Số phận "trớ trêu" của người ghét giới nhà giàu bỗng dưng có 42,3 tỷ USD
Là người phụ nữ giàu nhất thế giới, nhưng bà hoàn toàn thờ ơ với chuyện thương trường. Bà chỉ thích dành vài giờ lướt tay trên những phím đàn và đắm mình vào sách vở.
Francoir Bettencourt Meyers trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới
sau khi thừa kế tài sản và ngôi vị này từ mẹ, bà Liliane Bettencourt.
Có những con người sinh ra đã ở "vạch đích", ở vị trí hàng triệu người cố mãi cũng không thể đạt đến. Ở ngoài nhìn vào, tưởng chừng họ chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng đã đủ mãn nguyện. Nhưng thực ra, nhiều người trong số họ phải sống vật vã trong khối tài sản khổng lồ, trong sự nổi tiếng và cuộc sống vinh hoa. Loạt bài này viết về một số ái nữ của các tỉ phú, triệu phú có "số hưởng" như vậy, và cách đón nhận, xử lý khác nhau của mỗi người.
Từ con mọt sách bài xích giới thượng lưu
Francoise Bettencourt-Meyers sinh ngày 10.7.1953, là con gái duy nhất của cố chủ tịch hãng mỹ phẩm nổi tiếng L'Oreal Liliane Bettencourt. Sinh ra trong một gia đình giàu có bậc nhất nhưng ngay từ khi còn trẻ, bà Bettencourt Meyers đã không mặn nồng với thế giới của người giàu.
Bà ấy luôn đã xa lánh xã hội hào nhoáng mà mẹ mình từng đắm chìm. Nhắc đến Bettencourt Meyers, người ta luôn biết tới một người dành vài giờ mỗi ngày để chơi piano và viết 2 cuốn sách, một cuốn nghiên cứu dài 5 tập về Kinh thánh và một cuốn gia phả của các vị thần Hy Lạp.
"Bà ấy thực sự sống trong cái kén của chính mình, chủ yếu là trong những giới hạn của gia đình", Tom Sancton, tác giả cuốn The Bettencourt Affair nói. Theo ông Sancton, ngay từ khi còn nhỏ, Bettencourt Meyers đã luôn tỏ ra khó chịu trong thế giới của người giàu.
Trong một email trả lời tờ Money, ông Sancton nói rằng việc mua những món hàng xa xỉ không phải phong cách của Bettencourt Meyers. "Bà ấy là một người rất tỉnh táo, đam mê piano và những cuốn sách hơn thế giới kinh doanh và tài chính khổng lồ".
Người phụ nữ này luôn thờ ơ với việc kinh doanh của gia đình.
Nữ thừa kế tỷ phú tỏ ra ít quan tâm đến các vấn đề của L'Oreal hơn người mẹ quá cố mặc dù bà đóng vai trò thành viên của hội đồng quản trị trong hơn 2 thập kỷ.
"Bà ấy xuất hiện trong các cuộc họp nhưng chẳng bao giờ để tâm. Mẹ của bà - Liliane - thì khác, là người đọc hàng tấn tài liệu, coi L'Oreal như nguồn sống. Nhưng Francoise thì không", ông Sancton khẳng định.
Ngoài âm nhạc và học tập, con mọt sách khổ hạnh Bettencourt Meyers chỉ biết vùi mình vào hoạt động từ thiện.
"Gia đình này không thực sự hòa nhập với giới thượng lưu tại Pháp. 20 năm trước, họ tổ chức những bữa tiệc tại nhà, mời đến các chính trị gia, nhân viên ngân hàng và các nghệ sĩ. Nhưng khi Francoise già đi còn chồng của bà Liliane qua đời, vòng tròn quanh gia đình này đã bị thu hẹp lại", nhà báo Eric Treguier, người chuyên theo dõi giới nhà giàu tại Pháp của tạp chí Challenges nói.
