Nữ tướng thời Trưng Vương
Tác giả: Nguyễn Khắc Xương
Chương 1 THÁNH THIÊN: NỮ TƯỚNG
Trong đêm thanh vắng của đêm trăng suông vẳng lên tiếng vó ngựa trên mặt đường. Eo óc gà gáy rộn lên rồi tắt, nhưng tiếng vó ngựa không tắt mà lại càng rõ, càng vội, càng lúc càng gấp.
Trên ngựa ; một tên lính đô hộ cuối rạp mình, mặt sát vào bờm ngựa, tay cầm một thanh đao to bản và ngắn, sống dày có đường gờ nổi lên là kiểu đao thông dụng của quân lính đô hộ trong các huyện miền Hải Đông, quận Giao Chỉ.
Chợt có tiếng mõ nổi lên cắt ngang tiếng vó ngựa. Mặt đường ngập trăng, lố nhố những người cầm giáo và gậy. Có tiếng quát : " Ai đó ? Xuống ngựa ! ".
Con ngựa chồm lên, hất tung hai vó trước lên trời rồi đập mạnh xuống mặt đất, dừng lại, mũi thở phì phì. Tên lính đô hộ dướn thẳng người trên mình ngựa cất cao giọng nói tiếng Việt rất sõi : " Cho ta đi, có hỏa bài của Sái huyện úy đây !".
Nghe nói tới hỏa bài của huyện úy, đám người cầm giáo vây kín lấy tên lính đô hộ và tiếng lào xào nổi lên. Tên lính hỏi, giọng hách dịch : " Đây là đâu ? Các anh là tuần dũng làng nào ? ". Một người nói buông thõng : " Làng Kèo ! ". Tên lính Hán tỏ vẻ vui mừng : " Kèo rồi à ? Được, được ! ", bèn hất chiếc nón rộng vành xuống đất và nói : " Đây, anh em cả đây, hãy cho xin bát nước đã ! ". Mọi người đưa tên lính vào điếm. Ánh đuốc bật lên.
Một lát sau, tiếng ngựa lại rộn vang trong đem cuối thu trời se lạnh. Ba con ngựa như ba mũi tên lao đi, và một người trong bọn cất tiếng : " Không phải tới Sêu nữa ! Tới ngã ba Cây đa, chúng ta rẽ tay phải ! "
* * *
Nàng chủ ngồi im lặng, cặp mắt đen láy nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt người lính đô hộ hay đúng hơn người lính Việt ở huyện mặc bộ binh phục Hán. Nàng chủ lại mỉm cười hiền hậu khi thấy người này không chịu nổi ánh mắt của mình vội cuối đầu xuống. Trầm ngâm một lúc, nàng quay lại nhẹ giọng nói với một nữ vệ quân đứng mé sau : " Em Nắp à, mời Nguyễn đầu mục tới ! ".
Người lính huyện không khỏi ngạc nhiên khi thấy Nàng chủ vẫn thản nhiên như không trước một tin quan trọng và khẩn cấp như thế. Trước ánh sáng của những đĩa đèn dầu dọc, khuôn mặt Nàng chủ như vầng trăng hiện ra trong một đêm trời quang đãng, với đôi mày đen nhánh, đôi mắt trầm tư và cặp môi mỏng màu hoa đào.
Người lính có tuổi cuối đầu không dám nhìn lâu khuôn mặt đẹp đẽ ấy, khuôn mặt vừa hiền từ vừa nghiêm trang của người con gái mới 19 tuổi mà dân trong toàn huyện đều chỉ tôn xưng là Nàng chủ, chẳng ai dám gọi tới tên huý của nàng là Thánh Thiên.
Người con gái ấy mồ côi cả bố lẫn mẹ. Từ năm 16 tuổi, Nàng đã cầm đầu dân chúng một vùng, bắt trói viên quan từ huyện về đòi khám muối các nhà, và chống lại lệnh nộp vải quả, trâu và người làm cống phẩm gửi đi Tràng An. Vụ mùa năm ngoái, Sái Ngạc Hoa mang quân tiễu phạt Thánh Thiên, hai lần đánh đều vứt giáo quay về.
Nguyễn đầu mục hỏi người lính huyện : " Bác Nhạc à, quan quân từ Phủ đô uý về do tên nào cầm đầu ? "
- " Mã Giang Long, tên này vẫn tự xưng là Hổ Mắt Đỏ, vì tính tình hắn hung dữ mà hay rượu, mắt lúc nào cũng đỏ vằn lên. Trong số tám trăm quân hắn mang về, có đội thân quân chuyên dùng khiên da trâu và đao ngắn là lợi hại hơn cả ". Nàng chủ cất tiếng : " Mã Giang Long, ta vẫn có nghe nói tới hắn. Nhưng hữu dũng vô mưu, hắn cũng không đáng sợ lắm ! ". Người lính huyện gật đầu : " Mã Giang Long tự cao, hống hách và cậy khỏe, nhưng hắn có một tên mưu sĩ mặt choắt như mặt dơi rất thâm hiểm. Tôi chắc lần này, chúng dùng kỳ binh đấy, ta chớ coi thường ".
Bác Nhạc đứng dậy : " Tôi phải về. Xin Nàng chủ cẩn thận giữ gìn. Lần đánh này không phải như hai lần trước đâu. Mã Giang Long sẽ cất quân ngay đêm mai và mở trận đánh trước lúc trời sáng ".
Mã Giang Long chỉ huy tám trăm quân từ Phủ đô úy về, hợp với năm trăm quân của Sái Ngạc Hoa, chia quân làm ba đạo tiến đánh Thánh Thiên.
Đạo thứ nhất do Sái Ngạc Hoa cầm đầu tiến thẳng đến làng Sêu là căn cứ của Thánh Thiên.
Đạo thứ hai do Mã Giang Long chỉ huy năm trăm thân binh mở một mũi nhọn bất ngờ thọc vào mặt sau căn cứ.
Đạo thứ ba do phó tướng Chu Bảo Ngọc sẽ đánh vào phía đông căn cứ, làng Trạm.
Sau khi Sái Ngạc Hoa mở cuộc tập kích bất ngờ thì Mã Giang Long cho bắn tên buộc mồi lửa vào làng Sêu rồi đưa thân binh tiến vào dùng đoản đao đánh giáp lá cà quét giết nghĩa quân và dân chúng trong cơn hoảng hốt.
Mã Giang Long hạ lệnh bắt sống Thánh Thiên.
Giặc định đánh bất ngờ nhưng quân ta lại biết trước.
Phán đoán giặc đánh đêm tất phải dùng nghi binh, Thánh Thiên bèn rút quân chủ lực về đóng ở Trạm và giao Nguyễn đầu mục cầm đầu một đội nghĩa quân phục ở cánh đồng phía Tây làng chờ khi lửa cháy ở Sêu thì bọc vào đánh Mã Giang Long.
Việc cầm cự trong làng giao cho nữ đầu mục Ngọc Thuyền.
