Bi hài trong những đức tính tốt của người Nhật
Tính nguyên tắc của người Nhật được thể hiện mọi, mọi lúc, đặc biệt là trong công việc. Khi làm việc. Cái gì đã là nguyên tắc thì cứ thế mà làm, không có ngoại lệ, thậm chí "Lục thân bất nhận".
Người Nhật nguyên tắc
Về tính nguyên tắc của người Nhật thì có rất nhiều chuyện bi hài. Ví dụ như trong bóng đá chẳng hạn. Ai cũng biết, bóng đá, bên cạnh kỷ luật chiến thuật còn có sự ngẫu hứng, sáng tạo của cầu thủ. Các cầu thủ Nhật Bản đôi khi chỉ làm được một nửa.
Có lần, ông Zico - lúc đó là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nhật Bản nhịn không được hỏi một cầu thủ sau một trận thua không đáng có trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 (World Cup 2006): "Tại sao trong pha bóng đó, bóng chỉ cách cậu có 1,2 bước chân, chỉ cần dấn lên là có thể làm nên chuyện mà cậu không làm !?".
Cầu thủ đó trả lời rằng: "Vì theo sơ đồ chiến thuật, khu vực đó đã ngoài vị trí được phân công của tôi". Ông Zico chỉ còn biết giơ cả hai tay...kêu trời.
Tính nguyên tắc của người Nhật được thể hiện mọi, mọi lúc, đặc biệt là trong công việc. Khi làm việc, cái gì đã là nguyên tắc thì cứ thế mà làm, không có ngoại lệ, thậm chí "Lục thân bất nhận".
Nếu bạn có phải giải quyết một thủ tục nào đó mà bị thiếu một thứ giấy tờ, tốt nhất đừng trình bày, kể lể dài dòng mất thời giờ mà nên quay về hoàn thành đầy đủ những thứ theo quy định, chắc chắn sẽ được giải quyết.
Hoặc nếu bạn trọ tại một khách sạn mà có quy định không tiếp khách trong phòng mà có người đến thăm, cho dù có là vợ hoặc chông của bạn chăng nữa thì cũng chỉ ngồi ở sảnh mà trò chuyện thôi. Chỉ cần vượt qua giới hạn là bị nhắc nhở ngay.
Tính nguyên tắc của người Nhật còn thể hiện ở sự tuân thủ pháp luật một cách tự giác. Ví dụ việc chấp hành tín hiệu giao thông chẳng hạn. Cho dù đêm khuya thanh vắng, không một bóng người, đèn đỏ vẫn là đèn đỏ, phải đỗ lại. Kể cả ô tô, xe máy, người đi bộ đều chấp hành nghiêm chỉnh.
Với sự tôn trọng pháp luật như vậy, Nhật Bản trở thành một trong những nước trật tự trị an tốt nhất, an toàn nhất trên thế giới. Xét cho cùng, tính nguyên tác này hoàn toàn văn minh và đáng học tập.
Người Nhật có nhiều đức tính đáng để học tập.
Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng đấy là sự thật. Trộm ở đây là đột nhập nhà riêng để ăn trộm tài sản, và Nhật Bản có lẽ là một trong số rất, rất ít các nước, không có hiện tượng này. Thông thường trộm đột nhập để lấy tiền, vàng, nữ trang, ti vi, máy tính ... Nhưng nếu trộm mà đột nhập vào nhà người Nhật thì không những không lấy được gì mà có khi lại còn giúp cho chủ nhà.
Thật đấy! Bởi lẽ, tiền, vàng thì họ không để ở nhà mà gửi ở ngân hàng, còn ti vi, máy tính... thì có lấy cũng không bán được mà đem vứt đi thì phải trả phí vứt rác có khi lên tới hàng trăm USD, rồi lại còn bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị nghiêm phạt.
Nhân nói tới chuyện vứt rác phải trả tiền, tôi nhớ tới một chuyện rất buồn cười mà chính mắt mình trong thấy. Số là, hôm đó tôi ra bãi xe cũ tại cảng Yokohama (cách thủ đô Tokyo khoảng 85 km về phia Tây) để tìm tư liệu viết bài. Tôi thấy có một người đàn ông trạc tuổi trung niên chạy một chiếc xe Honda Bently (loại này ở Việt Nam bấy giờ đắt lắm) còn khá mới vòng quanh bãi xe máy cũ đến cả chục vòng. Đang hơi ngạc nhiên thì thấy người này đột nhiên tăng ga rồi nhảy khỏi xe còn chiếc xe thì lao thằng vào bãi rác. Không cần hỏi cũng hiểu người này đi ... vứt xe trộm. Thế đấy, vứt xe trộm chứ không phải lấy xe trộm.
Theo thống kê của Cảnh sát Nhật Bản, từ năm 1985 đến nay không có vụ ăn trộm nào do người Nhật gây ra. Vẫn có những vụ đột nhập nhà riêng ăn trộm nhưng phần lớn thủ phạm là người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật. Còn những vụ đột nhập nhà riêng do người Nhật gây ra thì không phải là để ăn trộm mà vì những mục đích khác.
Người Nhật sòng phẳng và thật thà
Ở Nhật, 1 Yên chẳng mua được gì, nhưng khi mua bán một cái gì đó mà phải trả lại tiền thừa thì 1 Yên cũng được trả một cách cẩn thận. Cũng không ai chê 1 Yên là vô giá trị khi được trả lại mà không lấy. Đó là văn hóa.
