Dấu hiệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng smartphone đang có xu hướng chậm lại và lợi nhuận bị thu hẹp hơn. Liệu sự bùng nổ smartphone đã hết thời?
Giống như ngành công nghiệp máy tính và Tivi trước đây, thị trường smartphone cũng có sự phát triển tương đồng, báo hiệu thị trường smartphone đang dần bão hòa.
Kết quả đáng thất vọng
Đây là một năm khó khăn đối với các nhà sản xuất smartphone. Tuần trước, kết quả kinh doanh sơ bộ của Samsung đã không đáp ứng được như kỳ vọng của thị trường phố Wall, do doanh số bán smartphone kém hơn nhiều so với ước tính ban đầu. Cổ phiếu của công ty giảm 17% từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, Apple cũng có một năm kinh doanh khó khăn. Trong tháng 4, công ty đã thông báo lợi nhuận quý đầu tiên giảm trong 10 năm qua. Doanh số iPhone tăng trưởng chậm lại và khách hàng ngày càng lựa chọn các thiết bị cũ với giá thấp hơn. Dự báo lợi nhuận quý II của hãng sẽ giảm tới 21%.
BlackBerry cũng không làm hài lòng các cổ đông khi trong quý đầu tiên của năm, công ty chỉ bán được 2,7 triệu thiết bị BB10, ít hơn so với dự đoán của thị trường phố Wall.
Những gì đang xảy ra?
Các nhà đầu tư chỉ biết rằng, quy mô tiềm năng của thị trường smartphone sẽ nhỏ hơn so với ước tính ban đầu. Điều này xảy ra vì hai lý do.
Thứ nhất, thiếu sự đổi mới. Trong 10 năm qua, chúng ta đã biết tới email, lướt Internet, camera độ nét cao và các ứng dụng bổ trợ cho thiết bị cầm tay. Do đó, chỉ có sự đổi mới được tích hợp trong thiết bị mới khiến người dùng có lý do để nâng cấp lên sản phẩm kế tiếp.
iOS 7 của Apple là một ví dụ. Trong tháng 6 vừa qua, công ty đã phát hành phiên bản mới nhất của hệ điều hành di động này. Tuy nhiên, ngoài giao diện người dùng được thiết kế mới và một số cải tiến cho ứng dụng hiện có, thực sự không có bất cứ tính năng đột phá nào khiến người dùng muốn nâng cấp lên điện thoại đó ngay lập tức.
Khi phần cứng trên sản phẩm của các nhà sản xuất trở nên ngày càng tương tự nhau, chiến thắng sẽ thuộc về thiết bị nào có giá rẻ hơn.
Thứ hai, thị trường đang bão hòa. Theo công ty ComScore, 58% chủ sở hữu điện thoại di động ở Mỹ sẵn sàng sở hữu smartphone. Thử hình dung 42% số người còn lại, ai có thể mua thiết bị thông minh? Những khách hàng này thường là những người lớn tuổi và ít am hiểu về kỹ thuật.
Thực tế mà nói một thiết bị phẳng hơn, màn hình lớn hơn, giao diện người dùng mới có lẽ sẽ không thuyết phục được người dùng bỏ ra 759USD để tậu về smartphone mới (chưa kể kèm theo phí hàng tháng để truy cập mạng 3G). Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu nâng cấp thiết bị của người dùng.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn trong thị trường mới nổi. Trên toàn cầu, 51% điện thoại di động hiện nay là smartphone. Người mua tiếp theo có lẽ không có nhiều khả năng tài chính để mua các smartphone cao cấp.
Làm thế nào thu hút số người dùng còn lại?
Sự phát triển smartphone cũng tương tự như ngành công nghiệp PC cách đây 10 năm. Khi thị trường trở nên bão hòa và đổi mới chậm lại, sản phẩm đã trở thành mặt hàng thông dụng, sản phẩm nào có giá rẻ nhất sẽ thu hút được người dùng. Chẳng hạn, thương hiệu dẫn đầu ngành công nghiệp máy tính như Dell nhanh chóng mất “đất” cho các công ty nước ngoài như Lenovo và Acer – những nhà sản xuất này đã tạo ra sản phẩm có giá rẻ hơn để thu hút người dùng.
Dell vẫn sống sót nhưng lợi nhuận bị thu hẹp thảm hại. |
Những ai có vị trí tốt nhất trong tương lai?
Trong giai đoạn thứ hai của chu kỳ sản phẩm công nghệ, ngành công nghiệp “tụ hội” vào một vài tên tuổi lớn và đặt nặng vào giá thành hơn là phải có sự đổi mới.
Doanh thu smartphone không ảnh hưởng tới kết quả tài chính của Google. |
Google xứng đáng hơn với xu hưởng dịch chuyển này. Vì công ty cung cấp hệ điều hành cho các nhà sản xuất, các thiết bị Android có lợi thế đáng kể về giá trên thị trường. Ngoài ra, Google kiếm tiền chủ yếu thông qua công cụ tìm kiếm. Do đó, giảm lợi nhuận phần cứng thực sự không làm ảnh hưởng tới kết quả tài chính của Google.
Apple có vị trí khó khăn hơn chút. Doanh số bán iPhone hiện chiếm 52% doanh thu của công ty trong quý 2. Do đó, giảm doanh số và giảm lợi nhuận trong lĩnh vực này sẽ tác động lớn tới công ty. Hiện giờ doanh số bán iPhone đang được san sẻ sang cho máy nghe nhạc iPod, iTunes và ứng dụng. Nhưng thật khó để nhìn thấy hệ sinh thái này có thể thay thế toàn bộ lợi nhuận bán smartphone trừ khi Apple có thể tạo ra loại sản phẩm hoàn toàn mới.
Đối với nhưng tên tuổi “hạng hai” như BlackBerry, Nokia và các nhà sản xuất khác, tương lai lại càng mờ mịt hơn. Không phát triển hệ sinh thái sản phẩm đi kèm thiết bị di động, các công ty này sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc kinh doanh phần cứng.
Một tên tuổi khác cũng có thể chiếm bớt thị phần của các đối thủ. Đó chính là Mozilla. Hệ điều hành Firefox OS của công ty này có khả năng chiếm 10% thị phần smartphone hơn bất cứ tên tuổi “hạng hai” nào kể trên.
Nhìn chung, thị trường điện thoại di động đang bước vào giai đoạn hai của việc mở rộng sản phẩm. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trường có xu hướng nhanh chóng chậm lại và lợi nhuận bị thu hẹp hơn. Smartphone đã đang dần trở thành phân khúc “trưởng thành” và đó là tín hiệu xấu đối với các nhà đầu tư công nghệ.
Tuệ Minh