Được báo mộng, cha tìm lại con sau 45 năm mất tích
Sau nhiều năm đạp xe tìm con, ông Não gần như tuyệt vọng. Tình cờ, ông được người vợ quá cố báo mộng, mách tung tích.
Trong lúc đang tuyệt vọng nhất thì giấc mơ lạ gặp người vợ quá cố đã giúp cho ông tìm được người con trai trong niềm hạnh phúc vô bờ. Đó là cuộc hội ngộ thần kỳ của hai cha con cụ Nguyễn Não (80 tuổi ở xã Tam Lộc, Phú Ninh, Quảng Nam) và anh Trần Ngọc Châu (47 tuổi ngụ xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam).
Theo lời kể của ông Não, vào những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông có tham gia lực lượng du kích ở địa phương. Đến năm 1956, ông lập gia đình và sinh được 4 người con nhưng căn bệnh sốt rét đã cướp đi một người con trai của ông khi mới lên 6 tuổi. Đến năm 1969, trong một trận chiến, ông bị địch bắt và đưa ra nhà tù Côn Đảo để lại vợ và 3 đứa con nhỏ thơ dại nơi quê nhà lần lượt là Sâm, Sơn và Dũng.
Trong thời gian này, ông bị đánh đập tàn nhẫn, không biết bao nhiêu lần chết đi sống lại. Nhưng đau đớn hơn khi trong thời gian này ông nhận được tin dữ từ quê nhà khiến ruột gan ông đau như cắt. Vợ ông bị giặc bắt đi rồi giết hại, bỏ lại 3 đứa trẻ lạc lõng, không nơi nương tựa. Khi ấy người con lớn nhất là Sâm phải lo lắng cho hai em của mình là Sơn và Dũng.
Ông Nguyễn Não xúc động khi kể lại câu chuyện tìm con.
Vài năm sau đó, căn nhà tranh ba mẹ để lại bị giặc Mỹ bắn cháy, ba anh em chẳng biết nương tựa vào đâu khi mọi người xung quanh đã đi ly tán hết. Trong cảnh loạn lạc ấy, Dũng, khi ấy mới 24 tháng tuổi được một người xin về làm con nuôi, còn hai anh em Sâm bám trụ sống chờ ngày cha về.
Biệt giam 6 năm ở Côn Đảo, đến khi hòa bình lập lại, ông trở về quê cũ với bao trăn trở tìm lại cho được 3 đứa con đã thất lạc. Với sự giúp đỡ của các anh em đồng chí hồi còn chiến đấu với nhau, ông nhanh chóng tìm được 2 đứa con đầu, còn đứa con út thì vẫn bặt vô âm tín. Nhưng cho dù phải vất vả tới đâu, ông cũng quyết tâm tìm cho được giọt máu ấy.
Hình ảnh đứa con thất lạc của người vợ quá cố luôn ám ảnh ông từng phút từng ngày, ngay cả trong giấc ngủ. Dò la, thăm hỏi, cứ nghe ở đâu nói có người mồ côi, cũng mong muốn tìm cha, là dù xa mấy, đường đi có khó tìm, có khó khăn đến đâu thì ông cũng cố gắng tìm tới. Không tiền, không xe máy, những cuộc hành trình tìm con của ông luôn bên cạnh là chiếc xe đạp cũ. Và rồi không biết bao lần ông phải hụt hẫng, tắt hy vọng, lặng lẽ đạp xe mấy chục km ra về trắng tay cùng nỗi buồn trĩu in hằn trên khuôn mặt gầy hốc hác của người cha đau đáu nỗi niềm về con.
Trong một lần nghe hàng xóm kể về một người bên Tiên Phước, mồ côi cha mẹ, thất lạc anh em từ nhỏ cũng ngày ngày hỏi han tin tức người thân. Ông mừng trong lòng, lấy xe đạp chạy ngay đi tìm con. Đường xa, nhưng ông không hề mệt mỏi, chỉ hy vọng, đó là con mình.
Lên đến nơi, người thanh niên đó đã đi làm ở xã Tam Đại (huyện Phú Ninh), ông lại chạy qua Tam Đại không để chậm trễ thêm giờ khắc nào. Cậu thanh niên ấy nghe bảo có người đi tìm con thì vừa thấy ông mà chưa nói được chuyện gì đã ôm chầm và khóc vừa kêu tiếng cha. Ông thấy tội nghiệp, dù chưa biết có phải con mình hay không, ông vẫn nhận cậu thanh niên ấy về. Về nhà, 2 anh em Sâm và Sơn nhìn thoáng qua vóc dáng và khuôn mặt, rồi nói nhỏ với ông Não, chắc không phải "nòi" mình đâu cha. Một hôm đi làm ngoài rẫy, ông với cậu con mới nhận tâm sự, hỏi han về nguồn gốc và tuổi thơ cậu con và nhận ra không phải con ông.