Nếu bạn là nhân viên bán hàng siêu thị, xin đừng ngạc nhiên khi thấy một khách hàng Nhật Bản thắc mắc hoặc tỏ ra bất mãn khi bạn trả họ khoản tiền thừa khoảng 500~1000 đồng bằng ... kẹo như ở một số siêu thị của nước ta đã từng làm. Bởi, trong suy nghĩ của họ như vậy là không sòng phẳng.
Còn tính thật thà không tham của rơi của người Nhật, bản thân tôi đã chiêm nghiệm tới hai lần.
Lần thứ nhất là khi tôi mua nước ở máy bán hàng tự động. Do trời rét, mặc nhiều áo nên khi cất ví vào túi tôi đã đánh rơi mà không biết. Sau đó, tôi thấy có một người cứ lẽo đẽo theo sau cho đến khi tôi về đến tận cửa nhà mới bước vượt lên và hỏi có phải tôi đánh rơi ví hay không. Sau khi kiểm tra, xác nhận được đúng là ví của mình, tôi nhận lại và, theo thông lệ Nhật Bản, tôi định chia cho người đó một nửa số tiền có trong ví nhưng người đó kiên quyết không lấy mà chỉ yêu cầu tôi viết cho một giấy chứng nhận là... đã nhận lại ví của mình.
Lần thứ hai là một hôm tôi đi mua đồ về, nấu cơm xong mới nhớ là mình phải gọi một cuộc điện thoại mà danh thiếp của người cần gọi để trong ví. Tìm mãi không thấy ví đâu tôi mới nhớ mang máng là hình như để quên ở siêu thị nơi mình vừa mua đồ. Quay lại chỉ để cầu may thôi chứ trong thâm tâm thì tin mười mươi là mất rồi. Nhưng, "ngạc nhiên chưa..." cái ví của tôi vẫn còn đó trên cái bàn dùng để xếp đồ trong siêu thị. Khi tôi cầm lấy ví thì từ bốn phía có bốn nhân viên an ninh tiến tới yêu cầu tôi chứng minh đó là ví của mình. Điều này thì quá dễ vì trong ví của tôi luôn có Thẻ Nhà báo. Và sau đó tôi lại phải ký một văn bản chứng nhận là mình đã... tìm thấy ví của chính mình.
Qua câu chuyện của các nhân viên an ninh tôi mới biết là họ đã phát hiện ra chiếc ví ngay sau khi tôi rời siêu thị nhưng họ để nguyên với hy vọng là tôi sẽ quay lại. Việc yêu cầu tôi chứng minh đấy là ví của mình chỉ là thủ tục. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên: tại sao một siêu thị tấp nấp những người mà không ai động đến cái ví dầy cộp trong rất ngon lành. Thú thật là lúc đó trong ví có khoản tiền tương đương khoảng 2000 USD - một con số không nhỏ với bất cứ ai.
Về sau hỏi ra mới biết sự thật thà không tham của rơi của người Nhật phần lớn là do bản chất của họ nhưng cũng có điều kiện cả đấy.
Bởi vì, khắp mọi nơi đều được giám sát bằng camera. Không chỉ trong siêu thị mà ngay cả trên đường phố cũng vậy. Nhiều khi thấy tiền, đồng hồ, nhẫn, dây chuyền... rơi trên đường mà không ai nhặt. Hỏi ra mới biết nguyên nhân chính là do trên đường có camera nên mọi hoạt động được ghi lại. Nếu nhặt được của rơi mà sau một thời gian nhất định không đem đến đồn cảnh sát để nộp sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Mà đem đến nộp thì mất thời gian, lại giống tôi, phải ký một loạt biên bản. Chi bằng cứ để nguyên chỗ, biết đâu khổ chủ quay lại và tìm thấy có phải tốt hơn không!
Từ chuyện này tôi lại liên tưởng tới những vụ trộm đồ tại các siêu thị Nhật Bản của người Việt Nam. Thật dại dột! Trông cả một siêu thị mênh mông, không người trông coi, có vẻ hớ hênh vậy thôi nhưng có camera giám sát cả đấy. Tôi biết có người sau khi trộm đồ tại một siêu thị tới ... 21 lần mới bị bắt. Không phải là không bị phát hiện ngay từ lần đầu mà bởi vì phải tới lần thứ 21 thì số tiền ăn cắp mới đủ mức... để truy tố.
Có lẽ bởi tính thật thà, sòng phẳng này mà người Nhật chúa ghét ăn cắp, theo đó người Việt Nam đang lao động tại một số vùng của Nhật Bản bắt đầu chịu thành kiến do hành động của "những con sâu bỏ rầu nồi canh".
Đôi điều hiểu biết lượm lặt được trên đây chỉ là số ít trong nghìn lẻ một những câu chuyện vừa thú vị vừa bi hài về tính cách cả tốt lẫn xấu của những người bạn Nhật Bản - những người dân của đất nước đang ngày càng trở nên gần gũi với Việt Nam. Những mong chia sẻ cùng quý vị độc giả và hy vọng rằng, ở một khía cạnh nào đó nó hữu ích.
Tuấn Nhật