Vị Chuẩn tướng cận thần
Tác giả: Hà Bình Nhưỡng
Lời giới thiệu
Ba mươi năm trước, sau đại thắng mùa xuân 30-4-1975, trong số những nhân vật của ngụy quyền Sài Gòn được người ta nhắc nhở và thắc mắc nhiều nhất là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá Tổng tham mưu trưởng cuối cùng của quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Ông ta là ai: người của cách mạng cài vào quân đội ngụy quyền hay một kẻ thức thời vào phút cuối? Vai trò của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh như thế nào?
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin giới thiệu Truyện ký “Vị Chuẩn tướng cận thần” của nhà văn Hà Bình Nhưỡng, nhằm cung cấp cho bạn đọc những tư liệu chưa biết về vai trò của ông Nguyễn Hữu Hạnh…
Một số các chiến sĩ Binh vận ưu tú của Sài Gòn Gia Định trong ngày họp mặt truyền thống năm 1995. Từ trái qua phải Lê Quốc Lương Bảy Lương (thứ 2), Tư Dũng (thứ 4), Nguyễn Hữu Hạnh (thứ 6), Nguyễn Thành Trung (thứ 7) là những nhân vật có mặt trong truyện này.
Tín hiệu từ một đám tang
Trời đã phú cho Bẩy Lương có vóc dáng và gương mặt rất hợp với vai ông chủ cỡ bự người Hoa. Ông “chủ” đó càng sang trọng, đĩnh đạc hơn khi mang bộ đồ ký giả mắc tiền và cặp kiếng mát gọng vàng...
Với tướng mạo ấy cùng tấm chứng minh thứ thiệt mang tên Tống Văn Ba mà Ban Binh vận phải dứt ruột chi ra mấy cây vàng để bọn công an làm cho anh, Lê Quốc Lương đã có thêm nhiều thuận lợi để sống hợp pháp hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Anh được trao trọng trách làm đội trưởng Đội vận động sĩ quan địch, một nhiệm vụ đòi hỏi rất cao về tài trí và kinh nghiệm dầy dạn của một nhà hoạt động chính trị mang dạng tình báo. Bằng kinh nghiệm và tài trí đó, anh đã bắt mối được nhiều cơ sở trong hàng ngũ địch. Song đó hầu hết mới chỉ là sĩ quan cấp thấp, chưa có được một sĩ quan cao cấp nào mang tầm chiến lược như Trung ương Cục yêu cầu.
Đúng lúc ấy vào trung tuần tháng 10 năm 1963, Bẩy Lương nghe được câu chuyện về một đám tang khá đặc biệt ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Không chần chừ, anh “khăn gói” về ngay xã Kim Sơn gần xã Phú Phong tìm gặp đồng chí Sáu Rếp, một cơ sở tin cậy, đồng thời là người có quan hệ thân thiết với mình.
Quả là anh đã tìm trúng “cầu nối” để dẫn đến “mục tiêu”. Qua Sáu Rếp và bà con ở đây, Bảy Lương đã hiểu được tường tận về tình nghĩa của đám tang này.
Đây là đám tang ông Nguyễn Hữu Điệt cha đẻ của Nguyễn Hữu Hạnh, Đại tá tham mưu trưởng quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật, một viên sĩ quan cao cấp của ngụy đang có nhiều quyền thế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xã Phú Phong của Hạnh nằm trong vùng đất này, nhưng lại là xã được giải phóng không nằm trong vùng phong tỏa của Hạnh. Chính đó là khó khăn lớn đối với viên Đại tá có nhiều quyền thế ở đây về việc thực hiện lời di chúc của cha mình.
Cha Hạnh là một người có học thuộc dòng dõi nhà nho. Ở Bệnh viện Cần Thơ trước khi nhắm mắt, ông đã trăn trối với Hạnh:
- Cha biết con là người con rất hiếu thảo. Con đã hết lòng chạy chữa cho cha. Nhưng nghiệp trời đã định, không thể cưỡng lại được số phận. Khi qua đời, cha không có mong muốn gì hơn là được về yên nghỉ ở nơi quê cha đất tổ, bên cạnh ông nội của các con.
- Thưa cha – Hạnh nghẹn ngào nói với cha – Cha cũng thể tất và biết cho con là việc này rất khó. Nhưng cha cứ yên lòng. Con xin hứa sẽ thực hiện bằng được nguyện vọng chính đáng của cha và tin rằng sẽ được hoàn tất tốt đẹp.
