3 quái vật khổng lồ thời tiền sử có thể tồn tại đến ngày nay
Những quái thú thời tiền sử tương tự như cá mập khổng lồ megalodon dài 30 mét có thể vẫn còn sống trên Trái đất ngày nay, theo các giả thuyết.
Trái đất vẫn còn nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá.
Theo Daily Star, bộ phim Hollywood về cá mập megalodon hiện đang được công chiếu rộng rãi khắp thế giới. Câu chuyện kể về con cá mập khổng lồ lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất tái xuất sau hàng triệu năm ẩn dưới biển sâu.
Cá mập megalodon thậm chí có thể nặng tới 100 tấn, gấp 60 lần cá mập trắng lớn nhất ngày nay. Nhưng đó có thể không phải là quái vật thời tiền sử duy nhất còn tồn tại đến ngày nay, theo những người ủng hộ thuyết âm mưu.
Lười đất khổng lồ
Lười đất khổng lồ (Megatherium) cao 5,5 mét là một trong những sinh vật có vú lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất. Chúng có thể đứng bằng hai chân nếu cần thiết.
Quái vật thời tiền sử này nặng 4 tấn, to lớn như con voi ngày nay và sở hữu móng vuốt lớn. Chúng được coi là đã biến mất ở Nam Mỹ cách đây 10.000 năm.
Nhưng một loài sinh vật khổng lồ tên Mapinguari được cho là vẫn còn sống trong rừng sâu ở Nam Mỹ, có hình dáng bên ngoài khá giống với lười đất khổng lồ.
Lười đất khổng lồ có thể vẫn còn sống trong rừng sâu ở Nam Mỹ.
Năm 1937, Mapinguari được cho là đã tấn công khu dân cư ở Brazil, ăn thịt hơn 100 con bò.
Vượn khổng lồ
Gigantopithecus Blacki, vượn khổng lồ sống cách đây 9 triệu năm, cao 3 mét và nặng gần 5 tạ. Chúng được coi là loài linh trưởng lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất.
Những dấu vết của Gigantopithecus Blacki được tìm thấy gần nhất cách 100.000 năm ở các quốc gia châu Á. Nhiều mẫu hóa thạch được tìm thấy ở Quảng Tây, Trung Quốc, nơi được coi là khởi nguồn của con người hiện đại.
Loài vượn khổng lồ nặng 5 tạ có thể đã biến đổi thành quái vật Chân to hay Yeti ngày nay.
Có giả thuyết cho rằng sinh vật này vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành quái vật Chân to (Big Foot) hay Yeti với hình dáng tương đồng. Một bộ phận của Gigantopithecus Blacki có thể đã sống ở lục địa Bắc Mỹ, khi các lục địa này vẫn còn nối với nhau cách đây 15.000-30.000 năm trước.
Thằn lằn cổ dài
Dài 12 mét và từng tồn tại ở đại dương trong 100 triệu năm, quái vật biển khổng lồ plesiosaur rất giống với quái vật hồ Loch Ness mà con người săn tìm.
Chúng có cổ dài và thường chỉ ăn cá, nhưng cũng có khi ăn thịt cả các loài sinh vật to lớn khác, bao gồm cả khủng long trên đất liền.
Thằn lằn cổ dài có hình dáng tương tự như quái vật hồ Loch Ness.
Loài thằn lằn cổ dài này còn được cho là xuất hiện ở hồ Champlain và hồ Memphremagog ở Mỹ. Nhưng nhiều nhà khoa học đã bác bỏ khả năng plesiosaur đã sống sót qua cuộc đại tuyệt chủng. Bởi hồ Loch Ness chỉ hình thành cách đây khoảng 10.000 năm, nhưng các mẫu hóa thạch gần nhất của plesiosaur cách xa tới 66 triệu năm.
Đăng Nguyễn - Daily Star