh cãi thêm.
Khi người uống rượu bia đến mức không kiểm soát được những lời nói, hành động của họ thì đó chính là lúc họ sống bằng bản năng chứ không còn sống bằng trí lý và nhận thức. Khi đó, một người có kiến thức cực kỳ uyên bác và một người không biết chữ có thể có những hành động… giống nhau.
Trong thời gian qua, những vụ việc đau lòng do hậu quả của rượu bia đã ở mức báo động trong xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng là những vụ xâm hại tình dục, bao gồm cả việc hiếp dâm trẻ em. Và nhất là tai nạn giao thông, nguyên nhân bởi say rượu, bia cũng là một vấn đề lớn cần phải được kiểm soát và giảm thiểu. Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGTQG năm 2013, trung bình mỗi ngày xảy ra 80 vụ tai nạn giao thông, làm chết 25 người.
Vẫn biết nhu cầu, sở thích uống rượu bia là quyền cá nhân của mỗi người. Nhưng nhìn cảnh những quán nhậu cuối ngày nườm nượp những đoàn người, từ quan chức đến nhân viên, từ dân văn phòng đến dân lao động chân tay,… đua nhau uống, đua nhau “chém gió” những chuyện trên trời dưới biển, nạn uống rượu bia đang trở thành một thứ “văn hóa” Việt, không hề đẹp mắt. Và quan trọng hơn, rượu bia nếu uống quá độ, cũng tàn phá sức khỏe con người một cách âm thầm.
Có nên nâng thành Luật?
Tuy nhiên, bản dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo lại đang gây nhiều tranh cãi từ những nhà quản lý, nhà chuyên môn đến những người dân về tính khả thi của nó.
Trước đó, trong Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 được TTCP ban hành tại QĐ 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 đã nêu rõ lý do, mục đích của việc phòng chống tác hại của rượu bia và kèm theo các giải pháp thực hiện. Và có thể nhận thấy, dự thảo trên chỉ luật hóa những giải pháp trong quyết định của TT. Câu hỏi đặt ra là: Nếu chỉ có như thế, có cần thiết phải nâng lên thành một Luật không? Và những điều khoản của luật có nên cụ thể hóa đối tượng như những quyết định hành chính?
Văn bản luật được soạn thảo phải luôn đảm bảo ‘quyền tự nhiên’ của con người. Pháp luật về quyền tự nhiên phải đứng cao hơn luật của nhà nước. Và nhiệm vụ của người soạn thảo luật là phải hài hòa cả hai vấn đề trên. Vừa đảm bảo quyền tự nhiên của con người, vừa thi hành được luật của Nhà nước. Khi đó văn bản luật mới thực sự có tính khả thi và đi vào cuộc sống. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết chỉ tập trung vào bốn vấn đề chính đang được dư luận tranh cãi.
- Thứ nhất, xung đột về lợi ích kinh tế: Không biết những người soạn thảo dự thảo Luật trên có tính toán được rằng, nếu Luật được ban hành và đi vào cuộc sống thì lượng rượu bia sẽ bị giảm đi là bao nhiêu? Điều đó có xung đột và đi ngược lại với mục tiêu và định hướng phát triển của ngành bia-rượu-nước giải khát đã được phê duyệt? Luật này có thể bắt buộc các nhà máy sản xuất bia rượu giảm công suất và không cấp phép đầu tư dự án mới hay không?
- Thứ hai, đối tượng sử dụng rượu bia: Dự thảo luật cấm các đối tượng “Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh lý, người tham gia giao thông…” không được sử dụng rượu bia. Câu hỏi đặt ra là: Kiểm soát những người đó như thế nào? Chả lẽ yêu cầu một phụ nữ trong một bữa tiệc đi kiểm tra vì nghi ngờ chị này có bầu hay đang cho con bú?
Chả lẽ yêu cầu một người mặt “non choẹt” trong một quán bia xuất trình chứng minh nhân dân vì nghi anh ta chưa đủ 18 tuổi? Chả lẽ dừng một người đi xe máy giữa trưa lại để kiểm tra vì nghi ngờ mặt đỏ là do rượu bia chứ không phải là do nắng? Và quan trọng nhất là cơ quan nào, đối tượng nào được quyền kiểm tra như thế? Việc kiểm tra đó có vi phạm quyền công dân? Có tạo ra sự cửa quyền, nhũng nhiễu công dân?
- Thứ ba, đối tượng kinh doanh rượu bia: Dự thảo Luật cấm “bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi dự thảo Luật được đưa ra. Ở VN, chúng ta đều biết rằng sau 22h thì hầu hết các cửa hàng bán rượu bia đã đóng cửa. Chỉ có những tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí thì mới bán muộn hơn giờ này. Nếu cấm bán bia rượu sau thời điểm 22h thì đại đa số các khu du lịch sẽ không có khách, các nhà hàng, vũ trường sẽ giảm quá nửa doanh thu. Khi đó, những thiệt hại kinh tế sẽ từ khu vực dịch vụ, du lịch sẽ do bộ ngành hay tỉnh thành nào gánh chịu trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia?
- Thứ tư, lượng rượu bia sử dụng: Dự thảo Luật quy định “tất cả người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 02 đơn vị rượu/ngày; với người dưới 60 tuổi là hơn 03 đơn vị rượu/ngày đều được coi là lạm dụng rượu bia”. Một đơn vị rượu được tính là một lon bia 330 ml hoặc tương đương với một chén 30 ml rượu mạnh 40-43 độ. Chả lẽ cơ quan chức năng thuê người đứng cạnh bàn tiệc ở các nhà hàng, quán bar,… để kiểm soát mỗi cá nhân chỉ được uống 2-3 lon bia hay 2-3 chén rượu?
Mới điểm qua bốn vấn đề chính của dự thảo Luật đã thấy rất thiếu thực tế và hoàn toàn không khả thi khi đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống. Rõ ràng những người soạn thảo Luật đã đưa ra những điều khoản luật duy ý chí và thiếu thực tế.
Khi những người soạn thảo luật còn quan liêu, duy ý chí và thiếu thực tế như vậy, nếu Luật này được ban hành sẽ rất khó đi vào thực tiễn cuộc sống. Như trường hợp Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng do Bộ Y tế soạn thảo và được Quốc hội ban hành từ tháng 6/2012 đến nay vẫn chưa thấy một sự khả thi trong quá trình áp dụng.
Trịnh Xuân Báu