Tục Lệ Đón Trung thu Của Các Nước Châu Á
Trung thu là Tết thiếu nhi ở Việt Nam, là Tết Đoàn viên ở Trung Quốc. Còn người Sri Lanka lại có Tết trăng tròn hàng tháng và người Campuchia tổ chức lễ này vào tháng 12 theo Phật Lịch.1. Myanmar
Ngày rằm trung thu ở Myanmar được gọi là "Lễ trăng tròn" hay "Tiết quang minh". Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.
2. Thái Lan
Người Thái Lan gọi Tết Trung thu là "Tết cầu trăng" vì đến ngày này mọi nhà, mọi người đều tham gia lễ cúng trăng rằm. Mọi người ngồi quanh một chiếc bàn được bày biện đào trường thọ, sầu riêng, bánh Trung thu, kể chuyện truyền thuyết Bát tiên vượt biển và chúc tụng lẫn nhau. Đặc biệt người Thái thường ăn bưởi trong dịp này vì đúng mùa của loại trái cây này và bưởi cũng tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy. Ảnh: Huanqiu
3. Hàn Quốc
Tết Trung thu ở Hàn Quốc là một ngày lễ lớn, người dân được nghỉ 3 ngày, thậm chí có năm là một tuần. Ngày này, người Hàn Quốc coi là ngày lễ tạ ơn tổ tiên, bày biện những lễ vật hết sức phong phú và cả gia đình kính cẩn tỏ lòng tưởng nhớ tới những người đã khuất. Ngày Trung thu, trẻ em ở Hàn Quốc cũng được dịp mua quần áo mới, chơi đùa nhảy múa, trông trăng, người lớn thì đi thăm hỏi và tặng quà bánh cho người thân, bạn bè.
4. Việt Nam.
Trung thu ở Việt Nam là ngày Tết của thiếu nhi, gắn với truyền thuyết về Hằng Nga, Chú Cuội trông trăng. Các em nhỏ thường rước đèn ông sao, đeo mặt nạ và lập thành đoàn múa sư tử, đánh trống rất rôm rả.
5. Trung Quốc.
Trung thu ở Trung Quốc trở thành một ngày lễ cố định là vào khoảng đời Đường. Vua chúa Trung Quốc thời đó đến ngày rằm tháng 8 hàng năm làm lễ tế trăng, đúng vào giữa thu, nên gọi là tết Trung thu. Tết Trung thu còn có các tên gọi khác như Bát nguyệt hội, Tết đoàn viên khi gia đình đoàn tụ, cùng thắp những chiếc đèn lồng lộng lẫy và thưởng thức bánh Trung thu.
6. Malaysia
Ở Malaysia, lễ hội Trung thu thường được tổ chức ở Kuala Lumpur với nhiều hoạt động rước đèn lồng và kiệu hoa mô hình chị Hằng Nga, tiên nữ... và múa sư tử, múa lân. Người già trẻ gái trai đều tham gia lễ hội và cùng thưởng thức bánh trung thu, không khí vô cùng náo nhiệt.
7. Nhật Bản
Người Nhật thường lên chùa lễ Phật và tổ chức nhiều lễ hội vào ngày rằm tháng 8, dù không còn sử dụng lịch âm. Một số đình chùa tổ chức lễ trông trăng, với những người tham dự mặc quần áo đẹp, ca hát, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất vì ban cho mùa màng bội thu. Truyền thuyết Trung thu ở Nhật gắn liền với chú thỏ trắng, và người Nhật thường ăn món bánh gạo trong ngày này.
8. Campuchia
Vào tháng 12 theo Phật Lịch, người Campuchia tổ chức lễ hội "bái nguyệt". Buổi sáng ngày này, mọi nhà bày biện các lễ vật và hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía... để chuẩn bị cho buổi tối. Đến tối, mọi người bày đồ cúng lên bàn, cùng đợi trăng lên. Khi trăng lên đến đầu ngọn cây thì bắt đầu lễ cúng và chúc phúc nhau. Người Campuchia còn có tục lệ nhét gạo vào miệng trẻ con cho đến khi không nhét được nữa thì thôi, thể hiện sự dồi dào, đầy đủ.
9. Singapore.
Người gốc Hoa ở Singapore tổ chức lễ Trung thu rất linh đình với việc trang trí những chiếc đèn lồng rực rỡ, mua bánh trung thu cho gia đình và bạn bè, tham gia thả đèn hoa đăng, đi cà kheo và nhảy múa, ca hát.
10. Sri Lanka
Không giống các quốc gia châu Á khác, Sri Lanka tổ chức "Tết trăng tròn" mỗi tháng một lần, với những lễ nghi thành kính nhất và ngày này cả nước đều được nghỉ. Người dân chuẩn bị những lễ vật tươi ngon và mang đến chùa để cầu nguyện. Sau khi nghe giảng đạo trong chùa, mọi người cùng ngồi lại thưởng thức bánh trái và ngắm mặt trăng cũng như nhảy múa, ca hát.
11. Iran.
Tết Trung thu ở Iran là ngày theo lịch địa phương, tức ngày 16/7 dương lịch và kéo dài trong vòng 8 ngày, là ngày lễ lớn nhất trong năm sau lễ năm mới Nowruz. Vào Tết Trung thu, mọi người có thú vui thưởng thức các loại nông sản thu hoạch được.
Theo Huanqiu/Vnexpress.