Lại nói Mã Giang Long thấy tên lửa bắn vào làng Sêu đã gây những đám cháy lớn vội thúc quân tiến mau : trống trận nổi vang trợ oai cho quân Mã xông vào làng. Trong làng, tiếng tù và của nghĩa quân cũng vang lên inh ỏi. Mã Giang Long tiến sâu vào làng chỉ thấy tre đổ ngổn ngang, ngõ sâu hun hút, tên từ các ngách bắn ra mười phát trúng chín. Quân Mã chùn lại, đoản đao không gặp địch thủ. Mã đang lúng túng thì thấy Sái Ngạc Hoa hoảng hốt chạy tới nơi : " Chu Bảo Ngọc đã bị Thánh Thiên chém rụng đầu rồi. Quân ta đang bị vây khốn. Tướng quân hãy rút mau, nếu chần chừ sẽ bị nguy hại đấy ! ". Sái vừa dứt lời thì Mã đã thấy quân Nam từ ngoài vào, từ trong các ngõ xông ra, quây kín quân Mã. Đội thân binh liều chết mở đường máu đưa Mã Giang Long ra khỏi trận.
Trận đánh này, Thánh Thiên tuy không bắt được Mã Giang Long nhưng đánh bại quân của Phủ đô úy. Oai danh Thánh Thiên trăm phần lừng lẫy, dân chúng các nơi đều phấn khởi, hào kiệt xứ Hải Đông tìm đến ứng nghĩa dưới cờ của Thánh Thiên.
Quân Hán tiến đánh quân Nam nhiều trận, chặn các ngã đường, cướp phá thóc lúa, cấm chợ ngăn sông. Thánh Thiên một hôm họp với các đầu mục, nói rằng : " Ta xem vùng này là bình địa, bốn mặt thụ địch, nếu ta đánh lâu tất có cái nguy bị diệt vong. YÙ ta muốn tìm nơi hiểm địa lập căn cứ mới, các đầu mục nghĩ thế nào ? ". Bàn tán một hồi, mọi người nhất trí đi tìm địa bàn hoạt động mới, tạm rời quê hương. Bấy giờ có Lý đầu mục xin đưa Thánh Thiên về thăm đất ở huyện Bắc Đái (nay là tỉnh Hà Bắc) là vùng Lý đầu mục có nhiều họ hàng và người quen biết.
Mùa thu, Thánh Thiên cùng Lý đầu mục và một số nghĩa quân thân tín đóng vai khách thương quang gánh lên đường, từ biển tìm lên rừng. Chẳng bao lâu, các hào kiệt đã tới vùng đất mới, chỉ thấy rừng tiếp rừng, đồi núi hoang vu, ngàn lau san sát, làng xóm thưa thớt rải rác từng chòm, nhà thì vách nứa, cột lim, lại có những xóm trâu buộc cột nhà, lợn thả dưới sàn. Khi đi đường thỉnh thoảng họ lại nghe có tiếng mõ lốc cốc. Lý đầu mục nói đó là mõ trâu. Không còn thấy nữa những cánh đồng bát ngát, những bến sông tấp nập, những thôn làng trù phú với lũy tre bao quanh. Cảnh đẹp vẻ hoang sơ, mỗi bước chân đi quang cảnh lại một khác, không bằng phẳng đồng điệu như ở đồng bằng. Thánh Thiên lần đầu tới vùng đồi núi không khỏi bỡ ngỡ, nhưng nàng không chỉ ham mê cảnh lạ mà suy nghĩ tìm một nơi lập căn cứ có thế công thủ lâu dài.
Một buổi chiều, Lý đầu mục đưa Thánh Thiên cùng các bạn chiến đấu vượt qua mấy quả đồi lau lần bước theo một lối hẹp ven gò. Những bông lau màu tím bạc đọng ánh nắng chiều óng ánh loà xoà che khuất lối chen với cỏ gianh cây dại. Mọi người phải lấy tay gạt, dao phát mới đi được. Bước lên một quả đồi hoang trọi chỉ nhìn thấy những tản đá lớn nhỏ nằm ngồi ngổn ngang, mọi người có thể thu được cảnh vật khắp vùng vào trong tầm mắt. Lý đầu mục chỉ những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện sau lớp cây rừng xa xa nói với Thánh Thiên : " Kia là Trại Cỏ, người anh em tôi ở đó. Cách Trại Cỏ một thôi đường là Trại Hái và gần đó là Trại Cây Lai. Ba trại này ở theo thế chân kiềng trong lòng rừng núi, gần dòng sông Nhật Đức. Trước kia, nơi đây chỉ có lợn rừng và cọp, sau rồi những người đói khổ, những kẻ tội đồ và các khách giang hồ lục lâm mới tìm đến lập trại. Địa thế vùng này vừa hiểm vừa kín, lại là đầu mối nhiều ngả đường xuôi ngược, dân ở đây ngang tàng, thích nói thẳng và ưa sức mạnh ". Thánh Thiên đưa mắt ngắm xem địa thế, lại nghe Lý đầu mục chỉ dẫn, vừa ý gật đầu. Mọi người cùng nhau rảo bước về phía Trại Cỏ.
Tới bên một khe nước lượn quanh co, Thánh Thiên thấy hai người con gái trạc tuổi mình đang bắt cá khe. Những con cá nhỏ vảy đen lượn đặc dưới chân những tảng đá rêu xanh. Một cô cầm cây gậy chọc vào các khe đá dồn cá xuống một cái vũng mà các cô đã lấy đá xếp chặn lại. Cô gái kia nhỏ tuổi hơn, cầm một thứ đồ đan bằng tre xúc lấy cá đổ vào một đống lá xếp trên bờ. Khi thấy những người lạ đi tới, hai cô ngừng tay chăm chú nhìn. Các cô đặc biệt ngắm nghía Thánh Thiên rồi vụt chạy về phía xóm. Chốc lát nghe có tiếng mõ gõ đổ hồi. Lý đầu mục mỉm cười : " Họ sắp tiếp đón chúng ta đó ! ".
Thu qua đông tới, Khu Ba trại đã trở thành căn cứ của nghĩa quân Thánh Thiên. Mọi người đốt rừng làm nương, mùa xuân tra hạt, mùa hạ gặt lúa. Nhiều tràn ruộng dộc đã được cuốc và cấy lúa hai vụ. Thánh Thiên cho đi mua trâu về thả hàng đàn, lại đón người về mở xưởng lò rèn nông cụ và khí giới. Tới khi gặt lúa vụ thu thì quê hương mới của Thánh Thiên đã đông vui, Thánh Thiên tiếp tục mở rộng căn cứ, tích trữ lương thực, một dải núi dài Yên Dũng, huyện Bắc Đái đã trở nên thành lũy kiên cố của những người dân Việt bất khuất mài gươm rèn giáo chờ buổi diệt thù.
