Hành trình cực kỳ vất vả
để đưa màu sắc vào điện ảnh cuộc cách mạng phim màu của thế giới
để đưa màu sắc vào điện ảnh cuộc cách mạng phim màu của thế giới
Ít ai ngờ rằng các nhà làm phim đã phải mất hàng chục năm để biến khái niệm phim màu thành sự thật.
Màu sắc là một trong những yếu tố tạo nên đột phá trong ngành điện ảnh. Từ khi màu sắc ra đời, các bộ phim trở nên sống động hơn hẳn so với những thước phim đen trắng từ trước đó.
Tuy nhiên, bạn có biết từ lúc nào các nhà làm phim bắt đầu có ý tưởng đưa màu sắc vào phim ảnh hay không?
Sự ra đời của phim màu - từ thô sơ tuyệt vọng
Nhiều thông tin cho rằng The Wizard of Oz (1939) là bộ phim màu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Tuy nhiên, sự thật là những thước phim màu đầu tiên xuất hiện từ trước đó những 35 năm - nghĩa là ngay trong thời kỳ thịnh vượng của phim đen trắng.
Thực tế, màu sắc xuất hiện gần như cùng lúc với sự ra đời của phim nhựa. Tuy nhiên, quy trình làm ra nó lúc bấy giờ rất phức tạp, khó khăn tốn kém mà thành quả lại vô cùng thô sơ chứ không hề đẹp mắt như ngày nay.
Tô màu thủ công cho từng thước phim
Vào lúc ấy, người ta thường sử sụng phương pháp đổ màu để tô một số cảnh phim nhất định, ví dụ như màu tím đậm và xanh đậm được thêm vào để mô phỏng bóng đêm, và giúp người xem phân biệt với những cảnh quay được thực hiện vào ban ngày.
Một vài bộ phim ra đời vào giai đoạn 1902 - 1903 còn sử dụng kĩ thuật tô màu bằng tay cho phim. Đây là một quá trình mất rất nhiều thời gian và công sức, bởi mỗi khung hình trong phim đều phải được tô màu trực tiếp.
Đến những bước tiến đáng kể đầu tiên
Một trong những bước tiến quan trọng nhất trong sự phát triển của phim màu là sự xuất hiện của kĩ thuật kinemacolor do George Albert Smith nghĩ ra vào năm 1906. Ông tạo ra màu bằng cách chiếu phim qua một bộ lọc có màu đỏ và xanh.
Phim được chiếu qua hai bộ lọc đỏ và xanh
Tuy nhiên điểm trừ của phương pháp này là nó không thể hiện được sự đa dạng và tính chính xác các loại màu như trong thực tế. Hơn nữa, dù kinemacolor là kĩ thuật dựng phim màu phổ biến nhất tại Anh lúc bấy giờ, nhưng chi phí cho các thiết bị để thực hiện cũng không nhỏ chút nào.
Chưa đầy một thập kỉ sau, công ty Technicolor của Mỹ đã cải tiến kĩ thuật dựng phim hai màu bằng cách sử dụng đồng thời hai máy chiếu có màu đỏ và xanh. Một lăng kính sẽ được sử dụng để thu cả hai loại ánh sáng rồi từ đó chiếu lên một màn hình duy nhất. Phương pháp này giúp các nhà làm phim dễ dàng pha màu với các tỉ lệ khác nhau, giúp cho các khung hình trở nên sống động và đẹp mắt hơn.
Tuy nhiên một lần nữa, giá cả vẫn là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà làm phim.
Cùng thời điểm đó, các kĩ thuật viên tại Famous Players-Lasky Studios (chính là Paramount Pictures sau này) đã sáng tạo ra quy trình nhuộm phim bằng thuốc. Tuy nhiên nó vẫn không được ứng dụng rộng rãi.
Vào đầu những năm 1920, hãng Technicolor lại tiếp tục đưa ra một sáng kiến mới đó là in màu trực tiếp lên cuộn phim. Quy trình cải tiến của Technicolor được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1922 trong bộ phim "The Toll of the Sea".
Và cuộc cách mạng phim màu
Trong suốt những năm 1920, mặc dù những thước phim màu đã bắt đầu xuất hiện và được người xem chào đón, nhưng phim đen trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong nền điện ảnh. Chỉ cho đến năm 1932, Technicolor tiếp tục giới thiệu kĩ thuật nhuộm phim ba màu, tạo nên bước đột phá giúp màu sắc trong các khung hình trở nên tươi tắn và sống động hơn hẳn.
"Flowers and Tree" của Walt Disney là bộ phim đầu tiên sử dụng kĩ thuật này.
Không ngoài dự đoán, quy trình này cũng ngốn không ít công sức và tiền bạc của các nhà làm phim, bởi nó đòi hỏi một hệ thống máy móc phức tạp. Thậm chí, Technicolor còn không bán các thiết bị cần thiết để phục vụ cho kĩ thuật này mà chỉ cho thuê. Vì vậy chỉ đến năm 1950, khi họ mở rộng kinh doanh thì giá cả mới hạ xuống và quy trình này mới thực sự trở nên phổ biến.
Vào cuối những năm 1950, hầu hết các sản phẩm của Hollywood đều được nhuộm màu và trong những thập kỉ tiếp theo, phim đen trắng chỉ còn xuất hiện lác đác trong những tác phẩm của các nhà làm phim độc lập.
Ngày nay, công nghệ phim kĩ thuật số ghi hình trực tiếp màu sắc khiến cho quá trình quay phim và nhuộm màu trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, những thước phim với màu sắc rực rỡ của thế kỉ trước vẫn có sức hút riêng đối với rất nhiều người yêu điện ảnh.
Tham khảo: Thought Co