Nghe xong lời hứa đó, ông đã trìu mến nhìn Hạnh lần cuối cùng rồi thanh thản nhắm mắt ra đi. Còn Hạnh, Hạnh đã cho người đi tìm ngay bác Chín Quá, một người quen biết với gia đình mà Hạnh biết rõ bác là người ở phía bên kia đến nhà. Khi bác Chín Quá tới, Hạnh đã khẩn khoản thưa:
- Thưa bác, khi tới đây, chắc bác đã biết lời trăn trối và cũng là nguyện vọng tha thiết của cha tôi. Vậy tôi xin cảm phiền nhờ bác về xã Phú Phong quê tôi và cả xã Kim Sơn ở bên này sông xin phép Cách mạng cho gia đình tôi được đưa thi hài cha tôi về quê chôn cất.
Đã hiểu được nguồn gốc và biết Hạnh là người rất có tình nghĩa với làng xóm quê hương, ai cần gì Hạnh cũng sẵn sàng giúp đỡ, bác Chín liền vui vẻ nhận lời và hối hả đi ngay. Lúc trở về, bác đã vui mừng thông báo cho Hạnh:
- Cách mạng ở cả hai xã đều đã chấp nhận đề nghị của Đại tá, nhưng có yêu cầu...
- Dạ, yêu cầu thế nào xin bác cho biết.
- Yêu cầu này chủ yếu cũng vì người quá cố là phía quốc gia không được hành quân, ném bom, bắn phá trong khu vực này suốt ba ngày tang lễ.
- Tôi không có toàn quyền, nhưng yêu cầu này sẽ thực hiện được, bởi tôi nghĩ ông Thiếu tướng tư lệnh quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật chắc chắn sẽ chấp nhận đề nghị của tôi.
Hạnh đáp lời bác Chín Quá xong liền cầm bút thảo ngay đơn gửi lên Tư lệnh quân đoàn. Trong đơn có đoạn viết: “Trước khi nhắm mắt, ba tôi có trăn trối lại yêu cầu tôi chôn ông bên cạnh mả ông nội tôi ở quê nhà; xã Phú Phong, quê tôi hiện nay đang thuộc khu vực của Mặt trận dân tộc giải phóng kiểm soát. Vậy tôi đề nghị thiếu tướng, tư lệnh cho ngừng mọi cuộc hành quân ném bom và bắn phá khu vực này trong ba ngày tang lễ để linh hồn ba tôi được yên tĩnh...”.
Đúng như Hạnh dự đoán. Viên Thiếu tướng tư lệnh vốn trước đây đồng khóa với Hạnh và hiện nay lại rất kính nể tham mưu trưởng của mình nên đề nghị của Hạnh được phê duyệt ngay. Theo như viên sĩ quan được Hạnh cử đến gặp Tư lệnh thì sau khi đọc đơn xong, viên tư lệnh đã gọi ngay tham mưu phó phụ trách tác chiến của quân đoàn lên để thực thi lệnh “ngừng hoạt động...” này.
Nguồn tin ấy cũng qua bác Chín được truyền ngay đến các đồng chí lãnh đạo của Phú Phong. Thế nên khi thi hài của cha Hạnh được vợ con Hạnh đưa tới bên kia sông, Chín Úa và Ba Dinh, cán bộ của xã đã sang đón để cùng với cô Năm em gái út của Hạnh quá giang. Lúc xe tang sang đến xã Phú Phong cả Chủ tịch xã cùng một số bộ đội giải phóng lại cùng tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Hạnh chỉ tiễn biệt cha qua cổng bệnh viện. Vợ con Hạnh cũng chỉ đưa tiễn ông Điệt đến bên này bờ sông, việc còn lại trao cho cô Năm. Nhưng cả gia đình Hạnh đều rất yên lòng và xúc động trước tình cảm của xóm làng, quê hương đối với cha mình. Họ không ngờ đám tang người cha viên đại tá đang ở phía quốc gia chống đối lại Cách mạng mà chỉ vì cha mình là người con của làng xã quê hương, muốn được gửi xương cốt ở quê hương lại được chính quyền Cách mạng và bà con ở quê hương tiễn đưa đông đảo đến thế. Hầu như cả xã, nhà nào cũng có người đi tiễn đưa và dự lễ an táng ông Điệt.
Theo tục lệ ở đây, ba ngày phải mở cửa mả cho linh hồn người chết được siêu thoát. Lễ mở cửa mả phải có vàng hương, hoa trái để cúng ký. Và phải có một con gà giò để thay người thân nhất kéo gà chạy ba vòng quanh mả, xong thả gà ra, nó vào nhà ai, nhà nấy được phước và được cả gà.
