Chúng ta cùng trở về nhìn lại Sài Gòn từ một ký ức xa tắp mù khơi, xem lại những hình ảnh Sài Gòn ngày xưa để nhớ, và nuối tiếc cho một Sài Gòn trang trọng, một thời được mệnh danh " Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông". .
Chúng ta tiếp tục dạo quanh ngắm nhìn những rạp hát cải lương của ngày xưa... Có một thời cải lương ở Sài Gòn rất được ưa chuộng. Đó là giai đọan rất thịnh hay giai đọan lên ngôi của cải lương miền nam Việt Nam, nhiều rạp cải lương mọc lên chẳng thua kèm gì các rạp chiếu phim thời đó. Và một số chủ rạp chiếu phim thấy có nhiều đoàn hát cải lương, khán giả cải lương đông đảo hơn khán giả xem phim nên họ sửa các rạp chiếu phim thành rạp hát cải lương...
Rạp Aristo là một rạp hát cải lương lớn ở Sài Gòn trước năm 1954, rạp Aristo, còn có tên gọi là Trung Ương Hí Viện, nằm trên đường Colonnel Budonnet sau này là đường Lê Lai cho tới ngày nay. Đây từng là nơi trình diễn thường trực của đoàn Kim Chung, di cư từ miền bắc vào nam.... Trở về quá khứ cuối thập niên 40
Không ai còn nhớ tên người chủ rạp Aristo,và cũng không ai biết nó có tự bao giờ. Thuở đầu tiên, nơi đó là một nhà hàng sang trọng, có một sân khấu nhỏ để những tối thứ bảy, ban đờn ca tài tử đến ca giúp vui cho thực khách. Có khi chủ nhà hàng thay ban đờn ca cổ nhạc bằng một dàn nhạc nhẹ chuyên trình tấu các bản nhạc cổ điển Pháp, dàn nhạc Tây có piano, violin, saxo, clarinette. Trong số thực khách quen thuộc có ông Trưởng tòa Phan Văn Thiết, ông Đốc phủ Đỗ Văn Rỡ, ký giả Trần Tấn Quốc, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý, ông Nguyễn Công Thiện, Giám đốc hãng xăng Esso-Sài Gòn, là những người say mê nghệ thuật hát bội nên thường rước các ban hát bội về hát tại nhà hàng Aristo. Đầu năm 1940, do khán giả đến xem hát rất đông nên ông chủ nhà hàng mới dẹp cái restaurant đó, phá nó để xây lại thành một rạp hát đàng hoàng, có sân khấu theo đúng tiêu chuẩn của một rạp hát lớn, có hậu trường, có hầm sân khấu và khán phòng với 800 ghế ngồi bọc simili đỏ (vải cao su giả da màu đỏ) giống các rạp chiếu phim Tây như rạp Moderne, rạp Majestic, rạp Eden..v..v... Rạp Aristo từng được các đoàn cải lương đại ban về diễn như gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ-Chín Bia, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh hát thi ca vũ nhạc Nam Hồng của bầu Trình, gánh hát Hoa Sen của bầu Bảy Cao, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu.
* Một số sự kiện lớn liên quan đến rạp Aristo:
Hai phong trào: Chấn Hưng Hát Bội và Canh Tân Hát Bội cũng được tổ chức tại rạp Aristo: Năm 1948-1949, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý và bác sĩ Võ Duy Thạch phối hợp với ký giả Trần Tấn Quốc, Đốc phủ sứ Đỗ Văn Rỡ và Trưởng tòa Phan Văn Thiết mời các ban hát bội về diễn tại rạp Aristo, với các thành phần diễn viên tài danh nhất của ngành hát bội như Năm Đồ, Mười Sự, Minh Tơ, Mười Vàng, Tám Văn, Năm Còn, Tư Châu, Ba Út, Kim Chắc… Họ hát các tuồng thầy như: San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Trầm Hương Các; và các tuồng hát bội với cốt truyện Tàu như: Trảm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân, Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Xử Án Bàng Quí Phi…
Lúc đó, có những nghệ sĩ muốn Canh Tân Hát Bội bằng cách tuy vẫn hát tích truyện cũ nhưng lời văn bỏ bớt những câu chữ Nho, bớt lối văn biền ngẩu mà thay vào đó bằng những câu văn thường hoặc sau khi hát câu chữ Nho, nghệ sĩ nói lối thêm bằng văn thường để nói lên ý nghĩa của câu chữ Nho vừa mới hát giúp cho khán giả không biết chữ Nho có thể hiểu cốt truyện tuồng. Ngoài ra, những người chủ trương Canh Tân Hát Bội còn bớt lối hát Nam, hát Khách bằng cách xen vào ca các bài bản cải lương theo lối hát cải lương tuồng Tàu. Họ lượt bỏ khỏi dàn nhạc hát bội những trống chiêng, kèn lá, thêm tranh cảnh và y trang như các đoàn hát tuồng Tàu, các đoàn hát Quảng Đông. Nhiều nghệ sĩ hát bội bậc thầy như Tám Văn, Mười Vàng, Năm Đồ, Ba Út và các nhà trí thức say mê nghệ thuật hát bội như các ông Đỗ Văn Rỡ, Thân Văn Nguyễn Văn Quí, ký giả Trần Tấn Quốc đã vận động báo chí ủng hộ sự thành lập Ban Chấn Hưng Hát Bội do ông Thân Văn Nguyễn Văn Quí và bác sĩ Võ Duy Thạch trực tiếp điều hành. Đây là một hội đoàn tư nhân, họ kiên trì vận động các nghệ sĩ hát bội có tâm huyết với nghề để bảo vệ nghệ thuật cổ truyền, chống sự lai tạp theo kiểu hát bội pha cải lương. Hội Khuyến Học Nam Việt tích cực vận động các ký giả các nhật báo và tạp chí văn học, các nhà trí thức thích xem hát ủng hộ chủ trương đứng đắn của Ban Chấn Hưng Hát Bội, nên vào năm 1952 Ban Chấn Hưng Hát Bội xin được giấy phép thành lập Hội Khuyến Lệ Cổ Ca do chánh phủ Nam Việt cấp. Hội Khuyến Lệ Cổ Ca lấy rạp Aristo làm trụ sở, mở nhiều cuộc hội họp diễn thuyết chủ trương của Hội. Đoàn Việt Kịch Năm Châu với chủ trương “Sân Khấu Thật và Đẹp” tại rạp Aristo: Sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ là đoàn Việt Kịch Năm Châu công bố chủ trương thực hiện một sân khấu “Thật và Đẹp” trong dịp tổ chức cúng Tổ năm 1952 tại rạp Aristo.
