Báo động đỏ máy tính, đĩa cài không bản quyền chứa mã độc
Mã độc bao gồm các lỗ hổng, botnet, mã phá chương trình, mã ăn cắp mật khẩu, trojans, và virus... đã trở thành nguy cơ lớn, không chỉ cho các cá nhân mà cả các doanh nghiệp. Bên lề buổi công bố nghiên cứu chuyên sâu về an toàn cho máy tính thực hiện mới đây tại các nước Đông Nam Á của Microsoft, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Rebecca Hồ, Giám đốc về Sở hữu trí tuệ, Microsoft Đông Nam Á xung quanh vấn đề này.- Bà có thể chia sẻ lý do Microsoft lại làm nghiên cứu này?
Nghiên cứu này là một phần công việc thường xuyên Microsoft tiến hành nhằm theo dõi độ lành mạnh về an ninh số của thị trường. Những hoạt động như thế này là điều rất quan trọng nhằm bảo vệ khách hàng của Microsoft và đảm bảo có một cộng đồng kỹ thuật số thực sự an toàn.
Bà Rebecca Hồ, Giám đốc về Sở hữu trí tuệ, Microsoft Đông Nam Á.
- Microsoft làm nghiên cứu này trên những sản phẩm nào của Microsoft? Kiểu Mã độc nào là mã phổ biến được tìm thấy trong nghiên cứu này?
Nghiên cứu này tiến hành trên các máy tính và DVD chưa các sản phẩm Windows 8, Windows 7, Windows XP và Office cũng như phần mềm của các đối tác thứ 3 khác. Trung bình 69%, các ổ cứng máy tính và đĩa bất hợp pháp được kiểm tra đều chứa các mã phần mềm độc hại.
Các loại phổ biến nhất là ứng dụng phá khóa Crackers: các ứng dụng để vượt qua hệ thống mật khẩu hoặc giấy phép trong các chương trình máy tính; Sâu Trojan: các ứng dụng xuất hiện một cách hợp pháp và hữu ích nhưng thực hiện các hoạt động nguy hiểm và bất hợp pháp trên máy tính bị nhiễm mã độc; Sâu Dropper: là một loại trojan chuyên đi thả các tập tin thường là mã độc vào máy tính.
- Bà có thể cho biết rủi ro nào sẽ xảy ra khi sử dụng phần mềm giả mạo có mã độc? Và vi phạm này có ảnh hưởng như thế nào?
Mã độc sẵn có trong phần mềm giả mạo sẽ lây nhiễm và đánh cắp thông tin từ máy tính của nạn nhân. Tội phạm mạng sau đó có thể sử dụng thông tin đó để thâm nhập bất hợp pháp và lợi dụng các dịch vụ trực tuyến của nạn nhân, bao gồm tài khoản ngân hàng trực tuyến, hệ thống email, và các trang web mạng xã hội.
Tội phạm mạng có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến của nạn nhân để ăn cắp, gây tổn hại cho gia đình, bạn bè của nạn nhân, và đồng nghiệp thông qua các email lừa đảo và các phương tiện truyền thông xã hội, yêu cầu họ bỏ tiền ra hoặc truyền tải đi các mã độc rộng rãi hơn và làm gia tăng mạng lưu lượng truy cập Internet từ gây sập mạng.
Mỗi năm, hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bị tổn hại bởi các phần mềm giả mạo thường là do mua một cách vô thức. Hơn thế, nhiều các công ty bán phần mềm hợp pháp cũng đang gặp khó khăn gây ra bởi cạnh tranh giá thấp do các phần mềm bất hợp pháp. Người dùng, doanh nghiệp và các đại lý liên tục yêu cầu Microsoft hỗ trợ để giảm thiểu đi các rủi ro gây ra bởi nạn vi phạm.
Sáng kiến về Phần mềm Microsoft chính hãng là một trong những cách đào tạo tiên tiến trong hệ sinh thái phần mềm về vi phạm và sẽ tiếp tục đầu tư những cơ cấu công nghệ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và hỗ trợ thực thi chính sách và pháp luật chống vi phạm bản quyền.
- Tại Việt Nam, hãng đã có những điều tra, nghiên cứu sơ bộ nào chưa về nguy hại liên quan đến việc bảo mật máy tính?
Nghiên cứu chuyên sâu được công bố ngày hôm nay được thực hiện tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tại riêng Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu trên 9 DVD và 41 HDD phát hiện 66% bị nhiễm mã độc hại malware do sử dụng các DVD lậu và 92% các đĩa cứng kiểm tra cũng bị nhiễm mã độc này.
- Vậy Microsoft có cảnh báo, tư vấn hay có chương trình hoạt động gì trong thời gian tới để nâng cao nhận thức về vấn đề bảo mật máy tính tại Việt Nam?
Với khoảng 80.000 mã độc xuất hiện trong một ngày, đây thực sự là mối nguy rất lớn trong công tác đảm bảo an toàn thông tin trên thế giới nói chung và đặc biệt tại Việt Nam nói riêng khi công tác bảo mật và nhận thức của người dùng về vấn đề bảo mật còn ở mức thấp. Microsoft sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các báo cáo giúp các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng liên tục được cập nhật.
Chúng tôi cũng có những phần mềm miễn phí dành cho người dùng máy tính và sẽ tổ chức các hoạt động hội thảo, đào tạo về vấn đề an toàn bảo mật tại Việt Nam. Ngoài ra, hi vọng rằng trong thời gian tới,Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam sẽ thắt chặt quản lý doanh nghiệp kinh doanh máy tính, nhằm đảm bảo khách hàng được sử dụng phần mềm chính hãng, tránh đi rủi ro. Ngoài ra, việc nâng cao văn hóa an toàn thông tin cần được định hướng thông qua các văn bản pháp lý, kèm tổ chức các sự kiện để tạo hành lang, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức và từng cá nhân.
- Xin cảm ơn bà!
Theo VnMedia.