VIETHAMVUI

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


    "Huynh & Đệ", ngày ấy và bây giờ...

    ThaoMy
    ThaoMy
    Pre-Moderator
    Pre-Moderator


    Tổng số bài gửi : 9967
    Join date : 07/06/2012
    Đến từ : Thành Phố Cây Xanh

    "Huynh & Đệ", ngày ấy và bây giờ... Empty "Huynh & Đệ", ngày ấy và bây giờ...

    Bài gửi by ThaoMy Fri Jun 28, 2013 12:31 pm

    "Huynh & Đệ", ngày ấy và bây giờ...

    Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên

    Ảnh Ngô Đình Diệm
    I.Ngày trước :
    A.Ngô Đình Diệm : ( 3 tháng 1 năm 1901– 2 tháng 11 năm 1963 )
    Ông sinh ở Huế trong một gia đình quyền quý theo Công giáo. Ông là con Ngô Đình Khả là Thượng Thư triều đình Huế kiêm Phụ Đạo Đại Thần và cũng là Cố Vấn của vua Thành Thái. Năm 1918, Ngô Đình Diệm dạy Trường Quốc Tử Giám.Năm 1919 ông học trường Hậu Bổ, tương tự như trường Hành chính Quốc gia bây giờ. Năm 1923, Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên rồi Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị .Năm 1930, ông làm Tuần vũ tỉnh Bình Thuận .Năm 1932, Ngô Đình Diệm là Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại. Năm 1932 ông từ quan.
    Ông từng sống ở Mỹ một thời gian, có quan hệ với một số nhân vật trong chính giới Mỹ, được Mỹ ủng hộ về Việt Nam làm Thủ tướng trong chính phủ Bảo Đại (sau Hiệp định Genève) rồi “Tổng thống đầu tiên” của “Việt Nam cộng hòa”
    Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc và chống Cộng kiên quyết. Có người cho rằng ông Ngô Đình Diệm đã bỏ lỡ cơ hội thống nhất đất nước khi từ chối hiệp thương, không tiến hành tổng tuyển cử và giết hại rất nhiều người cộng sản . Ngô Đình Diệm đã phạm nhiều sai lầm khi cầm quyền như sử dụng chế độ gia đình trị, để người thân mặc tình tham nhũng .Tuy nhiên nhiều người công nhận rằng ông là người trong sạch, khí phách, bảo vệ đến cùng thể diện quốc gia.
    Ngô Đình Diệm chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam . Ông nói: "Nếu quý vị mang Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với dân tộc tôi? Với người dân Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội Viễn chinh Pháp còn hằn sâu trong tâm trí họ. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam."
    Chính thái độ cương quyết chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam đã là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 11năm 1963 do một số tướng lĩnh cầm đầu với sự ủng hộ của Mỹ. Sau khi trải qua những giờ cuối cùng ở nhà thờ Cha Tam (Chợ Lớn), ông tự nộp mình cho lực lượng đảo chính sáng ngày 2 tháng 11. Trên đường bị chở về Bộ Tổng tham mưu, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính (Có nhiều tài liệu cho rằng Đại Úy Nguyễn Văn Nhung theo lệnh của Tướng Dương Văn Minh) sát hại (đến nay nguyên nhân vụ ám sát này vẫn chưa rõ là do tư thù hay do lệnh của Hoa Kỳ).
    Ảnh Ngô Đình Nhu
    II.Ngô Đình Nhu ( 1911-1963)
    Ngô Đình Nhu về danh nghĩa là “Cố vấn chính trị” cho anh mình là Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu lịch sử đều nhận định ông là kiến trúc sư của mọi chủ trương chính sách của nền Đệ nhất cộng hòa. Ông sinh năm 1911 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình .(có tài liệu ghi ông sinh ở Huế). Thân phụ ông là Ngô Đình Khả , một trong những vị đại thần của nhà Nguyễn .
    Khác với hai người anh của mình là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm , vốn xuất thân Nho học và ra làm quan cho nhà Nguyễn, Ngô Đình Nhu lại theo Tây học. Ông tốt nghiệp trường Viễn Đông Bác cổ (École Nationale des Chartes) ở Paris, Pháp. Khoảng năm 1930, ông về nước làm việc ở Văn khố Phủ toàn quyền Đông Dương (Hà Nội ) sau là Giám đốc Thư viện Bảo Đại , Giám đốc Sở lưu trữ văn thư Huế .
    Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc ở Hà Nội nhưng ông bỏ việc trốn sang Lào, rồi về ẩn dật ở Đà Lạt .
    Từ thập niên 1950, ông bắt đầu hoạt động chống cộng sản với sự thành lập Liên đoàn Lao động Công giáo .
    Năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, ông thành lập đảng chính trị Cần Lao, dựa vào một chủ thuyết do ông khởi xướng là học thuyết Cần lao - Nhân vị để hỗ trợ chính quyền của anh ông. Dưới sự giúp đỡ của người Mỹ, đảng Cần Lao phát triển lên nhanh chóng, thâm nhập vào hàng ngũ quân đội, công chức, trí thức và cả giới kinh doanh và trở thành chính đảng lớn nhất thời bấy giờ. Đồng thời, ông cũng cho thành lập một tổ chức có tên là "Thanh niên Cộng hòa", theo mô hình đảng sơ-mi nâu của Adolf Hitler, do ông làm Tổng thủ lãnh. Một tổ chức khác dành cho phụ nữ có tên là "Phụ nữ liên đới" cũng được thành lập và do vợ ông là Trần Lệ Xuân làm Tổng thủ lãnh.