Thánh Thiên có năm đầu mục, trong đó có một nữ đầu mục là Nguyễn Ngọc Thuyền, người cùng họ, hơn Thánh Thiên hai tuổi và bốn vị đầu mục Nguyễn, Lý, Trần, Lê, đều đứng tuổi đã có vợ con. Tối hôm đó các đầu mục được mời đến để tiếp khách ở đại trại. Xôi thơm phưng phức, thịt lợn rừng chấm muối, rượu nếp men lá, đèn đuốc sáng trưng, mọi người chuyện trò thân mật. Khách tự xưng họ là Đào Quang Thái, đầu mục của Trần Công. Sau khi nghĩa quân Yên Tử bị đánh thất tán, Đào Quang Thái bị giặc bắt giữ, tra tấn nhục hình rồi đưa vào đoàn phu đi khai mỏ An Bình, Đào Quang Thái xúi giục mọi người đánh giết quan quân áp giải rồi bỏ trốn. Nghe mong manh Trần Công đang len lỏi ở vùng rừng núi Yên Dũng, Đào Quang Thái bèn tìm tới vùng này. Khách nói : " Tôi đã đuợc nghe Trần chủ tướng nói về cháu gái là Thánh Thiên. Tôi không ngờ tới đây lại được gặp nữ hào kiệt ". Mọi người vui vẻ nâng chén rồi bàn cách tìm gặp Trần Công.
Một tháng sau, hai cậu cháu Thánh Thiên gặp nhau trong một xóm nhỏ ở Ký Hợp. Trần Công nói : " Ta không sợ thất bại, nhưng giặc kia đã đóng kín toàn cõi Giao Châu, đè đầu cưỡi cổ dân ta ngót hai trăm năm. " Trứng chọi với đá " khó lắm ! ". Thánh Thiên nói : " Ngày nay đâu phải chỉ có cậu cháu ta dám mưu việc lớn ! Chốn chốn nhân dân bất bình, lời hờn căm nói ra miệng. Giặc càng vơ vét càng hà hiếp, nhân dân càng căm phẫn. Bốn bề đang như nồi nước bắt đầu sôi ! Không đứng dậy lúc này còn chờ lúc nào nữa ? ". Thánh Thiên và Đào Quang Thái ở lại với Trần Công ba ngày bàn tính mọi việc.
Sau đó, Thánh Thiên lại đến đất Ký Hợp bốn tháng cùng cậu xây dựng căn cứ tụ nghĩa, đưa Lý đầu mục đến giúp cậu. Đào Quang Thái cũng về với chủ tướng, Thánh Thiên bàn với cậu mộ dân lưu tán vỡ đất làm ruộng lấy lương và tổ chức nghĩa binh. Sau đó Thánh Thiên lại nói với cậu : " Muốn lật đổ nền đô hộ ngoại tộc, phải biết nhẫn nại, dưỡng uy xúc nhuệ chờ thời cơ thuận lợi. Nếu giặc Hán mạnh kéo đến, ta chớ khinh địch, tạm lánh đi là hơn. Căn cứ của cậu cháu ta xa nhau, xin cậu cẩn thận giữ gìn, khi tán khi tụ, lúc này chưa nên bàn chuyện ra quân vội ". Ông cậu nhất nhất nghe lời. Hai cậu cháu và các vị đầu mục chuyện trò cho tới khi gà gáy sáng mới thôi.
Giặc Hán hoảng hốt trước các cuộc nổi dậy của nhân dân càng thẳng tay đàn áp. Chúng càng đàn áp nhân dân càng bất bình. Phu khai mỏ, phu chuyển cống phẩm, phu xây dựng thành lũy dinh thự cho giặc càng ngày càng bỏ trốn nhiều. Những vụ phu trói đánh quan lính đô hộ rồi bỏ đi cả đoàn đã xẩy ra ở nhiều nơi.
Thánh Thiên nhận định lúc này phất cờ khởi nghĩa sẽ thắng lợi. Thánh Thiên hội quân với Trần Công ở Ký Hợp. Ngày rằm tháng Ba, nghĩa quân tế cờ khởi nghĩa Trần Công được tôn là Nam Thành Vương và Thánh Thiên được suy tôn là Thiên Nữ. Các vị đầu mục cả nam lẫn nữ đều phong là tướng quân.
Ngày mười sáu, nghĩa quân tiến đánh trại lương của giặc ở chân núi Lạng Thái, giết một viên phó tướng và nhiều lính đô hộ, thu hai chục ngựa chiến và hai ngàn hộc thóc.
Ngày mười bảy, nghĩa quân phục ở đường hẻm Đào Thâu, đánh giết quan quân áp giải, cứu thoát nhiều người bị địch bắt lao dịch, cướp được nhiều trâu mộng và gỗ quý.
Ngày mười chín, nghĩa quân xuôi sông Nhật Đức đánh đồn Tháp Khẩu là đồn chứa lâm thổ sản của giặc giành lại nhiều bè gỗ lim, táu và chò hoa, cùng các kho móc, mây, nâu, khúc khắc, mật ong, lông trĩ và bảy bộ da cọp.
Nam Thành Vương và Thiên Nữ đánh trận nào thắng trận nấy. Nhân dân các nơi mong mỏi nghĩa quân, dắt trâu gánh gạo đến dâng nộp nghĩa quân.
Trước những cuộc nổi dậy liên tiếp của nhân dân Âu Lạc, thêm việc bắt tráng đinh, thợ khéo, nô tì và thu nộp cống phẩm của Giao Chỉ để đưa về Tràng đô, đều bị chậm trễ và thiếu hụt, vua Hán nổi giận triệu thái thú Giao Chỉ về trị tội và cử tên Tô Định sang thay thế.
Tô Định là một tên quan đại gian đại ác, lòng tham vô đáy. Hắn cho rằng tình hình Giao Chỉ sở dĩ rối loạn chính vì tên thái thú cũ " mềm " quá, còn chưa hiểu nổi như hắn rằng cái giống " Nam man " ( !) cõi lĩnh Ngoại này là phải trị thẳng tay, phải đàn áp bằng sắt và máu, phải vơ vét cho thật kiệt quệ. Hắn sang Giao Chỉ không có gì đổi mới trong chính sách mà càng đàn áp khốc liệt hơn và bóc lột tàn nhẫn hơn. Hắn bắt hàng vạn phu để xây thêm thành lũy, lập cung lầu tráng lệ, hắn mộ bọn cướp núi, tướng rừng ở hai quận Điền, Quế sang Giao Chỉ bổ sung cho quân lính đô hộ, hắn vét vàng bạc châu báu của các lạc tướng và huyện lệnh người Việt. Phủ thái thú có nhiều đồ quý chất như núi, tiền của nhu nước. Nô tì của Tô Định có hàng trăm.
Thánh Thiên nhận định rằng thế nào Tô Định cũng cất quân đánh dẹp quân khởi nghĩa, bèn bàn với Nam Thành Vương củng cố lực lượng ở Ký Hợp, còn mình thì về Kinh Môn chiêu mộ nghĩa binh, lập thêm căn cứ và mở rộng hoạt động bên sông Hồng. Thánh Thiên dặn đi dặn lại Nam Thành Vương không được khinh địch và phải đề phòng Tô Định đánh bất ngờ.
