Quán cà phê trong... nghĩa trang
Nghĩa trang có lẽ không là nơi lý tưởng để người ta tìm đến thư giãn, nhưng hiện nay nhiều thành phố ở Đức, kể cả Berlin, đang nổi lên trào lưu mở quán cà phê ngay bên trong lãnh địa của người chết. Không chỉ có dân địa phương mà cả du khách cũng muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng trong môi trường lạnh lẽo như thế - tạm gọi là cà phê nghĩa trang - và thưởng thức cà phê.
Nhiều người tìm đến quán Café Strauss nằm lọt bên trong khuôn viên một nghĩa trang trong quận Kreuzberg trung tâm thành phố Berlin. Khách uống cà phê có thể nhìn thấy những tấm bia ẩm ướt và những ngôi mộ xung quanh. Trong bầu không khí lạnh lẽo, mọi người vẫn chuyện trò rôm rả với nhau.
Vợ chồng Olga và Martin Strauss, chủ quán Café Strauss.
Những "quán cà phê nghĩa trang" đang ngày càng phổ biến ở khắp các thành phố nước Đức. Chúng không chỉ dành cho những người muốn thưởng thức hương vị cà phê với bánh ngọt và chút khuây khỏa sau khi viếng mộ người thân mà du khách cũng tìm đến đây cùng với những người muốn tản bộ trong không gian yên tĩnh.
Có những quán hiện đại như Café Strauus, những quán tổ chức hòa nhạc và triển lãm nghệ thuật như Café Fritz ở Hamburg hay Atrium ở Bristol miền tây nước Anh. Café Strauss mang nét ảm đạm của nhà xác kết hợp với sự tinh tế của nhà thờ, với những bức tường sơn trắng, những cây cột vuông và những ô cửa sổ hình vòm.
Hai vợ chồng - Olga và Martin Strauss - mở quán Café Strauss của họ trong nghĩa trang Friedrichwerderscher Friedhof vào tháng 5/2013. Họ cẩn thận sửa chữa lại căn phòng và bài trí những chiếc ghế gỗ. Café Strauss cũng có cùng thực đơn với bất cứ quán cà phê thông thường nào khác - với trà, các loại cà phê, bánh ngọt và sandwiche.
Điểm khác biệt duy nhất - quán nằm trong lãnh địa của người chết! Martin Strauss cho biết khách đến quán thường ngồi ở sân hiên để dễ nhìn thấy những ngôi mộ mà trò chuyện về chúng.
“Café Strauss tạo nên sự kết nối kỳ diệu giữa thế giới người sống và người chết” - một vị khách viết như thế trong cuốn sổ lưu niệm của quán. Những khách hàng quen của quán cà phê bao gồm người gác nghĩa trang, người bảo dưỡng bia mộ và giáo sĩ địa phương.
Café Strauss bên trong nghĩa trang Friedrichwerderscher Friedhof thuộc quận Kreuzberg của Berlin.
Bernard Bossman, nghệ sĩ 53 tuổi thành lập quán cà phê nghĩa trang đầu tiên - Finovo - vào năm 2006, cho biết: "Con người luôn suy nghĩ về những người đã chết. Nhưng, con người cũng nên dành một ý tưởng cho những người chăm sóc nghĩa trang và những người đến viếng". Khách cũng cần ăn và uống, song trên hết cả vẫn là nhu cầu giao tiếp, Bernard Bossman nói thêm.
Những chiếc bàn trong quán cà phê của Bossman trong nghĩa trang St. Matthaus ở quận Schoneberg, Berlin được trải khăn thêu bằng tay, những đồ trang trí xếp trên các ngưỡng cửa sổ và đồ đạc mang nhiều phong cách khác nhau.
Bossman giải thích: "Tất cả những thứ ấy đều là của khách đến uống cà phê tặng cho quán. Chúng là những di vật của người quá cố". Đôi khi, khách bất ngờ phát hiện mình đang uống cà phê trong chiếc cốc của bà nội mình để lại. Trong khuôn viên nghĩa trang nơi Bossman dựng quán cà phê cũng có phần mộ của hai anh em nhà văn Grimm nổi tiếng của Đức.
3 quán cà phê nghĩa trang khác ở Munich và Berlin đang chuẩn bị khai trương - bao gồm Dorotheenstadtischer Friedhof, nghĩa trang nổi tiếng ở trung tâm Berlin nơi có phần mộ của nhà văn Heinrich Mann và nhà soạn kịch Bertolt Brecht.
Du khách khó bỏ qua tòa nhà gạch đỏ thuộc thế kỷ XIX bên trong nghĩa trang Friedrichwerder Kirchhof - nơi hai vợ chồng Olga và Martin Strauss mở quán cà phê. Trong quá khứ, người chết được mang đến đặt trong tòa nhà vài ngày với quả chuông treo ở chân báo hiệu để tránh trường hợp bị chôn sống. Về sau, tòa nhà bỏ không trong thời gian dài cho đến khi hai vợ chồng Strauss có ý tưởng mở quán cà phê kinh doanh.
Martin, 48 tuổi vốn là kiến trúc sư, đã bỏ ra một năm ròng rã để tu sửa và trang trí tòa nhà. Martin và Olga muốn tạo ra một không gian tĩnh mịch thật sự dành cho khách đến uống cà phê, tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của thế giới bên ngoài.
Cơ quan quản lý nghĩa trang của Đức cho biết, các quán cà phê trong nghĩa trang hiện nay rất phổ biến ở nước này. Chắc chắn trong tương lai, thành phố có hàng triệu cư dân như Berlin sẽ mọc thêm nhiều quán cà phê nghĩa trang như Café Strauss nữa.
Juergen Quandt, mục sư và hiện là Giám đốc Hội Nghĩa trang Lutheran của Berlin, dự đoán: "Trong vài năm tới, những quán cà phê nghĩa trang sẽ không còn là trường hợp biệt lệ nữa".
Juergen Quandt cho biết hiện nay các nghĩa trang trong thành phố Berlin đang có kế hoạch thu hút đầu tư kinh doanh loại hình cà phê nghĩa trang và xu hướng này lan rộng không hẳn chỉ vì tiền mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Ngoài các buổi lễ truy điệu diễn ra đều đặn ở nghĩa trang Friedrichwerder Kirchhof, Café Strauss còn tổ chức những buổi hòa nhạc và đọc sách.
Theo An An