Một lần khác đang ngồi nói chuyện với mấy ông bạn, có người cho biết ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có một người đàn ông, có vợ, có con, nhưng không biết cha mẹ là ai, sinh ra ở đâu, rong ruổi khắp nơi tìm cha mà tìm mãi không ra. Chỉ cần nghe có thế, ông lại lần nữa lặn lội đi tìm. Đến nhà của người đàn ông này, ông được người mẹ nuôi của người này cho biết rằng xưa Đức (người nghi ngờ là con ông Não) được chính cha mẹ ruột của anh cho bà nhận nuôi, chiến tranh loạn lạc giờ không biết họ ở đâu. Vì thế bà có thể chắc chắn khẳng định rằng anh Đức không phải và con ông Não. Thêm một lần nữa người cha lại ra về trắng tay.
Lần này là tin từ anh Sơn - người con thứ hai ông Não. Anh Sơn hay đi đường và gặp anh Xước, một cảnh sát giao thông. Không biết có phải máu mủ ruột thịt hay không nhưng thoạt nhìn bề ngoài, Sơn và Xước rất giống nhau. Ông Não cùng anh Sơn mới lặn lội, tìm được nhà anh Xước ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình).
Lúc đến nhà chỉ có vợ anh Xước, xem những tấm hình, ông Não cũng ngỡ ngàng, rất giống Sơn. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đi xét nghiệm ADN thì anh này bất ngờ thông báo đã tìm được anh chị em ở Quế Sơn. Sau lần đó, ông cũng hỏi dò, tốn tiền của, đi tìm khắp nơi nhưng vẫn là cái lắc đầu thất vọng. Để đến cái tuổi ngoài 70, ông đã không còn đủ sức để đạp xe khắp chốn tìm con được nữa.
Anh Trần Ngọc Châu - đứa con thất lạc cách đây 45 năm của ông Não.
Rồi một điều lạ đã xảy ra, điều mà cho tới giờ ông Não vẫn chưa thể nào lý giải được. Ngày hôm ấy, ông đang ngủ trưa, vẫn thường lệ là suy nghĩ về nỗi lo tìm con rồi chìm vào giấc ngủ khi nào không hay. Trong cơn mê, người vợ của ông ngày xưa bỗng dưng hiện về.
Ông gặp lại người vợ quá cố, giọng nói vẫn vậy, không thể lẫn vào đâu. Vợ ông nói về tung tích người con thất lạc, rõ đến từng chi tiết. Vợ ông nói: "Dũng còn sống, ngày xưa được cho ở Tam Kỳ, rồi họ đem vô Đồng Xoài (Bình Phước), rồi lại có ông ở ngoài Hội An xin về nuôi, Dũng đã thay tên đổi họ, đầu tóc bạc trắng". Ông Não mới hỏi vợ: "Hội An, ở chỗ nào?". Bà đáp: "Cẩm Kim, Hội An". Thế rồi, ông bất giác tỉnh giấc, trong lòng không khỏi bàng hoàng.
Nhưng tuổi cũng đã lớn không thể đạp xe như thời còn trẻ, tiền bạc cũng không còn sau bao lần tìm con bất thành, ông chưa có điều kiện đi tìm con. Một thời gian sau, vợ ông lại báo mộng cho ông lần nữa. Hỏi ông tại sao vẫn chưa đi tìm con, ông cũng kể về hoàn cảnh khó khăn và tiền bạc. Hôm sau, bỗng có người tới nhà ông mua cây xanh cảnh trong vườn. Vậy là có được ít tiền, ông khăn gói ngay đi Cẩm Kim, không quên bỏ theo mấy trái chuối vào giỏ để ăn cho đỡ đói.
Đến Cẩm Kim, ông Não cũng không biết bắt đầu tìm từ đâu. Thấy cô giữ xe ở bên đò, ông mới hỏi thăm. Cô giữ xe nhiệt tình, gọi cho ông Tâm - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ ở đó, dẫn ông Não đi tìm con.
Khi ông Tâm đến chở ông đi đến ủy ban xã để hỏi thăm thì hôm ấy ủy ban nghỉ làm việc. Đã đến trưa, nên 2 người về nhà ông Tâm nghỉ ngơi ăn trưa. Đang say mê nói chuyện, ăn cơm bên nhau, bỗng vợ ông Tâm la lên: "A! Con cụ Não hay là anh Châu bên thôn 3, anh này hay vào Nam tìm cha".
Ông Tâm mới điện cho ba nuôi anh Châu hỏi, đúng là anh Châu được xin từ miền Nam về. Bỏ cơm trưa, 2 người cùng nhau qua nhà anh Châu. Khi đến nhà, anh Châu đã đi làm bên Hội An. Vợ anh Châu gọi điện cho chồng để ông Não trò chuyện. Khi này, ông hỏi gốc gác, thì quả thật rất đúng, đó chính xác là anh Nguyễn Văn Dũng, người con út của ông đã thất lạc hơn 45 năm qua.
Nước mắt ông Não lại rơi, nhưng đó không là nước mắt đau khổ, mà là nước mắt vui sướng đến tột cùng của cuộc hội ngộ kỳ diệu, ngỡ như không tưởng trong ngày gặp con. Giây phút trùng phùng có lẽ là những khoảnh khắc thiêng liêng nhất cuộc đời của hai cha con họ. Dù muộn, dù đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm đời người, nhưng bằng nghị lực phi thường cộng với cơ duyên đã khiến cho cha con ông Não sau hàng chục năm xa cách đã có ngày được gặp lại.
Theo Giadinh