Những 'anh hùng' của thế giới công nghệ
Steve Jobs của Apple, Lee Kun-hee của Samsung hay Larry Ellison của Oracle đều xứng đáng được xem là những "anh hùng" trong làng công nghệ, nhờ kỳ tích vực dậy một công ty bên bờ vực thẳm rồi biến nó thành một tượng đài.Thị trường công nghệ hiện được ví còn hỗn loạn hơn cả vụ nổ Big Bang. Hôm qua, bạn là một câu chuyện thành công mỹ mãn, nhưng hôm nay có thể bạn đã là dĩ vãng. Nhìn vào Nokia, BlackBerry và Yahoo, bạn sẽ thấy để cứu những con thuyền đang chìm khó khăn đến thế nào. Song, trong lịch sử ngành CNTT, vẫn có những người làm được điều đó. Họ là những anh hùng của thế giới công nghệ.
Dưới đây là tên tuổi của 7 vị CEO đã làm được điều tưởng chừng không thể: "tái tạo" lại những công ty bên bờ vực thẳm và đem đến thành công kéo dài hàng chục năm trời. Câu chuyện của họ nghe có vẻ dễ dàng, nhưng họ đã phải nỗ lực hết mình để làm được điều đó.
1. Steve Jobs của Apple.
Câu chuyện Steve Jobs vực dậy Apple và đưa "quả táo" thành tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ là một câu chuyện thần kỳ, song không phải lúc nào Steve Jobs và Apple cũng là hai cái tên gắn liền với nhau. Năm 1985, vị CEO này đã bị đuổi khỏi công ty mà mình đồng sáng lập do mâu thuẫn cá nhân. Sau cú ngã đau khá nổi tiếng này, Steve Jobs sáng lập ra hai công ty là NeXT (sau này được Apple mua lại) và Pixar (hiện nay đã trở thành studio sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới).
Khi trở lại Apple, lúc này đã bên bờ vực phá sản, Steve Jobs tiến hành một cuộc cải tổ và thậm chí còn thu hút được khoản đầu tư 150 triệu USD từ đối thủ Bill Gates. Sau đó, Steve Jobs dạy cho Apple cách biết suy nghĩ khác biệt (Think Different) và tung ra một loạt sản phẩm đột phá (iPod, iPhone, iPad), biến Apple trở thành công ty có trị giá lớn nhất thế giới.
2. Lou Gerstner và Sam Palmisano của IBM.
Đầu thập niên 1990, IBM lâm vào tình thế nguy ngập và những cái tên lớn như Bill Gates, John Sculley (Microsoft), George Fisher (Motorola), Eckhard Pfeiffer (Compaq) và Scott McNealey (Sun Microsystem) đều từ chối vị trí thuyền trưởng của con thuyền sắp chìm này. Cuối cùng, IBM quyết định cầu cứu tới Lou Gerstner, một "kẻ ngoại đạo" của ngành công nghệ.
Những cố gắng của Gerstner tại IBM đã trở thành huyền thoại: công ty tái tập trung vào ngành IT (với doanh thu lên tới 50%) và tận dụng cơn sóng Internet đang bùng nổ để vươn tới thành công. Gerstner cũng đã tiến hành cải tổ toàn bộ hệ thống nhân sự của IBM, tái tập trung các chiến lược quảng cáo, thay đổi văn hóa tập đoàn cùng nhiều biện pháp cứng rắn khác. Kết quả là IBM từ chỗ sắp phá sản trở lại hoạt động ổn định và trong vòng 10 năm sau đó, Sam Palmisano tiếp tục giữ cho công ty tiếp tục tăng trưởng đều đặn.
3. Andy Grove của Intel.
Thực tế, ngay từ những ngày đầu tiên của Intel, tiếng nói của Andy Grove vẫn có những trọng lượng nhất định, song thời điểm Grove lên làm CEO vào năm 1987 đánh dấu một bước chuyển biến rất lớn dành cho công ty. Thời điểm đó, ngành công nghiệp chip bán dẫn bị thống trị bởi một số công ty Nhật Bản.
Về doanh số, Intel đứng thứ 10, nằm giữa Mitsubishi và Matsushita. Đó cũng là thời điểm mà Grove đưa ra quyết định tập trung vào thị trường PC với các con chip sử dụng kiến trúc x86. 5 năm sau đó, Intel trở thành công ty sản xuất vi xử lý lớn nhất thế giới - vị trí mà công ty chưa bao giờ để tuột mất vào một đối thủ nào. Điều đó chứng tỏ vị trí của Grove: một trong những doanh nhân và nhà quản lý hàng đầu Hoa Kỳ.
4. Lee Kun-hee của Samsung
Lee Kun-hee trở thành chủ tịch của tập đoàn Samsung vào năm 1987, chỉ vài tuần sau khi cha ông, Lee Byung-chull, người sáng lập ra Samsung, qua đời. Thời điểm đó, Samsung là một cái tên gắn liền với những sản phẩm rẻ tiền đến từ mọi lĩnh vực: thực phẩm, quần áo và cả đồ điện tử.
Cố gắng thay đổi phong cách quản lý công ty, vốn mang đậm tính Hàn Quốc, trở thành một nền văn hóa doanh nghiệp mang tính toàn cầu và linh hoạt hơn, ông Lee đã đưa ra một câu nói nổi tiếng: "Thay đổi tất cả mọi thứ trừ vợ và con".
Lee tập trung công ty vào 2 mặt trận: sáng tạo và chất lượng. Nhờ đó, Samsung đã trở thành người dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực điện thoại di động, màn hình tinh thể lỏng và chip bán dẫn. Có thể nói, hiện nay Samsung là thương hiệu lớn nhất đến từ châu Á.
5. Irwin Jacobs của Qualcomm.
Đã có thời điểm nếu như bạn gọi Qualcomm là một công ty công nghệ quan trọng, sẽ chẳng ai thèm để ý tới bạn. Với nguồn vốn 100 tỷ USD và sản phẩm có mặt trên phần lớn các mẫu điện thoại di động của thế giới, vị thế của Qualcomm đã thay đổi. Sự thay đổi đó là cả một quá trình dài đối với CEO kiêm nhà sáng lập Irwin Jacobs.
Để biến CDMA trở thành một tiêu chuẩn chung của cả ngành công nghiệp di động, Qualcomm đã phải tự tạo ra các con chip, phần mềm và thậm chí là cả những chiếc điện thoại riêng. Qualcomm đã phải bảo vệ tài sản trí tuệ của mình trong vô số những vụ kiện khác nhau. Ngày hôm nay, Qualcomm là công ty sản xuất chip bán dẫn lớn thứ 3 thế giới, đồng thời cũng là người nắm giữ rất nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực 3G và 4G.
6. Larry Ellison của Oracle.
Lý do duy nhất mà Oracle có thể đối chọi lại sự cạnh tranh tàn khốc từ những công ty phần mềm lớn như Microsoft và IBM để trở thành vị vua của thế giới phần mềm doanh nghiệp là nhờ tài năng vượt bậc và sự cứng rắn của một người duy nhất: nhà đồng sáng lập Larry Ellison.
Năm 1990, Oracle gần như phá sản. Ngày hôm nay, Oracle là người dẫn đầu không có đối thủ trên lĩnh vực cơ sở dữ liệu và các phần mềm khác của ngành công nghiệp phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp. Giá cổ phiếu của công ty liên tục tăng lên từ khi Internet bùng nổ, và hiện nay Oracle đang có nguồn vốn lên tới 150 tỷ USD. Ellison hiện là người giàu thứ 3 tại Hoa Kỳ.
Theo VnReview.