VinFast – Thương hiệu xe Việt kinh doanh theo kiểu ‘duy ý chí’
October 7, 2018
October 7, 2018
Cầu thủ đẹp trai người Anh David Beckham xuất hiện với vai trò đại diện truyền thông trong buổi
ra mắt xe VinFast tại Paris Motor Show hôm 2 Tháng Mười, 2018 (Hình: Thierry Chesnot/Getty Images)
Vào chiều ngày 2 Tháng Mười, tại Paris Auto Show 2018 Pháp Quốc, ngành xe hơi Việt Nam đã có một màn trình diễn hào nhoáng, để đánh dấu một cột mốc quan trọng: thương hiệu xe hơi Việt Nam đầu tiên mang tên VinFast chính thức giới thiệu hai mẫu xe đầu tiên đến với thị trường xe hơi thế giới.
Trong buổi ra mắt, có hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vi trong chiếc áo dài lộng lẫy và vương miện hoa hậu lấp lánh. Có cả cầu thủ đá banh đẹp trai người Anh David Beckham xuất hiện với vai trò đại diện truyền thông. Hai mẫu xe được giới thiệu là mẫu sedan LUX A2.0 và mẫu SUV LUX SA2.0.
Thế nhưng, sau những màn giới thiệu hào nhoáng đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho tương lai của thương hiệu xe hơi Việt Nam đầu tiên này. Không chỉ có giới truyền thông nước ngoài, mà cả báo chí trong nước cũng hoài nghi về sự thành công của VinFast.
Cũng phải xin đính chính lại: đúng ra VinFast chỉ là thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam sau 1975, dưới thời chính quyền CSVN.
Chứ trước đó, Việt Nam đã có thương hiệu xe hơi đầu tiên rồi: La Dalat. Những người đã từng sống ở miền Nam trước 1975 hầu như ai cũng biết đến chiếc xe đầy tự hào này. Được thiết kế bởi giám đốc người Pháp của hãng xe Citroen Sài Gòn, chiếc La Dalat đầu tiên được ra mắt là vào Tháng Mười Một năm 1969.
La Dalat được sản xuất và lắp ráp tại xưởng Caric ở Sài Gòn từ năm 1970 đến 1975. Những bộ phận chính như động cơ, tay lái, thắng, dàn nhúng được nhập từ hãng xe hơi Citroen Pháp.
Còn lại được sản xuất tại Việt Nam. Đã có khoảng 5,000 chiếc La Dalat đã được sản xuất, được sử dụng cho nhiều mục đích ở miền Nam trước 1975: xe gia đình, xe cảnh sát, xe cứu thương. Giới trung lưu của Miền Nam rất yêu thích thương hiệu xe này bởi vì tính tiện dụng, kinh tế.
Và cho đến tận ngày hôm nay, sau gần 50 năm ngừng sản xuất sau biến cố Tháng Tư Đen, người ta vẫn còn có có thể thấy một vài chiếc La Dalat lăn bánh trên đường phố Sài Gòn, nhưng chủ nhân hầu hết là người nước ngoài.
Trở lại với VinFast, theo trang mạng chuyên ngành xe hơi www.autoblog.com đây là thương hiệu xe hơi của tập đoàn khổng lồ Vingroup, hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Trong thị trường bất động sản, họ có Vinhomes; thị trường siêu thị là Vinmart; thị trường sức khỏe y tế là Vinmec, ngành du lịch là resort Vinpearl. Nhà máy VinFast đã được xây dựng tại Hải Phòng.
Nhà máy dự định sẽ tung ra thị trường những chiếc xe VinFast vào Tháng Tám, 2019. Công suất dự kiến là 250,000 chiếc/năm trong vòng năm năm tới, tương đương với 92% số lượng xe bán ra tại thị trường Việt Nam vào năm ngoái.
Chiếc VinFast LUX A2.0 Sedan được trình làng trong buổi giới thiệu xe hơi VinFast tại Paris Motor Show
hôm 2 Tháng Mười, 2018. (Hình: Thierry Chesnot/Getty Images)
Trong lúc thị trường xe hơi thế giới đang cạnh tranh gay gắt, các nhà sản xuất xe hơi danh tiếng, lâu đời của Mỹ, Nhật, Đức, Đại Hàn… đang chịu cảnh cắt giảm lợi nhuận, thì VinFast lại tự tin dấn thân vào chốn “giang hồ mưa máu gió tanh” này. Dựa vào lợi thế cạnh tranh nào mà tập đoàn Vingroup mạo hiểm dữ vậy?
Theo ông Jim Deluca, CEO của VinFast, từng làm việc lâu năm với hãng xe hơi Mỹ General Motors, thì thế mạnh của VinFast chính là… niềm tự hào dân tộc của Việt Nam! Ông tin rằng VinFast sẽ sản xuất ra những chiếc xe hơi Việt Nam, đặc biệt dành cho người dân Việt Nam.
