Đốt lửa trại bằng... mèo, chụp ảnh chân dung theo phong cách “người không đầu”... là những sở thích đáng sợ của người xưa.
Có lẽ khoảng cách giữa các thế hệ là quá xa để chúng ta có thể hiểu được những sở thích kì lạ đến “rợn tóc gáy” của người xưa. Cùng điểm lại một vài sở thích mang phần quái đản qua danh sách của trang Cracked dưới đây.
1. Đốt lửa trại bằng… mèo
Đây là một cách giải trí vô cùng quái dị của người Pháp vào thế kỷ XVIII. Người dân thời đó (và cả ngày nay) rất thích đốt lửa trại. Mỗi năm, cứ đến Hạ chí, người dân lại tập trung tại Quảng trường Hôtel-de-Ville, Paris cùng nhau đốt một đống lửa thật to, rồi sau đó ca hát, nhảy múa, uống rượu…
Tất cả sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không có một bao tải toàn… mèo sống được treo phía trên, bắt lửa từ từ cho đến khi cháy rụi. Đến sáng, mọi người tỉnh dậy sau một bữa no say, họ đến bên đống lửa và đem một ít tro của mèo về nhà làm bùa may mắn.
Theo quan niệm của những người dân Paris thời đó, loài mèo không có linh hồn, đôi khi, chúng là hiện thân của quỷ dữ hoặc là hóa thân của phù thủy mà thôi. Mang tro mèo về nhà sẽ như lời nhắc nhở những con ma quỷ rằng, nếu chúng vào nhà thì sẽ có kết cục giống như thế - chỉ là nắm tro tàn màu đen.
2. Chụp ảnh chân dung theo phong cách “người không đầu”
Rất lâu trước kia, khi Photoshop chưa ra đời, người ta đã có thú vui chụp những bức ảnh đánh lừa thị giác. Và “mốt” chụp ảnh chân dung theo phong cách “người không đầu” rất được ưa chuộng vào thế kỷ XIX.
Trên đây là một bức hình gia đình, chỉ khác là người mẹ bị con trai mình chặt đầu với một chiếc rìu. Nếu không biết, người xem có thể có một đêm mất ngủ vì sự ghê rợn của nó.
Tuy nhiên, bằng việc kết hợp hình ảnh từ nhiều âm bản (phim máy ảnh) khác nhau, các nhiếp ảnh gia thời xưa đã tạo nên những bức ảnh khiến người xem có thể "choáng" và sửng sốt.
Nhưng không phải bất cứ nhà nhiếp ảnh nào cũng có đối tác sẵn sàng chụp những bức ảnh mà bản thân là nạn nhân, nên người dân thời đó chuộng các kiểu ảnh “tự xử” hơn.
3. Sưu tầm những kẻ giết người
Vào thế kỷ XIX, rất nhiều người có sở thích sưu tầm những bức tượng người nổi tiếng. Nhưng tại London, người xưa lại có sở thích “quái” hơn, đó là sưu tầm bức tượng của những kẻ giết người.
James Blomfield Rush là tên sát nhân được ưa chuộng thời bấy giờ. Đây là kẻ phải chịu trách nhiệm về hai cái chết tại tòa thị chính Stanfield. Tại đây, hai người chủ của công ty Rush - Isaac Jermy và con trai là Isaac Jermy Jermy đã bị sát hại vô cùng dã man vào năm 1848.
Một tác phẩm khác về hiện trường “vụ án mạng tại chuồng gia súc” cũng rất được ưa chuộng. Tác phẩm mô phỏng lại cảnh William Corder dụ dỗ Maria Marte - nhân tình của hắn vào nhà kho.
Sau đó, hắn đánh ngất Maria rồi dùng khăn tay siết cổ đến chết. Xác chết của Maria được chôn ngay dưới sàn, còn khi vụ án được phơi bày thì lại trở thành niềm vui cho các nhà sưu tầm.
Nhưng không phải ai cũng đủ khả năng chi trả cho những bức tượng hào nhoáng và đắt tiền như vậy. Họ chọn phương án khác hợp lý hơn: sưu tầm những tờ rơi về kẻ giết người.
Vào ngày thi hành án, những người bán hàng rong sẽ rao bán một bản thông tin chi tiết từ thân thế, quá trình diễn ra vụ án, đến những bức ảnh về kẻ thủ ác. Một số vụ án nổi tiếng thậm chí bán được hàng triệu bản, ngang với single của nhiều ca sĩ nổi tiếng thời nay.
4. Đến thăm… nhà xác
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, với mật độ chiến tranh dày đặc, những thành phố lớn của Pháp như Paris có rất nhiều xác chết vô danh. Để giải quyết, họ quyết định xây “nhà xác Paris” ngay dưới chân Nhà thờ Đức Bà với những buồng lạnh bọc kính để công chúng có thể ngắm nhìn và sàng lọc thi thể vô danh.
Ý tưởng này có vẻ khá hợp thời khi qua đó có thể giúp công chúng tìm lại thi thể người thân, góp phần xác minh những xác chết vô danh. Tuy nhiên, theo thống kê, số người đến thăm nhà xác lên đến… 40.000 người mỗi ngày, tương đương với lượng người đến thăm Disney World.
Nhưng những người đến thăm chủ yếu là khách du lịch, họ coi việc ngắm nhìn những tư thế của xác chết như ngắm tác phẩm nghệ thuật. Số ít còn lại là những người dân Paris đến với mong muốn tìm lại thi thể người thân. Nhà xác Paris còn được đưa hẳn vào sách hướng dẫn du lịch của thành phố hoa lệ này. Sau khi vận hành khoảng nửa thế kỷ, nhà xác Paris đã đóng cửa.
5. Đến thăm sở… người
Vườn bách thú được xây dựng để lưu giữ, chăm nuôi và giúp con người có cơ hội chiêm ngưỡng những loài thú hoang dã quý hiếm. Tuy nhiên, con người thời xưa còn tiến xa hơn thế, họ đã thiết kế ra những sở thú để giam giữ đồng loại.
Một "sở người" ở Nhật Bản.
Không chỉ thế, những "sở người" kì lạ này tồn tại đến hàng trăm năm từ châu Âu, qua Nhật Bản và Mỹ. Họ cưỡng chế, bắt cóc người dân bản địa từ khắp nơi trên thế giới, rồi nhốt họ sống trong những ngôi nhà xập xệ, gọi là “làng”. Sau đó, người quản lý thản nhiên thu tiền người xem.
Những kẻ sẵn sàng trả tiền để mua vé vào "sở người" thản nhiên làm những gì họ thích như ném đồ ăn, trêu chọc thổ dân. Những hành động có thể coi là mất nhân tính này chỉ thực sự chấm dứt khi "sở người" bị buộc đóng cửa vào năm 1958.