    Ông cũng cho lập và trực tiếp khống chế nhiều cơ quan tình báo và mật vụ (lúc cao trào có tới 13 cơ quan) với những quyền lực to lớn như được quyền bắt giam người không cần xét xử.
    II. Và bây giờ :
    Tuy nhiên, do tính chất độc tài gia đình trị, cộng với những biện pháp tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến dẫn đến việc ông bị xem là có trách nhiệm cho sự sụp đổ của nền Đệ nhất cộng hòa. Đặc biệt là những biện pháp được thực hiện trong vụ đàn áp Phật giáo năm 1963 đã dẫn đến sự phản ứng dữ dội. Ngày 1 tháng 11năm 1963, các tướng lĩnh đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Nhu và người anh phải chạy trốn vào nhà thờ Cha Tam. Tuy nhiên, vào ngày 2 tháng 11 năm 1963, người ta thấy một đoàn xe quân sự đến đón hai anh em ông về Bộ Tổng tham mưu. Tuy nhiên, khi chiếc thiết giáp M 113 chở hai anh em ông về đến nơi thì phát hiện thi thể của hai anh em ông với nhiều vết dao và dấu đạn trên người...
    Sau đó hai ông được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (vị trí ở đường Điện Biên Phủ cắt với đường Hai Bà Trưng, ngày nay là công viên Lê Văn Tám). Áo quan của Ngô Đình Diệm hình hộp, áo quan của Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích vì người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu.(Ảnh bên dưới)
    Trong khoảng thập niên 1980, do nhu cầu phát triển đô thị trong nội đô Sài Gòn, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được di dời về nghĩa trang Lái Thiêu (nghĩa trang nhân dân số 6B) ngày nay. Mộ phần của hai ông ở bên cạnh nhau, không có tên mà chỉ ghi tên thánh và “Huynh” (chỉ ông Diệm) hoặc “Đệ” (ông Nhu). Mộ phần thân mẫu và em của họ là Ngô Đình Cẩn cũng ở gần đó.
    Mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt: không có nấm mộ, bia, chỉ có tấm đan (bê - tông) đặt bên trên cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm trước ngày giải phóng, hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề mộ kiên cố. Những kẻ cơ hội xưa vụt quay lưng với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân tín cũng ngại đến thăm viếng vì sợ chính quyền Sài Gòn cũ dòm ngó. Năm 1964, bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của hai ông mất, đám tang không người đưa tang.
    Một nhân chứng trong Ban di dời sau này kể: Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín) rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai ông chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do va đập.
    Trong thời gian di dời, có một người phụ nữ tên là Hạnh từ Huế vào, xưng là cháu, nhận thi hài hai ông. Bà Hạnh quá khó khăn nên chính quyền thành phố phải lo toàn bộ chi phí ăn, ở, chi phí cải táng và xây mộ mới.
    Thi hài ông Diệm, ông Nhu được chôn lại tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương), với áo quan loại tốt và kim tĩnh. Mộ ông Ngô Đình Cẩn được chôn tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965, và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân cũng được quy tụ về đây.
    Trong khu đất rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên. Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn. Trước đây, theo yêu cầu của gia đình, mộ không đề tên, mà chỉ đề "mẫu", "huynh", "đệ". Sau, theo đề nghị của một số người, trong đó có Việt kiều về thăm, mộ được đề đích danh.
    Anh Mâm, anh Chẩy - hai trong số hàng chục người trông coi mướn mộ phần tại đây, cho hay: Thời gian đầu, mộ gia đình họ Ngô không có người chăm nom, trong khi đa số ngôi mộ khác có thân nhân thường xuyên lui tới và thuê người chăm nom. Thấy những ngôi mộ đó cỏ mọc tốt, nhiều rêu phong, anh em bảo nhau dọn cỏ, dùng bàn chải chà rêu như những ngôi mộ khác. "Lẽ nào mình quanh quẩn ở đây cả ngày mà lỡ để cho ngôi mộ ngay gần mình lạnh lẽo!" - Mâm nói, sau khi chia đều nắm hương ngút khói, cắm vào từng bát nhang trước bốn ngôi mộ gia đình họ Ngô.
    Một thời gian sau ngày mộ được hoàn thành, thỉnh thoảng có một số Việt kiều tới đọc kinh cầu nguyện và đại diện Công giáo cũng đến thăm viếng…
    Bùi Thụy Đoàn Nguyên
    Tài liệu tham khảo :
    -Tự điển wikipedia tiếng việt
    - Bí ẩn mộ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu . Bài của Phạm Cường (báo Vn net ra ngày 18-8-2005)

      Hôm nay: Fri Nov 15, 2024 10:23 pm