Chủ nhật, 17/03/2013
Cà phê chồn đắt nhất hành tinh sản xuất ở Việt Nam
Cà phê chồn đắt nhất hành tinh sản xuất ở Việt Nam
Giữa thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột có trang trại nuôi chồn hương, để tạo ra một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới: 10 triệu đồng/kg (gấp 100 lần giá cà phê bột thông thường).
Nông dân Hoàng Mạnh Cường có trang trại hơn 0,5 ha ở số 5 đường Hoàng Hoa Thám, được cấp phép nuôi nhiều loài động vật hoang dã, như rắn, trăn, dúi, nhím đá, chim trĩ, kỳ đà…, tổng cộng lên đến hàng nghìn con trong nhiều dãy chuồng thoáng, sạch.
Được ông Cường đầu tư nhiều công sức nhất là đàn cầy vòi hương (chồn hương) gần 200 con. Chúng được chăm chút kỹ lưỡng trong từng căn hộ, ăn tầng dưới, ngủ tầng trên, có sân chơi rộng cửa khi đêm về. Chúng được nuôi bằng thịt và trái cây để sản xuất ra cà phê chồn vào mùa cà phê chín, bằng cách ăn những quả cà phê đỏ mọng ngon nhất rồi thải ra những lọn phân ken đặc hạt cà phê lên men.
Chủ trại nhặt lấy đặt vào khay, xếp lên kệ hong cho ráo, đưa vào lò sấy trước khi xát vỏ, rửa bằng nước lạnh, đưa vào chảo rang, xay, đóng gói. Toàn bộ quy trình được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Ông Cường đã đầu tư gần chục tỉ đồng để thử nghiệm, nghiên cứu trong hơn mười ba năm
Cà phê chồn đắt nhất hành tinh - Chủ trại nhặt lấy đặt vào khay, xếp lên kệ hong cho ráo, đưa vào lò sấy trước khi xát vỏ, rửa bằng nước lạnh, đưa vào chảo rang, xay, đóng gói.
Năm 2004, cà phê chồn lọn thô phơi trên sân nhà ông Cường được du khách Pháp đặc biệt chú ý, khi họ tới tham quan trại nuôi thú hoang. Nhóm khách ấy hào hứng xin mua cà phê chồn làm kỷ niệm và gợi ý ông Cường biến nó thành loại hàng hóa có thể đọ với thương hiệu Kopi Luwak (Indonesia) có giá hàng nghìn đô la Mỹ mỗi cân.
Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai, thứ ba, một số loại cà phê chồn rang xay được vài công ty giới thiệu với giá tương đương Kopi Luwak, nhưng ít ai biết nguyên liệu làm nên sản phẩm cao cấp ấy được mua từ trại ông Cường.
Năm 2007, Cty TNHH MTV Kiên Cường ra đời. Được chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu của Đan Mạch tạo điều kiện, ông Cường mời chuyên gia của Trung tâm Phát triển Cộng đồng đến dạy cách rang xay, chế biến đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật để được cấp chứng chỉ sản phẩm an toàn.
Một doanh nghiệp Đài Loan đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ cà phê chồn lọn thô với giá thỏa thuận, ông Cường từ chối vì muốn bảo vệ thương hiệu.
Ông Cường tâm sự: "Sẽ còn rất nhiều khó khăn nữa để cà phê chồn Việt Nam trở nên quen thuộc với khách hàng cao cấp toàn cầu. Nhưng Indonesia đã làm được, tại sao mình lại không?".
Theo Tiền Phong