Cô Năm đã xin ở lại để làm việc này. Nhưng Hạnh muốn được vĩnh biệt cha lần cuối cùng trúng ngày “mở cửa mả”, nên lại qua bác Chín Quá đề nghị với chính quyền xã Phú Phong. Lần nữa nguyện vọng của Hạnh lại được chấp nhận với điều kiện không có trực thăng vũ trang bay kèm.
Tất nhiên, Hạnh hoàn toàn chấp nhập điều kiện đó và Hạnh đã bằng chiếc trực thăng bay ba vòng trên mộ cha mình. Đấy cũng là ba vòng mà không gian hoàn toàn yên tĩnh, không có một tiếng súng đạn nào để Hạnh được ngắm lại nơi chôn nhau, cắt rốn của mình từ trên cao một cách yên ả và lắng sâu nhất...
Nghe đồng chí Sáu Rếp kể lại toàn bộ diễn biến về đám tang như vậy, Bẩy Lương rất phấn chấn. Anh thầm cám ơn các đồng chí và đồng bào ở hai xã Phú Phong và Kim Sơn đã xử sự rất cao thượng, nghĩa tình. Việc làm đó làm sao lại không tác động đến lương tâm của sĩ quan, binh lính ngụy mà ở đây, trước hết là Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh. Rõ ràng là các đồng chí và bà con ở đây đã thấm nhuần về công tác binh vận - mũi giáp công thứ ba tiến công địch của Đảng ta. Họ đã tranh thủ thời cơ và làm việc này rất tế nhị. Cũng từ đây, Bẩy Lương thấy: rõ ràng đại tá Nguyễn Hữu Hạnh có nhiều nét khác biệt so với các sĩ quan cao cấp khác của ngụy quyền hiện tại. Anh quyết định phải tìm hiểu kỹ để có thể “bắt rễ” ngay viên Đại tá này nên liền hỏi Sáu Rếp:
- Ngoài bác Chín Quá, anh có biết ai là người đằng mình có quan hệ mật thiết về gia tộc với Đại tá Hạnh không ?
Sáu Rếp suy nghĩ một lát và đôi mắt chợt sáng lên:
- Tôi nhớ ra rồi. Có một người là bác họ của Hạnh.
- Ai vậy ?
- Đồng chí Tám Thành tức Nguyễn Tấn Thành có biệt hiệu là Tám “vô tư”. Tám Thành đã từng là Huyện ủy viên được Hạnh rất quý trọng và nghe đâu năm 1956 , chính Hạnh đã cứu ông Tám “vô tư” ra khỏi nhà giam ở khám Chí Hòa (1).
- Chà, tuyệt quá ! Vậy bây giờ anh Sáu biết ông Tám ở đâu không ?
- Lâu lắm rồi, tôi không biết tin tức về ổng. Chỉ biết sau lần được ông Hạnh cứu ra đến năm 1961 ông Tám lại bị bắt vô tù lần nữa. Mà anh biết không? Ông Tám “vô tư” này có tìm thấy cũng không dễ gì tiếp cận được đâu.
Bẩy Lương hơi hẫng người. Nhưng anh không thất vọng liền động viên Sáu Rếp:
- Cái “đầu mối” anh vừa chỉ ra cho tôi rất quý. Bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải tìm cho ra “đầu mối” này. Anh tiếp tục dò tìm ở đây. Tôi về Sài Gòn để báo cáo với các đồng chí lãnh đạo và tìm ông Tám qua các cơ sở ở trên đó. Ba hôm nữa tôi sẽ trở lại đây. Khi ấy mong sẽ nhận được ở anh những tin mới nhất về ông Tám “vô tư”.
Sáu Rếp gật đầu và xiết chặt tay Bẩy Lương. Nhưng anh không để cho Bẩy Lương ra khỏi nhà ngay. Anh giả đò dạo bước ra đường, xong mới báo hiệu cho Bẩy Lương trở về Sài Gòn bằng lối sau nhà mình.
---
(1) Đồng chí Nguyễn Tấn Thành tức ông “Tám vô tư” là cha đẻ của đồng chí Nguyễn Tấn Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo hiện nay.
"Thầy lang" ẩn tích
Các đồng chí lãnh đạo trong Ban binh vận của Trung ương Cục đều rất mừng và quan tâm đến cái “tín hiệu” từ đám tang ở Phú Phong. Từ “tín hiệu” này, lãnh đạo Ban nhất trí: “Nguyễn Hữu Hạnh là người có thể để ta “bắt mối” xây dựng cơ sở, nhưng trước hết phải hiểu rõ và tìm gặp được ông Tám “vô tư”...”