Hình như sau khi thấy cảnh hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đổ ra đường với cờ quạt, với pháo sáng, có cả những màn “thoát y vũ” ngay trên đường phố của những “mỹ nhân yêu nước” khi đội tuyển túc cầu U23 Việt Nam vào đến trận chung kết giải U 23 Châu Á 2018, thì VinFast đã đổ hàng tỷ đô la đầu tư nhằm thỏa mãn “niềm tự hào dân tộc” này!
Để đánh giá về bước đi mạo hiểm này của VinFast, trang mạng tin tức trong nước Zing có một bài viết ngay sau ngày ra mắt của VinFast tại Paris Auto Show. Theo Zing, không giống như những gian hàng giới thiệu xe hơi khác thường có đầy đủ các thông số kỹ thuật của chiếc xe mới, gian hàng của VinFast chỉ có hoa hậu Việt Nam, David Beckham và… múa tre.
Những điều được biết về kỹ thuật chiếc xe này là sử dụng động cơ của hãng Đức BMW, nhưng không phải là những công nghệ sau cùng, và tiêu chuẩn khí thải cũng thấp hơn tiêu chuẩn Châu Âu hiện đại. Chiếc xe đem đi triển lãm được thiết kế, sản xuất mẫu ở Ý.
VinFast được cho là niềm tự hào của người Việt. Theo quy định, một chiếc xe “thương hiệu Việt” thì phải có tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%. Cho đến nay, những thông tin về việc chế tạo chiếc xe này rất ít.
Đã có người cố gắng tìm hiểu trên mạng, thì ghi nhận như sau:
– Động cơ: BMW – Đức
– Hộp số: ZF – Đức
– Thiết kế mẫu mã: Ý
– Nội thất: Mỹ và Nhật
– Sơn: Duzz
– Thân, vỏ xe: Công ty Aapico Hitech của Thái Lan
Nếu những thông tin trên đây là đúng, thì chiếc xe Việt, niềm “tự hào của dân tộc Việt Nam” nằm ở đâu?
Cũng theo Zing, mẫu xe Lux A2.0 có giá khoảng 1.2-1.5 tỷ đồng ($51,000-$64,000) và Lux SA2.0 khoảng 1.7-1.9 tỷ đồng ($72,000- $81,000). Ở mức giá này, chúng phải cạnh tranh với những chiếc xe như Toyota Camry (sedan); và Honda CR-V hoặc Mazda CX-5 (SUV).
Đây là những tên tuổi lừng lẫy trên thương trường thế giới, ở Mỹ thuộc nhóm dẫn đầu phân khúc thị trường của mình. Người Việt mình dù ở quê nhà hay ở Mỹ đại đa số đều mua xe dựa trên các yếu tố giá cả phải chăng, độ bền và tính năng an toàn cao. Honda, Toyota, Mazda là bậc thầy trong những tiêu chuẩn này, và họ phải mất hàng chục năm có mặt trên thương trường để chứng tỏ.
Vậy VinFast mới ra đời, lấy yếu tố gì để thu hút người Việt, cạnh tranh với những tên tuổi kể trên? Nếu chỉ là kêu gọi lòng “tự hào dân tộc” trên một sản phẩm “soi mãi vẫn không thấy Việt Nam chỗ nào”, thì xem ra VinFast đặt cược vào một ván bài rủi ro khá lớn. Và nó cũng là căn bệnh “duy ý chí” của giới lãnh đạo Việt Nam, cả lúc làm chính trị lẫn khi làm kinh tế.
Nói đến “duy ý chí,” người Việt trong nước không thể nào quên dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài muốn nó được xây dựng ở địa điểm thuận lợi, gần vùng nguyên liệu (mỏ dầu) hoặc nơi tiêu thụ, thí dụ như Vũng Tàu. Nhưng lãnh đạo Việt Nam kiên quyết đặt nó ở Quảng Ngãi để làm giàu một tỉnh nghèo Miền Trung, là quê hương của ông Phạm Văn Đồng. Kết quả là các nhà đầu tư bỏ cuộc, phải thay đổi. Dự án trễ nãi đến 9 năm, lãng phí hàng tỷ đô la chi phí đầu tư và chi phí cơ hội của một nước nghèo, trong một dự án quan trọng vào bậc nhất của quốc gia thời đó.
Và đến nay là VinFast, thương hiệu xe đầu tiên của Việt Nam (sau 1975). Xem ra giới lãnh đạo kinh tế Việt Nam vẫn chưa thuộc bài học Dung Quất, lại tiếp tục kinh doanh theo kiểu “duy ý chí” trong ngành xe hơi, ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt vào bậc nhất hiện nay trên thế giới.
(Tư Mỏ Lết)