Những Lễ Hội dân gian Thừa Thiên-Huế. Với các vấn đề truyền thống và hiện đại. Trải qua bao năm tháng, từ sau cách mạng tháng 8, một số lễ hội đã đi vào quên lãng (như tục “hát trò”, hát “sắc bùa” và múa “tập chèo” ở Phò Trạch), một số lễ hội dần được phục hồi, và hiện nay ngày càng có cơ hội phát triển, quy mô tổ chức càng rộng lớn, đòi hỏi sự góp công góp sức của toàn thể dân làng như lễ hội Cầu ngư ở xã Thuận An, lễ thu tế ở xã An Truyền hiện tại.
Đó là một vấn đề có tính cách, văn hóa cần phải được sự quan tâm của xã hội trong bối cảnh lịch sử hiện nay. Việc tổ chức lễ thu tế và cầu ngư ở 2 xã An Truyền và Thuận An càng ngày càng có quy mô lớn gợi ta câu hỏi: phải chăng ngày nay lễ hội đã đáp ứng được nguyện vọng tinh thần của cộng đồng người Việt ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung? Cần phải có sự so sánh cách tổ chức lễ hội từ sau ngày giải phóng miền Nam 1975 cho đến bây giờ mới thấy rõ sự tiến triển trong quy mô tổ chức, sự phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống…
Sau những đợt bài trừ văn hóa nô dịch, phản động, đồi trụy và chiến dịch, bài trừ mê tín dị đoan được thi hành rầm rộ vào những năm sau giải phóng, những lễ hội dân gian truyền thống được thu hẹp lại về tổ chức, hoặc cử hành có tính chất nội bộ, rất hạn chế. Hình thức cúng bái cũng giảm sút, nhưng dần dần do nền kinh tế quốc dân được phục hồi, chính quyền có cái nhìn thoáng hơn về nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân, nhu cầu ấy ngày càng trở nên khẩn thiết khi cuộc sống vật chất phần nào được đáp ứng. Khi gánh nặng vật chất dương thế nhẹ bớt thì con người bỗng cảm thấy mình thiếu sót trách nhiệm nếu không lưu tâm đến đời sống tinh thần.
Hơn nữa, truyền thống trọng tổ tiên, tôn cổ điển vốn là một truyền thống tốt đẹp bao đời bám sâu gốc rễ vào con người Thừa Thiên – Huế, không dễ gì mà dứt bỏ được. Đối với cộng đồng làng xã, nơi từ lâu vốn ít bị làn sóng văn minh vật chất phương Tây xâm nhập, lại càng có ý thức bảo lưu tinh thần này một cách mạnh mẽ. Ngày nay dù các phương tiện truyền thanh truyền hình hiện đại mở rộng tầm ảnh hưởng, nạn vi-déo đen, sách đen, hiện tượng ô nhiễm văn hóa đồi trụy đang được cấp thiết báo động, tệ nạn xâm phạm đạo lý cổ truyền, những hành động tiêu cực trong xã hội phơi bày vẫn không thể đánh bật được tinh thần bảo lưu văn hóa truyền thống lưu truyền từ bao thế hệ. Một lý do khác, các hình thức lễ hội mới còn nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn khối đông đảo quần chúng nên từ tâm thức sâu xa của mỗi con người, nhu cầu trở về nguồn cội, kính nhớ công lao tổ tiên vẫn là một nhu cầu khẩn thiết, phù hợp với tâm lý đông đảo quần chúng trong tình thế mới. Đó là sự phục hưng đạo lý truyền thống, một phản ứng của nhân dân nhằm bảo vệ luân lý, đạo đức dân tộc trước sự xâm nhập văn hóa ngoại lai có các khuynh hướng không mấy tốt đẹp từ các phương trời khác đến.
Hình ảnh Lễ hội Điện Hòn Chén – Thừa Thiên Huế
Điện Hòn Chén
Hàng năm lễ hội được tổ chức hai lần vào dịp xuân tế (mùng 2, 3 tháng 3 âm lịch) và thu tế (tháng 7 âm lịch) tại Điện Hòn Chén làng Hải Cát, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Lễ hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Lễ hội rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ làng Hải Cát, tại khu vực trên sông trước điện, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, thu hút hàng trăm chiếc thuyền ngược dòng sông Hương..
Lễ hội rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu cử hành trên những chiếc bằng. Trên mỗi bằng có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị thượng Ngàn và Thuỷ Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất.
|