Việc này, Bẩy Lương đã được hỗ trợ tối đa. Không chỉ có các cơ sở nội thành Sài Gòn – Gia Định của đồng chí Sáu Vũ. Các cơ sở binh vận ở tất cả các tỉnh lân cận và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều được lệnh của Ban cùng tìm hiểu, phát hiện. Thuận lợi nữa, đồng chí Tư Chí trong lãnh đạo của Ban đã biết Tám “vô tư” khi cùng hoạt động ở Mỹ Tho. Đó là một cán bộ, Đảng viên rất trung kiên đã ra tù, vào khám của ngụy nhiều lần như đồng chí đã biết về ông Tám trước đây. Tuy nhiên, do lâu ngày đồng chí Tư Chí chưa gặp lại nên vẫn cần phải thẩm tra, nhưng Bẩy Lương vẫn tin rằng đây sẽ là một “đầu mối” đáng tin cậy. Chỉ mong sao bằng “tai mắt” của cả tập thể đã từng dầy dạn kinh nghiệm hoạt động bí mật sẽ sớm tìm thấy người bác họ này của Hạnh.
Điều mong mỏi ấy của Bẩy Lương, một tuần sau đã thành hiện thực. Không phải đâu xa, chính Z5, một cơ sở ở ngay trong nội thành Sài Gòn, người cùng quê và biết rõ lai lịch và thành tích hoạt động của ông Tám Thành đã phát hiện thấy ông. Ông Tám cũng đang ở ngay trong Sài Gòn. Qua thẩm tra, Z5 biết được đồng chí Tám “vô tư” vẫn đang tiếp tục hoạt động Cách mạng, nhưng ẩn tích dưới danh nghĩa là một “thầy lang” coi mạch, bốc thuốc gia truyền khá tín nhiệm.
Theo nguyên tắc hoạt động, Bẩy Lương không được trực tiếp gặp Z5. Nhưng qua đồng chí Sáu Vũ đã nghe Z5 báo cáo, anh đã biết rõ không chỉ có lai lịch của “thầy lang” này mà còn được biết nhiều chuyện cả về mối quan hệ giữa ông Tám và Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh.
Ông Tám Thành là bác họ bên bà nội Nguyễn Hữu Hạnh, hơn Hạnh khoảng 10 tuổi. Hồi trên 10 tuổi Hạnh đã ở nhà bác Tám để đi học. Bác đã từng kèm cặp, dạy dỗ Hạnh học thêm và hai bác cháu rất ý hợp, tâm đồng. Cách mạng tháng Tám thành công, Hạnh 19 tuổi rất hãnh diện được nhận chức thư ký cho bác Tám. Bác lo về quân sự phụ trách Mặt trận Kinh Xáng đi đâu cũng có khẩu súng sáu rất oai. Khi ấy Hạnh tự hào về ông bác của mình.
Đầu năm 1946, khi Pháp đã tái chiếm Mỹ Tho, nhiều cán bộ ở đây trong đó có bác Tám đã phải bỏ chạy sang Bến Tre. Khi ấy bác không kịp kéo Hạnh đi theo nên Hạnh phải bơ vơ ở nhà với ông nội. Lúc bấy giờ, quân Pháp thường đến ruồng bố ở Phú Phong nên Hạnh phải trốn lên Sài Gòn để tìm việc làm. Chưa tìm được việc làm thì có một người bạn tới lôi kéo rủ vào quân đội Pháp. Nhập ngũ xong, Hạnh được chuyển về cùng một đại đội với Dương Văn Minh.
Thế là, từ đó hai bác cháu ở hai trận tuyến chống đối nhau. Ở hai trận tuyến đó thấm thoát đến năm 1954 bác Tám đã là Huyện ủy viên. Còn Hạnh là Thiếu tá trong quân đội liên hiệp Pháp. Suốt thời gian ấy hai bác cháu đã không gặp nhau. Phải mãi 10 năm sau, tức năm 1956 bác Tám mới gặp lại Hạnh. Nhưng gặp trong một hoàn cảnh thật trớ trêu mà riêng với bác Tám đã từ quá đỗi ngại đến không khỏi nghi ngờ.
