Phát hiện lỗ hổng 40 km2 trên sông băng nguy hiểm nhất thế giới
Chỉ ba năm, khoảng 14 tỷ tấn băng đã tan trong khi Sông Thwaites có thể khiến đại dương thế giới dâng cao thêm 65 cm nếu toàn bộ băng tan chảy.
Phát hiện dấu hiệu sự sống dưới hố khoan sâu 1.100 m ở Nam Cực
Sông băng Thwaites có kich thước tương đương bang Florida, Mỹ. Ảnh: NASA.
Các nhà khoa học từ Viện Công nghệ California (Caltech) hôm 30/1 công bố phát hiện một lỗ hổng khổng lồ dưới đáy sông băng Thwaites ở Tây Nam Cực. Lỗ hổng có diện tích bề mặt xấp xỉ 40 km2 và cao tới 300 m, NASA đưa tin.
Các chuyên gia đã có những dự đoán về lỗ hổng nằm giữa lớp băng đáy và tầng đá gốc bên dưới sông Thwaites, nơi nước biển có thể chảy vào và làm tan băng từ phía dưới. Tuy nhiên, khám phá thực tế vẫn khiến nhóm nghiên cứu kinh ngạc bởi kích thước cũng như tốc độ tan băng của nó. Ước tính, lỗ hổng đủ lớn để chứa tới 14 tỷ tấn băng và phần lớn tan chảy chỉ trong vỏn vẹn ba năm qua.
"Chúng tôi đã nghi ngờ về sự thiếu gắn kết giữa lớp băng dưới đáy sông với tầng đá nền từ nhiều năm qua. Nhờ sự hỗ trợ của thế hệ vệ tinh mới, cuối cùng chúng ta cũng có thể thấy chi tiết", Eric Rignot từ Caltech, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Lỗ hổng được phát hiện và đo đạc bởi máy quét radar xuyên băng trong chiến dịch trên không IceBridge của NASA, kết hợp với dữ liệu từ vệ tinh. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Advances. Khám phá mới một lần nữa cho thấy sự tương tác giữa đại dương và các dòng sông băng phức tạp hơn những gì các nhà khoa học tính toán trước đây.
Thwaites được xem là dòng sông băng nguy hiểm trên Trái Đất khi chịu trách nhiệm cho khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu. Với kích thước tương đương bang Florida (Mỹ), sông Thwaites có thể khiến đại dương thế giới dâng cao thêm 65 cm nếu tất cả băng tan chảy.
Đoàn Dương