Lỗ hổng, mã độc, tin tặc tấn công không còn quá xa lạ đối với người dùng smartphone khi chúng không hề giảm mà còn gia tăng chóng mặt. Vậy phải làm gì để smartphone của bạn miễn nhiễm các mầm độc đó?
Bài viết sẽ đưa ra 6 lời khuyên để smartphone hoặc máy tính bảng của người dùng không bị tin tặc đột nhập, hay nhiễm phần mềm độc hại…
Chỉ tải ứng dụng từ các nguồn tin cậy
Điều quan trọng nhất, người dùng smartphone có thể giữ an toàn cho thiết bị của họ là tránh các ứng dụng không phải của các gian hàng lớn, đáng tin cậy. Kho ứng dụng của Google (Google Play) thường xuyên quét các ứng dụng do các nhà phát triển cung cấp có mã độc hại. Mặt khác, Amazon cũng có hoạt động tương tự để dọn sạch các ứng dụng độc hại để bảo vệ người dùng.
Tuy nhiên, các ứng dụng tải từ các trang web chưa được kiểm định có thể chứa nhiều điều bất chắc. Ngay cả các trang web do các nhà phát triển đáng kính như “XDA-Developers” cũng không được miễn dịch với khả năng ai đó lợi dụng cộng đồng này để phát tán mã độc. Các trang web cung cấp phần mềm vi phạm bản quyền đặc biệt nguy hiểm. Ngay cả nếu chúng là ứng dụng nổi tiếng, bất kỳ đường dẫn không chính thống cũng đáng nghi ngờ. Thậm chí nếu chúng được gửi từ những người bạn thì cũng nên cảnh giác. Do đó, điều cần nhớ là chỉ tải về từ các nguồn đáng tin cậy.
Cài chương trình chống virus
Bất chấp những rủi ro trên, bạn vẫn phải tải ứng dụng từ khắp nơi trên Internet. Cách tốt nhất là bạn nên trang bị cho “dế” yêu một trong những ứng dụng chống phần mềm độc hại có sẵn cho Android. AVG, Avast, Norton… là những tên tuổi đáng tin cậy trong việc bảo vệ chống mã độc dành cho PC cũng đã phát hành các phiên bản dành cho máy tính bảng và smartphone Android. Nhiều ứng dụng chống phần mềm độc hại còn có chức năng chống trộm cho thiết bị, chẳng hạn như người dùng có thể định vị qua GPS, khóa hoặc xóa dữ liệu trên thiết bị từ xa.
Cập nhật mới nhất về xu hướng mã độc
Biết được loại phần mềm độc hại sẽ giúp bạn tránh bị đau đầu nếu vô tình gặp phải. Một ứng dụng độc hại sẽ hướng dẫn bạn tới trang web khẳng định rằng, bạn đã đồng ý trả tiền qua “thanh toán chỉ bằng một cú kích chuột”. Thường lửa đảo này liên quan đến các trang web chứa nội dung người lớn, hy vọng rằng người dùng sẽ bị lừa trả tiền cho những món hàng không có thực.
Một dạng phổ biến khác của cuộc tấn công thực sự dựa trên mong muốn của người dùng về bảo mật. Người dùng được website độc hại hay trang quảng cáo thông báo rằng, smartphone của họ đã bị nhiễm virus và cung cấp đường dẫn tới ứng dụng diệt virus. Sau khi cài đặt, ứng dụng sẽ xâm nhập vào smartphone của bạn và yêu cầu “trả tiền đăng ký” để điện thoại có thể hoạt động bình thường trở lại. Chỉ tải ứng dụng diệt virus có thương hiệu nổi tiếng và từ các cửa hàng ứng dụng tin cậy.
Để ý tới yêu cầu “chấp nhận” khi cài ứng dụng
Khi tải về ứng dụng mới, thậm chí từ một cửa hàng ứng dụng đáng tin cậy, người dùng cũng cần kiểm tra chắc chắn rằng, những yêu cầu “chấp nhận” mà ứng dụng đòi hỏi trong quá trình cài đặt không có gì gây bất lợi cho bạn.
Tránh sử dụng WiFi công cộng và sạc pin bất cứ khi nào có thể
Khi sử dụng WiFi ở nơi công cộng, smartphone của bạn có thể gặp nguy hiểm và là đối tượng tấn công của nhóm tội phạm tin tặc. Bên cạnh đó, khi sử dụng chung đường mạng WiFi, không chỉ có một mình bạn mà có thể nhiều người cũng đang truy cập hệ thống mạng này, vì thế, họ có thể truy cập dữ liệu của bạn. Do đó, nếu có thể bạn nên sử dụng mạng dữ liệu di động, còn không bạn nên sử dụng VPN hoặc chắc chắn rằng, tất cả các ứng dụng và tài khoản của bạn được thiết lập chỉ sử dụng qua kết nối đã được mã hóa.
Tương tự các trạm sạc pin công cộng cũng có thể sử dụng để truy cập dữ liệu trên thiết bị của bạn hoặc phát tán phần mềm độc hại. Khi kết nối điện thoại qua cổng USB với một nguồn vô danh, bạn sẽ để lộ rất nhiều thông tin nội bộ trên điện thoại không được bảo vệ. Do đó, hãy mang theo sạc pin của chính mình và cắm trực tiếp vào ổ cắm điện.
Nghiên cứu các ứng dụng bảo mật thay thế
Nếu bạn cần hoặc yêu cầu bảo mật hơn, ngoài phần mềm diệt virus vẫn còn có nhiều ứng dụng khác hỗ trợ bạn việc đó. DroidWall là một trong số đó, ứng dụng tường lửa này dành cho các thiết bị Android, cho phép bạn kiểm soát những ứng dụng được phép kết nối với Internet. Chẳng hạn, ngăn chặn các ứng dụng xâm nhập vào thông tin cá nhân từ kết nối qua các điểm phát sóng WiFi.
Permissions Denied là một ứng dụng khác cho phép bạn kiểm soát những ứng dụng được phép, cho phép bạn tắt các vấn đề cá nhân riêng tư như khóa một ứng dụng sử dụng camera của thiết bị hoặc truy cập dữ liệu khác.
Tuệ Minh