Chẳng là, dạo đó Trung tá Nguyễn Hữu Hạnh đang làm tham mưu trưởng cho Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch Thoại Ngọc Hầu truy quét quân giáo phái Cao Đài đang chống đối lại Ngô Đình Diệm. Ở đây, Hạnh hay tin bác Tám Thành bị quân của Diệm bắt đang bị giam trong xà lim tại khám lớn Sài Gòn.
Mười năm rồi không gặp lại bác Tám và không biết bác bị bắt trong hoàn cảnh nào. Còn lý do, Hạnh đoán biết chắc chắn vì bác đang hoạt động cách mạng. “Thôi lý do gì mình chẳng cần biết nữa, vì đó là lý tưởng và đường đi của bác. Nhưng vì tình bác cháu nhất là ân nghĩa trước đây, phải tìm cách gỡ cho bác ra khỏi nhà tù”. Hạnh nghĩ vậy và viên Trung tá Tham mưu trưởng chiến dịch này đã phải hạ cố tìm đến thằng “em út” cấp dưới của mình là Đại úy Tiên đang giữ chức Trưởng phòng nhì ở Phân khu của Hạnh:
- Tôi muốn nhờ Đại úy một việc. Tôi có người bà con tên là Nguyễn Tấn Thành bị bắt đang giam ở khám lớn Sài Gòn. Nhờ Đại úy đến đó tìm cách lãnh ông ra giùm tôi.
- Ông Tám có phải Việt Cộng không? - Tiên hỏi:
- Từ đầu năm 1946 đến nay, tôi không gặp lại. Trước đó ông là người phía bên kia.
- Vậy thì xin Trung tá đừng ra mặt nhận ông là họ hàng. Chỉ nhận ông Tám cùng quê ở Mỹ Tho.
- Ông đúng là ở cùng làng, cùng xã với qua.
- Thưa Trung tá, ông yên tâm. Tôi đã có cách cứu ông Tám mà Trung tá vẫn đứng ngoài cuộc. Đúng một giờ sau nữa, tôi xin trình diện tại văn phòng Trung tá.
Một giờ sau, Đại úy Tiên đã gõ cửa xin phép vào phòng làm việc của Hạnh với tờ công văn đã đánh máy trên tay.
- Xin Trung tá đọc duyệt và ký tên dưới công văn này, còn mọi việc sau đó tôi xin lo liệu.
Hạnh mừng thầm và đọc ngay:
“... Kính gửi ngài Giám đốc Nha Công an Việt Nam Cộng hòa. Bộ Tư lệnh chiến dịch Thoại Ngọc Hầu hay tin là quý Nha vừa bắt được một tên Việt Cộng là Nguyễn Tấn Thành. Chúng tôi đang cần khai thác gấp những tin tức thuộc khu vực mà bọn giáo phái Cao Đài đang ẩn náu như Mỹ Tho, Cần Thơ. Chúng tôi xin giới thiệu với ngài: Đại úy Trần Văn Tiên, Trưởng phòng tình báo của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Xin phép ngài cho Đại úy Trần Văn Tiên nghiên cứu hồ sơ. Nếu tên Nguyễn Tấn Thành hiểu biết nhiều về khu vực đang xảy ra chiến sự, chúng tôi hy vọng ngài cho chúng tôi lãnh nhận can phạm về khai thác.
TM Bộ Tư lệnh hành quân chiến dịch Thoại Ngọc Hầu
Tham mưu trưởng
Trung tá Nguyễn Hữu Hạnh”
- Đại úy khôn khéo lắm. Rất cảm ơn Đại úy.
Hạnh đọc xong, ngước lên mỉm cười nói với Tiên và cầm bút ký ngay vào tờ công văn. Tiên nâng tờ công văn, đứng nghiêm chào Hạnh rồi quay ra xe đi thẳng tới Nha Công an. Quả là với uy tín của Bộ Tư lệnh chiến dịch do Dương Văn Minh làm tư lệnh - người đã có công chỉ một tháng trong chiến dịch Hoàng Diệu trước đây đã quét sạch được Bình Xuyên, công việc mà suốt 8 năm Diệm không làm được, Tiên đã được viên giám đốc Nha Công an đón tiếp trọng thị và chấp nhận ngay yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch Thoại Ngọc Hầu theo như tinh thần công văn mà Hạnh đã ký. Ngay tối hôm đó viên Đại úy, Trưởng phòng tình báo của Hạnh đã đưa được bác Tám về Cần Thơ. Nguyễn Hữu Hạnh thầm mừng rỡ và hỏi Tiên mang ý thăm dò:
- Em nghĩ sao nếu qua đưa bác Tám về nhà riêng?