Đứng đầu các ký giả có nhiệt tâm với nghệ thuật sân khấu là ông Trần Tấn Quốc, ông nhiệt liệt hoan hô và tán thành chủ trương thực hiện một sân khấu “Thật và Đẹp” của nghệ sĩ Năm Châu. Do quan niệm sân khấu cải lương “Thật và Đẹp” nên soạn giả Năm Châu hướng dẫn cho nghệ sĩ trong đoàn hát nên chú trọng nghệ thuật diễn xuất, biểu hiện nội tâm nhân vật qua lời đối thoại, bớt ca cổ nhạc. Trong tuồng ít viết vọng cổ và trước khi nghệ sĩ ca vọng cổ, dàn đờn không rao trước để cho nghệ sĩ bắt hơi. Nghệ sĩ diễn như diễn kịch và ca cổ nhạc theo khuynh hướng ca nói (ca như nói chớ không đưa hơi ơ… ơ… như lối ca từ trước đến nay). Đoàn Việt Kịch Năm Châu mất dần khán giả vì trong thời kỳ này khán giả thích nghe ca vọng cổ với những giọng ca vàng như giọng ca của Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Hương, Út Bạch Lan. Rạp Aristo: Nơi khai sinh đoàn cải lương Kim Thanh-Út Trà Ôn : Cuối năm 1954, sau khi mãn hợp đồng với đoàn hát Thanh Minh bầu Năm Nghĩa, các nghệ sĩ Kim Chưởng, Út Trà Ôn, Thanh Tao và Thúy Nga hợp tác với nhau thành lập đoàn hát Kim Thanh-Út Trà Ôn (Kim Thanh-Út Trà Ôn là tên ghép của ba danh ca Kim Chưởng + Thanh Tao + Út Trà Ôn). Đoàn cải lương Kim Thanh mướn rạp Aristo với một giá thật rẻ để làm chỗ tập tuồng, đóng cảnh trí và quy tụ nghệ sĩ. Từ năm 1953-1954, ít khán giả đến rạp Aristo xem hát vì các đoàn hát lớn hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Thành Xương, là những rạp ở mặt tiền đường lớn. Ông chủ rạp cho đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn mướn với giá rẻ để đoàn hát làm chỗ tập tuồng với ý muốn nhờ đoàn Kim Thanh mà phục hồi phong độ của rạp Aristo như hồi cực thịnh (năm 1940-1952). Đòan Kim Thanh-Út Trà Ôn hát khai trương tuồng Tình Duyên Hoa Thắm vào ngày 04/01/1955, hát vở này suốt 3 tuần lễ. Thành phần nghệ sĩ gồm có danh ca Út Trà Ôn, Thanh Tao, Phước Trọng, Kim Chưởng, Thanh Hương, Thúy Nga, Út Bạch Lan,…và hát các tuồng: Trăng Nước Lam Giang, Tình Duyên Hoa Thắm, Thoại Khanh Châu Tuấn, Sau Bức Màn Nhung.
Rạp Aristo: Nơi khai sinh và diễn thường trực của đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt:
Vào tháng 10 năm 1954, ông bầu Trần Viết Long ký hợp đồng mướn rạp Aristo trong một năm với một giá rất rẻ để làm nơi tập tuồng và củng cố lại đoàn hát Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt vừa mới di cư vào Nam sau hiệp định đình chiến Genèvre 54. Thời kỳ đó chưa có đoàn hát nào ở miền Nam hát thường trực hằng tháng ở một rạp. Thế nhưng đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt đã lập kỷ lục hát liên tục 40 suất một vở tuồng (tuồng Trăng Giãi Đêm Sương) tại rạp Aristo, khiến cho báo chí, nghệ sĩ và các ông bà bầu gánh hát cải lương miền Nam phải chú ý và để tâm nghiên cứu hiện tượng này. Đến năm 1958, đoàn Kim Chung không thu hút được khán giả nữa. Và sau năm 1958, khi Kim Chung mướn rạp Olympic làm nơi diễn thường trực thì rạp Aristo bị bỏ hoang, cho đến sau năm 1975, vùng đất này được dùng làm nơi cất lên khách sạn năm sao, Sài Gòn New World Hotel, chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của rạp hát Aristo.
Rạp hát Aristo sau 75 đã biến thành khách sạn năm sao, "Sài Gòn New World Hotel" chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của rạp hát Aristo....
|
|