Sử dụng đôi đũa hằng ngày nhưng chắc gì bạn đã biết hết sự thật về nó sau đây
00:08 14/07/2019
00:08 14/07/2019
Với tuổi đời kéo dài hàng nghìn năm, đi cùng đôi đũa qua từng thời đại là những câu chuyện thú vị vô cùng.
Sự hiện diện của đôi đũa trong cuộc đời chúng ta gần như hiển nhiên như mặt trời mọc đằng đông vậy. Từ lúc chúng ta bắt đầu nhận thức và nhớ được thì đôi đũa đã đồng hành cùng chúng ta qua từng bữa cơm đầu đời rồi. Bạn bè quốc tế hỏi vì sao người Việt Nam dùng đũa giỏi đến vậy, chúng ta cũng không biết trả lời vì sao. Giống như sinh ra là đã biết sử dụng rồi, việc cầm đũa nằm trong bản năng chúng ta, ghi lại trong bộ gen được truyền qua hằng trăm, hàng nghìn năm.
Thế nhưng, đến cả những người sử dụng đũa hàng ngày như chúng ta có thể cũng không biết đến một số những sự thật về đôi đũa sau đây đấy:
Ngày xưa đũa không được dùng để ăn
Ngày xưa, đũa chỉ được dùng để nấu nướng.
Đũa được phát minh từ khoảng 5000 năm về trước ở Trung Quốc, và phiên bản đầu tiên của đũa chỉ đơn giản là hai nhánh cây được dùng để lấy thức ăn ra khỏi những chiếc nồi nóng. Khoảng một thời gian dài sau đó, đũa đều chỉ được dùng trong nấu nướng chứ không xuất hiện trên bàn ăn. Mặt khác, khi Nho giáo đạt đến thời phát triển hưng thịnh, người ta bắt đầu thay dao bằng đũa. Các món ăn được cắt nhỏ trước khi mang lên bàn, và đũa bắt đầu được trưng dụng nhiều hơn.
Đây là do lời dạy của Khổng Tử rằng dao liên quan đến sát sinh, không nên mang để trên bàn ăn. Người quân tử nên tránh xa nơi giết mổ và cả nhà bếp và không để dao trên bàn. Vậy nên đôi đũa bắt đầu trở nên phổ biến như một dụng cụ ăn uống.
Đũa nổi tiếng nhờ món… mì
Nhờ vào sự phổ biến của bột mì ở Trung Quốc thế kỷ 1, rất nhiều món sợi được phát minh. Đến lúc này, người ta không thể dùng muỗng để múc các sợi mì được nữa, nhưng dùng đũa gắp thì rất tiện lợi. Hầu như quốc gia châu Á nào cũng có một nhóm các món ăn làm từ sợi và do đó, đũa trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Hiện tại, khó để tưởng tượng việc ăn mì, phở, bún mà không dùng đũa nhỉ!
Độ dài đũa và chất liệu đũa khác nhau qua từng quốc gia
Từ trên xuống dưới lần lượt là đũa Đài Loan, Trung Quốc, Tây Tạng,
Việt Nam, Hàn Quốc, bộ đũa cho nam và nữ của Nhật...
Không đôi đũa ở nước nào giống nước nào, điều đó là chắc chắn. Ví dụ như đũa ở Trung Quốc thường dài nhất do bàn ăn Trung Quốc thường có kích cỡ rất rộng. Mặt khác, đũa ở Nhật Bản thường ngắn hơn, có loại ngắn dành cho phụ nữ và có loại dành cho trẻ con. Có các chất liệu khác nhau như sứ, ngà voi, bạc…
Đũa ở Hàn Quốc không tròn mà dẹp
Nếu bạn đã từng đến Hàn Quốc hoặc đi ăn ở những quán ăn do người Hàn mở, bạn sẽ để ý một điều là ngoài chất liệu kim loại, những chiếc đũa Hàn Quốc cũng rất độc đáo do có hình dáng dẹp chứ không tròn. Về lý do thì rất đơn giản: kim loại thường trơn, làm tròn sẽ dễ lăn. Với đũa dẹp, người Hàn không sợ đũa lăn lung tung trên bàn.
Người Nhật có một kiêng kỵ rất quan trọng về đôi đũa
Nếu bạn từng đi ăn ở Nhật, có lẽ bạn sẽ biết rằng người Nhật kỵ nhất là truyền thức ăn cho nhau bằng đũa. Bạn có thể gắp thức ăn vào bát người khác, nhưng không nên gắp thức ăn từ đũa người khác. Đây là vì ngoài Việt ăn uống, người Nhật cũng có một số loại đũa dùng trong đám tang. Họ sẽ dùng những chiếc đũa đặc biệt để gắp tro của người đã khuất rồi truyền qua cho các thành viên gia đình để bỏ vào hộp tro như nghi thức đưa tiễn cuối cùng.
THEO TRÍ THỨC TRẺ