Phát hiện 157 loài sinh vật mới ở Đông Nam Á
Các nhà khoa học đã phát hiện 157 loài sinh vật mới tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt trái phép.
Báo cáo mới của Quỹ Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF) cho biết các nhà khoa học đã phát hiện 3 loài động vật có vú, 23 loài cá, 14 loài lưỡng cư, 26 loài bò sát và 91 loài thực vật mới tại khu vực trong năm 2017, theo CNN.
Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng
Theo báo cáo, các loài sinh vật mới được tìm thấy trên lãnh thổ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hầu hết được phát hiện tại các vùng núi cao và rừng rậm, hoặc những khúc sông và đồng cỏ biệt lập.
"Còn có nhiều loài sinh vật mới nữa ở ngoài kia đang chờ được phát hiện, và thật bi kịch là nhiều loài hơn nữa sẽ biến mất trước khi được (con người) tìm thấy", ông Stuart Chapman, giám đốc WWF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Loài linh trưởng Skywalker Hoolock Gibbon được phát hiện năm 2017. Ảnh: Time.
Trong danh sách 157 loài mới được phát hiện, phần nhiều được đặt trong tình trạng nguy cấp do suy giảm số lượng cá thể, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Các chuyên gia cảnh báo nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng phá rừng, biến đổi khí hậu, săn bắn và buôn bán sinh vật hoang dã trái phép.
Một số loài thực vật bị đe dọa sự sống còn như một loài tre có thể phát sáng từ gốc như bóng đèn, được phát hiện tại vùng núi Cardamom ở Campuchia. Một số loại thảo mộc ở Lào hiện có nguy cơ biến mất do môi trường sống bị khai thác để sản xuất đá.
Trong danh sách 3 loài thú có vú mới được phát hiện, Skywalker Hoolock Gibbon, một loài thuộc họ linh trưởng, được tìm thấy đầu năm 2017. Tuy nhiên, chúng hiện được xếp hạng 25 trong số các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Nhóm chuyên gia phát hiện ra loài này cho biết loài Hoolock Gibbon đang đối mặt "nguy cơ nghiêm trọng và khẩn cấp đe dọa sự tồn tại" trước tình trạng môi trường sống bị hủy hoại và săn bắt tràn lan. Tại Đông Nam Á, nhiều loài linh trưởng nhỏ như Hoolock Gibbon cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Một loài dơi mới được phát hiện trong rừng rậm ở Myanmar. Ảnh: WWF.
Chạy đua với thời gian
Nỗ lực chống tình trạng săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã của các quốc gia trong khu vực đang được đẩy mạnh nhưng chưa thể đẩy lùi hiểm họa tuyệt chủng với các loài sinh vật.
Tại Lào và Myanmar, chính phủ đã đóng cửa nhiều cửa hàng, chợ kinh doanh các mặt hàng hoang dã, đồng thời tăng nặng hình phạt với người vi phạm. Tuy nhiên, những kẻ săn trộm vẫn dễ dàng săn bắt và vận chuyển động vật hoang dã xuyên biên giới để đưa ra tiêu thụ tại thị trường nước ngoài.
Phát ngôn viên của WWF Lee Poston cho biết thợ săn sử dụng bừa bãi loại bẫy làm từ dây cáp xe đạp, vừa để săn các loài lấy thịt, vừa để bắt những loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như hổ, báo để bán.
Myanmar thiêu hủy sản phẩm từ động vật hoang dã thu được do săn bắt, mua bán trái phép. Ảnh: BBC.
Đại diện của WWF cho biết lực lượng kiểm lâm các quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong việc phát hiện và vô hiệu hóa các loại bẫy, tuy nhiên việc loại bỏ hoàn toàn chúng là vô cùng khó khăn do số lượng bẫy quá lớn.
Mặc dù vậy, ông Poston nhận định báo cáo mới nhất của WWF là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của tự nhiên.
"Với việc nhấn mạnh những khám phá phi thường của hàng trăm nhà khoa học trên thế giới, chúng tôi đang gửi đi thông điệp rằng, bất chấp những thách thức vô cùng lớn với thế giới hoang dã tại tiểu vùng sông Mekong, chúng ta vẫn có hy vọng cho tương lai, bởi có nhiều loài sinh vật tuyệt vời vẫn liên tục được tìm thấy", ông Poston cho biết.
Ông Stuart Chapman nhận định các nhà khoa học đang đánh đổi "máu, mồ hôi và nước mắt" cho những phát hiện này, bởi đây là cuộc chạy đua với thời gian để sớm có các biện pháp bảo vệ các loài sinh vật hoang dã trước khi quá muộn.
Duy Anh