Loài cá “ma” chỉ sống ở độ sâu 7,5km dưới đáy biển, tan chảy khi lên bờ (+video)
Thứ Tư, ngày 12/09/2018
Thứ Tư, ngày 12/09/2018
3 loài cá “ma” mới được tìm thấy ở độ sâu 7,500 mét dưới đáy biển, tại một trong những rãnh nứt sâu nhất ở Thái Bình Dương.
Loài cá “ma” chỉ sống ở độ sâu 7,5km dưới đáy biển, tan chảy khi lên bờ
Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu tìm hiểu rãnh nứt Atacama ở phía đông nam Thái Bình Dương đã phát hiện 3 loài cá “ma” mới, thuộc họ cá nòng nọc (snailfish).
Chúng được phát hiện sống ở độ sâu 6.500-7.500 mét dưới đáy biển. Các nhà nghiên cứu nói loài cá “ma” sống ở đây có cấu tạo để chống chịu lại với điều kiện khắc nghiệt. Ngược lại, cơ thể chúng sẽ tan chảy một khi được đưa lên bờ.
Đoạn video do các nhà nghiên cứu công bố, cho thấy cảnh loài cá trong suốt bơi bên dưới đáy biển.
Loài cá "ma" trong suốt sống ở sâu dưới đáy biển.
Rãnh nứt Atacama có độ sâu 8.000 mét, trải dài gần 6.000km dọc theo khu vực ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ. Những loài cá “ma” sống ở đây nằm trên cùng của chuỗi thức ăn.
“Cơ thể chúng biến đổi để thích nghi với điều kiện sống rất sâu dưới đáy biển”, chuyên gia Thomas Linley đến từ Đại học Newcastle nói. “Ở độ sâu này, chúng không phải lo đến các đối thủ hay những kẻ săn mồi đáng gờm. Thậm chí chúng con là sinh vật nằm trên cùng của chuỗi thức ăn, chuyên đi săn các loài sinh vật khác”.
“Chính nhờ sức ép cực lớn dưới đáy biển mà cơ thể loài cá này trở nên ổn định. Chúng sẽ tan chảy ngay khi được đưa lên bờ”, Linley nói.
Loài cá này tan chảy nếu được đưa lên bờ vì chênh lệch áp suất.
Bên cạnh loài cá “ma” mới, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một loại bọ chân đều (isopod) gọi là Munnopsid. Loài sinh vật này có thể đi bộ dưới đáy biển, giống như nhện.
“Thật tuyệt vời khi nhìn thấy chúng ở môi trường tự nhiên. Đặc biệt là khi chúng chuyển từ trạng thái bơi sang đi bộ dưới đáy biển”, Linley nói thêm.
Theo DV