Nhưng Thánh Thiên vừa đi khỏi Ký Hợp được ba ngày thì Tô Định thân đem đại quân đến đánh NamThành Vương. Gà chưa gáy sáng, quân Tô Định đã ồ ạt tràn vào Ký Hợp. Quân Nam chống lại quyết liệt. Nam Thành Vương bị vây khốn, tử trận ngay trên mình ngựa, tay không rời kiếm. Đào tướng quân tả xung hữu đột, khắp mình thương tích, cướp được xác Nam Thành Vương đặt lên ngựa, đi chân đất múa thanh kích, không cho giặc xâm phạm thi hài chủ tướng. Đào đang trong cơn nguy khốn thì nữ tướng Ngọc Thuyền phóng ngựa tới cùng Quang Thái xông xáo như hai con hổ dữ giữa đàn dê, cuối cùng đưa được thi hài Nam Thành Vương vào một khu rừng hẻo lánh. Chôn cất cho Nam Thành Vương xong, Đào Quang Thái nghiến răng dậm chân mà rằng : " Ta không bảo vệ được chúa công, quân tan chúa mất, còn sống làm gì nữa ? " bèn rút kiếm ngắn định đâm vào họng mình. Ngọc Thuyền vội đưa tay gạt kiếm mà nói : " Chết thì dễ, nhưng nếu hiền huynh chết, giặc lại càng mừng, hỏi chết như thế có ích lợi gì hay chỉ mang cái tiếng hèn nhát ? Chi bằng ta thu thập tàn quân về Kinh Môn tạ tội với nữ chủ soái, xin lập công chuộc tội, lấy máu giặc mà trả thù cho Nam Thành Vương chẳng hơn ư ! ". Đào Quang Thái nghĩ ra, bèn tạ lỗi với Ngọc Thuyền, rồi hai người tìm đón các nghĩa quân tản lạc, kéo về Ba Trại gặp Lý đầu mục.
* * *
Khu Ba Trại có tên chữ là Ngọc Lâm, nhưng nhân dân ở đấy vẫn quen gọi là Ba Trại. Ba Trại thoạt đầu nằm gọn trong lòng một vùng đồi hoang rộng, ít người biết tới, còn tên Ngọc Lâm là chỉ chung cả vùng này. Ở rừng Ngọc tuy chưa ai tìm thấy ngọc nhưng của rừng thì quý giá vô vàn. Đây thật là nơi anh hùng dụng võ vì địa thế hiểm trở, đường lối quanh co, nhiều tràn lầy trên khô dưới thụt. Lau và cỏ dại mọc đầy. Sông Nhật Đức cuồn cuộn đổ về xuôi lượn sát khu Ba Trại.
Lý tướng quân trấn giữ căn cứ quan trọng này là người mưu trí, quen thuộc thung thổ, được nhân dân địa phương vô cùng quý trọng. Khi tiếp Đào tướng quân và Ngọc Thuyền nữ tướng, Lý tướng quân an ủi hai người, lại khen họ là có công bảo vệ được thi hài chủ soái.
Sau đó, Lý tướng quân dục Đào Quang Thái đi nghỉ vì Đào tướng quân thương tích khắp mình, cơn sốt nổi lên nóng bừng bừng cả người, lại bảo Ngọc Thuyền về ngay Kinh Môn báo tin báo tin dữ cho Thiên Nữ được hay.
Thánh Thiên nhận được tin Ký Hợp thất thủ vội đi suốt ngày đêm về Ngọc Lâm. Các tướng ra đón, mọi người bàn ngay việc bố phòng căn cứ. Tô Định đánh xong Ký Hợp, bắt dân chúng chém giết, không từ đàn bà, trẻ nhỏ. Dân chạy trốn tìm về Ngọc Lâm. Các tướng đều căm giận, ai nấy hăm hở xin với Thiên Nữ cho tiến đánh Tô Định. Thánh Thiên đoán chắc Tô Định sẽ thừa thắng đánh Ngọc Lâm luôn, bèn họp các tướng bàn kế bố phòng đợi giặc.
Quả nhiên, Thánh Thiên vừa họp xong với các tướng được hai ngày thì Tô Định mang quân đến Ngọc Lâm cờ giong trống đánh, khí thế nghênh ngang tự đắc. Quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng tiến đánh Tô Định. Ai nấy đều thề trả thù cho Nam Thành Vương và dân chúng Ký Hợp bị giặc tàn sát. Tô Định đắc chí, khinh địch, đóng quân lại nghỉ, đưa thư cho Thánh Thiên dụ đầu hàng, và dọa nếu trái lời thì : " Ngọc đá đều tan, bắt Thiên Nữ dong về hầu hạ ! ". Các tướng được thư đều nổi giận bừng bừng đòi mang quân đánh ngay với Tô Định một trận sống mái.
Thánh Thiên bảo với các tướng : " Giặc coi thường ta, thế là ta sẽ thắng đấy. Lúc này mà xốc nổi là hỏng việc. Nay ta đưa thư ôn tồn xin khất một hai ngày nhưng chỉ tối nay sẽ đánh ngay vào đại trại bắt sống Tô Định, các tướng nghĩ thế nào ? ". Mọi người đều kính phục Thiên Nữ suy nghĩ sâu xa. Thiên Nữ bèn cho người mang trâu rượu đến cửa quân Tô Định xin hạn trong hai ngày sẽ trả lời. Tô Định càng giương giương đắc chí, cho quân mổ trâu sắp rượu, cùng các bộ hạ say sưa chè chén chờ lúc Thiên Nữ đến hàng. Chẳng ngờ tiệc rượu vừa tàn, quân tướng mê mệt, cờ trống trễ tràng, chợt tù và rúc vang, trống khua như sấm, quân Nam bốn mặt ập tới, gươm chém giáo đâm không khác thiên thần từ trời rơi xuống, ma vương tự đất chui lên, tung hoành chém giết, bao nhiêu căm giận bấy lâu trút hết vào đầu giáo, lưỡi đao.
Quân của Tô Định vốn là quân thiện chiến của Trường Sa, Quế Dương, đi với Tô Định trận này lại có Mã Giang Long và đội thân binh của hắn, nhưng vì bị đánh bất ngờ trong khi không phòng bị, tướng say quân mệt nên Tô Định không sao giữ được cho quân khỏi đại bại.
Mã Giang Long hò hét đội thân binh liều chết chặn đường cho Tô Định rút chạy. Chợt Mã thấy một tướng dừng ngựa sát ngay bên mình, y tròn mắt nhìn thì ra đó là một người con gái mặc võ phục màu đen, ngực mang yểm tâm kính bằng đồng chạm hình đầu hổ. Nữ tướng mày cong, mắt sếch, lẫm liệt uy phong, tay vung đôi kiếm. Mã đưa đao chặn kiếm, quát hỏi : " Mày có phải là con hổ dữ Thánh Thiên đó không ? ". Nữ tướng dựng ngược mày ngài nói : " Ta là Ngọc Thuyền đây. Nữ chủ soái ta đâu có để gươm bẩn máu hạng mày. Trông đây ! ". Chỉ thấy gươm lòe ánh chớp, bảo đao của Mã Giang Long rơi ngay xuống đất. Mã vội rút kiếm bên sườn nhưng kiếm chưa ra khỏi vỏ, đầu Mã Giang Long đã rụng bên chân ngựa.