- Thưa, việc này tùy Trung tá, nhưng ngay bây giờ nếu muốn trả tự do cho bác Tám, tôi sẽ có cách lập hồ sơ.
- Cảm phiền Đại úy tiếp tục giúp tôi việc này. Bây giờ tôi về nhà trước. 15 phút nữa, Đại úy đưa bác Tám tới nhà tôi.
- Xin tuân lệnh! Tiên lại rập hai gót giày rồi quay ra. Xe của Tiên vừa ra khỏi cổng thì Hạnh cũng tự lái xe về nhà. Anh thông báo cho vợ con về sự sẽ có mặt của bác Tám ở nhà mình, xong thay quần áo thường phục sẵn sàng chờ.
Đúng thời gian quy định, Đại úy Tiên đã đưa bác Tám vào phòng khách ở nhà Trung tá Hạnh, xong lẳng lặng quay lui để lại cho “người tù” này thêm lần nữa sững sờ, ngạc nhiên.
Quả là đã “vô tư” như ông Tám, nhưng từ sáng tới giờ ông đã hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ông không biết vì lý do gì mà ông đang phải giam trong xà lim cấm cố bỗng nhiên bọn Công an lại lôi ông ra giao cho tình báo quân đội. Rồi vào trại giam quân đội vừa ngồi chưa ấm chỗ, chúng lại đưa ông tới phòng khách sang trọng này. Ông đặt ra nhiều giả thuyết mà chưa tìm ra lời lý giải xác đáng, chỉ còn biết tự nhủ mình: “Hãy giữ vững khí tiết, dù chúng tra khảo dã man hay mua chuộc, dụ dỗ...”.
- Con xin chào bác!
Ông Tám sững người thấy Hạnh từ trong nhà bước ra và liền nghĩ ngay: “Đây là chuyện đóng kịch, phải cảnh giác!”.
- A, thì ra đây là tư dinh của anh - ngài Trung tá Nguyễn Hữu Hạnh!
- Dạ, đúng đây là nhà con. Xin mời bác ngồi xuống rồi con sẽ thưa chuyện.
- Cháu định lãnh tôi về đây khai thác để lập công với tụi nó phải không? Nếu vậy xin mời ngài Trung tá cứ thi hành phận sự, dẹp bỏ xa-lông mà đem cùm kẹp, máy quay điện và cả máy chém tới đây.
- Thưa bác Tám. Lời dạy của nội con về “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” và câu nói: “Đừng làm việc gì mà mình không muốn người khác làm cho mình” con còn nhớ rõ. Con xin thề không động gì đến hoạt động của bác. Con tiếp bác trong gia đình như tiếp bác khi nuôi con trước đây, không muốn vì chuyện gì khác mà tình cảm của hai bác cháu ta rạn nứt.
Nghe Hạnh nói vậy và nhìn vào gương mặt nhất là đôi mắt thấy ở đó đang toát lên một tấm lòng đầy chân thực và nhân hậu, đôi mắt như đang nẩy lửa của bác Tám đã dịu xuống.
- Vậy thì được. Nè, bây giờ anh cho ta vào thăm tụi nhỏ được không?
- Dạ, con xin mời bác! - Hạnh đáp lời xong liền đưa ông vô nhà và gọi lũ con ra chào ông Tám.
Lũ con của Hạnh vốn lễ phép lại vừa được Hạnh gọi đến bảo: “Nhà ta sắp có ông Tám đến chơi. Ông là bác họ của ba và là người đã nuôi ba hồi nhỏ, các con phải quý trọng ông” nên bọn chúng đã lần lượt ra khoanh tay chào ông Tám. Không những thế, chúng còn quây tròn lấy ông ríu rít hỏi chuyện, làm cho ông Tám “vô tư” bỗng nhiên quên hết chuyện mình đang là “người tù” mà cảm thấy như đang được sống trong cảnh đầm ấm của gia đình khi Hạnh còn nhỏ. Lúc cùng Hạnh quay ra phòng khác ông mới vỗ vai Hạnh, hỏi:
- Anh có biết tôi là Việt cộng không?
- Dạ, biết!
- Vậy không sợ liên lụy sao?
- Con sẽ có cách. Nhưng bác Tám đã quy ước với con là không nói chuyện chính trị cơ mà.
- À, bác quên. Từ giờ phút này ta sẽ thực hiện nghiêm chỉnh “quy ước” đó.
