Quyển thơ nạm ngọc dát vàng xa hoa nhất thế giới
Bản quyền hình ảnh Alamy
"Khi con tàu Titanic chìm xuống biển ngoài khơi Tân Thế giới vào đêm 14/4/1912, nạn nhân quan trọng nhất trên tàu là một cuốn sách…" tác giả người Pháp gốc Lebanon Amin Maalouf viết trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Samarkand được xuất bản vào năm 1988.
Có lẽ là ông có hơi phóng đại một chút, nhưng mà còn tùy vào việc khi đó là người mà bạn hỏi thăm là ai.
Đi tìm chim công
Cuốn sách được nhắc đến ở đây là bản thảo tập thơ tứ tuyệt (Rubáiyát) của nhà thông thái Iran vào thế kỷ thứ 11 Omár Khayyám.
Nó được xem là quý giá bởi lẽ đó là bản thảo duy nhất.
Thật ra, trên đời có vô vàn quyển thơ Ba Tư. Tuy nhiên, vào thời điểm con tàu Titanic có chuyến đi định mệnh thì có một cuốn vượt trên hết thảy những quyển thơ Ba Tư khác - không phải là vì nội dung được viết trong tập thơ mà ở chỗ nó được tạo ra với hình thức gần như không tìm thấy trên trần thế.
Chính bản thảo có thật này là nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết được khen ngợi của Maalouf.
"Ở dưới đáy Đại Tây Dương có một cuốn sách," tác giả viết trong lời mở đầu. "Tôi sẽ kể cho bạn nghe lịch sử của nó."
Bản quyền hình ảnh Alamy
Nhà văn nổi tiếng của Anh Oscar Wilde đã mô tả Rubáiyát là
'một tuyệt tác nghệ thuật', có thể sánh với các tác phẩm
của Shakespeare
Trong ngạn ngữ Ba Tư có một câu nói nổi tiếng: "Bất cứ ai khao khát chim công đều phải trải qua những khổ ải của xứ Hindustan (cách gọi Ấn Độ của người Ba Tư)."
Mặc dù câu ngạn ngữ này đề cập đến hành động của vua xứ Ba Tư Nader Shah Afshar đốt phá Delhi và cướp đi chiếc Ngai vàng Chim công nổi tiếng (cùng nhiều thứ khác) vào giữa Thế kỷ thứ 18, câu ngạn ngữ này có thể đã được sáng tác một vài thế kỷ sau đó ở London.
Với mong muốn khôi phục lại truyền thống có từ thời Trung cổ là đóng sách có đính ngọc, George Sutcliffe và Francis Sangorski nổi danh khắp thành phố vào đầu những năm 1900 với những thiết kế tuyệt đỉnh và xa hoa.
Theo lời kể trong cuốn sách, Henry Sotheran's, một hiệu sách trên đường Sackville đã đặt hàng họ làm một cuốn sách không giống bất cứ cuốn nào khác.
Trang trí lộng lẫy
Chi phí, theo nhà sách, không thành vấn đề. Những người thợ được toàn quyền để cho trí tưởng tượng bay bổng và tạo ra cuốn sách choáng ngợp nhất mà thế giới từng thấy.
Được hoàn thành vào năm 1911 sau hai năm làm việc với cường độ cao, cuốn sách - với nội dung là bản dịch có phần phóng tác của Edward FitzGerald những bài thơ của Omar Khayyám theo phong cách thời Victoria, được Elihu Vedder vẽ minh họa - được biết đến với tên gọi "Omar Vĩ đại", hay "Quyển sách Tuyệt mỹ" chỉ xét riêng về sự lộng lẫy của nó.
Trang điểm trên chiếc bìa dát vàng là hình ba con công với những chiếc đuôi nạm ngọc, xung quanh là những mô típ tinh tế và họa tiết hoa lá đặc trưng cho những bản thảo Ba Tư thời Trung cổ, còn ở bìa sau là hình ảnh một chiếc đàn bouzouki của Hy Lạp.
Bản quyền hình ảnh Alamy
Hàng trăm phiên bản khác nhau của Rubáiyát đã được xuất bản,
trong đó có bản này, với hình minh họa của Edmund Dulac
Hơn 1.000 viên đá quý và bán quý - hồng ngọc, lam ngọc và ngọc lục bảo và những viên ngọc khác - đã được sử dụng trong quá trình chế tác, cùng với gần 5.000 mảnh được dát da, bạc, ngà voi và gỗ mun và 600 lá vàng 22 karat.
Mặc dù được nhà sách Sotheran's dự trù là sẽ gửi đến New York, những người bán sách không muốn trả khoản tiền thuế nặng mà hải quan Mỹ áp lên cuốn sách.