Bấy giờ các tướng của Thánh Thiên phấn chấn thần oai chém giết quân giặc thế như chẻ tre, như ngả rạ, dồn địch về bên sông Nhật Đức.
Cuộc hỗn chiến bên sông diễn ra vào lúc trời tờ mờ sáng. Máu giặc loang đỏ mặt sông.
Trận này Tô Định thoát chết.Về được Phủ thái thú, y ốm nằm liệt giường suốt ba tháng.
* * *
Sau trận đại phá quân Tô Định ở Ngọc Lâm, Thánh Thiên lại về Ký Hợp, xây mộ dựng bia cho cậu là Nam Thành Vương Trần Lộ. Thánh Thiên dựng đồn đắp lũy, lại mộ thêm quân, trữ lương thực, xây dựng căn cứ Ký Hợp thành một căn cứ quan trọng. Tiếng tăm Thánh Thiên lừng lẫy cả quận Giao Chỉ. Khắp hai huyện Long Biên, Bắc Đái bọn quan quân đô hộ nghe nhắc tới Thánh Thiên là tái mặt, rụt cổ, nhớn nha nhớn nhác.
Từ Ký Hợp, Thánh Thiên đem quân đánh phá các đồn trại của địch. Tô Định, sau trận Ngọc Lâm, chỉ co mình ở Phủ thái thú. Suốt từ đó cho tới khi y bị Hai Bà Trưng đánh bại ở Luy Lâu phải chạy về Nam Hải, y không bao giờ cầm quân ra trận nữa. Y giao mọi việc tiễu phạt các đạo quân khởi nghĩa cho Phủ đô uý và các huyện lệnh, huyện úy. Y chỉ phát lệnh và ngày càng vơ vét cho đầy túi tham, càng đắm mình trong các cuộc truy hoan, càng làm đổ máu nhân dân vô tội.
Quan quân đô hộ cũng không còn tên nào dám lần đến Ngọc Lâm và Ký Hợp 1.
Chú thích:
(1) Thánh Thiên không những là một đại công thần khai quốc mà còn là một tướng lĩnh cao cấp đã được Hai Bà Trưng giao phó những trọng trách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mã Viện. Truyền thuyết dân gian cho biết chính Thánh Thiên đã đánh tan quân Mã Viện ở Hợp Phố và sau đó đã dự trận Lãng Bạc với Hai Bà Trưng. Cũng có truyền thuyết nói Thánh Thiên đã chặn đánh quân Mã Viện ngay ở Quỷ Môn Quan (Lạng Sơn) khiến Mã Viện phải lui lại và tìm đường khác vào Âu Lạc.
LÊ CHÂN: TƯỚNG QUÂN MIỀN BIỂN
Người con gái ấy tóc đen như mun, lông mày đen nhánh và có nước da hồng như hoa phù dung. Người con gái ấy đậm và chắc. Tên nàng là Lê Chân.
Nước biển xanh màu rêu. Nhưng Lê Chân nghĩ rằng biển đã hoà nước mình với máu con người. Máu những người Âu Lạc đã đổ ra tan trong sóng biển. Đứng giữa những tảng đá lớn như bầy voi quây quần, Lê Chân nhìn không chớp mắt người con trai vừa bị sóng biển đánh dạt vào.
Người ấy chống tay cố gượng dậy. Lê Chân đỡ lên cho ngồi tựa vào tảng đá, rồi nàng bước lên một mỏm đá cao, khum bàn tay kề miệng và cất tiếng hú. Hú tới tiếng thứ ba thì có tiếng hú xa đáp lại. Những người mới đến đều đeo vòng tai bằng đá, cả trai và gái. Họ cởi trần, cầm lao nhọn. Họ đưa người mà biển cả mang đến cho họ đặt vào một hốc đá rộng, lấy cỏ khô đốt lửa lên, và yên lặng chờ. Từ lúc đến theo tiếng hú của Lê Chân, họ cứ lặng lẽ làm, không ai nói một tiếng. Người của biển là một anh con trai lực lưỡng, trán có một vết sẹo nằm chéo từ chân tóc bên phải tới đầu lông mày trái. Tay người ấy có dây buộc, loại dây chão dùng buộc thuyền lớn. Một bên chân hơi teo. Khi người ấy bắt hơi lửa ấm mở mắt ra nhìn xung quanh, cặp mắt đen thẳm ngơ ngác, đượm vẻ lo sợ. Mọi người vất thêm cành khô vào đống lửa, lửa bốc cao, lửa nhảy nhót và mọi người đều thấy vui.Chàng là một trong số những người bị giặc bắt đi mò ngọc trai, đi đánh cá mực và mò san hô cho chúng. Họ đang làm ở đảo Ngọc, và tám người lừa khi biển động và gió mùa từ Đông Bắc thổi về đã rủ nhau trốn trong đêm qua. Lê Chân bảo mọi người xung quanh : - Hãy đưa người của biển về làng của chúng ta. Anh ấy sẽ ở lại và là người của làng ! Làng mới chưa có tên. Từ ngày làng đặt chiếc cột đầu tiên trên nền cát cho tới hôm nhận được người của biển đưa vào vừa tròn ba tháng. Tối hôm đó, làng họp nhận người mới và đặt tên làng.Họ đặt tên làng là An Biên, vì An Biên là tên làng cũ của họ và cũng là của chủ làng bây giờ : Lê Chân. Làng mới ven biển chỉ là sáu túp lều nhỏ, cột lều mái lều là những thân cây, cành cây còn nguyên vỏ hoặc đẽo sơ sài. Làng nằm dựa rừng, núp vào rừng và đá lớn, và cát trải trắng làng, gió mặn thổi suốt ngày đêm qua làng, sóng biển ì ầm không bao giờ dứt tiếng hát với làng, nói chuyện với làng, ru làng ngủ và đánh thức làng dậy, gọi làng ra với biển. Biết bao nhiêu công việc của một làng mới, và việc quan trọng nhất là làm ra lương ăn. Nơi đây chỉ có cát và sóng biển, có đá và cây rừng. Núi đá phủ cây từng mảng chạy ra biển như muốn chặn đứng biển lại. Biển tung sóng mạnh vào đá, thách thức. Người con trai được Lê Chân cứu tên là Vạn. Vạn thuộc các mùa cá biển, các loài cá biển, thuộc các gỗ rừng, cây rừng ở quê cũ Đông Triều núi cao, rừng già. Lê Chân giao cho Vạn hướng dẫn mọi người đóng thuyền đóng mảng ra lộïng ra khơi, may buồm và dệt lưới. Lê Chân nói với mọi người : " Biển cả sẽ nuôi chúng ta như mẹ hiền nuôi các con mình ". Mười tám người dân làng mới toàn người trẻ tuổi nói với Lê Chân : - Làng ta ít người quá ! Ít người thì không làm gì nổi. Làng ta không có người già. Không có người già là không có người dạy dỗ nên khôn. Lê Chân nói : - Các người nói đúng. Chúng ta hãy về quê cũ rủ về đây họ hàng và những người khổ cực. Chúng ta hãy tìm đón những người của biển