Tết nầy là tết "Con Gà" nên nói về gà đá, mời các Huynh Đệ Tỷ Muội cùng xem những con gà đá sau đây... Gà Tử Mị (Giả chết)
Gà Tử Mị có một đặc điểm là không ngủ trên cây mà chuyên ngủ dưới đất, hai cánh thả thòng xuống hai bên hoặc xòe ra như phơi nắng, đầu đưa về phía trước, gối đầu trên đất, đôi chân thì cái duỗi, cái co trông như bộ dạng con gà chết. Loại gà này hay và vang danh thiên hạ, thuộc dòng Linh kê. Khi ra đấu trường, những nước đầu gà Tử Mị đá chẳng ra đâu vào đâu vì mắt còn lim dim, thỉnh thoảng lại nằm gục đầu, xõa cánh như lúc ngủ, người ngoài nhìn vào tưởng là gà mệt, gần thua nhưng khi vô nước, mang vào cho đá tiếp thì chỉ một vài đòn trổ tài là làm cho cả đấu trường gà phải kinh ngạc và tiếc thương cho con gà kia phải cúi đầu tẩu mã hoặc chịu thua. Khoảng từ hồ 4 trở đi thì ra đòn nhanh như sét đánh, mạnh như búa tạ giáng, lại linh hoạt, khôn ngoan nên luôn đưa ra những đòn đá đẹp và hiểm hóc. Thuộc loại văn võ song toàn nên thường mang thắng lợi về cho chủ gà. Gà này cho dù chân có vảy xấu hay vảy rủi thì vẫn được chủ kê chuộng và cưng. Sách gà của tác giả Nguyễn Tú viết “Tử Mị: giả chết. Gà Tử Mị tối ngủ dưới đất thì chẳng khác gì con gà đã chết rồi. Chân nó ngay đơ hay xoạc ra, hai cánh giang rộng ra cho thoải mái, cần cổ vươn ra phía trước. Nhìn con gà nằm ngủ trông thật thảm hại. Nếu nó nằm trên cây mà ngủ thì hai cánh xòe ra, đầu chúi xuống, khi ngủ thì mê mệt, li bì, động tĩnh không hay biết”. Theo học giả Toan Ánh thì “Gà Tử Mị có hai loại: loại thứ nhất lúc ngủ nằm ngay đầu, sải cánh, xuôi giò, còn loại thứ hai thì lúc ngủ đôi giò móc lên cây, như dơi, đầu thõng xuống, đôi cánh buông xuôi”.
Sách gà của tác giả Xuân Tùng lại phân biệt gà Tử Mị với gà Mị Khất như sau: “Tử Mị: ban đêm ngủ như chết, đầu đặt sát đất”. “Mị Khất: ban đêm, gà ngủ ‘tướng’ rất thảm thiết, đáng thương, đầu bỏ vào cánh, lại rớt ra, chống mỏ xuống đất”. Gà Mị Khất ngủ bất thường, khi ngủ đầu thì bỏ ra ngoài nhưng thường là chui vào cánh, sau đó ngủ quên nên rớt đầu ra ngoài, cắm mỏ xuống đất, tướng trông thảm thiết, đáng thương.
Tác giả Phan Kim Hồng Phúc còn đề cập đến một loại gà quý nữa là “Tử Mị Trường”, tức ra đến đấu trường mà vẫn còn ngủ gà ngủ gật. Đây là một giống gà hiếm, khi mang ra trường đấu thì mắt lim dim như buồn ngủ, nhìn như không bận tâm gì đến mọi chuyện xung quanh, bất kể ồn ào, cứ đứng tỉnh bơ như thả hồn lên cung trăng, nước da tái nhợt. Nhưng khi cáp độ xong, chủ vào nước cho gà thì nó lại trở nên hoạt bát, linh động, nếu là gà cựa thì khi được mang đôi cựa sắt vào thì đôi đoản đao này sẽ chui vào hang cua, đâm thấu phổi đối phương, phần lớn gà này chỉ toàn thấy thắng. Đây là loại gà văn võ song toàn, vừa biết dùng mưu vừa biết dùng sức.
Nếu căn cứ vào dáng ngủ thì gà Tử Mị rất hiếm. Ngày nay, đa số gà được gọi “Tử Mị” không hề “xoạc chân, giang cánh”, chẳng qua khi ngủ đầu rớt ra khỏi cánh mà thôi; như vậy chúng đều là gà “Mị Khất” như những con dưới đây.
Hình minh họa gà “Mị Khất”
Gà Nhật Nguyệt.
Cựa Gà Nhật Nguyệt có hai màu, cựa chân này màu đen thì cựa chân kia màu trắng. Những con gà có cựa nhật nguyệt thường ra đòn hiểm và độc. Nếu là gà cựa thì có thể giết chết đối phương trong nháy mắt, là gà đòn thì đá gãy cần [cổ] đối phương dễ như trở bàn tay. Chú ý kẻo nhầm lẫn với gà cựa tam lan (tức cựa có màu trắng đen lem nhem).
Hình minh họa gà “Nhật Nguyệt”
Gà Thư Hùng Kê
Chân gà Thư Hùng Kê có hai màu, chân này màu trắng thì chân kia màu đen, hoặc chân này màu xanh thì chân kia màu vàng. Còn nếu chân không thuộc vào nhóm màu như trên hay chân trắng chân xanh thì cũng không được xem là Thư hùng kê mà đó chỉ là gà bị lai hoặc bị cận huyết. Sách gà của tác giả Xuân Tùng có viết “Gà có một chân đen một chân trắng hay một chân vàng một chân xanh... Tóm lại, hai chân mỗi chân mỗi màu riêng biệt”. Còn sách gà Phan Kim Hồng Phúc viết “Đôi chân gà khác màu nhau gọi là thư hùng nhật nguyệt là gà rất hiếm, gặp được là diễm phúc”.
Hình minh họa gà “Thư Hùng Kê”..
Gà Lưỡng Nhãn
Mắt gà Lưỡng Nhãn có 2 màu khác nhau. Theo tác giả Nguyễn Tú thì đây cũng là một loại gà thuộc loại Linh kê.
Hình minh họa gà “Lưỡng Nhãn”.
|
|