Con sâu khổng lồ này có giá tới 3,000 USD một Kilo (+video)
Trông hình dạng như một quả dưa chuột bị lỗi ấy nhỉ, nhưng lại có giá trị bất ngờ. Bởi lẽ nó là hải sâm.
Con người thật kỳ lạ. Chúng ta có thể mặc cả từng mớ rau, nhưng sẵn sàng chi tiền tấn để phục vụ cho sở thích của mình. Bởi vậy mới có những chiếc túi trông như bao tải mà có giá cả trăm triệu, có những con cá trị giá ngang ngửa một chiếc xe hơi đời mới.
Và "củ dưa chuột" dưới đây mới có giá 3000 đô cho mỗi ký lô (khoảng gần 70 triệu đồng).
Thực ra thì ảnh trên không phải là dưa chuột, mà là dưa chuột biển (sea cucumber) - tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea. Để bạn hiểu tại sao đắt thì tên gọi khác của nó là hải sâm - tức là sâm biển. Sâm mà, đắt là phải rồi, mà thực tế thì hải sâm đắt đến mức có những người sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để tìm được nó.
Trông thì như một củ dưa chuột bị lỗi, nhưng hải sâm hóa ra có nhiều điểm hết sức thú vị. "Chúng thực sự khá kỳ lạ. Không có chân tay, không có mắt. Bù lại thì chúng có miệng và hậu môn, cùng một loạt cơ quan nội tạng rối rắm bên trong," - trích lời Steven Purcell - chuyên gia hàng đầu về hải sâm từ ĐH Southern Cross (New Zealand).
Đại mỹ vị trên bàn tiệc và là nguyên liệu cực tốt cho y học
Trong hàng thế kỷ, hải sâm là một món ăn đắt tiền tại các quốc gia châu Á và chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được nếm thử. Tuy nhiên, cơn sốt hải sâm chỉ thực sự bùng nổ vào thập niên 1980, khi tầng lớp nhà giàu tại Trung Quốc bắt đầu "phình" ra. Có nghĩa, những người đủ khả năng chi trả cho hải sâm tăng lên, và từ đó khiến nhu cầu tăng mạnh.
Có rất nhiều loài hải sâm
Tuy nhiên không phải hải sâm nào cũng giống nhau. Có đến hơn 1250 loài hải sâm trên khắp thế giới, loài có lông, loài có gai... và con nào càng đẹp, càng kỳ dị, giá lại càng đắt. Trong đó, giá tiền dành cho hải sâm Nhật Bản là đắt đỏ nhất, với mức giá $3500/kg (hơn 80 triệu đồng).
"Trông giống như một con rồng trong họ hải sâm vậy. Hải sâm Nhật Bản có rất nhiều gai nhọn mọc ra," - Purcell cho biết.
Hải sâm Nhật là đất nhất, với mức giá $3500/kg
Mức giá được trả cho hải sâm cũng được định đoạt dựa trên độ dày, độ dai, và một phần nằm ở hương vị.
Giá trị của hải sâm rất lớn, nên hiển nhiên nó phải đặc biệt. Loài vật này giàu đạm, giàu dinh dưỡng, đồng thời có chứa hàm lượng fucosylated glycosaminoglycan rất cao trên da. Đây là hóa chất được dùng để điều trị bệnh khớp tại châu Á trong hàng thế kỷ, và sau này được người châu Âu ứng dụng trong điều trị ung thư và chống đông máu.
Từ cơn sốt tại châu Á vào thập niên 1980, y học phương Tây sau đó cũng để ý đến. Có cầu có cung, các quốc gia bắt đầu càn quét số lượng hải sâm tại biển của họ. Từ Morocco, Mỹ, đến Papua New Guinea, ai cũng muốn dự phần trong cơn sốt mua bán hải sâm đang bùng nổ trên toàn thế giới.
"Giống như một dịch bệnh. Nó lây lan từ quốc gia này đến quốc gia khác,
xuyên qua các châu lục." - Purcell chia sẻ.
Và bi kịch khó tránh khỏi
Trong giai đoạn 1996 - 2011, số lượng các quốc gia xuất khẩu hải sâm đã tăng từ 35 lên 83. Nhưng có lẽ ai cũng đoán được điều gì sẽ xảy ra với một loài vật khi bị khai thác quá mức. Hải sâm cũng không nằm ngoài quy luật.
Cả thế giới sau đó đã nhận thấy sản lượng hải sâm khai thác được sụt giảm trầm trọng. Như tại Yucatan và Mexico, các thợ lặn ghi nhận lượng hải sâm giảm mất 95% chỉ trong vòng 3 năm từ 2012 - 2014. Vì bị khai thác quá mức, hải sâm đã hiếm nay còn hiếm hơn, khiến mức giá cho chúng tăng vọt. Trung bình, giá hải sâm đã tăng ít nhất 17% trong giai đoạn 2011 - 2016.
Khai thác hải sâm quá đà khiến giá đã đắt nay còn đắt hơn,
đồng thời đẩy chúng vào bờ vực tuyệt chủng
Hải sâm càng hiếm hơn, con người càng khao khát, và phải lặn càng sâu để tìm. Đó là khi công việc này bắt đầu ẩn chứa rủi ro. Theo Purcell chia sẻ, ở nhiều quốc gia có những người làm công việc này mà chẳng cần huấn luyện gì nhiều. Rất nhiều người đã bị tê liệt vì hạ áp suất, xảy ra khi lặn quá sâu và nổi lên đột ngột.
Thống kê cho thấy ít nhất 40 thợ lặn tại Yucatan bỏ mạng vì tìm hải sâm trong những năm gần đây.
Nhu cầu ngày càng tăng cũng khiến tình hình ngày càng tệ hơn cho hải sâm. Trong số hơn 70 loài thường xuyên bị khai thác, có 7 được xếp vào danh sách nguy cấp. Chính phủ các nước vì thế buộc phải ngăn cản ngư dân tiếp tục săn hải sâm, và điều này khiến nền kinh tế tại một số địa phương rơi vào thế khó.
Tuy vậy cũng giống như tôm hùm, tại sao không nuôi hải sâm thay vì chỉ khai thác ngoài tự nhiên? Thực ra, loài người đã nghĩ đến nó từ lâu, nhưng điều này không dễ. Ấu trùng hải sâm khi nuôi thường chết trước khi trưởng thành. Một con hải sâm cũng cần từ 2 - 6 năm mới đạt kích cỡ phù hợp để bán ra ngoài thị trường, mà như vậy là quá lâu.
Dù vậy, Purcell vẫn hy vọng rằng trong tương lai sẽ có người tìm ra cách nuôi hải sâm. Chỉ có như vậy mới vừa đảm bảo được nguồn kinh tế cho từng địa phương, vừa cứu được một loài vật cực kỳ đặc biệt của Trái đất.
Why Sea Cucumbers Are So Expensive | So Expensive
Tham khảo: Science Alert, Business Insider, BBC...