Nó được đưa trở lại nước Anh và được Gabriel Wells mua với giá 450 bảng tại cuộc đấu giá của Sotheby's - chưa bằng một nửa mức giá bảo lưu, tức là mức thấp nhất người bán chịu bán, 1.000 bảng.
Wells, cũng như nhà sách Sotheran's trước ông, muốn đưa tuyệt tác này đến Mỹ. Không may cho ông và cho cả thế giới nữa là nó không thể đưa lên được con tàu vốn được chọn đầu tiên.
Quyết tâm phục hồi
Titanic là chuyến tàu kế tiếp và phần sau thì chúng ta đều đã biết chuyện gì xảy ra, khỏi cần phải giải thích.
Tuy nhiên, câu chuyện không kết thúc với sự kiện tàu Titanic bị chìm, hay thậm chí với cái chết kỳ lạ của Sangorski do đuối nước một vài tuần sau đó.
Cháu trai gọi Sutcliffe bằng bác là Stanley Bray quyết tâm phục hồi lại không chỉ ký ức về 'Omar Vĩ đại' mà còn là cả cuốn sách. Sử dụng những bức vẽ gốc của Sangorski, ông đã có thể tái tạo lại quyển sách sau sáu năm gian khổ và nó được đặt trong mái vòm của một nhà băng.
'Omar Vĩ đại' dường như từ lúc ra đời trở đi đã bị sao xấu chiếu mệnh, gặp xui xẻo mọi bề. Trong trận London bị oanh tạc hồi Đệ nhị Thế chiến, cuốn sách bị nát ra thành từng mảnh.
Dao động, nhưng không tan nát lòng, Bray một lần nữa xắn tay áo lên, làm lại một phiên bản nữa của bài hát thiên nga của người bác.
Tuy nhiên, lần này, quá trình chế tác không còn tính bằng năm mà là thập kỷ.
Được hoàn thành sau 40 năm lúc làm lúc nghỉ, những gian khổ của Bray đã hoàn thành một phiên bản tuyệt vời nữa mà ông đã cho Thư viện Anh quốc mượn và tài sản của ông đã để lại cho nơi này sau khi ông qua đời, nơi mà công chúng ngày nay có thể chiêm ngưỡng nó.
"Tôi không hề mê tín một chút nào," Bray nói không lâu trước khi ông qua đời, "ngay cả khi mọi người nói rằng chim công là biểu tượng của tai họa."
An trú trong hiện tại
Tuyển tập thơ Rubáiyát của Omar Khayyám là gì, và nhân vật bí ẩn này là ai mà nhà sách Sotheran's cũng như vô số những người khác, say mê đến vậy?
Là một nhà thông thái vào Thế kỷ 11 ở miền đông Iran, Khayyám ngay từ khi còn sống đã được tôn sùng do những công trình về thiên văn và toán học mang tính đột phát của ông.
Giống như những nhà thông thái Ba Tư khác như Ibn Sina, Khayyám cũng là một nhà thơ.
Bản quyền hình ảnh Alamy
Thơ của ông khác hẳn với thơ của bất kỳ nhà thơ Ba Tư nào khác trước ông, và ông chiếm một vị trí hoàn toàn đặc biệt trong toàn thế giới văn chương Ba Tư cổ điển trong nhiều thế kỷ.
Với bản tính tò mò, Khayyám tra vấn những thứ mà hầu hết những người xung quanh ông xem là hiển nhiên: đức tin, kiếp sau, ý nghĩa của cuộc sống.
Ông không tin tưởng lắm vào những lời hứa của tôn giáo, với những lời thuyết giảng về Thiên đường và Địa ngục, và thậm chí còn bày tỏ nghi ngờ về logic của Thượng đế. Chỉ có một thứ mà Khayyám biết chắc và trân quý: đó chính là cuộc sống hiện tại.
Ông hiểu rất rõ rằng - có lẽ do thời kỳ đầy biến động mà ông sống (Iran, lúc đó đang bị quân Thổ chiếm đóng, thường xuyên bị người Ả-rập xâm lấn, và những đoàn quân Mông Cổ chẳng mấy chốc sẽ tàn phá quê hương ông thành bình địa) - tính vô thường của cuộc sống và ai rồi cũng phải chết, và tầm quan trọng của việc tận hưởng những khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta còn có được trên trần thế. Tất cả những lời thuyết giảng về tôn giáo hay kiếp sau ông đều xem là vô nghĩa.
Như ông đã viết:
Nào ai đã thấy Thiên đường hay Địa ngục, cõi lòng tôi hỡi;
Để nói rằng họ đến từ nơi đó, cõi lòng tôi hỡi?