Hạnh mỉm cười, bởi muốn qua cái “quy ước” này để bác Tám sống thoải mái trong nhà mình. Ngược lại Hạnh cũng có ý trong ba ngày bác sống ở đây chính là ba ngày để Hạnh tìm cách gỡ bác ra khỏi cảnh tù đày. Khi mọi việc đã ổn thỏa và để bác khỏi hiểu lầm, Hạnh đã phải nói khá dài để bác Tám hiểu rõ được ý định của mình:
- Bác thông cảm giùm con. Thâm tâm con chỉ muốn cứu bác, nhưng thủ tục rất phiền phức. Việc làm trước tiên để cứu bác là con đã tìm cách lãnh bác từ bên Công an về đây. Chuyện này và cả sự hiện diện của bác ở nhà con cũng chỉ có Đại úy Tiên và con biết. Tuy vậy con không thể để bác ở lâu ngày tại đây và cũng không thể trả tự do cho bác từ ngôi nhà này. Để được êm thấm, ngày mai con sẽ gửi bác xuống trại tù chính trị ở Cần Thơ. Anh ruột vợ con hiện đang làm giám ngục tại đó. Anh ấy sẽ bố trí để bác làm bồi bàn lo cơm nước cho anh. Đây là việc làm cần thiết cho hợp lệ và cũng là thời gian chờ đợi để anh ấy lo giấy tờ mà trả tự do cho bác.
Bác Tám ngồi lặng im. Bác tin những lời nói này của Hạnh là hoàn toàn thật lòng, không ẩn giấu một mưu mô gì nên đã xúc động nói với Hạnh:
- Đến bây giờ, bác càng thật hiểu lòng anh hơn. Xin cám ơn anh và mong rằng, anh sẽ mãi mãi nhớ lời ông nội của mình như anh đã nhắc lại với bác.
Đây cũng là lời chào của bác đối với người cháu họ của mình trước khi bác lên xe về trại tù chính trị ở Cần Thơ. Ở đó đúng một tháng sau, người anh vợ của Hạnh đã lo xong giấy tờ để bác được “xổ lồng” tiếp tục “tung cánh”...
Khi nghe Sáu Vũ kể về ông Tám “vô tư” và cả về nơi đang hành nghề của “thầy lang” này như vậy, Bảy Lương rất mừng. Anh hỏi tham khảo ý kiến anh Sáu Vũ:
- Nghe nói ông Tám này khó tiếp cận lắm. Theo anh nên làm cách nào để làm quen được với ổng?
Sáu Vũ cười:
- Anh cùng người miền Nam với ông Tám lại vốn là cán bộ đầu ngành ở một tỉnh, thế nào chẳng quen với một hai người cỡ lớn đã hoạt động với ông Tám để bắc cầu. Còn lần đầu đến với ông Tám, tôi nghĩ anh nên đóng giả vai “người bệnh” đến xin coi mạch, chẩn trị.
- Ý anh hay thiệt đó. Ngay chiều nay tôi sẽ là “người bệnh”.
Chiều hôm đó, Bảy Lương không ăn uống gì để cho người mệt phờ phạc và cũng bỏ bộ áo quần “ông chủ” đi tìm được nơi ở của “thầy lang” Tám “vô tư”. Anh khấp khởi mừng, bởi đã tìm được chính xác nhân vật mình đang cần gặp và kín đáo quan sát người “thầy lang” có gương mặt vừa nhân hậu lại vừa kiên nghị khi đợi tới lượt mình vào để thầy hỏi bệnh.
- Nào mời bệnh nhân cuối cùng. Ông bệnh gì?
- Dạ, thưa thầy tôi bị đau ngực, tức thở suốt hai tháng này, trị thuốc gì cũng không lành.
- Ông đưa tay trái ra đây để tôi coi mạch thử.
Ông Tám đặt ba ngón tay lên cổ tay Bảy Lương, nhưng mắt lại tập trung quan sát “thần sắc” của bệnh nhân. Vừa buông tay thầy liền nghiêm mặt bảo:
- Ông rất khỏe. Tỳ, phế, thận đều tốt đâu có bệnh gì. Chắc ông đến đây định thử tay nghề của tôi?
- Dạ, thầy bảo tôi không có bệnh là rất đúng. Nhưng tôi đâu dám đến để thử tài của thầy mà cũng qua vai “con bệnh” để gặp thầy về một chuyện khác.
- Tôi chỉ là môn đệ của Lãn Ông, thọ thế để trị bệnh, cứu người chứ có biết chuyện gì khác nữa đâu mà ông đến nhờ tôi.
