Việc Microsoft mua lại Nokia không đơn giản như nhiều người nghĩ. Gã khổng lồ phần mềm thậm chí còn tính tới cả “Phương án B” nếu như Nokia thất bại trong việc phát triển các dòng điện thoại Windows Phone truyền thống.
Phương án dự phòng
Có vẻ như đây là cách làm cẩn trọng với số tiền 7,2 tỉ USD mà hãng phần mềm Mỹ vừa bỏ ra mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia. Có lẽ Microsoft cũng khá thấm nhuần với nhiều bài học mua bán sáp nhập rồi cuối cùng là tan thành mây khói. Giới công nghệ từng có ba trường hợp điển hình cho sự thất bại này, đó là Palm, Siemens và Ericsson.
Năm 2001, hai “ông lớn” Ericsson và Sony kết hợp lại tạo thành liên doanh sản xuất điện thoại di động SonyEricsson. Ban đầu mọi việc khá suôn sẻ nhưng tới khi smartphone xuất hiện và gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ Apple, LG, HTC và Samsung, SonyEricsson dần đuối sức và biến mất vào năm 2011 khi Sony bỏ tiền ra mua 50% cổ phần còn lại trong liên doanh. Tiếp đến là Siemens, cũng bán mảng sản xuất ĐTDĐ cho BenQ vào năm 2005 để tạo thành thương hiệu BenQ-Siemens, nhưng cuối cùng cũng bị thua lỗ nặng và giải thể vào cuối năm 2008. Năm 2010, Palm, với hệ điều hành WebOS nổi trội, bị HP thu mua với giá 1,2 tỉ USD để phục vụ tham vọng chen chân vào thị trường smartphone đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, kết quả lại chẳng đi đến đâu, WebOS dần lụi tàn và biến mất không còn dấu vết.
Quay trở lại trường hợp Microsoft, 7,2 tỉ USD là số tiền không hề nhỏ. Chính vì vậy, các phương án dự phòng phải tính đến trong trường hợp Nokia không làm nên cơm cháo gì sau khi về với hãng này. Nhiều nguồn tin cho biết, trong khi Nokia đang thử nghiệm Android và cân nhắc thêm một số lựa chọn ngoài hệ điều hành Windows Phone, thì Microsoft cũng bận rộn với việc thử nghiệm điện thoại Surface Phone. Hãng phần mềm khổng lồ này đã xây dựng một số thiết bị mẫu để đánh giá mức độ khả quan của điện thoại. Terry Myerson, người đứng đầu bộ phận Windows, Windows Phone và Xbox, chịu trách nhiệm chính cho dự án điện thoại Surface bí mật này.
Mối đe dọa từ chính Nokia
Thật khôi hài khi Nokia thống trị Windows Phone lại làm chính Microsoft, “cha đẻ” của nền tảng di động này, lo ngại. Theo thống kê, Nokia hiện đang chiếm hơn 80% thị phần của tất cả các thể loại thiết bị chạy Windows Phone. Con số này đã làm các nhà lãnh đạo Microsoft giật mình, lo sợ một ngày kia chính họ lại phải phụ thuộc ngược lại vào Nokia. Thay vì là một hệ sinh thái các đối tác sử dụng Windows Phone giống như người ta vẫn làm với Android thì hiện Nokia vẫn đang là nhà sản xuất thiết bị duy nhất gắn kết với nền tảng này. Nói cách khác, Nokia đang “bá chủ” dòng thiết bị Windows Phone và hoàn toàn có thể thao túng thị trường này nếu Microsoft không tác động gì.
Trước khi bị Microsoft thâu tóm, Nokia cũng đã thử nghiệm smartphone hoạt động trên Android. |
Và khả năng này đang diễn ra khi Nokia được cho là đã phát triển những dòng thiết bị Android của riêng mình. Trong khi đó Microsoft cũng tự mình thử nghiệm các mẫu phần cứng riêng [ĐTDĐ]. Tờ New York Times có đề cập tới một dự án kiểu này của Nokia nhưng thực tế có thể nhiều hơn. Các nguồn tin gần gũi với Nokia cho biết, hồi năm ngoái hãng này đã thực sự chán chường với việc thúc ép của Microsoft trong việc giảm giá các sản phẩm điện thoại Windows Phone. Chính vì thế mà hãng điện thoại Phần Lan này đã phát triển một dự án có tên mã “Tango” nhắm tới các thiết bị có cấu hình thấp hơn và bán với giá dễ chịu hơn. Đó có thể là các mẫu điện thoại giá rẻ chạy trên nền tảng Android, đối thủ cạnh tranh của Windows Phone.
Một dự án khác đang trong quá trình thử nghiệm là “AOL” (viết tắt của từ: "Asha on Linux"), ngụ ý là các thiết bị rẻ tiền của Nokia không chạy trên Windows Phone. Nokia thường hay sử dụng các tên mã cho dự án phát triển sản phẩm, và một tên mã khác là “MView” (có lẽ là từ viết tắt của Mountain View, nơi đặt đại bản doanh của Google) cũng nằm trong số này. “MView” sẽ sử dụng các biến thể của Android dành cho thiết bị bình dân nhằm tối ưu chi phí lợi nhuận của Nokia, và dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2014. Tuy nhiên, với vụ thâu tóm mới nhất, không rõ số phận của “MView” sẽ như thế nào. Một trong những ý tưởng của Nokia chính là sử dụng các phiên bản Android riêng theo cách thức tương tự mà Amazon đã dùng cho các sản phẩm của mình.
Tuy vậy, cuộc “phiêu lưu” của Nokia không chỉ dừng lại ở đó. Hãng này còn thử nghiệm cả nền tảng của Google cho dòng sản phẩm cao cấp Lumia để phòng khi Windows Phone thất bại. Microsoft biết điều này và có lẽ đó chính là nguyên nhân khiến hãng này quyết mua bằng được Nokia vì lo ngại Windows Phone sẽ bị bỏ rơi.
Tuệ Minh - (Tổng hợp)