Hy vọng và nỗi sợ của chúng ta đều gắn vào đó mà,
Ngoài danh xưng và ý niệm, hết thảy đều trống rỗng
Để nói rằng họ đến từ nơi đó, cõi lòng tôi hỡi?
Hy vọng và nỗi sợ của chúng ta đều gắn vào đó mà,
Ngoài danh xưng và ý niệm, hết thảy đều trống rỗng
Mặc dù ông thường than vãn về cuộc sống phù du, ông cũng thấy rằng mình cần tận hưởng nó - với suối rượu dâng tràn (và cả một vài người tình nữa).
Bản dịch tuyệt tác
Nếu Goethe say mê Hafez, Voltaire say mê Sa'di thì nhà thơ Edward FitzGerald ở thời Victoria đã tìm thấy một tâm hồn Ba Tư đồng điệu ở Khayyám.
Khi ông bắt đầu để ý đến Khayyám thì ông đã dịch thơ của các nhà thơ Ba Tư Jami's Salaman và Absal cũng như bản rút gọn 'Hội nghị các loài chim' của Attar.
Tuy nhiên, chính Rubáiyát mới là tác phẩm đỉnh cao của ông. Mặc dù không dịch chính xác những bài thơ gốc trong tiếng Ba Tư, cách dịch rất thoát của FitzGerald đã nắm bắt được tinh thần và nhân sinh quan của Rubáiyát một cách cao độ - do đó mà tác giả còn được gọi là 'FitzOmar'.
Mặc dù không được công chúng đón nhận nhiều khi phát hành, chẳng mấy chốc quyển sách mỏng nhưng thâm sâu đã nhận được sự yêu thích mà có lẽ FitzGerald chưa bao giờ nghĩ tới.
Vào cuối thế kỷ 19, một nhóm văn chương tinh hoa ở London - Câu lạc bộ Omar Khayyám mà đến giờ vẫn còn hoạt động - được đặt tên theo Khayyám.
Bản dịch thơ Rubáiyát của FitzGerald cũng trở thành nguồn cảm hứng cho những nghệ sỹ thời tiền Raphael như William Morris, người viết hai bản thảo diễn giải tác phẩm, mà cuốn thứ hai còn có những hình vẽ minh họa của Edward Burne-Jones.
Một điều không thể phủ nhận là thơ của Khayyám đã qua được thử thách của thời gian.
Ở quê hương Iran của ông, ông là một tượng đài cao vời vợi với những quyển thơ, cũng giống như thơ của Hafez, là thứ không thể thiếu trong mỗi nhà.
Bản dịch Rubáiyát của FitzGerald cho đến nay vẫn là bản dịch tiếng Anh nổi tiếng nhất mà không bản nào sánh bằng, và tự thân nó là một tác phẩm kinh điển trong văn học Anh.
Ở những nơi khác trên thế giới, thơ của ông có thể được đọc bằng gần như tất cả mọi ngôn ngữ chúng ta có thể biết được.
Chính vì vậy, có lẽ không có gì là bí ẩn tại sao nhà sách Sotheran's lại chọn Rubáiyát là nội dung cho kỳ công đóng sách của Sutcliffe và Sangorski.
Nhưng tại sao? Làm sao mà những vầng thơ của một nhà thông thái vào thế kỷ thứ 11 lại vẫn còn giá trị không chỉ trong thời đại Victoria , hồi giữa Thế kỷ 20, mà còn của ngày nay?
Câu trả lời nằm ở tính vượt thời gian của Rubáiyát và những chân lý phổ quát không phân biệt văn hóa, tôn giáo và lý tưởng. Thật ra, vào những lúc bất ổn trong thời đại ngày nay, Rubáiyát thậm chí còn có giá trị hơn cả trong thời kỳ đảo điên khi nó được sáng tác.
Liệu tác giả của quyển thơ xa xỉ nhất mà con người từng chế tác sẽ nói gì về thế giới điên loạn của chúng ta nếu ông ấy còn sống đến ngày nay?
Có lẽ, như thơ của nhà thông thái đã viết:
Dòng đời vùn vụt trôi như tên bắn
Hãy tìm khoảnh khắc sướng vui rồi sẽ qua mau
Này tên hầu rượu, sao lại than van về nỗi khổ ngày mai?
Hãy đem cốc ra đây, vì đêm sẽ chóng tàn phai
Hãy tìm khoảnh khắc sướng vui rồi sẽ qua mau
Này tên hầu rượu, sao lại than van về nỗi khổ ngày mai?
Hãy đem cốc ra đây, vì đêm sẽ chóng tàn phai
Bài tiếng Anh đã được đăng trên BBC Culture.
Joobin Bekhrad BBC Culture
Joobin Bekhrad BBC Culture