Bảy Lương biết rằng ông Tám “vô tư” đang cảnh giác, sợ bọn mật vụ của địch đến để dò xét mình nên anh liền khéo léo “lật ngửa bài”.
- Thưa đồng chí Tám Thành. Tôi là Bảy Lương ở chỗ anh Bảy Dự và anh Tư Chí hôm nay đến gặp đồng chí muốn được đồng chí cộng tác với chúng tôi về việc xây dựng cơ sở Nguyễn Hữu Hạnh. Thưa, đây có thư của anh Tư Chí.
Đã quan sát Bảy Lương, thấy người này không phải dạng mật vụ đến để dò xét mình lại nghe thấy có thư của Tư Chí, ông Tám “vô tư” liền thay đổi thái độ đôi chút:
- Tư Chí nào nhỉ? Tôi có quen biết ai là Tư Chí đâu?
- Dạ, anh Tư Chí là Nguyễn Hữu Chí cùng hoạt động với bác Tám, có dạo đã là Tỉnh đội trưởng Mỹ Tho và hiện nay là một trong những cán bộ lãnh đạo của Ban binh vận Miền. Hôm nay, chính anh Tư cử tôi tới đây đề nghị bác cộng tác với chúng tôi “bắt mối” với Nguyễn Hữu Hạnh. Sở dĩ Ban binh vận có ý định này vì qua chuyện đám tang của cha đẻ Đại tá Hạnh và biết bác là bác họ rất có uy tín với Hạnh. Không những thế Đại tá Hạnh đã không sợ liên lụy dám cứu bác ra khỏi khám Chí Hòa.
Nghe Bảy Lương nói đến những điều “cốt lõi” như vậy lại đã đọc thư của Tư Chí, tuy chỉ ít dòng ngắn ngủi, nhưng ông Tám đã nhận ra nét chữ và nhất là cái chủ định rất có lợi cho cách mạng nên đến lúc này ông Tám mới thật tin và bắt đầu cởi mở với Bảy Lương.
- Thôi được, anh về nói với anh Tư Chí để chuyện này tôi suy nghĩ thêm đã. Bởi lâu nay tôi chỉ có quen với cái việc “cứu nhân độ thế” tại đây. Nhưng anh đã đến để “coi bệnh” thì bây giờ, tôi sẽ kê cho anh một “toa” thuốc. Anh về ra tiệm thuốc bắc cân sắc uống hết ba thang rồi đến tôi “coi mạch” lại cho.
- Dạ, rất cám ơn thầy! Bảy Lương rất mừng, bởi như thế là ông Tám đã nhận lời. Nhưng rõ ràng, ông cho đơn và hẹn ngày đến “coi bệnh” lại là để che mặt những kẻ tò mò và cũng để ông còn xin ý kiến của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Hiểu được ngụ ý đó, anh yên tâm lễ phép cáo từ thầy ra về.
- Nhớ uống thuốc đúng giờ và kiêng cử như tôi đã dặn.
Ông Tám dặn to Bảy Lương để cho mọi người xung quanh nếu có chú ý đến “người bệnh” này đều nghe rõ khi anh bước ra khỏi nhà.
Bảy Lương về rồi, còn một mình ông mới bình tâm ngồi suy ngẫm lại về Nguyễn Hữu Hạnh. Ông điểm lại các biểu hiện thuộc về tư chất của Hạnh từ hồi còn nhỏ, về việc cứu ông ra khỏi nhà tù, về chuyện đám tang của cha Hạnh và những chuyện Hạnh nổi sùng với các cố vấn Mỹ bởi lòng tự trọng của một sĩ quan Việt Nam cộng hòa mà ông đã nghe được. Tổng hợp lại, ông đi đến kết luận: “Hạnh là người nhân hậu, luôn giữ vững khí tiết dòng dõi nhà nho, có tinh thần dân tộc, yêu nước, nhưng đã lạc hướng, lầm đường để thực hiện lý tưởng, ta có thể giác ngộ để lôi kéo Hạnh về phía Cách mạng”.
Từ kết luận đó, ông đã giả việc đi “coi mạch” cho “người bệnh” ở xa nhà mình để tìm đến báo cáo với cấp trên về đề nghị của Bảy Lương. Được trên nhất trí và khuyến khích. Ba ngày sau khi Bảy Lương đúng hẹn tới để “coi bệnh” lại, ông Tám đã tiếp đón anh rất thân tình. Từ đó “thầy lang” và “người bệnh” đã như đôi tình nhân đắm mình vào mối tình mới nảy nở cùng bám sát Nguyễn Hữu Hạnh.