Giao dịch ngân hàng bằng điện thoại di động khá tiện lợi và nhanh chóng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả dữ liệu và vấn đề tài chính. Vậy làm thế nào để giao dịch an toàn nhất?
Hiện số lượng người sở hữu smartphone tăng khá nhanh và nhiều người sử dụng thiết bị này để kiểm tra số dư tài khoản, thanh toán hóa đơn, mua thẻ điện thoại và các giao dịch ngân hàng. Hơn nữa, smartphone của người dùng hiện lưu trữ rất nhiều dữ liệu hơn là một thiết bị truyền thống nghe gọi như trước đây. Với sự bùng nổ smartphone và ngày càng nhiều người sử dụng smartphone để thực hiện giao dịch ngân hàng nên chúng đã trở thành đích ngắm của tội phạm mạng.
Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện theo những lời khuyên dưới đây, bạn có thể giao dịch ngân hàng bằng điện thoại mà không phải lo sợ điều gì.
Đặt mật khẩu bảo vệ điện thoại
Thiết bị di động thường rất dễ bị thất lạc hoặc bị trộm lấy mất và điều đáng nói là chỉ có 30% điện thoại của họ không đặt mã bảo vệ, Jason Malo, nhà phân tích CEB TowerGroup chia sẻ. Mật khẩu 4 số đơn giản là mức bảo vệ tối thiểu. Nhiều chuyên gia khuyên rằng, người dùng nên sử dụng mật khẩu 8 số. Với việc đặt mật khẩu để mở khóa điện thoại dữ liệu trên điện thoại của bạn sẽ an toàn hơn nếu chẳng may rơi vào tay kẻ xấu.
Tránh các mạng WiFi công cộng
Đây cũng là lời khuyên bạn nhận được nếu bạn đang sử dụng máy tính xách tay. Gửi thông tin nhạy cảm qua tín hiệu Wi-Fi mở là lời mời cho bọn tội phạm mạng để đánh cắp dữ liệu. Nếu bạn kiểm tra số dư ngân hàng khi rời khỏi nhà hoặc công sở, bạn nên tắt WiFi và sử dụng kết nối 4G hoặc 3G là an toàn nhất.
Sử dụng ứng dụng của ngân hàng
Điều này không chỉ cung cấp nhiều khả năng hơn như truy cập tới camera và các thiết bị ngoại vi khác mà bởi vì các ứng dụng gốc có thể không nói chuyện được với nhau, do đó các chương trình khác không thể đánh cắp thông tin hay chiếm quyền kiểm soát quá trình thao tác của người dùng. Nếu bạn sử dụng trình duyệt trên điện thoại của bạn để truy cập tới trang web của ngân hàng và đăng nhập vào, quá trình nhập thông tin xác thực có thể dễ bị tổn thương hơn để đánh cắp nếu một ai đó đột nhập vào điện thoại của bạn.
Hơn nữa, nếu bạn tải ứng dụng thì nên chọn từ kho ứng dụng uy tín như của Apple, BlackBerry, Google và Microsoft. Bởi vì các ứng dụng không rõ nguồn gốc rất dễ bị nhiễm phần mềm độc hại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho thiết bị của bạn.
Không lưu dữ liệu đăng nhập
Tốt nhất, bạn đừng lưu mật khẩu ngân hàng trên ứng dụng smartphone. Nhập lại mật khẩu ngân hàng mỗi lần bạn cần thực hiện giao dịch là điều nên làm. Việc nhập lại mật khẩu mỗi khi bạn đăng nhập có thể khiến bạn khó chịu và mất thời gian một chút nhưng việc lưu lại mật khẩu giống như bạn để chìa khóa trước cửa khi bạn rời khỏi nhà. Điều này sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu xâm nhập thực hiện các giao dịch ngân hàng từ điện thoại của bạn một cách dễ dàng.
Luôn cập nhật
Thường xuyên kiểm tra công cụ thiết lập điện thoại để cập nhật phiên bản mới nhất của hệ điều hành. Các nhà sản xuất smartphone sẽ thường xuyên phát hành các bản cập nhật phần mềm để sửa chữa lỗ hổng bảo mật. Điều này có thể giúp thiết bị khỏi bị tấn công.
Ngoài ra hãy chắc chắn cài đặt bản cập nhập cho ứng dụng ngân hàng của bạn và phần mềm của các bên thứ ba hiện có sẵn trên điện thoại của bạn với lý do tương tự.
Đăng xuất sau khi thực hiện xong giao dịch
Hầu hết các ứng dụng ngân hàng sẽ tự động đăng xuất sau một thời gian người dùng không có hoạt động gì nhưng thông minh nhất là bạn nên tự đăng xuất khi hoàn tất các giao dịch cần thiết. Đừng bao giờ để chế độ luôn đăng nhập. Điều này có thể gây tổn hại cho bạn nếu điện thoại bị mất hoặc rơi vào tay kẻ xấu và không được bảo vệ đúng cách.
Tuệ Minh