<>Ly kỳ chuyện rắn trả ơn cha
Lý giải cho những hiện tượng kỳ lạ của đôi giếng tiên, từ trẻ con cho đến người già ở khắp vùng này đều kể một câu chuyện vô cùng ly kỳ, đầy màu sắc huyền thoại nhưng cũng thông thiết, cảm động giữa người và rắn.
Theo đó, vùng đất Chiềng Voong xưa kia (xã Cẩm Tú ngày nay – PV) quanh năm hạn hán, mùa màng thất bát. Trong khu làng Chiềng có gia đình ông già tên Cao Thuật sinh sống bằng việc bắt cá ngoài suối. Có một hôm ông vớt cá cả buổi mà không được con nào, chỉ vớt được một quả trứng lạ.
Có điều mỗi lần bực mình vứt đi là lần sau trứng lại nằm trong vợt của ông. Biết là có điềm nên ông mang về, bỏ vào ổ cho gà ấp. Đến ngày trứng nở, ông lão vô cùng kinh hãi trong ổ trứng gà có một con rắn nhỏ thân hình sặc sỡ, có mào. Rắn thấy ông lão liền bò xuống, lẽo đẽo bò theo sau. Ông lão tên Cao Thuật từ đó coi rắn như con, hàng ngày ra đồng bắt ếch nhái về cho rắn ăn. Rắn lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc to lớn lạ thường.
Vì thế ông lão cũng không kham nổi việc kiếm thức ăn cho rắn. Dân làng thấy con rắn lừng lững sống trong bản vô cùng kinh hãi, ép ông lão phải giết rắn. Không thể làm thế nên ông mang con rắn sang tận sông Ngang ở Hòa Bình để thả. Sau khi thả rắn thì Chiềng Voong chịu trận hạn hán bất thường, dân làng không thể canh tác nên nhiều gia đình chết đói, trong số đó có ông Cao Thuật.
Biết người nuôi dưỡng đã mất, muốn trả ơn, rắn đào một đường hầm từ sông Ngang để dẫn nước về làng. Nhưng cả 3 lần đầu đều không xác định được hướng nên đào lệch. Phải đến lần cuối, rắn trườn băng rừng tìm về đỉnh đồi Ái Nàng, đứng trên một tảng đá lớn ngắm xuống làng rồi quay lại đào một đường ngầm chính xác. Do nước chảy về nhiều quá nên người dân phải dùng đá to lấp xuống, dòng nước phân nhánh và tạo ra đôi giếng tiên ngày nay.
Bản sắc phong ghi lại tích xưa.
Ngày nay con cháu của ông Cao Thuật vẫn còn lưu giữ những bản gia phả chép tay nhắc đến sự việc này. Khi tìm hiểu câu chuyện, phóng viên còn biết được hiện có 3 bản sắc phong tôn vinh công lao của ông Cao Thuật từ các đời vua Lê Thần Tông,Duy Tân, Khải Định đang được cất giữ tại nhà của một số gia đình trong dòng họ Cao (?!).