đưa đến và tiếp đón tất cả những trốn tránh, lang thang. Ngày tháng qua, những túp lều mới mọc lên. Ban đêm có tiếng chó sủa, sớm mai có tiếng gà gáy. Buổi chiều, trẻ con ríu rít đi đón lưới. Quanh làng trồng khoai, trên núi trồng lúa. Tết năm ấy, Lê Chân nói với mọi người : " Chúng ta ăn ba cái tết ở đây rồi. Làng ta đã ba tuổi. Năm đầu, tết không có bánh tét và thịt lợn. Bây giờ chúng ta có cả ". Mọi người đều vui và một cụ già nhất làng nói : " Nàng chủ đã dựng lên làng này từ năm nàng 19 tuổi. Nàng là người vất vả nhất trong chúng ta, người lo nghĩ nhất làng, người con gái tài giỏi của rừng và biển. Sớm mai làng hãy ra khơi đánh mẻ cá đầu năm mừng tuổi chủ làng và lấy may cho cả làng ". Mười chín chiếc buồm in hình đen thẫm trên nền trời xanh. Chân trời đông hửng dần màu đỏ lửa và da cam. Mặt biển chuyển dần từ đen sang xanh lam như màu da trời. Trời biển một màu xanh thẳm. Đoàn thuyền cưỡi sóng ra khơi. *
* *
Cụ già nhất làng đã nói đúng. Lê Chân là người vất vả và lo nghĩ nhất làng, nhưng Lê Chân còn là người kiên nghị nhất. Khi 18 người trai gái theo nàng tới đây, họ chỉ thấy cát trắng và sóng biển. Cát và sóng biển thờ ơ với họ, và hình như còn đe dọa họ. Sống ở nơi đây ? Bằng cách nào ? Một vụ đói đã qua và thiếu đói kéo dài. Không có lúa, không có thịt và muối. Cát và núi đá không cho họ gạo. Biển cả bao nhiêu cá và của chìm nhưng nó đòi trả bằng máu con người. Những lúc khó khăn, Lê Chân ngồi bên bờ sóng và nghĩ. Nàng thấy những con dã tràng xe cát ngày đêm không mỏi. Những con vật tí ti da màu cát ấy không sợ sóng biển hung dữ cứ xóa đi xóa mãi những công trình của chúng. Những con vật tí ti ấy không chịu thua biển cả. Và hóa ra chính là biển cả đã nhọc công mất sức vì không thắng nổi chúng, những con dã tràng bé tí tẹo. Biển động, nuốt bớt số dân ít ỏi của làng mới. Mùa lúa nương đầu tiên không thu hoạch nhiều được vì không có thức gì ăn. Bão biển kéo đỗ những túp lều mảnh dẻ và xóa đi màu xanh của khoai và bí mới trồng. Những người ở làng mới nhớ quê cũ làng xưa, nhớ mừi rơm tháng chín, mùi cỏ tháng giêng, nhớ làn khói trên những mái tranh và những cánh cò trắng liệng nắng lóe sáng. Thế nhưng họ vẫn theo Lê Chân. Người con gái chủ làng nói với họ về những con dã tràng bé tí tẹo và nói lên những món nợ máu phải tính toán với quân đô hộ ngoại tộc. Họ theo Lê Chân và sẽ theo nàng tới cùng trời cuối đất bởi vì họ không thể sống chung một bầu trời với kẻ thù. Và những người cũ ở làng mới kể với những người mới đến về người con gái là chủ làng. �Nàng đẹp và khỏe. Mùa xuân, con trai các nơi tìm đến hát với nàng và nàng thì chẳng hát với trai nào. Nàng chỉ hát một mình và hát với các bạn gái của nàng. Khi sáu người con trai không nhấc nổi đòn khiêng một cây thủy tùng, nàng ghé mình vào và cây gỗ nhẹ đi trên vai những người trai lực lưỡng. Có ai cấy nhanh hơn nàng ? Và có ai gói bánh chưng ngày tết khéo hơn nàng ? Bánh tét nàng gói tròn như ống mai ống vầu, đường sống lá chạy thẳng tắp chia đôi chiếc bánh. Nàng ngủ khi con cọp bắt đầu lần rừng và nàng thức trước khi con gà chuồng gọi mặt trời dậy. Hãy nhìn nàng đi săn. Chiếc áo màu lá rừng bó sát người và chiếc váy ngắn gợn sóng trên đầu gối, tay nàng cầm lao và lưng đeo lao. Khi tiếng tù và rúc lên, nàng dẫn đầu đoàn người săn, bước chân thoăn thoắt. Theo hiệu lệnh của nàng, những chiếc lưới mở ra, và con thú hồng hộc chạy, con lợn rừng nanh sắc như mác xông thẳng vào nàng. Nàng chạy xuống mé chân rừng và ngoắt mình lại phóng một mũi lao. Lưới khép lại. Đẩy, nàng là người đã dử con thú vào lưới và phóng mũi lao đầu tiên đánh ngã thú. Mọi người nhảy và hát quanh con vật bị thương. Con lợn rừng có đôi nanh sắc như hai lưỡi kiếm nằm chềnh ềnh như một quả gò. Các tên quan đô hộ trong địa hạt đều biết tiếng nàng và lui tới nhà nàng. Nhưng chúng biết bắt cọp dễ hơn bắt nàng. Và chúng " tâu " với Tô Định về Lê Chân, người con gái đẹp nhất Đông Triều, tóc đen như mun, mày đen như cánh nhạn và nước da hồng như hoa phù dung. Khi viên thừa sai Phủ thái thú đến đưa lễ vật và nói với ông Lê Thái Bảo xin nàng về " hầu hạ " quan thái thú, ôn đã khéo léo lựa lời từ chối. Ba tháng sau Lê Thái Bảo bị bắt và bị giết. Lê Chân trốn được. Nàng tới mồ mẹ khóc lóc khấn xin mẹ phù hộ trả được thù nhà và cùng những người thân tín ra đi... Đoàn thuyền ra khơi đầu năm đã trở về. Biển trao lễ vật cho đoàn thuyền đem về đưa nàng, người con gái kiên cường, người chủ làng anh hùng đang mài giáo cho sắc. *
* *