Bettencourt Meyers và mẹ (ngoài cùng bên trái) là 2 thái cực
hoàn toàn khác nhau trong “vương quốc” L'Oreal
Trở thành nữ thừa kế giàu nhất thế giới
Đó có phải là sự trớ trêu của tạo hóa? Tháng 9.2017, Françoir Bettencourt-Meyers được thừa kế khối tài sản khổng lồ của L'Oreal sau cái chết của bà Liliane. Theo ước tính của tờ Business Insider, vào thời điểm được thừa kế, Bettencourt-Meyers đã vượt mặt Walmart Alice Walton để trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới. Tài sản ròng của bà khi ấy là 42,3 tỷ USD.
Gia đình Bettencourt có 33% cổ phần trong công ty, trị giá 107,5 tỷ đô la tính đến tháng 5/2017. Doanh thu năm 2016 của công ty là 25,8 tỷ Euro (27 tỷ USD). Là con gái duy nhất của nhà Bettencourt, theo luật của Pháp, bà Bettencourt-Meyers sẽ là người thừa kế và phải nhận ít nhất một nửa tài sản mà mẹ mình để lại.
Vào năm 2011, riêng bà đã sở hữu một biệt thự phong cách cổ điển ở ngoại ô Neuilly-sur-Seine của Paris, một biệt thự ngoài khơi Brittany và một hòn đảo hẻo lánh ở Seychelles. Theo WealthX, bà cũng là chủ tịch quỹ Bettencourt Schueller Foundation, có tài sản trị giá khoảng 683 triệu USD vào năm 2010.
Bà nổi tiếng với vụ kiện chống lại bạn thâm giao của mẹ.
Mặc dù được nuôi dạy trong một gia đình công giáo nghiêm khắc, Bettencourt Meyers lại kết hôn với cháu trai của một giáo sĩ bị sát hại trong trại tập trung Aushwitz khét tiếng của Đức Quốc xã. Điều đáng chú ý hơn nữa là người sáng lập L'Oreal, Eugène Schueller, lại ủng hộ Đức Quốc xã. Cuộc hôn nhân này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Nhưng đây không phải là xung đột duy nhất trong gia tộc Bettencourt.
Bettencourt Meyers nổi tiếng nhất với vụ kiện chống lại mẹ mình sau khi bà Liliane trao hàng triệu USD tiền mặt, tài sản quý giá và tiền bảo hiểm cho người bạn thâm giao, nhiếp ảnh gia François-Marie Banier. Bettencourt Meyers cáo buộc Banier lợi dụng tình trạng mất trí nhớ của mẹ mình để trục lợi. Khi vụ kiện này diễn ra, bà Liliane đã gọi con gái mình là “une emmerdeuse” (kẻ phá rối).
Dù là thành viên của hội đồng quản trị ” L'Oreal hơn 2 thập kỷ nhưng
Francoir Bettencourt Meyers hoàn toàn không để tâm tới cơ đồ này.
Cuộc điều tra đã gây chia rẽ tình cảm mẹ con nhà Bettencourt. Hai người chỉ hàn gắn quan hệ sau khi vụ kiện chống lại Banier bị hủy bỏ vào năm2010. Tuy nhiên, vào tháng 10/2011, một thẩm phán tuyên bố bà Liliane không đủ khả năng quản lý tài sản của gia đình, trao lại quyền kiểm soát cho hai mẹ con bà Bettencourt Meyers . Kể từ đó, bà Liliane cũng thuộc sự giám hộ của 2 người này.
Kiểu sống ẩn dật của Bettencourt Meyers sẽ khó duy trì khi bà trở thành người đứng đầu khối tài sản lớn thứ tư châu Âu. Sau khi mẹ mình qua đời, bà Bettencourt Meyers chính thức bước lên vũ đài đề lèo lái con tàu L'Oreal. Nhưng sau đó, bà đã nhường lại vị trí của mình trong hội đồng quản trị L'Oreal cho con trai Jean-Victor khi anh này mới 20 tuổi. New York Times gọi Jean-Victor là hoàng tử bé của công ty, một người cần được che chở, còn khá non nớt và ngại ngùng trước đám đông, ít kinh nghiệm thương trường.
Theo nhận định của ông Sancton, "Cái chết của bà Liliance có lẽ là một sự giải thoát cá nhân cho Francoise Bettencourt Meyers. Đó là một mối quan hệ khó khăn mà giờ đây bà đã thoát ra được”.
Bảo Linh - Time/BI/SMH