Nhà ở đây mái chấm gần sát đất, cửa ra vào ở đầu chái nhà. Cả làng chung một giếng. Lưới dăng quanh làng. Ban ngày làng quạnh vắng, chỉ chiều mới đem lại tiếng ồn ào, tiếng người và ngọn lửa ấm cúng. Nhưng làng mỗi ngày một đông vui hơn và bây giờ là năm thôn năm giếng nước ngọt. Nhà chủ làng ở thôn Giữa, bốn thôn Đông, Nam, Đoài, Bắc vây xung quanh. Thôn Bắc có lò rèn, thôn Nam vá lưới. Nhà chủ làng có treo đồi mồi trên vách và trống da trâu bên cửa. Làng có một ngôi đình nhỏ mái tranh thờ chung cả Sơn thần và Ông cá voi. Tháng giêng làng mở hội có đấu vật, trai gái kéo dèo (kéo co), tung quả còn qua vòng tre. Giết trâu tế thần, chủ làng tung búa cho trai làng cướp đánh đầu trâu, mổ trâu lấy da làm nồi nấu thịt. Chủ làng lo mọi việc, lo mở rộng làng, lo cho làng thêm người thêm của. Cái lo nhất lúc này là lo đối phó với kẻ thống trị dị tộc. Lẽ nào từ nay trai làng lại phải lui tới ở năm ở tháng trên các hòn đảo xa vắng để mò ngọc trai, săn cá biển và tìm san hô, sò huyết nộp cho kẻ thù ? Lẽ nào từ nay dân làng phải leo lên những vách đá cheo leo heo hút chìa ra biển để bắt những ổ yến về cho giặc tiệc yến phè phỡn với nhau trên xương máu của dân mình ? Lẽ nào từ nay lại phải nộp lúa nộp mình cho giặc ? Và những ai sẽ từ bỏ An Biên đi theo đoàn cống phẩm vượt nơi " phân mao cỏ rẽ " về tới Tràng An ? Bọn chúng sẽ lại mò tới An Biên, nhâng nháo, hạch sách, nạt nộ tìm cách vét của hiếp người ! Con trăng mùa xuân treo cao trên bầu trời yên tĩnh gọi nước triều lên. Triều dâng ào ào cuộn sóng xô bờ. Đêm rộng vang tiếng biển. Tiếng biển cả đầy ngập không gian� Lòng Lê Chân lúc này còn xao động hơn biển lớn. *
* *
Lê Chân vừa là người chủ làng vừa là người thủ lĩnh. Khi nàng mới lần đầu đặt chân tới đây, nàng chỉ gặp biển lớn và cát trắng. Ngày nay An Biên đã có lúa có khoai, có trâu có lợn, có bãi xú, có thuyền đi khơi, có mảng đi lộng. Nhưng nàng đến nơi đây không phải là để trốn kẻ thù mà là để đánh chúng. Đánh bằng cách nào ? Đã năm nay, từ khi lễ mồ mẹ và khấn vong bố ra đi, nàng vẫn nghĩ tới điều đó. Trả thù cho mình và cho nhân dân bằng cách nào ? Câu hỏi nóng bỏng đó lúc này như ngọn lửa cháy đỏ trong đầu óc nhữngngười trách nhiệm ở An Biên. Sau khi bàn đi tính lại, mọi người đồng lòng cử cụ Họp, cụ già 70 tuổi có đôi lông mày trắng như bông và nước da đỏ như đất nung làm chủ làng thay Lê Chân để giao dịch với các quan chức của giặc. Lê Chân là con gái, gặp bọn kẻ cướp hiếu sắc tham lợi hàng ngày, rõ ràng là không tiện. Cụ già Họp chỉ là người đứng ra giao dịch với giặc, còn mọi việc quyết định vẫn do Lê Chân. Và một đội nghĩa dũng quân ra đời do Lê Chân đứng đầu với một chức mà dân tự đặt ra để phong cho Lê Chân : Đô lĩnh ! Cái chức ấy không thấy có trong hệ thống các võ chức hiện hành. Trong công việc hàng ngày, mọi người vẫn gọi Lê Chân là chủ làng hay chủ tướng. Nghĩa dũng quân của An Biên ra đời chỉ có 31 người trong đó có 8 cô gái khỏe mạnh được chọn làm nữ vệ quân. Em gái họ Lê Chân là Lê Ngà, con ông chú cũng ở trong số này. Còn những nghĩa quân nam đều là những người được tuyển lựa kỹ càng, vừa gan dạ, vừa khỏe mạnh. Bây giờ Lê Chân phải lo cho nghĩa quân tập dượt, lại lo gạo cho dân làng ăn lâu dài. Nghĩa quân vẫn đi biển, vẫn cắt cú nhưng tối tối lại cùng nhau tập vật, tập đao, tập múa khiên, tập đánh gậy. Họ tập rất hăng, rất say, và họ dạy lẫn nhau, ai biết thế nào dạy thế ấy. Lê Chân lo nhất là khoản gạo. Đánh giặc lâu dài phải có gạo. Làng biển không có gạo, vẫn lấy cá đổi gạo. Lại còn phải tìm một chỗ nào cho nghĩa quân ẩn náu, bởi không thể đem cái làng biển An Biên nhỏ bé và trống trải này ra để chọi nhau với giặc. Còn dân làng ? Dân chỉ thấy sung sướng khi đội nghĩa quân của mình ra đời. Đêm nào dân cũng đến xem " quân mình " tập, dân hởi lòng hởi dạ nhìn " quân mình " khoẻ biết bao, nhanh nhẹn biết bao, và mọi người trầm trồ khen anh này lăn khiên khéo, anh kia có đường gậy mới kín làm sao ! Lê Chân sợ việc lộ, bèn ra lệnh cho dân không được xem " quân mình " luyện tập nữa, và nói rõ cho mọi người biết phải kín đáo như thế nào, phải cẩn thận như thế nào mới có thể chống chọi được với kẻ thù hung ác và xảo quyệt. Làng biển lúc này vừa phải chống đỡ với những yêu sách nhũng nhiễu của giặc, vừa lo tìm cách đánh giặc và phòng giặc đánh. Chính Lê Chân, người chủ làng gái 22 tuổi phải gánh những mối lo nặng nề đó. Và cả làng cùng lo với Lê Chân. *
* *
Gió biển gầm suốt đêm. Gió mặn cuồng loạn chạy bốc cát cuộn mù trời và cát đập rào rào vào những túp lều mái úp sát đất. Gió thổi ù ù như có hàng ngàn chiếc cối xay đang cùng quay tít. Gió thổi thốc thổi quét, gió lồng lên, gió hồng hộc chạy, rít lên, xoáy tít rồi quật mạnh. Và biển cả cũng giận dữ nổi sóng, sóng vỗ tung trời. Không gian chuyển động trời đất rung lên. Rồi bình minh đến trên những xe mây hồng phớt, da cam và đỏ lửa. Nào ai nhớ đích xác tiếng gầm dữ tợn của gió mặn và biển cả tắt tự lúc nào ? Có lẽ tất cả cảnh tàn phá và nổi hoảng sợ đêm qua chỉ là một giấc mơ ? Trời đất trong, biển rất xanh, và đàn hải âu lại tung những chiếc cánh trắng đùa với sóng biển. Nhưng đâu có phải là cơn ác mộng ! Kìa làng biển đổ sập, úp sụp, chìm ngụp trong gió bão, làng biển nằm kia, tơi tả� Bình minh đã ngạc nhiên biết bao khi ánh sáng trong trẻo hiền hậu của mình gặp những mái nhà bị quăng xa, bị xé ra, những con người ướt át, lấm láp, bơ phờ, mắt trĩu lo âu, mắt tối xầm giận dữ. Lê Chân tóc chẩy xõa trên lưng, ướt bết vào lưng, Lê Chân người chủ làng kiên cường ấy lúc này đứng giữa đổ vỡ, lòng không khỏi bàng hoàng. Họ lại dựng làng. Và những con dã tràng màu cát, bé tí ti cũng lại lăng xăng vê cát làm những căn nhà tí tẹo của chúng. Con người không chịu thua thiên nhiên. Họ không chịu như những con dã tràng cứ để cho thiên nhiên phá mãi những công trình của mình. Họ học tập tính kiên nhẫn lạ lùng của dã tràng và khác hẵn với dã tràng là họ quyết làm cho những công trình của họ có thể chống được với tàn phá của thiên nhiên. Làng mới lại cười với nắng biển gió biển, làng mới lại ấm tiếng người, hơi người. Làng trồng rất nhiều cây ngăn gió. Làng làm nhà chạy dọc với chiều ngang bờ biển để bớt sức gió phá. Mỗi nhà có một cái hố nhỏ, và các vò, chóe đựng lúa, đỗ được đặt xuống đó. Đội nghĩa quân lại ra đi, đi để đón giặc bằng những mũi giáo của căm thù. *
* *
Nghĩa quân tìm giặc mà đánh. Sức còn mỏng, nghĩa quân không thể đánh thành lũy và đồn trại kẻ thù. Nghĩa quân đón những con đường giặc đi, đón những đoàn chuyển lương chuyển thuế, những đoàn cống phẩm, những đoàn giải tù, giải phu mà đánh. Giặc tiến qua một khu rừng trúc. Đi đầu là một toán lính đô hộ cầm giáo dài, mang cung tên. Xe vận tải đi, theo sau chở toàn lúa mới, chúng chuyển về huyện thành. Một tên hộ tướng cưỡi trên mình ngựa tay cầm đại đao đi quãng giữa và rồi lại xe, lại lính. Chúng tiến sâu vào rừng trúc, mệt mỏi, vội vã. Chúng thúc giục và quất roi vào mình những người phu đẩy xe. Tên tướng cưỡi ngựa mắt gườm gườm nhìn quanh. Chúng không sợ hãi gì. Rừng này không có thú dữ và vùng này vẫn là vùng an toàn. Dân đói kéo nhau đi ăn cướp thì không dám dại dột xông vào đoàn quân lương của huyện ; vả lại những toán cướp đường như thế ở vùng này cũng chưa có bao giờ. Nhưng bỗng tiếng hét tiếng hò reo cất lên vang dậy, tù và rúc inh ỏi và những người mai phục từ mặt đất bốc lên, lao tới vung giáo mác, lia đao xông thẳng vào đoàn lính áp lương. Chỉ chốc lát, tên tướng đô hộ đã nằm lăn trên mặt đất. Bọn lính còn sống sót chạy thục mạng. Ba chục xe lúa mới về với nghĩa quân cùng hơn trăm người phu áp tải. Đó là trận đầu, chiến công đầu của làng biển, chiến công đã làm nức lòng những con người nung nấu căm thù bao lâu nín nhịn. Chiến công ấy có lẽ chỉ là một chiến công nhỏ nhưng nó đã mở đầu một cuộc vùng dậy của những người bị áp bức, cuộc vùng dậy đầy sức mạnh căm thù của những người dân Âu Lạc miền duyên hải quật cường. Từ làng này sang làng khác, từ những làng ven biển vào tới những động và trại trong núi, người ta kể với nhau những chuyện thần kỳ về Lê Chân, người con gái anh hùng và về đoàn quân dũng mãnh của người con gái đó. Trận này tiến trận khác, đoàn quân Lê Chân ngày càng dày dạn trong chiến đấu, ngày càng lớn mạnh và giống như biển cả không bao giờ lặng sóng, đoàn nghĩa quân không bao giờ nghỉ bước chân chiến đấu của mình. Giặc khiếp hãi Lê Chân. Chúng đặt cho Lê Chân một cái tên : " Con cá kình biển Đông ". Cá kình tung sóng quẫy mình, nền đô hộ của giặc miền duyên hải rung rinh chao đảo và như ngụp chìm dưới những làn sóng mạnh. Dưới ngọn cờ Lê Chân, nhân dân miền biển vùng dậy. Lê Chân bây giờ không còn những nét non nớt trên gương mặt trẻ trung. Da nàng đã đen sạm vì gió biển, nắng biển. Gương mặt nàng gầy đi và nghiêm nghị trầm tư qua bao cuộc chiến đấu gian khổ. Nghĩa quân đi nơi này nơi khác, đi đến những làng ven biển và những trại trong rừng. Đã nhiều lần, nghĩa quân bị giặc vây lùng ráo riết, phải đào củ dém củ rạng để ăn. Làng An Biên bị giặc vây quét, lùng sục, bắt bớ, phá phách. Nhưng biển cả có bao giờ lặng sóng ? Nhiều chúa động và chủ làng tìm đến xin quy phụ Lê Chân. Vạn và Ngà trở nên những phó tướng được sĩ tốt yêu kính. Lê Chân đã tổ chức được quân doanh chia làm năm đạo : tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Thực ra thì chưa bao giờ cả năm đạo cùng được họp mặt, mà chỉ có các vị đốc lĩnh các quân là được gặp nhau. Mùa xuân năm ấy, Lê Chân chỉ huy các quân vây đánh thành châu Bản Lập, chém giết và bắt hơn một nghìn quân tướng đô hộ. Nghĩa quân chiếm giữ thành trì. Những người con của làng biển An Biên, những người lính chiến đầu tiên của nghĩa quân vùng biển Đông xúc động đến chảy nước mắt khi thấy nữ soái của mình đứng trên tướng đài, tươi cười nhìn cả năm quân chỉnh tề trong ngày đại lễ. Những người con của làng biển An Biên thấy nữ chủ tướng cười, với những giọt nước mắt long lanh trên gò má. Họ biết rằng cũng như họ, nữ chủ tướng Lê Chân đang nghĩ đến cái làng nhỏ bé với sáu mái lều con ven biển, nghĩ đến đội nghĩa quân đầu tiên 31 người thiếu áo mặc, thiếu lương ăn, nghĩ đến những ngày đào củ trong rừng, những đêm biển gầm phá tan những chiếc mảng của những người con tìm sống trên biển cả. Và họ còn biết rằng cũng như họ, lúc này nữ chủ tướng nghĩ đến những người lính chiến đã ngã xuống, máu thịt gửi đất chiến trường chẳng bao giờ còn trở về được để dự lễ mừng công. Những người đã đổ máu đào vì đất nước ấy sẽ cùng họ theo Lê Chân bước vào những trận đánh mới cho tới khi nước Âu lạc trở về với người Âu Lạc (1). Chú thích:
(1) Nhân dân thời xưa đã dựng đền Nghè ở An Biên (Hải Phòng) để mãi mãi tưởng nhớ Lê Chân, người phụ nữ anh hùng.